Sau khi giành lại chính quyền từ tay Nhật – Pháp, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở đầu cho một kỷ nguyên độc lập của nước ta. Sự kiện này đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài nước. Bấy giờ, những nhà lãnh đạo mới của chính quyền lâm thời đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc báo chí để phổ biến thông tin về quan điểm, đường lối, chính sách điều hành đất nước trong buổi đầu độc lập. Báo Cứu quốc, số 61, ngày 8/10/1945, đã ghi lại cuộc trò chuyện của Hồ Chủ tịch với các phóng viên báo hàng ngày ở Bắc Bộ phủ; báo Dân thanh số 14, ngày 19/9/1945, cũng ghi lại nội dung cuộc phỏng vấn của Bộ trưởng Trần Huy Liệu với phóng viên báo Nhật Asahi.
Sáng nay 18/9, ông Kumon phóng viên báo Asahi đã cùng ông Keiwachin đến phỏng vấn ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ Lâm thời. Ông Keiwachin, sau khi giới thiệu ông Kumon, làm thông ngôn cuộc phỏng vấn.
– Chúng tôi đã phỏng vấn Hồ Chủ tịch và cố vấn Vĩnh Thuỵ, nay đến báo ngài và xin ngài cho biết rõ về chính sách của Chính phủ.
– Chính phủ Lâm thời Việt Nam hiện là một chính phủ quốc gia liên hiệp, không phân đảng phái. Chính sách của Chính phủ căn cứ theo chương trình của Mặt trận Việt Minh, là mặt trận đại biểu cho toàn thể dân chúng. Chương trình ấy đã công bố, dần dần thi hành, và Chính phủ hết sức thực hiện thật nhanh chóng.
– Chúng tôi có tin rằng quân Pháp định trở lại đây, vậy đối sách của Chính phủ thế nào?
– Thái độ của Chính phủ rõ rệt. Chúng tôi không bao giờ để Pháp trở lại đất nước này nữa, chúng tôi sẽ quyết chiến, nhất là toàn dân Việt Nam hiện chặt chẽ và cương quyết cùng với Chính phủ chống Pháp xâm lăng.
– Thực lực Việt Nam có đủ để chống lại Pháp không?
– Sự thắng lợi do nhiều điều kiện định đoạt, trong đó thực lực chỉ có một phần quan trọng. Phần chính là do sự đoàn kết của dân chúng. Thực ra, thực lực chúng tôi không yếu, thêm vào đấy sự đồng tâm của dân, thì chúng tôi quyết chống Pháp được, dù phải đổ đến giọt máu cuối cùng.
– Dân chúng Nhật Bản chúng tôi, tinh thần chiến đấu cũng mạnh lắm, nhưng thực lực kém Đồng Minh nên nay bị bại, nên chúng tôi e sợ cho Việt Nam, cũng vào trường hợp của chúng tôi.
– Đúng như vậy, nhưng trong cuộc chiến tranh vừa qua, nước Nhật Bản và nước Việt Nam ở hai hoàn cảnh khác hẳn nhau. Chúng tôi đứng trong mặt trận các nước dân chủ. Chúng tôi trông cậy ở cái trào lưu dân chủ hiện có ở khắp thế giới, và ở các Nghị quyết của các nước Đồng Minh trong Hiến chương Đại Tây Dương và trong các hội nghị Téhéran, San Francisco… Chúng tôi lại trông cậy vào một lực lượng gián tiếp là lực lượng của dân chúng Pháp hiện nay đang cực lực phản đối tụi De Gaulle xâm lược. Nhưng phần chính vẫn là trông cậy ở thực lực và chiếu đấu của chúng tôi. Và chắc chắn rằng một nước nào có tham vọng chiếm nước Việt Nam cũng sẽ không dễ dàng chút nào trước lòng quyết chiến của cả một dân tộc chúng tôi.
– Thái độ của Trùng Khánh hiện nay đã hơi rõ, nhưng thái độ của Mỹ đối với nền độc lập ra sao ?
– Đó thuộc về vấn đề ngoại giao, không thể tuyên bố được, nhưng có thể tóm tắt rằng người Mỹ rất có cảm tình với nền độc lập Việt Nam. Chúng tôi xin nhắc kỹ rằng dù sao chúng tôi vẫn trông ở chúng tôi nhiều nhất.
– Nếu Mỹ đề nghị với quý Chính phủ chịu chế độ quốc tế quản lý?
– Về phương diện quốc gia cũng như quốc tế, chúng tôi quyết đòi được độc lập.
– Nhân tiện, xin ngài cho biết cảm tưởng của ngài về người Nhật và nước Nhật tương lai?
– Mặc dầu có một số chính khách và quân nhân Nhật đã có những chủ trương trái hẳn với chúng tôi, thì đối với dân chúng Nhật Bản, chúng tôi vẫn có nhiều cảm tình. Chúng tôi tin rằng nếu nước Nhật hiện nay, sau khi bại trận, bước theo con đường tiến hoá chung của lịch sử, nghĩa là theo chính thể dân chủ triệt để, đi đến nền tân dân chủ, thì sẽ đưa hạnh phúc lại cho dân chúng Nhật Bản.
– Một số đông người Nhật ở đây vẫn không hiểu rõ Việt Minh, và cho là một đảng chính trị quá khích, hay cho là một đảng cộng sản, vậy xin ngài cho hiểu rõ.
– Việt Minh không phải là một đảng mà là một mặt trận liên hiệp hết thảy các đảng và các đoàn thể cứu quốc, chủ trương cuộc giải phóng dân tộc. Đảng Cộng sản Đông Dương trong đó cũng chỉ là một đảng như các đoàn thể cứu quốc khác. Mục đích duy nhất của mỗi đảng, mỗi đoàn thể chỉ là tranh đấu cho nền độc lập hoàn toàn của quốc gia.
– Có tin đồn rằng Hồ chủ tịch hiện không ở Hà Nội, tin ấy có đúng không?
– Đó chỉ là tin đồn nhảm, có lẽ do bọn Pháp hoặc bọn tay sai của chúng phao ra để làm nao núng lòng dân, chứ thực ra Hồ Chủ tịch vẫn ở Hà Nội, và ngày nào cũng tiếp khách hoặc chủ tọa các buổi khai hội.
Sau đó, ông Liệu lấy tư cách riêng, yêu cầu Kumon cho biết cảm tưởng về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
– Chúng tôi phải công nhận rằng trong cuộc vận động cách mạng, Mặt trận Việt Minh quả có tài để đi đến một cuộc khởi nghĩa rất tốt đẹp. Rồi đây, nếu lấy phương pháp khoa học để áp dụng vào công cuộc kiến thiết quốc gia, thì chắc kết quả sẽ mỹ mãn lắm.
Sau cùng, ông Kumon ngỏ ý muốn biết sơ lược về đời nhà báo của ông Trần Huy Liệu.
– Từ 20 năm nay, tôi không những đã viết 13, 14 tờ báo; mà vẫn luôn chiến đấu cho nền độc lập của Tổ quốc. Tôi rất lấy làm hân hạnh được gặp bạn đồng nghiệp để trao đổi ý kiến như hôm nay.
Đã được biết những điều cần thiết, ông Kumon và ông Keiwachin xin cáo từ, mong sẽ được liên lạc nhiều với Bộ Tuyên truyền để có đủ tài liệu về Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam.■