Thanh Trà dịch
Tháng 5/1975, tin tức và bình luận về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tràn ngập khắp các mặt báo ở Mỹ. Với tờ bìa đỏ nổi bật mang hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí TIME số ra ngày 12/5/1975 đã dành phần lớn trang viết cho sự kiện này. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một vài bài viết trong số báo, bao gồm bài “Miền Nam Việt Nam: Cái kết của cuộc chiến tranh 30 năm”, “Phản ứng và lý lẽ của người Mỹ sau sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tháng 4/1975” và ba bài về sự tiếp nhận người tị nạn Việt Nam của chính quyền và người dân Mỹ: “Trại May Mắn thẳng tiến”, “Người tị nạn: Sự tiếp đón lạnh lùng và thận trọng” và “Nỗi buồn ở trại tị nạn”. Các ngôn từ trong bản gốc thể hiện quan điểm của phía Mỹ thời kỳ đó, chúng tôi dịch nguyên văn để đảm bảo tính khách quan và để bạn đọc dễ dàng nghiên cứu, tham khảo.
Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã được giao một nhiệm vụ nguy hiểm: di tản những người Mỹ và người miền Nam Việt Nam cuối cùng khỏi Sài Gòn bằng trực thăng. Giờ đây, quân đội và đám công chức còn phải làm một việc nữa cần thiết nhưng ngán ngẩm: quản lý và sắp xếp chỗ ở cho khoảng 120.000 người tị nạn miền Nam Việt Nam.
Hàng chục nghìn người di tản đã được đưa tới ba “khu tập kết” chính yếu của Mỹ ở Thái Bình Dương: Guam, Đảo Wake và Căn cứ Không lực Clark ở Philippines. Những người khác được rải ở Saipan, cách Guam 250 dặm, nơi 56 người tị nạn đáp xuống bằng một máy bay C-130 chiếm được từ quân đội Nam Việt; căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Subic, cách Clark 110 dặm, nơi tá túc của khoảng 6000 người; và căn cứ không quân Utapao của Thái Lan, nơi tiếp nhận gần 3000 người Việt tị nạn. Không lâu nữa, họ sẽ được chuyển tới ba căn cứ quân sự trên Chính địa Hoa Kỳ: Trại Pendleton – California, Fort Chaffee – Arkansas, và Căn cứ Không quân Eglin – Florida, nơi họ sẽ ở cho đến khi Chính phủ Mỹ biết nên làm gì với họ.
Dưới áp lực từ chính phủ Philippines, Mỹ đã phải giảm số lượng người tị nạn đưa đến Clark và chọn Guam làm điểm tập kết chính ở Thái Bình Dương. Tệ hơn nữa, các quan chức Philippines còn đe dọa rằng họ sẽ bắt giữ các quan chức chính phủ và quân đội Nam Việt đặt chân đến nước này vào cuối tuần trên tàu của hải quân Mỹ: không rõ liệu người Philippines có xông vào căn cứ của Mỹ để làm vậy hay không. Trong khi đó, giới chức Mỹ đang phải đối phó với những người Mỹ di tản đang bực tức, sốt ruột và khó chịu về chỗ ở được sắp xếp. Tại Guam, một nhóm người Mỹ đã tổ chức biểu tình ngồi một tiếng đồng hồ trên xe bus, đòi được ở chỗ tốt hơn.
Chiến dịch này là một cơn ác mộng hậu cần, nhất là ở Guam. Chỉ trong một đêm, hải quân đã biến một khoảnh rừng rậm rạp đầy cây thầu dầu và cây bụi thành nơi mà có người đã đặt tên là “Trại May Mắn” (nhưng viết sai chính tả, “Camp Fortuitous” thành “Camp Fourtuitous”), hình hài đầu tiên của một khu tạm cư có thể chứa tới 40.000 người tị nạn. Khi nhóm tị nạn đầu tiên đặt chân tới đây lúc 6 giờ sáng, các túp lều và nhà vệ sinh bốn lỗ đã được dựng xong. Các đêm sau đó, lực lượng công binh của Hải quân Mỹ lắp đèn, bếp tạm, buồng tắm và nước sinh hoạt.
Phóng viên David Aikman của TIME cho biết: “Thật may vì chiến dịch này đã được thực hiện một cách khá thiện chí. Tất cả mọi người đều ngưỡng mộ các thủy thủ vì sự nhẫn nại của họ. Họ làm việc liên tục không nghỉ trong suốt 24 giờ đầu, sau đó chuyển sang làm ca 12 giờ. Trêu trẻ con, tán tỉnh các cô gái Việt xinh xắn, thủy thủ và công binh dường như nghĩ đó là một trò hay ho – và hóa ra chính thái độ đó lại giúp người Việt cảm thấy thân thuộc như ở nhà”. Trong tuần vừa rồi, một thủy thủ đã quyết định sẽ cưới một cô gái Việt mà anh đã giặt quần áo giúp vào Chủ nhật tuần trước, họ tên đầy đủ của cô ấy anh còn chưa biết.
Trong số những người Việt di tản đầu tiên đặt chân đến Guam có những người già, các gia đình lớn, và cựu nhân viên của Chính phủ Mỹ. Tuần trước, một kiểu người mới và sôi nổi lần đầu tiên xuất hiện: các sĩ quan không quân Việt Nam mặc trang phục bay đã chạy trốn cùng máy bay, vợ con và anh em họ của họ. Đại tá The Huu Ban nhồi hai hành khách vào hàng ghế thứ hai trên chiếc tiêm kích A-37 của mình và bay sang Thái Lan. Đại tá Dang Duy Lac, một phi công vận tải, bằng cách nào đó đã chất được 200 hành khách lên chiếc C-130 của mình để bay tới Utapao. Trung úy Trinh Thiet Thach, 24 tuổi, trốn khỏi Đà Nẵng hai tháng trước bằng cách bơi ra tàu hải quân Việt Nam, đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất giữa bão đạn của quân đội Cộng sản.
Những câu chuyện truyền miệng về cuộc di tản kể rằng một số lượng đáng kể các cô gái bar cũng đã trốn thoát khỏi Sài Gòn thành công, và tuần trước có tin đồn rằng một nhóm gái mại dâm đã dựng được một quán trà tạm bợ trong trại tị nạn ở Guam. Các báo cáo có thể thể hiện hoặc không, nhưng chúng thường có xu hướng che giấu sự thật rằng phần lớn người tị nạn đại diện cho tầng lớp trung lưu hoặc tầng lớp ưu tú có đặc quyền của xã hội miền Nam Việt Nam, những người có bằng cấp nước ngoài và làm cho nước ngoài. Một số thậm chí còn giàu có. Một nhân viên tình nguyện tại Trại Fourtuitous kể với phóng viên Aikman rằng đã nhìn thấy một số người Việt với vali chứa đầy tiền và trang sức. Người ta còn đồn rằng có một chiếc vali chứa 1 triệu USD tiền mặt. Aikman viết: “Vì ghen tị hoặc buồn chán, nhiều người Việt trong trại đã chọn tin vào tin đồn này”.
Lúc đầu, vấn đề nhập cư là nút thắt lớn trong quá trình này. Nhưng tuần trước, 80 chuyên viên di trú và thư ký đã bay tới Guam, làm việc theo ca từ 12 đến 16 giờ, xử lý hồ sơ cho 3.000 người Việt mỗi ngày. Đến cuối tuần, 17.000 người tị nạn đã được giải quyết xong và được đưa đến chính địa Hoa Kỳ.