Đỗ Bằng Đoàn – Đỗ Trọng Huề
Thời xưa, cờ, lọng, võng không chỉ là những vật dụng trang trí quen thuộc hay phương tiện di chuyển, mà còn là những vật tượng trưng cho quyền lực và địa vị của người sử dụng. Các lá cờ thêu tinh xảo với nhiều màu sắc và hình dáng khác nhau đều mang trong mình một câu chuyện văn hóa và tín ngưỡng riêng. Lọng vàng lấp lánh hay võng điều đỏ thắm đã trở thành biểu tượng cho sự uy nghi, sang trọng và tôn kính. Tạp chí Phương Đông trân trọng mời bạn đọc khám phá ý nghĩa của những biểu tượng này trong đời sống và lễ nghi thời xưa qua trích đoạn trong quyển Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, do NXB Hoa Lư xuất bản năm 1969.
I. Các thứ cờ thời xưa
Quốc kỳ hay Đại kỳ: treo bên kỳ đài hình chữ nhật bằng trừu, nỉ, hoặc dạ tốt sắc vàng, ba bề có riềm như răng cưa bằng dạ sắc vàng nhạt, trong thêu con rồng. Ngày đại lễ treo cờ rộng 9 thước, dài 10 thước. Ngày thường triều và mồng một mười rằm treo cờ rộng 8 thước dài 9 thước. Những ngày thường treo cờ rộng 7 thước 5 tấc, dài 8 thước 5 tấc.
Môn kỳ: Hình vuông bằng nỉ hoặc dạ, ba bề riềm răng cưa cũng theo như màu lá cờ; có 5 lá:
Cửa đông: Sắc xanh
Cửa tây: Sắc trắng
Cửa nam, đông nam, tây nam: Sắc đỏ
Cửa bắc, đông bắc, tây bắc: Sắc tím
Cửa giữa: Sắc vàng
Cờ tam tài: hình tam giác bằng nỉ hoặc dạ, tượng trưng cho thiên (trời), địa (đất), nhân (người); tục gọi là cờ đuôi nheo; có 5 lá. Cờ tam tài đi đầu trong các đám rước.
Cờ tứ phương: hình vuông bằng nỉ hoặc dạ; có 4 lá:
Phương đông: Sắc xanh, thêu sao Thanh Long, chủ về Đại An (yên ổn)
Phương tây: Sắc trắng, thêu sao Bạch Hổ, chủ về tốc hỷ (mau đến sự vui mừng)
Phương nam: Sắc đỏ, thêu sao Chu Tước, chủ tránh xích khẩu (tránh dèm pha miệng tiếng)
Phương bắc: Sắc tím, thêu sao Huyền Vũ, chủ về lưu liên (bền lâu)
Cờ ngũ hành: hình vuông bằng nỉ hoặc dạ; có 5 lá:
Sắc xanh: thuộc mộc
Sắc đỏ: thuộc hỏa
Sắc trắng: thuộc kim
Sắc tím: thuộc thủy
Sắc vàng thuộc thổ
Cờ nhị thập bát tú: hình vuông bằng nỉ hoặc dạ; có 28 lá, mỗi lá thêu một ngôi sao:
Giốc | Cang | Đê | Phòng |
Tâm | Vĩ | Cơ | Đẩu |
Ngưu | Nữ | Hư | Nguy |
Thất | Bích | Khuê | Lâu |
Vị | Mão | Tất | Chủy |
Sâm | Tỉnh | Quỷ | Liễu |
Tinh | Trương | Dực | Chẩn |
Cờ thập nhị thời thần: hình vuông bằng nỉ hoặc dạ; có 12 lá, trong vòng viết 1 chữ:
3 lá sắc xanh thuộc mùa xuân, viết chữ Dần, Mão, Thìn.
3 lá sắc đỏ, thuộc mùa hạ, viết chữ Tỵ, Ngọ, Mùi.
3 lá sắc trắng, thuộc mùa thu, viết chữ Thân, Dậu, Tuất.
3 lá sắc tím, thuộc mùa đông, viết chữ Hợi, Tý, Sửu.
Cờ bát quái: Hình vuông bằng nỉ hoặc dạ; có 8 lá, mỗi lá vạch một quẻ:
Càn | Khảm | Cấn | Chấn |
Tốn | Ly | Khôn | Đoài |
Cờ phong, vân, lôi, vũ: Hình vuông bằng nỉ hoặc dạ; có 4 lá, tượng trưng cho 4 vị thần Gió, Mây, Sấm, Mưa.
Cờ long vân: Hình vuông bằng dạ hoặc nỉ, thêu rồng mây, có 20 lá.
Cờ vân cẩm: Hình vuông bằng dạ hoặc nỉ thêu đám mây, có 25 lá.
Cờ cảnh, cờ tất: cũng gọi là cờ xuất cảnh nhập tất; hình tam giác bằng đoạn màu hồng, trên đầu ngù bằng lông chim trả, cán sơn son, có 2 lá. Cảnh nghĩa là răn bảo, tất nghĩa là cấm đường. Ngày xưa vua đi đâu, có hai viên quan võ cưỡi ngựa, một cầm cờ cảnh, một cầm cờ tất đi trước để cấm đường, không cho dân chúng qua lại.
Cờ bắc đẩu: hình vuông bằng nhiễu màu hồng, thêu 7 ngôi sao (thất tinh) tượng trưng cho quyền vua, trên đầu ngù bằng lông chim trả, cán sơn son; có 1 lá. Cờ bắc đẩu đi trước kiệu, trong đám rước vua chúa.
Cờ long, phượng, nhật, nguyệt cũng gọi là cờ mao: hình vuông, bằng nhiễu màu hồng, trên đầu ngù bằng lông chim trả, cán sơn son; có 4 lá:
1 lá thêu con rồng, 1 lá thêu con phượng, tượng trưng cho sự uy nghi, thịnh vượng của nhà vua.
1 lá thêu mặt trời, 1 lá thêu mặt trăng, tượng trưng cho sự thông minh, sáng suốt và óc quyết đoán của nhà vua.
Cờ long, phượng, nhật, nguyệt đi trước kiệu, trong đám rước vua chúa.
Các thứ cờ kể trên, giải và riềm đều theo với sắc cờ nhưng dùng màu nhạt hơn.
Cờ tiết mao: trên đầu là hình đầu rồng bằng gỗ sơn son thếp vàng, mắc vào miệng rồng 5 tầng dây kim tuyến đeo 5 cái ngù bằng lông đuôi trâu rừng hoặc bằng râu dê. Cán cờ sơn son dài hơn 3 thước. Cờ tiết mao vua ban cho sứ thần cầm đi sứ các nước, hoặc quan Khâm mệnh thay vua đi tế các đền miếu và phong tước cho quan đại thần.
Đời Lê những thứ cờ kể trên, chỉ dùng để rước vua, chúa đi tế Giao, Miếu hoặc tuần du các nơi. Còn rước thần dùng cờ đuôi nheo, cờ vuông trong vẽ hoặc thêu phượng hoàng và mây bay. Rước thần thượng đẳng dùng 24 lá, thêu phượng hoàng; trung đẳng 20 lá; hạ đẳng 16 lá thêu mây bay. Đến đời Nguyễn từ năm Đồng Khánh về sau, cờ phượng hoàng và cờ mây bay không thấy nữa. Rước thần cũng dùng cờ tam tài, cờ tứ phương, cờ ngũ hành.
Trong quân ngũ dùng nhiều thứ cờ riêng biệt, đại loại như cờ lệnh cũng gọi là cờ tinh, hình tam giác bằng đoạn màu hồng, trong thêu chữ Lệnh, của các tướng phất ra lệnh cho quân. Quân sĩ thấy cờ thiên địa thì tiến lên, thấy cờ tứ định thì đi thong thả, cờ ngũ hành đi nhanh, cờ lục hợp thổi cơm, cờ bát quái thả neo thuyền, cờ tam tài nhổ neo thuyền. Lại còn cờ thúy hoa, cờ thiên mã, cờ thiên lộc, cờ bạch tượng, cờ thanh sư, cờ xích hùng, cờ hoàng bi, cờ du lân, cờ tường phượng, cờ bạch trạch, cờ tịch tà, cờ dốc đoan và nhiều thứ khác kể ra không xiết.
Cờ hiệu của ngũ quan thường dùng cờ đuôi nheo hoặc vuông bằng dạ nhưng màu khác nhau
Trung quân: Sắc vàng tươi
Tiền quân: Sắc đỏ thẫm
Tả quân: Sắc xanh thẫm
Hữu quân: Sắc trắng
Hậu quân: Sắc đen
Ngoài ra còn có cờ lông công là cờ hiệu của phu trạm. Cờ lông công làm bởi 3 cái lông đuôi con công buộc chùm trên bờm ngựa. Phu trạm chạy công văn cần kịp, buộc cờ lông công trên bờm ngựa, cổ ngựa đeo nhạc đồng, khách bộ hành gặp phải nhường lối cho đi. Tới các bến đò, phu trạm được quyền ưu tiên sang sông.
II. Lọng
Vua đi 4 lọng vàng 28 bông bèo[1] chóp mạ vàng, cán gỗ sơn son.
Hoàng tử: 4 lọng đỏ hoặc lọng tía 20 bông bèo, chóp thau mạ vàng, cán gỗ sơn son.
Các quan văn từ Tuần phủ, võ từ Đề đốc trở lên: 4 lọng xanh, 16 bông bèo, chóp thiếc mạ bạc, cán tre quét sơn cánh gián.
Các ông tân khoa Cử nhân: 1 lọng xanh 4 bông bèo, chóp sơn xanh, cán tre, những đốt tre quét thiếc.
Gặp lễ quan, hôn, tang, tế, thường dân cũng được đi 1 lọng xanh, không có bông bèo.
Thần thượng đẳng: 4 lọng vàng, 20 bông bèo, chóp sơn thếp vàng. Thần trung đẳng: 4 lọng vàng, 16 bông bèo, chóp thiếc. Phúc thần: 4 lọng xanh 12 bông bèo, chóp sơn trắng.
III. Võng
Văn từ Tuần phủ, võ từ Đề đốc trở lên đi võng[2] điều ngáng[3] bằng 2 ngà voi, đòn khiêng sơn son, hai đầu chỗ để mắc võng có 2 con ly, chấu sơn son.
Bố chánh, Án sát, Lãnh binh: võng thắm, ngáng bằng gỗ xương cá sơn son, đòn khiêng sơn son, hai đầu chỗ để mắc võng có 2 con sấu, chấu sơn son.
Tri phủ, Tri huyện, Chánh phó quản: võng xanh, ngáng bằng gỗ xương cá sơn gián sắc, đòn khiêng sơn then, hai đầu chỗ để mắc võng có 2 con phúc (dơi), chấu sơn gián sắc.
Trong những dịp quan, hôn, tang, tế, thường dân cũng được đi võng nhưng gọi là cáng, nhuộm màu xanh nhạt, ngáng bằng gỗ sơn trắng, không có chấu. Những người nhiều tuổi thường ngày cũng được dùng cáng.■
[1] Bông bèo: tròn như quả táo ta, làm bằng bông nhuộm ngũ sắc, xâu dây chỉ dài 5, 6 tấc buộc lòng thòng vào nan lọng rủ xuống. Đời Trần, tôn thất, vương hầu đi 4 lọng tía; quan văn võ từ nhị phẩm đến ngũ phẩm đi 2 lọng xanh, từ lục phẩm đến cửu phẩm đi một lọng đen.
[2] Võng: dệt bằng gai lõi, nền hoa tròn. Trên có mui luyện để che mưa nắng, đan bằng tre rồi sơn then, hai bên che mành cánh sáo bằng vóc. Võng không mui gọi là võng trần. Các đám rước phần nhiều dùng võng trần, chỉ khi nào đi xa mới dùng võng có mui. Người đi võng trần ngồi xếp bằng tròn ở trong võng, đi võng có mui thì nằm và có thể ngủ trong võng. Các quan đi võng có 2 người khiêng, 2 người vác chấu, khi nào nghỉ thì gác võng lên chấu.
[3] Ngáng: Hai ngáng hai đầu võng hình cong dài ước 80 cm để xâu dây ở đầu võng vào, rồi kéo chụm lại mắc vào đòn võng.