Thiết Mai Tôn Thất Cảnh
Tạp chí Phổ Thông, số 96, ngày 15/1/1963
Trong những thú chơi xuân ngày trước, các cô gái, các chàng trai không được “diễm phúc” đi xi-nê hay đi đó đi đây như các thanh niên nam nữ bây giờ, sẵn máy bay, xe hỏa, xe hơi, xe vét-pa… và cả đến xe gắn máy, rủ nhau đi hứng gió ở Long Hải, Nha Trang, thưởng thức cảnh hoa đào nở, du ngoạn thác Prenn, Cam-ly ở Đà Lạt v.v… Họ từ đầu năm đến cuối năm lẩn quất ở trong làng thì ngày Tết cũng không ra khỏi lũy tre xanh, họ tổ chức những cuộc vui để cùng nhau gặp gỡ hay để trao đổi những câu ân tình vì mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở thì những đóa hoa lòng của các cậu, các cô cũng nở để đón lấy gió xuân.
Rất nhiều thú chơi xuân để trai gái gặp gỡ nhau như họp chợ Tết, chơi cờ người, đánh đu, bài chòi, v.v… nhưng có lẽ thú chơi ý vị và có tính cách “quốc hồn quốc túy” nhất là thú nấu cơm thi giữa trai gái trong làng.
Trò chơi hào hứng này có cả thảy là 12 đôi thí sinh, nghĩa là 12 chàng trai và 12 cô gái. Ngoài 12 đôi ấy, còn có 4 đôi dự khuyết.
Cuộc thi bày giữa gian chính tâm của đình làng. Ngoài sân, những cái “bếp ngồi” được bày ra hai hàng, mỗi hàng 6 cái. Bếp bắc bằng 3 cọc tre, chấu vào nhau như 3 ông táo. Bên mỗi bếp có để một vò nước trong đậy bằng khăn vải trắng, một cái chậu đất mới, một cái cối nhỏ, một cái chày, một cái nia, một cái dừng[1], một cái sàng, một cái rá vút gạo[2], một đôi đũa con và một đôi đũa bếp. Còn củi thì chỉ có một cây tre tươi, một ống tre khô và bùi nhùi để nhen lửa.
Nhìn quang cảnh, thấy 12 cái bếp lạnh tanh.
12 đôi trai gái, đôi nào theo đôi ấy, đi ra chỗ bếp mình để kiểm điểm lại các vật hạng. Bên trai có mang theo một con dao bảy[3], lắp vào vỏ, thắt đai ngang lưng. Khám xét và kiểm điểm xong, chàng trai cởi dao ra để một bên ống tre.
Xong rồi, đôi nào đôi ấy lại đứng yên, vòng tay cúi đầu bên bếp mình, đợi giờ, chờ lệnh.
Lúc bấy giờ, trong đình làng, chiêng trống nổi lên, trầm hương nghi ngút. Một ông gia lễ xướng lên: “Chấp sự giả các tư kỳ sự”[4]. Ai nấy đều đứng lặng nhìn nhau, lo giữ phận sự mình. Điện tế đã bắt đầu. Ông chủ bái vào quỳ lạy theo lời tán xướng, đủ lễ. 12 đôi trai gái dự thí từ ngoài sân đình thong thả hàng hai đi vào đình, đứng vào hàng chiếu thứ nhì. Theo lời xướng, trai sụp xuống lạy, gái sụp xuống quỳ. Chờ trai lạy xong mới đến lượt các cô gái ngồi xếp “tè he”[5] cúng lạy. Làm lễ xong, ai nấy đều trở ra sân đình và đứng bên cạnh bếp mình.
Giữa sân đình nổ 3 phát lịnh: Đùng! Đùng! Đùng!
Ba tiếng lịnh ấy làm hiệu cho cuộc thi, đồng thời Ban giám khảo cũng thắp một cây hương để quy định thời gian. Trong suốt cuộc thi chỉ được thắp hai cây hương. Lúc nào cây hương thứ nhì tàn là mãn cuộc (tính theo thời gian thì hai cây hương cháy tàn cũng được 20 phút).
Khi nghe tiếng lịnh nổ, 12 đôi trai gái kia đang đứng yên, bỗng như có một sức mạnh gì điều khiển. Trai và gái đều lăng xăng, cuống quít. Trai ra sức cọ hai thanh tre cho ra lửa (như các hướng đạo sinh bây giờ), gái ra sức chẻ ống tre khô làm củi mồi. Khi thấy lửa bắt cháy bùi nhùi, trai trao mồi lửa cho gái rồi dùng dao bảy chẻ cây tre tươi, vót ra từng lớp mỏng tanh, đem tiếp vào bếp lửa mới bén. Giao bếp cho gái giữ, trai lanh chân chạy vào đình lãnh 3 đấu lúa (đựng trong một cái bồ sơn thếp đẹp đẽ do một kỳ lão đứng giữ và một bà lão đứng phát phần) rồi chạy ra đổ vào cối, lấy chày giã lia giã lịa. Giã xong, giao cho gái sảy, sàng, dừng. Trai lo đun nước cho sôi kỹ và vót thêm tre để làm củi đun. Gái dừng xong gạo, cho vào rá, vút, vò rồi mới cho vào nồi. Cái nồi ấy đã được phát ra một lượt với lúa, làm đồ đựng.
Khi gạo đã vào nồi, cả đôi trai gái xúm xít bên bếp lửa, người lo đun củi, kẻ lo chẻ thêm tre… lăng xăng toát mồ hôi hột.
Bỗng nghe một tiếng “Đùng!”, ai nấy biết là cây hương thứ nhất đã tàn. Ban giám khảo lại đốt một cây hương thứ nhì, và chỉ còn một cây ấy thôi, ai nấu cơm chín trước khi cây hương ấy tàn, bưng vào sẽ chiếm được phần đặc biệt.
Ai nấy đang thấp thỏm chờ nghe phát lệnh thứ hai để báo hiệu cây hương tàn thì đã có vài ba cặp trai gái nấu chín cơm, hối hả bưng nồi vào trình nạp Hội đồng. Hội đồng giám khảo gồm có 5 ông, 5 bà, toàn là bậc lão thành trong hương đảng. Sau khi Hội đồng xem xét và ghi số thứ tự thì nồi cơm được đặt trên hương án trước bàn thờ, trong đình làng. Đôi trai gái đã nạp xong “nồi cơm thi” của mình, tươi cười vui vẻ, cùng nhau ngồi đợi.
Đến khi phát lệnh thứ hai nổ đùng một tiếng, báo hiệu mãn cuộc thi thì bếp nào bếp ấy phải dập tắt và các đôi trai gái phải đem nồi cơm của mình vào trình Hội đồng, dầu còn sống hay chín dở dang cũng mặc, y như học trò thi nộp quyển vậy.
Hội đồng họp nhau để chấm bằng cách xem xét kỹ lưỡng và nếm các hột cơm của từng nồi. Nồi nào mà cơm được trắng trẻo, không khê, không cháy, không khô, không nhão, không sượng, không “đổ lông” thì nồi ấy được nhất hạng. Xếp hạng xong, một vị bô lão trong Hội đồng trịnh trọng đứng lên xướng danh. Người được thưởng cứ từng gặp trai gái nối tiếp nhau vào lĩnh thưởng, nào khăn điều, nào quạt ngà, nào khăn hàng, quạt giấy tùy theo thứ hạng. Chỉ có ba giải thưởng còn mấy phần sau đều có tưởng lệ[6] an ủi để khuyến khích.
Lễ phát thưởng rất vui, vì đấy là then chốt của cuộc thi. Dân chúng háo kỳ đứng chật vòng trong vòng ngoài, và mỗi lần một cặp trai gái vào lĩnh thưởng thì người xem vỗ tay vui cười và bàn tán về sắc diện dung mạo của đôi trai gái, rất xôn xao vui vẻ.
Khi cuộc phát phần thưởng xong, 12 đôi trai gái ra đứng song song trước đình làng, cung kính nghe một bà lão trong Hội đồng giám khảo trịnh trọng nói, đại khái như sau:
“Hỡi các anh các chị. Các anh chị đã trổ tài làm tất cả các công việc rất mau chóng để cho từ những hột lúa đã thành ra những hột cơm trắng trẻo ngon lành. Vậy các anh chị hãy nghe lời già này dặn đây. Trong việc bếp núc, vẫn biết muốn nấu sao thì nấu, nêm sao thì nêm, mặn lạt tùy ý và đã đành rằng còn sống thì không sao ăn được và quá chín thì cũng không hề gì. Nhưng riêng cho việc nấu cơm thì chín quá cũng không được, lâu quá, mà vội quá lại càng không được nữa. Nấu cơm khó ở chỗ phải cho ráo nước mà không khô, mềm dẻo mà không nhão, chín mà không khét, không khê, không “đổ lông” vì nấu dừ quá lửa, không có bên ướt bên ráo vì vần lửa không đều. Chúng tôi rất khen các chú trai cáng đáng công việc mau chóng, lẹ làng, nhứt là khen các cô gái biết đủ các lề lối, tay chân khéo léo gọn gàng, xốc vác đảm đương”.
Bà mỉm cười duyên dáng tiếp thêm:
“Nè các cô, làm thân con gái, nấu cơm là một việc cần nhất trong nghề nữ công. Các cô nhớ lấy nhé! Sau này các cô các cậu lấy vợ lấy chồng, già này dặn cho rằng, nếu mình không được là bậc sang cả, dư để dư ăn, có người giúp việc, trong nhà chỉ có một vợ một chồng thì phải biết giúp đỡ lẫn nhau trong khi tối bếp tắt đèn, phải cho có đủ nồi cơm trách cá[7]”.
Rồi bà kết luận:
“Nhờ Trời các anh các anh chị sau này được thành đôi thành lứa, xin chớ quên lời già này nhé!”
Ai nấy đều vỗ tay tán thưởng những lời nói khôn ngoan và duyên dáng ấy.
Giảng xong, 12 cặp trai gái lại song song bước vào điện trong của đình làng, đứng sắp hàng trên hàng chiếu thứ hai, sau ông Chánh bái. Chiêng trống lại nổi lên. Ông Chánh bái và 12 cặp trai gái lại làm lễ bái tạ thần linh. Lễ xong, một mâm cỗ linh đình và thịnh soạn được bày ra để thưởng cho 12 đôi nam nữ dự thí, hai bên chia ra hai cánh, nam tả, nữ hữu ngồi quây quần ăn uống chuyện trò rất vui vẻ.
*
Thú chơi “nấu cơm thi” là một thú chơi vừa tao nhã, lành mạnh lại vừa hợp với phong tục, nhân tình và đời sống thiết thực của dân Việt Nam lấy cơm làm món ăn căn bản.
“Nấu cơm” đúng như lời bà lão đã nói trên, tuy là một việc tầm thường diễn ra hằng ngày nhưng lại là tất cả một nghệ thuật.
Người đàn bà, con gái Việt Nam khéo hay vụng, giỏi hay dở đều được đánh giá qua công việc đầu tiên của nghề nữ công là việc nấu cơm. Câu mắng xấu hổ nhất đối với người con gái Việt Nam là câu: “Thứ con gái gì mà nấu cơm không chín”. Câu ấy bao hàm tất cả ý nghĩa hư hèn, vụng về, xấu nết của người con gái, vì con gái mà không biết nấu cơm thì không còn biết gì được nữa, tính nết ươn hèn. Vì vậy cho nên ở Việt Nam, từ kẻ nghèo cho đến người giàu sang, ai cũng dạy con gái ít nhất là biết nấu cơm, chỉ trừ (than ôi!) một số các cô con gái nhà giàu sang, quyền quý cho việc bếp núc là “hạ tiện” không muốn tập tành nấu cơm, cho đó là việc của con sen, đứa ở.
Quan niệm ấy hết sức sai lầm. Các cô không biết rằng chính việc “nấu cơm” là một việc hết sức quan trọng và liên hệ mật thiết đến tương lai và hạnh phúc gia đình của các cô. Danh từ “cơm” thường phải được hiểu theo nghĩa rộng của nó, bao hàm nhiều ý nghĩa thắm thiết đậm đà do chữ “cơm” ghép thành.
Ví dụ như: một người chồng muốn giữ một người bạn ở lại chơi, nói với vợ: “Em làm cơm để mời anh X ở lại cho vui”, có nghĩa là sắm sửa thức ăn, bày biện một bữa cơm thịnh soạn để đãi khách.
Hay là chồng đi làm việc về, âu yếm hỏi vợ: “Có cơm chưa?”, tức là tỏ ra chàng đang mệt mỏi, đói bụng, muốn ăn.
Hay là chồng đau, vợ đem chén cơm và thức ăn đến bên giường, dỗ dành tha thiết: “Mình cố gắng ăn một tí, cơm thương chứ ai thương”, chứng tỏ lòng săn sóc ân cần của vợ.
Câu tục ngữ của ta: “Bán bát mồ hôi đổi lấy bát cơm” cũng bao hàm bao nhiêu ý nghĩa cần cù, lao nhọc để mưu sinh, chứ không bao giờ ai nói “bán bát mồ hôi để đổi lấy nhà lầu, ô tô”.
Hay là câu “Bát cơm Phiếu Mẫu[8] nhớ ơn ngàn ngày” cũng dùng để tỏ lòng tri ân đối với một người ân nhân đã giúp mình trong cơn hoạn nạn.
Danh từ “cơm” quen thuộc quá đối với người Việt Nam phải ăn hàng ngày để sống. Nói đến cơm là nghĩ ngay đến người đàn bà Việt Nam vì từ cổ chí kim, theo tục lệ của ta thì cơm phải do người đàn bà nấu, cơm bao hàm ý nghĩa của bổn phận tề gia, nội trợ cao quý của người đàn bà Việt Nam. Mâm cơm của người đàn bà Việt Nam tượng trưng hạnh phúc của gia đình, của sự sum họp chồng, con, thân quyến. Mâm cơm cũng tượng trưng cho tình giao hảo bạn bè, cho sự kết nguyền của đôi trai gái, cho sự yêu đương của đôi vợ chồng son trẻ. Chẳng thế mà đêm tân hôn, hai vợ chồng mới cưới lại cùng nhau ăn “mâm cơm tơ hồng” trước khi động phòng hoa chúc.■
[1] Giống như giần, dùng để làm cho gạo đã giã được sạch cám và tấm nhỏ. (Các chú thích trong bài là của ban biên tập)
[2] Như vo gạo.
[3] Dao to bản, dài chừng bảy tấc ta, thường dùng để đi rừng.
[4] Ai nhận trách nhiệm phần nào thì chú tâm vào việc ấy.
[5] Ngồi gập đầu gối, xếp hai chân ra đằng sau.
[6] Khen thưởng khuyến khích.
[7] Nồi đất dùng để kho cá.
[8] Cái ơn nhỏ, nhưng tình nghĩa rất lớn cần phải trả, ví như người phiếu mẫu (bà giặt vải) ở Trung Quốc ngày trước đã cho Hàn Tín thuở hàn vi bát cơm cứu đói và sau khi vinh hiển, ông đã tạ ơn bà một ngàn vàng.