Ưng Trình
Trong hệ thống chính sách ngoại giao của các triều đại phong kiến Việt Nam, ngoại giao của nhà Nguyễn có lẽ là đề tài được đề cập nhiều nhất, bởi lẽ trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đường lối bang giao của triều Nguyễn được đánh giá là có nhiều đóng góp song cũng có không ít những hạn chế mang lại hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong nửa đầu thế kỷ XIX. Tạp chí Phương Đông xin trích giới thiệu với độc giả về các chính sách và hoạt động ngoại giao của bốn vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn, được tác giả Ưng Trình trình bày trong cuốn sách “Việt Nam ngoại giao sử cận đại” do Văn Đàn xuất bản năm 1970.
*
Kỳ 1: Triều Gia Long (1802 – 1819)
Giao thiệp với nhà Thanh
Năm Giáp Ngọ (1774), nhà Nguyễn Phúc mất Phú Xuân Kinh phải tranh đấu 28 năm mới khôi phục được. Song Đường trong thế lực của Tây Sơn còn ảnh hưởng, Đường ngoài, sĩ phu còn hoài vọng nhà Lê; muốn thống nhất thổ vũ, thống nhất nhân dân, để cho đâu đâu cũng được hòa bình, thì các nhà thức thế thẩm thời, dâng lên chúa Nguyễn một bài điều trần khuyến tấn[1]. Nguyễn Phúc Ánh trăm lo ngần ngại, mà trót phải nghe lời, lên chiếc ngai vàng năm Nhâm Tuất (1802), ngày 2 tháng 5, bố cáo cải nguyên[2], lấy hai chữ Gia Long làm đế hiệu.
Về nội trị, lo thâu phục thần dân, cả Bắc cả Nam; còn về ngoại giao, thì sai Lê Quang Định[3], Trịnh Hoài Đức[4], đệ biểu trần tình[5] đến Bắc Kinh, đàm phán thế nào để tránh cho dân khỏi cái nạn chiến tranh, khỏi phải như bên năm Kỷ Dậu (1789), đã đem đến 10 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị.
Trong biểu trần tình Vua Gia Long viết: “Tiên tổ chúng tôi là Nguyễn Hoàng, có chiến công nhiều, năm Mậu Ngọ (1558) nhà Lê phong cho làm Trấn thủ Thuận Hóa. Mở mang bờ cõi, có chín mười đời. Đến đời Nguyễn Phúc Thuần, chú chúng tôi, bị Tây Sơn giết. Nguyễn Huệ tự xưng Hoàng đế, chiếm cứ cơ nghiệp nhà Lê, may nhờ lượng Cửu trùng, tạm dung cho làm thuộc quốc. Đến đời con là Nguyễn Quang Toàn, thì dân trong nước tự trở lòng, bắt nạp cho chúng tôi và yêu cầu chúng tôi lên thay thế nhà Lê, cho hòa bình như ngày trước.
Tuy dân tâm qui thuận, mà còn chưa biết thiên mạng thế nào. Chúng tôi kính cẩn ủy cho Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, sang dâng phương vật, để tỏ lòng thành; trộm mong mưa móc thấm đến phương xa, chúng tôi được liệt vào hàng phiên phục. Trong khi chúng tôi gởi bản trần tình biểu, tâm hồn lo sợ, theo khói hương bay đến Thiên đình”.
Bức thư ngoại giao này, động lòng Vua Gia Khánh; song không cho lấy Việt Nam làm quốc hiệu; sau nhờ hai vị sứ thần đều là nhà hùng biện, Bắc Kinh mới chịu công nhận hai chữ Việt Nam. Năm sau (1803), cho Sứ thần đến tại Thăng Long, Vua Gia Long đón tiếp vào điện Kính Thiên, cử hành lễ thọ phong chính thức.
Trong bản thể sách[6], có những đoạn này:
“… Theo biểu trần tình của nhà Nguyễn Phúc, thuật chức[7] ở phiên bình[8], thì từ mấy thế kỷ nay, bờ cõi phía Nam đã mở mang thêm rộng…
Nay sai Tề Bổ Sum, Quảng Tây Án sát sứ, đệ cái ấn bạc mạ vàng, có hình lạc đà[9], đến tại Thăng Long, tuyên đọc bản thể sách nầy, phong cho Nguyễn Phúc Ánh làm Việt Nam Quốc vương, để giữ phần triều cống.
Chúng ta chăm giáo hóa, để cho muôn dân được hưởng hòa bình; con cháu chúng ta cũng được hưởng hạnh phúc lâu dài, dầu núi Thái mòn, sông Hoàng cạn[10]”.
Vua Gia Long giao thiệp với các nước lân bang
Đã được thụ phong chính thức, Vua Gia Long nghiễm nhiên thay thế nhà Lê, nói đúng hơn, thì thay thế cho Tây Sơn, là nhà đã được Tàu phong làm An Nam Quốc vương, sau khi Lê mất nước.
Các nước láng giềng cõi Đông Á, phần nhiều đương theo chế độ nhà Thanh, nghĩa là theo chính thể phong kiến di truyền; duy nước Xiêm La, từ thế kỷ thứ XVII, đã không chịu thụ phong như thuở trước; tự giao thiệp trực tiếp với Anh, với Pháp. Năm 1806, Vua Xiêm có gửi tặng[11] một chiếc thuyền chiến, để mừng Vua Gia Long đã được thành công, và để tỏ tình thân thiện.
Đối với Chân Lạp, nay gọi Cao Mên, lúc đương làm chúa Đường trong, vẫn đã có quyền bảo hộ. Vua Cao Mên coi Vua Gia Long là ngôi Thiên tử, thường năm triều cống, thủ phận một nước chư hầu. Song vẫn giữ quyền nội trị ngoại giao, chúa Đường trong chỉ bảo hộ cho khỏi bị ngoại xâm, những ngày Vua Cao Mên có yêu cầu đến binh lực.
Năm 1811, quân Xiêm sang đánh Cao Mên, Vua là Nặc Ông Chân phải chạy đến Tân Châu cầu cứu. Nguyễn Phúc Ánh sai Lê Văn Duyệt đem binh một vạn, hội đồng với sứ thần Xiêm, điều đình cho cả hai bên, rồi đưa Nặc Ông Chân về nước. Còn lo cho dân tộc ấy, mới gởi người sang xây thành Nam Vang (Phnom Penh), và cho Nguyễn Văn Thùy ở lại với một ngàn quân, theo lời yêu cầu của Vua Cao Mên, để giữ gìn trật tự.
Còn Vua Ai Lao đã quen thờ chúa Nguyễn, cứ 3 năm, sang triều cống một kỳ. Ngoài ra, những năm có lễ gì riêng, như năm Vua Gia Long đăng quang, Vua Ai Lao cho thần sang dâng phẩm nghi, mà vì chẳng yêu cầu gì, nên Vua Gia Long vẫn để cho tự trị.
Vua Gia Long giao thiệp với các nước Tây Âu
Năm 1803, Vua nước Anh sai sứ thần là Robert đem phẩm vật sang tặng hảo, và xin khai thương tại vịnh Trà Sơn (Cửa Hàn). Vì đã nhận thấy ở Tây Trúc, ở Xiêm La, hiện tượng thế nào, nên Vua Gia Long không nhận lễ của người Anh, cũng không cho ở Cửa Hàn buôn bán.
Mấy năm sau, vẫn còn đến nữa; vì sợ cường tân áp chủ (khách mạnh lấn át chủ) nên Vua Gia Long vẫn lãnh đạm, chưa muốn rước khách phương xa. Huống về công thương, nước Việt Nam chưa có thể cạnh tranh; dầu có thâu được thuế hải quan, cũng không bù lại với tài nguyên xuất cảng.
Duy đối với người Pháp, Vua Gia Long có sẵn mối cảm tình; Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau), Nguyễn Văn Chấn (Vannier), đều được tin dùng, phong đến tước Hầu, cho cai quản hai chiếc tàu đồng[12], người Việt Nam thường gọi là Chúa Tàu Long, Chúa Tàu Phụng.
Năm Đinh Sửu (1817), có chiếc Hòa Bình (La Paix) chở hàng sang bán; song toàn là xa xỉ phẩm, dân bổn xứ không tiêu thụ bao nhiêu; Vua Gia Long thương tình, cho miễn thuế hải quan, để bù phí tổn. Cũng năm ấy, Pháp đình cho chiếc Quỳnh Nga (Cybèle) chở vật phẩm sang tặng hảo. Ngày đến Đà Nẵng, chủ thuyền là De Kergarion xin phép đến Kinh đô; tấn tuồng ngoại giao toan diễn tại Phú Xuân, chỉ vì có phẩm vật mà không có quốc thư, nên Vua Gia Long không tiếp.
Năm Kỷ Mão (1819), có tàu Rose và tàu Henri vào cửa Đà Nẵng, hàng hóa bán được, vì các nhà buôn đã biết những hạng người bổn xứ nhu cầu. Lại mua những trà và lụa chở về, theo kinh tế xã giao, thì lợi quyền tương đối.
Nhân dịp, Nguyễn Văn Thắng xin phép 3 năm về nghỉ, đem cả vợ con; vì đã ở đây 25 năm luôn trên đất Việt Nam, nên Vua Gia Long cũng chiều lòng, cho Nguyễn Văn Chấn đi đưa vào Đà Nẵng.
Quan Tổng trấn Nam bộ giao thiệp với người Hoa Kỳ
Trong mấy mươi năm, Vua Gia Long vẫn có trực tiếp người Pháp, song chỉ theo phương diện xã giao; còn người Mỹ cũng như người Anh, thì Vua Gia Long mới giao thiệp gián tiếp.
Tại Gia Định, từ mấy đời trước, người ngoại quốc vẫn đã lai vãng thông thương; có chức Tổng trấn coi thuế hải quan, kiêm việc ngoại giao, Vua Gia Long có cho đặt ở ngoài thành Sài Gòn một sở Nghinh tân quán[13].
Năm 1819, hai chiếc thuyền Mỹ đến Sài Gòn. Người chủ thuyền, sau những ngày tiếp xúc với quan lại, với nhân dân, có biên bản “Đông Hải hành trình”; tuy ngòi bút của một nhà buôn, song tác giả là John White, một vị Hải quan, có ý biên tất cả phong tục, tính tình ở Đông Dương, để cống hiến cho nước nhà những điều tự mình đã quan sát. Trong bản nhật ký ấy[14], có mấy đoạn này:
“Ngày 9 tháng 10 năm 1819, tôi bước chân lên đất Sài Gòn, đi qua một cái chợ giữa trời, các thực phẩm không thiếu một thứ gì, mà giá rất rẻ.
Phía Tây tỉnh thành Gia Định, có một vùng mộ địa, mả đất xen với lăng vôi; tuy không có qui mô, thiếu vẻ mĩ thuật, lại vì dân tin theo địa lý, xác người chôn theo phương hướng, nên không thẳng lối ngay hàng: song có tính cách bình dân, bất phân giai cấp.
Trên bờ sông Đồng Nai, có những kho dài trữ lúa, đều là quốc hữu hóa, nhà nước giữ độc quyền, phòng bị quân nhu, không bán ra ngoài, và phòng bị cơ hoang, để cấp phát cho dân lục tỉnh.
Ngày tôi đến, phủ Tổng trấn vừa làm lễ khánh thành cho mấy con sông. Vua Gia Long đặt tên là: Vĩnh Tế, Bảo Định, An Thông; ba con sông này, đào chỉ hơn một tháng rưỡi. Có 26 vạn người thay phiên ứng dịch, làm cả ngày và đêm: hơn 7 ngàn người đã bị thiệt mạng với thời gian; vì thiếu phương pháp tổ chức. Sở dĩ phải làm cấp bách như thế, là vì lợi cho cả nông, cả thương, theo lời yêu cầu của nhân dân, nên lệnh nhà vua nghiêm thiết lắm.
Dưới sông Đồng Nai, phía Đông Bắc, đậu hơn trăm chiếc bồng thuyền, người ta gọi là chiến thuyền, chưa kể đến ghe trần, là những ghe vận tải. Trên bờ còn di tích những xưởng, đóng chiến thuyền. Người ta còn nhắc công nghiệp Chúa Tàu Phụng, Chúa Tàu Long, là những tay kỹ sư người Pháp. Nhờ có Hải quân đại đội, vua Gia Long mới khôi phục được Phú Xuân Kinh.
Còn những chiếc ghe trần, ngày xưa dùng chở sắt, chở đồng ở Bắc về, đưa vào lò, đúc thành những súng kiểu Tây, hiện còn bài trí trên các cửa thành: Bá Đa Lộc, có tước Quận Công, đã chủ trương việc ấy.
Theo lời người ta kể lại, trước khi xây thành Gia Định chốn ấy chỉ là một giải rừng hoang, chưa có dấu chân người, chỉ có hươu nai ở. Ngày nay đã thành đô thị, mà dân vẫn gọi là xứ Đồng Nai. Nguyễn Phúc Hoạc, chúa Đường trong, đã cải tạo non sông, làm cho khách phương xa không nhìn ra dấu cũ.
Tuy đã thành một nơi phồn thịnh, song lối vận tải cũng như lối giao thông, chưa có những phương tiện văn minh còn dùng vai cánh của người, hay là dùng bò dùng ngựa.
Tranh vẽ sông Đồng Nai gần Sài Gòn trong sách “History of a Voyage to the China Sea” của John White (1782-1840), xuất bản năm 1823.
Tranh vẽ thuyền của Phó vương Đồng Nai trong sách “History of a Voyage to the China Sea” của John White (1782-1840), xuất bản năm 1823.
Nhân số có 18 vạn, trong số ấy có một vạn rưỡi Hoa kiều. Hạng người nầy, làm đủ cả các nghề: vừa bán, vừa buôn, có người để cả nhà hàng tạp hóa trên vai, đi khắp thôn quê; có người chỉ ngồi một nơi, đổi bạc, đổi tiền, như một nhà ngân hàng, hóa tệ xứ nầy lưu chuyển trong tay người ấy cả.
Sở dĩ bạn Hoa kiều bao chiếm cả các nguồn kinh tế, là vì người bổn xứ chưa biết cạnh tranh; nguyên liệu rất nhiều, mà vẫn để cho người ngoài lợi dụng. Chánh phủ cũng không đặt bảo hộ quan thuế[15] chỉ chính thâu theo thành kiến, nghĩa là không châm chước cho hợp thời.
Một ngày kia, tôi vào thành địa chủ, theo bổn phận một người khách lạ, tôi nhờ lính cảnh sát đem đường. Khi đi qua trước một tòa nhà, nguy nga như một ngôi chùa, tôi thấy người bạn hành cất nón cúi đầu, tôi cũng đưa mão lên, làm theo như giống khỉ. Thấy tôi cung kính, người ấy chỉ thị cho biết: Hành cung nầy, là nơi vua trú tất, tuy vua ở Huế, mà thần dân thường chiêm ngưỡng, những ngày có tiết lễ, vẫn đến vọng bái ngoài sân.
Phía tả Hành cung, là dinh quan Tổng trấn, vào khỏi cửa, có một trại lính, như một nhà giam, không có binh khí, cũng không có vẻ nghiêm trang, chỉ thấy để gông, để cùm, còn lính thì ngồi chơi, với mấy người đến chờ quan trên đòi hỏi. Sau khi đưa danh thiếp, chẳng bao lâu thì được phép vào. Lính ở ngoài hướng dẫn đến lính hầu trong; đi qua một cái sân lót gạch ba tràng, vừa đến một tòa nhà, cả 5 gian đều giủ sáo đỏ vẽ hoa, như không muốn cho người ngoài thấy người trong, là những vị thần, đương phò hộ cho dân một xứ.
Bên tả cũng như bên hữu, trên hai bộ ván trải chiếu kế đỏ, ngồi mỗi bên ba bốn ông già, khăn đen áo dài, nhìn như pho tượng vậy. Ngay gian giữa, trên một bộ ngựa cao, ngồi một vị tóc bạc râu dài, đưa đôi mắt nhìn tôi, tỏ ý đương chờ khách đến. Vội vàng đứng dậy, đưa tay cho tôi bắt, rồi chỉ bộ trường kỷ, ý muốn mời ngồi; song tôi chưa ngồi, vì còn chờ người thông ngôn, và chờ sắp những đồ tặng hảo.
Vừa thấy người nhà đưa ra một quả bánh phong giấy sắc, một khay nước trà sôi; khách phải thổi cho đi hơi, để uống cho vui lòng chủ. Sau những câu xã giao thù phụng, tôi mở vấn đề thuế hải quan, vị Phó vương chúm chím cười, rồi đáp lại rằng: “Tùy từng thứ hàng, có thứ đánh theo số lượng, có thứ đánh theo phẩm. Xuất cảng cũng như nhập cảng, chúng tôi sẽ làm đủ bổn phận cho Quí khách vừa lòng”.
Về đến thuyền, vừa thấy một người hương chức đến báo: “Xin sắm trầu rượu, để làm “lễ hạ dây”. Mai lại, thấy tôi cung đốn phu phỉ, quan viên mới kéo dây đo, rồi đổ con toán mất mấy giờ, bắt nạp mỗi thước khối 160 quan (80 đô la Tây Ban Nha), lại còn thêm tỷ lệ 3 phần trăm cho quan viên, gọi là tiền phù lưu, và 1 phần trăm cho hương chức nữa. Quan viên nửa say nửa tỉnh, cãi cọ nhau luôn; đến lúc ra về, còn để kỷ niệm lại trên thuyền: những dấu nước trầu, từ trước mũi ra sau lái.
Cách một ngày, tôi lại đến dinh Tổng trấn, để xin giảm thuế hải quân; theo số thước tấc đã đo, thì chiếc Franklin phải nạp 2.929 quan, còn chiếc Marmion chở nặng hơn, chưa nói đến các thứ hàng đánh theo phẩm nữa.
Sau nửa giờ đám phán, tôi nhận thấy vị Phó vương không có tánh chất sáng kiến, chỉ biết giữ theo lệ cũ, không biết tùy thời; dầu có ráng ngồi, cũng chỉ nghe lặp lại những câu hôm trước. Khi tôi đứng dậy, người thông ngôn nói nhỏ với tôi rằng: “Nay mai, vị Tổng trấn sẽ cho người về Kinh, đệ sớ tâu về quan thuế”. Tôi hiểu ý, xin gửi phụ một lá thư riêng, và gửi dâng lên vua một vật tôi đã có lòng sắm sẵn.
Ngày 20 tháng 11 năm ấy (1819), Vannier ở Huế phúc đáp rằng: “Tôi đã nhận được thanh gươm, cán ngà khảm ngũ kim, và đã dâng lên, vua Gia Long truyền viết thư cảm tạ. Tiếc vì bệnh vua càng ngày càng trầm trọng, nên vấn đề quan thuế, chưa có thể giải quyết, cũng chưa có thể cải lương…”. Dưới chữ ký, Vannier còn viết thêm rằng: “Sở dĩ chậm trả lời, là phải đi vào Hàn, đưa Sế-nho (Chaigneau)[16] về Pháp”.
Đọc lá thư vừa hết, thì nghe báo quốc tang: Vua Gia Long thăng hà, sau 18 năm cầm quyền thống trị…”.■
Kỳ 2: Bế môn Tự đại – Triều Minh Mạng (1820 – 1840)
Đối với Pháp, Anh
Nguyễn Phúc Đởm, ngày 25 tuổi, Vua Gia Long lập làm Hoàng thái tử, đã tự chuẩn bị những phương pháp nội trị ngoại giao theo chí hướng riêng, không theo thành kiến. Ngày 29 tuổi, chính thức đăng quang; áp dụng những phương pháp đã chuẩn bị năm xưa, tự đổi quốc hiệu ra Đại Nam không thông qua với Bắc Kinh, có ý rời nhà Thanh, cũng như hồi năm Bính Thân (1776), nước Mỹ rời nước Anh để tự mình độc lập.
Theo quốc hiệu cũ, tức là đóng vai một nước chư hầu; thà đứng trước mỏ gà, hơn là ngồi sau đuôi trâu[17]; làm Vua nước Đại Nam, biết giữ chủ quyền, dầu chưa cường thịnh như nhà Thanh, cũng đứng trên các dân tộc thiểu số.
Năm Canh Thìn (1820), Vua nước Pháp (Louis XVIII) cho Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) đem phẩm vật và quốc thư sang chúc mừng vị tân quân và xin thông thương giao hảo. Trong thư nói: “… Sở dĩ Nguyễn Văn Thắng sang làm Lãnh sự là vì có ý lựa chọn người mà Tiên đế đã tin dùng…”.
Người viết với người đọc quan niệm khác nhau; Vua Minh Mạng chưa muốn giao thiệp trực tiếp với một nước nào, trước khi có đủ binh thuyền để tự vệ. Khi được bức thư của Pháp đế, mới sai một vị quan hầu viết cho Bộ Ngoại giao[18] rằng:
“Tiểu quốc ở phương Nam, Đại quốc ở phương Tây, bờ cõi hai nước cách nhau xa, có mấy lớp biển. Dân của tiểu quốc thiếu những phương tiện đi sang Đại quốc, như ngày hoàng khảo đã cho đi; vì vậy nên tuy liên lạc có mấy mươi năm, mà dân trong nước vẫn chưa thông chữ Pháp. Nay được thư của Đại quốc, tiếc không có người dịch cho đúng nguyên văn; thành thử, quả nhân chỉ hiểu lờ mờ, không dám tự cho là có hiểu.
Còn vấn đề thương ước, thì có thể giải quyết theo lối thông thường: xuất cảng, nhập cảng, nước Đại Nam đã có lệ định rõ ràng, các nước ngoài vẫn đã áp dụng xưa nay, nếu muốn khỏi phiền phức cho cả hai bên, quả nhân tưởng không nên lập thêm, hay là lập riêng một thương ước khác…”.
Hai năm sau (1822), chiếc Cléopâtre chiến thuyền Pháp vào cửa Đà Nẵng, viên Tư lệnh thuyền trưởng muốn trực tiếp gặp Vua, có Nguyễn Văn Thắng làm tay trong mà vẫn không xin được phép.
Tháng 7 năm ấy, thuyền Anh Cát Lợi cũng đến, song không được dễ dàng như Xiêm La, đã vận động mở cuộc thông thương, mà bị Hải Vân quan đóng cửa.
Thấy rõ chính sách ngoại giao của Vua Minh Mạng, dầu ở lại cũng chẳng ích gì, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn đều xin về ngày 15/11/1824.
Thấy nguyên liệu dồi dào cho các ngành công nghệ, như mèo thấy mỡ, nước nào cũng dòm ngó bên ngoài. Năm Ất Dậu (1825), vua Louis XVIII cho Thủy quân Đại tá De Bougainville đem quốc thư và phẩm vật sang, đi 2 chiếc thuyền Thétis và Espérance, đều vào cửa Hàn, để tìm cách đến Kinh đô thương thuyết. Vua Minh Mạng thấy nước Pháp, nước Anh đương xung đột, mà năm trước đã từ khước nước Anh, nên sắc[19] cho các quan tỉnh Quảng Nam lựa lời từ tạ Bougainville, nhưng cũng phải cung đốn[20] cho phu phỉ. Tuân theo mật lệnh, các quan tự mở màn đàm phán, theo lối ngoại giao: “Thủy quân ở xa đến, địa chủ lấy làm hân hạnh, có dịp đến tặng thổ nghi: mấy cặp heo bò, mấy cây hàng lụa. Còn quốc thư, vì trong nước không hiểu chữ Pháp, nên gởi về Kinh cũng chẳng ích gì”.
Năm sau (1826), Pháp Hoàng còn cho Eugène Chaigneau, con người anh Nguyễn Văn Thắng, sang làm Lãnh sự, cháu thay chân chú, để giữ địa vị cũ trên đất Việt Nam. Chẳng ngờ mới đến Sài Gòn đã bị quan Tổng trấn Nam kỳ[21] không công nhận. Eugène phải trở về Pháp, tức là ngày hai nước tuyệt giao.
Đối với Mỹ
Năm Nhâm Thìn (1832), chiếc thuyền Mỹ vào vùng Lấm tỉnh Phú Yên, có sứ thần, có quốc thư, để xin thông thương giao hảo. Tin ấy đến Huế, cả triều lo nghĩ, chưa biết nên đối đãi thế nào, mới tâu lên Vua, xin cho Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phúc, hai thuộc viên bộ Hộ, đi vào hội đồng với các quan địa phương, dò xét tính tình người Hoa Kỳ, để tâu đổng tất.
Sau cuộc điều tra cẩn thận, Hội đồng tư trình về Cơ mật rằng: “Trên thuyền Mỹ có người tên Nghĩa Đức Môn (Edmund Roberts) và tên Đức Giai (Georges Thompson)[22], vâng mạng lệnh Quốc trưởng nước Hoa Kỳ đem thư sang, yêu cầu được lập thương ước. Hai người ấy cử chỉ nhã nhặn, có vẻ văn minh; duy bản quốc thư chúng tôi đã dịch ra chữ nho, đính theo đây, thì có nhiều câu không hiệp thể tấu đối”.
Bức quốc thư của nước Mỹ (bản dịch chữ nho):
“An-đô (Andrew Jackson) Tổng thống nước Mỹ, kính gửi sang Bạn Chí quý Chí tôn.
Tôi giao bức thư này cho ông Nghĩa Đức Môn, là một công dân xứng đáng của Hiệp chúng quốc, và là Đặc sứ của Mỹ Lợi Kiên.
Tôi mong Bạn Chí quý Chí tôn, lấy lòng nhân đức, và đặt tín nhiệm vào người thay mặt cho tôi, khi người này cam đoan tấm lòng thành thực của tôi đối với Bạn Chí tôn Chí quý.
Vì muốn bảo đảm cả các phương diện, cho nên tôi có đóng ấn Hiệp chúng quốc vào bức thư này.
Viết tại thành Hoa Thịnh Đốn, ngày 21/1/1832, tức là năm thứ 56 kể từ ngày nước Mỹ ly Anh độc lập.
Thừa lệnh của vị Tổng thống, Quốc vụ khanh: Lê Vinh Tôn (Ed. Livingston) ký thế và áp quốc ấn”.
Viện Cơ mật tra cứu lại 13 năm trước, John White đã đến Sài Gòn, có gửi về dâng lên Tiên Hoàng một vật báu của Mỹ. Nay Nghĩa Đức Môn đến, bất ngoại là tìm lối giao thông, để lập thương ước riêng; bèn phúc lại cho Hội đồng biết rằng: “Hoàng đế chuẩn cho Nguyễn Tri Phương, Lý Văn Phúc quyền lãnh chức Thương bạc để giao thiệp với Đặc sứ Mỹ, thay mặt cho Chính phủ Đại Nam. Nếu nước Mỹ muốn thông thương thì cứ theo thể lệ hiện hành, và thuyền phải vào vịnh Trà Sơn (cửa Hàn) để cho tiện bề kiểm soát”. Sau khi được lệnh, thì thuyền Mỹ nhổ neo đi.
Cách 3 năm, nhà cầm quyền Mỹ ký thương ước với Pháp, với Anh và Hà Lan; còn phái giao dịch hàng hóa với Á Đông, mới phái sang một sứ đoàn, cũng đặt Nghĩa Đức Môn làm Đoàn trưởng.
Năm Bính Thân (1836), thuyền Mỹ đến Xiêm, được trên vua hoan nghinh, ký liền một bản thương ước. Ngày 20/4 năm ấy, Nghĩa Đức Môn đến vịnh Trà Sơn, tuân theo huấn lệnh năm xưa, kỳ này, xứ đoàn mong cho được thành công hơn kỳ trước.
Vua Minh Mạng hỏi Thị lang Hoàng Quýnh: “Nên tiếp sứ đoàn Mỹ cách thế nào?”
Muốn cho vừa ý bề trên, nghĩa là không giao thiệp với người Âu người Mỹ, Hoàng Quýnh mới tâu: “Theo với bức thư năm trước, thì người Mỹ quỷ quyệt lắm. Đời nhà Hán không muốn cho Hung Nô phía bắc vào, đã phải đóng chặt Ngọc Môn quan[23]. Ngoài chính sách này, chúng thần trộm tưởng không có phương pháp gì hơn.”
Chẳng ngờ vua đã đổi chính sách ban lại với Hoàng Quýnh rằng: “Kỳ này, nếu ta còn cự tuyệt, thì người Mỹ sẽ cho dân tộc ta hèn nhát, sợ bạn phương xa. Vậy ta cho Đào Trí Phú và Lê Bá Thận lãnh chức Ngoại giao, vào cửa Hàn rước sứ đoàn của Mỹ.”
Vâng mạng đi vào Đà Nẵng, chẳng may Đoàn trưởng vi hòa[24]. Đào Trí Phú cho người đến hỏi thăm, bệnh nhân cũng cho người đi đáp tạ; song vì mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng, cho nên thuyền Mỹ vội trở về.
Đối với tôn giáo
Vì không muốn cho đạo Gia Tô truyền bá, cho nên ngày tháng 2 năm Bính Tuất (1826), Vua Minh Mạng hạ chiếu thư rằng: “Đạo độc ác của phương Tây, có thể biến cải tính tình của dân bổn xứ. Mấy năm nay, các thuyền sang thương mại đã để lại trên đất những Cha, Cố, người Tây. Hạng người này đã làm cho mê muội lương dân, hư hại đến phong hóa nữa. Ta phải ngăn cấm, hễ ai không tuân huấn lệnh thì sẽ bị trọng hình”.
Năm Bính Thân, là năm Sứ đoàn Mỹ đến Việt Nam, Vua Minh Mạng còn ra huấn lệnh nghiêm thiết hơn: Hễ bắt được những Cha, Cố, người Tây tại chỗ nào thì nhà chức trách phải giết liền chỗ ấy. Ai còn dám dung túng sẽ bị xử chung một luật với người theo đạo Gia Tô.
Ngày 21 tháng Giêng năm 1838, các đấng bề trên Giáo hội gửi mật sớ[25] tâu với Pháp Hoàng rằng:
“Từ 180 năm nay, người Bồ Đào Nha cùng chúng tôi nối nhau sang truyền đạo ở Viễn Đông. Tại Đường Ngoài có 35 vạn người, tại Đường Trong có hơn 10 vạn người đã vào Giáo hội. Trong thời kỳ Bắc – Nam tranh đấu đã bị tàn sát nhiều phen. Đến năm 1802, Vua Gia Long lập thành nước Việt Nam, thì chúng tôi được tự do truyền giáo.
Đến Vua Minh Mạng lên nối nghiệp, vì sẵn lòng ghét đạo Gia Tô cho nên coi giáo sĩ là người thù, từ năm 1823 trở về sau thì trừng trị triệt để.
Chúng tôi chưa kể đến người bổn xứ, chỉ kể người Pháp, đã có mấy trăm bị chém, bị xử lăng trì; có nhiều người mới bị bắt, chưa biết số phận thế nào; vì trong lúc giam cầm, phải thú nhận những điều không có. Còn 3 người nữa, trong số ấy có Đức Cha Havard đã thoát ngục trốn vào rừng, song sức gầy mòn, trót phải bỏ thây dưới hố.
Chẳng những là người Pháp, mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha cũng có 3 người xác thịt không toàn, đã bị giết một cách tàn nhẫn.
Dầu ở đâu cũng vậy, chúng tôi phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Quốc vương, ngày nào cũng mong Bệ hạ giải phóng giáo đồ, để cho chúng tôi được an thân thể an linh hồn mà thờ Chúa.”
Ngoài bản mật sớ, còn có nhiều vị Giám mục gửi thư riêng, báo tin cho Thủ tướng Jean-de-Dieu Soult biết rằng: “Vua Minh Mạng sắp cho sứ mạng sang Pháp”.
Đức Giáo hoàng ở La Mã cũng cho người sang nhờ Vua Louis XVIII tìm cách điều đình với Sứ bộ của nước Đại Nam, để cho lương giáo tương an, loài người không vì đạo Gia Tô mà phải chết.
Sứ bộ Đại Nam sang Pháp
Vì muốn biết dư luận ở Âu châu đối với nước Đại Nam về vấn đề tôn giáo, cuối năm 1838, Vua Minh Mạng mới cho một phái đoàn sang Pháp sang Anh; lựa Tôn Thất Thường, người hoàng phái làm đầu, Phó sứ là Trần Viết Xương, và 2 người thông ngôn tiếng Anh, tiếng Pháp.
Vì không báo cáo trước, cũng không có ủy nhiệm thư, cho nên Pháp Hoàng không tiếp theo nghi lễ ngoại giao như tiếp sứ thần các nước. Dư luận đã xôn xao trên đất Pháp, ngờ là vì vấn đề tôn giáo, nên Vua Louis XVIII không tiếp sứ đoàn.
Ngày 26/11/1840, báo Armoricain[26] có đăng những đoạn sau này: “Có 4 người lạ mặt, tự xưng là quan của nước Đại Nam, da vàng, răng đen, áo rộng tay, dài tột gót, màu xanh, màu lục, thêu những hình hoa hình chim… Bốn người ấy kể chuyện rằng bên xứ họ, cả dân tộc ưa chiến đấu, trọng chiến công; trong nước binh nhiều, và có kỷ luật… Các hải cảng đều canh phòng nghiêm mật, mấy đội thủy quân thường xuyên đi tuần tiễu biên cương… Hàng của các nước chở đến nhiều, mà bán được rất ít vì dân không thích dùng ngoại hóa, còn nguyên liệu cũng ít bán ra ngoài, hay là bán với giá rất cao, cho nên các nước Âu châu không giao thông thương mại… Dân xứ họ giàu lòng tín ngưỡng, thờ Thần, thờ Phật, thờ Thiên Chúa, triều đình cho được tự do…”.
Nhiều báo lại đăng những bài công kích, có đoạn nói “Nước Đại Nam cũng như Trung Quốc, tàn sát giáo đồ theo đạo Gia Tô; dầu sao cũng có cuộc báo thù, muộn hay là sớm…” Vì chính phủ có can thiệp, hay là có mật lệnh thế nào, sợ nói thật mất lòng, nên mấy kỳ sau không thêm bài khác nữa.
Sứ bộ toan sang Anh Cát Lợi, vừa được tin Vua Minh Mạng thăng hà, phải vội trở về, để lãnh mạng lệnh của ngôi vua khác.■
Kỳ 3: Triều Thiệu Trị và Tự Đức
1. Ngoại giao bằng súng: triều Thiệu Trị (1841 – 1847)
Giao thiệp với Pháp
Sứ bộ về chưa đến, trên ngai vàng đã có vua khác lên ngôi. Ngày 21 tháng Giêng năm Tân Sửu (12/2/1841), Hoàng trưởng tử Mân Tông[27] làm lễ thay tên[28], mở bản sách vàng, lấy chữ “Triền” làm hoàng danh, lựa hai chữ Thiệu Trị làm hoàng hiệu.
Cũng năm ấy, có thuyền Pháp đến vịnh Trà Sơn, hỏi dò lối chính trị của tân quân, rồi nhổ neo đi; vì chẳng thấy hành động theo lối nhà binh, nên không có ai để ý.
Vua Thiệu Trị đã nghe dư luận ở Pháp, ngày Sứ bộ đi về; thế mà trong các nhà tù vẫn còn đầy người Thiên Chúa giáo.
Tháng 2 năm Quý Mão (1843), một chiếc thuyền Pháp lại đến Đà Nẵng, chủ thuyền là Favia Lêvique biết rõ trong nhà lao ở Huế hiện giam 5 giáo đồ người Pháp, gửi thư xin Chính phủ tha ra. Theo lá thư này, Lêvique muốn mở lối ngoại giao, để điều đình với nhà chức trách.
Thấy có hiệu quả, hai năm sau, Cécille, thiếu tướng hải quân, coi đạo binh tại Thái Bình Dương, cho một chiếc chiến thuyền đến Trà Sơn xin tha cho Giám mục Lefèbvre, vị này bị án tử hình và đã bị giam hơn 11 tháng.
Kỳ này cũng như kỳ trước, lời thỉnh cầu vẫn được Vua Thiệu Trị chuẩn y; vì có ý sợ cường quyền, nên Vua vui lòng nhượng bộ.
Tiếng súng đầu tiên
Năm Đinh Vị (1847), Lapierre cùng Thủy quân thiếu tướng sang thế Cécille: Giáo hội gửi đơn kêu, vì một phần đông còn bị giam trong ngục. Lapierre không tôn trọng đến quyền nội trị, cũng không theo lối ngoại giao, bèn phái một chiếc thuyền đến cửa Hàn, đưa 6 giáo sĩ lên bờ, và một phong thư, tỏ mặt nhà binh, muốn dùng võ lực.
Thấy cách cử chỉ của mấy người khách lạ, quan tỉnh Quảng Nam phát mã thượng ra tâu. Vua sai Lý Văn Phúc (Tham tri bộ Lễ) lập tức vào Hàn, hội đồng với Nguyễn Đình Tân (Thủ hiến) và Nguyễn Đức Chung (Lãnh binh), mời bạn ấy đến điều đình, yếu cho ổn thỏa.
Theo ngày giờ của Hội đồng đã định, Trưởng phái đoàn đi với 4 thủy binh đến tại công đường, trao phong thư đã dịch sẵn ra tiếng Việt Nam cho thông ngôn đọc. Câu đầu là bắt triều đình cho tự do truyền giáo, câu sau là viện theo lệ bên Tàu, Vua Đạo Quang đã hạ chiếu cho dân gian được lập nhà thờ và được rước giáo đồ sang giảng Thiên Chúa giáo.
Nghe những lời quá xẵng, trái với thể lệ hiện hành, các quan Hội đồng không dám nhận thư, cũng không biết đáp lại thế nào, chỉ lắc đầu và lấy tay khoát. Trưởng phái đoàn tỏ ý giận, nói lớn tiếng, múa cả hai tay. Thông ngôn chưa kịp dịch hết lời thì khách đã ra đi, không chào địa chủ.
Lý Văn Phúc nói: “Trên Vua muốn chúng ta điều đình cho ổn thỏa theo lối ngoại giao; mà chúng ta đã chẳng biết điều đình lại đem về một bức thư này thì nhuốc mạng lệnh nhà Vua[29], tránh thế nào cũng không khỏi tội. Song thà chịu tội, chẳng thà gian dối với Vua”. Cả Hội đồng mới dịch ra chữ nho, đem thư về phục mạng.
Quả đúng như lời Lý Văn Phúc, sau khi ngự lãm, Vua nổi trận lôi đình, giao cho đình thần nghị tội. Muốn giải quyết vấn đề tôn giáo, Vua hỏi ý các quan; song có ai dám tâu cho truyền đạo Gia-tô, đều nhìn nhau rồi lựa lời thù phụng: “Hoàng đế đã thi ân nhượng bộ, mà người Pháp thị cường. Chúng thần nghĩ nên phòng bị cửa Hàn và kiềm chế giáo đồ, để cho dân an nước trị”.
Thuyền Pháp đậu chờ hơn nửa tháng chẳng thấy trả lời; lại thấy ngoài vịnh Trà Sơn có 5 chiếc tàu đồng đương dàn trận. Theo lời thám báo, Vua đã hạ chiếu bắt hết giáo sĩ người Tây, là đạo quân tiền phong, để thi hành theo chính sách của Tiên đế.
Lapierre cho người nói với quan tỉnh: “Nội 24 giờ, phải rút 5 chiếc thuyền vào; bằng để quá thời kỳ, thì thủy quân sẽ bắn!”
Chưa được lệnh ở Huế, các quan không dám tự tiện rút thuyền vào; huống trên mặt biển vẫn phải cầm phòng; song không thương thuyết cho rõ ràng, Thiếu tướng không hiểu lý do, ngờ là triều đình khiêu chiến, bèn ra lệnh bắn, thì thấy các đồn lũy đều bắn trả lời.
Sáng ngày hôm sau, là ngày 15/4/1847, Thiếu tướng cho nhổ neo ra đi, như có mật lệnh của nước Pháp, không cho quân thủy lên bờ. Còn quân ta người bị chết, người bị thương, các đồn lũy đều bị tan vỡ ra tro, nhưng may chưa đến nỗi phải mất nước.
Tuy thuyền Pháp đã đi xa hải cảng, mà Vua Thiệu Trị vẫn lo, chưa biết họ sẽ trở lại lúc nào, vì thế cho nên mắc bệnh. Ngày 27 tháng 9 năm Đinh Vị (4/11/1847), Vua Thiệu Trị thăng hà.
2. Đông Tây quan niệm khác nhau và Việt – Pháp chiến tranh: triều Tự Đức (1848 – 1883)
Giao thiệp với Trung Quốc
Hồng Nhậm (song danh), Hoàng nhị tử triều Thiệu Trị, tuân theo di chiếu đăng quang. Trước ngày tấn tôn, đã mở bản sách vàng, lấy chữ thứ hai là chữ “Thì” làm tên, và lựa hai chữ “Tự Đức” làm hiệu.
Tuy mới 19 tuổi mà nho học đã trứ danh; nói cho đúng hơn, thì chỉ là nhà giàu văn liệu của Tàu, hay là giàu cổ điển. Vua Tự Đức tưởng chỉ dùng cổ điển, đủ phát triển tinh thần của quốc gia, đủ trấn át hạng thượng lưu; văn hay thơ, đủ làm cho nhà Thanh phải kính nhường, đủ làm cho thần dân tôn trọng nữa.
Quả như vậy, vua đã sùng thượng văn chương, thì sĩ phu đều xu hướng theo văn chương; còn về chính trị, ngoại giao cũng như nhà Thanh, chẳng có ai để ý.
Năm thứ hai (1849), Vua Đạo Quang đặt Lao Sùng Quang, Án sát tỉnh Quảng Tây, làm sứ thần, mang thể sách sang Phú Xuân kinh phong cho Vua Tự Đức làm Việt Nam Quốc vương, để vãng lai triều cống. Sứ thần ngoại quốc đến Huế, kỳ ấy là đầu.
Vừa sứ thần, vừa thi sĩ, Lao Sùng Quang trực tiếp [gặp] với các nhà thơ, nhất là Tùng Thiện Vương[30], Tuy Lý Vương[31], là hai vị Hoàng thân (chú Vua), và là hai nhà thơ bên Tàu vẫn đã nghe tiếng. Ngày trở về nước, Lao Sùng Quang tự công bố với các bạn ở Quảng Tây rằng: “Thi đáo Tùng Tuy thất Thạnh Đường; thơ của hai nhà này nổi lên thì thơ của đời Thạnh Đường mất tiếng”.
Vua Tự Đức càng tự tín, văn thơ đủ đối phó với các nước ngoài. Nguyễn Trường Tộ[32] đã tâu đến cơ khí của Mỹ của Âu, mà Vua không màng để ý.
Giao thiệp với Tây Âu
Năm Canh Tuất (1850), thuyền Hoa Kỳ đến Đà Nẵng; năm Ất Mão (1855), thuyền Anh Cát Lợi cũng đến, đều xin giao hảo thông thương[33]; song vua không cho, vì bất đồng văn hóa.
Năm sau (1856), nước Pháp ủy Leheur Bille sur Are đem quốc thư sang, chẳng những xin khai thương, lại xin giảng đạo Gia-tô nữa.
Vì bên năm 1751 – 1752 đã chém 3 cố đạo người Tây (Bonnard, Charbonier, Matheron), và một Giám mục người I-pha-nho[34] (Diaz), lại vì đã giáng Dụ nghiêm cấm truyền đạo Gia-tô, nên Vua Tự Đức không biết đáp thế nào vấn đề ngoại giao với người Tây, không thể đem văn chương Tàu ra mà giải quyết. Chưa giải quyết được, thì phải chịu làm thinh.
Cách hơn một tháng chẳng thấy trả lời, Leheur mới cho người đến nói với các quan rằng: “Người Pháp đến với quốc thư mà triều đình Việt Nam không giao thiệp, không đàm phán, có ngày sẽ phải giao thiệp bằng súng, thì khỏi phải giao thiệp bằng thư”.
Tuy tuyên ngôn như vậy, nhưng nước Pháp còn cố gắng theo phương pháp ngoại giao để tránh cho khỏi chiến tranh. Ba tháng sau mới cho Montigny, sứ thần của Pháp ở Xiêm La, đem quốc thư sang, yêu cầu ba khoản: một là được tự do truyền giáo, hai là được giao thông thương mại, ba là được đặt lãnh sự tại Phú Xuân kinh.
Thư này càng khó trả lời; chỉ có làm thinh là giải pháp hay hơn hết. Song tự nhận thấy có nguy cơ ẩn phục, Vua Tự Đức mới cho Đào Trì (Chưởng vệ đạo binh Võ lâm) làm Khâm sai, vào giữ Hải Vân quan; Trần Hoàng (Chưởng vệ đạo binh Long võ) làm Thống lãnh cả các đồn, để lâm thời đối phó.
Theo giải pháp của Vua Tự Đức, Montigny vẫn đã dự trù, và đã đoán rằng: không lẽ đối phương chịu đầu hàng trước khi giao chiến. Đứng trước giải pháp “làm thinh” của Vua Tự Đức, nước cờ của người Pháp lại cao hơn, xuất quỷ nhập thần, đi những nước không ai ngờ đến.
Đầu năm sau (1857), Trần Hoàng gửi sớ tâu rằng: “Có một chiếc thuyền Pháp vừa đến Trà Sơn, cho người lên nói với chúng thần: triều đình không trả lời, tức là thừa nhận bức quốc thư của Pháp. Nay Napoleon đệ tam cho sang một vị quan nhất phẩm, toan về Huế để ký một bản hiệp ước theo 3 khoản nước Pháp đã xin. Chúng thần chưa biết đáp thế nào, còn chờ huấn lệnh”.
Bị nước cờ bí, vua phải trách cứ vào quan, mới phê vào lá sớ của Trần Hoàng: “Đã có Đào Trì làm Khâm sai ở Đà Nẵng, sao không tự thương thuyết cho êm, mà lại bắt triều đình phải trực tiếp [trao đổi với] người Tây, hay là các quan đều muốn thừa nhận 3 khoản ấy?”
Cách 2 ngày Đào Trì tâu lại: “Chúng thần chưa hành động thì thuyền Pháp đã chạy khỏi Trà Sơn”. Vua Tự Đức mừng, cho giải pháp “làm thinh” là đắc sách.
Tiếng súng thứ hai
Sở dĩ thuyền Pháp chạy là vì được lệnh phải sang hội chiến với Anh tại Quảng Đông; đến ngày ký hòa ước tại Thiên Tân thì Pháp hoàng cho hải quân Trung tướng Rigault de Genouilly đem 13 chiếc thuyền và 3.000 quân hiệp đồng với chiến thuyền của Tây Ban Nha, đầu tháng 7 năm 1858, vào cửa Hàn không theo lối ngoại giao, bắn phá cả các đồn, sau mấy giờ giao thiệp bằng súng.
Được tin ấy, Vua Tự Đức liền cho Lê Đình Lý (Hữu quân Đô thống phủ) vào làm đại tướng, đem thêm 2 ngàn quân nữa để giữ Hải Vân quan. Tại làng Cẩm Lệ, giao chiến quyết liệt hơn nửa ngày thì Lê Đình Lý bị trọng thương. Vua cho Nguyễn Tri Phương (Thượng thư bộ Binh) vào thế.
Rigault định lấy Đà Nẵng trước, rồi ra lấy Phú Xuân, song gặp nhiều trở lực không ngờ, mới định đem quân vào nam lấy Sài Gòn trước. Nguyễn Tri Phương lập lại các đồn lũy, kiên cố nhất là đồn Liên Trì, song chưa dám tấn công, chỉ lo phòng thủ. Lại vừa lúc Rigault tự đình chiến, thành thử, Nguyễn Tri Phương chưa xuất trận mà đã có chiến công.
Người chịu chết đầu tiên theo đất nước
Tháng Giêng năm 1859, Trung tướng Rigault ủy cho Đại tá Toyon ở lại cửa Hàn, còn tự mình đem binh thuyền vào cửa Cần Thơ, bắn phá các pháo đài hai bên bờ sông Đồng Nai, rồi giao chiến 4 ngày luôn[35], cả đường bộ lẫn đường thủy.
Tuy đã phòng bị nhưng đến ngày thứ 5, Võ Duy Ninh, Tổng đốc Gia Định, đã phải gửi thư cầu viện với các tỉnh lân bang. Trương Văn Uyển, Tổng đốc Vĩnh Long và Định Tường, đem viện binh đi được nửa đường thì nghe Võ Duy Ninh đã tự sát tại đồn Tây Tân sau khi thành Gia Định bị hãm.
Rigault thừa thắng trở ra lấy Hải Vân quan, để cho đứt lối giao thông theo bản dự trù ngày trước. Đến Đà Nẵng khai chiến thì Đại tướng Nguyễn Tri Phương phải chạy về Liên Trì để viện thêm binh vì nhận thấy thua đối phương cả các phương diện.
Trong lúc ấy, Pháp, Anh đương khai chiến với Trung Quốc, mà tại Thiên Tân có nhiều lợi quyền hơn. Rigault không muốn kéo dài cuộc chiến tranh trên dải đất Việt Nam, mới đưa thư về Huế để điều đình, nếu Vua Tự Đức chịu cho khai thương và cho truyền giáo.
Các quan ở Huế, cũng như Nguyễn Tri Phương ở Quảng Nam, ai cũng muốn hòa, mà đối với vua, đối với dân đều sợ phần trách nhiệm, mới tâu xin trưng cầu dân ý để cho cả Nam cả Bắc có thể gửi sớ điều trần. Những bản sớ[36] dưới này đều của các nhà mưu quốc:
“Nước Pháp sở dĩ muốn lấy Sài Gòn và Đà Nẵng là vì muốn chiếm thị trường: nếu Hoàng đế chịu cho khai thương thì ngày sau tranh đấu về kinh tế, không tranh đấu bằng khí giới nữa. Nước nhà như một người bị bệnh, đã đến lúc lâm nguy, thuốc đầu độc cũng phải dùng, trong khi cấp cứu” (Trần Văn Trung và 6 người đồng ký).
“Nếu cho khai thương và truyền giáo, mà Pháp chịu rút binh về, thì nên dùng nhà ngoại giao để giảng hòa, cốt giữ cho toàn thổ vũ” (Tô Linh và 5 người ký chung một giấy).
“Theo binh thư, thì có chắc hơn mới đánh; nay quân ta giao chiến mà chỉ có phần thua, thì nghị hòa là chước cuối cùng; huống lại tự nhà thắng trận xin hòa, thì bên ta, dầu bại trận, mà vẫn còn sự thể” (Lê Chỉ Tín, Đoàn Thọ đồng ký).
“Lòng lo cho nước thường phải xoay theo thế theo thời; Khổng giáo “tùy thời” là chính nghĩa. Hễ trong mình đã không có đủ sinh lực thì phải nhờ sinh lực ở ngoài; nay sức nước Nam thua cả các nước Âu Tây, chúng thần tưởng nên tùy thời thân thiện với người Tây, để lợi dụng sức của người làm sức của mình, mới mong có ngày tự cường tự chủ” (Nguyễn Trường Tộ).
Quân Pháp chiếm thành Gia Định
“Ngữ bất đầu cơ bán cú đa”. Nửa câu đã quá nhiều, khi nói không đúng dịp. Những nhà ái quốc, mưu quốc, gửi dân mấy lá sớ đều bị gác bỏ ra ngoài. Vua Tự Đức truyền cho Nguyễn Tri Phương rằng: “không nên dung giặc, để đến nỗi vua lo”. Rồi gửi ban cho Nguyễn Tri Phương một cái áo thêu hình rồng và một bài thơ, có câu: “Giải cầu nhẫn dĩ công trĩ tích”: Sao nỡ thấy chậm thành công mà tiếc ái áo ta đương mặc hay sao?” Trong thời kỳ Rigault đình chiến để chờ cuộc nghị hòa, vừa thấy kém sức khỏe trong mình phải xin về Pháp nghỉ.
Chính phủ Cộng hòa cử Thiếu tướng Page sang thế, tháng 10 năm ấy (1859) đến cửa Hàn, cũng đồng ý với Rigault, cho người đem thư ra kinh nhắc lại mấy điều đã yêu cầu trong thư trước.
Song nhẫn nại của nhà binh có giới hạn, Page lại phải tấn công. Nguyễn Tri Phương chạy sớ về tâu: “Quân chỉ còn 3 ngàn, Hải Vân quan sợ không giữ nổi”.
Trong khi đương thắng lợi thì Page được lệnh ở Pháp, bắt phải đem binh thuyền sang Thái Bình Dương để hội chiến với Charner; vì Pháp, Anh đương khai chiến tại Thiên Tân nên Thiếu tướng bỏ cửa Hàn sau khi đã đốt hết các đồn lũy.
Đầu năm Canh Thân (1860), thấy thuyền Pháp đã chạy xa hải cảng, Vua giáng dụ cho Nguyễn Tri Phương vào làm Đại sứ Nam kỳ, cho cả Phạm Thế Hiển đi theo, để khôi phục Sài Gòn, thừa cơ hội Pháp chưa có thì giờ trở lại.
Chẳng ngờ sau ngày Vua Hàm Phong[37] ký hòa ước thì Trung tướng Charner trở lại Đông Dương, đạn rưới như mưa, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, em là Nguyễn Duy tử trận, Phạm Thế Hiển cũng bỏ mạng trên chiến địa. Quốc dân đã phải để tang cho thành Gia Định, tuy tướng sĩ chưa chịu đầu hàng.
Bản hòa ước đầu tiên
Trong thời kỳ băng bó, Nguyễn Tri Phương nằm tại Biên Hòa, thì Trung tướng Bourdair đi đường sông, Thiếu tướng Page đi đường núi, hai đạo binh đánh hai mặt, Mỹ Tho và Tây Ninh; lại còn đưa thư đến Cao Mên, điều đình với vua rằng: “Sở dĩ quân Pháp đánh lấy Gia Định và Định Tường là có ý muốn mở đường để cùng nhau thân thiện. Từ ngày nay Đại Pháp là nước bạn, sẽ bảo đảm hoàn toàn quyền lợi cho nước Cao Mên…”.
Chỉ một lá thư không tốn một viên đạn đủ làm cho vua Cao Mên khuất phục nhờ toàn phương pháp ngoại giao.
Cuối năm Tân Dậu (1861), Trung tướng Charner xin về nghỉ, Chính phủ Pháp cho Hải quân Thiếu tướng Bonnard sang thay; thừa thắng, đánh lấy luôn tỉnh Biên Hòa và tỉnh Vĩnh Long, làm cho cả triều đình khiếp sợ.
Vua Tự Đức nhận thấy Nguyễn Bá Nghi[38] làm Khâm sai Đại thần điều đình không nổi, mới cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào nghị hòa với Pháp để chấm dứt chiến tranh.
Khi bệ từ[39], Vua Tự Đức ban một chén ngự tửu để tiễn hành và dặn mấy lời tâm huyết: “Nước đương lâm vào hồi nguy cấp, phải nhờ những nhà lão luyện, đem hết tài năng giữ cho được biên cương, công ấy cao hơn Lãng Tương Như đã đem ngọc Biên Hòa về cho nước Triệu[40]!”
Thuyền Forbin vừa cập Bến Nghé, hai vị lão thần nhận thấy Đông tam tỉnh như vật đã ở tay người; nếu mình chẳng xin đình chiến ngay bây giờ thì chỉ làm cho nhân dân lưu huyết[41] nữa, bèn cùng nhau lau nước mắt, áp ký vào bản hòa ước. Thiếu tướng Bonnard đã dự thảo sẵn sàng; sau khi đã hết sức điều đình, mới còn lại 12 khoản [Hòa ước Nhâm Tuất 1862].■ (Hết)
Bản hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) 1. Hoàng đế nước Pháp, Hoàng đế nước I-pha-nho, Hoàng đế nước Đại Nam, đính ước cùng nhau, từ nay vĩnh viễn hòa bình; nhân dân cả 3 nước, bất cứ ở đâu, cũng giữ tấm tình thân thiện. 2. Dân nước Pháp, nước I-pha-nho có quyền giảng đạo Thiên Chúa trên đất nước Đại Nam; tín ngưỡng tự do, không ai được cấm ngăn, cũng không ai được cưỡng bức. 3. Cả ba tỉnh: Biên Hòa, Gia Định (Sài Gòn) và Định Tường (Mỹ Tho), cả đảo Côn Lôn (Poulo Condore), vua nước Đại Nam nhường chủ quyền cho vua nước Pháp. 4. Lúc hòa bình, nếu có nước nào, hoặc bằng cách khiêu chiến, hoặc bằng cách điều đình bắt nước Đại Nam phải nhường đất một nơi nào, Hoàng đế phải cho người thân hành, tin cho vua nước Pháp; dầu có lập với nước nào một bản Hiệp ước cũng phải có vua nước Pháp thừa nhận mới được chính thức thi hành. 5. Dân nước Pháp, dân nước I-pha-nho đều được buôn bán trên các hải cảng: Đà Nẵng, Ba Lát, Quảng An; dân nước Đại Nam cũng được tự do buôn bán trên các cửa biển của Pháp, của I-pha-nho; song ai ở nước nào phải tuân theo luật lệ nước ấy. 6. Nếu nước nào có điều gì lợi hại tương quan, thì vua nước ấy phải cho người đại diện đến tại một kinh đô, điều đình cùng nhau, cho được đều thỏa thuận. Nếu không có điều gì phải thương lượng, chỉ muốn tặng hảo hay là chúc mừng theo lối bang giao, thì thường năm, các vua sẽ cho sứ thần lai vãng. 7. Nay đã hòa bình, tất cả các mối hiềm thù đều bỏ: vua nước Pháp sẽ ân xá cho những người bị bắt trong lúc chiến tranh; vua nước Đại Nam cũng sẽ ân xá cho các gia đình ngày trước đã phục tùng người Pháp. 8. Vua nước Đại Nam phải bồi thường binh phí 4 triệu phật lăng (franc), trả trong hạn 10 năm, mỗi năm trả một phần mười số ấy. Nước Đại Nam chỉ có bạc lượng, thì chỉ giá mỗi phật lăng là 72 phần trăm trong một lượng. 9. Nếu có người phiến loạn trên lãnh thổ Pháp, sau khi người Pháp kê tên, nhà chức trách của Nam Triều phải bắt cho được tội nhân, nộp cho người Pháp; cũng như những người phiến loạn trong nước trốn sang lãnh thổ Pháp, nhà cầm quyền Pháp phải làm hết bổn phận như trên. 10. Dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đều được bán buôn trong 3 tỉnh thuộc địa Pháp; chỉ trừ những đoàn lính chở khí giới, vua nước Pháp chỉ cho phép đi trên đất Cao Mên. 11. Quân đội Pháp giữ thành Vĩnh Long cho đến ngày có lệnh mới. Ngày nào vua nước Đại Nam trừ khử những bọn phản động trong thuộc địa Pháp, thì nước Pháp sẽ giao trả tỉnh Vĩnh Long. 12. Bản Hòa ước này kết giữa ba nước, có những vị ủy viên Thượng thư đại thần có đủ quyền và có đủ ấn kiểm để đại diện nhà vua; trong kỳ hạn một năm, lễ hộ giao bản Hòa ước này sẽ cử hành tại Huế. Napoleon đệ tam, Hoàng đế nước Pháp; Isabelle đệ nhị, Nữ hoàng nước I-pha-nho; Tự Đức, vua nước Đại Nam, đã ủy quyền cho các sứ thần nghị hòa. Sau khi nhìn nhận nguyên tắc và thỏa thuận cùng nhau, lập bản Hòa ước, và ký dưới này: Louis Adolphe Bonnard, Hải quân thiếu tướng Don Carlos Palanca Guttierrez, Đại tá Tổng chỉ huy quân đội của I-pha-nho Phan Thanh Giản, Bộ trưởng Bộ Lễ nghi, Khâm sai Đại thần Lâm Duy Hiệp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Khâm sai Đại thần |
[1] Khuyến tấn: Trong Nam Phong năm thứ 12, bản chữ nho, có đăng bài khuyến tấn, ký 44 tên: Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Văn Tường… Khuyến tấn là khuyên tới thêm một bước, khuyên lên đế vị để định chí thần dân.
[2] Cải nguyên: Đương giữa năm, mà đổi qua triều khác, hiệu khác, gọi là cải nguyên; còn kiến nguyên, là những vị vua kế thống, chờ đến ngày đầu năm mới kiến nguyên.
[3] Lê Quang Định: Người Thừa Thiên, từ ngày nhỏ đã vào Gia Định ở. Vì nhân phẩm, vì tài năng, vua Gia Long chọn làm Sứ thần sang Bắc Kinh, xin thọ phong và thay quốc hiệu. Nhờ có tài hùng biện, nhà Thanh mới chịu đổi An Nam ra Việt Nam. Năm 1806, Lê Quang Định làm xong bản “Nhất thống địa dư chí”, 10 quyển, kê cứu cương giới từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Mất năm 1813, mới 54 tuổi.
[4] Trịnh Hoài Đức: Tiên thế, người Phúc Kiến, vì muốn để tóc thờ nhà Minh, nên nhập tịch ở Trấn Biên, làm nghề dậy học. Sau được làm Giáo đạo, dạy Đông cung Hoàng Thái Tử. Năm 1802, vua Gia Long lựa đi với Lê Quang Định làm sứ thần. Có làm bản “Gia Định thành thống chí”; thọ 61 tuổi (theo Liệt truyện).
[5]Biểu trần tình: Trong báo Đô thành Hiếu cổ năm 1920, có dịch bài chữ nho ra chữ Pháp.
[6] Thể sách: Bản sách bằng lụa sắc, có thêu hình rồng, chép lời của vua, phong chức tước cho tôi. Báo Đô Thành Hiếu Cổ năm 1912, có dịch chữ nho ra chữ Pháp.
[7] Thuật chức: Chữ trong sách Mạnh Tử, nghĩa là tường trình lên ngôi thiên tử, những công việc của một nước chư hầu.
[8] Phiên bình: Nghĩa là hàng rào, bình phong. Các nước chư hầu là làm hàng rào, làm bình phong cho nhà Thiên tử.
[9] Lạc đà: Trên ấn, có hình con lạc đà khuất phục, biểu hiện các nước chư hầu. Ngày nhà Hán phong cho Triệu Đà làm Nam Việt Vương, đã đúc hình lạc đà trên ấn.
[10] Thái sơn, Hoàng hà: Là tên núi, tên sông lớn nhất của nước Tàu.
[11] Tặng chiến thuyền: Theo Minh Mạng chánh yếu
[12] Tàu đồng: Theo báo Đô thành Hiếu cổ năm 1920, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn (Chaigneau và Vannier), người Việt Nam gọi là Chúa Tàu Long, Chúa Tàu Phụng.
[13] Nghinh tân quán: Theo bản Việt Nam tạp kỷ của Lý Văn Hùng, vua Gia Long có làm sở tiếp khách ngoại quốc, gọi là Nghinh tân quán.
[14] Bản nhật ký: Của người Mỹ, biên bằng chữ Anh. Báo Đô thành Hiếu cổ năm 1920, đã dịch ra chữ Pháp.
[15] Bảo hộ quan thuế: Theo chánh sách Nhật Bản, đặt bảo hộ quan thuế để đánh thuế hàng nhập cảng cao hơn hàng xuất cảng.
[16] Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau): Theo liệt truyện chính biên, Nguyễn Văn Thắng sang Việt Nam từ năm 1789, sau làm chức Trung quân Chánh quản Long phi đồng thuyền. Khâm sai thuộc Nội Cai cơ, Thắng toán Hầu. Vợ là người Việt Nam, có 7 con. Báo Đô thành Hiếu cổ năm 1920 có đăng sự tích.
[17] Chiến quốc sách có câu: “Ninh vi kê khẩu, bất ninh vi ngưu hậu”
[18] Vì thư của Pháp Hoàng viết bằng chữ Pháp, nên vua Minh Mạng trả lời bằng chữ nho. Tại Paris, Abel Rémusat dịch lá thư này ra chữ Pháp, hiện còn tại viện Tàng cổ (theo bản Notions d’Histoire d’Annam của B. Maybon)
[19] Theo Minh Mạng Chính yếu
[20] Cung đốn: cung cấp thức ăn, vật dùng một cách bắt buộc và tốn kém, BTV
[21] Nam kỳ: theo Thật lục Chính biên, chữ Kỳ có từ triều Minh Mạng
[22] Trong Thật lục Chính biên đã phiên tiếng Mỹ ra chữ nho, tuy không đúng, mà vẫn là tên trong sử
[23] Một cửa ải phía tây bắc nước Tàu, về địa phận tỉnh Cam Túc.
[24] Trong mình thủy hỏa không điều hòa, có bệnh
[25] Theo báo Đô thành Hiếu cổ năm 1928
[26] Theo báo Đô thành Hiếu cổ năm 1928
[27] Năm 1823 sau khi đúc cái bửu vàng (Hoàng đế chi bửu) để truyền kế, Vua Minh Mạng bày phép đặt tên, chạm vào một bản sách bằng vàng 20 chữ: Mân, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh – Bảo, Quí, Định, Long, Trường – Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật – Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương. Từ ngày ấy, nhà vua mới có tên hai chữ. Chữ đầu là chữ sẵn trong bản Kim sách, tức là tên chung; chữ sau là chữ của gia đình đặt cho, tức là tên riêng. Như Mân Tông: chữ Mân là tên chung, chữ Tông là tên riêng. Theo thứ tự 20 chữ trên này thì từ đời con đời cháu trở về sau, cho đến đời thứ 20, mỗi đời mỗi chữ (theo “Minh Mạng Chính yếu”).
[28] Cũng năm thứ tư triều Minh Mạng, nhà nước chạm trong một bản sách bằng vàng 20 chữ là: Triền, Thì, Thăng, Hạo, Minh, Biện, Chiêu, Hoảng, Tuấn, Điển, Trí, Tuyên, Giản, Huyên, Lịch, Chất, Tích, Yến, Hy, Duyên. Trước bản sách vàng, Vua Minh Mạng chạm một bài tựa để giải ý nghĩa của nhà nước: “20 chữ trong bản sách này, toàn về bộ Nhật (mặt trời), là tên 20 vị vua kể từ con ta trở xuống. Trước khi lên kế vị, phải làm lễ thay tên; bỏ tên cũ, là tên hiện có trong gia đình, lấy một chữ theo thứ tự trong bản sách này làm tên, tức là tên một vị vua, tên theo bộ Nhật. Mang tên mới, lên chiếc ngai vàng, chịu nhận sứ mạng của Trời, làm con Trời, không phải là người trong gia đình như ngày trước nữa; dầu bác, dầu chú đều phải trở lại làm tôi, cũng như dân trong nước vậy. Đối với dân, đối với nước, vua phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, nghĩa là phải chịu hy sinh trước chiếc ngai vàng, hễ không chết tại ngai vàng thì nhà nước không thờ vào Thế Miếu”.
[29] Sách Luận ngữ có câu: “Sứ ư tứ phương, bất nhục quân mạng”, nghĩa là Sứ thần đến đâu, đừng để cho nhuốc mạng lệnh nhà vua
[30] Tùng Thiện Vương (1819-1870): Hoàng thập tử triều Minh Mạng; trước tác cả văn cả thơ có 18 pho.
[31] Tuy Lý Vương: Hoàng thập thất tử triều Minh Mạng.
[32] Nguyễn Trường Tộ: Thế kỷ XIX, người Việt Nam có tư tưởng duy tân, chỉ Nguyễn Trường Tộ là một người Thiên Chúa giáo, năm 1860 theo Đức cha Gauthier sang Pháp, có đến La Mã bái yết Đức Giáo hoàng. Nhờ có thiên tư đặc biệt nên giỏi cả Pháp văn, cả La tinh, cả Hán văn. Ngày trở về, điều trần những kế hoạch: Cứu tế xã hội, cải lương phong tục, chỉnh đốn binh bị, nghiên cứu ngoại giao. Song Vua Tự Đức chẳng tin dùng, bị thổ huyết đến mất.
[33] Theo bản sử lược của Trần Trọng Kim
[34] I-pha-nho: Tây Ban Nha
[35] Theo bản sử của B. Maybon thì giao chiến chỉ 2 ngày. Theo bản dã sử chữ nho, Lê Thanh Cảnh đã dịch ra chữ Pháp và đã đăng trong báo Đô thành Hiếu cổ năm 1937 thì biên rõ 4 ngày.
[36] Tâu lên vua có 2 thể: về hành chính gọi là “phiến”, về nghị luận gọi là “sớ”. Trong dã sử có hơn trăm bản sớ, đây chỉ lược biên mấy bản, theo báo Đô thành Hiếu cổ đã đăng năm 1937.
[37] Theo bản “Trung Quốc ngoại giao thất bại sử”, năm 1860, sứ thần nước Anh xin triều yết Vua Hàm Phong và xin miễn lệ bái quỳ, sứ thần được phục sức võ trang đeo gươm, đội mão. Tăng Cách Lâm Tâm làm Thủ tướng, cho người Anh có ý khinh vua, đem hạ ngục sứ thần, không cho yết triều. Anh, Pháp lợi dụng cơ hội ấy đem chiến thuyền 200 chiếc và 2 vạn quân kéo vào Bạch Hà, hãm thành Đại Cô, rồi tiến đánh Thiên Tân. Vua Hàm Phong phải đến Nhiệt Hà tị nạn.
[38] Nguyễn Bá Nghi: người huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, đậu Phó bảng. Năm 1861, Pháp hãm thành Gia Định, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, Vua Tự Đức cho Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai Đại thần, vào Nam kỳ điều khiển quân thứ. Sau khi nhận thấy không chiến nổi, Nguyễn Bá Nghi gửi sớ tâu rằng: “Bằng không nghị hòa ngay lúc bây giờ, chúng thần xin chịu tội. Tại Nam kỳ, người Pháp mới lấy một tỉnh, nếu nghị hòa thì 5 tỉnh kia còn là đất nước Nam; bằng cứ tấn công, thì chỉ đem dân nạp vào miệng súng. Vì cớ ấy, nên chúng thần xin Hoàng đế nghị hòa, hay là cho người đi đến một nước nào, hoặc cầu điều đình, hoặc cầu viện trợ”. Vua Tự Đức phê vào sớ: “Có gặp gió manh mới thấy cây cỏ cứng thế nào; thầy nên cố gắng với nước nhà, để thâu hồi cho hoàn toàn lãnh thổ” (Theo “Chính biên Liệt truyện”).
[39] Từ biệt trước khi bệ vua, để đi làm theo sứ mạng
[40] Biên Hòa là tên người tìm được hòn ngọc báu. Năm 238 TCN, nhà Tần oai hiếp, muốn lấy hòn ngọc báu ấy của nước Triệu, đổi cho đất 5 thành. Vua nước Triệu sai Lãng Tương Như đem hòn ngọc sang nước Tần, nếu không được đất 5 thành thì phải đem về, cho hoàn toàn hòn ngọc báu. Lãng Tương Như làm theo nhiệm vụ, nhờ khéo ngoại giao.
[41] Lưu huyết: đổ máu