Bài Frank McCullock | Tạp chí LIFE số ra ngày 1/8/1969
Phan Xích Linh dịch
Trong chợ đen rộn ràng những người đổi tiền và bọn trộm hàng chuyến, cả người Việt lẫn người Mĩ làm ăn phát đạt nhờ tham nhũng.
“Tôi giận điên người vì những gì mình chứng kiến tại Việt Nam – tham nhũng, ô trọc, trộm cắp, trục lợi trên nỗi khốn cùng của kẻ khác. Nhưng khi tôi báo cáo về những gì đang diễn ra, người ta bảo tôi im miệng, bảo tôi đừng làm kẻ phá rối nữa…” (Trích lời khai của Cornelius Hawkridge trước Tiểu ban Thường trực về Điều tra của Thượng viện, ngày 4-7 tháng Ba, 1969).
Cornelius Hawkridge là một người đàn ông mảnh khảnh, nồng nhiệt, co cụm, nhìn thế giới bằng cặp mắt nâu đầy nghi ngại và đi khập khiễng vì những vết thương còn lại từ một tai nạn xe hơi đã lấy đi của anh người vợ thân yêu sáu tháng trước. Anh 42 tuổi, người gốc Hungary, từng trải qua bảy năm rưỡi trong các nhà tù Nga và Hungary trước khi trốn thoát sang Hoa Kì sau cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1956. Người cha quá cố của anh là một thượng tá trong lực lượng công an Hungary thời trước Đệ nhị Thế Chiến, và điều Hawkridge khao khát hơn cả là trở thành một cán bộ điều tra chuyên nghiệp cho chính phủ Hoa Kì.
Hawkridge là một nhân chứng lạ lùng, có lẽ là người bí ẩn nhất trong số tất cả những nhân chứng đã từng hoặc sẽ xuất hiện trước tiểu ban Thượng viện chịu trách nhiệm điều tra về tham nhũng và chiến tranh ở Việt Nam. Trong hai năm 1967-68, tiểu ban này đã đưa ra tài liệu về những lạm quyền nghiêm trọng trong chương trình viện trợ của Hoa Kì tại Việt Nam. Các thành viên sẽ bắt đầu những phiên điều trần mới tại Washington vào tháng Chín về vụ bê bối mà có lẽ là lớn nhất trong tất cả các vụ việc mà tiểu ban từng điều tra cho tới nay.
Từ khi Hoa Kì bắt đầu tăng cường hiện diện ở Việt Nam vào năm 1965, có đến 1 tỉ đô la tiền mặt đã bốc hơi vào các chợ đen buôn tiền tại đây, và có lẽ giá trị thiệt hại do nạn ăn cắp vặt và trộm hàng hóa trên đường vận chuyển đến các kho dự trữ của Hoa Kì cũng tương đương con số ấy. Những kẻ trục lợi không chỉ là các cá nhân người Việt, người Mĩ và các nước đồng minh, mà còn có cả một số tập đoàn Hoa Kì. Và không có chút nghi ngờ nào về việc Trung Cộng, Bắc Việt và Việt Cộng ít nhất cũng hưởng lợi gián tiếp từ nạn tham nhũng.
Con số thiệt hại tính bằng đô la khổng lồ là thế, nhưng tác hại sâu sắc nhất của vấn nạn này lại nằm ở chỗ nó lan tỏa tính hoài nghi và làm xói mòn các giá trị đạo lí. Sự đổ vỡ niềm tin vào các thiết chế và những người lãnh đạo của nhiều người Việt Nam cũng như người Mĩ đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng của phe đồng minh trong việc củng cố trên mặt trận chính trị những thắng lợi mà họ đã đạt được trên mặt trận quân sự. Ảnh hưởng gây rã đám của nó đối với việc theo đuổi chiến tranh là không thể đo đếm được.
Lập trường chính thức của tòa đại sứ Hoa Kì tại Sài Gòn là các chợ đen buôn bán đô la cũng như hàng hóa Mĩ về cơ bản đều trong tầm kiểm soát. Nhưng như các phóng viên của LIFE đã xác minh tại hiện trường, cả hai loại chợ đen này đều đang phát triển mạnh.
Hawkridge hăm hở kể câu chuyện về tham nhũng từ năm 1966. Tự thú nhận rằng chính anh cũng là một kẻ thao túng tiền tệ ở Việt Nam, Hawkridge cho biết trong vòng khoảng một năm rưỡi anh đã dành phần lớn thời gian của mình để cố gắng báo động cho bất kì ai có thẩm quyền về những gì mình đã tìm hiểu được. Không ai thèm nghe anh nói cho đến khi tiểu ban điều tra triệu tập anh tham gia vào các phiên điều trần kín hồi tháng Ba vừa rồi.
Hawkridge nói rằng anh đã kiếm được hơn 50.000 đô la từ đổi tiền ở chợ đen. Không thể biết được anh bắt đầu làm việc này có phải vì muốn kiếm lợi – như những người Mĩ phỉ báng anh ở Việt Nam cáo buộc – hay không. Dù động cơ ban đầu là gì, anh nói rằng từ đó anh đã dành toàn bộ lợi nhuận thu được vào một cuộc điều tra đơn thương độc mã mà anh hi vọng sẽ chứng minh giá trị của mình với cộng đồng tình báo Hoa Kì. Một số cáo buộc của anh có chút phóng đại, tuy nhiên quá trình điều tra do LIFE tự thực hiện ở Việt Nam đã khẳng định rằng trên những nét đại cương cơ bản nhất, câu chuyện của Hawkridge là có cơ sở.
Hawkridge tới Việt Nam vào tháng Mười một năm 1966 trên cương vị tư vấn cho một quỹ của Hoa Kì hoạt động trong chương trình hỗ trợ người tị nạn chiến tranh. Địa bàn làm việc đầu tiên của anh là Qui Nhơn, nơi tọa lạc một số trại tị nạn, một bến cảng lớn đi ra biển Đông và căn cứ của một sư đoàn chiến đấu Nam Triều Tiên.
Ở đây Hawkridge được làm quen với chợ đen. Một hôm trong lúc ra ngoài mua sắm, anh đặt chân đến một khu vực rộng khoảng một dãy phố, nơi hàng trăm quầy hàng chất đầy hàng hóa của quân đội Mĩ – áo quần, chăn mền, vũ khí, đạn dược, thuốc men, khẩu phần đóng hộp C-ration dành cho binh sĩ[1]. Phẫn nộ, anh tới gặp cố vấn quân đội cấp cao Hoa Kì tại Qui Nhơn. “Ông ta chỉ thở dài và bảo: Anh Hawkridge, sự thật đơn giản là chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều để giải quyết chuyện này.’”
Sau đó Hawkridge gửi một lá thư cho tướng William C. Westmoreland, tổng tư lệnh các lực lượng Hoa Kì tại Việt Nam. Không có hồi đáp. Cũng chẳng có hồi âm nào từ phía tình báo quân đội hay văn phòng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kì (USAID) tại Sài Gòn.
Cảng Qui Nhơn khi ấy luôn trong tình trạng gần như hỗn loạn, các con tàu bị buộc phải chờ nhiều tuần lễ mới được dỡ hàng và các bến tàu chất đầy hàng hóa không ai canh gác. “Tôi thấy cả người Mĩ, người Hàn và người Việt đều tham gia trộm cắp hàng hóa từ Hoa Kì”, Hawkridge nói. Một đêm, một nhóm binh sĩ Nam Triều Tiên lái một chiếc xe tải vào khu cảng, chất tủ lạnh đầy xe rồi phóng đi mà không gặp trở ngại gì. “Ngày hôm sau”, anh nói, “tất cả các quán rượu và nhà hàng ở Qui Nhơn đều có tủ lạnh mới.”
Hawkridge cho biết anh đã đi Sài Gòn hai lần để báo cáo với các quan chức cấp cao về nạn trộm cắp này, “và tôi chẳng bao giờ vượt qua nổi cửa ải của các nhân viên lễ tân.”
Một hôm ở Qui Nhơn anh gặp một thường dân người Hàn tên là Son, ông này mỉm cười trước những nỗ lực điều tra của Hawkridge. Son đề xuất rằng chính Hawkridge nên tham gia vào hoạt động này và kiếm cho mình chút tiền. Trong một căn nhà nền đất tồi tàn kế bên một đồn Quân cảnh Hoa Kì nằm ngay tại cổng chính của khu cảng, Son giới thiệu Hawkridge với một phụ nữ Việt Nam mà, như Hawkridge thuật lại, “đang ngồi đó bắt chấy trên tóc đứa con của bà ta.” Son giải thích rằng người đàn bà này là người đổi tiền lớn nhất ở Qui Nhơn.
“Tôi không thể tin được bất kì ai sống ở một nơi như thế có thể làm lớn trong một ngành nào”, Hawkridge nói, “và tôi không thể tin được bà ta sẽ đổi tiền một cách công khai đến vậy.” Trong hầu hết mọi trường hợp, việc người Việt sở hữu tiền đô la hoặc quân dụng phiếu[2] là bất hợp pháp.
Nhưng khi anh đưa cho người đàn bà 200 đô la tiền mặt, bà ta tạm ngừng bắt chấy và đưa lại cho Hawkridge một số quân dụng phiếu và tiền Đông Dương[3] trị giá 305 đô la, như thế anh đã kiếm được 105 đô la tiền lời.
Son khẳng định một cách đường hoàng với Hawkridge rằng món lợi ấy chẳng là gì: rất nhiều người Mĩ trao đổi hàng ngàn đô la mỗi ngày với người đàn bà này, và bản thân bà ta mỗi tháng thu được khoảng 10.000 đô tiền lời.
Trong vòng hai tuần sau đó Hawkridge đến đổi tiền ba lần ở chỗ người đàn bà. Trong lần giao dịch thứ ba, anh đưa bà ta 2.000 đô để đổi lấy số quân dụng phiếu trị giá 3.800 đô, và như anh nói, “Tôi biết mình đang bước vào một vụ lớn.” Hawkridge bay đi Sài Gòn một lần nữa, ở đây trong một tuần liền, “tất cả những gì tôi có được từ tình báo quân sự, Cục Tình báo Trung ương (CIA), người của USAID và tư lệnh quân đội là sự trì hoãn.”
Chợ đen tồn tại ở Việt Nam, cũng như mọi nơi khác trên thế giới, bởi lẽ có sự chênh lệch giữa giá trị của đồng tiền theo như chính phủ tuyên bố và giá trị thực của nó – những gì đồng tiền ấy mua được trên thị trường tự do. Trong khoảng chênh lệch ấy là tiềm năng kiếm lời, và ở Việt Nam thì mức chênh lệch trong năm năm qua thường dao động trong khoảng từ 50% đến 200%. Những người sẵn sàng trả chênh lệch cao nhất cho tiền mặt trao tay là những người có tài sản bằng tiền Đông Dương mà họ muốn quy đổi sang đô la trước khi rời khỏi Việt Nam. Họ có thể là người Mĩ hoặc các nước khác, với họ đồng tiền Đông Dương ít có giá trị sử dụng lâu dài, hay cũng có thể họ là những người Việt Nam với niềm tin hạn chế vào đồng tiền Đông Dương cũng như vào tương lai của đất nước họ.
Tuy nhiên, nếu muốn duy trì sự ổn định kinh tế ở miền Nam Việt Nam, điều quan trọng là cần giữ đồng đô la trong những kênh phù hợp tại đây. Đồng đô la là dự trữ ngoại tệ cơ bản cho nền kinh tế Việt Nam. Khi đồng đô la bị đưa ra khỏi Nam Việt – người ta dự đoán rằng một phần trong số đó sẽ chảy sang Bắc Việt và Trung Quốc – nền kinh tế vốn đã bất ổn của Việt Nam Cộng hòa sẽ bị lung lay thêm nữa, và các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào nó. Vì thế các lực lượng Hoa Kì lại buộc phải bơm thêm đô la vào, khiến cho chi phí hỗ trợ Nam Việt càng tăng cao hơn nữa.
Một cách để kiếm gấp đôi số tiền anh có – đặt mua một chiếc xe hơi Hoa Kì
Hawkridge được mục kích một số phương thức đổi tiền phức tạp hơn khi anh bỏ việc ở Qui Nhơn và chuyển vào Sài Gòn sống vào đầu năm 1967. Công việc đầu tiên của anh ở thành phố này là giám sát an ninh ban đêm cho một công ty Mĩ phân phối hàng hóa dự trữ cho các căn cứ Hoa Kì. Một quản đốc người Mĩ lập tức hỏi Hawkridge có sang Việt Nam “với cùng một mục đích kiếm tiền như tất cả mọi người khác” hay không. Tất nhiên, Hawkridge nói, và người quản đốc giới thiệu anh với ba doanh nhân Ấn Độ, một người là chủ hiệu sách, một người quản lí một tiệm may bụi bặm, và người thứ ba thực hiện các giao dịch của anh ta trong một căn phòng trống tại tòa nhà số 345 Trần Quí Cáp.
Hawkridge gia nhập thị trường Sài Gòn một cách thận trọng, nhưng khi đã trở nên tự tin hơn, anh đã thử phiên bản Việt Nam của trò mạo hiểm rút tiền bằng chi phiếu khống. “Tôi đem 1.000 đô vào nhà sách Tự do,” anh kể, “anh chàng Ấn Độ đổi cho tôi số quân dụng phiếu trị giá 1.600 đô. Tôi cầm quân dụng phiếu đó tới chi nhánh ngân hàng Chase Manhattan ở đầu phố và đổi sang một tờ séc du lịch trị giá 1.600 đô. Rồi tôi trở lại hiệu sách ngay, và gã Ấn Độ lại cho tôi đổi séc du lịch lấy số quân dụng phiếu trị giá 2.560 đô mà không thắc mắc một câu.
“Lúc ấy tôi đã khá run, nhưng tôi lại đem số quân dụng phiếu mới trở lại ngân hàng đó – đến một quầy thu ngân khác – và mua một tờ séc du lịch trị giá 2.560 đô nữa. Tôi đem séc quay lại chỗ người đổi tiền và nhận được 4.096 đô bằng quân dụng phiếu.
“Tôi không biết tôi có thể tiếp tục làm trò đó trong bao lâu. Tôi hồi hộp đến nỗi nghĩ mình sắp xỉu, nên dừng lại ở con số 3.096 đô tiền lời.”
Có hàng tá cách khác nữa để nhân đôi số tiền anh có bằng quân dụng phiếu. “Từ Sài Gòn, anh có thể đặt mua xe hơi của hãng GM hay Ford và yêu cầu họ giao xe sau ở Hoa Kì,” Hawkridge nhớ lại, “và một hôm tôi đã đặt mua một chiếc Buick với giá nhỉnh hơn 5.000 đô một chút. Tôi dùng quân dụng phiếu để trả, số quân dụng phiếu mà tôi mua từ chợ đen chỉ mất có 2.500 đô. Rồi tôi chờ vài ngày và gửi thư cho văn phòng hải ngoại của GM ở New York để hủy lệnh mua xe. Nhưng tôi yêu cầu họ trả lại khoản tiền 5.000 đô vào một tài khoản thanh toán của tôi ở Norwalk, Connecticut. Họ đã làm đúng như vậy thật tử tế.” Vậy là không chỉ kiếm được 2.500 đô tiền lời, anh còn tìm được cách gửi số tiền ấy cùng với 2.500 đô tiền vốn ban đầu an toàn vào một ngân hàng Mĩ.
Những ngày này, mặc dù các quy định mới cùng với sự thực thi chặt chẽ hơn đã khiến việc giao dịch bằng quân dụng phiếu trở nên khó khăn hơn, đồng tiền Đông Dương vẫn luôn là một nguồn kiếm chác béo bở. Gần đây, một doanh nghiệp Hoa Kì làm ăn tại miền Nam Việt Nam có hóa đơn phải chi trả hàng tháng khoảng 500.000 đô la, và số tiền này cần phải trả bằng tiền Đông Dương. Như hầu hết các tập đoàn ngoại quốc khác, công ti này được áp dụng tỉ giá quy đổi là 84 đồng tiền Đông Dương đổi lấy 1 đô la. (Tỉ giá áp dụng cho cá nhân và các doanh nghiệp phi thương mại là 118.) Mỗi tháng, công ti này gửi 500.000 đô la vào một tài khoản ngân hàng tại Hoa Kì, và ban giám đốc tại Việt Nam rút số tiền này ra để chi trả tổng chi phí cho công ti.
Nhưng thay vì đổi các tấm séc của công ti theo mức tỉ giá hợp pháp, ban giám đốc đem chúng ra chợ đen để đổi với tỉ giá cao gấp đôi con số 84-1 mà họ được quy định. Như thế chỉ với 250.000 đô họ có thể mua được đủ số tiền Đông Dương để chi trả các hóa đơn và họ thu lại được 250.000 đô tiền lời. Chính xác thì những khoản lợi nhuận này được chia chác như thế nào và cho những ai là điều mà tiểu ban thượng viện – với quyền gửi trát yêu cầu các doanh nghiệp và ngân hàng cung cấp hồ sơ – có thể làm rõ trong các phiên điều trần của họ.
Một cựu sĩ quan quân đội lực lưỡng, có lẽ là nhà đổi tiền người Mĩ lớn nhất tại Sài Gòn, nói rằng hiện nay “có rất nhiều tay cò con không còn hoạt động trong nghề đổi tiền nữa, nhưng mỗi ngày lượng tiền trao tay trên chợ đen vẫn lên đến vài triệu đô la.” Ước tính trong năm năm vừa qua những kẻ buôn tiền tại Việt Nam đã kiếm được ít nhất 200 triệu đô la lợi nhuận. Các cơ quan có thẩm quyền của cả phía Hoa Kì và Việt Nam không cho rằng hoạt động đổi tiền chợ đen được tổ chức chặt chẽ, nhưng họ đều tin rằng những kẻ có thế lực lớn nhất trong giới buôn tiền ở Việt Nam là một gia đình Ấn Độ đã di cư từ Madras đến Sài Gòn cách đây một thế hệ và sau đó gây dựng được một gia tài khổng lồ từ kinh doanh xuất nhập khẩu.
Trong khi theo đuổi cuộc điều tra đơn độc của mình, Hawkridge đã lần theo một manh mối đến tận Madras, nhưng chẳng thu được gì nhiều cho những nỗ lực khốn khổ của anh, ngoài một cuộc điện thoại cảnh cáo gọi đến phòng khách sạn khuyên anh nên rời khỏi Ấn Độ.
Sau đó anh nhận thấy tất cả các tờ séc anh đã đem đổi chỗ những người Ấn Độ ở Sài Gòn đều đã được gửi vào tài khoản của công ty Baker tại Ngân hàng Đào Hanh[4] ở Hồng Kông. Anh phát hiện ra séc của những người Mĩ khác giao dịch với nhóm người Ấn Độ cũng đi chung con đường đó.
LIFE được biết Baker là công ti lớn nhất trong số 12 công ti tương tự ở Hồng Kông vận hành hợp pháp dưới danh nghĩa là các trung gian thanh toán bù trừ cho đồng đô la trên đường từ Việt Nam đi tới các ngân hàng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, khi các nhân viên điều tra của Thượng viện Hoa Kì tới Hồng Kông năm nay, công ti Baker đã bốc hơi một cách bí hiểm. Dấu vết duy nhất có vẻ còn sót lại của công ti này, truy tìm được qua tên của các sáng lập viên người Ấn Độ, gồm hai hiệu sách nhỏ bụi bặm mà, theo lời trình bày của một nhân viên xun xoe, chuyên mua bán các bản sách hiếm thuộc những dòng văn học ít người biết. Vui lòng chỉ đặt mua sách qua thư.
Trong số những tài khoản ngân hàng mà công ti Baker đã chuyển vào những món tiền lớn, có một tài khoản mang tên Pry Sumeen 677 tại Ngân hàng Tín thác Manufacturers Hanover có địa chỉ tại 44 phố Wall, New York. Pry Sumeen là một bí danh – một địa chỉ điện tín ở New York được đăng kí cho công ti Baker có trụ sở tại Hồng Kông. Một tay buôn tiền nói với Hawkridge rằng với mỗi khoản tiền gửi vào tài khoản Sumeen ở New York, khi anh đưa ra phiếu nộp tiền tại Sài Gòn, sẽ được tính lời thêm 10% so với tỉ giá chợ đen.
Các nhân viên điều tra Hoa Kì giờ đây tin rằng có đến 25 tài khoản như thế trong các ngân hàng ở Hoa Kì. Nhiều người biết rằng trong các năm 1966, 1967 và 1968 một số tập đoàn Hoa Kì hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã gửi những khoản tiền lớn vào tài khoản Sumeen.
Lần đầu tiên thị trường chợ đen Việt Nam bị siết chặt thực sự là sau khi Ellsworth Bunker đến nhậm chức Đại sứ Hoa Kì vào mùa xuân năm 1967. Cuối hè năm ấy Bunker thành lập một “ủy ban kiểm soát các hành vi bất thường” có thẩm quyền trên toàn bộ phái đoàn ngoại giao Hoa Kì. Từ đó ủy ban này đã soạn thảo và giúp thực thi các quy định nghiêm ngặt hơn về tiền tệ và trang thiết bị.
Các quân nhân Mĩ vi phạm quy định về tiền tệ ở Việt Nam bị xét xử theo điều lệ quân đội. Thường dân Hoa Kì thì bị xử lí theo luật hải quan Việt Nam. Các điều luật này cho phép lựa chọn trả một khoản tiền phạt là 300 đồng tiền Đông Dương cho mỗi đô la quy đổi bất hợp pháp, hoặc chịu án tù tại một nhà tù Việt Nam Cộng hòa mà, theo lời một người Mĩ, khiến cho “xà lim Hố Đen ở Calcutta[5] còn có vẻ giống như khu nghỉ dưỡng mùa hè.”
Bị quịt nợ, kẻ đầu cơ yêu cầu cảnh sát vào cuộc
Việc tăng mức phạt lên 300 đồng tiền Đông Dương cho mỗi đô la khiến những kẻ vi phạm thường xuyên gặp khó khăn. Tuy nhiên đó chẳng phải vấn đề với một người đàn ông Triều Tiên chỉ xuất hiện trong các hồ sơ lưu trữ của phía Việt Nam với cái tên Yim. Bị bắt hồi đầu năm nay vì tội buôn bán chợ đen và phạt vài triệu đồng Đông Dương, anh ta nhanh chóng xùy tiền nộp phạt, xin lỗi và ra về. Nhưng hai tuần sau anh ta đã lại có mặt ở sở cảnh sát, lần này với vẻ phẫn nộ. Anh phàn nàn rằng trong hai tuần đó có năm người Mĩ đã mua quân dụng phiếu từ anh bằng những tấm séc vô giá trị, và anh muốn mấy tên đó phải bị bắt ngay lập tức. Nếu không thì làm sao ngăn chặn được bọn lừa đảo?
Mặc dù không có chứng cứ cụ thể về một mối liên hệ trực tiếp, Hawkridge và một vài viên chức tình báo Hoa Kì cho rằng phần lớn hoạt động trộm cắp hàng hóa Hoa Kì tại Việt Nam là do những kẻ cầm đầu các đường dây đổi tiền chợ đen chỉ đạo. Họ tin rằng doanh thu kiếm được từ việc buôn bán hàng ăn cắp giúp thu về lượng tiền Đông Dương được trao đổi trên thị trường đổi tiền chợ đen.
Hoạt động trộm cắp hàng hóa trên đường vận chuyển ở miền Nam Việt Nam cũng thu hút lượng người tham gia đa dạng không kém gì hoạt động đổi tiền. Hawkridge cho biết khi đang làm giám sát an ninh vận tải cho một công ti ở ngoại ô Sài Gòn, “một đêm chúng tôi nhận được cuộc gọi từ nha cảnh sát quốc gia Việt Nam – tương đương với FBI của Hoa Kì – nói rằng họ đã thu hồi được một trong các xe tải bị đánh cắp của chúng tôi và sẽ canh giữ xe cùng với hàng hóa cho đến sáng. Xe này chứa đầy các bộ máy vô tuyến truyền hình để bán ở các trạm bán hàng cho quân đội Hoa Kì. Sáng hôm sau chúng tôi tới trụ sở cảnh sát, và xe đã trống rỗng.”
Chưa hết, cảnh sát còn từ chối trả lại chiếc xe tải 10 tấn đó, họ sơn lại nói và giữ dùng trong một năm cho đến khi xe bị hỏng không thể sửa được. Khi đó họ mới trả lại.
Một trường học chất đầy hàng ăn cắp
Một giám sát viên của một công ti Hoa Kì có hợp đồng chuyển giao hàng hóa trong khu vực Sài Gòn ước tính rằng trong hai năm 1967 và 1968, từ 10% đến 12% các lô hàng đã bị thất thoát vì bị rút ruột và trộm cắp. Không thể chứng minh được bao nhiêu phần trong số đó cuối cùng đã rơi vào tay kẻ thù. Nhưng sự thật là ngay trước cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, hoạt động trộm cắp khẩu phần C-ration của binh sĩ và dụng cụ y tế đạt đến đỉnh điểm. Một quản đốc vận chuyển nói rằng “Việt Cộng ăn trộm các thứ ấy và đem đi tích trữ, cho nên khi cuộc tấn công Tết Mậu Thân nổ ra, chúng ta thực sự đã cho họ thức ăn, bắn họ rồi lại cung cấp thuốc men chữa trị cho họ.”
Theo lời viên quản đốc vận chuyển này, vì hầu hết hàng hóa được vận chuyển quanh khu vực Sài Gòn trên các trục đường chính, một chiến thuật chặn xe trộm hàng yêu thích là lựa chọn một vài tài xế, mua chuộc để họ đột ngột rẽ khỏi đoàn xe và chạy vào một con đường phụ tối tăm. Các đường nhánh này thường dẫn đến một khu vực ẩn giấu nào đó, nơi các toán người được bọn chủ tổ chức trộm hàng huấn luyện đã chờ đợi sẵn. “Không cần dụng cụ nào ngoài tay không”, người quản đốc nói, “họ có thể dỡ tám tấn tấm lợp kim loại trong vỏn vẹn 27 phút, mười tấn xi măng đóng bao tải trong 24 phút và tám tấn khẩu phần C-ration trong 20 phút.”
Trong những năm Hawkridge ở lại Sài Gòn, dường như mọi người đều dự phần vào các hoạt động này – người Mĩ, Việt Cộng, thậm chí cả một số cảnh sát Nam Việt – và người ta chẳng làm gì nhiều để bắt bọn trộm cắp. Khi các báo cáo được nộp lên cho quân đội Hoa Kì, theo lời Hawkridge, “câu trả lời nhận được – nếu có – là đừng nhúng tay vào chuyện này, rằng chuyển giao hàng hóa là việc của chúng ta, nhưng trị an là việc của cảnh sát Việt Nam Cộng hòa.” Tuy nhiên, trong một đợt bùng nổ tinh thần hợp tác hiếm hoi, quân cảnh Hoa Kì và cảnh sát quốc gia Việt Nam đã tóm cổ được một kẻ trộm đặc biệt phiền toái. Từ nhiều tuần trước đó người ta đã biết rằng một quý bà Sài Gòn mĩ miều là chủ một đường dây trộm hàng hoạt động đặc biệt hiệu quả chuyên nẫng hàng hóa của các trạm bán hàng cho quân đội Hoa Kì. Người của bà ta chuyên đánh tháo các thiết bị lớn đắt tiền như máy vô tuyến truyền hình, tủ lạnh và dàn âm thanh hi-fi.
“Chúng tôi biết bà ta phải trữ một phần số hàng ở đâu đó vì không thể nào bán chúng nhanh như tốc độ bà ta ăn cắp chúng được, nhưng chúng tôi không thể nào định vị được sào huyệt của bả,” một thanh tra Hoa Kì tham gia xử lí trường hợp này nói.
Một ngày, một viên quân cảnh Hoa Kì trong khi hỗ trợ điều tiết giao thông trên một con phố Sài Gòn đông đúc gần một trường trung học để ý thấy các học sinh trường này lên lớp trong sân trường. Điều này khiến anh ta thấy lạ vì thời điểm ấy là lúc diễn ra các trận mưa đầu mùa tồi tệ nhất.
Viên thanh tra nhanh chóng tìm ra câu trả lời. “Cái trường chết tiệt ấy chất đầy đến tận nóc hàng hóa ăn trộm của Hoa Kì. Đám học trò đã ngồi túm tụm lại với nhau bên dưới và xung quanh các thùng hàng trong nhiều tuần lễ, nhưng cuối cùng Bà Đầm Thép trở nên tham lam đến nỗi bà ta chất hàng đầy kín hết các giảng đường và đẩy học trò ra ngoài sân.”
Thông thường, ở Việt Nam phụ nữ và trẻ em chỉ tham gia vào các hoạt động trộm cắp đơn giản. “Nếu bị xì lốp xe ở một trong mấy ngôi làng nằm trên đường từ đây đi Củ Chi,” một người giám sát vận chuyển hàng bằng xe tải nói, “thì chỉ trong vòng 5 phút là xe anh sẽ trống trơn. Dân làng – trẻ con, đàn bà, ngay cả các cụ già – sẽ tràn tới quanh anh như một đàn kiến. Anh có thể mặc sức mà la hét hoặc giậm chân bình bịch, chẳng được tích sự gì đâu. Dù sao thì anh có thể làm gì được – chẳng lẽ lại bắn họ?”
Gần đây, sau khi kể câu chuyện của mình cho tiểu ban Thượng viện, Hawkridge đã trở lại Sài Gòn cùng với một kí giả LIFE. Một phát ngôn viên của phái đoàn Hoa Kì tại đây thông báo rằng tỉ giá đổi tiền chợ đen đã hạ xuống còn 1 đô la đổi được 180 đồng tiền Đông Dương hay 1,25 đô giá trị quân dụng phiếu.
Cũng trong ngày hôm ấy, chỉ cách văn phòng của phát ngôn viên trên sáu dãy phố, Hawkridge và kí giả LIFE liên hệ với một người đổi tiền Sài Gòn. “Rất xin lỗi, thưa ông,” người đổi tiền nhún vai với vẻ ái ngại, “nhưng hôm nay tôi với mỗi đô la tôi chỉ đổi được cho ông 196 đồng Đông Dương hay 1,35 đô quân dụng phiếu thôi. Hôm qua tỉ giá là 200 và 1,40. Nhưng tôi nghĩ đến mai, nếu ông có thể quay lại ngày mai, thì tỉ giá chắc chắn sẽ cao trở lại thôi.”
Tại Qui Nhơn, Hawkridge tìm được người phụ nữ đổi tiền mà anh đã gặp lần đầu hồi năm 1966. Bà ta vẫn giao dịch trong túp nhà lụp xụp cũ gần trụ sở quân cảnh Hoa Kì. Bà ta chào hỏi anh niềm nở nhưng thất vọng khi anh chỉ đổi một tờ giấy bạc 20 đô – được 3.800 đồng Đông Dương, tương đương với tỉ giá 1 ăn 190 – và hỏi anh sao không đem đến nhiều tiền mặt hơn.
Cũng tại Qui Nhơn, anh chứng kiến chợ đen hàng hóa ăn trộm của Hoa Kì vẫn hoạt động sôi nổi. Khi anh định chụp hình ở đây, hai người đàn ông mà anh nhận dạng được là thường dân Triều Tiên đã tấn công và tìm cách tước máy ảnh của anh.
Một sĩ quan cảnh sát Việt Nam can thiệp, đưa Hawkridge ra sân bay và đợi ở đó cùng anh cho đến khi đưa được Hawkridge lên một chuyến bay về Sài Gòn.
“Chẳng có gì thực sự thay đổi,” Hawkridge cay đắng nói. “Mọi sự vẫn như xưa. Anh ta bảo tôi nên thôi gây chuyện, ngừng chõ mũi vào công việc của người khác.”
[1] C-ration: viết tắt của Combat-ration tức là khẩu phần dành cho binh sĩ chiến đấu.
[2] MPCs: viết tắt cụm từ military payment certificates, có nghĩa là chứng chỉ thanh toán của quân đội. Trong quân đội Hoa Kì tại Việt Nam thời đó, các quân dụng phiếu này được dùng để mua hàng hóa thay cho tiền mặt.
[3] Piaster hay piastre: đồng bạc lưu hành ở Đông Dương từ thời Pháp thuộc.
[4] Dao Heng Bank Group Limited, tên tiếng Hoa là 道亨銀行集團有限公司 (Đào Hanh Ngân Hàng Tập Đoàn Hữu Hạn Công Ti), là một ngân hàng ở Hồng Kông được thành lập vào năm 1921 và được tập đoàn Guoco mua lại vào năm 1983. Đến năm 2003 ngân hàng này được sáp nhập cùng với ba ngân hàng khác và trở thành một phần của ngân hàng DBS, ngày nay vẫn còn hoạt động.
[5] Hố Đen (Black Hole of Calcutta) là tên một xà lim tại Pháo đài William, Calcutta, thuộc tỉnh Bengal, Ấn Độ. Xà lim này rộng 14 feet (4,3 m) và dài 18 feet (5,5 m). Sau một cuộc đụng độ giữa quân đội của người cai trị tỉnh Bengal là Siraj ud-Daulah với đội quân Anh bảo vệ các hoạt động thương mại của Công ti Đông Ấn, vài chục tù binh người Anh đã bị binh sĩ Bengal giam ở nhà tù này trong đêm 20 tháng Sáu năm 1756. Nhiều người đã chết vì hơi nóng và ngạt thở.