Douglas Pike (Linh Đỗ dịch – bài đăng trên Tạp chí Phương Đông số 6-2020)
Báo chí truyền thông là một công cụ thiết yếu và đắc lực trong bất kỳ cuộc cách mạng nào. Cách mạng không thể thành công nếu truyền thông không thực hiện tốt vai trò truyền bá thông tin, cổ vũ tinh thần và kết nối quần chúng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mặc dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn về vật chất, kỹ thuật, nhưng các cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và MTDTGPMNVN đã vận dụng rất tài tình các phương tiện thông tin, báo chí để khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của người dân, đồng thời phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Mặt trận, từ đó góp phần to lớn vào công cuộc thống nhất đất nước. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng trân trọng giới thiệu một trích đoạn trong cuốn sách “Viet Cong” của tác giả Douglas Pike[i] viết về những kênh báo chí đa dạng mà MTDTGPMNVN vận dụng từ khi Mặt trận được thành lập vào năm 1960 đến năm 1966, thời điểm cuốn sách được xuất bản.
***
Với dân chúng tựu chung không được tiếp cận nhiều với truyền thông đại chúng, và với một hệ thống truyền thông đại chúng theo nghĩa rất thô sơ, lãnh đạo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) hiểu rõ rằng họ có thể dùng phương tiện truyền thông dạng báo giấy và truyền thanh bí mật như những công cụ hỗ trợ các phương tiện truyền thông trực tiếp hơn, hoặc như những kênh truyền thông khi các phương tiện khác, ví dụ như việc giao tiếp với người Mỹ ở Việt Nam, bị phong tỏa. Xuyên suốt thời kỳ này, truyền thông đại chúng rõ ràng được sử dụng ở vai trò thứ hai.
Những xuất bản phẩm mang tính Cộng sản và dân tộc chủ nghĩa ghi dấu bối cảnh Đông Dương từ thuở ban đầu của các hoạt động cách mạng, một trong những xuất bản phẩm sớm nhất là tờ Bạn Dân của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Việt Nam, tờ báo xuất bản đầu những năm 1930[ii] tại khu vực Hà Nội. Năm 1937, khi Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Việt Nam đổi tên thành Đoàn Thanh Niên Dân Chủ Đông Dương, báo này chia thành hai đơn vị, đó là tờ Thế Giới ở Hà Nội và Mới ở Sài Gòn. Báo chí của Việt Minh trong những năm 1950 gồm khoảng 150 tạp chí, bao gồm 49 tạp chí được xuất bản tại Nam Kỳ (với 2 tạp chí tiếng Pháp, 1 tiếng Đức và 1 tiếng Anh), tất cả đều nằm dưới quyền kiểm soát của Tổng Giám đốc Nha Thông tin của Việt Minh là ông Trần Văn Giàu. Ba trong số 49 xuất bản phẩm này là những tờ báo lớn: Cứu Quốc – cơ quan ngôn luận của Đảng Liên Việt – cho tới cuối năm 1951, tờ này xuất bản được 22 số với mức phát hành trung bình khoảng 160.000 bản; Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao Động – do Trường Chinh lãnh đạo với lượng bản in trung bình khoảng 24.000 ở miền Nam và 27.000 ở miền Bắc; Sự Thật – phục vụ cán sự Đảng. Thêm vào đó, Việt Minh còn vận hành một hệ thống các báo địa phương và hàng loạt những tạp chí dành cho các nhóm xã hội như quân đội, nông dân, sinh viên, phụ nữ, và những người theo Công giáo. Tổng Giám đốc Nha Thông tin còn chỉ đạo in thêm các tờ Cứu Quốc và Nhân Dân cho báo địa phương kèm theo các bài xã luận, câu chuyện mới, và những bài bình luận được đọc chậm bởi Đài Phát thanh Việt Minh. Việt Minh cũng có cơ quan đại diện ở Bangkok để làm công việc liên lạc với các cơ quan tin tức và phóng viên nước ngoài, có thời gian văn phòng này cũng ấn hành một bản tin và phát hành nó đi khắp thế giới.
MTDTGPMNVN mặc dù coi truyền thông đại chúng như những công cụ hỗ trợ, nhưng vẫn công nhận các phương tiện này là những sự trợ giúp đắc lực. Chỉ thị của Ban Chấp Hành Trung Ương về công tác tuyên truyền chính trị nêu rõ:
“Chúng ta có thể giúp đạt được những thành tựu cách mạng bằng cách dùng tin tức cho những mục đích truyền bá tư tưởng. Các tuyên truyền viên chính trị có thể dùng các tin tức hiện thời để nâng cao nhiệt huyết và niềm tin của quần chúng đối với cách mạng, khắc họa những thất bại của kẻ thù và mô tả chiến công đạt được tại các nước xã hội chủ nghĩa và các quốc gia độc lập, dân chủ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cũng như thông tin cho người dân về những chiến thắng của quân ta trên khắp cả nước… Tuy nhiên, một số tuyên truyền viên đã không thực sự hiểu giá trị của tin tức hiện thời trong công tác tuyên truyền chính trị, không tận dụng được các tờ báo, tờ tin, đài phát thanh, và không phổ biến được những phương tiện truyền thông này tới đại chúng.”
Báo và ấn phẩm thường kỳ
Từ 1960 đến 1965, hệ thống báo chí của MTDTGPMNVN đã trải qua ba giai đoạn: giai đoạn báo chí cấp tỉnh từ đầu năm 1960 đến đầu năm 1963; giai đoạn báo chí cấp khu vực từ đoạn sau của năm 1963 đến cuối năm 1964; và báo chí phong cách Cộng Sản từ sau năm 1964.
Sau khi đất nước bị chia cắt vào năm 1954, trước khi chuyển lên phía bắc, lực lượng Việt Minh đã chôn lấp ít nhất một chục xưởng in cỡ nhỏ bao gồm mẫu chữ và mực; những thứ này về sau được Việt Minh khôi phục lại và tái sử dụng, bởi các khuôn chữ (letter press) làm bằng gang và mực in thường không thể bị phá hủy. Báo và các ấn phẩm đều được MTDTGPMNVN in bằng máy in Roneo tại các căn cứ của mình hoặc in bí mật trong các thành phố. Giấy in được mua tại Sài Gòn, tuồn về từ Campuchia và từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, hoặc được làm tại chỗ từ cây tre. MTDTGPMNVN trong thời kỳ 1960-1961 đã thử xuất bản một tờ báo ở tất cả các địa phương và những tờ báo đã xuất hiện rải rác ở một phần ba số địa phương này. Tên của những tờ báo thường chứa từ Giải Phóng; những tờ phổ biến nhất là Quảng Ngãi Giải Phóng, Bình Dương Giải Phóng, Cần Thơ Giải Phóng (tỉnh Phong Dinh), và Bà Rịa Giải Phóng (tỉnh Phước Long). Những tờ ít phổ biến hơn trong giai đoạn này bao gồm Quân Giải Phóng dành cho lính du kích, Tây Nam Bộ Chống Mỹ, Phụ Nữ Giải Phóng, Bản Tin Khơ Me (xuất bản tại tỉnh Vĩnh Bình bằng tiếng Campuchia), và Miền Nam Chiến Đấu bằng tiếng Anh do Ủy Ban Đối Ngoại, đứng đầu là Giám đốc Lê Văn Thả, phát hành. Những văn bản lưu hành nội bộ của MTDTGPMNVN thỉnh thoảng có đề cập đến tờ Ma Bec ở tỉnh Đắc Lắc và Vương Lê (đôi khi Vương Lên)[iii] là những tờ báo của người Tây Nguyên, được cho là xuất bản bằng tiếng Ê Đê và Gia Rai nhưng tác giả không có bất kỳ một bản in nào của những tờ báo này. Vì tỉ lệ biết chữ thấp và sự đa dạng trong thổ ngữ ở vùng cao nguyên, MTDTGPMNVN khó có thể dùng các ấn phẩm để đem lại hiệu quả tuyên truyền với người miền núi. Có thể những tờ báo được xuất bản sáu tuần một lần. Họ phân phát năm bản của mỗi tờ báo tỉnh đó tới mỗi thôn làng, 20-30 gia đình chia nhau đọc chung một tờ báo.
Giữa 1963, Ủy Ban Trung Ương MTDTGPMNVN đã xóa bỏ hệ thống báo chí cấp tỉnh. Một biên bản ghi nhớ tại thời điểm đó có đề cập những thiếu sót của hệ thống báo chí cấp tỉnh như sau:
“Cán bộ cấp dưới không cung cấp tư liệu báo chí vì bận hoặc do không biết viết lách. Vậy nên một số cán bộ chuyên trách tại địa phương phải đảm nhận viết báo và các bài báo này mang nội dung nghèo nàn. Những cán bộ cấp dưới bị buộc viết báo thì không có kỹ năng viết, không có năng lực phê bình và tự phê bình, và dần dà không ai muốn viết nữa… Nội dung thì luôn quá cao siêu ví dụ như “Ủng hộ Tuyên bố của đồng chí Khrushchev trong phiên họp toàn thể của Liên Hiệp Quốc”… hoặc quá chung chung như “Những thành công mới”… Những bài báo đầy rẫy những điều không ai muốn đọc như là những bài xã luận, bình luận dài dòng, khó đọc và rối rắm. Độc giả thích những bài báo viết về người dân, nghệ thuật, hoặc phê bình điều gì đó. Những biệt ngữ vốn phổ biến trong Đảng Cộng Sản thì người dân lại không hiểu, như là “chính sách đấu tranh là kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang”… Người đọc thích những tờ báo độc đáo, màu sắc và trình bày đẹp, trong khi chúng ta thiếu những yếu tố này vì khả năng in ấn hạn chế… Mất một tháng rưỡi độ trễ thời gian kể từ khi báo được in cho đến khi tới tay người đọc… Nói tóm lại, tầm hiểu biết của cán bộ địa phương không đủ để phát hành báo chí. Chính bởi những lý do này, Ủy Ban Trung Ương quyết định các địa phương sẽ dừng xuất bản bất kỳ tờ báo nào dù là báo Đảng hay báo Mặt Trận…”
MTDTGPMNVN đã thay thế hệ thống báo chí cấp tỉnh bằng loạt báo cấp vùng có đính kèm một trang tin của ban tuyên truyền chính trị cấp tỉnh được in bằng máy in Roneo. MTDTGPMNVN yêu cầu tất cả các tỉnh bổ sung những trang tin này cho ít nhất 17 tờ báo cấp vùng với số lượng in ấn trung bình khoảng 80.000 bản – số liệu này có thể đã bị thổi phồng so với thực tế.
Tờ Giải Phóng tiếp tục được phát hành như một tờ báo cấp vùng, và những tờ báo khác như Tây Nam Bộ Giải Phóng, Trung Nam Bộ Giải Phóng, Đông Nam Bộ Giải Phóng, Khu Năm Giải Phóng, Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định Giải Phóng cũng bắt đầu xuất hiện. Tờ Tây Nam Bộ Giải Phóng phát hành lần đầu vào tháng 12 năm 1961 với tư cách là cơ quan đầu não của Ủy Ban Trung Ương MTDTGPMNVN. Tờ báo này có khổ nhỏ hơn một tờ báo khổ nhỏ thông thường ở Mỹ, với độ dài khoảng bốn đến tám trang cho mỗi kỳ và được xuất bản hàng tháng; Đài phát thanh Giải Phóng cho hay đến tháng 7 năm 1964, tờ Tây Nam Bộ Giải Phóng đã xuất bản được 30 kỳ. Những tờ báo này chứa tin tức, các nhận định, và các nội dung khác như thơ, truyện, và những tuyên bố chính thức của Ủy Ban Trung Ương. Trong đó cũng công bố số liệu về những khó khăn hiện tại và thông tin do bên dưới cung cấp; một chỉ thị của Ủy Ban Trung Ương ban hành năm 1962 hướng dẫn cán bộ làng xã cung cấp cho các tờ báo tuyên truyền những dữ liệu như sau:
“Chúng tôi yêu cầu các đồng chí nộp báo cáo hàng tháng về tội ác của Mỹ-Diệm, bao gồm số phụ nữ bị cưỡng bức (số liệu chính xác); số người bị bắt bớ hoặc giết hại (nếu không có số liệu chính xác thì lấy số liệu của một thôn làm ví dụ rồi nêu tỉ lệ dân số của thôn so với làng); số nhà dân bị phá hủy; số ruộng vườn bị phá, cướp bóc, hay thiêu đốt; những tội ác với công nhân, nông dân (trong báo cáo đầu tiên yêu cầu cung cấp số liệu từ năm 1954 đến nay); tội ác tôn giáo như số đình chùa bị phóng hỏa và số nhà sư bị giết hại, tội ác với người dân tộc thiểu số, ghi rõ họ tên…”
Sau năm 1964, MTDTGPMNVN tập trung sức lực vào ba tờ báo: Giải Phóng, Nhân Dân, và Trung Lập mặc dù ở một số nơi, những tờ báo vùng vẫn tiếp tục được xuất bản.
Đầu năm 1962, Giải Phóng được phát hành lần đầu tiên với tư cách là tờ báo chính thức của Ủy Ban Trung Ương MTDTGPMNVN. Lúc này người xuất bản là Dương Văn Vinh và tổng biên tập là Lê Thế Thời. Tờ này bị dừng xuất bản trong hơn một năm và trở lại vào tháng 12 năm 1964 khi Huỳnh Tấn Phát là chủ nhiệm, Kỳ Phương là tổng biên tập. Trong số đầu tiên sau khi trở lại, tờ báo 12 trang này tuyên bố rằng:
“Trên mặt trận chính trị và ý thức hệ, báo Giải Phóng sẽ triệt phá mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai…; tập hợp và huy động mọi lực lượng yêu nước ở nông thôn, thành thị, miền núi, đồng bằng, kiên trì đấu tranh chính trị và vũ trang nhằm đáp trả những thế lực chống phá và bảo vệ Tổ quốc…; sẽ phản ánh những hoạt động của vùng giải phóng…; đóng góp để xây dựng đất nước trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế, quan hệ thương mại… Tờ báo sẽ phản ánh những hoạt động của MTDTGPMNVN Miền Nam Việt Nam… và trên mặt trận quốc tế, tờ báo cũng sẽ nêu cao những thành tựu của các nước anh em, và những phong trào rộng khắp trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, giai cấp vô sản, và tiến bộ xã hội.”
Nhân Dân, tuần báo của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam, một bộ phận của Đảng Lao động tại Hà Nội, phát hành lần đầu vào tháng 10 năm 1964. Tờ báo này miêu tả về mình như sau:
“Là cơ quan đấu tranh tư tưởng của Đảng …, là diễn đàn của Đảng phản ánh trung thực ý chí và nguyện vọng của các Đảng viên, các chiến sĩ giải phóng của tất cả các tổ chức cách mạng, những người yêu nước thuộc mọi tầng lớp, hướng đến sự đoàn kết của tất cả các đảng phái và nhân dân trong cuộc đấu tranh vì lợi ích của Tổ quốc… Là một cơ quan của Đảng, tờ Nhân Dân sẽ phổ biến đường lối chính sách của Đảng, những kinh nghiệm đấu tranh chính trị và vũ trang trong công cuộc xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng… Trong khi đất nước đang tạm thời bị chia cắt, tờ Nhân Dân… giới thiệu với người yêu nước ở miền Nam những thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. ”
Tờ Trung Lập lần đầu xuất bản vào tháng 2 năm 1963; dù tờ báo cùng tên này đã từng được phát hành ở Đông Dương trong những năm trước; ví dụ, một tờ Trung Lập đã được xuất bản ở Phnom Penh bằng tiếng Việt hồi đầu tháng 1 năm 1962 và có nhiều bản được lưu hành bí mật tại Sài Gòn. Trong khi tờ Nhân dân là cánh tả của tờ Giải Phóng thì tờ Trung lập là cánh hữu. Bề ngoài thì tờ này được xuất bản bởi một nhóm có liên quan đến MTDTGPMNVN và theo đuổi một “giải pháp trung lập đối với vấn đề Việt Nam”. Phần lớn những bài xã luận của tờ này đều mang hơi hướng trung lập.
Tờ tin cấp tỉnh của MTDTGPMNVN dưới dạng các bản tin dài 01 trang in Roneo tiếp tục được phát hành trong năm 1964 ở ít nhất 1/3 số tỉnh. Những tờ này thường cung cấp tin tức về địa phương và vùng, nội dung thường sao y từ Đài Phát thanh Giải Phóng, và nội dung phi chính trị như tiểu thuyết nhiều tập, thơ, nhạc và lời của những bài hát cách mạng. Tin tức chủ yếu là những chiến thắng quân sự của MTDTGPMNVN, chương trình ấp chiến lược, vấn đề quyền sử dụng đất đai, tuyển quân, và phong trào đấu tranh. Họ sử dụng nhiều thể loại báo chí như tin nhanh, hồi ký, phỏng vấn, thư gửi ban biên tập, tư liệu của phóng viên. Rõ ràng chỉ thị chính sách của cả MTDTGPMNVN và Đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam đều áp dụng cho vấn đề biên tập, vì một biên bản ghi nhớ đối với các tờ tin cấp tỉnh đã chỉ thị rằng “tin tức về Mặt trận phải nương theo chính sách của Mặt trận, trong khi tin tức chung trong ngày cần được viết theo quan điểm của Đảng.” Các tờ tin được gửi đến cán bộ quận/huyện để họ dán lên tường tại các sảnh thông tin ở các làng, và đọc chúng trong các buổi đọc báo hàng đêm.
Trong số các ấn phẩm báo chí nổi bật của Mặt trận còn có các tờ: Cờ Giải Phóng mang khẩu hiệu “Đấu tranh cách mạng là đường lối cần theo để giải phóng các thành phố” và tự nhận mình là “cơ quan chiến đấu của người dân thành thị miền Nam”; tờ Tiền Phong, “cơ quan chính trị và tư tưởng của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam”; tờ Góc Nhìn Nghệ Sỹ do Hội Văn nghệ Giải Phóng xuất bản năm 1962; tờ Thời Sự Phổ Thông, xuất bản từ đầu năm 1965 với số đầu tiên gồm nhiều bài về các chiến công của Quân Giải phóng, lũ lụt ở miền Trung Việt Nam, phong trào giải phóng của Venezuela và Công Gô, mục đích của tờ báo không rõ ràng.
Các tổ chức truyền thông
Hiệp hội chính yếu của các nhà báo thuộc MTDTGPMNVN là Hội Nhà Báo Yêu Nước và Dân Chủ, do ông Vũ Tùng, Tổng biên tập tờ Giải Phóng, làm chủ tịch. Phó chủ tịch là Tân Đức, giám đốc Đài Phát thanh Giải Phóng và tổng thư ký là Thanh Nho, giám đốc Thông tấn xã Giải Phóng.
Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP) được thành lập tháng 2 năm 1961. TTXGP tự miêu tả mình là “đơn vị chính thức và cơ quan thông tin của MTDTGPMNVN… được giao trọng trách phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh của đồng bào yêu nước trên khắp mọi miền Tổ quốc.” TTXGP có gửi phóng viên ra nước ngoài. Chuyến đi sang Matxcơva đầu tiên của ông Nguyễn Văn Hiếu được cho là do TTXGP tài trợ. Dương Đình Thảo là phóng viên thường trú tại Đông Berlin.
Không giống như phần lớn lực lượng nổi dậy ở các nơi khác, MTDTGPMNVN không nỗ lực liên hệ với các nhà báo phương Tây tại Việt Nam và trên thực tế còn thường xuyên từ chối khi họ muốn liên hệ. Đài Phát thanh Giải Phóng năm 1964 bắt đầu đề cập đến “các cuộc họp báo” được cho là đang diễn ra bên ngoài Sài Gòn vì lợi ích của các nhà báo Việt Nam trên các tờ nhật báo Sài Gòn. Cuối năm 1964, MTDTGPMNVN tuyên bố rằng Wilfred Burchett, một nhà báo cộng sản người Úc, và Madeleine Riffau, một nhà báo cộng sản người Pháp, của tờ L’Humanité, tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp, đã đi thăm vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Tháng 12 năm 1964, Đài Phát thanh tại Hà Nội cho biết một phái đoàn MTDTGPMNVN đã đến thăm Nhà in Trần Phú tại Hà Nội, nơi có “quan hệ anh em với Nhà in Trần Phú do Ủy Ban Trung Ương MTDTGPMNVN điều hành.”
(xem tiếp Kỳ 2)
Chú thích:
[i] Douglas E. Pike (1924 – 2002) là một nhà sử gia và một học giả về Chiến tranh Việt Nam tại Texas Tech University từ 1997, Giám đốc Cơ quan Lưu trữ tài liệu về Đông Dương của Đại học California tại Berkeley từ 1981. Trước đó, ông làm việc với tư cách là nhân viên cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Châu Á, ở Sài Gòn, Hồng Kông, Tokyo và Đài Bắc. Ông đã phục vụ 15 năm cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ như là phân tích viên hàng đầu.
[ii] Trên thực tế, tờ Bạn Dân ra đời năm 1937
[iii] Có thể là báo Vươn Lên nhưng tác giả nước ngoài viết nhầm thành Vương Lên