Douglas Pike (Linh Đỗ dịch)
Xem Kỳ 1
Đài Phát thanh Giải phóng
Là “Tiếng nói của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc”, Đài Phát thanh Giải Phóng bắt đầu phát sóng ngày 1 tháng 2 năm 1962. Trước đó, các chương trình truyền thanh bí mật được phát sóng rời rạc từ Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là từ trạm phát thanh “Tiếng Nói Giải Phóng.” Tần số phát sóng của đài thay đổi thường xuyên cho thấy hệ thống điều khiển di chuyển thường xuyên trên một sà lan để tránh sự truy quét của Việt Nam Cộng Hòa. Cuối năm 1961, sau khi một cơn bão nhiệt đới quét qua miền nam của Đồng bằng sông Cửu Long, trạm này dừng phát sóng một thời gian và sau đó dừng hẳn. Ở Sài Gòn trong thời gian này, người ta đồn đoán rằng chiếc sà lan đã bị chìm.
Trong chương trình phát thanh đầu tiên, đài Phát thanh Giải Phóng tuyên bố mục đích của trạm phát thanh mới này là:
“đưa tin về cuộc đấu tranh cam go và phức tạp của người dân miền Nam, lên án tội ác dã man của đế quốc Mỹ và bè lũ Ngô Đình Diệm, và thông báo với người dân yêu nước về đường lối chính sách của MTDTGPMNVN, cùng với những bài học kinh nghiệm trong đấu tranh của Mặt Trận, nhằm đóng góp vào cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam tiến tới thắng lợi cuối cùng.”
Ban đầu, Đài phát thanh trên tần số 7,393 kilo-héc với tổng thời lượng 90 phút một ngày, trong đó 30 phút bằng tiếng Việt, 15 phút tiếng Anh, tiếng Campuchia, tiếng Pháp, tiếng Trung (xen kẽ tiếng Phổ thông và tiếng Quan Thoại). Vào tháng 7 năm 1963, thời lượng phát sóng bằng tiếng Việt tăng lên 2.5 giờ/ngày, và tới cuối năm 1964, tổng thời lượng phát sóng trung bình khoảng 5.5 giờ/ngày, một số chương trình được phát đi phát lại. Tín hiệu đài ban đầu yếu và không rõ và sau này, trung bình chỉ khoảng 60% tín hiệu là nghe được ở Sài Gòn kể cả khi dùng các máy thu sóng tiên tiến nhất. Đài bị Việt Nam Cộng Hòa can thiệp nên ước lượng chỉ khoảng 10% tín hiệu đài đến được với người dân nông thôn với thiết bị thu sóng bình thường. Ban đầu khi phát thanh bằng tiếng Việt, một ngày phát thanh điển hình của Đài thường mở đầu bằng nhạc hiệu “Nhân dân miền Nam anh hùng đứng lên vượt qua bão bùng”[i] (vào tháng 10 năm 1964 thì thay bằng bài “Nhân dân miền Nam vùng lên kháng chiến cứu nước dưới ngọn cờ của MTDTGPMNVN”[ii]); sau đó là 5 phút báo cáo về cuộc bầu cử của Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải Phóng, danh sách ủy viên mới của Ban chấp hành; 5 phút bình luận với tựa đề “Tội ác Mỹ-Diệm”; 10 phút nói chuyện về chủ đề “Cơ cấu tổ chức hiện nay của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam”; 10 phút phóng sự về “Vấn đề thường nhật”; một chương trình đối thoại về “Chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Sài Gòn hôm nay.” Sau này, khung chương trình của Đài được chuẩn hóa ở dạng 30 phút cho mỗi chương trình (vào cuối năm 1964, Đài Phát thanh Giải Phóng trung bình phát đi 9 chương trình 30 phút bằng tiếng Việt mỗi ngày). Lúc này Đài có ba loại chương trình, xen kẽ bằng âm nhạc: chương trình tin tức và bình luận; phóng sự và các chương trình theo chủ điểm; và chương trình văn hóa nghệ thuật. Các phóng sự ví dụ như “Kèn Ấp Bắc” (bình luận về năng lực quân sự của MTDTGPMNVN) vào thứ Ba, “Điểm Tin Miền Nam” vào thứ năm, và “Cuộc Sống ở Vùng Giải Phóng” vào thứ bảy. Tiêu đề của một số chương trình văn hóa tiêu biểu bao gồm “Những Câu Chuyện về Miền Nam Kiên Cường” (dạng phim truyền hình dài tập nhưng là dạng đọc thay vì diễn xuất), “Những Bài Thơ Chiến Đấu”, và các chương trình âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Những tuyên bố quan trọng như của Ủy Ban Trung Ương MTDTGPMNVN sẽ được phát đi phát lại cả chục lần trong ngày để chắc chắn rằng thông điệp được truyền đi.
Đài Phát Thanh Hà Nội (Đài Tiếng Nói Việt Nam) phát sóng trung qua một hệ thống gồm 3 hệ phát thanh: Hệ phát thanh thứ 1 nhắm tới vào người dân miền Bắc; Hệ phát thanh thứ 2 phát 5 giờ một ngày dành cho miền Nam Việt Nam; và Hệ phát thanh thứ 3 dành cho cả hai miền nhưng chủ yếu là miền Bắc. Đài Hà Nội chủ yếu phát các chương trình văn hóa và tri thức phỏng theo kênh 3 của đài BBC. Hà Nội cũng phát sóng ngắn đến Đông Nam Á và Châu Âu bằng tiếng Anh, Pháp, và một số ngôn ngữ khác. Tháng 9 năm 1964, Hannah Hà Nội [thuật ngữ lính Mỹ dùng để chỉ một số nữ phát thanh viên của Đài Hà Nội chuyên đọc tin tuyên truyền kêu gọi lính Mỹ đào ngũ, nổi bật nhất là Trịnh Thị Ngọ – chú thích của người dịch] phát sóng chương trình 30 phút một ngày bằng tiếng Anh tới lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đài Hà Nội cũng phát thanh tin đọc chậm trên các băng tần khác cho miền Nam Việt Nam. Chương trình này cũng như phần nhiều các chương trình của Đài Hà Nội và Đài Giải Phóng không hẳn là dành cho số đông quần chúng mà thực tế là cầu nối thông tin quan trọng của MTDTGPMNVN tới các làng xã. Một biên bản ghi nhớ của MTDTGPMNVN vào giữa năm 1964 viết rằng:
Chương trình tin tức đọc chậm là công cụ nhanh nhất để truyền đi tin tức với chất lượng tốt nhất vốn là giá trị to lớn nhất đối với các tuyên truyền viên chính trị … Ủy Ban Trung Ương tại cấp tỉnh được yêu cầu phải thúc giục các tổ chức cấp làng xã phát tán rộng rãi tin tức chép được từ các chương trình phát thanh…Các tin tức này cũng được dùng để tuyên truyền theo hình thức truyền miệng.
Đài Hà Nội còn phát sóng hàng ngày “chương trình chép tài liệu”. Trong chương trình này, các chỉ thị và tuyên bố chính thức của Đảng được đọc chậm để các tuyên truyền viên chính trị địa phương có thể chép lại. Mặc dù chương trình này chủ yếu dành cho cán bộ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc, một số chỉ thị được áp dụng và quan tâm ở miền Nam. Đài Hà Nội tự nhận họ có lượng thính giả lớn ở miền Nam. Ví dụ, ngày 3 tháng 7 năm 1964, Đài này khẳng định rằng:
“Dân làng Tân Phú nghe Đài Tiếng Nói Việt Nam hàng ngày để học hỏi kinh nghiệm nông nghiệp, chống hạn, chống ngập, v.v … Dân làng đặc biệt theo dõi chương trình liên quan đến khoa học và kỹ thuật nông nghiệp … và học hỏi cách nhân dân miền Bắc chống chọi trước sự bất thường của tự nhiên.”
Không chỉ can thiệp vào các chương trình phát thanh của Cộng Sản, Việt Nam Cộng Hòa còn dùng các thiết bị chống phá phát thanh. Đài Giải Phóng vào ngay 9 tháng 8 năm 1962 cảnh báo thính giả rằng gần đây kẻ thù dựng lên Đài Giải Phóng giả mạo có cùng tần số và nhạc hiệu với Đài của chúng ta … chúng đã phát tin sai sự thật và bóp méo lập luận về cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam./.
Chú thích:
[i] Có lẽ tác giả muốn nói tới bài hát “Giải phóng miền Nam” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước với câu hát “Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng! Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng…”
[ii] Chưa rõ ý tác giả muốn đề cập tới bài hát nào