Tên sách: Hàm Nghi: Empereur en exil, artiste à Alger
Tác giả: Amandine Dabat
Xuất bản: Sorbonne Université Presses
Đây là luận án tiến sỹ sau 5 năm nghiên cứu của nữ trí thức trẻ người Pháp, Amandine Dabat, hậu duệ Hoàng đế Hàm Nghi. Tác giả cung cấp cho chúng ta một cái nhìn mới về vấn đề lịch sử chưa từng được đề cập: cuộc sống và trước tác của Hoàng đế Hàm Nghi khi bị lưu đày.
Nhiều chi tiết mới được đưa ra. Từ việc ngài bị bắt bởi chính người Việt chứ không phải như bức tranh khắc gỗ đã miêu tả cảnh lính Pháp xông vào tận phòng để bắt ngài.
Lãnh binh Ngọc và suất đội Nguyen Thin Dinh[1] đã phản bội và bắt ngài vào ngày 29 tháng 10 năm 1888, giao cho quân Pháp vào ngày 2 tháng 11 tại đồn Thanh Cốc[2]. Hai người “cựu hầu” này kể lại phải ứng của Hàm Nghi khi bị bắt:
Khi chúng tôi đi bắt ngài ấy theo lệnh của ông, ngài ấy đã nói với chúng tôi: “Các ngươi giao ta cho quân Pháp, nếu chúng không giết ta thì ta sẽ không để một mống nào sống sót tại Thanh Lạng và Thanh Cước”. Khi chúng tôi đưa cho ngài ấy bức thư của ông, ngài ấy đọc xong liền giận giữ vò nát rồi mắng: “Hắn nói với ta về việc Đồng Khánh đang trị vì tại Huế! Các ngươi là kẻ thù, quân phản phúc cũng giống như Đồng Khánh vậy. Hắn ta đã theo bọn Pháp. Nhưng ta, Hàm Nghi, ta không phản bội đất nước của mình”.
Khi chúng tôi xông vào nhà, ngài ấy đã cố tuốt kiếm ra. Chúng tôi đã phải áp chế và giằng thanh kiếm khỏi tay ngài ấy bằng cách ra sức bẻ từng ngón tay. Suốt dọc đường ngài ấy không ngừng đe dọa: “Nếu quân Pháp cho ta một chút phẩm tước nào đó ở Huế, ta sẽ trừng phạt các ngươi. Sẽ không còn tồn tại các làng Thanh Lạng, Thanh Cước, Duc Vu (làng của kẻ chỉ điểm Nguyen Thin Dinh), không một con gà nào sống sót”.
Từ lúc bị giao cho quân Pháp, Hàm Nghi một mực im lặng, hoàn toàn phủ nhận danh tính cũng như thân phận của mình. Người tù không nhận mình là Hàm Nghi. Toàn quyền Pháp đã phải tìm nhiều cách để xác nhận qua triều thần, người hầu và hoàng thân. Việc im lặng đó chính là để nuôi hy vọng cho phong trào Cần Vương. Tin vị vua trẻ kháng Pháp bị bắt nếu loang ra sẽ làm tan rã ý chí của nhóm Cần Vương. Người Pháp đã cố gắng bắt ngài ký xác nhận. Viên Tổng trú sứ đã phải viết thư lên cho quan Toàn quyền báo rằng mọi nỗ lực đều vô ích. Chúng đành cho lưu truyền một sắc lệnh được soạn bởi Đồng Khánh kèm theo tấm hình của người tù.
Khi đã bắt và nhận dạng được Hàm Nghi, người Pháp bước vào việc tranh cãi về tương lai của ngài.
Việc lưu đày ngài sang Alger (thủ đô xứ Algeria) là sự lựa chọn gần như bắt buộc. Người Pháp không thể để ngài ở lại Đông Dương.
Họ phải tách vị Hoàng đế trẻ tuổi đầy nhiệt huyết kháng Pháp ra khỏi môi trường tiềm ẩn nguy cơ. Người tù này có một giá trị chính trị không hề nhỏ và có thể được sử dụng khi cấp bách. Viên Tổng trú sứ đã biện luận rằng người tù này phải được quản thúc và đối xử tử tế. Hàm Nghi bị đưa lên con tàu mang tên Biên Hòa, vào Sài Gòn rồi sang Alger.
Cuộc sống lưu đày khá êm ái với Hàm Nghi. Được coi như quân bài chiến lược cho mặt trận chính trị tại Đông Dương, người có vị thế được thừa kế ngôi vua cần phải được đối xử tử tế để có thể trở thành ông vua thân Pháp một khi lấy lại ngai vàng.
Những con số cùng biểu đồ về các khoản trợ cấp theo từng giai đoạn cho Hàm Nghi và các vị vương khác bị an bài như là Béhanzin (vị vua thứ 11 của Dahomey tức Benin ngày nay), Ranavalona III (vị quân chủ cuối cùng của vương quốc Madagascar), Duy Tân (Hoàng đế Annam) giúp chúng ta hình dung rõ về mức sống khi bị lưu đày của các vị quân vương.
Vài năm đầu, Hàm Nghi nhận được trợ cấp 25.000 franc. Thời điểm năm 1904: Hàm Nghi nhận được 80.000 franc, Vương Ranavalona III nhận 35.000 franc còn Vương Béhanzin chỉ nhận được vẻn vẹn 10.000 franc/năm.
Hoàng đế Duy Tân thì nhận đều đặn 35.000 franc/năm trong suốt quãng đời bị lưu đày từ 1916 đến 1944. Cùng thân phận nhưng Hàm Nghi nhận được 360.000 franc vào năm 1944 còn Duy Tân vẫn chỉ có 35.000 franc mà thôi.
Rõ ràng sự chênh lệch là rất lớn. Và ta thấy rõ rằng Hàm Nghi khá thoải mái tiêu sài.
Một biểu mẫu so sánh khoản trợ cấp đó với các công nhân hay giáo sư đại học cho thấy mức sống của Hàm Nghi cao hơn ít nhất là 13 lần còn cao nhất là 70 lần mức sống của một công nhân hạng trung.
Tất nhiên, mang vị thế một ông vua bị phế truất khiến cho câu chuyện dùng danh xưng như nào khi bắt đầu cuộc sống bên xứ Alger cũng là những chi tiết khá rắc rối nhưng cũng chứa đựng thông điệp về lòng yêu nước và kháng Pháp đến cùng.
Hàm Nghi là tên hiệu khi lên ngôi và khi ngài mất ngôi thì vua Đồng Khánh bắt gọi Hàm Nghi là Quận công Ưng Lịch. Đây là tên gọi chính thức nhưng Hàm Nghi không muốn dùng. Chính vì vậy ngài đã từ chối khai tên khi làm giấy phép săn bắn vào năm 1890. Ngài thường ký trên thư từ là “Vương Đại Nam”. Nhưng danh xưng này chọc tức chính phủ Pháp bởi nó không đồng quan điểm với việc chia Đại Nam thành 3 vùng: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Chính vì vậy danh xưng này không được chấp nhận và có thể coi như bị cấm. Danh xưng “Vương Annam” hẳn đã được gợi ý cho ngài. Vài tháng sau khi bị lưu đày, Hàm Nghi đã ký với danh xưng này. Nó trở nên quen thuộc và được thể hiện trên các tài liệu hành chính (hộ chiếu, giấy kết hôn…).
Sự phản kháng của Hàm Nghi rất quyết liệt trong những ngày mới sang Alger. Trong buổi tiếp kiến đầu tiên, ngài đã tặng cho viên toàn quyền Algeria là Louis Tirman một tấm danh thiếp cực kỳ đặc biệt. Nó đã tạo ra một sự vụ. Trên danh thiếp màu đỏ có hai chữ Hán. Khi Tirman gửi về Paris để dịch đã hiểu nghĩa hai từ đó: Chiến Tây!
Hàm Nghi còn gửi danh thiếp cho viên Tổng trú sứ cũng như Toàn quyền Đông Dương và đều đề là “Người kháng Pháp”.
Tuy nhiên Tirman không hề phán xét việc làm mà ông ta coi như sự bồng bột của một đứa trẻ.
Qua thư từ giữa các quan chức cấp cao có đoạn miêu tả “Ưng Lịch là một thanh niên non nớt, một cậu bé nhẹ nhàng, hòa nhã, nhút nhát và ngây thơ, không hề có chút kinh nghiệm sống nên chẳng có gì ngạc nhiên khi được coi như lá cờ nằm trong tay những kẻ phản kháng cùng cựu Thượng thư Tôn Thất Thuyết…”
Sự vụ danh thiếp cũng được bỏ qua. Và rồi việc phản kháng lộ liễu đã bước sang hình thái khác. Ngài chấp nhận học tiếng Pháp, hình họa và hội họa. Vị Hoàng đế bị cầm tù nhưng vẫn giữ hình ảnh một người phương Đông qua trang phục. Chính phủ Pháp lo ngại về một mạng lưới ái quốc của người Annam được thiết lập và Hàm Nghi còn giữ các mối liên lạc với người trong xứ Đông Dương. Liệu ngài và Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm có mối giao hữu chính trị?
Kỳ Đồng là một trong những nhân vật đặc biệt vào cuối thế kỷ 19. Mới 8 tuổi đã đỗ loại ưu trong kỳ thảo khóa cho đợt thi hương nên vua Tự Đức xuống dụ ban thưởng mỗi tháng 3 quan tiền, áo quần mỗi thứ 2 cái trong năm. Kỳ Đồng có nghĩa “Cậu bé kỳ lạ” được dân chúng khắp vùng Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương… ngưỡng mộ và coi như bậc cứu thế. Khi Kỳ Đồng 13 tuổi đã có nhiều người tìm đến, tôn sùng cậu bé như vị thần, tổ chức một đám rước vào thành Nam Định khiến lính gác phải nổ súng thị uy, bắt giữ Kỳ Đồng cùng vài người khác. Lo sợ Kỳ Đồng trở thành thủ lĩnh phong trào chính trị chống Pháp nên họ gửi cậu bé này sang Alger “du học”. Điều này vừa để thể hiện việc coi trọng nhân tài cũng như dẹp bớt mối lo tụ tập dân chúng nổi loạn.
Trong 9 năm “du học” tại Alger, Kỳ Đồng đã thường xuyên gặp gỡ và tỏ ra kính phục Hàm Nghi. Có hai bức tranh Kỳ Đồng vẽ tặng (hoặc gửi) Hàm Nghi. Một tấm mực nho có với hình Bình Tây Đại tướng Tôn Thất Thuyết mỗi tay cầm một thanh gươm, lưng đeo cờ. Tấm còn lại vẽ mực nho và màu hình Tôn Thất Thuyết tay cầm cờ lệnh với đám quân lính phía sau. Hai chữ “Bình Tây” chính là “Đánh Pháp” gợi lại thông điệp tấm danh thiếp “Chiến Tây” mà Hàm Nghi đã sử dụng.
Khi Kỳ Đồng về nước, Hàm Nghi có nhiều động thái lo lắng và quan tâm đến số phận của người bạn này. Ngài tìm cách huy động mối quan hệ ít ỏi của mình để bảo vệ Kỳ Đồng vì có dự cảm những bất trắc có thể xảy ra. Thái độ lo lắng của Hàm Nghi khi Kỳ Đồng về nước chứng tỏ ngài biết được những trù tính của bạn mình.
Sau khi về nước, Kỳ Đồng xin lập đồn điền khai hoang vùng Yên Thế ngay địa bàn hoạt động của Hoàng Hoa Thám nhưng thực chất là chuẩn bị lực lượng vũ trang để nổi dậy. Kỳ Đồng sau đó bị bắt vào năm 1897, chịu giam giữ ở Sài Gòn khoảng 3 tháng rồi bị đày biệt xứ sang đảo Tahiti.
Hàm Nghi đã vận động Kỳ Đồng hay Kỳ Đồng cảm thấy có nghĩa vụ giúp Hàm Nghi giành lại ngai vàng nên đã trù tính cuộc vũ trang?
Còn rất nhiều câu hỏi khác như: Hàm Nghi có trở thành công cụ của nền cộng hòa Pháp?
Đám cưới của Hàm Nghi với Marcelle Laloë – con gái một chánh án Toà thượng thẩm Alger – giữa các cá cược chính trị ra sao?
Biết bao câu hỏi xoay quanh lá bài chính trị đặc biệt này được tác giả dày công lý giải.
Bên cạnh những kiến giải về đời sống chính trị của Hàm Nghi đối với nền cộng hòa Pháp là mảng khắc họa đời sống nghệ sỹ phong phú cũng như đời sống gia đình đầy chân thật.
Chúng ta có thể hình dung rõ nét hình ảnh một vị hoàng đế, một nghệ sĩ tài hoa qua các bức họa phong cảnh theo trường phái ấn tượng, qua các tác phẩm điêu khắc mang dấu ấn chỉ dẫn của Auguste Rodin.
Nhưng có một điều nhỏ bé thú vị khác: Hàm Nghi là một thợ mộc, thợ đan lát khéo tay. Các sản phẩm đan lát của ngài không được giữ lại nhưng 17 món đồ mộc vẫn tồn tại. Những thứ như giường, tủ, bàn ghế… được đóng bằng chất liệu địa phương với kỹ thuật phương tây. Các mộng gỗ được ghép vô cùng chính xác nên chúng ôm khít. Người thợ thủ công sử dụng một kỹ thuật điêu luyện đồng thời thể hiện sự sáng tạo trong việc chọn các biểu tượng.
Sự hòa quyện giữa các yếu tố Pháp, Ma-rốc và Hoa Việt là minh chứng tiêu biểu về tay nghề của ngài. Đầu giường của ngài mang biểu tượng “song hỷ” mà ta vẫn gặp trong những đám cưới.
Còn rất nhiều tình tiết chân thực và sống động về một vị Hoàng đế đáng kính để khám phá trong cuốn sách này. Trong khi mong chờ sớm có một bản dịch đầy đủ, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng lược thuật để giới thiệu cùng bạn đọc.
Chú thích:
- Nhiều tư liệu khác viết là Nguyễn Đình Tình, chúng tôi tôn trọng nguyên văn của tác giả nên giữ nguyên.
- Nguồn tư liệu khác viết là Thanh Cước (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Đây có thể do sự khác biệt trong phiên âm.
Nguyễn Bình Phương (Thư viện NVH – Bài đăng trên Tạp chí Phương Đông số tháng 4-2021)