Hồi ký của nhà báo Đỗ Đức Dục
Cách mạng không phải như đảo chính chỉ là một sự thay bậc đổi ngôi đơn thuần mà bao giờ cũng là một bước nâng cao hay đổi mới về mặt văn hóa. Cả một Thế kỷ Ánh sáng đã tạo nên cơ sở văn hóa cho Cách mạng 1789 vĩ đại ở Pháp, một trong những cuộc cách mạng tiêu biểu nhất của loài người. Vì vậy, bao giờ cách mạng cũng chứa đựng một hàm lượng trí tuệ nhất định và trong bất cứ cuộc cách mạng nào không thể không có vai trò tham gia của trí thức.
Đặc biệt cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 của nhân dân ta do người trí thức kỳ vĩ của dân tộc Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã lôi cuốn hầu hết các tầng lớp trí thức Việt Nam đương thời đi theo, trong đó vai trò hết sức quan trọng thuộc về thanh niên trí thức. Nếu nói cách mạng là ngày hội lớn của quần chúng thì có thể nói rằng thanh niên trí thức Việt Nam đi vào cuộc Cách mạng tháng Tám như đi trảy hội. Họ tiến bước theo nhịp oai hùng của những hành khúc “Tiếng gọi thanh niên” và “Tiến quân ca”, chắp cánh bởi tinh thần lãng mạn cách mạng tuyệt vời.
Nước Pháp thất bại trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ II và bị quân đội phát xít Hít-le chiếm đóng năm 1940, liền đó quân đội phát xít Nhật đặt chân lên đất Đông Dương, và năm 1941, Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh hội) được thành lập giữa núi rừng Việt Bắc. Những ngọn gió đầu tiên chớm thổi để đi tới tích tụ thành bão táp Cách mạng tháng Tám năm 1945 lật đổ cả hai ách thống trị Nhật – Pháp, thiết lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 vang dội.
Như một quy luật, lực lượng thanh niên sinh viên đương thời đã trở thành đội quân xung kích của cách mạng. Ngay từ mùa hè năm 1941, tại gần bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã xuất hiện Trại Thanh niên Bằng Trì của Dương Đức Hiền đứng đầu một nhóm sinh viên mở ra phong trào tập hợp thanh niên trí thức để cùng nhau rèn luyện thân thể, rèn luyện tinh thần, chí khí đồng thời gần gũi nông dân với chủ trương mở mang dân trí, chuẩn bị điều kiện để đi vào con đường cách mạng. Hoạt động của nhóm sinh viên Dương Đức Hiền lập tức được các tầng lớp nhân dân thành thị hoan nghênh, nhất là vì ngay từ buổi đầu nó đã được báo Thanh Nghị giới thiệu và cổ vũ nhiệt liệt. Sang đến 1942-1943, phong trào sinh viên sôi nổi hẳn lên khi Dương Đức Hiền trở thành Hội trưởng Tổng Hội sinh viên Đông Dương (AGEI). Những trại hè thanh niên tiếp tục được mở ra ở Tương Mai, Khương Hạ (miền Bắc), ở Lồ Ô (miền Nam). Cũng trong thời kỳ này xuất hiện những bài hát yêu nước (Nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ) mà đỉnh cao là bài “Tiếng gọi sinh viên” (sau đổi ra thành “Tiếng gọi thanh niên”) mau chóng phổ biến trong cả nước lúc bấy giờ. Đồng thời sinh viên tổ chức những buổi hòa nhạc, diễn kịch và nói chuyện lịch sử có tiếng vang lớn để khêu gợi lòng yêu nước của thanh niên, của nhân dân.
Thế nhưng, con đường cách mạng không bao giờ bằng phẳng và thẳng tắp. Trong bóng tối của chế độ thực dân, tìm ra con đường chân chính để đi theo thật không phải dễ dàng. Thanh niên trí thức cũng như trí thức Việt Nam nói chung ở những năm 40 thế kỷ này không thiếu nhiệt tình yêu nước. Song, cách mạng không dừng lại ở khâu giải phóng dân tộc mà còn phải tiến lên xây dựng chế độ mới trên đất nước giành được độc lập. Những người trí thức đã từng theo học nhà trường Pháp đều hấp thụ được những nguyên lý Tự do – Bình đẳng – Bác ái của cuộc Cách mạng 1789, nhưng nói chung họ không thể không chịu ảnh hưởng của nền dân chủ tư sản và dễ hướng theo chế độ cộng hòa đại nghị tư sản. Song, thất bại của nước Pháp trước lực lượng phát xít Đức không khỏi làm cho họ ngỡ ngàng và nhận ra nhược điểm của nền dân chủ Pháp. Đồng thời họ đã thấy rõ thất bại của cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) đã đưa Trung Quốc vào một ngõ cụt. Còn Cách mạng tháng Mười Nga xa xôi thì rất ít người biết đến, không những thế nó lại bị chủ nghĩa đế quốc tuyên truyền xuyên tạc bóp méo. Thế mà, trước mắt, khi quân đội phát xít Nhật đặt chân vào Đông Dương thì nó lại mang theo vào để lừa bịp cái hình ảnh hào nhoáng của chủ nghĩa Đại Đông Á với khẩu hiệu “Thịnh vượng chung” đầy ảo tưởng. Chính trong hoàn cảnh lịch sử như thế đó, một bộ phận không nhỏ trí thức Việt Nam trong buổi đầu đã ngả theo con đường thân Nhật, hay ít ra, như họ nói, họ muốn “lợi dụng Nhật” để mưu cầu độc lập cho dân tộc. Cố nhiên, chỉ ít lâu sau đã lộ ra bộ mặt hung ác của phát xít Nhật đã duy trì chính quyền thực dân Pháp để mượn nó lồng vào đầu cổ nhân dân ta một tầng áp bức bóc lột mới. Dù sao đại bộ phận trí thức Việt Nam đương thời đã phải trải qua một thời gian trăn trở tìm đường rồi mới dứt bỏ được tư tưởng thân Nhật.
Chính nhóm sinh viên Dương Đức Hiền đã trải qua bước thử thách như vậy, nhưng chẳng bao lâu, do thiện chí của họ và do bắt liên lạc được với một số đảng viên Cộng sản đang tuyên truyền vận động cho Mặt trận Việt Minh, họ đã sớm dứt bỏ được ảnh hưởng của những nhóm Đại Việt thân Nhật, và nhờ sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương, họ đi tới thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, đứng trong hàng ngũ Mặt trận Việt Minh để tiến hành cuộc cách mạng cứu nước theo con đường dân chủ mới hay cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đúng như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác nhận trong báo cáo của Người đọc trong Đại hội thành lập Đảng Lao động Việt Nam (Đại Hội II Đảng Cộng sản Việt Nam) tại Việt Bắc 1951: “Đảng lại giúp anh em trí thức tiến bộ thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam để thu hút những thanh niên trí thức và viên chức Việt Nam và làm mau tan rã hàng ngũ Đại Việt thân Nhật”.
Vào đầu năm 1944 tại Hà Nội, nhóm sinh viên Dương Đức Hiền, trong đó có cả một số sinh viên miền Nam như: Đặng Ngọc Tốt, Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước… đã chính thức tuyên bố gia nhập Việt Minh. Sau đó, anh em sinh viên miền Nam tổ chức đi xe đạp rời Hà Nội lên đường về Nam, miệng ca vang bài hát “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Họ trở về Nam với quyết tâm mở rộng hàng ngũ, thành lập Đảng Tân Dân chủ (sau đổi thành Đảng Dân chủ Việt Nam). Trong khi đó ở miền Bắc, Dương Đức Hiền cùng các anh em khác chính thức khai sinh cho Đảng Dân chủ Việt Nam ngày 30/6/1944, và ít lâu sau, họ vận động được đại bộ phận nhóm trí thức báo Thanh Nghị sẵn có cảm tình gia nhập hàng ngũ khiến cho Đảng Dân chủ Việt Nam trở thành lực lượng chính trị tiêu biểu cho trí thức Việt Nam tiến bộ lúc bấy giờ, đứng bên cạnh Đảng Cộng sản Đông Dương trong Mặt trận Việt Minh đấu tranh cách mạng, tiến tới những ngày Tổng khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám oanh liệt.
Cố nhiên, Đảng Dân chủ Việt Nam không bao gồm toàn bộ các tầng lớp trí thức Việt Nam đương thời. Vào những năm 40 trước cuộc Cách mạng tháng Tám, trí thức Việt Nam, ngoài một số đã tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương từ trước và đã từng hoạt động sôi nổi vào thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936-1937), còn đại bộ phận trí thức thì phân tán trong các tổ chức xã hội như Tổng hội Sinh viên, Hội Truyền bá Quốc ngữ, hay trong những tổ chức văn hóa như các nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Hàn Thuyên, Tri Tân, Khoa học, đặc biệt trong hai nhóm được nhiều tín nhiệm trong nhân dân đương thời nhất là ở đô thị là nhóm báo Thanh Nghị của Vũ Đình Hòe ở miền Bắc và nhóm báo Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát ở miền Nam. Từ năm 1941 sau khi quân đội phát xít Nhật vào Đông Dương, cùng một lúc, Mặt trận Việt Minh ra đời, thì bắt đầu có sự phân hóa về chính trị trong các tầng lớp trí thức. Và qua sự phân hóa đó, hiện tượng đáng chú ý là sự hình thành Đảng Dân chủ Việt Nam như lực lượng chính trị tập trung và tích cực nhất của trí thức Việt Nam đương thời khi đi vào cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.
Sự thật, sự phân hóa chỉ lên tới cao điểm từ sau cuộc đảo chính Nhật đánh đổ chính quyền thực dân Pháp ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945, có thể xem như ngày mở ra thời kỳ tiền khởi nghĩa của Cách mạng tháng Tám, với chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Sau ngày 9 tháng 3, hoạt động của Việt Minh sôi động hẳn lên và trí thức Việt Nam bắt đầu nhận ra con đường cách mạng đúng đắn phải theo. Họ hăng hái gia nhập Việt Minh, vào các đoàn thể như “Thanh niên Cứu quốc”, “Văn hóa Cứu quốc”, “Tổng hội Viên chức Cứu quốc”, một bộ phận mãi đến 1946 mới gia nhập Đảng Xã hội Việt Nam khi Đảng này thành lập. Một số khá đông tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam, và ở đây thanh niên trí thức nhất là sinh viên tìm được nơi phát huy đầy đủ cá tính năng động của họ trong những hoạt động cách mạng táo bạo, gan dạ như tham gia những đội danh dự trừ gian, những đội tuyên truyền xung phong diễn thuyết, treo cờ ở các bến xe rạp hát. Chính trong những ngày này, nhạc sĩ Văn Cao làm báo Độc Lập, sáng tác “Tiến Quân ca”. Ít lâu sau một đoàn đại biểu Đảng Dân chủ Việt Nam hồ hởi lên Chiến khu Việt Bắc dự Đại hội Tân Trào, trong đó có bác sĩ, luật gia, kỹ sư, nhà thơ, nhà báo, sinh viên… có cả 2 vợ chồng Dương Đức Hiền và Thanh Thủy cùng đi, có kỹ sư trẻ Hoàng Văn Đức cải trang đi bí mật mà mang theo cả máy chụp ảnh, chiếc máy ảnh duy nhất đã chụp lễ xuất phát của Việt Nam Giải phóng quân. Trong khi đó ở Hà Nội, ngày 17 tháng Tám, xảy ra biến cố hết sức quan trọng tất yếu dẫn đến ngày 19 tháng Tám bất diệt: những thanh niên sinh viên trong đội tuyên truyền xung phong Đảng Dân chủ Việt Nam táo bạo treo lá Cờ đỏ Sao vàng to lớn trước cửa Nhà hát Lớn thành phố và ngang nhiên cướp diễn đàn cuộc biểu tình của viên chức ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, biến nó thành biểu tình tuần hành ủng hộ Việt Minh. Và theo đà thắng thế đó, cách một hôm sau, ngày 19 tháng Tám, Việt Minh tổ chức cướp chính quyền ở Thủ đô.
Cách mạng Tháng Tám thực sự là một bước ngoặt lớn đem lại cuộc đổi đời cho trí thức Việt Nam. Thanh niên trí thức như mở rộng tâm hồn, họ cảm thấy rõ họ có thể phát huy đầy đủ trí tuệ của mình để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Riêng những trí thức đứng trong hàng ngũ Đảng Dân chủ Việt Nam, khi Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán thì họ ý thức đầy đủ vai trò và trách nhiệm của họ trong những điều kiện lịch sử nghìn cân treo sợi tóc của đất nước lúc bấy giờ. Thanh niên trí thức họ có mặt ở tất cả ba mặt trận diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Họ có mặt ở các hội nghị liên tịch đảng phái và những cuộc gặp gỡ nhân sĩ trí thức để thành lập Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họ có mặt ở đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm hữu nghị nước Pháp, các đoàn đại biểu Chính phủ đàm phán với Pháp ở Đà Lạt, ở Phông-ten-nơ-blô. Báo Độc Lập, cơ quan Trung ương của Đảng Dân chủ Việt Nam, nổi tiếng với những cây bút đả kích bọn Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội) núp sau quân đội Tưởng Giới Thạch về phá rối chính quyền cách mạng, thậm chí bọn họ xông cả vào trụ sở báo Độc Lập định bắt cóc biên tập viên tờ báo… Đặc biệt, trí thức đầy nhiệt tình tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể nói, ở mọi địa hạt hoạt động, thanh niên trí thức đều như được chắp cánh bởi tinh thần lãng mạn cách mạng tuyệt vời. Tinh thần lãng mạn ấy thể hiện chẳng hạn trong bài bút ký “Lên Chiến khu” có tiếng vang của Đỗ Đức Dục đăng nhiều kỳ trên báo Độc Lập cuối năm 1945, hay trong hai bài thơ nổi tiếng của Xuân Diệu, nhà thơ đảng viên Dân chủ, “Hội nghị non sông” và “Ngọn Quốc kỳ”. Thậm chí tinh thần lãng mạn cách mạng ấy thấm nhuần cả bản thuyết trình Hiến pháp mà một thanh niên đại biểu Dân chủ đọc trước Quốc hội kỳ 2 Khóa 1, tháng 11 năm 1946, đến mức nó được Giáo sư Đặng Thai Mai, đại biểu Quốc hội xem như “Một kiệt tác về hùng biện và thơ”[1].
Và tinh thần lãng mạn cách mạng ấy thúc đẩy thanh niên trí thức Việt Nam lên đường kháng chiến chống Pháp, ở miền Nam từ ngày 23 tháng Chín 1945, và toàn quốc từ đêm 19 tháng Chạp 1946. Cuộc tiêu thổ kháng chiến chưa từng có trong lịch sử dân tộc đó đã dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ rung chuyển địa cầu.■
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 9, 1995
[1] Nguyên văn câu nói của GS Đặng Thai Mai: « C ‘est un chef d’oeuvre d’e’loquence et de poemie ».