Bạch
Thủ đô Hà Nội không chỉ là mảnh đất kinh kì với những di sản văn hoá lâu đời mà còn là một trong những thành phố biểu tượng cho tinh thần cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam. Người Hà Nội không những thanh lịch, tao nhã mà còn sở hữu một tinh thần chiến đấu bất khuất, sẵn sàng dấn thân, hi sinh vì độc lập dân tộc. Điều đó đã được nhà văn Nguyễn Tuân ghi lại một cách chân thực và cảm động trong bài viết “Người Hà Nội đi kháng chiến” đăng trên báo Văn nghệ số 15-16, tháng 10/1949. Qua bút danh Bạch, Nguyễn Tuân đã kể lại những cuộc gặp gỡ trực tiếp của mình với những người Hà Nội đến từ mọi tầng lớp… ngay tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Nhân dịp kỉ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Tạp chí Phương Đông xin trích đăng bài viết này để người đọc một lần nữa được sống lại những ngày tháng gian khó mà huy hoàng ấy cùng những người Hà Nội…
***
Người Hà Nội ở đâu, thủ đô ở đó. Người Hà Nội có ra đi, lòng Hà Nội đi theo. Hà Nội có phải đâu chỉ là cái xác nhà cửa, đường sá. Những nhân vật của thủ đô đi theo tổ quốc, đi theo Cụ Hồ, kháng chiến bằng trăm cách ở trên tất cả những nẻo đường đất nước. Họ đặc biệt Hà Nội vì sinh trưởng ở Hà Nội hoặc vì gắn bó với Hà Nội, thấy họ là như thấy hồ Hoàn Kiếm hay chợ Đồng Xuân.
Họ là nhà buôn, nhà giáo, họ là văn sĩ, họ là hàng hoa, hàng phở, là trăm thứ quà có tiếng của bờ hè Hà Nội. Họ là bác sĩ, sinh viên, là anh cầu thủ, chú thiếu nhi, là nhà danh họa, danh cầm… Người Hà Nội các tuổi, các nghề, các tầng lớp đi kháng chiến, dù làm ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hay làm bà bán bún chả ở chợ Phúc Trìu, dù làm việc ở giữa rừng trong những cơ quan được mệnh danh chế giễu thân yêu là “u tì quốc”, hay còn lại một cái áo xanh, áo đỏ ở những phố mới đông đảo khu III: người Hà Nội ở đâu, vất vả thế nào, cũng giữ được cái hóm hỉnh, cái nhanh nhẹ, cái thanh lịch gần như là một thiên tính. Họ mang đến cùng với mọi người chung quanh cái nụ cười, cái khối óc Hà Nội, tôi nói cái Hà Nội người, hơn là cái Hà Nội đất đứng một chỗ. Chỉ những người tranh đấu mới là Hà Nội.
Họ gặp nhau đông nhất và tiêu biểu nhất trong đoàn quân con đẻ của Hà Nội, Trung đoàn Thủ đô.
Những người Hà Nội ấy, chúng tôi muốn vẽ tất cả, nhưng chỉ có một phương tiện, là chọn lấy một số nhân vật quen thuộc trong các giới. Còn bao nhiêu khuôn mặt chúng tôi nhớ đến, nhưng không gợi hết được lên đây. Trên con đường kháng chiến đang dẫn đến chỗ thành công, chúng tôi thỉnh thoảng lại gặp 36 phố phường, hiện hình nơi một bà hội trưởng hội Dục anh, một ông chủ hiệu kem Bờ Hồ, hay một ông bánh gai Đan Quế…
Tất cả những người Hà Nội kháng chiến tưng bừng con mắt khi nghe đến tiếng Hà Nội, rướn hết sức lực để xúc tiến ngày về.
Nhưng nói đến người Hà Nội, chúng tôi còn nghĩ đến những du kích, những cán bộ nội ngoại thành, những anh chị trinh sát, những anh biệt động… Chúng tôi nghĩ đến Trung đoàn Thăng Long, đến dân chúng Hà Nội hiện giờ đang xuất hiện bao nhiêu anh hùng. Đến giai đoạn này, chúng tôi muốn đặt những “người Hà Nội đi kháng chiến” bên cạnh những “người Hà Nội ở kháng chiến”.
Ông Nguyễn Tường Phượng
Chợ Đống Năm nhộn nhịp. Cụ Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng rảo bước qua phố đông mặc bộ com – lê đen, đeo một bị cói. Bị cói thay một cái cặp da, trong đựng những bài đã chữa rồi để đem bình ở một trường trung học tư thục của nhà xuất bản Ngô Nhật Quang mở tại Thái Bình. Lưng nhà khảo cứu lịch sử thấp xuống một chút, nhưng khuôn mặt quắc thước hơn hồi làm chủ tịch đoàn báo chí sau khởi nghĩa. Cụ đặt tin tưởng vào tương lai văn hóa kháng chiến và đang khảo về một phép sư phạm mới cho những giờ lịch sử ngành trung học. Cụ gọi tôi là bác. “Nghe bác qua tệ xá, đệ đã cho quét sẵn nền nhà gianh để chờ bác đến uống trà và luận về văn nghệ mới”.
Cụ cười hà hà chống gậy trúc rẽ vào lớp học. Vẫn cái giọng dáng ấy và đáng yêu hơn.
Ông Trần Văn Khang
Khu ông ở là mấy quả đồi cao trọc. Giữa rừng núi rậm. Trên lối dẫn lên nhà ông, có giếng rộng miệng trong suốt và nhiều ô củi mập cắt đều đặn, sắp từng đống vuông. Một đàn lợn đủ hạng khối lượng, đuôi phe phẩy, la cà lục lọi quanh đồi, gà vịt tung tăng bước một. Tôi có cảm tưởng đến một trại trù phú nào ở tận lục địa mà màn ảnh đã cho ta thấy.
Ông Trần Văn Khang vẫn trẻ, trẻ y như 24 năm xưa, lúc ông là giáo sư và chúng tôi là lũ học trò trường Bưởi Hà Nội. Người ông phúc hậu, phồng nở hơn cả trước, tuy tóc ở đỉnh đầu đã bị thời gian – tôi không tin là do kháng chiến – nhổ lưa thưa đi nhiều.
Giáo sư vẫn tươi và nhộn. Cánh tay vạm vỡ, thân hình rộng khổ vận chuyển theo giọng nói trêu cợt, ông kể lại chuyện xưa giữa ông với tôi trước ngày kháng chiến. Chúng tôi cùng cười. Chuyện ấy suýt nữa đã đưa ông với tôi đối lập ra trước pháp luật.
Ông gọi tôi là “bủ”. Ông gọi tất cả mọi người là “bủ”. Tiếng “bủ” ở địa phương có nghĩa là “cụ” của ông ghẹo người một cách thân ái.
“Các bủ dùng cà phê?” Ông nghiêng đầu liếc mắt mà hỏi.
Chúng tôi gật một cách kiên quyết.
Mấy tách cà phê nặng bưng ra, nóng hổi và sếnh quện. Rất Hà Nội.
Ông Nguyễn Cao Luyện và ông Hoàng Như Tiếp
Mùa rét năm ngoái tôi gặp hai anh trên một quãng đường Vĩnh Yên. Gặp nhau, chúng tôi chỉ cười trừ… Những câu chuyện rất nhiều định tâm kể cho nhau.
“Hai cậu làm gì?”
“Kiến trúc”.
Anh Hoàng Như Tiếp tươi cười một cách rộng lượng, anh Nguyễn Cao Luyện tươi cười kiểu Clark Gable màn ảnh. Tôi nhận thấy cái áo ba đờ suy của mỗi anh đều đốn đi, biến thành va rơ.
Tôi nhìn anh Luyện:
“Tóc cậu từ ngày kháng chiến bạc đi nhiều”.
“Ông làm như không có kháng chiến thì người già chả có tóc bạc! – Anh toét miệng trả lời.
Ông Lương Xuân Nhị
Hôm trước đêm kháng chiến, tôi gặp họa sĩ Lương Xuân Nhị. Kháng chiến hơn ba năm, tôi lại gặp anh ở một làng đường xuôi.
Chiếc mũ phớt mầu lá đậm, cái áo sơ mi trắng bốp, nước da đỏ hồng, chiếc tẩu bóng lộn bám chặt giữa cặp môi tươi, họa sĩ của thủ đô vẫn thế.
Và kháng chiến bắt đầu từ cửa túp nhà lá anh tản cư. Con gái lớn của anh chừng 12 tuổi, xinh xắn như một tác phẩm của họa sĩ, ngồi trên hè, cánh tay non quay sợi. Trong gian nhà chật và xiêu vẹo, kê kín vài cái giường và chõng, đi lại phải lách mình, xếp chồng chất thúng, tay nải, ba lô, bồ, bọc… Đây không phải những thứ đồ tưng bừng lộng lẫy đã trang hoàng xưởng họa của anh trong Thủ đô, nhưng nó được trình bày, sắp đặt lên nhau, chỉnh tề, phẳng phiu như là, như xén, đặc Lương Xuân Nhị.
“Trước hết, anh em muốn được xem những tác phẩm của anh trong thời kháng chiến”.
Trước đây anh có vẽ một số tranh địch vận khổ nhỏ đã in rồi, màu sắc tươi, bố cục mạnh, giản dị và thanh nhã, ý tứ diễn đạt rõ ràng. Chúng tôi nhận thấy một bức mà giặc đã đánh cắp hẳn, chỉ xuyên tạc vài chi tiết như lá cờ và khẩu hiệu trong tranh, rồi in ra vô kể cho máy bay rải xuống mấy vùng Việt Bắc.
“Sau hết thì đến cái này!” anh vẫn cười nói, vừa rút ra ở một cái thúng, một chai rượu Dom Saint James, còn nguyên si và nguyên giấy bọc.
Đây cũng là một đặc điểm của Lương Xuân Nhị. Anh không uống được rượu, nhưng nhà vẫn sẵn chất đấy để chiều anh em.
Ông Trịnh Văn Bô và ông Vạn Vân
Nhà doanh thương trước kia ở cái toà nhà đồ sộ phố hàng Ngang, trông tươi trẻ quá. Vẫn khuôn mặt bầu bầu, nước da trắng trẻo, cái píp trên môi bóng. Gặp anh, tôi nhớ lại lá cờ đỏ rực treo trên nóc nhà của anh những ngày đầu khởi nghĩa. Thuở ấy, tôi thường cùng với mấy bạn có cái thú trèo lên gác trường trung học, mà say sưa ngắm Hà Nội rực rỡ hội cờ. Đỏ chói cả một góc trời. Cờ Việt Nam, cờ Đồng minh tưng bừng trong ánh sáng. Nhưng cao nhất, đỏ nhất, kiêu kỳ nhất là lá cờ nhà họ Trịnh tung bay trước gió bên một chiếc cột chống giời. Sau này quen anh tôi mới biết ngôi nhà ấy hồi tiền khởi nghĩa còn là nơi lui tới của nhiều chiến sĩ trong Mặt trận Việt Minh…
Chúng tôi bì bõm đi trên một con đường nước ngập đến đầu gối. Cùng đi với chúng tôi là ông chủ nhà nước mắm Vạn Vân nhanh nhảu, mắt nghịch ngợm sau đôi kính trắng. Hai người mà ngày xưa tiền ra vào như nước, nay áo tơi, nón lá, hòa vào phong cảnh đồng ruộng chung quanh. Chúng tôi cùng nói chuyện về Liên khu I. Bô thở một làn khói, cười giòn:
– Nhà tôi độ Trung đoàn Thủ đô đóng ở đấy, biến thành câu lạc bộ của các tướng. Tòa án binh cũng thiết lập ở nhà tôi. Vải vóc từng kiện một thì các tướng khuân ra ngoài đường làm chướng ngại vật.
Hai tiếng “các tướng” anh nói bằng một giọng thân mật, đầm ấm. Ông Vạn Vân không để anh nói hết, tiếp ngay:
– Anh còn kém tôi, vì nhà anh ở khu an toàn, chứ nhà tôi ở gần Cầu, đầu sóng ngọn gió, thì tan tành rồi mới là kháng chiến chứ như anh ấy à?
Trông nét mặt, nghe giọng nói của hai nhà doanh nghiệp, tôi không nhận thấy một chút ngậm ngùi, mến tiếc. Họ nói về những thiệt hại của chính họ, như họ đang nói về những thiệt hại của ai ai. Hai người vẫn giữ được cái dáng đi nhanh nhẹn của những người giao thiệp nhiều.
Trong bộ quần áo nâu. Trịnh Văn Bô vẫn giữ nguyên cái cốt cách lịch sử của người Hà Nội.
Ông Vạn Vân từ biệt tôi để vào thăm một trại sản xuất giấy. Còn riêng hai chúng tôi. Nhà doanh nghiệp phố hàng Ngang phác họa cho chúng tôi nghe dự định lớn lao của anh về việc tổ chức Ngân hàng Việt Nam, một công cuộc anh vẫn theo dõi và quyết tâm thực hiện.
Ông Trần Phềnh
Lớp người Thủ đô gọi là đứng tuổi không thể quên được tên ông Trần Phềnh. Bỏ Thủ đô ra ngoài kháng chiến, liền liền mấy năm ròng, chúng ta gặp bao nhiêu là việc mới, người mới, cảnh mới. Nhưng ngẫu nhiên có ai nhắc đến hai chữ Trần Phềnh, chúng ta có ai cảm tưởng đang đi đường xa bỗng ai đó đột ngột gọi đúng tên mình, mình quay đầu lại, ngừng bước! Thật ra, nhà họa sĩ nhiều tuổi này đã là một sự kiện phồn hoa ăn sâu vào hệ thống cảm xúc chúng ta trong một giai đoạn tuổi trẻ giữa Hà Nội xa hút.
Tôi gặp ông Trần Phềnh – gọi là cụ thì đúng hơn – chỗ cuối Thái Nguyên sát với tỉnh Bắc Giang. Cũng là một sự tình cờ. Chả là giặc đang câu móc, sục sạo gần vùng Nhã Nam. Chúng tôi đang lọt thỏm dưới những đồi cỏ gianh, không hiểu Pháp kéo quân như thế nào mà lại có nhiều khu trục yểm hộ nữa. Tỉnh Bắc Giang lúc này đang nhộn nhịp, căng thẳng đối phó với giặc, lo bảo vệ lúa sớm sắp gặt, rồi vấn đề di chuyển, vấn đề bạc rách bạc lành và khu trục bay bắn nhức tai suốt ngày. Bèn rẽ vào làng L. vừa nghỉ nắng vừa nghe động tĩnh. Ông Tú Mỡ cho biết rằng hiện ông Trần Phềnh đang ngồi vẽ ở làng L. um tùm trước mặt kia. Hay quá.
Trong một gian nhà tranh chật, họa sĩ đang vẽ trên khung vải căng. Các bạn tôi cứ nói chuyện với ông già Trần Phềnh. Tôi lặng lẽ ngắm ông. Ông đang vẽ một cụ già khác. Vẽ tranh Cụ Hồ. Tranh khổ to. Người trong tranh hồng hào quắc thước. Người ngồi cầm bút vẽ tranh cũng hồng hào quắc thước, dong dỏng. Trông vui đáo để. Ảnh Hồ Chủ tịch đang được găng to ra, găng trên giấy, trên vải, vẽ thước, vẽ chì đen dăm bức. Trần họa sĩ cữ này nhận yêu cầu tới tấp vẽ tranh Cụ Hồ dùng làm tặng thưởng cho các đoàn thể trong Liên khu.
Ngoài sân nắng gắt. Tôi lim dim đuổi theo một giấc mộng hè. Trần Phềnh xưa kia là cả cái vui ban đêm có kèn trống của Hà Nội. Hát tuồng Sài Gòn, hát tuồng kinh, hát chèo. Cái ngõ Sầm Công. Cái ngõ Sân Nhiên Đài. Phố Hàng Quạt. Rạp Quảng Lạc. Rạp Sán Nhiên Đài…
Những bức phông xanh đỏ bôi keo của Trần Phềnh trên cảnh sơn thủy lâu đài, triều đình cột rồng sơn son tía có vua đập nậm gỗ, những con đường đèo đỏ như cua gạch có anh kép núi, những bức màn diềm, màn cánh gà cạnh cắt theo hình lá, hình cành và những cây hoa gạo đỏ chói.
Cái ông già của đêm Hà Nội cũ ấy đang tươi tỉnh ung dung ngồi điểm nhãn, vờn nét trán sợi tóc bạc cho Ông Cụ trong tranh. Xa lối xóm, súng giặc súng ta vẫn nổ lúc mau lúc thưa.■