Henri Cucherousset
Lưu Mỹ Lý dịch
Henri Cucherousset, người sáng lập và chủ bút tuần báo L’Eveil Économique de l’Indochine (Đánh thức Kinh tế Đông Dương – số đầu tiên ra ngày 16/6/1917, số cuối cùng ra ngày 1/11/1934), là người đặc biệt yêu mến Hoàng Sa và chiến đấu không mệt mỏi cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Qua nhiều bài viết đăng trên tuần báo này, Henri Cucheroussset và các đồng nghiệp của ông đã thể hiện sự quan tâm đối với việc quản lý, khai thác Hoàng Sa, phê phán thái độ của một số nhà chính trị Pháp ở Đông Dương đã có thái độ thờ ơ trước vấn đề này, nhằm buộc họ phải thúc đẩy nhanh quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa do Pháp bảo hộ. Dưới đây là bản dịch bài báo “Les Droits de l’Annam sur les Iles Paracels et les devoirs du gouvernement protecteur” của H. Cucherousset đăng trên tuần báo L’Eveil Économique de l’Indochine số 627, ra ngày 23/6/1929.
*
Đặt quyền bảo hộ tại xứ An Nam đồng nghĩa với việc Pháp cam kết bảo đảm quyền toàn vẹn lãnh thổ của xứ này trước các quốc gia khác. Theo đó, Pháp có nghĩa vụ nắm giữ quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ phụ thuộc và đã từng phụ thuộc của An Nam.
Bằng việc thách thức quyền của nước Xiêm ở Lào sau vụ chiếm đất tuy chỉ là tạm thời nhưng có thực, Pháp đã đòi quyền lợi của An Nam trên đất Lào, đó cũng chính là khẳng định quyền bá chủ của Pháp trên đất Lào.
Và tương tự như thế, Pháp đã thể hiện thái độ cương quyết cũng như nỗi lo lắng cho quyền lợi của quốc vương các nước được bảo hộ khi nhân danh vua Campuchia, Pháp đòi lại 3 tỉnh mà Xiêm đã chiếm trước khi Pháp đặt chế độ bảo hộ tại đây và hiện đang cai trị các tỉnh này giống như các tỉnh của Xiêm.
Quyền của An Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã được xác lập từ trước. Cụ thể, dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, hai vị vua đã thể hiện chủ quyền của mình bền bỉ trong nhiều năm, và chúng tôi cũng đã viện dẫn minh chứng đó. Nhưng dù An Nam đã để lỡ bao nhiêu năm, không làm lại tuyên bố chính thức chủ quyền đối với quần đảo này, thì việc đó cũng không hề làm suy giảm quyền của họ. Cần lưu ý rằng không có thời hiệu chủ quyền trong luật pháp quốc tế. Ví như Pháp, có phải nước Pháp đã từ bỏ chủ quyền của mình trên đảo Kerguelen vì trong một thời gian dài, Pháp không xây dựng cơ sở gì ở đó và cũng không cử bất cứ chiến thuyền nào ghé qua đó? Không phải, và vả lại cũng không có quốc gia văn minh nào lại dám nghĩ đến việc tranh cãi về quyền lợi mà Pháp đang nắm giữ.
Ít nhất thì chủ quyền của An Nam trên quần đảo Hoàng Sa cũng chắc chắn như quyền của An Nam trên đất Lào và Campuchia tại các tỉnh Battambang, Sisophon và Siem Reap.
Chính vì vậy, vin vào cái cớ là các quần đảo này không đem lại chút lợi ích nào, chính phủ Pháp đã sai lầm khi không còn thường xuyên hiện diện tại đây và nhất là không thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ mang tính quốc tế: xây dựng một ngọn hải đăng và đài khí tượng trên quần đảo. An Nam đứng dưới tên mẫu quốc là nước Pháp có nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn hàng hải và chịu trách nhiệm quan sát khí tượng để hàng ngày cung cấp những thông tin quan sát được trên biển Đông trong lãnh hải của mình cho tất cả những người dân đi biển. Trước các đồng minh của mình là người Nhật và người Anh, Pháp cũng có nghĩa vụ chiếm đóng quân sự trên tất cả các cứ điểm có thể là nơi trú ẩn thuận lợi cho hải tặc trong thời bình và là điểm tựa thuận lợi cho các cuộc đột kích trong thời chiến. Quần đảo Hoàng Sa án ngữ ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, từ đây quân địch có thể chặn đường ra của ta, đây cũng là địa điểm thuận lợi cho đồng minh Anh, cụ thể là hoạt động thủy phi cơ của họ; vậy nên với vai trò là đồng minh, chúng ta có nghĩa vụ đảm bảo điểm tựa này. Quần đảo này cũng nằm trên cung đường hàng không Hồng Kông – Singapore, đoạn ngay giữa Hồng Kông và Cam Ranh. Quần đảo còn nằm trên cung đường hàng không từ Vinh đến Manila.
Nhưng lý do lý trấu của những kẻ lười biếng và ngu dốt đưa ra: “Các đảo ở đây không đem lại lợi ích”, ngay sau đã bị lật ngược bằng một loạt các sự kiện, sự thực phũ phàng: Các đảo này ẩn giấu cả gia tài.
Cần phải có sự ngu ngốc của một anh lính hải quân và sự ích kỷ khổng lồ của một ngài toàn quyền tạm quyền mới ngăn được người Pháp khai phá gia tài đó và để cho người Nhật đến khai thác mà không phải trả một trinh tô thuế nào.
Ngay lúc này đây, một công ty nước ngoài giàu có và hùng mạnh lại một lần nữa phái kỹ thuật viên đi thực hiện khảo sát các mỏ tại đảo Hoàng Sa; tuy nhiên, vì thấy thuyết phục trước chủ quyền đúng đắn của An Nam trên quần đảo, công ty đó đã gửi đơn xin phép khai thác tới người Pháp.
Ngài Pasquier liệu có giống ngài Monguillot sẽ đáp đơn của công ty này rằng: Tôi không quan tâm, đừng tới làm phiền tôi?
Nhưng vụ này có thể đóng góp một món tô thuế trị giá hàng trăm nghìn đồng bạc cho ngân khố của An Nam. Và điều đó đồng nghĩa với việc có thể cho phép xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa hai hoặc ba ngọn hải đăng phục vụ cho nhiều dịch vụ hàng hải; xây dựng đài khí tượng để cung cấp cho Kiến An các thông tin quý báu nhất về đường đi của bão; cắm các đồn bốt cảnh sát biển để đảm bảo an ninh tài sản và tính mạng cho tàu thuyền Trung Hoa cũng như ngư dân An Nam; vẽ các hải đồ chi tiết giúp hiểu rõ các nơi neo đậu, cảng hoặc nơi trú ẩn có thể được cho thủy phi cơ, các căn cứ tàu ngầm nếu có…
Liệu làm được như vậy thì còn kẻ nào có chút ngờ vực nào về chủ quyền chính đáng của An Nam? Giờ thì cần phải thực sự hối cải, hỡi những kẻ không lo toan, vô tâm vô tính, suốt ngày chỉ nghĩ đến việc tránh mọi âu sầu, lo lắng và thoát khỏi mọi trách nhiệm; vì thế mới dẫn đến hậu quả chết người.
Chúng tôi đã tiên lượng trước được tình huống này nên ngoài các bằng chứng chính thức mà chúng tôi đã đưa ra trước đó, chúng tôi muốn đưa ra thêm một bằng chứng mới để không ai có thể tố cáo người Pháp đã bịa đặt; vì chứng cứ này đã tồn tại từ chế độ quân chủ Pháp, khi hầu như chưa có chủ nghĩa đế quốc và ở thời điểm đó, Pháp chưa có ý định nào dù là nhỏ nhất về quyền bá chủ tại Đông Dương.
Theo đó, chúng tôi đã nhờ học hội Société Asiatiaque du Bengale, de Calcutta (Hội Á Châu của Calcutta) gửi cho chúng tôi bản sao có công chứng hợp lệ hai bài báo của linh mục Taberd, in trên tờ báo của học hội vào năm 1837-1838.
Đây là Bản ghi chép địa lý vùng Nam Kỳ của linh mục Jean Louis, Giám mục hiệu tòa Isauropolis, đại diện Tông tòa tại Đàng Trong, thành viên danh dự của Hội á Châu, (dịch từ bản bút ký đã công bố của tác giả).
Bản bút ký này rất dài, vì bản tiếng Pháp bị thất lạc và chưa từng được xuất bản nên chúng tôi đã tự cho phép mình vừa tận hưởng không khí mát lành và thanh bình nơi Tam Đảo vừa dịch văn bản.
Trong lúc chờ đợi bản dịch hoàn chỉnh, chúng tôi xin trích dưới đây một đoạn mà chúng tôi thấy rất thú vị:
“Pracel hay Parocels là một mê cung gồm các đảo đá và các dải cát, ước tính trải dài đến 11 độ vĩ Bắc và kinh tuyến thứ 107 tính từ Paris. Một số tàu hàng hải mạo hiểm nhưng may mắn và không cần phải quá dè chừng đã đi qua được một trong số các dải đảo này; còn một số khác đã gặp khó khăn trắc trở. Người Đàng Trong gọi quần đảo này là Con ua’ng. Mặc dù loại quần đảo này chỉ là các bãi đá và có độ sâu lớn, tiềm ẩn nhiều bất lợi hơn là lợi ích, nhưng vua Gia Long đã nghĩ ngay đến việc mở rộng lãnh thổ của mình bằng cách thêm cả quần đảo mang lợi ích ít ỏi này vào xứ mà ông đang cai trị. Năm 1816, ông đã đến trịnh trọng cắm cờ và chính thức công bố chủ quyền trên các bãi đá này, như vậy sẽ không ai có thể tranh cãi chủ quyền với ông”.
Những tiên đoán của vị giám mục đáng kính đã sai bét. Các bãi ngầm và bãi đá này làm ta liên tưởng đến đảo băng rộng vài mẫu của Canada, vùng đất hoang vu Kerguelen, gồm toàn đá và băng của Spitzberg và nhất là một số đảo nhỏ của Austral Pacific có trữ lượng phốt phát khổng lồ, lượng phốt phát được khai thác từ đó hiện đang là nguồn hàng lớn cung cấp cho cả hệ thống giao thương.
Và cũng giống như các sự vụ khác, động thái này của vua Gia Long thể hiện sự cao minh của ông. Cầu cho tất cả những ai hiện đang thừa kế quyền cai quản di sản mà ông để lại có được một chút ít tuệ mẫn của người.
Vậy phải làm gì bây giờ?
Chẳng cần thủ tục gì cả, chúng ta đang ở Hoàng Sa, chúng ta đang ở trên chính đất của mình.
Đầu tiên phải vẽ lại bản đồ: một bản đồ tổng thể có tỉ xích 1:200.000 và các bản đồ chi tiết có tỉ xích 1:25.000, các hải đồ thật chi tiết và các địa đồ có kèm theo chỉ dẫn địa chất.
Sau đó, ngay lập tức phải xây dựng một ngọn hải đăng tầm chiếu xa và một đài khí tượng, bốt điện báo vô tuyến cùng hai hoặc ba ngọn đèn phụ và cọc tiêu, phao tiêu âm thanh… ưu tiên đặt ở đảo Phú Lâm; các thiết bị này cho phép chỉ dẫn đường đi trên tuyến Hồng Kông – Singapore bất kể ngày đêm.
Cần phải học tập cách tổ chức khôn ngoan của các vua An Nam xưa: cử đội cảnh sát nếu không thường xuyên thì ít nhất là định kỳ tại đó.
Tóm lại, cần phải hành động và gánh vác trách nhiệm.
Kẻ nào không dám gánh vác trách nhiệm không phải là đàn ông■
(Bài đăng trên Tạp chí Phương Đông số tháng 4/2022)