Tác giả: Thomas O’Neill / Ảnh: Michael S. Yamashita
Ngô Bắc lược dịch
LTS: Sông Mekong là một trong những dòng sông lớn nhất và có mức đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, chảy qua các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Xuyên suốt chiều dài hơn 4.000 km, sông Mekong chảy qua một chặng đường nhiều xáo động, mang theo biết bao hy vọng và cả những thách thức cho hàng chục triệu con người. Chúng ta hãy cùng theo chân tác giả Thomas O’Neill của Tạp chí National Geographic trong cuộc hành trình dài và không ít trắc trở dọc theo sông Mekong, từ vùng thượng nguồn xa xôi ở miền tây Trung Quốc đến vùng châu thổ đông đúc ở Việt Nam, để chứng kiến những sự đổi thay nhiều màu sắc vào đầu thập niên 90 của sáu quốc gia nằm dọc theo dòng sông.
Ở độ cao hơn 4.500m trên Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, không có nơi nào để núp trốn. Tuyết bay như những mũi tên. Meiga, người chăn cừu Tây Tạng, thúc ngựa vượt qua cơn bão, vô vọng tìm kiếm một khe hở trên trái đất để cho chúng tôi ẩn náu. Khi tầm nhìn giảm xuống gần bằng 0, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là dừng lại và gom ngựa lại. Tụm vào nhau, cúi đầu, chúng tôi để mặc cho cơn bão ập đến.
“Một dấu hiệu tốt,” Meiga nói, ngước khuôn mặt ngăm đen, gò má cao lên trước những bông tuyết bong ra từng mảnh. “Khi bạn đến gần một ngọn núi thiêng, thời tiết được cho là sẽ thay đổi đột ngột. Nơi khởi nguồn của con sông bây giờ không còn xa nữa.”
Đợi cho qua cơn gió mạnh, nhai một miếng thịt bò Tây Tạng (yak) khô do Meiga cung cấp, tôi nghĩ về những gì đã phải làm để đi đến nơi đây, và còn phải đi bao xa nữa.
Mục tiêu của tôi là đi hết chiều dài của sông Mekong, con sông dài thứ 12 trên thế giới – và dài thứ bảy ở châu Á. Nó khởi nguồn đâu đó tại chỗ tuyết rơi này và kết thúc cách đây hơn 4.000km trong vùng nước nông ấm áp của vùng biển Nam Trung Hoa ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Tôi biết đó sẽ là một hành trình dài và khó khăn.
…
Từ thượng nguồn của nó, sông Mekong di hành khoảng một nửa chiều dài ở Trung Quốc; sau đó nó vạch các biên giới hoặc di chuyển qua Myanmar (trước đây là Burma — Miến Điện) [Myanmar được đọc là Muang trong tiếng Thái, hay Mường trong tiếng Việt, ND], Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tôi sẽ thấy nó được gọi bằng nhiều cái tên: Sông Đá (River of Stone), Sông Rồng Chạy (Dragon Running River), Sông Rối Loạn (Turbulent River), Sông Mẹ Không (Mother River Khong), Nước Lớn (Big Water), Cửu Long (Nine Dragons). Dọc con sông, các đế chế, các vương quốc và các thuộc địa của thực dân đã trỗi dậy và sụp đổ; các quốc gia kế vị đã bị sa vào chiến tranh và sự đổ máu. Cái chết và sự gian khổ là di sản của nó.
Xuyên suốt nó, sông Mekong vẫn hoang sơ và tự do, chuyển động theo những nhịp điệu từ cổ xưa: gió mùa, lũ lụt, đem nguồn nước của nó để nuôi dưỡng những vùng đất và con người dọc theo dòng chảy. Bất kể chiều dài của mình, Mekong chỉ sinh sôi ra một thủ đô, một con đập, vài cây cầu và không có khu liên hợp công nghiệp nào.
Nhưng điều này đang thay đổi, như tôi sẽ khám phá ra. Lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, những khẩu súng – hoặc hầu hết trong số chúng – đã im lặng. Các chính phủ, vốn bị cô lập từ lâu và với dân số còn nghèo, đang mở rộng biên giới và tìm kiếm nguồn vốn và sự phát triển của nước ngoài. Mekong có một vai trò nhất định; nó có thể bị khai thác, thay đổi, không còn hoang dã nữa; cuộc sống của những người dọc theo nó cũng vậy.
Khi tôi lại nhìn thấy dòng sông, cách đó một trăm dặm xuôi về hạ lưu ở thành phố Zadoi bụi bặm, hàng tá mạch nước nữa từ vùng núi cao đã làm thay đổi dòng băng nhỏ giọt thành một con thác rộng hơn 30 mét toàn nước màu nâu đất sét.
…
Tôi bị mất dấu vết của sông Mekong cho 800km kế tiếp. Các quan chức Trung Quốc đã rút lại giấy phép cho tôi đi xuyên qua Tây Tạng và một phần ba phía bắc của tỉnh Vân Nam. Khu vực này nắm giữ khúc ngoạn mục nhất của con sông; nó xô đập qua các hẻm núi sâu hai dặm.
Khi tôi tiếp tục du hành ở Vân Nam, tôi thấy dòng sông rất khó theo đuổi. Các đường lộ tránh xa nó. Một số lối mòn mạo hiểm tiến về phía mặt nước thường kết thúc trên một vách đá nhìn ra các ghềnh thác. Khi tôi có được một cái nhìn thoáng qua con sông, 20 dặm về phía tây của trung tâm khai thác mỏ chì lớn tại Lanping (Lan Bình), dòng nước trút đổ dữ dội giữa những dốc hẻm núi cao gần 1.000 mét.
Người Trung Quốc đã chăng dây bắc những chiếc cầu đơn giản băng qua đó. Tại một điểm, cây cầu không có gì khác ngoài một sợi dây cáp bằng thép. Tôi nhìn những người lớn và trẻ em từ một ngôi làng gần đó móc thân mình vào cáp treo và trượt như những người nhào lộn trên mặt nước trắng xóa.
Cây cầu lâu đời nhất trong số nửa tá cây cầu dành cho xe cộ qua sông Mekong – tất cả đều ở Trung Quốc – nằm ở Baoshan (Bảo Sơn), gần Myanmar (Miến Điện). Đó là cây cầu Gong Guo, có sàn bằng kim loại, bị méo mó, được xây dựng trong thập niên 1930 như một mắt xích then chốt trên Con Đường Miến Điện (Burma Road), tuyến đường tiếp tế cửa hậu ở vùng miền núi vào Trung Quốc trong Thế Chiến thứ hai.
Các quan chức Trung Quốc tin rằng cây cầu đóng vai trò như một mắt xích cho những kẻ buôn lậu ma túy chuyển nha phiến (heroin) vào Trung Quốc từ Myanmar. Không có trạm kiểm soát nào trong tầm nhìn; thay vào đó, cảnh sát chờ đợi ở những con đèo. Trong một giờ, tôi chỉ trông thấy hai chiếc xe tải cổ lỗ ầm ầm chạy qua.
Khoảng 125 dặm về phía hạ lưu từ chiếc cầu mọc lên chiếc đập duy nhất trên sông Mekong. Tôi đang đi trên một con đường hẹp có rặng tre bọc hai bên lề, thỉnh thoảng tài xế của tôi đi chậm lại để vượt qua một thợ săn chân đất với khẩu súng trường hỏa mai (mồi lửa), đột nhiên một bức tường bê tông cao 35 tầng nhô lên từ lòng sông giữa hai ngọn núi.
Mặt trước và mặt sau của nó có giàn giáo giăng mắc với những hình ảnh tí hon của các công nhân bám móc trên đó. Các đường hầm cao hơn 12 mét – các kênh dẫn nước lũ – khoét sâu xuyên qua sườn núi. Bản thân con sông đã được dẫn dắt như một con chó bị xích trói vào một cửa cống, nơi nó nhảy vọt lên và sủi bọt mép chống lại sự kiềm chế.
Đó là đập Manwan. Năm 1995, khi được hoàn thành, nó dự kiến sẽ cung cấp 1.500 MW điện cho các ngành công nghiệp và các mỏ mới ở gần Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam.
“Con sông này giống như một cái mỏ giàu có”, You Wan Long, người chủ quản con đập nói, “Khối lượng nước thật khổng lồ.” Trong ba thập kỷ tới, Trung Quốc hy vọng sẽ xây thêm tám con đập trên sông Mekong để thúc đẩy sự phát triển ở một trong những khu vực lạc hậu nhất của họ. Các hồ chứa nước sẽ trải dài như bàn đạp bằng đá kéo dài 300 dặm, từ biên giới Trung Quốc-Lào về phía bắc.
Tại Cảnh Hồng (Jinghong), khoảng 30 dặm từ biên giới phía nam của Trung Quốc, tôi nhận ra tôi đã đến vùng nhiệt đới. Thị trường tràn ngập đu đủ, dừa và dứa. Phụ nữ của dân tộc Dai mặc trang phục với những màu sắc của bướm và chim – cam tươi, xanh lam, hồng.
Người dân trong làng, thay vì sợ hãi hoặc tảng lờ con sông, bây giờ đã chào đón nó. Các chàng trai ép người phóng mình thẳng xuống dòng sông từ một bờ cao. Phụ nữ giặt giũ quần áo và gội tóc bằng xà phòng ở đó. Một số người làm phồng xà rông của họ bằng không khí và nổi lơ lửng ở những vùng nước nông được sưởi ấm bằng ánh nắng mặt trời.
Một buổi tối ở Cảnh Hồng, tôi hòa mình vào dòng người đi xe đạp đến cầu sông Mekong để tắm mát trong làn gió sông nhẹ thổi. Bên dưới chúng tôi, những người đàn ông và con trai đang tới lui trên sông trên những chiếc phao bằng ruột bánh xe, thu lượm những mảnh gỗ nổi trôi mà họ sẽ đem bán trong thị trấn.
Người hướng dẫn viên của chính quyền, ông Ai Zhen, nói: “Ở phần này của thế giới, không có gì là lãng phí cả”. Chính xác là như vậy, tôi nghĩ. Ở Trung Quốc, sông Mekong cũng phải làm việc; những ngày tháng như một dòng sông hoang vu và đầy sóng gió của nó sắp kết thúc.
Rời khỏi Trung Quốc, sông Mekong trượt giữa Myanmar và Lào, đóng vai trò là biên giới, sau đó chạm vào Thái Lan. Nơi đây – nơi ba quốc gia này gặp nhau – nằm ở trung tâm của Tam Giác Vàng (Golden Triangle) huyền thoại, nơi hầu hết thuốc phiện trên thế giới được thu hoạch và chế biến. Từ lâu, nó đã là khu vực của các lãnh chúa và những đoàn la thồ thuốc phiện có vũ trang.
Khi tôi đến Sob Ruak, một thôn ấp của Thái Lan trên sông Mekong, ngay chính trung tâm của tam giác, tôi không tìm thấy những đoàn la thồ mà chỉ thấy những chiếc xe buýt lớn, sáng bóng và các khách du lịch châu Âu. Trên sườn đồi mọc lên hai khách sạn nghỉ dưỡng; khách sạn thứ ba đang được xây dựng phía trên bờ Myanmar.
Quân đội Thái Lan đã đẩy các nhà máy tinh chế ma túy và các các đoàn la thồ ra khỏi khu vực. Để thay nền kinh tế thuốc phiện, là du lịch. Khách đến thăm bay từ Bangkok đến Chiang Rai, 40 dặm về phía nam của Sob Ruak. Sau đó họ bắt xe buýt đến đây. Giữa tháng 11 và tháng 5 – mùa khô – hai khách sạn nghỉ dưỡng đã được đặt kín.
Marc Cremoux, giám đốc người Pháp hoạt bát của Baan Boran, một trong những khách sạn, cho biết: “Chính sự khét tiếng của nơi này đã thu hút họ. “Tôi nghe thấy du khách của mình nói: ‘Đây là nơi ma túy phát sinh’. Điều đó khiến điểm đến này trở nên xôn xao. Mọi người nghĩ rằng họ đang có một cuộc phiêu lưu, ngay cả khi họ đang ở trong một khách sạn năm sao và ngồi trong xe buýt có gắn máy điều hòa không khí.”
Tội ác, hay ít nhất là ánh hào quang của nó, vẫn còn sinh lợi.
Từ Tam Giác Vàng, sông Mekong đổ về phía đông vào vùng cao nguyên rừng rậm của Lào, một lần nữa trở thành một dòng sông hoang vu. Lào có diện tích tương đương Vương quốc Anh nhưng chỉ có 4,5 triệu người. Đó là vùng núi, rừng rậm, nghèo nàn về mặt lịch sử và bị cô lập. Sông Mê Kông là cánh cửa của nơi này mở ra thế giới.
Lào được cai trị bởi đảng cộng sản Pathet Lào từ năm 1975, đảng này gần đây đã bắt đầu giảm nhẹ đường lối cứng rắn của mình. Biên giới sông với Thái Lan đã được mở một lần nữa; doanh nghiệp tự do và đầu tư nước ngoài đã được cho phép. Nhưng Lào vẫn căng thẳng và lo ngại về các nhà báo phương Tây.
Một trong số ít những nơi mà chính phủ Lào cho phép tôi đến thăm trên sông Mekong là một ngôi đền ven sông ở phía bắc, nơi các tượng Phật đông hơn số người qua lại trong một tháng. 7.000 bức tượng cư ngụ trong hang Pak-Ou, là hai cửa động lởm chởm trên mặt dưới của một vách núi đá vôi, 20 dặm thượng nguồn từ thủ đô hoàng gia cũ ở Luang Prabang.
Thuyền của chúng tôi được kéo vào bờ, và tôi đi theo hướng dẫn viên trẻ của chính phủ, Thông Chanh, lên những bậc thang dốc. Chúng tôi bước vào một khu vực mát mẻ, ẩm mốc. Hàng trăm tượng Phật, hầu hết không cao quá 60cm, đứng trên các gờ đá quay mặt ra phía sông Mekong; thẳng người và tĩnh lặng, chúng giống như một nhóm hợp xướng khổng lồ sẵn sàng cất tiếng hát.
…
Cách cố đô hoàng gia hai trăm dặm xuôi về hạ lưu, sông Mekong nổi lên từ nội địa một lần nữa để tạo thành biên giới với Thái Lan. Một trăm dặm nữa ở phía hạ lưu tọa lạc thủ đô hiện đại của Lào: Vạn Tượng (hay Viêng Chăn: Vientiane). Đây là một thành phố phủ màu đất, khiêm tốn với khoảng 125.000 dân. Các tòa nhà ở đây chủ yếu là một tầng. Tôi thích đi dạo bên sông vào buổi sáng, ngắm đoàn phà nhỏ di chuyển giữa Viêng Chăn và bến cảng Nong Khai của Thái Lan, cách vài dặm phía hạ lưu. Người Lào chen chúc nhau trên từng chiếc thuyền, ôm những chiếc vali rỗng và những chiếc túi gấp lại trên đường đến Nong Khai, trở về với những chiếc vali và các túi căng phồng với những thứ kỳ diệu, hiện đại mà họ đã mua. Quang cảnh đã như vậy kể từ khi biên giới mở cửa tự do thương mại vào năm 1989. Một cây cầu sẽ nối hai nước vào năm 1994.
Các chuyên gia tin rằng tất cả những gì Lào có để bán ra nước ngoài là thủy điện. Hầu hết tiềm năng năng lượng của sông Mekong nằm trong quốc gia đó.
Gần đây, một cơ quan phát triển do Liên hợp quốc tài trợ tại Bangkok, Ủy Ban Mekong, đã hồi sinh kế hoạch xây dựng bốn đập thủy điện khổng lồ ở hạ lưu con sông. Đập đầu tiên được xem xét là Đập Pa Mong, cách Viêng Chăn 12 dặm về phía thượng lưu. Con đập sẽ tốn phí 2,8 tỷ đô la. Hồ chứa nước của nó sẽ nhấn chìm đất đai và nhà cửa của 60.000 người.
Các nhà phê bình người Thái Lan nói rằng các con đập sẽ làm gián đoạn chu kỳ lũ lụt và sự di cư của cá – và rằng số lượng dân làng phải di cư sẽ cao đến mức không thể chấp nhận được.
Các quyết định sẽ được đưa ra bởi các thành viên của Ủy Ban Mekong – Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và có lẽ cả Trung Quốc, nước đã thể hiện sự quan tâm vào việc tham gia.
“Chúng tôi vẫn chưa quyết định về đập Pa Mong”, một quan chức của Ủy Ban Mekong Quốc gia Lào nói với tôi ở Viêng Chăn. “Có rất nhiều vấn đề. Nhưng chúng tôi xuất khẩu nông sản hoặc gỗ rất khó khăn, và xuất khẩu điện thì rất dễ. Chúng tôi có một thị trường lớn trong tay – Thái Lan. Tôi không thấy có cách nào khác để kiếm được tiền.”
Sông Mekong thoát ra khỏi Lào một cách ngoạn mục, sủi bọt và lao qua một dòng chảy dài sáu dặm của các thác lớn được gọi là Thác Khone. Khi con sông đổ vào Campuchia, nó thay đổi. Không còn ầm ào và mãnh liệt, nó trở thành một con sông vạm vỡ, to ngang, có chiều rộng từ 2 đến 3 dặm. Cảnh quan cũng bị san phẳng và các phụ lưu – Kong, San, Srepok, Krieng – làm tăng thể tích của sông.
Khi lần đầu tiên tôi nói chuyện với các quan chức chính phủ ở Phnom Penh, thủ đô của Campuchia, họ đã miễn cưỡng cho phép tôi du hành trên sông Mekong, đặc biệt là ở phía bắc. Lực lượng của Khmer Đỏ, đảng chính trị đáng sợ đã cai trị đất nước trong bốn năm đẫm máu, đang đột kích các làng xã.
Nhưng tôi vẫn kiên trì, và các quan chức đã mủi lòng, và vì vậy tôi đã di hành một đoạn phía bắc của sông Mekong trên một chiếc thuyền cao tốc – “thuyền tốt hơn để né tránh các viên đạn.” Các quan chức đi cùng tôi đều mang súng lục trong túi hoặc cặp. Người lái thuyền có một khẩu AK-47 ở dưới chân.
Đó là một đoạn đường cô đơn, với các ngôi làng cách xa nhau từ 20 đến 30 dặm. Không có sự lưu thông qua lại, ngoại trừ một vài chuyến phà, hành khách đong đưa một cách bơ phờ trong những chiếc võng. Những cơn mưa như trút nước ập đến rồi tan đi, rửa sạch mồ hôi của chúng tôi.
Sau đó, vào một buổi chiều nóng nực, chúng tôi cảm thấy một làn gió trong lành thổi vào mặt chúng tôi, và các làn sóng lăn tăn bắt đầu va vào thuyền của chúng tôi. Gió đã đổi chiều. Gió mùa thổi liên tục từ Ấn Độ Dương từ tháng 5 đến tháng 9 giờ đây đã nhường bước cho gió mùa khô hơn, mát hơn từ Mông Cổ. Mùa mưa đã qua, báo trước một mùa gieo trồng mới.
Cá đã bắt đầu cuộc di cư hàng năm về phía bắc. Từ một ngôi làng, đàn ông và phụ nữ lội xuống sông và thu vớt những con cá di cư này bằng lưới xúc. Những con cá nhỏ màu bạc lóe sáng khi xuất hiện trong lưới xúc.
Dân làng bàn tán với sự phấn khích: “Giờ thì Cua và Ếch sẽ ngon hơn”, một người nói. “Ngay cả tiếng sấm nghe cũng khác,” một người khác nói. Hiện tại, bị cuốn vào vở kịch của thiên nhiên, các khẩu súng lục, súng AK-47, thậm chí cả quân Khmer Đỏ đều bị lãng quên.
…
Các đường phố ở Phnom Penh thường đông đúc, nhưng đám đông lớn nhất xuất hiện vào ngày Prachem Ben, Ngày dành cho Người chết trong Phật Giáo. Trong cái nóng gay gắt, các xe ô tô, xe gắn máy và xe đạp tiến về các ngôi chùa của thành phố. Bên ngoài ngôi chùa chính Wat Ounalom, gần bờ sông, người dẫn đường cho tôi là Men Saman giải thích về buổi lễ: “Tất cả những người chết đến chùa vào ngày này để tìm gia đình của họ. Nếu người thân không được tìm thấy, họ sẽ bị thần linh quở mắng và sẽ không thành công trong kinh doanh. “
Chúng tôi đã đi qua những bàn tay chìa ra của những người ăn xin, nhiều người trong số họ là các cựu binh bị tàn tật vì mìn chôn ở nông thôn; cũng có những đứa trẻ phải bỏ làng ra đi bởi các trận lũ lụt mùa hè đã biến miền nam đất nước thành một cái ao khổng lồ.
Chúng tôi theo chân mọi người vào chùa, chủ yếu là phụ nữ mặc xà rông sẫm màu và áo cánh trắng. Họ mang theo những hộp gạo và bát đựng chuối, thịt gà, cá, bánh mì và trứng. Trong gian chùa tôn nghiêm mát mẻ và có trần cao, họ đặt thức ăn dưới chân các nhà sư, các nhà sư sẽ đọc tên những người đã chết và cầu nguyện cho từng người.
Với tất cả những người chết cần được công nhận, tôi đã mong đợi một bầu không khí đau buồn. Tuy nhiên, nhiều gia đình sau khi cúng dường xong, tỏa rộng trên sân chùa, dưới ánh nhìn ngọt ngào của vị Phật khổng lồ, vừa ăn vừa nói chuyện như thể đang đi picnic trong công viên. Trên các bậc thang của ngôi đền, các gia đình đang cười đùa tạo dáng chụp ảnh. Một người phụ nữ lớn tuổi, bắt gặp ánh mắt của tôi, kêu lên: “Ăn đi, ăn đi” và mời tôi một bát cà ri cá. Tôi ăn một chút đồ ăn của bà, sau đó bà nói lời từ biệt, “Cầu mong ông sống lâu.” Tất nhiên, đó là một lời cầu chúc cổ truyền của Campuchia, nhưng sau tất cả những gì tôi đã được nhìn và nghe về những năm tháng Khmer Đỏ, nó đã đâm sâu vào trái tim tôi.
Trong suốt hơn 2.000 dặm, sông Mekong dường như là một con sông hờ hững, đơn điệu, tuôn đổ ra biển với sự thay đổi chiều hướng tối thiểu, chỉ được tiếp xúc nhẹ nhàng bởi các cộng đồng nằm rải rác dọc theo nó.
Ở Việt Nam, con sông bùng phát và trải rộng. Nó xâm nhập vào đất nước theo hai nhánh mà người Việt gọi là Tiền Giang (sông bên trên) và Hậu Giang (sông bên dưới). Khi đi qua vùng châu thổ bao la và sũng nước – hơn 40.000 km2 – sông Mekong lại phân chia thêm nữa. Đến khi đổ ra Biển Trung Quốc, nó có bảy nhánh. Hai con sông khác bị bùn lấp theo năm tháng, nhưng người Việt Nam tâm niệm rằng số chín là điềm lành, vẫn gọi con sông ở đây là Cửu Long, hay Chín Con Rồng.
Vô số suối nhỏ và các kênh đào đổ vào và thoát ra khỏi các con sông; chiều dài của các tuyến đường thủy trong châu thổ này được ước lượng là 2.000 dặm (hơn 3.200 km), gần bằng chiều dài của chính con sông. Đây là những đường phố chính, những tuyến đường phụ và các kênh tưới tiêu của vùng châu thổ. Hiếm khi chúng trống không. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao nhất ở Đông Nam Á và hơn 1/5 trong số 69 triệu người tập trung ở vùng châu thổ này. Họ cung cấp cho Việt Nam, nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, gần một nửa tổng sản lượng thu hoạch.
Tôi đến thị trấn Phụng Hiệp, thuộc trung tâm châu thổ, vào ngày họp chợ. Bảy nhánh sông gặp nhau ở đây, và từ bảy nhánh sông đổ về những chiếc ghe xuồng độc mộc chuyên chở chuối, dừa, đu đủ, bí ngô, khổ qua.
Những chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc do một người đứng ở đuôi tàu chèo lái bằng một đôi mái chèo, nhanh nhẹn lướt đến những chiếc thuyền lớn hơn, nơi những người buôn bán sẵn sàng cân đo, mặc cả sản phẩm. Giống như một bầy chó con đang bao quanh mẹ của chúng, những chiếc thuyền nhỏ chen nhau tìm vị trí. Hầu hết những ghe thuyền nhỏ đều do phụ nữ quản lý, khuôn mặt của họ được che nắng bởi những chiếc nón rơm. Quần tụ lại với nhau, chúng trông như một cánh đồng nấm trên mặt nước.
….
Cách đây gần hai thế kỷ, vào thời Hoàng Đế Gia Long, một học giả từ cung đình ở Huế đã du hành đến vùng Đồng Tháp Mười (Cánh Đồng Lau Sậy: Plain of Reeds), một khu rừng đầy cỏ dại và cây đước nằm ở phía bắc châu thổ. Trở về, học giả báo cáo: “Phải đề phòng lũ cá sấu … đỉa … ma quỷ và các thần linh.” Những bóng ma vẫn còn ở Cánh Đồng Lau Sậy, một số trong đó đã chết trong cuộc chiến tranh với Mỹ, cuộc chiến đã khiến bốn triệu người, hay một phần mười dân số Việt Nam, thiệt mạng hoặc bị thương.
“Đồng Tháp Mười là một nơi ẩn náu lý tưởng,” ông Mười Nhé, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp vừa về hưu, cho biết. Ông từng là một sĩ quan Việt Cộng và bị mất một mắt vì một vụ nổ lựu đạn.
Chúng tôi du hành bằng thuyền vào ban đêm; chúng tôi dự định lái xe, nhưng lũ lụt đã cuốn trôi các con đường. Người lái thuyền lái một cách thận trọng, lướt qua những cái bẫy cá được chiếu sáng lờ mờ bởi đèn đốt khí.
Ông Mười nói: “Chúng tôi không sợ gì ngoài chiến tranh hóa học. Khi đó, chúng tôi đã bất lực.” Cố gắng loại bỏ Việt Cộng, quân Mỹ đã đào kênh để rút nước khỏi các đầm lầy, sau đó cho máy bay rải bom xăng napalm và thuốc diệt cỏ để tiêu diệt những tán lá che phủ.
Ông Mười Nhé nói: “Sau chiến tranh, Đồng Tháp Mười vẫn còn là một vùng đất hoang vu, nhưng là một vùng đất bị nhiễm độc”. Ông đã kể lại với tư cách là chủ tịch tỉnh, ông đã ra lệnh trồng lại rừng và xây dựng lại các con đê để mang nguồn nước trở lại khu vực ra sao.
Sáng hôm sau trong khu bảo tồn chim Tràm Chim, do các nhóm bảo tồn thiên nhiên của Mỹ tài trợ một phần, tôi đã thấy một số kết quả của nỗ lực phục hồi. Tôi đã đi cùng ông Võ Quý, thuộc Đại học Hà Nội, một nhà bảo tồn và điểu học hàng đầu.
Chiếc thuyền độc mộc của chúng tôi lướt qua một luống lau sậy dày đặc, khiến những con diệc xám giật mình bay lên. Tiến sĩ Võ Quý chỉ vào những đàn vịt dài bay lượn ngoằn ngoèo trên đầu, rồi cụp bàn tay quanh lỗ tai lắng nghe tiếng kêu quang quác của một con chim bói cá. “Trông thật đẹp,” tôi nói.
“Đúng thế,” ông trả lời, nói thêm rằng tôi nên trở lại sau hai tháng, vào tháng Giêng. Khi đó những con sếu saurus phương đông to lớn sẽ đến, đàn sếu cuối cùng ở Đông Nam Á. Một nghìn con sếu đầu đỏ cao hơn 1,5m hiện sống trong rừng vào mùa khô, ăn lau sậy và cá. Theo ông, chúng là “biểu tượng của sự trường thọ” đối với người Việt Nam.
…
Tại Cà Mau, tôi chỉ còn cách vùng biển cả hơn 55km. Tôi đã muốn vượt biển trên một con tàu viễn dương từ cảng Cần Thơ, nhưng các quan chức chính phủ từ chối yêu cầu này. Bây giờ, tôi quyết định thử thực hiện từ Cà Mau, ở phía nam của châu thổ.
Niệm, thông dịch viên và cũng là giám thị của tôi, đã kiếm được một chiếc thuyền chở hàng bằng gỗ dài hơn 20m chạy bằng động cơ xe tải. Mũi tàu có con mắt được vẽ ở mỗi bên, để nhìn rõ đường đi hơn.
Chuyến đi của chúng tôi đã dẫn chúng tôi qua U Minh – “khu rừng bóng tối”. Tôi được biết rằng chiến tranh đã làm trần trụi khu rừng, nó đã được trồng lại và bây giờ lại bị đe dọa. Từng dòng thuyền lớn nhỏ đều đặn lướt qua chúng tôi, chiếc nào cũng chất đầy gỗ chặt từ rừng ra.
Những khoảnh rừng xa hơn về phía nam đã bị chặt phá, và đất nguyên sơ bị xẻ thành mương để nuôi tôm. Có vẻ như người Nhật không thể có đủ tôm xú [tiếng Việt trong nguyên bản, ND], loại tôm dài gần 8cm từ vùng biển Việt Nam.
Sự tăng vọt của nguồn thu từ tôm đã tạo nên một thị trấn phát triển vượt bậc ở làng chài Năm Căn. Chúng tôi lên bờ và thấy rằng cuộc sống tập trung xung quanh Nhà máy Tôm số 29, một nhà máy chế biến do nhà nước quản lý. Chúng tôi đến đúng giờ nghỉ. Một số trong số 830 nhân viên đang chạy ra khỏi cổng. Tôi được cho biết mức lương trung bình là 300.000 đồng, tức khoảng 25 đô la một tháng, gần gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
Nguyễn Trường Giang, 29 tuổi, phó giám đốc nhà máy, mô tả tác động của nhà máy này đối với khu vực. “Chúng tôi có các nhà nghỉ, nhà hàng, một trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, và đường dây điện quốc gia vừa đến được với chúng tôi! Dân số của huyện đã tăng gần gấp đôi, lên đến 82.000 người.”
Ở phía nam Năm Căn, tôi ngửi thấy mùi muối trong không khí và nếm thấy nó trong làn hơi phun từ mũi tàu của chúng tôi. Nhưng trước khi ra đến biển, Niệm quyết định rằng thuyền của chúng tôi phải dừng lại ở một trạm kiểm soát của cảnh sát.
Bốn cảnh sát lên tàu. Họ nói chúng tôi có thể đến gần cửa sông nhưng không được tiến vào đó. Họ không giải thích lý do. Tôi thất vọng nhưng không ngạc nhiên. Du hành trên sông Mekong đầy bấp bênh ngay từ đầu. Ở mọi quốc gia, trừ Thái Lan, sự tiếp cận với con sông của những người phương Tây bị hạn chế. Có thể sông Mekong khiến các chính phủ lo lắng. Dòng sông dũng mãnh là thứ gì đó mà họ không thể kiểm soát được.
Chúng tôi tiến vào cách cửa sông khoảng 400m, đủ gần để nhìn thấy các lưới cá đông nghẹt, để chạy vướng vào các bãi cát và nhìn thoáng qua Vịnh Thái Lan. Sau đó cảnh sát ra lệnh cho thuyền trưởng quay lại.
Trời chạng vạng tối khi chúng tôi quay trở lại Cà Mau. Những con dơi ăn quả khổng lồ quét qua bầu trời đang tối dần. Những con diệc đêm bay về phía các bãi bùn. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi rơi vào dòng chảy chậm rãi của những chiếc thuyền, cùng với các ngư phủ, những người đốn gỗ, học sinh, người đi chợ, tất cả đều hòa chung nhịp sống lâu đời trên sông Mekong.
Với bóng tối, người ta gần như có thể quên đi bóng đen của chiến tranh và những hỗn loạn thường xuyên phủ xuống những vùng đất cổ xưa này, và thay vào đó, hãy tưởng tượng dòng nước của sông Mekong chảy như một con rồng sáng rỡ – một thần linh nhân từ, mạnh mẽ, đầy sức sống – qua trái tim của Đông Nam Á.■
—–
Nguồn: Thomas O‘Neill và Michael S. Yamashita, The Mekong — A haunted river’s season of peace, National Geographic, Vol. 183, No. 2, February 1993, các trang 2-35.