Sáng ngày 14 -10-2019, Lễ ra mắt Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đã được tổ chức trang trọng tại Tầng 2 Trung tâm Almaz, đường Hoa Phượng, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Quận Long Biên, Hà Nội. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa đối với đời sống của giới trí thức và các nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị của Việt Nam.
Tới dự Lễ khai trương có Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông, lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Nhà Xuất bản Công an nhân dân, Nhà xuất bản Thế giới, đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý Thư viện – Bộ Văn hóa, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội cũng như nhiều lãnh đạo các trường Đại học, các cơ quan nghiên cứu văn hóa, lịch sử, cùng nhiều nhà văn, nhà báo, bạn bè, đồng đội của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng.
Thay mặt lãnh đạo Thư viện, ông Nguyễn Văn Tuấn đã đọc báo cáo về quá trình hình thành và xây dựng Thư viện Nguyễn Văn Hưởng và phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Báo cáo cho biết, với diện tích hơn 600 mét vuông, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng bao gồm:
– Hơn 10.000 bản sách, chuyên san, ấn phẩm chủ yếu bằng tiếng Anh của các chính trị gia, các nhà sử học và các quan chức chính phủ và các tướng lĩnh quân đội Mỹ đã từng trực tiếp tham gia hoặc có quá trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam; hàng triệu trang bản thảo, tài liệu biên dịch, các bản sao chụp tài liệu, luận án chưa được xuất bản viết về chiến tranh Việt Nam.
– Các tài liệu của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ như của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cục lưu trữ An ninh Quốc gia, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, các trung tâm, viện nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á tại các trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ, Pháp, Anh Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga … đã được số hóa và đưa vào hệ thống lưu trữ của Thư viện.
– Khoảng hơn 2.500 bản đồ và địa chí Việt Nam và Đông Nam Á từ xưa đến nay ở dạng số hóa.
– Hơn 1.000 phim ảnh tư liệu về Chiến tranh Việt Nam của các cơ quan truyền thông và cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, các phim truyện quốc tế về Chiến tranh Việt Nam và nhiều CD ghi lại các bài hát quốc tế, đặc biệt các ca khúc phản đối chiến tranh khắp thế giới, bằng nhiều ngôn ngữ, và được trình bày bởi các ca sĩ, nhạc sĩ lừng danh thế giới.
Có thể khẳng định, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đang chứa đựng những tư liệu vô giá về lịch sử Việt Nam và chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là nét độc đáo nhất của thư viện Nguyễn Văn Hưởng mà không một thư viện tư nhân và kể cả một số thư viện của Nhà nước có được.
Những tài liệu có trong Thư viện Nguyễn Văn Hưởng sẽ góp phần quan trọng vào việc làm sáng rõ nhiều vấn đề của lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử quan hệ với các nước lớn trên thế giới.
Để có số tư liệu vô cùng quý hiếm này, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã bỏ công ra sưu tầm, tích lũy từ hàng chục năm nay. Ý thức trách nhiệm cao của ông với Tổ quốc và sự đam mê của ông đã được những người bạn ông ở nhiều quốc gia thấu hiểu và ủng hộ. Họ đã lặng lẽ sưu tập giúp ông những tài liệu và lặng lẽ chuyển về nước cho ông mà không đòi hỏi bất cứ một quyền lợi nào.
Một điều thú vị là ngay khi biết tin Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng thành lập thư viện, các nhà xuất bản lớn như Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Nhà xuất bản CAND đã chủ động tới đặt vấn đề hợp tác lâu dài. Một số nhà văn đã mang tác phẩm của mình tới tặng cho thư viện.
Danh tiếng của thư viện đã bay xa, nên cũng đã có một số học giả nước ngoài mang tư liệu đến đóng góp
Cũng trong Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, bên cạnh khối tư liệu là sách, tạp chí, phim, ảnh khổng lồ còn có nhiều kỷ vật của bộ đội ta trong kháng chiến chống Mỹ, do cựu binh Mỹ thu được trong các trận chiến. Để có được những kỷ vật này, những người bạn của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã phải dày công sưu tầm, xác minh nguồn gốc và gửi từ Hoa Kỳ về cho Thư viện.
Đây thực sự là những kỷ vật có giá trị to lớn về truyền thông anh hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hy vọng rằng tới đây, nhiều kỷ vật trong thư viện của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng sẽ có người thân của các liệt sĩ đến nhận.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Viện sĩ Đặng Vũ Minh đã bày tỏ lòng khâm phục và kính trọng đối với Thượng tượng Nguyễn Văn Hưởng khi ông đã bỏ công sức, thời gian và kinh phí ra xây dựng thư viện độc đáo, có giá trị rất cao về nhiều mặt, giúp cho việc nghiên cứu và làm sáng tỏ các sự thật lịch sử dễ dàng hơn.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng hết sức vui mừng về sự ra đời của Thư viện Nguyễn Văn Hưởng và coi đây là sự kiện văn hóa quan trọng, đặc biệt có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu lịch sử. Ông cho rằng, những gì mà Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đang làm, cũng như phương hướng hoạt động sắp tới sẽ là những cứ liệu rất có giá trị để bổ sung vào Luật Thư viện trình Quốc hội trong thời gian tới.
Khi tới thăm thư viện Nguyễn Văn Hưởng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn đã phải thốt lên : “Thực sự đây là một sự bất ngờ lớn của tôi. Bất ngờ đầu tiên đây là thư viện của một cá nhân. Bất ngờ thứ hai là khối lượng của những tác phẩm, tài liệu, sách và những hiện vật khác trong thư viện này. Thư viện Nguyễn Văn Hưởng có lẽ là một thư viện đặc biệt đầu tiên ở Việt Nam và cũng là một thư viện rất đặc biệt đầu tiên trên thế giới. Một thư viện mà ở đó bao gồm toàn bộ những nghiên cứu trong mọi loại hình của văn học, của tư liệu, của ghi chép, của phỏng vấn và thậm chí là tài liệu giải mật khác về một cuộc chiến tranh lớn nhất trong thế kỷ 20 của nhân loại. Chúng ta có thể hy vọng rằng từ cơ sở thư viện Nguyễn Văn Hưởng, sẽ có một thư viện về chiến tranh Việt Nam . Đến một ngày nào đó thư viện sẽ trở thành một trung tâm văn hóa nghiên cứu về chiến tranh. ”
Trong lời đáp từ của mình, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng xúc động bày tỏ lòng cảm ơn đối với các bạn bè, công sự của ông đã giúp ông có được số tài liệu, sách, báo, phim và các kỷ vật chiến tranh cực kỳ có giá trị này. Ông cũng cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, lãnh đạo Vụ Thư viện, Sở văn hóa Thông tin Hà Nội…Ông cũng khẳng định Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, Chi nhánh Hà Nội của Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông và Tạp chí Phương Đông hoạt động chỉ với mục đích duy nhất là phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, vì sự phát triển và thịnh vượng của đất nước, với triết lý “ Yêu nước, Cống hiến và Văn hóa”.
N.N.P