Phạm Trung Việt
Đất nước Việt Nam ta nổi tiếng đa dạng về bản sắc và văn hóa vùng miền. Mỗi vùng đất, mỗi địa phương, dân tộc lại có những đặc điểm riêng biệt, những thói quen, phong tục và lối sống đặc trưng. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc một số nội dung về địa lý nhân văn của Quảng Ngãi xưa, như dân số, phong tục tập quán, di tích lịch sử… trích trong cuốn “Non nước xứ Quảng” của nhà biên khảo Phạm Trung Việt (bản in năm 1965).
1. Dân số, nòi giống, ngoại kiều
Bằng vào những bản thống kê từ năm 1921 đến năm 1962, ta thấy dân số Quảng Ngãi tăng theo nhịp đều đặn, tuy từ 1958 đến 1962 đã có hơn 20.000 đồng bào địa phương di dân lập nghiệp tại các địa điểm dinh điền[1] Cao nguyên và Nam phần.
Năm 1921: 423.000 người
Năm 1933: 438.000 người
Năm 1938: 447.994 người
Năm 1955: 645.559 người
Năm 1958: 676.203 người
Năm 1962: 721.487 người
Đàn ông: 374.674 người
Đàn bà: 346.813 người
Dân số tỉnh lỵ Quảng Ngãi (xã Cẩm Thành 7.800 người)
2. Sinh hoạt
– Người Hoa Kiều (đa số đã nhập Việt tịch) chuyên nghề buôn bán thổ hóa, tạp hóa, thuốc bắc, trồng răng và mở tiệm ăn. Họ ở tỉnh lỵ và rải rác ở các tiểu thị trấn trong tỉnh, đặc biệt ở Thu Xà (cách tỉnh lỵ 10 cây số về phía đông, một thị trấn nhỏ, đa số đồng bào là người Tàu Minh Hương. Thời Pháp thuộc tại Thu Xà buôn bán rất phát đạt nhờ nghề buôn đường, nay không còn vẻ phồn thịnh thời xưa, nhiều nhà cửa bị phá hoại thời chiến tranh Việt – Pháp).
– Ấn kiều rất ít, chỉ ở tại thị xã, chuyên nghề buôn vải.
– Mỹ kiều hầu hết là quân nhân thuộc các phái đoàn viện trợ quân sự, một số Giáo sĩ Tin Lành, vài bác sĩ thuộc Phái đoàn Y tế.
– Đồng bào Việt đa số làm nông, một số ít làm tiểu công nghệ, làm công lúc rảnh việc. Tại thị xã: Đa số là tiểu thương. Đồng bào miền biển chuyên đánh cá hay làm muối. Đồng bào miền núi làm thêm nghề than củi.
3. Thổ âm, phong tục, tính tình
Người Việt (năm 1962: 651.061 người)
Đất xấu, dân nghèo, phong tục ưa kiệm ước. Dũng cảm nhưng cũng đa cảm, nhẹ dạ, tò mò, ưa tìm sự thật, có tinh thần cầu tiến, tranh đấu, thấm nhuần tinh thần cách mạng.
Câu “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co” phản ánh đúng tính tình đồng bào xứ Quảng. Địa thế tuy hẹp mà khí mạch rất hậu nên đời nào cũng sản xuất hạng danh thần, nhiều người trường thọ, nhiều sĩ phu dĩnh ngộ[2], tuấn tú, nhiều chí sĩ cách mạng.
Tuy chi tiêu tiết kiệm nhưng cũng có ý thức chuộng bề ngoài mà gọi là thể diện cho nên nhà cửa thường cao ráo, vườn ngõ sạch sẽ.
Nhà nông thì chăm lo trồng tỉa, nhưng đất xấu nên hàng năm thu hoạch không đủ nhu cầu (vùng lúa gieo, gò…) ở thôn quê thường dùng khoai, đậu trộn vào cơm gạo. Miền đông xe lúa dư ăn. Noi theo nếp sống Đông phương, thờ cúng Tổ tiên, nhà nào cũng có bàn thờ ông bà ở gian giữa. Tháng chạp, lễ tảo mộ đều sắm đủ lễ phẩm cúng tổ tiên. Việc đồng bóng tuy giảm nhiều nhưng vẫn còn, cầu Tiên[3] còn là thú riêng của một ít tao nhân mặc khách.
Việc hôn giá, sau khi mai mối giao thiệp yên rồi, phải có 3 thứ lễ: Vấn lễ, vấn tấn, sinh thú. Những nhà có tang suốt trong 3 năm, cứ đến thu tiết thì mời thầy chùa làm lễ tiếu bạt gọi là “tuần tháng 7” (các hôn lễ, tang lễ, cúng giỗ ngày nay đã giản dị nhiều).
Người Thượng: (Năm 1962: 70.763 người)
Đa số đồng bào Thượng sinh sống tại vùng núi Quảng Ngãi thuộc giống người Chàm, chia nhiều chi phái:
– Bộ lạc Cà Dong hay (Cua) ở quận Trà Bồng (bắc Quảng Ngãi) liên giáp vùng Hậu Đức (Quảng Tín). Dáng người to lớn, chậm chạp, mắt đỏ hoe trông có vẻ hung tợn.
– Bộ lạc Đá Vách ở các quận Ba Tơ, Minh Long và nam Sơn Hà. Thân hình nhỏ, lanh lẹ, mắt đen và tinh không hơn Cà Dong. Người Thượng Đá Vách còn gọi là người Hré vì đa số ở dọc nguồn sông Hré thuộc quận Ba Tơ là thượng lưu sông Trà Khúc.
– Xen vào giữa là người Chàm ở các vùng thấp tiếp giáp trung châu, không khác người Đá Vách mấy, gần giống người Kinh. Người Chàm ở quận Minh Long vì có điều kiện tiếp xúc với người Kinh nhiều nên có phần văn minh hơn. Khi sống lẻ tẻ, người Chàm có vẻ nhút nhát nhưng nếu được tổ chức thành đoàn thể, họ lại là những người bạo dạn. Người Chàm ở vùng sơn cước Quảng Ngãi ở nhà sàn, làm cao cách mặt đất 1 thước 50 đến 2 thước, sườn nhà làm bằng gỗ hay nứa, mái lợp bằng tranh hay lá. Gác cao trung gian làm bếp. Đêm, nam nữ ngủ quanh bếp, không giường. Lúa gạo chứa trên giàn gác, của cải để theo bên khe.
Người Thượng có tiếng nói riêng (đa âm, thiếu thốn phải mượn tiếng Kinh) kêu cha là cha, kêu mẹ là mội (hay mẹ), kêu con là ong, uống rượu gọi là hách lộc, ăn cơm gọi là xà vong, loại cầm thú gọi là ác. Người Thượng không có họ, tính theo đêm, không tính theo ngày, không có văn tự, dùng gút dây để ghi nhớ sự giao kết với nhau hay bằng vào gốc rẫy để phỏng biết số tuổi.
Phần đông người Thượng vùng Quảng Ngãi còn ăn bốc (bằng tay, không đũa). Đàn ông dùng dây gai bện làm “khố”, đàn bà dùng bức vải quấn làm váy “xà rông”, con gái chưa chồng thích mặc yếm sặc sỡ.
Hôn thú, lấy đồ đồng làm sính lễ. Tục lệ cưới xin tùy cảnh giàu, nghèo. Nếu nhà trai giàu thì cưới vợ cho con, nếu nhà gái giàu hơn thì bắt rể cho con gái.
Thôn xóm được gọi là “nóc”, có ông “già làng” coi mọi việc. Ông “già làng” và con cháu được kính trọng đặc biệt.
– Tính tình: Người Thượng không biết tiết kiệm, không lo xa, thích vật gì dù giá cao mấy cũng mua cho kỳ được. Tư thù là một việc ghi tâm, khắc cốt. Có nhiều mối thù truyền kiếp, gặp cơ hội trả thù ngay. Nếu kẻ thù biết lỗi và làm lễ “xối” (tạ tội) thì họ sẵn sàng tha thứ ngay. Họ rất trọng lời thề nhất là khi làm lễ tuyên thệ tại bến nước. Tuy nghèo, nhưng người Thượng không hề trộm cắp của nhau, không đi ăn xin. Ngoài việc săn bắn, không cờ bạc, tánh chất lỗ độn nhưng con trai, con gái không hòa gian (gian dâm) nhau. Có bệnh thì giết súc vật kỳ đảo, không thuốc. Khi chết xẻ cây bỏ xác kéo vào rừng sâu để làm phần mộ, không dùng quan quách.
– Cúng lễ: Họ tin tưởng ở sự cúng tế. Có những lệ cúng xin lành bệnh phải đâm 4,5 trâu. Trong năm, hai phần ba (⅔) số hoa lợi sản xuất đã chi phí trong việc cúng tế.
Người Thượng tính đủ 12 trăng tròn là ăn Tết, bắt đầu từ rằm tháng Giêng trở đi.
– Kiêng cữ: Rất kỵ việc chết dữ, gặp trường hợp người bị cọp bắt, chết đuối, chết đường, chết chợ thì cả làng sẽ bỏ “nóc” cũ đi lập tức đến chỗ khác lập “nóc” mới.
– Chỗ ngủ của cả nam lẫn nữ đều cấm người lạ mặt vào.
– Ngày gặt đầu tiên thì cả ngày lẫn đêm cử nói.
– Có tang cấm người lạ mặt vào nhà.
– Không được rửa mặt hay tắm ở máng xối bắt từ suối về nhà.
– Ăn “nhuốc”: Bắt phạt kẻ gian hay những người phạm điều kiêng cữ.
– Nam, nữ phải cà hàm răng trên, khuyết đến hai phần (trừ quận Trà Bồng).
4. Các di tích lịch sử
– Thành cũ Bùi Công: Ở địa phận cơ nhất Tinh Man thuộc quận Đức Phổ, trên núi cao. Nền cũ nay vẫn còn (xưa gọi là Dinh Ông).
– Tỉnh thành: Ở tại xã Chánh Lộ, huyện Chương Nghĩa (nay thuộc xã Cẩm Thành, thị xã Quảng Ngãi), xưa chu vi 500 trượng 2 thước lẻ, cao 1 trượng, có 3 cửa (không có cửa phía Nam); hào rộng 5 trượng. Khi xưa thành ở xã Phú Nhơn, huyện Bình Sơn (nay quận Sơn Tịnh), đầu niên hiệu Gia Long dời đến xã Phú Đăng, huyện Chương Nghĩa. Năm thứ 6 (1807) dời đến xã Chính Mông; năm thứ 14 (1815) xây đá (thành đã bị phá hoại năm 1947 thời chiến tranh Việt – Pháp, hiện chỉ còn nền đất và hào).
– Tổ đình Thiên Ấn: Xây từ tiền Lê (1716) do Hòa Thượng Pháp Hóa khai sơn. Bị tàn phá thời Tây Sơn và thời chiến tranh Việt – Pháp (1947), hiện nay đã được xây dựng lại, khánh thành năm 1961 (di tích còn cửa Tam quan, các tháp).
– Văn miếu thờ đức Khổng Tử: Dựng năm Gia Long thứ 16 (1817), miếu Khải Thánh (thờ thân phụ đức Khổng Tử), ở bên hữu miếu nầy, dựng năm Minh mạng thứ 20 (1840). Văn Miếu tọa lạc tại xã Phú Nhơn, huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Sơn Long, quận Sơn Tịnh) bị phá hoại thời chiến tranh Việt – Pháp (1947), hiện đã được trùng tu. Trước Văn Miếu lấy núi Thiên Bút, làm án, phía tả núi Thiên Ấn, phía hữu núi Long Đầu, sông lớn Trà Khúc uốn quanh ở trước mặt.
– Mộ Bùi Đô Đốc: Mộ này ở xã Thu Phổ (hiện nay xã Tư Quang, quận Tư Nghĩa). Ông là người họ Bùi, tên húy là Tá Hán. Tương truyền thuở ông đi dẹp giặc Thượng về đến gò rừng Cầy (nay gọi là Rừng Lăng) thì tạ thế rồi táng tại đây. Mộ không biết đích xác chỗ nào, hiện còn chỗ thờ. Cách lăng có hòn núi nhỏ gọi là núi Ông (phía Bắc hữu ngạn sông Trà). Con cháu, nhà thờ họ Bùi hiện vẫn còn tại địa phương Thu Phổ cách ga Quảng Ngãi 500 thước về phía Nam).
– Mộ Tạ Thu Thâu: Chiến sĩ cách mạng, người miền Nam, bị giết vào hạ tuần tháng 9/1945 (thời kỳ khởi nghĩa 1945) trong khi ghé ngang Quảng Ngãi. Mộ tọa lạc tại thôn Xuân Phổ xã Tư Thuận (cách tỉnh lỵ 10 cây số về Tây Bắc) sát đường hương lộ, cách chợ Xuân Phổ 200 thước về phía tay trái.
– “Đá ngựa”: In rõ 8 dấu chân ngựa của Vua Gia Long lúc chạy giặc, hiện còn tại xã Phổ Xuân (Đức Phổ) thôn Hải Tân, cách tỉnh lỵ 45 cây số về phía Đông Nam, hữu ngạn cửa Mỹ – Á…■
[1] Dinh điền: là một hình thái chiêu tập lưu dân để khai khẩn đất hoang dưới sự quản lý của chính quyền.
[2] Dĩnh ngộ: Thông minh vượt bậc, cái gì cũng hiểu biết.
[3] Cầu tiên: Tu luyện, dùng thuốc… để được trường sinh, không bao giờ già.