Thế giới chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ, xuất hiện nhiều chủ nghĩa mới, xu hướng mới. Chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tuý mà Tổng thống Mỹ Donald Trump là một điển hình đã làm đảo lộn trật tự thế giới, đảo lộn nhiều thiết chế quốc tế đã trụ vững từ sau Chiến tranh lạnh. Trump cũng công khai tuyên bố cuộc chiến toàn diện đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại với Trung Quốc, đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Trước bối cảnh thế giới biến động lớn như vậy, Việt Nam cũng đang thay đổi để bắt kịp tình hình. Trong một thế giới lấy lợi ích quốc gia dân tộc là cốt lõi và trách nhiệm quốc tế đang bị xem nhẹ hơn, Việt Nam đứng trước những tác động tiêu cực và tích cực, cơ hội và thách thức đan xen. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khi các thay đổi trong các lĩnh vực khác còn chưa bắt kịp khiến Việt Nam đối mặt với không ít những vấn đề từ giáo dục, y tế tới an ninh, xã hội xâm hại giá trị quốc gia.
Việc nhận định tình hình thế giới để đưa ra gợi ý cho Việt Nam là việc nhiều học giả, nhà phân tích chính trị đặc biệt quan tâm. Các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các nhà báo và học giả độc lập đều có nhiều bình luận, phân tích về các vấn đề quốc tế và Việt Nam. Dù đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay lưu hành nội bộ trong nhóm nhỏ, các phân tích bình luận này ít nhiều đã đóng góp một cách xây dựng vào tư duy và quá trình hoạch định chính sách của đất nước.
Một trong số những nhà bình luận thời sự được dư luận đặc biệt quan tâm là Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công An. Trong suốt hàng chục năm hoạt động an ninh trong đó nhiều năm làm việc trong lực lượng an ninh Việt Nam, những dự báo và phân tích chiến lược của ông thường chỉ được biết đến ở cấp cao nhất. Sau khi nghỉ hưu năm 2015, ông dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu và đăng tải một số nhận định công khai trên các tờ báo lớn của Việt Nam. Chỉ cần thấy tên ông là tác giả, bài báo đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý lớn của bạn đọc. Người dân tò mò muốn biết cách nhìn nhận của một vị Tướng lão luyện trên mặt trận an ninh tình báo và theo thời gian, nhiều bạn đọc quen với văn phong và lối suy nghĩ của ông tới mức Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng không đứng tên người ta vẫn nhận ra bài viết là của ông.
Nhưng cho dù những người theo dõi các bài viết của ông chặt chẽ nhất cũng không thể ngờ ông lại làm việc nhiều tới vậy cho tới khi cuốn sách “Một góc nhìn thời cuộc” ra mắt. Cuốn sách này là tập hợp đầy đủ các bài viết của ông từ giữa năm 2015 tới nay. Chỉ trong vòng 4 năm, gần 60 bài viết đã được Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông và Nhà xuất bản Công an Nhân dân tập hợp trong một cuốn sách đồ sộ. Cuốn sách cho thấy sức làm việc bền bỉ và năng lực tư duy khái quát mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của Tướng Hưởng.
Các bài viết trong “Một góc nhìn thời cuộc” được chia thành 5 chủ đề lớn: Nhìn nhận về Lịch sử; Kinh tế – Xã hội – Văn hoá; An ninh – Quốc phòng; Quan hệ Quốc tế; Bình luận Quốc tế. Trong mỗi chủ đề, Viện Phương Đông và Nhà Xuất Bản Công An Nhân Dân đã cố gắng xắp xếp theo dòng chảy thời gian và theo nhóm vấn đề để độc giả tiện theo dõi. Cấu trúc cuốn sách rất chặt chẽ và mạch lạc để người đọc có thể theo dõi tiến trình đánh giá của Tướng Hưởng về thời cuộc hiện nay. Và họ sẽ không ngạc nhiên khi thấy rằng những đánh giá từ năm 2015, 2016 tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự của nó. Nhiều bài viết đã được đăng tải trên báo Thanh Niên, báo VietNamNet ngay từ khi công bố đã có sức lan toả mạnh trong cộng đồng xã hội, nhiều bài gây tiếng vang lớn ở Việt Nam bởi những quan điểm mới mẻ và quan trọng hơn đã dự báo chính xác nhiều diễn biến chính trị xã hội quan trọng.
Sự phân tích thấu đáo và dự báo đúng đắn ấy có được nhờ nhãn quan chính trị đặc biệt của một vị Tướng đứng đầu ngành an ninh Việt Nam trong suốt một thời gian dài. Và có lẽ chính vì muốn được chia sẻ những góc nhìn và kinh nghiệm sâu sắc của mình mà Tướng Hưởng cầm cây bút chì của mình viết ra những luận giải về thời sự đất nước và thế giới. Ông không viết để theo đuổi nghiệp văn chương hay vì danh tiếng cá nhân, những trang ghi chép của ông chỉ thuần tuý là sự chia sẻ những suy nghĩ mà nếu không có bề dày trải nghiệm như ông, chúng ta không dễ có được.
Thời sự chính trị và lịch sử là những đề tài vốn bị coi là khô khan nhưng cách viết, cách tiếp cận của tác giả là dễ hiểu, hấp dẫn, lôi cuốn. Cách thức lập luận trong các bài viết hết sức thực tế, không hàn lâm, phù hợp cho mọi tầng lớp nhân dân. Một số quan điểm trong sách rất mới mẻ, rất đặc biệt và rất toàn diện. Tuy vậy, Tướng Hưởng luôn cho rằng những góc nhìn của ông chỉ là một trong nhiều góc nhìn. Việc chọn tên sách là “Một góc nhìn thời cuộc” đã thể hiện sự khiêm tốn của ông. Ông luôn cho rằng bất kỳ góc nhìn nào mang tính xây dựng với đất nước đều cần được trân trọng và có giá trị tham khảo đối với những người nghiên cứu và những người hoạch định chính sách.
Mỗi độc giả khi đọc tập sách này sẽ thấy nhiều bài viết dù từ ba bốn năm trước đã đưa ra nhiều nhận định tiên tri về diễn tiến của thời đại. Không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra vấn đề, những giải pháp và đề xuất của tác giả trong cuốn sách này rất đúng và trúng, là gợi ý quan trọng cho những người làm chính sách ở Việt Nam hiện nay. Một góc nhìn thời cuộc, xét cả về mặt phân tích, dự báo và giải pháp, đều cho thấy những giá trị độc đáo của tác phẩm. Tiếp sau các tác phẩm đồ sộ của Tướng Hưởng được độc giả đặc biệt quan tâm tìm đọc như “Phán Xét” và “Đối thoại” lần lượt được Nhà xuất bản Công An Nhân dân cho ra mắt vào các năm 2016 và 2018, “Một góc nhìn thời cuộc” một lần nữa chứng minh cho năng lực tư duy thấu suốt và tâm huyết lớn lao đối với đất nước của một vị Tướng nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng chưa có một ngày nào ngừng suy nghĩ về con đường đi lên của đất nước trong một thế giới chuyển động không ngừng.