Gabrielle M. Vassal là một phụ nữ người Anh, theo chồng là bác sĩ quân y người Pháp sang phục vụ tại Viện Pasteur ở Nha Trang hồi đầu thế kỷ 20. Bà đã viết cuốn sách “On & Off Duty in Annam” (Làm việc và nghỉ ngơi ở An Nam), xuất bản năm 1910 tại London, để kể lại những trải nghiệm và quan sát của mình về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa Việt Nam vào thời điểm đó. Bà dành hẳn một chương (Chương 8: Địa vị xã hội của phụ nữ) viết về phụ nữ Việt Nam nhiều quan sát thú vị. Theo bà Vassal, mặc dù phụ nữ Việt còn phải chịu nhiều bất công dưới chế độ phụ hệ, song nhìn chung, phụ nữ Việt có địa vị xã hội cao, không thua kém các nền văn minh phương Tây. Dưới đây là bản dịch chương sách này.
***
Gabrielle M. Vassal
Theo luật pháp An Nam, vốn ra đời trước Bộ Dân Luật nước Pháp, người vợ bình đẳng với người chồng. Luật có nói rõ ràng như thế, “người vợ thì bình đẳng” [nguyên bản ghi “Thê gia tê râ”, chắc có sự sai lầm, chú của người dịch]; nhưng trong thực tế điều này không hoàn toàn đúng.
Người đàn bà An Nam khi lập gia đình không nhất thiết phải dùng tên của người chồng, mà còn có thể giữ tên riêng của mình.
Tại An Nam, giống như tại Trung Hoa, hôn nhân được xem là một vấn đề rất quan trọng không thể nào phó mặc cho sự may rủi vì sở thích hay tình yêu. Việc hôn nhân do cha mẹ sắp xếp và giải quyết tất thảy, mà họ thường không hỏi ý kiến các nhân vật có liên hệ mật thiết nhất tới sự kiện này. Có lý do hợp lý cho tập tục ấy. Người ta kết hôn khi còn rất trẻ tuổi. Tuổi có thể lập gia đình của con trai là mười sáu, và cho con gái là mười bốn. Ở độ tuổi này, sự cố vấn của cha mẹ hẳn là rất cần thiết. Theo cách tính của người An Nam, độ tuổi kết hôn trong thực tế còn thấp hơn nhiều, bởi một trẻ sơ sinh được tính là một tuổi vào lúc sinh ra, và hai tuổi vào dịp Tết gần nhất, tức năm mới của người An Nam.
Tuy nhiên, thời kỳ hứa hôn kéo dài lại được chấp nhận. Sự hứa hôn cấu thành khế ước pháp lý đầu tiên. Nó hoàn thành ngay vào lúc người hôn thê chấp nhận các lễ vật. Nếu người đàn ông phá bỏ sự hứa hôn, anh ta sẽ mất lễ vật mà anh ta đã trao cho người hôn thê. Nếu người con gái hủy hôn, cô ta có thể bị người hôn phu đầu tiên khiếu nại, kể cả khi cô đã cưới một người khác.
Những cuộc hôn nhân với thân nhân có liên hệ huyết thống sẽ bị trừng phạt với hình thức nghiêm khắc nặng nề nhất. Thí dụ, một người đàn ông lấy bà cô của mình sẽ lập tức bị chém đầu. Anh ta có thể cưới chị em của người vợ đã từ trần, một điều tự nhiên đối với mọi quốc gia Tây Phương, trừ Anh Quốc là nước mới vừa thông qua một Đạo Luật tán thành việc đó. Anh ta còn được phép chọn vợ trong số các chị em của người vợ đầu tiên. Ngược lại, anh ta có thể phải nhận bản án treo cổ nếu cưới người vợ góa của anh em trai mình.
Mọi loại kết hôn hỗn tạp đều bị ngăn cấm bởi vì chúng có thể làm đảo lộn tôn ti trật tự của gia đình. Thẩm quyền cơ bản của người chồng không bao giờ bị đặt dấu hỏi.
Nếu người An Nam, với bản chất nghi ngờ và dè dặt, đã không quá coi trọng các nghi lễ và giáo lý Phật Giáo, chí ít họ cũng biểu lộ sự tôn kính sâu xa với tất cả những gì liên quan đến tục thờ cúng tổ tiên. Từ đó dẫn đến việc thẩm quyền và truyền thống phụ hệ cấu thành các nguyên tắc nền tảng của gia đình. Tại mỗi nhà đều có một bàn thờ và một thầy tế, nhưng chỉ có người đàn ông mới hội đủ điều kiện để hành lễ. Đây là nguồn gốc của tình trạng bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng. Điều này thường xảy ra y như tại các xứ sở khác, khi đàn ông tìm cách lợi dụng tôn giáo để gia tăng các đặc quyền của mình.
Sự ra đời của một đứa con trai không chỉ là lộc trời ban cho một người An Nam, y như đối với Brahman [giới tăng lữ quý tộc, chú của người dịch] ở Ấn Độ, mà nó còn đặt lên vai người đó một bổn phận nghiêm khắc và linh thiêng. Nếu Thiên Nhiên không tạo điều kiện để ban cho người đó một đứa con trai, luật pháp đã có vô số các phương cách để trợ giúp người đó. Trong thực tế đây là cái cớ cho mọi trường hợp đa hôn và nhận con nuôi để có người thừa tự. Người vợ không thể sinh con có thể bị trả về nhà cha mẹ đẻ; còn người vợ chỉ sinh ra con gái có thể bị thế chỗ bởi một bà vợ khác.
Điều phổ biến xảy ra ở An Nam trong trường hợp một người đàn ông chỉ có một đứa con gái là nhận con rể làm con nuôi, như người Do Thái đã làm từ thủa xưa, nhưng vì con rể không thể bị buộc gánh trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nên cần phải nhận nuôi một đứa con trai thứ nhì để thay cho người đó đứng vai trò làm trưởng gia đình. Trong khi người Trung Hoa có thể lựa chọn người nào mà mình thích vì mục đích này, người An Nam bị giới hạn trong số các cháu trai bên nội và anh em họ, giống như bên Hy Lạp hay Ấn Độ.
Trong vấn đề thừa kế, “phần hương hỏa” bao giờ cũng được dự liệu; điều này tạo ra một kiểu chia phần theo phần trăm có lợi cho người con trai cả hay con trai nuôi. Khi thực hiện sự sắp xếp này, người góa phụ [vẫn] thừa kế tài sản của người chồng. Theo văn từ của luật pháp, con gái không được hưởng thừa kế, giống như người con gái trong gia đình Trung Hoa, nhưng trong thực tế, có sự phân chia tài sản đồng đều bất kể đến giới tính.
Theo “Dịch Kinh” [chữ Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], hôn nhân không thể bị phá vỡ. Tuy nhiên, nhiều luật lệ tân tiến hơn có điều khoản về ly hôn. Có bảy lý do dẫn đến ly hôn có thể được chấp nhận, chỉ khác biệt đôi chút với những lý do phổ biến tại Trung Hoa. Các lý do này gồm: không có con, dâm loạn, trộm cắp, ghen tuông, lắm lời, bất kính đối với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, và mắc các chứng ác tật không thể chữa trị được như bệnh phong và động kinh. Tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ nhất định chứng tỏ sự khôn ngoan và nhân đạo của người làm luật. Người đàn ông không thể ly dị vợ một khi họ đã khởi sự đời sống vợ chồng trong nghèo khổ và sau này trở nên giàu có; ông ta cũng không thể bỏ vợ nếu người đó không còn người thân để nương tựa.
Không duyên cớ nào được chấp nhận cho việc ngoại tình; với tội chứng rành rành, người chồng được phép giết chết đôi kẻ phạm tội. Thời xa xưa, người vợ phạm tội bị mang ra chốn công cộng để bị voi giày cho đến chết. Bà ta bị trói trong tư thế quỳ gối vào một chiếc cột và bị che phủ bằng lớp màn đen. Con voi khi đó sẽ được thả ra, xông đến người đàn bà bất hạnh, và xé xác người đàn bà bằng cặp ngà của nó. Sự trừng phạt sau này được giảm xuống chỉ còn bị đánh chín mươi trượng, và ở thời điểm hiện tại, người đàn ông có thể đem bán vợ đi hoặc thậm chí giữ người đó lại. Ở Đông Dương, các trường hợp trả thù man rợ ngày càng trở nên hiếm hoi hơn, nhưng cách đây không lâu, ta vẫn có thể nhìn thấy một cặp gian dâm bị buộc bè trôi sông. Họ đôi khi còn hành hình theo cặp, tay và chân họ bị đóng đinh vào nhau, và miệng của họ bị gắn vào nhau bằng nhựa cây. Phong tục ngày nay thừa nhận ly hôn với sự đồng ý của hai bên.
Người vợ An Nam được cưới hỏi theo luật về tài sản chung giữa hai vợ chồng. Chính vì thế, người chồng khi mua hay bán đất đai bao giờ cũng phải ghi cả tên của vợ. Thôn xã ghi chép các quyền cá nhân của người vợ trong sổ sách và người mua bán không quên người vợ đó trong các giao dịch quan trọng.
Những lời giáo huấn liên quan đến hôn nhân được ghi chép trong “Ly-hi” [Lễ Ký?, chú của người dịch] hay sách ghi nhớ về các lễ nghi, bắt nguồn từ học thuyết của Khổng Tử. “Hôn lễ hoàn thành sự hợp nhất giữa hai người có tên khác nhau, theo đó họ có thể thờ phụng tổ tiên nơi điện thờ của họ và dạy bảo các thế hệ tương lai đi theo truyền thống cha ông.” Do đó chúng ta nhận thấy văn minh An Nam, sau khi vay mượn và hòa trộn với văn minh Trung Hoa trong nhiều thế kỷ, nay có khuynh hướng đi theo một đường lối cổ truyền.
Hôn nhân An Nam, theo Luro [một tác giả người Pháp chuyên về việc huấn luyện các viên chức Pháp sang phục vụ tại Đông Dương, chú của người dịch], là một khế ước tự do giữa những người có nguyện vọng. Đúng hơn, đó là một sự thỏa thuận giữa hai gia đình. Nhà chức trách rất ít khi can thiệp. Người mai mối không phải là một quan chức, nhưng ông ta chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Chi tiết về tất cả các nghi thức hôn lễ có thể được tìm thấy trong các Bộ Luật của Trung Hoa từ thế kỷ thứ mười hai trước Công Nguyên. Thoạt đầu, nó bao gồm sáu cuộc lễ, nhưng những thủ tục này đã được rút gọn rất nhiều, và chẳng mấy ai tuân thủ chúng hoàn toàn.
Người mai mối thường là một người bạn của hai gia đình, nhưng tại các thị trấn lớn, ông ta thường là một người hành nghề chuyên nghiệp, quen biết với nhiều người và thông thạo mọi lễ nghi. Đàng trai trước hết phái người mai mối đến nhà gái, tại đó, lời cầu hôn sẽ được trình lên cha mẹ cô gái, và nếu nhận được câu trả lời tích cực, gia đình người thanh niên sẽ gửi cho nhà gái một tấm thiệp màu đỏ ghi họ tên, tuổi, ngày sinh của anh ta. Người đại diện cũng nhận được những thông tin như thế từ phía nhà cô gái. Sau đó họ sẽ đi hỏi thầy bói để xem hai gia đình và tuổi của hai người có hợp nhau hay không. Nghi lễ này được bỏ qua nếu cha mẹ của đôi bên đều rất mong đợi cuộc hôn nhân và e sợ một câu trả lời không thuận lợi. Người mai mối ấn định ngày cưới, và cùng lúc, cha mẹ hai bên thường xuyên thắp hương xin tổ tiên phù hộ. Từ đó các bổn phận của người thanh niên bắt đầu. Theo sau anh ta là một đám rước bao gồm những người quen với các thân hào trong thôn xã, người thanh niên sẽ đến trình diện trước gia đình nhà gái theo đúng nghi thức và dâng các lễ vật, chẳng hạn như trầu cau, và nhiều thứ khác… Nếu các lễ vật này được chấp nhận, kể từ giờ phút đó, anh ta sẽ được coi là con rể. Trong trường hợp các gia đình nghèo, anh ta sau đó sẽ sống cùng nhà với vị hôn thê. Trong trường hợp các gia đình giàu có hơn, người thanh niên sẽ trở về nhà riêng của mình, và sẽ không quay lại thăm người hôn thê cho đến ngày được ấn định là ngày hứa hôn.
Còn đây là nghi lễ lớn tiếp theo: Trong dịp này, một lần nữa anh ta lại dâng trầu cau, cùng các vòng đeo tay, lụa màu, hai cây nến đỏ, hai chén rượu nhỏ, và một con heo quay nhỏ.
Đám rước rất vui vẻ và ngoạn mục. Mọi người đều mặc trang phục đẹp đẽ nhất của họ, nhiều người mang theo lọng, những người thổi sáo trình diễn một cách say mê. Khi đến nơi cư ngụ của vị hôn thê, các lễ vật được đặt lên bàn thờ, những ngọn nến đỏ được thắp lên, và rượu được rót vào chén. Hai người cha cùng đứng lên và bái lạy trước bàn thờ, kế tiếp là hai bà mẹ. Kết thúc buổi lễ là một bữa tiệc, trong đó mọi chi tiết về nghi thức phải được tôn trọng nghiêm ngặt.
Ngày cưới còn long trọng hơn nữa. Cha của chú rể cùng toàn thể họ hàng của gia đình đứng trước bàn thờ, và ở đó đứa con sắp đi lập gia đình sẽ trình diện trước tổ tiên. Sau đó là lần thứ ba chàng trai tiến bước đến nhà vị hôn thê. Đi trước là các gia nhân bưng quà cưới và bao quanh chú rể là đám đông bè bạn và người thân. Sau màn chào hỏi ngoài trời, mọi người tiến vào bên trong và quây quần quanh bàn thờ. Chú rể tự mình bái lạy trước bàn thờ, và rồi tiến đến cha mẹ vợ để dâng rượu và trầu cau. Trong khi đó cha của chú rể đọc bản liệt kê các quà dẫn cưới.
Đôi trẻ sau đó được dẫn tới một buồng dành riêng cho họ, và đứng trước bàn thờ phụng thờ các vị thần của hôn nhân, trên có đốt nến và thắp hương. Cha mẹ hai bên sẽ chúc đôi trẻ có con đàn cháu đống và khuyến khích họ sống bên nhau cho đến mãn đời. Đây là giờ phút long trọng nhất trong toàn thể buổi lễ. Khi xưa, đó là lúc mà người vợ trẻ vén khăn che mặt lên và người chồng làm như mới thấy mặt nàng lần đầu tiên. Còn bây giờ, người vợ sẽ bái lạy bốn lễ trước người chồng, người chồng đáp lại một lễ trước người vợ. Họ đổi chén rượu cho nhau, và cuộc lễ hoàn tất. Sau đó là một bữa tiệc có sự tham dự của đôi trẻ.
Hôn nhân giữa những người nghèo ít phức tạp hơn nhiều, và việc cưới hỏi những người vợ lẽ thường chỉ gồm một hợp đồng mua bán đơn giản.
Tập tục đa thê của người An Nam thì khá đa dạng. Nhà Vua An Nam có rất nhiều vợ, nhưng những quan lại cao cấp nhất hiếm khi có quá bốn hay năm vợ. Người nghèo thì chỉ cần có một vợ, bởi số lượng các bà vợ bị chi phối bởi số của cải vật chất. Một thương nhân hay quan lại du hành nhiều thường có một gia đình tại mỗi trung tâm hoạt động chính của họ, trong đó người vợ đóng vai đại lý thương mại hay quản lý cho mình. Một số tác giả cho rằng tình trạng đa thê xảy ra là do phụ nữ đông hơn nam giới, nhưng cũng có phần do ước muốn đảm bảo những người giàu có và tài năng nhất sẽ có đông con cháu nhất.
Người vợ hợp pháp được gọi là người vợ bậc nhất: “vợ chánh”. Bà ta nắm giữ một vị thế quan trọng trong gia đình. Bà là vị hoàng hậu của tổ ấm. Tất cả các bà vợ lẽ, gia nhân, v.v. đều phải vâng lời bà; mọi đứa con đều kính trọng và tôn phục bà. Thời gian để tang khi bà qua đời là ba năm, trong khi nếu bất kỳ bà vợ nào khác từ trần, chỉ phải để tang một năm, còn sau đó chỉ có con đẻ của người vợ đó mới phải để tang. Khi người cha từ trần, tất cả con cái của các bà vợ đều nhận được tài sản thừa kế như nhau. Bà vợ chánh có một quyền lợi suốt đời trên tài sản của người chồng. Phần sở hữu của mỗi người vợ sẽ được đem chia cho các con đẻ của người đó.
Có thể nhận thấy rằng phụ nữ An Nam có địa vị xã hội ở mức độ cao. Nhiều nền văn minh Tây Phương không thừa nhận quyền phụ nữ ở mức độ cao hơn thế.
Ngô Bắc dịch và chú giải
Nguồn: Gabrielle M. Vassal, On & Off Duty in Annam, London: William Heinemann, 1910, các trang 132-139
Xem tiếp Kỳ 2