Thư ngỏ gửi độc giả
Với sự giúp đỡ của họa sĩ tài năng Liz Clarke, tôi đã tổng hợp một cuốn sách lịch sử bằng tranh, mặc dù có một vài khoảnh khắc đáng sợ và gớm ghiếc, nhưng nó vẫn mang tính giải trí cũng như tính giáo dục.
Hơn hai mươi năm qua, tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời khi nghiên cứu tài liệu cho sự kiện mà tôi gọi là “Cuộc săn chuột vĩ đại ở Hà Nội”, một chiến dịch ảo tưởng của chính quyền thuộc địa Pháp nhằm loại bỏ lũ chuột mang bệnh dịch hạch khỏi hệ thống cống rãnh của Hà Nội. Tôi đã đi đến các kho lưu trữ ở Pháp và Việt Nam, đọc hàng nghìn trang tài liệu có tuổi đời cả thế kỷ để tìm kiếm một vài tài liệu tham khảo hiếm hoi về loài chuột cống ở Việt Nam thời Pháp thuộc. Tôi thậm chí còn đối mặt với hậu duệ của một số loài gặm nhấm được đề cập. Tôi rất thích chia sẻ câu chuyện về đế chế, hoàn cảnh hiện đại và dịch bệnh này trong các hội nghị học thuật, các bài báo khoa học và các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh. Hết lần này đến lần khác, khi tôi kể câu chuyện về dự án hiện đại hóa thất bại này, khán giả của tôi đã gợi ý những cách nhìn mới, những cách diễn giải khác về nó. Tôi hy vọng bạn sẽ đưa ra kết luận của riêng mình và rút ra bài học cho riêng mình từ cuốn sách.
Đối với các bạn đang học về lịch sử Việt Nam, cuốn sách này sẽ bổ sung cho các bạn kiến thức về thủ đô Hà Nội. Với bề dày lịch sử hơn 1000 năm, Hà Nội là một thành phố tươi đẹp, quyến rũ, là nơi chứa đựng nhiều lớp ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc và Pháp. Cuốn sách này cũng sẽ chỉ ra những cách thức mà nhiều người Việt đã thể hiện quyền tự quyết lịch sử của họ, nghĩa là đã tự mình hành động thay vì chỉ bị thực dân Pháp tác động lên. Chúng ta sẽ tìm hiểu những cách mà người Việt Nam chống lại đế quốc.
Sinh viên nghiên cứu lịch sử Pháp sẽ thấy dự án thuộc địa, cái gọi là “sứ mệnh khai hóa”, đã được xuất khẩu đến một góc xa xôi của đế chế. Hà Nội thuộc Pháp là hiện thân của nghịch lý rắc rối giữa một bên là những đặc điểm tốt nhất của nước Pháp (di sản của Kỷ nguyên Khai sáng và niềm tin vào tiến bộ khoa học), và bên kia là những thực tế tồi tệ nhất của nước này (hệ thống khai thác thuộc địa và thái độ phân biệt chủng tộc đối với những người không phải da trắng). Tôi hy vọng cuốn sách này thể hiện được sự mơ hồ và đa sắc thái mà nhiều người cảm nhận thấy về các dự án hiện đại hóa thuộc địa. Những bức tranh minh họa tuyệt đẹp của Liz Clarke nắm bắt và truyền tải sự phức tạp của cuộc chạm trán thuộc địa, nơi hai nền văn hóa sống cùng nhau trong một thành phố nhưng chưa bao giờ thực sự hiểu nhau.
Những ai quan tâm đến lịch sử bệnh dịch và mối quan hệ của con người với môi trường sẽ tìm thấy một nghiên cứu điển hình hấp dẫn minh họa những tình huống trớ trêu và bi kịch trong đó các dự án hiện đại hóa có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Mặc dù tuyên bố mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại, nhưng chủ nghĩa tư bản công nghiệp và chủ nghĩa đế quốc phương Tây đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người và vô tình làm lây lan nhiều căn bệnh chết người trên khắp thế giới. Lịch sử Đại dịch Dịch hạch lần thứ ba (1855-1959) khiến chúng ta ngạc nhiên với những hiểu biết quan trọng về mối quan hệ cộng sinh giữa con người và các dạng sống khác, có thể là loài gặm nhấm, côn trùng hay vi khuẩn. Nhiều người cho rằng thời hiện đại là câu chuyện về cuộc chinh phục thiên nhiên của loài người, nhưng trong câu chuyện này, thiên nhiên dường như đã tránh được thất bại.
Cuộc thảo luận của tôi về những chủ đề khác nhau này được đóng khung trong một cách nhìn nhận lịch sử thế giới có xét đến những cách thức mà các nền văn hóa và kinh tế ngày càng trở nên gắn bó với nhau trong kỷ nguyên hiện đại. Trong ít nhất ba thế hệ, chủ nghĩa thực dân đã ràng buộc Pháp và Việt Nam với nhau, nước này ảnh hưởng đến nước kia. Câu chuyện toàn cầu hóa này còn ghi nhận vai trò quan trọng của Trung Quốc, vừa thu hút phương Tây, vừa là nguồn gốc của một cộng đồng người hải ngoại lớn trên toàn cầu.
Cuối cùng, tôi muốn bạn suy nghĩ về quá trình viết sử. Hãy tự đặt câu hỏi về cách các nhà sử học ghép các câu chuyện của họ lại với nhau. Chúng tôi tìm nguồn tư liệu ở đâu? Chúng tôi sử dụng loại bằng chứng nào? Loại thông tin nào được đưa vào kho lưu trữ hoặc thư viện? Điều gì có thể bị im lặng và bị loại khỏi sử sách?
Tôi hy vọng bạn sẽ thích câu chuyện về chuột và người mà đã làm tôi say mê kể từ khi tôi tìm thấy dấu vết đầu tiên của nó trong các kho lưu trữ từ nhiều năm trước.
– Michael G. Vann