Masayuki Yokoyama là một nhà ngoại giao Nhật Bản. Trong Thế chiến II, ông đóng vai trò là cố vấn kinh tế của Đại sứ Nhật tại Đông Dương, và là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nhật ở Sài Gòn. Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, ông trở thành đầu mối liên hệ giữa Chính phủ Nhật và chính phủ mới của Hoàng đế Bảo Đại, với chức danh là Khâm sứ tạm thời và Cố vấn cho Chính phủ An Nam.
Chứa đựng nhiều thông tin tư liệu quý giá, hồi ký của Yokoyama về cuộc đảo chính Tháng 3 năm 1945 và các sự kiện quanh đó được lưu tại Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại ở Aix-en-Provence, Pháp. Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đã tổ chức biên dịch và sẽ xuất bản cuốn hồi ký này trong thời gian tới.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn trong cuốn hồi ký. Ngôn từ và nội dung trong trích đoạn này thể hiện quan điểm của tác giả, chúng tôi tôn trọng và giữ nguyên để độc giả tham khảo.
***
Các hoạt động chống Nhật của Việt Minh và sự trấn áp của Chính quyền Quân sự Nhật Bản
Nạn đói hoành hành ở Bắc Kỳ trong mùa đông năm 1944 – 1945 đã tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ kích động thuộc phe Việt Minh vượt biên giới Trung Quốc để thâm nhập vào miền Bắc. Các cuộc nổi dậy tại tỉnh Thái Nguyên đánh dấu những hoạt động đầu tiên của họ. Sau ngày 9 tháng 3, hoạt động chống Nhật của nhóm người này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Phe Đồng minh tại Trùng Khánh chắc hẳn đã khích lệ và hỗ trợ họ với mục đích nhằm thành lập “đạo quân thứ năm”[1] chống Nhật, bằng cách thả các đội đặc nhiệm Việt Minh nhảy dù xuống nhiều địa điểm trên lãnh thổ (Đông Dương), rồi từ đó những người này lén thâm nhập vào làng mạc và thành phố. Các đặc vụ này đã khéo léo tuyên truyền và nhanh chóng chiếm được lòng tin của người dân trên địa bàn.
Phong trào cộng sản chống Nhật sớm lan rộng từ cứ điểm ở Thái Nguyên. Lợi dụng sự xáo trộn tạm thời trong toàn bộ hệ thống hành chính, Việt Minh đã mau chóng hành động để đảm bảo có được sự ủng hộ của đông đảo nông dân tại tất cả các tỉnh phía Bắc. Họ phân phát thóc gạo tìm thấy trong kho dự trữ chính thức của các tỉnh lỵ. Chỉ với hành động này, các cán bộ Việt Minh đã thành công trong việc kết nối với tầng lớp nông dân nghèo. Sau khi lực lượng lính khố đỏ và bảo an bị giải tán, lực lượng cảnh sát của Chính quyền An Nam vẫn chưa được tổ chức lại nên việc cướp bóc diễn ra dễ dàng và thường xuyên. Quân đội Nhật rất coi trọng việc thiết lập trật tự công cộng và bình ổn xã hội nên không thể để tình trạng tệ hại đó tiếp diễn. Họ nhanh chóng bắt đầu trấn áp những vụ cướp bóc cũng như các hoạt động chống Nhật của Việt Minh.
Tuy nhiên, những biện pháp trấn áp này không hiệu quả lắm. Các nhóm Việt Minh được thành lập ở nhiều khu khác nhau và số lượng người ủng hộ họ tăng lên từng ngày. Hiến binh Nhật quyết định tiến hành bắt giữ hàng loạt những người An Nam bị nghi ngờ có khuynh hướng cộng sản. Vào khoảng cuối tháng 6 thì tin tức liên quan đến hoạt động cảnh sát này của Hiến binh Nhật đến tai Chính phủ Việt Nam tại Huế.
Nội các Tổng trưởng Trần Trọng Kim, vốn đã vô cùng lo lắng trước các tin tức bị phóng đại, nhận được một bức điện báo từ Khâm Sai Bắc Bộ Phan Kế Toại, than phiền về về các hành động xấu xa của lực lượng Hiến binh và thông báo về tình hình chính trị nguy cấp tại Bắc kỳ. Do đó, Ngài Tổng trưởng đã quyết định đi Hà Nội ngay lập tức để trực tiếp và đích thân đàm phán với Tổng Tư lệnh – Tướng Tsuchihashi về hoạt động trấn áp mà Ngài đánh giá là không đúng lúc và không hiệu quả. Ngài cũng muốn tìm giải pháp cho nhiều vấn đề khác vẫn đang bị bỏ ngỏ mà theo Ngài chính là nguyên nhân gây ra tất cả các khó khăn chính trị này.
Chính sách của Chính phủ Trần Trọng Kim trước áp lực từ Việt Minh
Ngài Trần Trọng Kim và các cộng sự cho rằng sự can thiệp của Hiến binh Nhật – lực lượng được đồn đại là đã bắt giữ hơn 2000 người tại Hà Nội và khu vực lân cận – có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình chính trị chống chính quyền vốn đã căng thẳng tại Bắc Kỳ một cách không cần thiết.
Trong số những người có tên trong danh sách bị bắt, có nhiều thanh niên xuất thân từ các gia đình không phải cộng sản thực sự và cũng không chống Nhật. Đơn cử như em trai của Bộ trưởng Thanh niên và ông Nguyễn Giang, một nhà văn trẻ theo chủ nghĩa dân tộc, đều được biết đến là những người thân Nhật. Chính phủ tự hỏi: “Đội Hiến binh Nhật không nắm rõ tình hình thực tế, chẳng phải sẽ bị đánh lừa bởi những thủ đoạn tinh vi của một số phần tử rõ ràng là đang muốn lợi dụng tình hình này hay sao?” Những kẻ chủ mưu thật sự đều trốn thoát, và chính những thành viên vô tội đến từ các đảng phái chính trị mà từ trước tới nay vẫn giữ thái độ trung lập lại vô tình trở thành nạn nhân của biện pháp cảnh sát do Đội Hiến binh thực hiện. Chỉ riêng điều này cũng đủ để khiến những người trẻ có thiện chí quay lưng lại với Nhật và chính phủ hiện tại, và tự nhảy sang chiến tuyến của kẻ thù. Điều này sẽ phá hỏng chính sách liên hiệp và hòa giải tất cả các đảng phái dân tộc chủ nghĩa, từ những người bảo hoàng cho tới những người theo chủ nghĩa dân chủ – xã hội – một chính sách mà Chính phủ đã thực hiện một cách hăng say, sáng suốt và đạt được nhiều thành quả đáng kể, mang tới hy vọng tích cực. Thật đáng tiếc khi nhìn thấy tất cả những nỗ lực và hy vọng đó bị đổ xuống sông xuống biển chỉ vì sự can thiệp thiếu hiểu biết và bất cẩn của Đội Hiến binh Nhật”.
Để khẩn trương giải quyết tình hình nghiêm trọng này, Ngài Trần Trọng Kim muốn nói chuyện riêng với các quan chức cấp cao của Nhật Bản tại Hà nội. Tổng trưởng đã cùng Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Thanh niên, Bộ trưởng Y tế và tôi đến thủ phủ Bắc Bộ vào sáng ngày 13 tháng 7. Từ 11 giờ cùng ngày, cuộc hội đàm bắt đầu trong bầu không khí rất thân mật giữa Nội các Tổng trưởng và Tướng Tsuchihashi. Tôi tham gia vào tất cả các cuộc thảo luận; và trong quá trình đàm phán, những nhân vật có liên quan từ cả hai bên được gọi vào khi cần thiết. Chúng tôi ở lại Hà Nội đến tối ngày 30 tháng 7. Dù vất vả nhưng Ngài Tổng trưởng cảm thấy hài lòng với kết quả thu được từ các hội đàm này, không chỉ về việc trấn áp Việt Minh mà còn về nhiều vấn đề quan trọng khác, bao gồm những vấn đề được đề cập trong chương trước.
Thỏa thuận giữa Chính quyền Nhật Bản và An Nam
Về vấn đề Việt Minh, dưới đây là bản tóm lược những lời giải thích và hứa hẹn mà giới chức quân sự có thẩm quyền của chúng tôi đưa ra:
“Đội Hiến binh Nhật Bản không bắt giữ nhiều người đến thế. Tin tức thu được ở Huế đã bị phóng đại lên rất nhiều. Trên thực tế, khoảng 120 người bị bắt trong phạm vi từ Hà Nội đến Hà Đông. Chỉ có khoảng 30 người trong số đó là vẫn bị giam giữ một vài ngày sau, đây đều là những người phạm tội quả tang. Nhưng hoạt động của chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn khi những kẻ chủ mưu thực sự đều trốn thoát. Chẳng hạn, chúng tôi đã thấy một số đứa trẻ bán báo kẹp tờ truyền đơn nhỏ của cộng sản vào bên trong các tờ báo. Chúng được trả tiền cho công việc này nhưng không đọc được nội dung, không hiểu nó là cái gì, và hoàn toàn không biết ai đã đưa cho chúng những tờ rơi đó để đổi lấy một khoản thù lao nhỏ. Chúng tôi cũng được báo về sự tồn tại của một số nhà in hoạt động bí mật, nhưng khi chúng tôi tới đó thì tất cả đều đã được giải tán”.
“Đội Hiến binh sẽ nhanh chóng xem xét những trường hợp bị bắt mà Chính phủ yêu cầu phóng thích. Chúng tôi sẽ thả ngay lập tức những người chứng minh được sự vô tội của mình. Trong tương lai, Hiến binh Nhật sẽ xin ý kiến Chính quyền Việt Nam với điều kiện phía Việt Nam phải giữ bí mật, nếu không thì sẽ không thể trấn áp được những kẻ gây rối”.
Những lời giải thích và hứa hẹn trên của Đội Hiến binh đã trấn an được Chính quyền Việt Nam; và các bộ trưởng bắt đầu tiến hành những cuộc đàm phán khó nhằn với lãnh đạo nhiều đảng phái chính trị khác nhau, những người cho tới khi đó luôn giữ thái độ thận trọng trước một triển vọng chính trị vẫn còn đang mù mịt. Có một chút hy vọng rằng sẽ thuyết phục được họ về sự cần thiết phải đoàn kết chống lại các phần tử cộng sản nhằm củng cố nền độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên, một mặt, những lãnh đạo này đưa ra nhiều yêu cầu về các vấn đề cơ bản mà giải pháp không chỉ phụ thuộc vào ý chí của Chính phủ, ví dụ như việc sáp nhập Nam Kỳ vào Việt Nam, chuyển nhượng lại các Tổng nha Chuyên môn cho Chính phủ Việt Nam, hay như vấn đề ba thành phố thuộc Pháp… Mặt khác, trong khi phong trào Việt Minh đang nhanh chóng lan tỏa trong tầng lớp nông dân nghèo và trí thức trẻ tại tất cả các tỉnh thành, thì Chính phủ vẫn không có thời gian tái tổ chức lại các đơn vị cảnh sát hay bảo an, hơn nữa cũng không thể trông đợi vào Quân đội Nhật vì họ đang quá bận rộn với các nhiệm vụ quân sự khẩn cấp khác. Nhược điểm của Chính phủ Trần Trọng Kim nằm ở hai điểm đó.
Chỉ đạo của Chính quyền Nhật khi Hiệp định Đình chiến cận kề
Mọi người có thể sẽ ngạc nhiên khi tôi khẳng định rằng cho đến sáng ngày 12 tháng 8, cả Bộ Tham mưu cũng như Tòa Khâm sứ của tôi tại Huế đều không nhận được thông tin gì từ các nhà cầm quyền cấp trên về khả năng ngừng chiến. Tôi xin khẳng định lại rằng đó là sự thật tuyệt đối.
Vào 22 giờ ngày 10 tháng 8, tôi tình cờ nghe thấy chương trình của đài phát thanh New-Delhi thông báo một tin chấn động: “Nhật Bản vừa báo qua đài phát thanh rằng họ sẵn sàng chấp nhận các điều khoản phe Đồng Minh đưa ra tại Hội nghị Potsdam, với điều kiện các đặc quyền của Nhật Hoàng phải được tôn trọng”. Tôi nghe tin buồn này với một cảm xúc nghẹn ngào, nhưng vẫn bán tín bán nghi về tính xác thực của nó. Do không có xác nhận chính thức nên tôi đã phải cố giữ bí mật và chỉ nói cho hai cộng sự thân cận vào sáng ngày hôm sau và dặn họ phải tuyệt đối thận trọng cho đến khi có lệnh mới.
Tuy nhiên, vào khoảng trưa ngày 11 tháng 8, Ngài Trần Trọng Kim tiếp tôi tại văn phòng của Ngài và nói với tôi rằng Ngài cũng nghe thấy thông tin tương tự, và rằng Đức Kim Thượng Bảo Đại lo ngại về độ xác tín của nó. Cả hai người họ đều muốn biết ý kiến của tôi về điều này. Tôi trả lời rằng các chương trình của kẻ thù thường thiên vị và không hề đáng tin cậy, và rằng tôi không có ý kiến gì cụ thể vì tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ nguồn chính thống. Tôi đã hứa sẽ báo ngay cho Ngài biết khi tôi nhận được các tin tình báo khác, và đề nghị Ngài không đồng ý xác nhận bất cứ tin đồn nào vì chúng có thể đã lan tới tai các viên chức.
Thực ra, từ buổi chiều hôm đó, các lời xì xào đã bắt đầu lan đi khắp thành phố giữa những người An Nam và đặc biệt là các viên chức. Điều này đã tác động sâu sắc đến các nhà chức trách quân sự. Họ vừa mới nhận được một bức điện báo từ Bộ Tổng Tham mưu tại Hà Nội rằng cho tới khi nhận được thông tin chính thức từ Đại Bản doanh tại Tokyo, cần bác bỏ hoàn toàn những tin đồn từ đài phát thanh của kẻ thù về việc kết thúc chiến tranh tại Đông Á. Sáng ngày 12, Tướng Hattori, Tổng Tư lệnh Lữ đoàn An Nam – Lào, kiên quyết yêu cầu tôi khẩn trương thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để thuyết phục Chính phủ Việt Nam và dân chúng nói chung rằng “Nhật Bản quyết tâm tiếp tục chiến đấu đến cùng”, và rằng “thông tin kẻ thù mới đưa ra là sai sự thật và nhằm mục đích làm mất tinh thần của quân đội và các đồng minh của chúng ta”. Ông ta trích dẫn bài diễn văn ngày 10 tháng 8 của Bộ trưởng Bộ Lục quân mà trong đó, vị này khẳng định “ý chí bất khuất của Chính phủ chúng ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ để giành chiến thắng chung cuộc”.
Trước yêu cầu được đưa ra một cách rất nghiêm trọng và dứt khoát đó, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chuẩn bị dư luận cho tình huống mới mà dường như không thể tránh khỏi này một cách có hệ thống; và sẽ khôn ngoan hơn nếu dò được ý của Chính phủ Việt Nam, và cùng nhau bàn tính trước một chỉ thị phối hợp trong trường hợp cần thiết. Nhưng một lần nữa, tôi buộc phải hy sinh quan điểm cá nhân để tuân theo mệnh lệnh của các nhà chức trách quân sự. Công việc biên tập tờ “Việt Nam Tân Báo” tiếp tục được thực hiện theo chiều hướng như vậy.
Chỉ đến sáng ngày 15 tháng 8 thì Bộ Tham mưu tại Huế, theo lệnh điện báo từ Hà Nội, mới mời tất cả công dân Nhật Bản lắng nghe chương trình phát thanh đặc biệt của Đài phát thanh Tokyo vào đúng giữa trưa, trong đó có bài diễn văn của Thiên hoàng Nhật Bản thông báo chấp nhận các điều khoản ngừng chiến của Potsdam, dặn dò quân đội và nhân dân giữ bình tĩnh cũng như tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh Đế quốc.
Sau buổi phát thanh bi thảm này, không còn nghi ngờ gì nữa, tin tức đã chính thức được xác nhận, và công luận chuẩn bị đối diện với một tình hình chính trị quốc tế mới phát sinh từ việc Nhật đầu hàng. Một lần nữa, giới chức quân sự của chúng tôi ở Đông Dương lại có ý kiến của riêng họ dựa trên cơ sở lý luận rất đặc biệt mà tôi không thể hiểu nổi, vì nó hoàn toàn khác với ý kiến của tôi nhìn từ góc độ chính sách chung. Họ phản đối việc lan truyền thông tin chính thức trên, lập luận rằng Hiệp định Đình chiến khi đó còn chưa được ký; rằng lệnh ngừng chiến vẫn chưa được lãnh đạo cấp cao đưa ra; rằng họ phải tiếp tục “cảnh giác” vì các cuộc đàm phán có thể sẽ đổ vỡ; và do đó, thái độ của chúng tôi không phải thay đổi gì hết. Tôi chỉ có thể nhận định rằng Bộ Tham mưu của chúng tôi tại Huế đã dành thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng tâm lý cho quân đội đóng tại các điểm chiến lược khác nhau trên toàn vùng An Nam – Lào rộng lớn, thay vì để họ phải đối diện với một tình huống đột ngột và bi thảm mà không được chuẩn bị trước. Bộ Tham mưu muốn trong tình huống nghiêm trọng như hiện nay, tính kỷ luật danh tiếng của Quân đội Nhật không bị ảnh hưởng, và tất cả các đơn vị cùng toàn thể binh lính phải tuân thủ lệnh ngừng bắn của Thiên Hoàng. Chỉ đến ngày 20 tháng 8, tờ Việt Nam Tân Báo mới được phép đăng tải toàn văn nội dung của Sắc lệnh Đế quốc Nhật ngày 15 tháng 8 về việc chấp nhận Tuyên bố Potsdam.
Những điều trên cho thấy rõ ràng rằng, giới chức địa phương Nhật, cả dân sự lẫn quân sự, đều không hề được cập nhật về thoả thuận giữa Nhật và phe Đồng minh cho đến tận giây phút cuối cùng. Kể cả khi chiến tranh đã sắp kết thúc, chúng tôi vẫn không nhận được bất cứ chỉ thị hay thông báo nào về vấn đề này. Chúng tôi đột nhiên phải đối mặt với một hiện thực mà hầu hết công dân Nhật Bản không lường trước được, ít nhất là đến phút cuối cùng.
Bên cạnh đó, kể từ ngày các sự kiện diễn ra khẩn trương như vậy, tôi không nhận được bất cứ chỉ thị nào có tính chất chính trị từ các quan chức cấp cao, ngoại trừ mệnh lệnh nêu trên về việc phủ nhận thông tin kẻ thù phát đi và một vài bức điện báo liên quan tới việc sơ tán công dân Nhật tại Huế và Đà Nẵng tới Hà Nội hoặc Sài Gòn. Tướng Tsuchihashi đã gửi cho tôi một bức điện báo chính thức vào khoảng ngày 16 tháng 8, bày tỏ sự cảm thông và yêu cầu tôi cố gắng hết sức để tạm dừng các công việc chúng tôi đang tiến hành ở xứ này lại một cách thích hợp. Từ đó, tôi không còn nhận được thêm chỉ thị nào từ cấp trên về các vấn đề chính trị nữa. Nhiệm vụ chính trị của tôi đã kết thúc “trên thực tế” cũng như “trên giấy tờ” khi Chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ và Ủy ban Lâm thời Việt Minh lên nắm quyền■
[1] Tức là lực lượng gián điệp (ND)