Trích hồi ký của Lê Tùng Sơn
Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn từ cả “thù trong” lẫn “giặc ngoài”. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng cuốn hồi ký “Nhật ký một chặng đường” (xuất bản năm 1978) của đồng chí Lê Tùng Sơn, một người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để độc giả cùng nhìn lại tình hình rối ren trong nước vào cuối năm 1945 đầu 1946, cũng như những quyết sách tài tình của Hồ Chủ tịch và các lãnh đạo Việt Minh để vượt qua giai đoạn hiểm nghèo này.
*
Cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra ở Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945 và chỉ sau đấy hơn một tuần, nhân dân ta đã giành được chính quyền trong cả nước.
Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn, Bảo Đại tuyên bố thoái vị, bộ máy phong kiến quan liêu của triều đình Huế với những tam cung, lục bộ chồng chất nhiều bậc quan giai Đông các đại học sĩ, Hồng lô tự khanh, Lang trung viên ngoại, Hàn lâm Thị độc, Hàn lâm biên tu… ngổn ngang tan rã.
Các Thượng thư như Phạm Quỳnh, Lại bộ Thượng thư phải đền tội ở Huế, Ngô Đình Diệm bị bắt ở Quảng Nghĩa (sau lại được tha). Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân, con cưng của thực dân Pháp bị bắt ở Hà Nội…
Các tổng đốc trọng thần người thì mang kiếm ra đầu hàng Việt Minh như Phạm Phú Tiết ở Bình Định, người thì bị xử tử hình ở Quảng Nghĩa như Nguyễn Bá Trác. Tổng đốc Hà Đông cũng đầu hàng. Tỉnh trưởng Thái Nguyên Cung Đình Vận khét tiếng tàn bạo bị xử bắn còn ngoan cố hô “Việt Nam Quốc dân đảng vạn tuế”. Ở các tỉnh, tuần phủ, án sát, bố chính trốn chạy lung tung, tìm người che chở.
Riêng các “quan phụ mẫu” tri phủ, tri huyện và đốc phủ sứ cỡ nhỏ, đã cải trang biến vào nhân dân.
Các bà công chúa Huế trước kia được nuôi nấng sống ở trong cung xà cừ, ngày đêm nghe nhạc, gảy đàn, ít ra nắng gió, người mềm như liễu, gót đỏ như son, khi cách mạng nổi lên thì quần xắn tới gối chạy xuôi chạy ngược lon ton, đi xin việc đánh máy hay làm cấp dưỡng cho bộ đội cũng được.
Các quan võ của Tây ngày trước như quan một, quan hai, quan ba lãnh binh, phó quản, đội nhất, đội nhì, cai cơ, đội lệ, gác ngục, sếp lao, chúa ngục… trước kia làm tôi tớ cho đế quốc thực dân hống hách áp bức đồng bào, bây giờ lại hết sức hiền lành, bảo sao nghe vậy, gọi cán bộ Việt Minh là “Các anh”, xưng là “Chúng em”. Họ nói: “Trước kia chúng em đi lính theo Tây là vì tình thế, mong các anh hiểu cho…” rồi năn nỉ xin vào Giải phóng quân. Bộ máy quan liêu của phong kiến Việt Nam và thực dân Pháp cũ sụp đổ mà không bị báo thù, chứng tỏ sự khoan dung, độ lượng của Đảng ta và của Hồ Chủ tịch.
Các chính đảng thân Nhật có Đại Việt, nhưng Đại Việt lại có nhiều “Tiểu Việt” như Đại Việt Quốc gia, Đại Việt Duy dân… Bọn này cũng giấu mặt nằm im. Đến khi quân Tưởng vào Việt Nam, đem theo một lũ Việt gian, bọn phản động mới ngóc đầu dậy.
Đỗ Đình Đạo, một địa chủ theo Nhật trước, bây giờ theo Việt Quốc chiếm Vĩnh Yên, Vũ Hồng Khanh cùng Nguyễn Tường Tam về đến Hà Nội, lập trụ sở ở đường Quan Thánh, rồi bọn phản động các nơi lục tục kéo về, lập thành khối liên minh “Việt Quốc – Việt Cách”, với Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần là tiêu biểu. Trong số đó còn có Chu Bá Phượng, Phan Châm, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Triệu Luật, Hương Ký, Nhượng Tống, Trương Tử Anh… Trương Tử Anh, lãnh tụ Đại Việt, trước theo Nhật, bây giờ sợ Lư Hán nên vào Việt Quốc, nhưng thực tế vẫn hoạt động riêng, vì bọn này thích Tây hơn Tưởng. Như vậy, Lư Hán đã là chỗ dựa cho Việt Quốc, Việt Cách mà Việt Quốc, Việt Cách lại là chỗ dựa cho tất cả thế lực phản động Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng trừ Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần và một số rất ít trung thành với Tưởng, còn đại đa số thì trước phục Nhật, bây giờ chờ Tây, coi thường Tưởng.
Bè lũ phản động dựa vào quân đội Tưởng, lập trụ sở Việt Quốc ở các nơi như Vinh, Thanh Hóa, Hà Giang, Đáp Cầu, Kiến An, Hải Dương, Vĩnh Yên, Yên Bái, Lao Cai, Hải Phòng, Ninh Bình… Triệu Lung, cai khố đỏ chiếm nhà Ngân hàng Lạng Sơn. Ở Hà Nội chúng chiếm khu Ngũ Xã hồ Trúc Bạch để thu thuế, bắt dân treo cờ ba que.
Lực lượng vũ trang của chúng có tất cả độ 4 tiểu đoàn, đóng rải rác ở Hà Nội, Vĩnh Yên, Lạng Sơn, Yên Bái, Lao Cai, Cốc Lếu. Còn những nơi khác thì chỉ hoạt động nhằm lôi kéo quan lại cũ, địa chủ, thương gia, lính tẩy, kỳ hào mà thôi.
Chúng cho ra 2 tờ báo Việt Nam và Đồng Minh, tập trung mũi nhọn vào Chính phủ lâm thời và đòi giải tán chính phủ. Ta ký Hiệp định sơ bộ với Pháp, chúng lại vu ta là bán nước cho Pháp, hòng gây hoang mang, nhưng rốt cuộc việc làm của chúng lại tự lật mặt nạ chúng.
Tại thủ đô, chúng tổ chức ra nhiều trụ sở ngầm, tung chân tay đi tống tiền, bắt cóc đòi tiền chuộc, khủng bố những người trước lỡ lầm theo chúng, nay ủng hộ Chính phủ lâm thời. Chủ trương của chúng là quấy rối để quân Tưởng mượn cớ can thiệp, lật đổ Chính phủ lâm thời. Chúng định lôi kéo Vĩnh Thụy, Bùi Bằng Đoàn để lập chính phủ riêng.
Trong một thời gian ngắn, chúng đã bắt cóc các anh Phúc, Trần Đình Long rồi giết đi, bắt cóc anh Trần Duy Hưng nhưng không thành, bắt cóc Trương Trung Phụng, sau Tiêu Văn can thiệp chúng mới thả ra, ám sát Ba Viên ở vườn hoa Pasteur, bắn Bồ Xuân Luật ở phố Hàng Đào, giả danh công an ta bắt Nghị Liên để đòi tiền chuộc, giả làm quân Tưởng xông vào Sở Công an Hà Nội để cứu Nguyễn Thế Nghiệp nhưng không thành, giả danh quân Tưởng đi tàu hỏa từ Vĩnh Yên xuống Hương Canh để tước vũ khí quân đội ta, gây nên việc hôm sau quân Tưởng từ Lao Cai xuống bị bộ đội ta vây đánh. Để gây sức ép, quân Tưởng lấy một sư đoàn đưa đám tang mấy tên lính bị ta đánh chết. Việc này khá rắc rối, nhưng rồi sau cũng giải quyết xong. Bọn phản động dùng súng liên thanh bắn xả vào bộ đội ở phố Lò Đúc. Súng nổ, quân Tưởng tới can thiệp. Hai vụ cướp ở phố Hàng Bài và Hàng Vải thâm, chúng vét được tiền triệu. Những việc tống tiền không kể hết được.
Các trụ sở ngầm của chúng ở thủ đô là những nơi giam, tra tấn, giết người và chôn ngay tại chỗ. Điển hình nhất là vụ Ôn Như Hầu; ở đây, chúng đã giết và chôn hàng chục người. Công an ta phát hiện, cho khai quật để đồng bào xem; nhân dân rất căm phẫn.
Chúng định đưa dần bộ đội của chúng ở Lao Cai, Vĩnh Yên, Yên Bái về thủ đô nhằm lật đổ Chính phủ lâm thời, nhưng bộ đội của chúng đã bị ta bao vây không nhích được một bước. Chúng lại tính đến việc kêu gọi công nhân, viên chức bãi công, biểu tình rồi biến thành một cuộc bạo động.
Vào một tối cuối năm 1945, nhiều nhà ở thủ đô nhận được truyền đơn kêu gọi ngày mai bãi công, đến bờ hồ Hoàn Kiếm tập hợp đi biểu tình chống Việt Cộng. Sáng hôm sau ở bờ hồ người ta thấy một đám độ sáu bảy chục tên, mặt mày nhếch nhác, mang theo những khẩu hiệu: “Hoan nghênh Quốc trưởng Vĩnh Thụy”, “Đả đảo Việt Cộng độc tài”. Dẫn đầu đám biểu tình là một thằng đeo kính râm, đi ủng, hô những khẩu hiệu trên và nói: “Đồng bào đi vào hàng ngũ và hô khẩu hiệu đi”. Chả ai hưởng ứng. Nó cáu nói: “Đồng bào mù đấy à, Việt Minh là cộng sản mà không biết”. Để đáp lại, nhân dân hai bên đường lại hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ lâm thời, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và thét: “Đánh bỏ mẹ chúng nó đi!”. Thế là đám biểu tình của chúng lẩn dần, rồi hết.
Cũng lúc đó ở chợ Đồng Xuân, có một thằng nhảy lên ghế bán thịt kêu gọi bãi chợ. Các chị hàng thịt cũng chẳng vừa, vớ đòn gánh vụt y túi bụi. Y cắm cổ vừa chạy vừa chửi. Một thằng khác nhảy lên tàu điện gạt tay anh lái tàu nói: “Thôi đình công đi”. Anh lái tàu điện cho nó một cái bạt tai và chửi: “Cút mẹ mày đi, để cho chúng ông làm ăn”. Sau đó, trẻ em Hà Nội hay hát:
Đình công, bãi chợ không thành,
Mấy thằng phản quốc chạy quanh ốm đòn
Hú 7 vía, hú 3 hồn,!
Những tuồng lêu lổng, đứa con lạc đàn,
Mau về với nước, với làng
Cụ Hồ soi sáng dẫn đường cho đi.
Hội Việt Cách cải tổ và Hội nghị Liên tịch[…]
Trong tình hình như vậy, tôi xin gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp ở Bộ Quốc phòng. Cuộc gặp ngắn, chỉ độ 20-30 phút. Đồng chí Giáp đã cho tôi một số chủ trương mới. Đồng chí nói:
“Anh ra cải tổ Hội Việt Cách, mời cụ Đinh Trương Dương, tranh thủ Trương Trung Phụng, Hồ Đức Thành, Bồ Xuân Luật và thành lập Ban chấp hành cải tổ của Hội Việt Cách. Cho ra báo. Chú ý tổ chức những công thương, nghiệp chủ thủ đô vào. Phải làm thật gấp”.
Tôi xin cán bộ chính trị và cán bộ báo chí.
Hôm sau, anh Hoàng Hữu Nam gọi tôi vào Bộ Nội vụ. Anh hỏi tôi: “Có phải chúng nó (Việt Quốc) định bắt anh không? Coi chừng, chúng nó cắt tiết”. Sau đấy, anh đưa cho tôi 5 ngàn bạc Đông Dương. Chúng tôi thuê số nhà 52 Trần Nhân Tôn, làm trụ sở Hội Việt Cách. Bộ Quốc phòng cho anh Phan Văn Trị điều một trung đội đến bảo vệ. Trung ương còn cho các anh Như Phong, Thép Mới, Hồng (thường gọi Hồng bé con) về cộng tác với chúng tôi. Tôi được đồng chí Giáp chỉ định làm chủ nhiệm tờ báo Đồng Minh. Các anh Như Phong, Thép Mới chịu trách nhiệm về tòa soạn. Tờ báo xuất bản ra đã góp phần tuyên truyền rộng rãi chính sách đại đoàn kết chống thực dân Pháp làm cho mọi người thấy rõ bộ mặt thật của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam giả danh cách mạng làm tay sai cho bên ngoài, đập tan những luận điệu xuyên tạc, vu cáo phản động của chúng, ổn định được dư luận ở thủ đô và các nơi.
Hội Việt Cách cải tổ đã tổ chức buổi ra mắt các giới đồng bào thủ đô ở nhà hát thành phố. Hôm đó tôi giới thiệu điều lệ của Hội Việt Cách (thực chất là điều lệ của Việt Minh).
Do chính sách đại đoàn kết của Đảng, Quốc hội ta cho 70 ghế Việt Cách và Việt Quốc, chủ yếu là Việt Quốc. Việt Cách chia lấy 20 ghế.
Việc cải tổ Hội Việt Cách đã tập hợp được số đông những ủy viên của Hội Việt Cách cũ đứng trên lập trường đại đoàn kết dân tộc, ủng hộ Chính phủ lâm thời, cô lập thêm những phần tử phản cách mạng như Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh. Những việc làm đó chứng minh sự sáng suốt của Đảng ta và Hồ Chủ Tịch trong việc chỉ đạo sách lược, thêm bạn, bớt thù, mở rộng đoàn kết dân tộc, ổn định cục diện chính trị phức tạp, tăng thêm được yếu tố chính trị thuận lợi cho cách mạng, được nhân dân và dư luận tiến bộ lúc đó ủng hộ.
Ngược lại, tập đoàn phản động Tưởng Giới Thạch và tay sai thì bẽ mặt vì âm mưu “chia để trị, dùng người Việt đánh người Việt” thất bại nặng nề. Chúng càng căm tức, lồng lộn phản kích lại một cách hết sức bỉ ổi, điên cuồng, bằng những thủ đoạn vu khống, ám sát, bắt cóc những hội viên Hội Việt Cách cải tổ và phủ định ngay những nguyên tắc mà chúng đã thỏa thuận về chủ trương đoàn kết rộng rãi.
Hà Ứng Khâm tới Hà Nội, quan sát tại chỗ, thấy rõ sự bất lực của bọn tay sai và không thể lật đổ Chính phủ lâm thời, y phải chấp nhận đề nghị thỏa hiệp của Tiêu Văn về Chính phủ liên hiệp, cố gài một số tay sai vào trong Quốc hội và Chính phủ.
Tiêu Văn lúc này không phải là một nhân vật quan trọng nhất trong quân đội Tưởng vào Việt Nam, nhưng do đã theo dõi vấn đề Việt Nam từ năm 1943 ở Liễu Châu, tích lũy được một số hiểu biết, cho nên khi Lư Hán và Chu Phúc Thành vào Việt Nam thì Tiêu Văn trở thành một mưu sĩ chủ yếu về mặt kế sách cho cả Lư Hán lẫn Chu Phúc Thành. Y còn làm trung gian giữa ta với bọn này nữa.
Việc thành lập Chính phủ liên hiệp là thích hợp với hoàn cảnh và tình hình nước ta lúc bấy giờ. Trong một cuộc hội nghị liên tịch do Bác chủ trì, giữa Việt Minh, Việt Cách, Việt Quốc, “ba phái” đã thỏa thuận thành lập Chính phủ liên hiệp. Vấn đề nhân sự trong Chính phủ liên hiệp, vấn đề thống nhất quân đội thành quân đội quốc gia, vấn đề tổng tuyển cử Quốc hội thông qua Hiến pháp đều được thông qua đúng với những chủ trương mà trước đây Chính phủ lâm thời đã đề ra.
Trong cuộc hội nghị liên tịch này, ngoài đại biểu của “ba phái” nói trên, về phía Trung Quốc (với tinh thần trung gian) có Tiêu Văn, Hoàng Cương, Tham mưu trưởng của Lư Hán, Từ Xấu Thu, đại biểu của Tam dân chủ nghĩa thanh niên đoàn.
Hồ Chí Minh đã giới thiệu những nguyên tắc và nội dung liên hiệp nói trên với một thái độ nghiêm chỉnh và chân thành. Không thấy ai có ý kiến chống đối mà chỉ có ý kiến thêm bớt bổ sung vào các vấn đề.
Cũng sau hội nghị này, anh Cù Huy Cận và tôi được Bác chỉ thị dự thảo bản kêu gọi “Đoàn kết tinh thành[1]”. Khi giao việc, Bác nói: “Đi với Phật thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy. Bây giờ, sự thực là đi với ma. Nhưng chính sách mở rộng đoàn kết để chống thực dân Pháp là bất biến. Vậy các chú phải viết cho tốt”. Thế rồi, anh Cận và tôi, trên căn gác nhà cuối phố Hai Bà Trưng, trong gần một đêm đã viết xong bản “Đoàn kết tinh thành” trình lên Bác. “Đoàn kết tinh thành” là một câu trong bài hiệu ca của trường Hoàng Phố. Vì thế, mà tất cả những văn kiện nói về đoàn kết của Quốc dân đảng Trung Quốc, thường dùng những chữ đoàn kết tinh thành.
Theo sự thỏa thuận của hội nghị liên tịch thì Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng, Nghiêm Kế Tổ là những người có tên trong Chính phủ liên hiệp. Việc đó đã làm cho Việt Quốc, Đại Việt chia thành hai phái; phái hải ngoại đắc thế vì có người trong Chính phủ liên hiệp. Phái quốc nội không được ăn thì đạp đổ càng tăng cường chống lại những điều đã thỏa thuận. Do đó, vấn đề thống nhất quân đội, cũng như các vấn đề khác không thực hiện được và tình hình vẫn căng thẳng phức tạp.
Năm 1946, Quân giải phóng Trung Quốc đánh mạnh ở Đông Bắc Trung Quốc, Tưởng thỏa thuận với Pháp để quân Pháp vào thay quân Tưởng giải giáp quân Nhật. Tưởng cho hơn 4 ngàn quân Pháp đã bỏ Việt Nam chạy sang Vân Nam từ sau ngày 9/3/1945 trở về Lai Châu đánh phá miền Tây Bắc nước ta. Lúc này Tưởng tính đến việc mượn tay thực dân Pháp để phá hoại cách mạng Việt Nam và cho rằng ta không sao đương đầu nổi đội quân viễn chinh Pháp. Giữa năm 1946 quân Tưởng phải rút đi kéo theo bọn Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh cùng rút chạy. Việc làm của Tưởng đúng với kế sách của ta; ta đã chủ trương tạm thời hòa hoãn với Pháp để tống quân Tưởng ra khỏi nước ta rồi sẽ tính chuyện với Pháp. Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ trứng nước đã vượt qua giai đoạn vô cùng hiểm nghèo, gian khổ này dưới sự chỉ đạo rất sáng suốt, rất tài tình, kỳ diệu của Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch.■
[1] Tinh thành: chân thành, hết mực