Robert Moore
Ngô Bắc dịch
Đây là bài viết đầu tiên về Việt Nam và Đông Dương trên tạp chí lừng danh thế giới, National Geographic Magazine, tháng Tám năm 1931, chứa đựng nhiều ảnh chụp rất quý hiếm, trong đó có 33 hình đen trắng và 28 ảnh chụp màu tự nhiên. Đó là những tấm ảnh màu tự nhiên đầu tiên về Việt Nam xuất hiện trên một tạp chí bằng Anh ngữ ở phương Tây. Tác giả bài viết, W. Robert Moore, cũng là người chụp ảnh.
————
Các bản đồ thường cung cấp những gợi ý thú vị.
Lấy giấy cắt hình, theo đường ranh giới của Đông Dương thuộc Pháp, dán nó lên trên một nền màu trung tính, và bạn có một hình biếm họa khái quát mặt nhìn nghiêng của một bà lão bộ tộc tại các vùng đồi núi của Đông Dương cúi đầu lên phía đông nước Xiêm.
Xứ Lào, nơi một số lượng lớn các dân tộc miền núi sơ khai sinh sống, tạo thành khuôn mặt của bà ta, với phần cổ nhăn nhúm và bộ ngực lép; tuy nhiên, cái mũi, nhờ phép “giải phẫu thẩm mỹ” của hiệp ước ranh giới, là một đặc điểm phi-Mông Cổ của bà và thọc sâu vào nước Xiêm La. Xứ Bắc Kỳ tạo thành một chiếc mũ cao, chóp nhọn, được trang trí với các chùm lông thú, chuỗi hạt và các đồ trang sức khác theo đúng kiểu mũ đội đầu của các phụ nữ bộ lạc Kaw [? thổ dân da đỏ tại tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ, chú của người dịch]. Duyên hải An Nam (Trung Kỳ) cấu thành phần gáy và uốn vào trong, trong khi xứ Campuchia và Nam Kỳ tạo thành các bộ phận của thân thể co mình lại khi bà ta ngồi xổm với hai đầu gối chĩa thẳng lên trời, giống như người dân bản xứ tại Viễn Đông rất ưa ngồi như thế.
Nhưng xa lộ mà những người vẽ bản đồ đã phác họa xuyên suốt cơ thể người phụ nữ bản đồ của chúng ta, nối dài cột xương sống đến chóp mũ cao của bà, cũng gợi ý về một hành trình bằng xe gắn động cơ – một thách thức không thể bị gạt bỏ dễ dàng.
Khoảng 1600 dặm Anh đường Thuộc địa số 1 luồn lách qua các khu rừng rậm rạp, vô số những cánh đồng lúa rộng lớn, lên xuống những ngọn đồi dọc theo bờ biển đẹp như tranh vẽ, từ vùng biên cương với Xiêm La cho tới Cửa Ải Trung Hoa.
Mặc dù con đường này mới được xây dựng tương đối gần đây theo chương trình thuộc địa Pháp, phần lớn chỉ là mở rộng và tu bổ Con Đường Cái Quan cũ. Con đường này từng ghi dấu quyền lực và văn hóa của các hoàng đế Trung Hoa, trở nên tập trung hóa tại Triều đình Đế quốc An Nam ở Huế. Dọc con đường này cũng có những ngọn tháp hoang phế của người Chàm cổ xưa, và trên một khúc rẽ ngắn từ đoạn cuối phía dưới của nó mọc lên các đền đài bằng đá chạm khắc nguy nga của Angkor, do người Khmer xây dựng trong khoảng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13.
Các nền văn minh Chàm và Khmer đã sụp đổ từ lâu, và trong nửa sau của thế kỷ vừa qua [thế kỷ 19, chú của người dịch], người Mãn Châu đã buộc phải từ bỏ bất kỳ sự tuyên xác nào về quyền chủ tể trên ngôi vua An Nam khi người Pháp thiết lập các chế độ bảo hộ tại vài xứ.
Nhưng dọc theo xa lộ này, đời sống hàng ngày đong đầy những ký ức lịch sử đang diễn ra như thế nào?
Tôi đã đến tận nơi để nhìn ngắm.
Đàn ông và đàn bà ăn mặc và để tóc giống nhau
Trên hành trình ngoạn cảnh, chúng tôi đã lên một chuyến tàu hỏa sáng sớm rời Bangkok, và vào khoảng giữa trưa, đến Aranya Prades, đầu mút đường ray tại vùng biên cương miền đông nước Xiêm La, từ đó khởi đầu chuyến du hành bằng xe gắn động cơ của chúng tôi theo suốt chiều dài Con Đường Cái Quan lên tới Cửa ải Trung Hoa.
Băng qua biên giới, và sau khi hoàn tất các thủ tục thông hành tại một tiền đồn nhỏ của Pháp tại Poipet, chúng tôi phóng tới làng Sisophon.
Gần Sisophon, chúng tôi gặp một nhóm người Campuchia vô cùng vui vẻ, mặc những chiếc áo choàng màu sáng rực, khăn quàng dài, sặc sỡ, và sampot, loại váy buộc túm bên dưới được tạo thành từ một tấm vải dài quấn quanh thân mình, với các mép vải khép lại ở giữa đôi chân và được thắt chặt ở phía sau. Rất khó phân biệt đàn ông với đàn bà, bởi y phục của họ và kiểu tóc bới ngược, bồng lên trên trán, cắt sát chân tóc một cách đồng nhất, được bôi dầu dừa bóng mượt, trông quá giống nhau.
Họ đang trở về từ một buổi lễ hội ở chùa, phần lớn đi bộ, nhưng một số trong họ chen chúc giữa các nhạc khí trong những chiếc kiệu không mui đặt trên ba con voi đang lê bước.
Ở những nơi khác tại Campuchia, chúng tôi nhìn thấy người dân mang những tượng Phật mới đúc đến các ngôi chùa trong các buổi diễu hành rực rỡ mừng năm mới; và khi một thanh niên tập tu thành tu sĩ hay một dân làng sắp được thiêu xác, dịp này tạo nên một màn trình diễn nhiều màu sắc của những chiếc lọng và quần áo.
Người Campuchia ngày nay, giống như các thân nhân thời cổ của họ, người Khmer, những người được khắc họa trong các tượng phù điêu của phế tích Angkor, ưa thích các lễ hội và những đám rước lộng lẫy và mê gõ nhịp suốt đêm trên những chiếc cồng và trống.
Tại Sisophon, chúng tôi rẽ khỏi đường Thuộc địa số 1 bằng phẳng và đi vào con lộ trực tiếp dẫn đến Angkor. Độ dốc cho một con lộ rải đá được nâng cao lên xuyên khắp các đồng bằng, nhưng những chiếc xe hơi vẫn còn phải đánh liều đi theo con đường khúc khuỷu băng ngang các cánh đồng lúa, tung xóc bên trên các mô đất và bị sa lầy vào các hố bùn.
Với chút loạng choạng ở một vũng lầy, chúng tôi đã tới Angkor tối muộn hôm đó. Từ thủ đô xứ Xiêm La hiện đại đến kinh đô của người Khmer cổ xưa mất một ngày – sự kỳ diệu của việc vận chuyển bằng đường sắt và xe hơi hiện đại là như thế!
Đôi khi cũng có máy bay chuyên chở hành khách trên các đường hàng không mở rộng, giờ đây giúp cắt thời lượng này xuống còn ba giờ ngắn ngủi, trong khi vài năm trước đây, một hành trình như thế đòi hỏi nhiều tuần gắng sức mệt mỏi nếu đi bộ hay cưỡi voi xuyên qua các khu rừng không người cư trú.
Ấn tượng đầu tiên về Angkor
Chúng tôi lần đầu thoáng nhìn khu Đền Angkor trong vẻ quyến rũ hiếm hoi của buổi tối khi ánh sáng từ đêm trăng tròn tràn ngập những ngọn tháp bằng đá vĩ đại vươn cao lên trên khu rừng bao quanh.
Chính năm tháp đồ sộ này đã chạm vào cái nhìn sững sờ của nhà thiên nhiên học người Pháp, ông Mouhot, khi ông tình cờ bước vào miền đó khoảng sáu mươi năm trước đây và đã khám phá cứu vớt khu Angkor ra khỏi một lăng tẩm của cây cỏ rừng rậm.
Đã có nhiều điều được viết về quần thể di tích Angkor kể từ thời điểm đó, nhưng nó chưa hề thực sự được miêu tả; bởi điều đó là bất khả thi. Người ta phải nhìn tận mắt và kinh ngạc. Bất luận là dưới ánh trăng, trong ánh nắng tra khảo của ban trưa, hay vào lúc chiều tối, khi hàng đàn dơi sải cánh bay ra như những làn khói từ các ngọn tháp tối đen của nó, Angkor hút hồn con người với bùa mê của nó về sự kỳ vĩ.
Nhưng sự hấp dẫn của nó không hoàn toàn nằm ở sự đồ sộ. Tôi đã gặp một học giả nổi tiếng người Pháp là người đã thực hiện một loạt hình chụp để dùng làm khuôn mẫu trong công việc đan móc hàng ren và dệt thảm, các mạng gân trang trí phức tạp và các hoa văn tinh tế được chạm khắc bằng dùi đục dưới bàn tay của các nghệ nhân Khmer thật tuyệt diệu biết bao trong từng chi tiết. Đền Angkor là kết quả của niềm đam mê tuôn trào về nghệ thuật và tôn giáo, tương tự như lòng nhiệt huyết mà tại các vùng đất khác đã tạo ra các đại giáo đường đẹp đẽ nhất của thế giới.
Nước lũ và đồng lúa
Đã có nhiều phỏng đoán về lý do tại sao dân Khmer rút khỏi kinh đô tráng lệ của họ. Không ai biết. Nhưng, một lịch sử phương Đông, với sự bảo đảm tuyệt đối về sự thật, nói rằng họ rời đi vì tình trạng nghẽn bùn ở các cửa sông Mekong khiến cho trong mùa lụt, các dòng nước bị đẩy ngược lại, tràn ngập kinh đô và biến các đồng lúa thành đầm lầy vô dụng. Liệu điều này có phải là nguyên do của sự biến mất của dân tộc Khmer hay không, người ta phải nhìn dòng nước của sông Mekong dâng cao hàng năm trong các tháng mưa mùa hè của vùng gió nồm tây nam.
Cách một quãng ngắn về phía tây và nối dài xuống phía nam từ Angkor là một hồ trữ nước tự nhiên rộng lớn, Tonlé Sap, hay Biển Hồ, trải trên một diện tích khoảng 800 dặm vuông và vươn tới độ sâu 40 bộ Anh (feet) khi dòng nước lũ của sông Mekong chảy ngược tới Bras du Lac (Nhánh của [Biển] Hồ), một luồng nước lớn chảy đến hồ từ Phnom Penh.
Sau đó, khi nước sông Mekong rút xuống vào cuối năm, nhánh sông Bras du Lac đổi ngược dòng chảy, và tuôn đổ một lần nữa vào con sông. Nếu không có sự điều tiết tự nhiên này của luồng nước đổ xuống con sông Mekong vĩ đại, những khu vực bao la của miền hạ Campuchia và Nam Kỳ (Cochin-China) sẽ phải gánh chịu nạn lụt giống như tình trạng ngập lụt mà sử gia đã quy kết cho các vùng đất ruộng Khmer ban sơ.
Các hậu duệ Campuchia ngày nay đặt kinh đô của họ tại Phnom Penh, nhưng không thể nào có được sự lộng lẫy đặc trưng cho thủ phủ tráng lệ của tổ tiên họ. Nơi đây có sinh hoạt triều đình, nhưng bàn tay của người Pháp đặt cạnh tay lái để hướng dẫn. Việc canh tác lúa gạo vẫn là mối quan tâm chính yếu của người dân, như nó đã từng như thế trong thời đại của người Khmer.
Có những cánh đồng lúa, rải rác xen lẫn với các mảnh rừng hoang, suốt dọc con đường từ Angkor đến Phnom Penh – đồng bằng phẳng tắp dài gần 200 dặm nằm phơi mình khô cằn dưới những đợt hơi nóng điên người và các ảo giác thoáng qua khi chúng tôi tới thăm vào tháng Tư. Và cũng có những cánh đồng lúa khác, thỉnh thoảng xen lẫn các mảnh đất trồng ngô và thuốc lá, trong suốt phần còn lại của con đường tới Sài Gòn – 150 dặm nữa của đồng bằng phù sa nóng như thiêu đốt, khi chúng tôi đi theo đường Thuộc địa số 1.
Trong những tháng theo sau sự mở màn của mùa mưa, trong tháng Năm hay tháng Sáu, dải đất dồng bằng bao la này là một câu chuyện của sự phì nhiêu được viết bằng màu xanh ngọc bích.
Trong thực tế, toàn thể chiều dài của Con Đường Cái Quan là một câu chuyện về hạt gạo, và mọi giai đoạn của sự canh tác có thể được nhìn thấy cùng một lúc.
“Trung Kỳ (An Nam) là chiếc đòn gánh nối liền hai thúng gạo, Bắc Kỳ (Tonkin) và Nam Kỳ (Cochin-China)”, người Trung Hoa nói như vậy về miền Trung Kỳ hẹp bề ngang, nhiều núi đồi, trải dài hàng dặm đường dường như bất tận giữa các đồng lúa bằng phẳng như sàn nhà của thung lũng sông Hồng ở Bắc Kỳ và những cánh đồng của vùng châu thổ sông Mekong.
Nhưng Trung Kỳ cũng có nhiều vùng trồng lúa gạo phì nhiêu trên nền thung lũng hẹp, bị kẹp giữa các ngọn núi và biển và bởi vị trí độc đáo của nó nằm trên bờ biển uốn cong, các khu vực phía bắc và trung phần có đủ nước từ cả hai mùa mưa để trồng được hai vụ mỗi năm. Dù vậy, các vụ mùa này chưa đủ để nuôi cho năm triệu miệng đói ăn của nó.
Thực dân Pháp thoải mái như ở quê nhà tại thành phố Sài Gòn hiện đại
Riêng xứ Nam Kỳ trồng được hơn 2 triệu tấn gạo mỗi năm, và Chợ Lớn, phố người Tàu ngay ngoại vi Sài Gòn, chủ yếu chuyên việc xay lúa.
Sài Gòn là một thành phố tiến bộ với nhiều cửa hàng hiện đại, đẹp đẽ và các công thự kiêu kỳ. Ban ngày, đường phố và bến tàu nhộn nhịp với hoạt động của muôn hình vạn trạng các loại phương tiện giao thông – xe có gắn động cơ, xe vận tải, xe điện, xe kéo tay, xe đạp, xe bò kêu kẽo kẹt và các phu cu-li như những con vật khuân vác. Tuy nhiên, nhiều nơi buôn bán đóng cửa trong những giờ trưa nóng bức và mở cửa lại từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối sau khi sự mệt mỏi giành được một chiến thắng nhỏ nhoi.
Buổi tối, các bàn cà phê được đẩy ra trên lối đi bộ, và từ 6 giờ chiều đến giờ ăn tối, các thực dân Pháp tụ tập để nhấm nháp những ly rượu khai vị và thoải mái trò chuyện như thể họ đang ở trên quê hương mình.
Sau bữa tối, vào mùa diễn kịch, họ có thể tham dự những buổi trình diễn tuyệt hảo tại nhà hát thành phố tráng lệ hoặc đi xem chiếu bóng.
Người Pháp ở Sài Gòn chẳng thiếu thốn thứ gì mặc dù họ đang sống ở thuộc địa.
Các văn phòng của Thống đốc Nam Kỳ tọa lạc trong thành phố, và Toàn quyền Đông Dương trú ngụ sáu tháng tại Sài Gòn và sáu tháng tại Hà Nội.
Một buổi sáng, trong khi một số người dân Sài Gòn còn đang uống những ly cà phê nhỏ giọt và nhai những ổ bánh mì Pháp cứng giòn không phết bơ, còn những người khác đang chuẩn bị cho chuyến đi của Vua và Hoàng hậu nước Xiêm La rời khỏi Sài Gòn sau cuộc viếng thăm, chúng tôi cũng rời Sài Gòn để đi Phan Thiết và trạm nghỉ mát đồi núi Đà Lạt.
Đi theo Con đường Cái Quan trải đá mịn theo hướng đông và hướng bắc từ thành phố, chúng tôi sớm băng qua các đồn điền cao su rộng lớn xen với những khóm dừa và cây bông gòn rải rác.
Nhiều đồn điền đã sản xuất nhựa mủ trong vài năm qua; các đồn điền khác sẽ sớm đạt tới giai đoạn trích mủ. Vài đồn điền mới được khai khẩn gần đây, và tại nhiều nơi khác, các vùng đất mới đang được cắt ra khỏi rừng rậm và chuẩn bị cho việc trồng trọt trong tương lai.
Cao su được chở đến Singapore và Pháp với khối lượng gần như nhau, trong khi một lượng nhỏ được chuyển tới Nhật Bản.
Sau khi men theo bìa các đồn điền, các cánh đồng lúa khô hạn, các khu vực rừng rậm và đất chưa được khai phá, chúng tôi tiến dần đến xã Phan Thiết, được xây dựng trên những đụn cát lộng gió dọc theo bờ biển.
Phan Thiết quảng cáo về ngành công nghiệp của mình và phát triển nó một cách mạnh mẽ. Ngành kinh doanh của xã là đánh cá. Xã này nổi tiếng với nghề chế biến nước mắm có mùi khắm được chuyên chở tới khắp nơi tại Đông Dương như một thứ gia vị cho thực đơn kiểu gạo-và-cà ri của người dân. Nó là một sản phẩm nặng mùi, nhưng nếu ta có thể chịu được mùi đủ lâu để thăm viếng các thuyền đánh cá dọc theo bến cảng, ta có thể nhìn thấy nó được đóng vào các hũ nhỏ và chất lên tàu chở đi. Những con thuyền cũng rất thú vị bởi trên mũi thuyền có đặt các bàn thờ thần linh được sơn màu sặc sỡ, trên đó bày các đồ cúng gồm hương, hoa và nến.
Người Thượng ở Đông Dương
Từ Phan Thiết, chúng tôi tách ra khỏi Đường Thuộc địa để tới Đà Lạt và thăm dân bộ lạc người Thượng trên cao nguyên Lang Biang.
Qua một loạt khúc cua tay áo ngoằn ngoèo, con lộ bò lên cao gần một dặm so với đồng bằng, xuyên qua hàng thông thơm ngát thẳng tắp và băng ngang những thác nước đẹp đẽ.
Dọc theo con đường, ngay khi lên tới miền cao, ta có thể nhìn thấy những người Thượng lê bước bên cạnh đường với những chiếc gùi nặng nề đeo trên vai hoặc với những bó cỏ tranh hay bó củi lớn trên lưng và đầu của họ.
Đàn ông không mặc gì từ thắt lưng trở lên, có lẽ chỉ ngoại trừ các chuỗi hạt ở cổ, còn bên dưới mang rất ít y phục. Phụ nữ chỉ mặc váy kẻ sọc ngang đầu gối, đeo nhiều chuỗi hạt quanh cổ, vòng đeo tay và các cuộn dây bằng đồng giữa mắt cá chân và đầu gối. Bởi cao độ của cao nguyên, vào những buổi sáng lạnh lẽo, đàn ông choàng các tấm chăn quanh vai và phụ nữ thường mặc áo khoác ngoài.
Để tô điểm thêm cho sắc đẹp của họ, nhiều phụ nữ dân tộc đã xỏ lỗ tai và đeo vào đó các cuộn mây hay các đĩa bằng gỗ có kích thước lớn dần, cho đến khi dái tai kéo căng tới đường kính từ ba đến năm inch (khoảng 8 – 13 cm); sau đó, khi tới tuổi trưởng thành, họ lấy các đĩa gỗ ra và treo những chiếc vòng kim loại vào các dái tai lủng lẳng, có thể dài tới 30 cm.
Khoảng 200.000 người Thượng sinh sống ở vùng rừng núi này và khoảng nửa triệu sống trên khắp Đông Dương. Những ai không thường trực di chuyển từ nơi này sang nơi khác, sinh sống giữa cây cối hay những nơi trú náu tạm thời trong rừng rậm, thì sẽ có các túp nhà tranh trên đỉnh đồi.
Từ “người Thượng” dùng để chỉ tất cả dân miền núi tại Đông Dương, bất luận họ là những người cởi trần sống quanh Đà Lạt hay các dân tộc đội mũ cao và quấn khăn của vùng thượng Lào, những người trông giống như bức phóng họa bản đồ của chúng ta.
Những người dân miền núi này được chia thành vài nhóm và phân nhánh ngữ học chính, tổng cộng vào khoảng 30 ngôn ngữ hay thổ ngữ.
Nhà ở của người Thượng quanh Đà Lạt là những ngôi nhà sàn dài bằng tre với một lỗ hở duy nhất, một cửa chính thấp nằm giữa một bên hông. Các căn buồng hẹp, đôi khi dài đến 60 mét, có ít đồ đạc nhưng lồ lộ nhiều vại rượu cần lớn kê thành hàng dọc theo các bức vách. Thức ăn được nấu trên bếp lửa trong những căn phòng phủ đầy bồ hóng xám xịt, khói bếp hoạt động như một chất diệt trừ muỗi.
Những cây nêu cao vút trang trí bằng các dải cờ bằng tre cùng với những chiếc sừng và móng trâu được dựng bên ngoài các ngôi nhà.
Những người đàn bà thống trị phả hệ gia tộc
Giống với dân tộc Menangkabau ở đảo Sumatra, chế độ mẫu hệ thịnh hành trong sắc dân Radé, Khasi và một số nhóm người Thượng khác.
Phụ nữ của các bộ tộc này là những người chủ gia đình. Tài sản thuộc quyền quyết định của họ, họ chăm lo cho gia đình, đi chợ mua đồ và giữ tiền. Đàn ông tỏ ra kính trọng họ, và nếu muốn uống rượu cần hay muốn mua sắm, thì phải xin phép vợ. Rất may là các bà vợ đều quảng đại. Nếu họ trở nên quá chuyên chế, người chồng có thể vùng lên.
Tại các buổi tiệc tế lễ, phụ nữ uống rượu trước tiên, tiếp đó lần lượt là các con gái và cháu gái, và sau cùng, đàn ông và con cháu trai mới được phép uống.
Đối với các dân tộc Thượng theo mẫu hệ, mọi năm đều là năm nhuận[1], bởi phụ nữ luôn là người cầu hôn. Nếu một người con gái 17 hay 18 tuổi gặp được một người đàn ông mà cô ưng ý, cô sẽ xin phép gia đình đi hỏi cưới anh ta. Nếu được gia đình đồng ý, cô sẽ trao cho anh ta quà tặng gồm một miếng trầu và hai chiếc bánh, với sự tháp tùng của một chứng nhân. Nếu anh ta chấp nhận lời cầu hôn của cô gái, anh ta sẽ nếm thử món quà và cuộc hứa hôn khi đó được hoàn thành.
Khi một cuộc hôn nhân diễn ra tại bộ lạc Radé, chàng trai đến sống với gia đình vợ và cha mẹ anh ta sẽ nhận được một số tiền để bù đắp cho việc mất đi một thành viên quan trọng trong gia đình họ. Với bộ lạc Khasi, chàng trai sống tại nhà của mẹ mình và hàng ngày tới thăm gia đình vợ sau khi công việc đồng áng trong ngày xong xuôi.
Trong các bộ lạc duy trì chế độ phụ hệ, người đàn ông có nhiệm vụ “tán tỉnh”, cung cấp đồ sính lễ và nộp một số tiền cưới cho cha mẹ vợ.
Người Thượng nói chung theo tục đơn hôn, nhưng trường hợp nhiều vợ và nhiều chồng không phải là không được biết tới.
Một số người Thượng tránh hôn nhân họ gần, bởi họ quan niệm việc đó sẽ khiến thần linh giận dữ, mà hậu quả là dịch bệnh, hạn hán, mất mùa và nhiều điều bất lợi khác.
Các nữ giáo sĩ bộ lạc cử hành các buỗi lễ tế thổ thần cứ bảy năm một lần, tiếp nhận đồ cúng, cầu khấn và dâng lễ vật để chuộc tội cho các lỗi lầm của làng.
Các buổi lễ được cử hành để cúng nhiều thần thánh khác nhau. Những bàn thờ tí hon được đặt bên cạnh các lối đi dẫn về làng của họ. Chúng ta có thể thấy các vị thần thống trị đời sống của người Thượng.
[1] Tác giả ngầm so sánh với truyền thống Ireland, theo đó, một người đàn ông nhận được lời cầu hôn vào năm nhuận sẽ phải chấp nhận lời yêu cầu này [ND].
Trên khắp cao nguyên Lang Biang lang thang vô số những hổ, báo, nai, trâu rừng và các loại thú hoang khác. Nhiều nhà săn bắn đã tận dụng khu vực trù phú này. Thực vậy, trên khắp Đông Dương, đời sống hoang dã thật dồi dào.
Dân bản xứ, qua trải nghiệm buồn thảm, hiểu được mối đe dọa của hổ. Họ thì thầm về nó với các tước hiệu tôn kính, và ở không ít nơi, các ngôi miếu đã được dựng lên để thờ Thần Hổ.
Nhờ khí hậu ôn hòa ở cao độ cả dặm Anh, Đà Lạt thu hút được nhiều người đi chạy trốn cái nóng của đồng bằng. Người Pháp đã biến cải nó thành một khu nghỉ dưỡng lành mạnh thú vị với những ngôi nhà quyến rũ, các khách sạn tốt và các khu vườn đầy hoa. Nơi đây khác hẳn với các ngôi làng kề cận của người Thượng.
Nhiều sườn đồi quanh Đà Lạt đã được khai quang và làm thành bậc thang cho các vườn trồng rau và các đồn điền cà phê. Gần như tất cả cà phê phục vụ trong bữa ăn của người Đông Dương đều được trồng tại địa phương, ở các vùng đồi núi.
Di tích nền văn minh Chàm chỉ còn lại những ngọn tháp đổ nát
Từ cao nguyên mát lạnh, chúng tôi lượn đường trôn ốc đổ xuống con đường dốc ngoằn ngoèo đến Tháp Chàm (Tourcham), trên các đồng bằng phồng cháy dưới ánh nắng mặt trời, để tiếp tục hành trình đến Đà Nẵng (Tourane), Huế và xa hơn nữa.
Trên một ngọn đồi khô cằn, nứt nẻ phủ đầy cây mâm xôi, không xa Tháp Chàm, có một ngọn tháp được bảo tồn rất tốt của người Chàm in hình dáng màu đỏ gạch của nó lên nền trời và tên của nó được đặt tên cho ngôi làng.
Dọc theo bờ biển tới Đà Nẵng có nhiều tháp bằng gạch, giờ đây ở trong tình trạng hoang phế đổ nát, là những ngọn tháp đã được dựng lên khi nền văn minh Chàm ở trên đỉnh cao quyền lực của nó.
Người Chàm, với dòng máu Mã Lai chảy trong huyết quản hòa quyện với nền văn hóa Hindu, đã phát triển từ các thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên cho đến khi bị chinh phục hoàn toàn vào khoảng thế kỷ thứ 17 bởi áp lực nam tiến ngày càng gia tăng của người An Nam. Cũng có thời người Chàm là đối thủ đáng sợ của người Khmer.
Ngày nay chỉ còn ít nhóm người Chàm biệt lập sinh sống tại miền nam Trung Kỳ và miền hạ Campuchia, và khó có thể phân biệt được họ với các cư dân khác.
Tháp Chàm là nhà ga đầu mối nơi đường sắt từ Đà Lạt nối với đường ray chính của miền nam Đông Dương, chạy từ Nha Trang đến Sài Gòn và Mỹ Tho. Một phần đáng kể của chặng đường leo dốc tới Đà Lạt là đường ray răng cưa, các dặm cuối cùng của nó hiện đang được xây dựng.
Người Pháp dự định hoàn thành tuyến đường ray dài 330 dặm nối Nha Trang và Đà Nẵng trong một khoảng thời gian ngắn. Khi đó các hệ thống bắc và nam sẽ được nối liền, sao cho sẽ có một dịch vụ thống nhất từ Mỹ Tho và Sài Gòn chạy dọc bờ biển, qua Hà Nội, đến Na Cham (Na Sầm, Lạng Sơn) tại biên giới Trung Hoa và đến Vân Nam, thuộc Trung Hoa. Hiện tại, một chiếc xe buýt bưu điện của chính phủ hoạt động trên khoảng trống này của đường ray xe lửa.
Chúng tôi tăng tốc độ trên con đường ven biển, đi qua những đồng lúa, những khóm dừa và các tháp Chàm.
Ngay bên ngoài Nha Trang, một chiếc cầu dài vắt ngang qua cửa vịnh dưới chân một ngọn đồi mà trên đỉnh có một tháp Chàm khác. Từ cao điểm này, người ta có được một cái nhìn toàn cảnh Vịnh Nha Trang với rất nhiều thuyền đánh cá bập bềnh trên mặt nước xao động. Xa hơn đó một chút, các ngọn núi của rặng An Nam (Trường Sơn) nối dài ra biển và tạo thành Mũi Varella (Mũi Diều) xinh đẹp.
Khi chiếc xe leo lên đoạn đường ngoằn ngoèo cao hơn bờ biển, chúng tôi đã được ngắm nhìn quang cảnh hùng vĩ với các khúc lõm vĩ đại của biển, nơi những ngọn đồi mặc áo xanh đột nhiên mọc lên từ mặt nước xanh thẫm.
Trên một trong các đỉnh cao nhất của mũi đất hiện ra một tảng đá khổng lồ, trông giống như một tháp Chàm vĩ đại, có thể được nhìn thấy cách xa hàng dặm từ mọi hướng. Bởi vị trí độc đáo này, đã có nhiều truyền thuyết về nó. Nhìn từ một góc cạnh nào đó, nó có hình dáng như một người mẹ đang bồng con trong vòng tay. Người Thượng sẽ nói cho bạn hay rằng đây là vợ của một vị thần vĩ đại, người đã biến bạn đời của mình thành hòn đá bởi bà ta đã lừa dối ông. Do đó, bà đã vĩnh viễn đứng trên núi cao như một lời cảnh tỉnh cho các phụ nữ khác. Huyền thoại này đã được các nhà vẽ bản đồ người Pháp lưu giữ, họ đặt tên cho phần này của rặng núi là “Núi Mẹ và Con”.
Trên đường tới Đà Nẵng, chúng tôi đã dừng chân nghỉ đêm tại Tuy Hòa và một lần nữa tại Quảng Ngãi, trong những căn nhà thấp (bungalow) đẹp đẽ mà chính phủ Pháp đã gìn giữ thật hoàn hảo ở đây và tại nhiều thị trấn nhỏ khác ở Đông Dương.
Vừa vượt quá làng chài Sông Cầu với những khóm dừa nằm rải rác, bờ biển bằng phẳng được đắp đê thành các ruộng muối rộng lớn để nước biển bốc hơi. Gần Qui Nhơn, nhiều tượng đài Chàm trên các ngọn đồi bao quanh mọc lên như những vọng gác trên các đồng bằng được canh tác tốt, được điểm xuyết bằng những ngôi làng An Nam đông đúc xây bằng các khung tre, tường trát bùn và mái cỏ tranh.
Những chiếc xe hơi cắt đuôi ma quỷ đeo bám khách bộ hành
“Đường lộ thì tuyệt hảo, nhưng ngổn ngang động vật và con người”, một cuốn sách mỏng của Pháp nhận xét chính xác về vùng này của An Nam, bởi tất cả những người An Nam, rồi chó và trâu, luôn luôn di chuyển. Mọi người với đòn gánh vắt ngang vai đang đi ra chợ hoặc ra đồng.
Không có cảnh xin đi nhờ xe tại An Nam, bởi vì mọi người đều dạt về phía lề đường khi có một chiếc xe đang tiến tới — đúng thế, tất cả mọi người. Đôi khi một người già An Nam mê tín tin rằng một hồn ma ác độc đang đeo bám mình và nếu ông ta chạy ngang qua lối đi của chiếc xe hơi vào phút chót, con ma sẽ bị xe đâm và khi đó, ông ta sẽ được giải thoát khỏi kẻ ám hại. Người ta dễ bị đoán sai tốc độ của một cỗ máy đang phóng tới; do đó có nguy cơ chiếc xe không chỉ đâm vào con ma, mà còn đâm cả vào đuôi áo đang tung bay.
Trong nhóm người An Nam đi chợ, không có màu sắc như người ta nhìn thấy tại Campuchia. Gần như tất cả mọi người đều mặc áo dài đen, quần trắng hoặc đen, đội trên đầu những chiếc nón rộng vành hình nấm làm bằng lá cọ, che mưa nắng đều tốt. Tại các ngôi chợ, chúng khiến ta liên tưởng đến một mái che bằng tranh chắc chắn cho những người đang tụ họp để mua bán, trao đổi.
Đà Nẵng là hải cảng chính yếu của trung phần Trung Kỳ. Năm 1858, chính tại địa điểm trọng yếu này, người Pháp đã nổ súng khi nạn đàn áp các tín đồ Thiên Chúa Giáo xảy ra ở An Nam. Đà Nẵng là một thành phố tự quản, bởi nó là một trong các khu nhượng địa mà Vua Gia Long [sic] giao cho Pháp.
Cách phía nam vài dặm là thành phố Faifoo (Hội An) của người Hoa, nơi hoạt động chuyên chở bằng tàu khá nhộn nhịp. Đã có thời một khu định cư Nhật Bản hiện hữu nơi đây.
Các du khách cũng chú ý đến Ngũ Hành Sơn (Marble Mountains) cách Đà Nẵng ít dặm, nơi các nhà sư An Nam đã biến cải một số hang động thành tu viện.
Từ Đà Nẵng, trạm dừng chân kế tiếp của chúng tôi là Huế, trung tâm sinh hoạt của An Nam. Giữa hai thành phố này, các ngọn núi đâm ra biển tạo thành Đèo Hải Vân (Col des Nuages, Pass of the Clouds), thành quả tuyệt đỉnh của thiên nhiên bên bờ biển Trung Kỳ. Tại đỉnh đèo có một đồn An Nam cũ, từ đó người ta có thể nhìn lại đường cong vĩ đại của Vịnh Đà Nẵng, trong khi nhìn về hướng kia là bờ biển dài và núi đồi dốc đứng. Ở một cao độ thấp hơn nhiều so với con đường màu vàng bao quanh các ngọn đồi phủ lá xanh, người ta có thể nhìn thấy đường ray xuyên vào đỉnh đèo qua một vài đường hầm.
Khi chúng tôi đi xuống từ ngọn đèo, mặt trời trượt dưới các đỉnh núi và biến biển và mây thành một bài thơ màu sắc. Thiên nhiên thật trác tuyệt trong việc vẽ lại một bức tranh vốn đã đẹp sẵn.
Hai vương quốc thống nhất dưới ngọc trượng của vua Gia Long
Huế là kinh đô của An Nam xưa. Thời hiện đại của nó bắt đầu từ năm 1803 khi Nguyễn Ánh, một hoàng tử An Nam trẻ tuổi, sau này trở thành Hoàng Đế Gia Long, đã chiến thắng trên con đường tới ngai vàng An Nam với sự giúp đỡ của Giám mục địa phận Adran và một nhóm nhỏ các tay phiêu lưu người Pháp mà ông đã gặp tại Bangkok.
Cũng nhờ nỗ lực của Gia Long, các vương quốc Tonkin (Đàng Ngoài) và An Nam (Đàng Trong), trước đây bị phân chia do sự tranh giành trong gia tộc cầm quyền, một lần nữa được thống nhất dưới ngọc trượng của ông; nhưng lịch sử kế tiếp bị nhuộm đỏ bằng máu của sự đàn áp và chiến tranh.
Kể từ năm 1885, nước Pháp đã nắm giữ chế độ bảo hộ trên Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Thành phố Huế tọa lạc cách biển một vài dặm, nằm bên bờ của dòng sông Hương uốn khúc – tên gọi này xuất phát từ những cây nở hoa có mùi thơm dịu ngọt dọc bờ sông.
Khu người An Nam của thành phố, với tòa thành có tường bao quanh, nằm một bên của con sông, còn dinh Trú Sứ (Residency) và khu người Pháp nằm ở bên đối diện.
Bên trong những bức tường thành trổ lỗ châu mai cổ xưa là các cung điện, các phòng của nhà vua và các miếu thờ tổ tiên nơi đặt bàn thờ những vị vua đã mất. Tại một khu vườn có những chiếc đỉnh đồng khổng lồ được đúc một cách khéo léo. Những cây hoa đại và cây muồng hoa đào hồng thắm ngổn ngang nở rộ dọc theo các lối đi và tại các khu vườn rộng mở. Các cung điện có thiết kế kiến trúc kiểu Trung Hoa, được trang trí bằng sơn mài màu đỏ và vàng. Bên trong cung điện cũng chứa nhiều các sản phẩm khảm trai.
Lăng Khải Định ở Huế đem lại cho du khách một điểm giao hòa đẹp đẽ của những gì có tính chất An Nam.
Cách thị trấn không xa, trên các đồi nhỏ trồng cây, là các ngôi mộ tráng lệ của những vị vua băng hà, một số lăng rộng đến vài mẫu. Lăng của Khải Định, được xây dựng bằng xi măng và cẩm thạch, là lăng kiêu kỳ nhất cho đến nay. Một số nhà vua dành phần lớn đời mình để giám thị việc xây cất những nơi an nghỉ cầu kỳ của họ, vốn được thiết kế phù hợp với các tập quán và nghi lễ cổ xưa.
Một buổi chiều, trên đường quay trở về từ các lăng mộ, chúng tôi gặp một nhóm nữ sinh mặc áo dài tím đang đi picnic. Sau khi chúng tôi thuyết phục mãi, họ đồng ý cho chụp ảnh, như một lời chào thân thiện tới các nữ sinh Mỹ và các nước khác, những người có thể nhìn thấy ảnh chụp màu của họ trên tạp chí National Geographic.
An Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa ngay từ thế kỷ thứ nhì trước Công nguyên và còn nằm dưới bóng Trung Hoa gần như liên tục cho đến năm 1428 [sic], khi nó thoát ra khỏi sự cai trị của nhà Minh, nhưng sau đó vẫn gửi lễ vật triều cống cho đến tận thời vua Mãn Thanh. Bởi nằm dưới quyền chủ tể lâu dài của Trung Hoa, các nhà lãnh đạo của An Nam bị Kinh Lễ (Book of Rites) [sic] chi phối mọi hoạt động, và bao quanh họ là hệ thống bá quan văn võ mô phỏng theo triều đình Trung Hoa.
Trên một khoảng đất trống bên ngoài Huế, như từng được thực hiện tại Bắc Kinh, Hoàng đế cứ ba năm một lần lại cử hành các buổi lễ tế Trời và Đất với sự trợ giúp của quan lại.
Chuyến đi của chúng tôi tới Huế trùng hợp với cuộc thăm viếng của Quốc Vương và Hoàng Hậu nước Xiêm La. Trong suốt cuộc thăm viếng, họ đã được tiếp đón tại hoàng cung. Do vị Hoàng Đế trẻ tuổi Bảo Đại vắng mặt vì đang du học tại Pháp, Hoàng Thái Hậu đã đón tiếp họ. Đó là một cuộc đón tiếp với phép xã giao và nghi lễ giống như tại hoàng triều Bắc Kinh trước khi nó sụp đổ vào năm 1911.
Nhờ sự tử tế của Thượng Thư Bộ Lễ, tôi đã chụp được ảnh màu một số võ quan và văn quan mặc y phục thêu lộng lẫy và các đôi hia cao cổ có đầu mũi uốn cong, gợi nhớ đến trang phục của giới quan chức nhà Minh.
Một vị công chúa đãi trà
Kỷ niệm thích thú nhất trong chuyến thăm Huế của tôi là sự đón tiếp chúng tôi tại cung điện của một vị công chúa có người cha và người anh đều từng ngự trên ngôi vua.
Một hôm, tôi đã chụp ảnh màu của bà trong trang phục chính thức, và ngày hôm sau, đã trở lại để trình cho bà kết quả. Khi việc chụp ảnh đã xong xuôi tại sân trong, chúng tôi được mời uống trà An Nam, cùng với những món đồ ngọt và bánh ngọt rất lạ miệng.
Theo đề nghị của chúng tôi, cô con gái của công chúa, một thiếu nữ xinh đẹp ở tuổi mười lăm, đã bằng lòng trình diễn cho chúng tôi một tiết mục đàn dây An Nam. Cô bé sau đó được phụ họa bởi người thày dạy nhạc lớn tuổi bị mù và một vài người khác với nhiều loại đàn dây khác nhau, trong khi những người đồng diễn trẻ tuổi hát các bài hát An Nam.
Trong suốt buổi trình diễn ca nhạc không chính thức, công chúa quan sát sự chú ý của chúng tôi từ chỗ ngồi được kê nệm trên một chiếc ghế lớn khảm xà cừ. Đằng sau bà, các thiếu nữ liên tục phe phẩy chầm chậm những chiếc quạt lông lớn.
Tôi cần phải kể đến một hoàng tử trẻ tuổi và vợ của ông ta, nhờ họ mà tôi đã có thể ngắm nhìn sự quyến rũ và màu sắc của Huế xưa. Hoàng gia vẫn sống tại Huế, mặc dù giới thẩm quyền Pháp có thể đứng một cách không mấy che đậy ở hậu trường.
Một buổi sớm mai, chúng tôi rời Huế đi Hà Nội, thủ đô của xứ Bắc Kỳ và trung tâm hành chính của toàn thể Đông Dương.
Một buổi sớm mai, chúng tôi rời Huế đi Hà Nội, thủ đô xứ Bắc Kỳ và trung tâm hành chính của toàn thể Đông Dương.
Chúng tôi đi dọc những cánh đồng lúa chín đang chờ người gặt hái, các ngọn đồi không canh tác, các đụn cát dài đôi khi nhìn ra biển, và những khối đá kỳ lạ. Chúng tôi đi phà qua nhiều con sông rồi đến với những cánh đồng mênh mông ở đồng bằng sông Hồng.
Dọc đường, một luồng hơi nóng thiêu đốt từ xứ Lào quét ngang qua. Người dân bản xứ khoác áo tơi bằng rạ (tranh) để chống lại cái nóng cháy da ấy. Đôi khi, vào tháng Tư, gió Lào thổi liên tục suốt cả tuần, nhưng những cơn mưa bất chợt cũng làm không khí dịu đi đôi chút.
Tại Quảng Trị có một con đường xuyên sang Lào đến Savannakhet và Thakhek bên sông Mekong rồi vòng về Vinh. Từ Vinh, một con đường khác xuyên qua cao nguyên người Mèo đến Luang Prabang, thủ phủ của miền bắc Lào.
Tại xã Đồng Hới, chúng tôi thăm một xưởng chạm gỗ bản xứ, nơi các sản phẩm gỗ chạm khắc tỉ mỉ, đẹp đẽ được làm ra.
Quá Đồng Hới khoảng 45 dặm Anh, con đường leo lên đến một cao điểm nhìn ra biển, trên đó là Ải An Nam (Port d’Annam) cũ. Biên cương An Nam không còn ở cửa ải này nữa, nhưng đi quá nơi này, có một sự thay đổi về y phục từ quần đen của phụ nữ Trung Kỳ thành chiếc váy nâu không gọn ghẽ của dân Bắc Kỳ. Khuôn mặt quyến rũ và vóc dáng mảnh mai của dân Trung Kỳ nhường chỗ cho những đường nét nặng nề, cục mịch và đen đúa hơn. Những chiếc nón hình nấm rộng của Trung Kỳ cũng biến thể trở thành những chiếc nón lá dừa phẳng rộng hơn nữa, trông giống như khay uống trà hình tròn úp ngược với vành nón rộng ba phân Anh (inch).
Người Bắc Kỳ siêng năng hơn người Trung Kỳ. Hàng trăm người với quang gánh trĩu nặng rung rinh trên vai luôn luôn rảo bước trên đường và khắp các cánh đồng.
Trên đường đi nơi đồng hồ chỉ tốc độ của chúng tôi đôi khi lên tới 60 dặm Anh một giờ, người ta vẫn còn đẩy những chiếc xe cút kít kêu ầm ĩ như tổ tiên của họ đã làm trên lối đi bộ của Con đường Cái Quan. Giờ đây không còn võng hay kiệu, mà thay vào đó, xe kéo tay được dùng cho các chuyến đi dài xuyên suốt xứ sở.
Vinh và hải cảng gần kề, Bến Thủy, là nơi tiến hành một khối lượng mậu dịch lớn. Lùi về phía núi là các đồn điền trà và cà phê rộng lớn. Các ruộng dâu cũng nằm rải rác khắp Bắc Kỳ để nuôi tằm cho ngành dệt lụa bản xứ khá quy mô.
Phía bắc của Vinh là một vùng đất rộng với các khối đá lớn hình thù kỳ dị gần như đâm thẳng lên từ biển lúa xanh tươi. Những khối núi đá này trải dài khắp miền bắc Bắc Kỳ tới tận Trung Hoa, nhưng đẹp nhất là phía bắc Hải Phòng, nơi chúng tạo thành Vịnh Hạ Long tuyệt mĩ.
Sau cùng, chúng tôi đến Hà Nội nằm bên bờ sông Cái (nguyên văn: Song Koi), hay sông Hồng, trung tâm của một đồng bằng lúa gạo bao la màu mỡ.
Năm 1872, Dupuis, trương một lá cờ Trung Hoa, cho các thuyền của ông ta xuôi ngược dòng sông này, trong khi người dân An Nam ném pháo lên các sàn tàu để đốt cháy chúng, nhờ đó đã ngăn được ông ta mở đường buôn bán với Vân Nam. Trước đó, cũng ở nơi này, Đại Úy Senez đã thất bại. Tương tự, Garnier cũng đã đến đây để tận hưởng chiến thắng tạm thời trước khi bị hạ sát. Cùng nơi đây, Rivière và binh sĩ đã bị người An Nam và quân Cờ Đen của Trung Hoa đánh bại, trước khi Bắc Kỳ rơi vào tay Pháp.
KHI TRỜI ĐỔ MƯA TẠI ĐÔNG DƯƠNG
Một khi trời mưa ở Đông Dương, thì nó mưa như trút. Nước sông dâng cao hết mức và toàn thể đất đai bị ngập lụt. Các trận bão từ Biển Đông ập đến xé nát bờ biển. Nhiều ngôi làng dọc Con đường Cái Quan bị thổi bay hay cuốn trôi đi mất, bản thân con đường thường xuyên bị hư hỏng.
Lụt lội là mối kinh hãi chính yếu của Hà Nội. Sông Hồng luôn luôn là một mối đe dọa bởi khối nước vĩ đại đổ xuống nó trong suốt mùa mưa. Bờ sông được đắp đê cao ngang tầng thứ nhất của các cửa hiệu, và trong suốt các trận lụt, lính tuần cảnh canh chừng nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra.
Một cây cầu dành cho đường xe hỏa và xe hơi dài nửa dặm Anh bắc ngang con sông phục vụ giao thông phía bắc thành phố.
Với dân số hơn 140.000 người, Hà Nội có nhiều tòa nhà đẹp đẽ và quyến rũ hơn Sài Gòn. Ở trung tâm thành phố có một hồ nhỏ với một ngôi đền nhỏ mọc lên giữa hồ. Các cô gái bán hoa xếp hàng dọc theo lối đi bộ gần cuối hồ, bán hoa cẩm chướng, hoa hồng, hoa huệ cùng nhiều loại hoa nhiệt đới khác nữa. Tại khu dân bản xứ của thành phố có những con đường hấp dẫn dành cho các nhà buôn lụa, đồ đồng, đồ gỗ chạm khắc và các món đồ khảm xà cừ.
Cách Hà Nội sáu mươi dặm bằng đường xe hỏa hay xe hơi chạy ngang đồng bằng là Hải Phòng, cửa ngõ xuất cảng cho xứ Bắc Kỳ và cho Vân Nam Phủ, Trung Hoa. Với 76.000 cư dân, thị trấn hải cảng phồn thịnh này tọa lạc trên con sông cách biển 13 dặm và được xây dựng trên các đầm lầy trồng lúa trước đây.
Từ Hải Phòng, chúng tôi đi xe hơi dọc bờ biển đến Hòn Gay, điểm vận tải cho các khu mỏ than rộng lớn. Một số mỏ có các vảy than dày lộ thiên, và hàng trăm phu thợ được tuyển dụng cho hoạt động khai khoáng tại các quảng trường lộ thiên bao la đầy than đen.
MỘT CUỘC DU NGOẠN TUYỆT DIỆU TRÊN BIỂN
Tại Hòn Gay, chúng tôi đã thuê khoán một chiếc thuyền buồm nhỏ tên là Paulette, được trang bị một động cơ phụ lực, để thăm Vịnh Hạ Long với các động đá rải rác khắp nơi. Chúng tôi bỏ lại sau lưng những lo toan và du ngoạn vào một thế giới tuyệt diệu. Phóng nhanh trong làn gió mùa thật mát mẻ, chúng tôi luồn lách ra vào giữa hàng trăm chiếc thuyền buồm đánh cá đang kéo lưới trên vịnh.
Sau đó chúng tôi đi qua khối núi đá vĩ đại lởm chởm như ngón tay chỉ lên trời. Hàng nghìn đảo đá vôi nhỏ mọc thẳng lên từ làn nước xanh trên khắp Vịnh Hạ Long và Vịnh Fai Tsi Long (Bái Tử Long?) ở phía bắc. Chúng tạo thành chuỗi hạt trang sức treo lủng lẳng sau cái mũ chóp nhọn của người đàn bà trong tấm bản đồ của chúng ta.
Thiên nhiên đã đùa giỡn nơi đây. Có những chiếc cầu với vòm mái ngay trên mặt nước, vô số lạch nước hẹp ẩn giấu và nhiều hang động giữa các núi đá. Chẳng phải đây là một nơi trú náu thật thuận lợi cho hải tặc Trung Hoa ngày xưa hay sao!
Suốt nhiều giờ đồng hồ, chúng tôi du ngoạn bằng thuyền vào vùng đất thần tiên huyền diệu, chơi trò trốn tìm giữa vô số các tháp đá màu xám với hàng nghìn hình thù kỳ lạ cho đến khi bóng đêm phủ trùm lên chúng tôi. Không nơi nào trên thế giới mà tôi lại trải qua một cuộc du ngoạn bằng thuyền huyền ảo say mê đến thế.
Chúng tôi nghỉ qua đêm trên chiếc tàu Princess Turandot, một thuyền buồm Trung Hoa được tân trang thả neo gần Đảo Sửng Sốt (Isle of Surprise), nơi chúng tôi được phục vụ cá tươi từ biển và tận hưởng những cú lao mình xuống làn nước mát lạnh sảng khoái.
Đã đến lúc chúng tôi quay về, nhưng gió chẳng thổi căng buồm. Động cơ thuyền không khởi động được. Do đó, trong khi thợ máy sửa chữa, tôi nằm trên boong gối đầu trên một cuộn dây thừng, và giống như một cậu bé học trò, tôi vắt chân lên trên thành tàu và để bàn chân trần đong đưa trong làn nước. Trong những giây phút mơ màng, tôi tưởng mình đang cư ngụ giữa các tòa lâu đài bằng đá. Các bạn đồng hành của tôi câu cá hay đọc sách.
Từ lối đi trên biển này, nơi các dương thuyền Trung Hoa từ lâu đã qua lại mua bán, nơi hải tặc Trung Hoa từng ẩn náu và ngay thời điểm này vẫn còn làm một ít chuyện buôn lậu bất chính, chúng tôi rời đi trong chặng cuối cùng đến Cửa ải Trung Hoa (Ải Nam Quan – BBT) trên con đường bộ xưa cũ.
Tại Bắc Ninh, chúng tôi trở lại Đường Thuộc Địa Số 1, sau lối rẽ vào Hải Phòng và Vịnh Hạ Long, rồi đi xe hơi về hướng bắc, xuyên qua các khu vườn và các quãng rừng, vào vùng đồi núi đất sét đỏ, ngang qua đồn quân sự ở Lạng Sơn và tiếp tục tiến đến biên giới Đông Dương.
Người dân Bắc Kỳ bám lấy các vùng châu thổ bằng phẳng, rộng lớn, để lại vùng đồi núi được canh tác bởi bộ lạc người Thổ mặc quần áo màu xanh. Người Thổ là một nhánh của đại chủng tộc Thái, trong đó có các sắc dân Shans, Lào, Xiêm, và nhiều nhóm tại miền nam Vân Nam.
Trên con đường dài uốn khúc, cách Lạng Sơn khoảng 13 dặm Anh, chúng tôi đánh xe quay tròn một đường vòng và Cửa ải Trung Hoa (Porter de Chine) hiện ra với những bức tường bằng đá giống như những con rồng Trung Hoa uốn lượn, bò lên sườn đồi.
Chưa đầy nửa thế kỷ trôi qua kể từ lần cuối cùng vị chúa tể An Nam phái quan lại mang tặng phẩm triều cống đến triều đình Mãn Châu và yêu cầu sự trợ giúp quân sự mà “Quân Cờ Đen”, qua cửa ngõ này, về sau đã cố gắng đem đến. Nhưng, với sự thay đổi toàn diện, nhanh chóng của các chính phủ, ánh hào quang hoàng triều ở Bắc Kinh còn lụi tàn hơn cả Huế.
Các binh sĩ phe dân tộc chủ nghĩa hiện đứng gác tại tiền đồn biên cương này. Trong khi các bạn đồng hành của tôi, với tài năng ngôn ngữ, chuyện trò với nhóm lính canh trẻ tuổi đang làm nhiệm vụ, tôi đã chụp ảnh các bức tường và cổng ải cho đến khi bầu trời trĩu nặng tuôn xuống một trận mưa thật to.
Chúng tôi đã tới Cửa Ngõ của Trung Hoa trên Con đường Cái Quan dài, con đường đất cổ xưa nối kết giữa An Nam, Vùng Đất Phương Nam Siêu Việt, và Trung Hoa Đế Quốc.