Sau Chiến dịch Linebacker I phá hoại miền Bắc Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 10/1972, Mỹ tiếp tục tiến hành Chiến dịch Linebacker II, dồn dập ném bom miền Bắc vào dịp Giáng sinh năm đó. Cuộc ném bom quy mô lớn này đã gây ra làn sóng bất bình trên khắp thế giới, kể cả tại nước Mỹ và các đồng minh của Mỹ, và cuối cùng đã phải gánh chịu thất bại thảm hại. Mỹ buộc phải ngừng ném bom và đề nghị nối lại đàm phán, dẫn tới việc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết ngày 27/1/1973 tại Paris, Pháp. Bài viết trên Tạp chí “Đối Diện” số 44, tháng 3/1973 đã ghi lại những trang nhật ký không thể nào quên trong 11 ngày đêm “quyết liệt và quyết định” cuối năm 1972.
Lịch sử sau này mới đánh giá đúng mức được tất cả ý nghĩa và kết quả của 11 ngày dội bom tàn bạo hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, đúng vào thời gian mừng lễ Giáng sinh 1972.
Nhưng việc các cuộc mật đàm ngay sau đó đã được tái nhóm và mau chóng đưa lại kết quả là Hiệp định 27/1/1973 có thể cho thấy tính cách quyết định của 11 ngày dội bom kia… nhưng không phải theo chiều hướng mà bạo lực đế quốc đã muốn. Ít ra có hai điều đã xảy tới ngoài mọi dự tính của Nixon:
- Nixon không phải không tiên đoán được sự phản đối của các nước ngoài nhưng hẳn đã không ngờ thế giới lại lên án một cách đồng thanh và quyết liệt như đã làm.
- Số B-52 thi đua rơi nhanh và rơi nhiều đến nỗi chỉ vài ngày đủ làm tan tành huyền thoại bất khả xâm phạm của thứ máy bay ấy, một biểu tượng của sức mạnh không hồn của Mỹ.
Tóm lại 11 ngày dội bom Hà Nội và Hải Phòng rốt cuộc chỉ đưa tới một thứ Điện Biên Phủ… trên trời, về mặt quân sự có thể là nhẹ hơn Điện Biên Phủ 1954, nhưng về mặt tinh thần còn thê thảm hơn nhiều: những chiếc máy bay khổng lồ đã rơi trước sự chống đối của thế giới. Không ai nhỏ một giọt nước mắt cho tên khổng lồ Goliath ngạo nghễ và tàn bạo.
Mấy chục ngàn tấn bom dội xuống trên Hà nội, Hải Phòng là cái lý cuối cùng của thứ lý lẽ sức mạnh nhưng cũng đánh dấu sự bế tắc tuyệt vọng của thứ lý lẽ đó. Loài người còn có thể tin rằng mình chưa bước qua thời đại của Satan.
Sau đây là những trang nhật ký ghi lại 11 ngày kinh hoàng mà cũng là 11 ngày ươm mầm hy vọng…
Ngày 18/12/1972
– Nửa đêm, đích thân Nixon ra lệnh đại oanh tạc toàn thể Bắc Việt, kể cả Hà Nội và Hải Phòng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Ziegler nói: “Cuộc chiến tranh có thể kết thúc mau lẹ nếu Bắc Việt chịu thương thuyết nghiêm chỉnh và thiện chí… Nhưng Tổng thống Hoa Kỳ đại oanh tạc Bắc Việt là vì không muốn bên kia dùng các cuộc mật đàm làm bình phong che đậy một cuộc công kích mới”.
Người ta tự hỏi thế nào là thương thuyết nghiêm chỉnh và thiện chí? Nghiêm chỉnh, theo Nixon, phải chăng là trắng trợn lật lọng những gì đã cam kết và thỏa thuận trong khi mật nghị. Và thiện chí phải chăng là vừa nói chuyện hòa bình trong tầm tay, hòa bình 95%, vừa nghiến răng dọa ném bom “làm cỏ” đối phương?
Nhưng có điều này rõ ràng quá, không cần tự hỏi, mà người ta phải hỏi thẳng ông Nixon là ai đã thật sự dùng các cuộc mật đàm làm bình phong che đậy một cuộc công kích mới? Việt Nam ta có câu “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” thật là đúng trong trường hợp này!
Xin chào B-52, sứ giả hòa bình của Tòa Bạch Ốc!
– Đài VOA, BBC, MTK, thông tấn TASS, Tòa Bạch Ốc, Hà Nội đều nhanh chóng loan tin về vụ Nixon bất ngờ cho dội bom Hà Nội, Hải Phòng, và bốn tỉnh Phú Yên, Tây Sơn, Hòa Bình, Nam Triệu.
Một đài phát thanh nước ngoài mô tả cuộc dội bom Hà Nội như sau: “Lúc 20 giờ ngày 18/12/1972, phi cơ Mỹ oanh kích ngoại ô Hà Nội trong 40 phút. Lửa cháy rực trời, tiếng bom gầm thét, tiếng hoa tiễn rít lên từng hồi… Thành phố tối đen như mặt đại dương trong một đêm bão tố…”.
Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng quyết định ngưng mật đàm kỹ thuật và hòa đàm công khai cho đến khi nào Mỹ chấm dứt oanh tạc trên vĩ tuyến 20.
– Nghị sĩ Symington gay gắt lên án vụ dội bom, đòi Kissinger ra Quốc hội điều trần ngay.
Liên đoàn gia đình tù binh Mỹ tại Việt Nam lên tiếng phản đối Tổng thống Nixon mở rộng xà lim và đặt thêm còng sắt lên tay chồng con họ.
Ngoại trưởng nước Gia Nã Đại[1] và Ngoại trưởng Nam Dương[2] bày tỏ niềm hối tiếc vì mật đàm thất bại và chiến tranh leo thang.
Đức Giáo Chủ lên tiếng biểu lộ nỗi chua xót của Ngài trước sự hung hãn của cường quyền.
Thủ tướng Tân Tây Lan[3] nói “Hòa bình Việt Nam sẽ là món quà Noel đẹp nhất cho thế giới hôm nay, nhưng…”.
Ngày 19/12/1972
– Cuộc dội bom từ đêm 18 kéo dài cho đến suốt ngày 19/12/1972. Các vùng Nam và Đông Nam thủ đô Hà Nội bị bom liên tục. Người ta ghi nhận lần đầu tiên B-52 oanh tạc Hà Nội. Các tỉnh và thành phố Hà Tây, Hà Bắc, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Cẩm Phả, Quảng Bình… cũng đều bị oanh tạc nặng.
Theo tin UPI, 100 B-52 và 500 phản lực cơ thả 5.000.000 ký bom xuống Hà Nội, Hải Phòng trong 24 giờ qua.
– Nguồn tin quân sự Mỹ xác nhận ngay trong giờ đầu, phút đầu, lần đầu oanh tạc Hà Nội, một pháo đài bay chiến lược tối tân nhất của Mỹ (B-52) đã bị bắn hạ.
Nguồn tin quân sự Mỹ tổng kết sau đợt oanh tạc đêm qua đã có 2 B-52 và 1 F111 bị bắn hạ.
– B-52 và F111 rơi, làm sửng sốt cả nước Mỹ. Từ lâu Ngũ Giác Đài đã quả quyết rằng đó là những loại khí giới vô địch và bất khả xâm phạm. Người ta lúng túng khi bị báo chí bao vây hỏi tại sao những vũ khí như thế lại có thể bị bắn hạ được. Không một lời giải thích chính đáng nào được đưa ra.
– Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cực kỳ lên án việc Mỹ dùng B-52 rải bom trải thảm xuống các thành phố đông dân ở Bắc Việt như Hà Nội, Hải Phòng. Ông ví những hành động này như những việc làm của Đức Quốc xã!
Ngày 20/12/1972
– Phi cơ Mỹ lại tiếp tục dội bom đến ngày thứ ba. Trong đêm qua, phi trường dân sự Gia Lâm đã bị san bằng; 6 cuộc bạo động đã kéo dài suốt đêm giữa một thành phố vắng ngắt và tối đen.
Giới quân sự Mỹ nói sau 3 ngày oanh tạc, 20.000.000 ký bom đã được rải xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thị trấn Bắc Việt. Tất cả sức mạnh không quân của Mỹ ở Đông Nam Á (bằng ⅓ tổng lực Không quân Mỹ) đã được triệt để sử dụng. Số lượng chất nổ mạnh bằng quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
– Giới quân sự Mỹ ở Sài Gòn nhìn nhận đã có 3 B-52, 1 Corsair A7 và 1 F111 bị bắn hạ trên vùng trời Bắc Việt; 4 B-52 khác bị thiệt hại nặng, và chiến hạm Goldsborough bị trúng đạn. Con số thiệt hại thật sự chắc chắn còn cao hơn nhiều
– Lãnh tụ Nghiệp đoàn Công nhân Anh Fatther gửi thư cho Nixon yêu cầu ngưng leo thang chiến tranh.
Thủ tướng Úc Đại Lợi[4] họp báo cho biết đã gửi thông điệp cho Nixon, lên án các cuộc không tập trên toàn miền Bắc Việt Nam.
Đức Giáo Chủ lại khóc trước 3.000 tín đồ khi Ngài nói đến nỗi đau khổ vô biên của nhân dân Việt Nam. Một lần nữa Ngài kêu gọi tái mật đàm thay vì leo thang chiến tranh.
Ngày 21/12/1972
– Cuộc oanh tạc khốc liệt đi vào ngày thứ tư. Vẫn chừng đó phi cơ, chừng đó mục tiêu. Một tàu Nga, một tàu Ba Lan, hai sứ quán Cuba và Ai Cập bị bom.
Đài phát thanh ngoại quốc cho biết nhà ga dân sự và nhà đèn Hà Nội bị tàn phá.
Không thấy ai nói đến số phận của thường dân tại những vùng bị dội bom trải thảm. Ngũ Giác Đài đe dọa sẽ tiếp tục dội như thế trong nhiều tuần lễ!
– Thủ tướng Nga Xô, Kossyguine, lên án Mỹ nặng nề.
Thủ tướng Thụy Điển, Olof Palme, khởi sự chiến dịch vận động 2.000.000 chữ ký đòi Nixon ngưng ngay việc ném bom tàn sát dân Việt Nam. Ông ví hành động ném bom trải thảm thành phố đông dân với hành động của Bọn Đức Quốc xã.
– Mỹ nhận có thêm 3 pháo đài bay B-52 bị rơi trong ngày.
Ngày 22/12/1972
– Oanh tạc sang ngày thứ năm. Vùng trời miền Bắc rực lửa. Đợt oanh tạc thứ 32 tại Hà Nội nặng nề chưa từng thấy. 1 tàu TC, 1 tàu Anh, Sứ quán Ấn bị bom.
– Thêm 2 B-52 và 2 phản lực cơ A6 bị bắn hạ. Bộ Tư lệnh Mỹ nói đã có 8 B-52 rơi trong 4 ngày. Có ít nhất 4 B-52 khác bị thiệt hại nặng, phải đáp khẩn cấp xuống Đà Nẵng, Guam và Thái Lan.
Trong 7 năm oanh tạc, rơi 1 B-52. Trong 4 ngày oanh tạc Hà Nội rơi 8 B-52, thiệt hại 4 B-52 khác. Cái giá khá nặng nề!
Phát ngôn viên Mỹ nói mơ hồ: hình như Bắc Việt vừa trang bị hỏa tiễn tối tân hơn! (thế thì phong tỏa hải cảng Bắc Việt để làm gì?). Ngũ Giác Đài còn nói thêm: “Riêng khu Hà Nội và Hải Phòng có đến 850 dàn hỏa tiễn và ổ súng phòng không. Đây là vùng phòng không mạnh mẽ nhất trong lịch sử chiến tranh”. (Có thể đúng. Nhưng, nếu đã chặn đứng được tất cả đường tiếp tế cho Bắc Việt, thì chẳng lẽ hỏa tiễn từ Nga nó “bay” qua Hà Nội?).
– Ngoại trưởng Áo Quốc, Thủ tướng Úc Đại Lợi, Ngoại trưởng Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Ý Đại Lợi[5] cùng lên tiếng phiền trách Mỹ về vụ dội bom diệt chủng ở Việt Nam (cho đến nay, chưa thấy quốc gia nào hoan hô Mỹ dội bom; trừ Thủ tướng Kittikachorn của Thái Lan. Tội nghiệp!).
Đức Giáo Hoàng một lần nữa lại lên tiếng: Ngài nói: “Những diễn tiến tại Việt Nam gây chua xót và lo ngại lan tràn trong lòng những người còn lương tâm”. Nhưng hình như tiếng bom ngạo nghễ vang át đi những lời đạo đức không lấy gì làm hiệu nghiệm kia…
– Phái viên AFP mô tả: “Các cuộc oanh tạc ban đêm đã khiến cho Hà Nội chìm trong bóng tối: điện thiếu, nước thiếu, các nhà báo nước ngoài viết bài dưới ánh nến…”.
Ngày 23/12/1972
– Cuộc oanh tạc sang ngày thứ sáu. Hà Nội, Hải Phòng tiếp tục rực lửa, trong khi đó thì “Tổng thống Nixon vẫn được các bác sĩ khám bệnh cho biết ông khỏe như voi; và hiện như hàng triệu người Mỹ khác; trốn cái lạnh miền Bắc, đi tắm nắng ở bãi Florida”!…
(Hỏa ngục nhất định phải có thật để dành cho những Satan!..)
– Lại có tin tình báo Mỹ, thì sở dĩ B-52 rơi… hơi nhiều là vì các chuyên viên Nga điều khiển các dàn SAM2 – Nói thật hay nói chơi?
– Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nga Xô, Brezhnev cho biết sẽ không đi Mỹ nếu Nixon còn oanh tạc Bắc Việt.
Ngày 24/12/1972
– Có thêm ít nhất là 3 Sứ quán bị bom trong ngày oanh tạc thứ bảy. Đó là các Sứ quán Đông Đức, Bảo Gia Lợi[6] và Hung Gia Lợi[7]. Cho đến nay đã có 8 Sứ quán bị bom.
– Chiếc B-52 thứ 11 bị rơi trong ngày. Mỹ cho biết sau một tuần đại oanh tạc có ít nhất 69 phi công bị Bắc Việt bắt giữ. Một trinh sát cơ hộ tống B-52, EB66 bị đạn ở Bắc Việt, rơi bên Thái Lan. Một C-130 rơi ở Lào.
– Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kurt Waldheim lo ngại về vụ Mỹ dội bom và kêu gọi tái mật đàm.
* Lần thứ 4 trong tuần, Đức Giáo Hoàng lên tiếng bày tỏ “niềm đau khổ nặng trĩu trong lòng Ngài” nhân mùa Giáng sinh và kêu gọi mọi người đóng góp cho hòa bình và cầu nguyện cho hòa bình.
Ngày 25/12/1972
Mỹ ngưng oanh tạc 1 ngày nhân lễ Giáng sinh.
Ngày 26/12/1972
– Sau 36 giờ tạm ngưng, oanh tạc lại tiếp tục. Phái viên UPI mô tả “lúc ấy là 13 giờ, khi còi báo động rú lên lần thứ 45 kể từ ngày 18/12 vài phút sau tiếng động cơ máy bay rền vang thủ đô Hà Nội. Tiếng súng từ các pháo đội phòng không nổ rền khắp. Tiếng bom gầm thét dữ dội… Cùng lúc đó ở trung tâm Hà Nội, người ta nghe tiếng hỏa tiễn bắn lên trong không khí. Đợt oanh kích kéo dài trong 40 phút”.
Cuộc oanh tạc hôm nay xảy ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và nhiều nơi khác. 400.000 đồng bào Hà Nội đã di tản về quê.
– Bộ Ngoại giao Mỹ mời Đại sứ Thụy Điển De Besche đến, trao giác thư về vụ Thủ tướng Thụy Điển lên án Mỹ oanh kích Bắc Việt.
Trước đó, Hoa Thịnh Đốn[8] đã mấy lần đe dọa sẽ “trừng phạt ngoại giao” đối với Thụy Điển. Nhưng Thủ tướng Olof Palme bất chấp. Ông nói “tôi không có một chút lo ngại nào cả đối với việc bang giao Thụy Điển – Hoa Kỳ sau khi cuộc chiến tranh khủng khiếp ở Việt Nam chấm dứt”.
Ngày 27/12/1972
– Oanh tạc ngày thứ chín. Ngũ Giác Đài cho biết có 700 phản lực cơ và 200 B-52 sẽ oanh tạc như thế trong vài tuần để “hủy diệt tất cả các mục tiêu quân sự” (?), trong đó có 2 nhà máy điện Hà Nội và 1 nhà máy điện Hải Phòng.
Phát ngôn viên Mỹ tổng kết từ 18/12 đến nay đã thực hiện hơn 1.000 phi xuất chiến thuật và 147 phi vụ chiến lược B-52, oanh tạc 68 mục tiêu, trong đó có các phi trường Phúc Yên, Hòa Lộc, Kiến An, Quảng Long, Cát Bi… và hơn 20.000.000 ký bom đã được rải xuống, nhiều hơn sức tàn phá của quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima!
Nhưng 1 B-52 và 1 Corsair A7 vẫn bị hạ trong ngày hôm nay, theo lời phát ngôn viên Mỹ.
– Úc Đại Lợi cắt bỏ quân viện cho Sài Gòn (12 tỉ)
Chính quyền Đan Mạch cho biết có thể rút khỏi NATO vì Tổng thống Nixon đang hành động ngược lại tinh thần NATO ở Việt Nam.
Ngày 28/12/1972
– Oanh tạc bước sang ngày thứ 10. Mỹ lại công bố 19 mục tiêu oanh tạc và cải chính tin phi cơ Mỹ đã ném bom xuống bệnh viện Bạch Mai. (Nhưng về sau lại phải nhìn nhận).
– Phái viên Nhật viết: “Bom của B-52 thả xuống, chiếu sáng trung tâm thành phố như ban ngày; về phía Tây Hà Nội những cột lửa màu tía bốc lên nghi ngút trời”.
– Phái viên AFP viết: “Trong đêm 27/12, Hà Nội bị bom 40 phút. B-52 và phản lực cơ đã trút dữ dội xuống nhiều khu ở thủ đô Hà Nội và cả khu phi trường dân sự Gia Lâm. Dân Hà Nội thấy những tia lửa xẹt sáng rực trời của các hỏa tiễn tìm phi cơ, làm rung chuyển những tòa nhà ở trung tâm Hà Nội và luôn cả những hầm núp”…
Có thêm 2 B-52 và 1 trực thăng được Mỹ nhìn nhận là bị bắn hạ trong ngày. Nâng tổng số B-52 bị rơi (theo Mỹ nhìn nhận) lên 14 chiếc.
Ngày 29/12/1972
– Oanh tạc tiếp tục sang ngày thứ 11. Hà Nội, Hải phòng chịu đựng nặng nề. Mỗi ngày trung bình có 5.000 tấn bom rơi xuống 2 thành phố đông dân này. Phái viên AP viết: “Hoa Kỳ đang thực hiện một chiến dịch tiêu diệt toàn bộ hệ thống kỹ nghệ nội địa của Bắc Việt”.
Đó là một ngôn ngữ Mỹ dùng để khỏi nói trắng ra là một mưu toan diệt chủng.
– Phát ngôn viên Mỹ loan báo trong ngày có 4 phi cơ bị hạ, gồm 1 B-52, 2 F4 và 1 RA-56. Như vậy, có ít nhất 27 phi cơ bị rơi trong 10 ngày oanh tạc, trong số đó có 15 B52 và 2 F111 (theo lời Mỹ nhìn nhận. Con số thật sự có thể cao hơn nhiều). Bắc Việt đã bắt giữ ít nhất là 93 tù binh phi công.
Ngày 30/12/1972
Trước áp lực quốc tế, quốc nội và những thiệt hại nặng nề đối với pháo đài bay B-52, không kể thêm 100 phi công Mỹ bị bắt, Nixon ra lệnh ngưng oanh tạc trên vĩ tuyến 20 kể từ hôm nay để mở lại mật đàm.
Màn trình diễn “cây gậy B-52 đã hạ xuống không kèn, không trống”.■
[1] Nước Canada
[2] Indonesia
[3] Nước New Zealand
[4] Nước Úc
[5] Nước Ý
[6] Nước Bulgaria
[7] Nước Hungary
[8] Washington D.C.