Tác giả: Philip S. Rawson
Thames & Hudson xuất bản năm 1993
The Art of Southeast Asia của Philip S. Rawson (1924-1995) có thể nói là một trong những cuốn sách sớm nhất viết về nghệ thuật Đông Nam Á. Nó được xuất bản lần đầu vào năm 1967 và tiếp tục được in lại vào các năm sau đó (1990 và 1993) bởi nhà xuất bản Thames & Hudson. Rawson thực sự là một chuyên gia về nghệ thuật phương Đông với 26 cuốn sách đã được xuất bản xoay quanh các chủ đề nghệ thuật ở khu vực này. Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, ông đã từng là một chuyên gia của UNESCO trong lĩnh vực bảo tàng học về Ấn Độ, người đã tổ chức cuộc trưng bày nghệ thuật Ấn Độ ở Anh. Ông đã tham gia giảng dạy với vai trò là giáo sư tại Trường Nghệ thuật Hoàng gia (Royal College of Art), London; quản thủ tại Bảo tàng Nghệ thuật và Khảo cổ học phương Đông Guibenkian (Guibenkian Museum of Oriental Art and Achaeology) tại Đại học Durham; phó phụ trách Phòng Nghệ thuật phương Đông tại bảo tàng Ashmolean, Oxford và cuối cùng là chủ nhiệm khoa thuộc Trường Nghệ thuật và Thiết kế (School of Art and Design), Đại học Goldsmiths, London. Trên nền tảng hiểu biết về nghệ thuật Ấn Độ như một chuyên gia hàng đầu, ông bước vào nghiên cứu nghệ thuật cổ Đông Nam Á với hiểu biết sâu sắc và tường tận về hệ thống tư duy ngôn ngữ nghệ thuật Hindu giáo và Phật giáo.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi sẽ tập trung xem xét ấn bản in lại năm 1993, bao gồm 288 trang được chia làm 7 chương. Trong chương 1, tác giả lấy nền tảng thực thể khu vực Đông Dương (Indochina) làm điểm tựa để phân tích và làm rõ nguồn gốc của nghệ thuật khu vực. Trước hết, tác giả đề xuất văn hóa Đông Sơn và không gian của nó như một điểm khởi đầu của nghệ thuật Đông Nam Á. Tiếp theo đó là quá trình hình thành và mở rộng của những vương quốc đầu tiên như Phù Nam tới Chân Lạp với những dấu ấn nghệ thuật rõ nét ở khu vực Óc Eo (An Giang). Ở chương 2, ông tập trung làm rõ thời kỳ nghệ thuật tiền Angkor trong bối cảnh Chân Lạp suy tàn và vương triều Shriviiaya nổi lên ở trung tâm Java. Đây là điểm khởi đầu quan trọng cho thấy sự mở rộng của nghệ thuật Phật giáo cùng sự phát triển nghệ thuật Hindu giáo của các vương quốc cổ trong khu vực. Ở chương 3, tác giả tập trung phân tích và làm nổi bật thời kỳ nghệ thuật cổ điển của đế chế Angkor từ giữa thế kỷ 11 tới tận giai đoạn suy tàn của vương triều Jayavarman VII khoảng năm 1220. Trong chương 4, Rawson đi sâu nghiên cứu nền nghệ thuật Champa từ lúc bắt đầu tới khi suy tàn nhưng chỉ với vỏn vẹn 15 trang. Kết quả là nghiên cứu của ông sơ sài vì chỉ tập trung giới thiệu sơ lược một vài kiến trúc và điêu khắc, chưa làm rõ giá trị của nó trong khu vực. Thực tế là ở thời điểm này, nhận thức về Champa chưa có tiến bộ nhiều nếu so với nền nghệ thuật cổ trong khu vực, nhất là khi miền Trung Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh. Ở chương 5, nền nghệ thuật Thái và Lào được ghép lại như một thực thể muộn và chủ yếu với những ngôi chùa Phật giáo Tiểu thừa nên chưa cho thấy vẻ huy hoàng của nghệ thuật giai đoạn Dvaravati. Trong chương 6 dành riêng cho nghệ thuật của Burma (Myanmar), tác giả nghiên cứu và làm rõ được nghệ thuật từ sau năm 1056 với các công trình kiến trúc Phật giáo Tiểu thừa ở Pagan là chủ yếu. Chương cuối cùng như một sự bắt đầu của một mẫu hình riêng biệt với nghiên cứu về Java và Bali. Nhờ sở hữu nhiều tư liệu hơn, tác giả đã cho thấy một tiến trình dài từ tiền sơ sử với bối cảnh giao thoa của văn hóa Đông Sơn trải qua các triều đại với những đỉnh cao nghệ thuật như Chandi Medut, Borubudu, Chandi Sewu, Chandi Jonggrang… tới hội họa hiện đại Indonesia.
Tóm lại, với lối viết bóc tách từng nền nghệ thuật vào mỗi chương sách, công trình giúp độc giả hình dung và nắm bắt nghệ thuật Đông Nam Á khá rõ nét. Tuy nhiên, nó vẫn chưa cho thấy một bối cảnh rộng với nhiều tương tác và biến chuyển nghệ thuật giữa các vương quốc cổ giờ đây đã hoàn toàn biến mất. Điều thiếu sót hơn hết là sự bỏ lửng và thiếu vắng hoàn toàn sự hiểu biết về nền nghệ thuật Việt Nam (Đại Việt – An Nam) như một thực thể quan trọng trong lịch sử nghệ thuật và chính trị khu vực Đông Nam Á. Điều đặc biệt là trong bối cảnh nhận thức và tư liệu đương thời còn hạn chế nhưng Phillip S. Rawson đã làm nên những phác họa đầu tiên về nghệ thuật Đông Nam Á. Đây cũng là điểm xuất phát quan trọng cần phải tìm hiểu và không thể bỏ qua trong hành trình nghiên cứu và khám phá nghệ thuật vực Đông Nam Á. Trân trọng giới thiệu tới các bạn ấn phẩm cần đọc và có giá trị nghiên cứu này.
Nguyễn Anh Tuấn (Thư viện Nguyễn Văn Hưởng)