GREGORY L. FREEZE
Minh Tuệ dịch
Khoảng thời gian mười bốn năm rưỡi kể từ khi Tổng Bí thư Chernenko qua đời cho đến khi Putin lên làm tổng thống giống như sự tái diễn của “Thời kỳ Bất ổn” ở nước Nga đầu thế kỷ 17. Cải cách hệ thống chuyển thành sụp đổ hệ thống: Liên Xô tan rã, suy thoái kinh tế nghiêm trọng, biến động xã hội sâu sắc và nước Nga mất đi vị thế siêu cường. Chương XIV cuốn sách “Russia: A History” (Nước Nga: Một thiên lịch sử) do Giáo sư Gregory L. Freeze[1] chủ biên đã tường thuật và phân tích chi tiết quá trình này. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Tổng Bí thư kiêm nhà cải cách: Mikhail Gorbachev
Dù xét theo bất kỳ tiêu chuẩn nào thì Mikhail Sergeevich Gorbachev cũng đều có một sự nghiệp phi thường. Sinh năm 1931 tại trung tâm nông nghiệp của miền nam nước Nga, ông đã trải qua thập niên 1930 đầy khó khăn và đích thân trải nghiệm toàn bộ những khó khăn do sự chiếm đóng của Đức gây ra. Sau chiến tranh, ông không chỉ học tập mà còn lao động xuất sắc, được tặng Huân chương Lao động Cờ Đỏ vì đã giúp một trang trại tập thể làm nên một vụ thu hoạch kỷ lục. Thành tích đó, cùng với trí thông minh sắc sảo, đã giúp ông giành được một suất học đáng mơ ước tại Đại học Tổng hợp Moscow năm 1950, và khiến ông trở nên khác biệt so với những người trúng tuyển nhờ vào việc thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc quan hệ của gia đình. Gorbachev theo học chuyên ngành luật, và trên mọi mặt, ông đều thể hiện một trí tuệ nhạy bén và sự hiếu kỳ phi thường. Sau khi tốt nghiệp năm 1955, theo hệ thống “phân công nhiệm vụ” của Liên Xô, chính quyền đã đưa ông trở lại Stavropol, nơi ông nhanh chóng thăng tiến trong hệ thống đảng ủy địa phương. Gorbachev cũng tiếp tục học lên cao học chuyên ngành nông nghiệp và nổi tiếng về chuyên môn trong lĩnh vực vốn được coi là “gót chân Archilles” của nền kinh tế Xô-viết. Chuyên môn này cùng mối quan hệ với những người như Iurii Andropov đã giúp Gorbachev vươn lên vị trí thành viên Bộ Chính trị vào năm 1978, đưa ông từ một vùng quê lạc hậu tới thẳng trung tâm quyền lực. Sau khi Chernenko qua đời vào ngày 10 tháng 3 năm 1985, Bộ Chính trị – dưới sự đề xuất mạnh mẽ của nhân vật quyền lực ngầm Andrei Gromyko – đã đưa Gorbachev trẻ tuổi trở thành tổng bí thư mới – tổng bí thư trẻ nhất kể từ khi Stalin đảm nhận vị trí này vào năm 1922.
Mặc dù được phe cánh cũ đưa lên nắm quyền, Gorbachev lại là người có tố chất rất khác biệt. Ông là một thành viên ưu tú theo tư tưởng “hậu Stalin”: ông chính thức gia nhập đảng Cộng sản vào năm 1952 nhưng lại gây dựng sự nghiệp dưới thời Khrushchev và Brezhnev. Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những phát hiện và cải cách của Khrushchev, Gorbachev thuộc thế hệ “shestidesiatniki” (những con người của thập niên 1960) tự do hơn thế hệ các cán bộ lớn tuổi hơn theo chủ nghĩa Stalin đang thống trị bộ máy của Đảng. Những chuyến công du nước ngoài trong những năm 1970 đã mở rộng tầm nhìn của ông, củng cố tinh thần ham học hỏi và tạo điều kiện cho một tầm nhìn rộng lớn hơn và thậm chí còn mang tính phê phán về hệ thống Xô-viết. Gorbachev đã nuôi dưỡng mối quan hệ với các nhà trí thức như Aleksandr Iakovlev, người sau này đóng vai trò nổi bật trong nỗ lực cải cách hệ thống Xô-viết. Do đó, cùng với sự “trì trệ”, thì thập niên 1970 và 1980 đã tạo ra một nhóm người ưu tú có tư duy phản biện, bao gồm những nhân vật như Abel Aganbegian và Tat’iana Zaslavskaia, những người làm việc trong các viện nghiên cứu và được tôn vinh là “institutchiki” (viện sĩ). Raisa – vợ của Gorbachev – có mối quan hệ chặt chẽ với những nhóm trí thức này và đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tầm nhìn tri thức của ông. Tác động này được thể hiện rõ ràng ngay cả trước khi ông trở thành tổng bí thư. Vào tháng 12 năm 1984, bốn tháng trước khi trở thành nhà lãnh đạo của Đảng, Gorbachev đã thẳng thắn nói về “sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980” và ám chỉ về sự cần thiết phải có những thay đổi sâu rộng. Lưu tâm đến lời khuyên của các viện sĩ nổi tiếng, Gorbachev đã công khai nói về sự cần thiết phải xem xét vấn đề giá cả, chi phí và tính hiệu quả, qua đó ông đã thách thức những tiền đề cơ bản của nền kinh tế chỉ huy vốn cản trở sự đổi mới và tăng trưởng.
Quyền lực, kỷ luật và tăng trưởng kinh tế
Chỉ có tầm nhìn thôi thì chưa đủ: Gorbachev hiểu rằng ông phải củng cố quyền lực và thay đổi đội ngũ lãnh đạo ở cấp cao nhất. Do đó, ngay trong tháng đầu tiên tại nhiệm, ông đã thăng chức cho năm đồng minh vào các vị trí chủ chốt, trong đó có ba người trở thành ủy viên Bộ Chính trị. Trong hai năm tiếp theo, ông đã thực hiện một cuộc luân chuyển lãnh đạo trên diện rộng, thay thế những thành viên già nua và bảo thủ bằng các cán bộ trẻ hơn và những viện sĩ sẵn sàng thay đổi trật tự hiện tại. Tất cả những điều này đã tác động sâu sắc đến các cuộc thảo luận về chính sách; chính Bộ Chính trị cũng đã bắt đầu thảo luận về những vấn đề mà trước đây bị coi là cấm kỵ.
Khi vị tân Tổng Bí thư tiến hành củng cố quyền lực, ông không tập trung vào việc tìm cách thay đổi hệ thống hiện tại mà làm cho nó có hiệu quả hơn. Ban đầu, ông nhấn mạnh vào “kỷ luật”. Điều này bao gồm cả một chiến dịch chống tham nhũng – rất giống với tinh thần của Andropov, nhưng được mở rộng ra không chỉ bao gồm vấn đề tham nhũng mà còn cả vấn đề vi phạm kỷ luật lao động và nạn nghiện rượu đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho sức khỏe và nền kinh tế quốc gia. Chiến dịch chống nghiện rượu cũng kéo theo những khoản chi phí tốn kém, trong đó có cả việc phá hủy những vườn nho quý giá, khiến cho doanh thu của nhà nước giảm mạnh và việc sản xuất rượu lậu (và không an toàn) bùng phát. Chiến dịch này cũng gây ra sự bất mãn trong quần chúng: trong một nền kinh tế đang suy thoái thiếu hụt trầm trọng hàng tiêu dùng, rượu đã hấp thụ lượng tiền thặng dư đang lưu hành, nhưng chiến dịch hạn chế rượu của Gorbachev lại càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Mặc dù vậy, chiến lược chính của Gorbachev là tập trung vào việc tăng mạnh vốn đầu tư – phương thức truyền thống của Liên Xô nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Gorbachev đã thúc đẩy một chương trình “tăng tốc” (uskorenie) đầy tham vọng – tăng gấp đôi đầu tư, việc này dự kiến sẽ làm sản lượng công nghiệp tăng 20% trong 15 năm tới. Ông cũng sử dụng biện pháp tài trợ thâm hụt. Do thu ngân sách nhà nước giảm và không muốn hạn chế tiêu dùng (bằng cách tăng giá các loại hàng hóa bị thiếu hụt), Gorbachev đã chọn cách bù đắp thâm hụt ngân sách bằng việc mở rộng nguồn cung tiền tệ và dựa vào các khoản cho vay và tín dụng trong nước và đặc biệt là cho vay và tín dụng nước ngoài. Chiến lược này giả định rằng việc tăng cường đầu tư có thể khắc phục được các vấn đề về cơ cấu và cuối cùng sẽ giúp Liên Xô thu hồi được “các khoản vay” thông qua việc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Các rào cản về cấu trúc của nền kinh tế
Như phần lớn những người thuộc giới tinh hoa, Gorbachev thiếu kiến thức kinh tế cơ bản cần thiết để hiểu được những vấn đề về cấu trúc đang đeo bám nền kinh tế Liên Xô. Nói một cách đơn giản, từ thập niên 1970, nền kinh tế Liên Xô ít phụ thuộc hơn vào tăng trưởng mà lại phụ thuộc nhiều hơn vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô, nhất là dầu mỏ, khí tự nhiên, kim loại và các hàng hóa khác. Đến giữa những năm 1980, chiến lược này thất bại một phần là do những biến động trên toàn cầu, chủ yếu là do giá năng lượng giảm, nhưng cũng do sản xuất trong nước trì trệ. Ví dụ, giá dầu mỏ đã giảm mạnh từ 70 đô-la một thùng vào năm 1979-1981 xuống chỉ còn 20 đô-la vào giữa những năm 1980. Đồng thời, sản xuất của Liên Xô – vốn đã tăng lên trong những năm 1960 và 1970 – nay đột ngột chững lại; việc khai thác các mỏ dầu khí mới ngày càng khó khăn và tốn kém, đặc biệt là vào thời điểm vốn đầu tư khan hiếm và trở nên cần thiết cho các lĩnh vực khác nhằm phục vụ cho chương trình “tăng tốc” của Gorbachev. Thật vậy, năm 1985 – năm đầu tiên Gorbachev làm tổng bí thư – đã lần đầu tiên ghi nhận sản lượng dầu mỏ giảm. Tương lai thực sự rất ảm đạm: các nhà kinh tế Liên Xô tính toán rằng đất nước này cần phải tăng vốn đầu tư lên gấp gần năm lần chỉ để duy trì được mức sản xuất hiện tại. Hơn nữa, ngay cả khi giá dầu lên cao, chế độ này cũng không xây dựng được quỹ dự trữ; thay vào đó, sau khi đã phung phí khoản tiền trời cho của thập niên 1970, họ ngày càng phải dựa vào các khoản cho vay và tín dụng, và sử dụng số tiền thu được từ xuất khẩu để trả khoản nợ ngày càng tăng.
Nông nghiệp cũng là một vấn đề nan giải không kém. Đối mặt với tình trạng sản lượng thu hoạch không ổn định và năng suất thấp, chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào nông nghiệp với mức độ vượt xa các nước phương Tây. Do đó, bất chấp việc ưu tiên “tăng tốc” và những khó khăn kinh tế chồng chất, chính phủ vẫn dành một nguồn lực đáng kể cho nông nghiệp (chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 1985-1990). Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và buộc chính phủ phải dùng ngoại tệ mạnh để nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài. Chính phủ đã từ chối giải pháp thay thế (tăng giá lương thực) vì lo ngại điều này sẽ làm trầm trọng thêm sự bất mãn của người dân đối với tình trạng thiếu hụt. Do đó, chính phủ vẫn tiếp tục bán các mặt hàng thiết yếu với giá thấp hơn giá thành sản xuất – 20% với bánh mì, 74% với thịt bò và 61% với sữa.
Hậu quả là chính phủ Gorbachev đã gây ra thâm hụt ngân sách chồng chất. Một mặt, thu ngân sách bị giảm sút – chủ yếu là do sự sụt giảm thu nhập từ xuất khẩu năng lượng, nhưng cũng do cả việc sụt giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt (từ chiến dịch chống nghiện rượu). Mặt khác, chính phủ lại chi tiêu hoang phí khi vừa tìm cách trợ giá nông nghiệp, vừa kích thích tăng trưởng công nghiệp, vừa nhập khẩu hàng hóa nước ngoài và duy trì mức giá thấp cho hàng tiêu dùng. Để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách này, chính quyền Gorbachev phải gánh thêm các khoản nợ mới (từ 18,1 tỷ USD năm 1981 lên 27,2 tỷ USD năm 1988, và còn tăng mạnh hơn nữa trong những năm tiếp theo). Tuy nhiên, đến năm 1990, việc trả nợ nước ngoài ngày càng trở nên khó khăn, và chính quyền đã thông báo rằng họ phải sử dụng “gần như toàn bộ thu nhập từ xuất khẩu dầu khí” để trả lãi cho các khoản nợ. Gorbachev nhận thức rõ về sự thâm hụt và nợ nần, nhưng cũng không nhìn ra được giải pháp thay thế nào khác ngoài việc nhập khẩu: “Chúng tôi phải mua hàng hóa nhập khẩu, vì chúng tôi không thể sống thiếu những thứ này”.
Những động thái quốc tế
Mặc dù là chuyên gia nông nghiệp, không phải là chuyên gia về quan hệ quốc tế, Gorbachev vẫn đưa lĩnh vực này trở thành một phần thiết yếu trong chiến lược cải cách của mình. Trên hết, ông tin rằng việc nối lại tình trạng hòa hoãn – mối quan hệ tốt hơn với phương Tây – sẽ cho phép Moscow giảm chi tiêu quân sự và do đó giải phóng được thêm nguồn lực phục vụ việc “tăng tốc”. Bởi vậy, ông coi quan hệ quốc tế là ưu tiên hàng đầu, và với sự trợ giúp của Bộ trưởng Ngoại giao mới Eduard Shevardnadze, ông đã phụ trách các vấn đề đối ngoại và chỉ đạo các nhà ngoại giao cũng như các quan chức Đảng “suy nghĩ lại” về chính sách đối ngoại của đất nước.
Quả thực, quân đội là một lực cản khổng lồ đối với nền kinh tế Liên Xô – theo một số ước tính, nó tiêu tốn tới 16% GDP. Điều đáng nói là ngay cả các thành viên Bộ Chính trị cũng biết rất ít về ngân sách dành cho quân đội và tác động của nó đối với nền kinh tế. Chỉ đến mùa thu năm 1986, họ mới biết rằng quốc phòng chiếm 40% ngân sách nhà nước, chưa tính đến các khoản trợ cấp và viện trợ cho các đồng minh trong khối cộng sản và các nước đang phát triển. Quy mô khổng lồ của quân đội cùng với chi phí khổng lồ để duy trì thế cân bằng về hạt nhân đã giành lấy các nguồn lực quan trọng vốn có thể được rót vào các ưu tiên cấp bách để phục vụ tái thiết như đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Vào tháng 5 năm 1986, Gorbachev đã nhấn mạnh rằng điều cần thiết là phải giảm bớt áp lực đang đè nặng do “sự thiếu sót trong chi tiêu quốc phòng” gây ra.
Gorbachev không chỉ lo ngại về tài chính mà còn tin rằng việc giải trừ vũ khí hạt nhân là một ưu tiên cấp bách. Ông đã đọc rất nhiều các bài viết của phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân và rõ ràng là đã cho phép Andrei Sakharov – một nhân vật tiên phong trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân – trở về từ nơi lưu đày ở Gorky. Cam kết cá nhân của Gorbachev được củng cố đáng kể bởi các sự kiện diễn ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986, khi một nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl phát nổ và phát ra một lượng lớn chất phóng xạ vào bầu khí quyển. Thảm họa này đã gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng (hàng nghìn người chết, gần nửa triệu người bị nhiễm phóng xạ nồng độ cao) và tài nguyên (hàng tỷ rúp). Thảm họa này đã củng cố quyết tâm của Gorbachev trong việc đảo ngược cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân; ông nói với các thành viên Bộ Chính trị rằng “chúng ta đã biết được chiến tranh hạt nhân có thể gây ra những hậu quả nào”.
Tất cả những điều này đã thúc đẩy sáng kiến táo bạo về giải trừ quân bị của Gorbachev. Tháng 8 năm 1985, chính phủ của ông tuyên bố đơn phương tạm dừng các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và bắt đầu sửa đổi chiến lược về hạt nhân trong nội bộ, chuyển mục tiêu từ “giữ thế cân bằng về hạt nhân” sang “đảm bảo năng lực về vũ khí hạt nhân” – nghĩa là giảm quy mô của quân đội để cắt giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo đủ khả năng răn đe những kẻ thù từ bên ngoài. Nhạy cảm với các nhu cầu cấp thiết về kinh tế, Gorbachev đã cảnh báo rằng Moscow phải tránh bị “lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang vượt quá khả năng cho phép” trong đó Moscow chắc chắn sẽ “thua”. Sáng kiến ngoại giao mềm mỏng của Gorbachev đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo châu Âu, đáng chú ý nhất là Margaret Thatcher – thủ tướng Anh theo đường lối bảo thủ, người đã viết thư cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nói rằng Gorbachev là người “ít bị ràng buộc hơn, đáng mến hơn, cởi mở hơn trong thảo luận và tranh luận, và không dựa vào những kịch bản đã được chuẩn bị sẵn”.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại là một đối thủ khó nhằn. Chính quyền bảo thủ của Ronald Reagan chống cộng sản kịch liệt; vào năm 1983, chính vị tổng thống này đã gọi Liên Xô là “đế chế tàn ác” và ngay sau đó công bố Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI, được biết đến phổ biến với cái tên “Chiến tranh giữa các vì sao”) – hệ thống tên lửa phòng thủ được thiết kế để phủ định thế cân bằng và răn đe lẫn nhau. Các quan chức chủ chốt, chẳng hạn như giám đốc CIA Robert Gates, đã phủ nhận chương trình cải tổ (perestroika), coi đây là một trò lừa bịp và những đề nghị thiện chí của Gorbachev là một âm mưu. Có thể đoán trước được rằng sự không khoan nhượng về tư tưởng của Washington đã giúp củng cố vị thế của những nhà phê bình trong Bộ Chính trị Liên Xô – những người coi việc đạt được thỏa thuận với một đối thủ chống cộng như Reagan là điều không thể. Sự bi quan này dường như được chứng minh thông qua sự bế tắc tại cuộc hội đàm Reykjavik (11-12 tháng 10 năm 1986), khi Reagan – phần lớn là vì SDI – đã từ chối đề xuất của Gorbachev về việc đạt được thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân trong vòng một thập kỷ. Ngay sau đó, một nhân vật bảo thủ – Giám đốc KGB Viktor Chebrikov – đã lập luận rằng “người Mỹ chỉ quan tâm đến sức mạnh”, và thế là quân đội Nga lại yêu cầu được cung cấp thêm nhiều nguồn lực hơn nữa.
Nhưng Washington không phải là trở ngại duy nhất cản trở việc cải thiện quan hệ Xô – Mỹ: một phần lỗi đáng kể thuộc về chính Moscow. Bản thân Gorbachev cũng không muốn từ bỏ các đối tác thân Liên Xô thuộc thế giới thứ ba, mặc dù thực tế là họ đã khiến cho Liên Xô phải tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ về viện trợ tài chính và quân sự mà Điện Kremlin không thể chi trả nổi. Cuộc xung đột ở Afghanistan đặc biệt phức tạp. Mặc dù một số người ở Moscow (bao gồm cả quân đội) ủng hộ việc rút quân nhanh chóng, nhưng Gorbachev và những người khác lại lo ngại rằng việc rút quân vội vã sẽ gây nên một cuộc tắm máu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích sống còn của Nga. Bằng một giải pháp tạm thời, Gorbachev đã đề xuất “bản địa hóa” cuộc xung đột này: nghĩa là thúc đẩy sự “Afghanistan hóa” – khiến cho những người Afghanistan thân Moscow chịu trách nhiệm chống lại phiến quân Hồi giáo. Nhưng chính sách này cũng tác động đến sự can thiệp của Mỹ, đặc biệt là sự hỗ trợ bí mật của nước này cho phiến quân Hồi giáo; vấn đề Afghanistan – vốn từng là nguyên nhân chấm dứt tình trạng hòa hoãn – nay lại tiếp tục đè nặng lên quan hệ Xô – Mỹ.
Perestroika: Từ cải tổ khiêm tốn đến tái thiết triệt để
Gorbachev không chỉ tìm cách thay đổi chính sách đối ngoại mà còn cả chính sách đối nội. Ý tưởng cốt lõi của ông – “perestroika” (chính sách cải tổ) – có tính linh hoạt; ý nghĩa rộng lớn của nó bao hàm từ những đổi mới khiêm tốn cho đến cải cách hệ thống triệt để. Ban đầu, bản thân Gorbachev cũng chỉ nghĩ đến việc “đổi mới” nhưng dần dần ông đã mở rộng sang một tầm nhìn cấp tiến hơn nhiều. Những ngôn từ mà ông sử dụng đã phản ánh sự thay đổi này: vào năm 1987, thuật ngữ “chủ nghĩa tập trung dân chủ” quen thuộc (một cụm từ của Lenin dùng để chỉ chế độ một đảng) đã được ông thay thế bằng “chủ nghĩa đa nguyên”, xuất hiện lần đầu tiên thông qua cụm từ “chủ nghĩa đa nguyên xã hội” (ám chỉ sự đa dạng của các quan điểm), nhưng cuối cùng đã được thay bằng “chủ nghĩa đa nguyên cạnh tranh” (ám chỉ hệ thống chính trị đa đảng).
Gorbachev không chỉ nói về dân chủ hóa mà còn bắt đầu thử nghiệm việc áp dụng nó. Ông đã lần đầu tiên thực hiện việc này trong các cuộc bầu cử địa phương năm 1987, với nhiều ứng cử viên tham gia vào 5% các cuộc bầu cử. Nhưng bước đột phá quan trọng lại diễn ra trong các cuộc bầu cử vào Đại hội Đại biểu Nhân dân tháng 3 năm 1989, khi một phần ba số đại biểu được bầu trong các cuộc bầu cử mở tại các khu vực (số đại biểu còn lại do Đảng Cộng sản và các tổ chức khác chỉ định). Các cuộc bầu cử phổ thông đã mở ra cơ hội cho các ứng cử viên không thuộc Đảng và khiến giới tinh hoa của Đảng bàng hoàng, thất vọng, nhiều ứng cử viên hàng đầu của Đảng – bao gồm cả những bí thư thứ nhất nổi bật ở một số tỉnh – đã không trúng cử. Những nhân vật nổi bật thuộc phe đối lập đã giành được những chiến thắng ấn tượng; Boris Yeltsin, cựu lãnh đạo Đảng ủy Moscow – người bất đồng với Gorbachev và nổi lên là lãnh đạo của các lực lượng chống lại các chính sách của điện Kremlin, đã giành được 89,6% số phiếu bầu.
Tuy nhiên, việc dân chủ hóa đã khiến Gorbachev phải đối mặt với ý chí của số đông – một điểm yếu nguy hiểm khi tình hình kinh tế đang xấu đi nhanh chóng. Liều thuốc tiên trước đây – tận dụng nguồn thu ngoại tệ mạnh từ việc xuất khẩu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên – đang nhanh chóng biến mất trong khi việc sản xuất, giá cả và thu nhập giảm mạnh. Do đó, Gorbachev nhận thấy ngày càng khó khăn trong việc duy trì cả đầu tư vốn lẫn nhập khẩu ngũ cốc và hàng tiêu dùng cơ bản. Tình trạng thiếu hụt hàng hóa trở nên trầm trọng hơn vì chính phủ không đồng ý tăng giá (do lo ngại tình trạng bất ổn trong dân chúng) để thu được “lượng tiền tệ dư thừa” (tạo ra do sự chênh lệch giữa việc tăng thu nhập bằng đồng Rúp và sự sẵn có của hàng hóa), dấn đến kết quả tất yếu là tình trạng thiếu hụt hàng tiêu dùng trầm trọng.
Gorbachev đã ca ngợi “glasnost” (sự cởi mở, công khai) là động lực cho sự thay đổi, nhưng điều đó cũng khiến cho quyền lực của ông bị giảm bớt. Tự do báo chí, đặc biệt là những tiết lộ gây sốc của báo chí về những sai lầm của các chế độ trước đó, không chỉ làm suy yếu tính hợp pháp của chế độ này mà còn cả vị thế của chính Gorbachev. Gorbachev hy vọng có thể tận dụng được làn sóng đấu tranh của các lực lượng dân chủ, nhưng ông nhận ra mình không thể đáp ứng được những kỳ vọng ngày càng tăng cao cả về vật chất lẫn chính trị. Điều này tất yếu dẫn đến sự sụt giảm uy tín của ông.
Mặc dù Gorbachev ủng hộ mạnh mẽ công cuộc cải tổ (perestroika), ông vẫn nắm giữ quyền lực tối cao. Ông đã nhanh chóng hành động để thay thế phần lớn các thành viên của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng; vào tháng 4 năm 1989, ông đã thuyết phục được 110 ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết của Trung ương Đảng từ chức một cách “tự nguyện”, qua đó tạo điều kiện cho những người trung thành với vị tổng bí thư này gia nhập vào hai cơ quan nói trên.
Phản đối dâng cao, ủng hộ suy giảm
Ngay cả khi Gorbachev củng cố quyền lực trong Đảng, thì chính bản thân Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) cũng đang dần mất đi quyền lực, sự gắn kết và tính chính danh. Năm tháng sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân họp vào năm 1989, tỷ lệ dân chúng thể hiện “lòng tin” vào Đảng Cộng sản giảm mạnh từ 52% xuống 21%. Ngay cả lòng trung thành của những đảng viên cơ sở cũng nhanh chóng phai nhạt; đến năm 1989, chỉ có 27% tuyên bố họ sẽ tái kết nạp Đảng. Số lượng Đảng viên – vốn vẫn tăng đều đặn trong thời kỳ hậu Stalin – đã bắt đầu giảm – từ 19 triệu vào tháng 10 năm 1988 xuống 15 triệu vào tháng 8 năm 1991.
Nội bộ Đảng cũng xuất hiện phe đối lập khi những lời chỉ trích – thậm chí là từ những người từng ủng hộ Gorbachev – nhanh chóng tăng lên. Ban đầu giới tinh hoa trong Đảng đồng thuận và tuân theo ý chí của vị tổng bí thư này, nhưng họ ngày càng tin rằng sự cởi mở (glasnost) và dân chủ hóa của Gorbachev đang làm suy yếu quyền lực và đặc quyền của Đảng. Chính sự cởi mở này đã tạo ra vô số các tờ báo và tạp chí độc lập; những tiết lộ gây sốc của báo chí về những hành động tàn bạo trong thời kỳ Stalin không chỉ nói lên tội lỗi của cá nhân của Stalin mà còn phơi bày thất bại của Đảng trong việc phản đối các cuộc đàn áp và khủng bố vô nghĩa. Các nhà lãnh đạo Đảng cũng không hoan nghênh chủ nghĩa đa nguyên của Gorbachev; sự gia tăng ồ ạt các phong trào chính trị có tổ chức và các cuộc bầu cử tự do khiến cho họ ngày càng cảm thấy bị cô lập và sỉ nhục. Giới tinh hoa trong đảng cũng lo ngại trước những lực lượng nổi dậy đang lan rộng khắp khối Xô Viết, khi các quốc gia như Ba Lan, Đông Đức và Hungary công khai khẳng định lợi ích và sự độc lập của mình. Thách thức ghê gớm nhất đến từ những thành viên bảo thủ cũ trong Đảng, bắt nguồn từ một bài báo được phát hành vào tháng 3 năm 1988 của Nina Andreeva, một giáo viên hóa học ở Leningrad. Bà đã lên án gay gắt những cuộc tấn công vào Stalin, coi đó là sự phỉ báng, và lên án cuộc cải tổ là một sự tấn công khủng khiếp vào các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa cơ bản của Liên Xô.
Sự ủng hộ của quần chúng nhân dân dành cho Gorbachev cũng giảm sút. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông giảm mạnh, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho những người chỉ trích ông – đặc biệt là cựu bí thư thành ủy Moscow, Boris Yeltsin – thì tăng vọt. Cũng không có gì ngạc nhiên khi vào tháng 3 năm 1990, khi Đại hội Đại biểu Nhân dân đề xuất thành lập chức vụ tổng thống, Gorbachev đã quyết định để Quốc hội (nơi phần lớn các đại biểu là Đảng viên) bầu ra tổng thống đầu tiên của Liên Xô thay vì tổ chức tổng tuyển cử. Việc bỏ phiếu phổ thông mang tính chính danh cao hơn nhưng cũng kèm theo những rủi ro lớn hơn. Tuy nhiên, kết quả là Gorbachev không có được sự tín nhiệm cao như Yeltsin khi mà hai tháng sau đó Yeltsin đã giành được phần lớn số phiếu bầu để trở thành tổng thống đầu tiên của Nga. Tất cả những điều này đã khích lệ các tổ chức chính trị phi chính thức trở nên quyết đoán hơn. Đảng “Nước Nga Dân chủ”, được thành lập trước đó (tháng 1 năm 1990), đã yêu cầu chấm dứt sự độc quyền về quyền lực của Đảng Cộng sản, thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ đối với KGB (cơ quan an ninh quốc gia), xây dựng nền kinh tế thị trường “được điều tiết” và đòi quyền tự chủ cho nước cộng hòa Nga.
Sự phản đối ngày càng gia tăng đã khiến Gorbachev phải từ bỏ quan điểm cấp tiến của mình và tìm kiếm sự ủng hộ từ những phe phái bảo thủ hơn. Ông ngày càng trở nên thận trọng, đặc biệt là sau những lời chỉ trích gay gắt được thể hiện công khai tại Đại hội Đại biểu Nhân dân, và tìm cách kêu gọi sự ủng hộ từ các cơ sở của mình trong Đảng. Gorbachev cũng từ chối các đề xuất kinh tế cấp tiến (thay thế nền kinh tế chỉ huy bằng thị trường tự do) và thành lập Hội đồng Tổng thống do các nhân vật chính trị bảo thủ chi phối. Tất nhiên, chẳng có điều gì trong số những nỗ lực này khiến cho các thành viên bất mãn của Đảng ủng hộ ông, chưa kể đến những thành viên dân chủ hơn, có tư tưởng cải cách hơn trong quần chúng.
Việc dần mất đi quyền lực chính trị của Gorbachev càng thúc đẩy các phong trào dân tộc chủ nghĩa bùng nổ, những phong trào này vốn đã dâng cao trên khắp các nước cộng hòa ở khu vực biên giới của Liên Xô. Thực tế, những nguyện vọng như vậy đã nhen nhóm từ những thập kỷ trước, nhưng giờ đây có thể hoàn toàn bùng nổ dưới thời kỳ cải cách. Thật vậy, thời kỳ cải cách với các chủ đề “dân chủ hóa và cởi mở” đã trao quyền cho các nhóm dân tộc – đặc biệt là ở vùng Baltic, Ukraine và Kavkaz, họ đòi hỏi nhiều quyền tự chủ hơn, yêu cầu đưa tiếng bản địa trở thành ngôn ngữ chính thức, đòi hỏi sự ưu tiên cho lợi ích kinh tế của riêng họ và cuối cùng là đòi hỏi một sự độc lập hoàn toàn. Lần đầu tiên Gorbachev phải đối mặt với cường độ đáng kinh ngạc của các phong trào dân tộc vào tháng 12 năm 1986, khi sinh viên Kazakhstan biểu tình phản đối quyết định của Moscow về việc thay thế Bí thư thứ nhất người Kazakhstan bằng một người gốc Nga. Gorbachev đã vội vàng rút lui, điều này cho thấy sự yếu đuối và sẵn sàng thỏa hiệp của trung ương. Các phong trào chống Xô Viết đặc biệt mạnh mẽ ở các nước cộng hòa vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva, những nước cuối cùng gia nhập Liên Xô và cũng là những nước đầu tiên tuyên bố độc lập vào năm 1991.
Chủ nghĩa dân tộc không chỉ làm nảy sinh những đòi hỏi về quyền độc lập mà còn gây ra sự xung đột giữa các sắc tộc, đặc biệt là ở những khu vực đa sắc tộc (thường là sản phẩm của sự dàn xếp có kế hoạch và có chủ đích của người Nga). Mặc dù căng thẳng sắc tộc không phải là vấn đề mới, các cuộc xung đột vẫn gia tăng khi quyền lực của nhà nước dường như suy yếu, và khi Gorbachev tìm cách “buông lỏng” các lực lượng quần chúng. Bạo lực đã diễn ra đặc biệt dữ dội ở vùng Kavkaz, đáng chú ý nhất là ở khu vực Nagorno-Karabakh – một vùng đất của Armenia nhưng lại nằm trong Azerbaijan, nơi nhanh chóng trở thành tâm điểm xung đột vũ trang giữa người Armenia và người Azeri.
Phong trào dân tộc cũng phát triển mạnh mẽ trên khắp khối Xô Viết. Bước ngoặt quan trọng xảy đến vào mùa thu năm 1989 tại Đông Đức, khi Gorbachev – vì tin rằng chế độ này sắp sụp đổ – đã từ chối can thiệp và hỗ trợ cho một chế độ cộng sản không được ủng hộ và đang lung lay. Sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11 năm 1989 không chỉ đánh dấu sự kết thúc của khối Xô Viết mà còn chứng minh với những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Liên Xô rằng điều không thể tưởng tượng nổi giờ đây đã trở thành hiện thực.
Khủng hoảng và giải thể
Năm 1991 là một bước ngoặt trong lịch sử nước Nga hiện đại: nó đánh dấu sự giải thể của Liên bang Xô Viết thành 15 nước cộng hòa có chủ quyền, trong đó quốc gia lớn nhất là Liên bang Nga. Quá trình này – dù được tiến hành trước thời Gorbachev – nhưng đã tăng tốc mạnh mẽ vào cuối những năm 1980 và khích lệ các nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa trực thuộc đòi chủ quyền và giành độc lập hoàn toàn, chứ không chỉ đơn thuần là đòi quyền tự chủ.
Quyết tâm chống lại tiến trình này, Gorbachev đã tuyệt vọng tìm cách bảo tồn Liên Xô như một quốc gia liên bang. Đầu tiên ông tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc vào tháng 4 năm 1991, trong đó đại đa số ủng hộ việc duy trì Liên Xô, nhưng điều đó cũng không thể ngăn chặn được làn sóng của các phong trào dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên trên khắp Liên Xô. Trong nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn phần nào hình ảnh của Liên Xô, Gorbachev đã vất vả để giành được sự chấp thuận cho một “Hiệp ước Liên bang Mới”, biến nhà nước Liên Xô thống nhất thành một liên bang lỏng lẻo với một tổng thống, chính sách đối ngoại và quân đội chung. Gorbachev đã thuyết phục được phần lớn các nhà lãnh đạo các nước cộng hòa trực thuộc chấp nhận hiệp ước này và lên lịch ký kết chính thức tại Moscow vào ngày 20 tháng 8 năm 1991.
Chính viễn cảnh về một hiệp ước như vậy đã khiến các nhóm tinh hoa bảo thủ, bao gồm cả phó tổng thống của ông – giám đốc KGB – và một số sĩ quan quân đội thực hiện nỗ lực đảo chính vào phút chót. Khi Gorbachev rời Moscow để đi nghỉ mát tại nơi nghỉ dưỡng mùa hè ở Foros thuộc Krym (với kế hoạch sẽ quay trở lại Moscow để kịp tham dự lễ ký kết vào ngày 20 tháng 8), điều đó đã tạo cơ hội cho những đối thủ của ông (bao gồm cả những người từng được Gorbachev bổ nhiệm với mục đích củng cố quyền lực) thực hiện một cuộc đảo chính. Kế hoạch này lập tức đổ bể. Những kẻ chủ mưu dự tính rằng Gorbachev sẽ nhượng bộ; tuy nhiên, khi họ cử người đại diện đến để yêu cầu ông bàn giao quyền lực thì đã vấp phải sự từ chối thẳng thừng. Mặc dù sau đó một số người tham gia vụ đảo chính này tuyên bố rằng Gorbachev đã chấp thuận (thậm chí là thông đồng với họ), nhưng phần lớn bằng chứng đều cho thấy ông hoàn toàn phản đối nhóm âm mưu này. Những kẻ chủ mưu đã quản thúc Gorbachev tại gia, công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và thành lập một Ủy ban Khẩn cấp Quốc gia để “điều hành đất nước và duy trì chế độ trong tình trạng khẩn cấp một cách hiệu quả”. Do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng lãnh đạo yếu kém, họ không thể thiết lập được sự kiểm soát đối với các “bộ ngành lực lượng” (bao gồm cả quân đội), thiếu một kế hoạch rõ ràng để giành quyền lực, cho nên chỉ trong vòng ba ngày họ đã đầu hàng trong thất bại nhục nhã. Di sản nổi tiếng và lâu đời nhất của cuộc đảo chính này là hình ảnh Boris Yeltsin đứng trên một chiếc xe tăng ở trung tâm Moscow, dẫn đầu những người phản đối cuộc đảo chính và nổi lên như vị anh hùng chiến thắng trong toàn bộ cuộc đảo chính này. Ngay sau đó, theo yêu cầu của Yeltsin, Gorbachev đã ban hành lệnh cấm đối với Đảng Cộng sản, qua đó giải thể lá chắn thể chế của hệ thống chính trị Xô Viết. Cuộc đảo chính cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nước cộng hòa tuyên bố độc lập, và chỉ trong vài ngày, nhiều nhất là vài tuần, họ đã nhanh chóng tiến hành việc đó. Kết quả của quá trình này là cuộc trưng cầu dân ý tại Ukraine vào ngày 1 tháng 12 năm 1991, khi có hơn 90% cử tri bỏ phiếu ủng hộ độc lập.
Sự giải thể chính thức của Liên Xô diễn ra một tuần sau đó. Vào ngày 8 tháng 12 năm 1991, các nhà lãnh đạo của ba nước cộng hòa Slav chủ chốt – Nga, Ukraine và Belarus – đã tập trung tại vườn quốc gia Belavezhskaia ở Belarus để thảo luận về tương lai của Liên Xô. Không tham khảo ý kiến của 12 nước cộng hòa khác, ba nước này đã đồng ý giải thể Liên Xô và ký kết một văn bản được gọi là Hiệp định Belavezh. Cuối tháng đó, đại diện đến từ hầu hết các nước cộng hòa trực thuộc (trừ Gruzia và các nước vùng Baltic) đã họp tại Alma-Ata và nhất trí thành lập “Cộng đồng các Quốc gia Độc lập”. Vào ngày 25 tháng 12 năm 1991, Gorbachev từ chức Tổng thống Liên Xô; Liên Xô chính thức ngưng tồn tại.
Xây dựng Liên bang Nga
Là một trong những quốc gia độc lập mới hình thành, Nga thừa hưởng phần lớn tài sản, đất đai và dân số của Liên Xô. Nhưng giải thể không có nghĩa là đã giải quyết dứt điểm: mười lăm nước cộng hòa vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau, với nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau và sự đan xen phức tạp của các nhóm sắc tộc. Chẳng hạn, hầu hết người Nga đều cư trú tại Liên bang Nga, nhưng có 25 triệu người gốc Nga khác lại cư trú ở “các nước láng giềng gần” – các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Giải thể nhà nước Xô-viết là một chuyện, nhưng việc tháo gỡ các nút thắt trong quan hệ kinh tế, sắc tộc và văn hóa đã được hình thành trong nhiều thập kỷ cai trị của Sa hoàng và chế độ Xô-viết lại là chuyện khác.
Bản thân Liên bang Nga cũng không phải là một đơn vị gắn kết. Ngoài số lượng đáng kể các nhóm thiểu số về dân tộc và tôn giáo, nó còn thiếu đi các thể chế chính trị độc lập cần thiết để giải quyết các vấn đề và những khác biệt trọng yếu. Yeltsin đã giải tán Liên Xô và áp đặt lệnh cấm đối với Đảng Cộng sản, nhưng lại không có một cơ sở và tổ chức chính trị nào để thay thế. Ông ta có thực hiện chiến thuật liên minh với những người theo chủ nghĩa dân tộc và các phong trào dân chủ, nhưng lại không thể hiện một sự cam kết nào. Được bầu làm tổng thống Liên bang Nga vào năm 1991, trong 8 năm tiếp theo, ông ta thiếu đi một tầm nhìn và một chương trình rõ ràng mà thay vào đó lại tập trung vào việc củng cố quyền lực của “Tổng thống”. Trong suốt thời gian đó, Yeltsin đã phải đấu tranh chống lại một quốc hội mang tính độc lập và đối lập, vốn chỉ càng củng cố thêm khuynh hướng điều hành hống hách thay vì dân chủ của ông ta. Ban đầu, ông ta có thẩm quyền pháp lý đối với quyền lực này: vào giai đoạn tồn tại cuối cùng của Liên Xô, Đại hội Đại biểu Nhân dân Nga đã trao cho ông ta nhiều quyền lực, nhưng quyền lực ấy chỉ có hiệu lực trong một năm và hết hạn vào ngày 1 tháng 12 năm 1992. Yeltsin đã sử dụng quyền lực đó để biến hệ thống hành chính Xô-viết thành các cơ quan tổ chức của Nga, đôi khi chỉ bằng cách đổi tên chúng, nhưng thường là bằng cách tiến hành tái tổ chức một cách căn bản hơn. Ông ta cũng tạo ra một cơ quan “bán chính phủ” chịu trách nhiệm trực tiếp trước tổng thống (“Văn phòng Tổng thống”), cơ quan này ngày càng phát triển về quy mô và quyền lực.
Quyết định quan trọng nhất của Yeltsin là hoàn toàn chấp nhận “liệu pháp sốc”, một phương pháp triệt để nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường tự do. Nó dựa trên quan điểm của chủ nghĩa tân tự do đang thịnh hành, bao gồm việc bãi bỏ việc điều tiết giá cả, tư hữu hóa và thắt chặt ngân sách, với mục tiêu là chuyển đổi nhanh chóng sang một hệ thống kinh tế hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn theo mô hình phương Tây. Gorbachev đã từ chối sử dụng công thức này, nhưng Yeltsin lại không có chút kiềm chế nào; ông ta tin rằng nó sẽ mang lại kết quả tức thì và cũng sẽ giúp lôi kéo viện trợ và tín dụng từ các quốc gia phương Tây. Quyền Thủ tướng của ông ta – Egor Gaidar – tin tưởng mãnh liệt vào chương trình tân tự do này, một chương trình để chào mừng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và có vẻ là điềm báo cho chiến thắng toàn cầu của chế độ dân chủ thị trường tự do phương Tây.
Đúng như Gorbachev đã dự đoán, việc sử dụng liệu pháp tân tự do đó đi kèm với những cái giá rất đắt. Thứ nhất, nó không tạo ra được nguồn thu khổng lồ như dự kiến từ việc tư hữu hóa tài sản nhà nước và từ việc đạt được năng suất cao hơn. Ngược lại, nó lại dẫn đến sự sụt giảm mạnh về sản lượng và giá cả đối với các mặt hàng năng lượng xuất khẩu, khiến chính phủ mất khả năng thanh toán. Thêm vào đó, sự tan rã của Liên Xô đã cắt đứt những mối liên kết đặc trưng của nền kinh tế tự chủ và phụ thuộc lẫn nhau của Liên Xô. Các nhà máy vốn lệ thuộc vào các nước cộng hòa trực thuộc trước đây về tài nguyên hoặc thị trường thì nay lại đột nhiên không còn gì để dựa vào. Khi sản xuất và thương mại bị thu hẹp, thu ngân sách của chính phủ cũng sụt giảm tương ứng. Nhưng Moscow lại lo ngại về vấn đề cắt giảm chi tiêu: họ không dám cắt giảm các dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục và lương hưu), và cũng không dám cắt trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước (bởi điều này chỉ làm gia tăng số người thất nghiệp). Thay vào đó, Yeltsin đã cho in tiền một cách vô tội vạ, dẫn đến hậu quả tất yếu là lạm phát phi mã với mức tăng chóng mặt 2.609% trong năm 1992, xóa sạch tiền tiết kiệm mà các cá nhân tích lũy được trong nhiều năm và khiến cho toàn bộ nền tảng kinh tế – xã hội rơi vào tình trạng hỗn loạn hoàn toàn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội này đã tạo nền tảng cho những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Tổng thống Yeltsin và Quốc hội, căng thẳng này chỉ leo thang khi những quyền lực đặc biệt của Yeltsin hết hạn vào tháng 12 năm 1992. Phe Quốc hội và phe Tổng thống đã đàm phán nhưng không đạt được thỏa thuận nào, đặc biệt là về những vấn đề khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi thời kỳ hậu cộng sản. Vào tháng 4 năm 1993, Yeltsin tổ chức trưng cầu dân ý trên toàn quốc về bản dự thảo hiến pháp của mình, nhưng chỉ giành được đa số phiếu bầu không đáng kể, không đủ để áp đảo. Điều này báo hiệu một cuộc đối đầu công khai giữa Yeltsin và Quốc hội, thúc đẩy mỗi bên phải vận động và tìm kiếm sự ủng hộ của quần chúng. Vào mùa thu năm 1993, trước nguy cơ sụp đổ nền kinh tế và sự bất mãn gia tăng của quần chúng, trong cơn tuyệt vọng Yeltsin đã sử dụng vũ lực thô bạo và các phương thức bất hợp pháp, phi hiến pháp: vào ngày 21 tháng 9 năm 1993, ông ta giải tán Quốc hội, công bố kế hoạch bầu cử và trưng cầu dân ý về một dự thảo hiến pháp mới. Quốc hội đã tích cực chống lại cuộc đảo chính của Yeltsin; vị Tổng thống này đã tấn công Quốc hội, đàn áp phe đối lập (khiến gần 200 người chết và hàng trăm người khác bị thương), nhắc lại kế hoạch trưng cầu dân ý về hiến pháp và việc bầu ra Quốc hội mới.
Kết quả bỏ phiếu vào tháng 12 năm 1993 không giải quyết được vấn đề khủng hoảng chính trị. Trong cuộc trưng cầu dân ý, đa số cử tri đã thông qua bản Hiến pháp của Yeltsin, nhưng đó chỉ là đa số phiếu ít ỏi. Với tỷ lệ cử tri đi bầu thấp, chưa đến một phần ba cử tri đồng ý với hiến pháp mới – thậm chí họ còn đồng ý trước cả khi Yeltsin công bố toàn bộ văn bản của tài liệu nền tảng này. Các cuộc bầu cử nghị viện (nay được gọi là “Duma Quốc gia”) cũng không mang lại cho Yeltsin một cơ quan lập pháp đáng tin cậy. Ngược lại, phe đối lập chiếm đa số (với Đảng Cộng sản là phe phái lớn nhất), đã quyết tâm ngăn chặn từng nước đi của Yeltsin. Trong sáu năm tiếp theo, Yeltsin cầm quyền mà không có sự ủng hộ của Quốc hội, và điều đó chỉ càng củng cố khuynh hướng điều hành theo ý chí cá nhân của ông ta, gây cản trở nghiêm trọng đến năng lực của chính phủ trong việc xác định và giải quyết các vấn đề then chốt.
Thời kỳ cầm quyền của Yeltsin
Boris Yeltsin lên nắm quyền nhưng không có thực quyền. Mặc dù tuyên bố nắm giữ quyền lực trên phạm vi rộng lớn và xây dựng một bộ máy hành chính cá nhân (“dành cho tổng thống”) để thực thi ý chí của mình, quyền lực Yeltsin thực sự hạn chế. Ở cấp trung ương, một Duma đối lập đã kịch liệt phản đối các chính sách và phá hoại chương trình lập pháp của ông ta. Cuộc bầu cử Duma mới vào tháng 12 năm 1995 cũng không giúp ích được gì: kết quả là phe đa số chống Yeltsin chiếm hai phần ba (với Đảng Cộng sản chiếm ưu thế), thậm chí phe này ngày càng trở nên nổi loạn hơn, họ cảm thấy tự tin hơn nhờ vào các cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ ủng hộ thấp đối với Yeltsin, và có nhận thức sâu sắc về tình hình kinh tế tuyệt vọng của đất nước. Nhưng Duma chỉ có quyền lực hạn chế: nó có thể cản trở, nhưng không thể áp đặt ý chí của riêng mình hoặc vạch ra một đường lối mới. Hiến pháp của Yeltsin năm 1993 nhằm mục đích tạo ra một “siêu tổng thống”, qua đó hạn chế quyền lực của quốc hội trong việc đề xuất các dự luật, kiểm tra các cơ quan hành pháp và luận tội Yeltsin cùng các quan chức của ông ta. Duma có quyền bác bỏ đề xuất của tổng thống về ứng cử viên cho chức Thủ tướng, nhưng sẽ phải tự chịu rủi ro nếu làm như vậy: sau ba phiếu chống, Tổng thống có thể giải tán Duma và kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới. Điều đó sẽ buộc các đại biểu Duma phải mạo hiểm đánh cược với các đặc quyền và lợi ích của họ, một canh bạc mà ít ai dám chấp nhận. Sau khi được phê chuẩn, thủ tướng và chính quyền của ông ta không chịu trách nhiệm trước quốc hội. Thêm vào đó, với những báo cáo về tham nhũng và hành vi tai tiếng (xô xát và ẩu đả trong các phiên họp quan trọng), Duma không thể nâng cao được vị thế của mình trong dư luận. Tuy nhiên, khi sự ủng hộ dành cho Yeltsin giảm mạnh và cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước trở nên sâu sắc hơn, Duma đã có nhiều cơ hội để phô bày sự yếu kém và tham nhũng của chế độ. Duma đã thể hiện một cách đầy ấn tượng lòng tự trọng và quyền lực của mình vào tháng 9 năm 1998, khi buộc Yeltsin rút lại đề cử ban đầu về chức vụ thủ tướng và chấp nhận một ứng cử viên khác – Evgenii Primakov – người nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Duma, chứ không phải của Tổng thống.
Thiếu đi sự ủng hộ của cả cử tri lẫn quốc hội, Yeltsin trở nên độc đoán và thất thường hơn bao giờ hết. Lời đe dọa hủy bỏ cuộc bầu cử năm 1996 của ông ta đã cho thấy ông ta khó có thể được coi là một nhà dân chủ thực thụ. Đối mặt với việc không được lòng dân, ông ta hành động giống như một vị Tổng bí thư của Đảng quyết tâm áp đặt ý chí của riêng mình, bất chấp Duma hay dư luận. Hầu hết mọi người, kể cả những cựu cộng sự thân cận, đều đồng ý với một cựu thư ký báo chí rằng Yeltsin “không có hệ tư tưởng nào của riêng mình ngoại trừ hệ tư tưởng về quyền lực”. Đối với Yeltsin, cầm quyền đồng nghĩa với việc ra sắc lệnh: vào năm 1996, khi Duma thông qua 230 đạo luật, vị Tổng thống này đã ban hành 1.000 sắc lệnh cá nhân (ukazy) và ký thêm 2.000 sắc lệnh và chỉ thị từ Văn phòng Tổng thống. Ngoài bệnh thích ra sắc lệnh (“ukazomania”), Yeltsin còn thể hiện rõ sở thích độc đoán mà dường như không có mục đích nào khác ngoài việc nhắc nhở những người xung quanh rằng ai mới là ông chủ. Trong một cuộc dạo chơi bằng du thuyền ở Siberia, “Sa hoàng Boris” đã nổi giận với một phụ tá và ném anh ta xuống nước; một phụ tá khác đứng ở tầng dưới đã nhìn thấy có bóng người bay vụt qua, tứ chi khua khoắng dữ dội, thoáng nhìn thì còn tưởng đó là một loài chim Siberia kỳ lạ. Thói quen uống rượu của Yeltsin cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Theo báo cáo, sau khi uống say, vị Tổng thống này thích gõ nhịp trống trên trán của các phụ tá bất hạnh và thậm chí còn được cho là đã ban tặng “vinh dự” này cho Tổng thống Oskar Akaev của Kyrgyzstan. Yeltsin đã biến nội các quốc gia thành một triều đình.
Triều đình này không muốn có thêm những gương mặt mới: Thói tự quyết của Yeltsin được thể hiện rõ ràng và có sức tàn phá nhất thông qua việc thay đổi chóng mặt các quan chức hàng đầu. Sau khi Yeltsin sa thải Viktor Chernomyrdin khỏi cương vị Thủ tướng vào tháng 3 năm 1998 (có lẽ vì ông này đã tỏ ra “tổng thống” hơn cả Tổng thống), đất nước này đã chứng kiến sự ra đi của bốn thủ tướng khác nhau trong vòng mười sáu tháng. Điện Kremlin đã biến thành trò chơi đổi chỗ ngồi. Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Yeltsin đã có tổng cộng năm thủ tướng, ba bộ trưởng ngoại giao, ba bộ trưởng quốc phòng, năm bộ trưởng tài chính, năm chánh văn phòng và bảy người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia. Tệ hơn nữa, năng lực và thời gian tại vị dường như có mối quan hệ nghịch đảo. Điều này được chứng thực bởi việc sa thải vội vàng Aleksandr Lebed (người giữ chức thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia vào tháng 11 năm 1996) và Evgenii Primakov (người giữ chức thủ tướng vào tháng 3 năm 1999). Với việc Yeltsin không có khả năng lãnh đạo đất nước, sự thay đổi nhân sự này chỉ càng đẩy nhanh việc phá vỡ cơ chế quản lý hợp lý và có trật tự.
Điều này cũng mở toang cánh cửa cho tham nhũng, với sức ảnh hưởng rất lớn rơi vào tay các cố vấn thân cận và những người ủng hộ – được gọi chung là nhóm “Gia đình”. Một nhóm quyền lực nội bộ do con gái của Yeltsin (Tatiana Diachenko, người chính thức được bổ nhiệm làm cố vấn Tổng thống vào năm 1997) cầm đầu đã kiểm soát việc tiếp cận Yeltsin và định hình việc ra quyết định. “Đoàn tùy tùng” này bao gồm một số “đầu sỏ tài phiệt” – những doanh nhân giàu có đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ bằng những phương thức đáng ngờ và có mối quan hệ với các quan chức cấp cao và đã trả ơn cho họ bằng cách tài trợ cho việc tái đắc cử của Yeltsin vào năm 1996. Nhóm tinh hoa này bao gồm những nhân vật như Boris Berezovskii (từng là nhà toán học, đồng thời là một nhà kinh doanh ô tô vươn lên trở thành nhà tài phiệt), người đã công khai khoe khoang rằng các “đầu sỏ tài phiệt” kiểm soát “50% nền kinh tế Nga”, đóng vai trò quan trọng trong việc tái đắc cử của Yeltsin vào năm 1996, qua đó tuyên bố họ có quyền “giữ các vị trí chủ chốt trong chính phủ và hưởng lợi từ thành quả của chiến thắng”. Bản thân Berezovskii thì trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh; một tài phiệt khác – Vladimir Potanin – giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách chính sách kinh tế. Nhưng chẳng bao lâu, các tài phiệt này lại tranh cãi về phần thưởng giành cho người chiến thắng và sử dụng quyền kiểm soát phương tiện truyền thông để lan truyền tài liệu bôi nhọ các quan chức hàng đầu, điều này càng làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với chính phủ Yeltsin.
Khi “trung ương” sụp đổ, 89 nước cộng hòa và vùng lãnh thổ của các dân tộc thiểu số ngày càng trở nên độc lập và quyết đoán hơn. Trong cuộc đấu tranh với Gorbachev, chính Yeltsin đã khuyến khích xu hướng “ly tâm” bằng cách xúi giục các chính quyền địa phương giữ lại thuế và tự mình ra quyết định – ví dụ điển hình nhất là việc kêu gọi giới lãnh đạo ở Tatarstan vào năm 1990 rằng “hãy nắm lấy càng nhiều chủ quyền càng tốt”. Sự tan rã của chính quyền trung ương được đẩy nhanh sau khi Liên Xô sụp đổ, khi các nước cộng hòa và các vùng miền trên khắp nước Nga đều giữ lại thuế, tuyên bố “chủ quyền”, bổ nhiệm các quan chức, và – ở 70 trong số 89 vùng – đã thông qua các đạo luật và hiến pháp khác biệt với hiến pháp và đạo luật của liên bang. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Yeltsin, khi khủng hoảng chính trị và kinh tế trở nên sâu sắc hơn, một số vùng đã áp dụng việc kiểm soát giá cả và xuất khẩu để bảo vệ công dân của họ. Giống như trường hợp của các đầu sỏ, Yeltsin đã phân phối các đặc quyền và tài sản cho họ để đổi lấy sự ủng hộ về chính trị, hệ thống hóa các thỏa thuận đó trong các hiệp ước song phương với hơn một nửa các vùng miền.
Một yếu tố quan trọng dẫn đến sự tan rã của chính quyền trung ương là việc họ không thể thu thuế từ công dân và doanh nghiệp. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến 1997, thu ngân sách nhà nước đã giảm gần 45%, một phần là do các vùng miền đã giảm việc chuyển tiền thu ngân sách lên trung ương, một phần vì các cá nhân và doanh nghiệp điềm nhiên từ chối nộp thuế (năm 1997, chỉ có 16% số người nộp thuế nộp đầy đủ và đúng hạn, 50% nộp một phần và chậm nộp, và 34% không nộp gì cả). Khi chính phủ đề xuất cải cách thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, những doanh nhân nhỏ lẻ đã rất bàng hoàng: “Đừng làm gì cả, cứ như vậy là được rồi! Chúng tôi trốn tất cả các loại thuế, từ thuế lợi nhuận cho đến thuế giá trị gia tăng. Chúng tôi đã học được cách né tránh tất cả các khoản thuế đánh vào các dịch vụ xã hội”. Yeltsin đã từng bước “hợp pháp hóa” việc trốn thuế bằng cách thực hiện các thỏa thuận đặc biệt với các công ty có tầm ảnh hưởng; những công ty khác chỉ đơn giản là từ chối nộp thuế (80 doanh nghiệp hàng đầu của Nga chiếm 40% nợ thuế). Các yếu tố khác dẫn đến sự sụt giảm thuế bao gồm sự tan rã của bộ máy thu thuế nhà nước, sự phát triển của “nền kinh tế ngầm” không được ghi chép trong sổ sách kế toán và tình trạng tham nhũng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các nhóm tội phạm có tổ chức. Việc thu thuế đã trở thành một cuộc nội chiến: vào năm 1996, có hai mươi sáu công chức thuế bị sát hại, mười tám văn phòng thuế bị đánh bom và tấn công vũ trang. Vào tháng 10 năm 1997, Yeltsin đã thừa nhận mức độ nguy hiểm của vấn đề này và thành lập một “ủy ban đặc biệt” (sử dụng chính các chữ cái tiếng Nga viết tắt giống như tên viết tắt của lực lượng cảnh sát mật đầu tiên của Liên-xô, VChK) để thu thuế. Trong cơn tuyệt vọng, Chính phủ đã áp thêm vô số loại thuế mới (có đến hơn 200 loại thuế khác nhau được ghi vào sổ sách năm 1997), nhưng những loại thuế này lại đầy rẫy sự nhượng bộ cho những nhóm lợi ích đặc biệt, có thể được giải thích một cách tùy tiện và dễ dàng thao túng. Đến cuối những năm 1990, thu ngân sách của chính phủ chỉ đạt 16 tỷ đô-la Mỹ – tương đương với 1% mức thu ngân sách chảy vào Ngân khố của Hoa Kỳ.
Một quốc gia nghèo là một quốc gia tham nhũng: những công chức được trả lương thấp, từ bộ trưởng đến dân quân, đều công khai đòi hối lộ. Việc hối lộ tràn lan đến cả những cấp bậc cao nhất trong chính phủ. Vụ việc gây rúng động nhất liên quan đến cáo buộc của các nhà điều tra Thụy Sĩ rằng Pavel Borodin (một quan chức của Điện Kremlin phụ trách quản lý tài sản của Tổng thống và là người bảo trợ cho Tổng thống tương lai Vladimir Putin) đã nhận 65 triệu đô-la tiền hoa hồng từ hai công ty Thụy Sĩ để đổi lấy hợp đồng cải tạo các tài sản của Điện Kremlin. Tham nhũng cũng tạo ra cơ hội để chiếm đoạt tài sản nhà nước với mức giá rẻ mạt. Một nhà tài phiệt đã nhận xét vào năm 1997 rằng chính trị là ngành kinh doanh béo bở nhất ở Nga – một lời bóng gió thẳng thắn về các thỏa thuận nội bộ, đặc quyền đặc lợi và mức giá “bán tống bán tháo” của các tài sản nhà nước dành cho những người có mối quan hệ chính trị tốt.
Khi thu ngân sách giảm mạnh, nhà nước buộc phải cắt giảm các dịch vụ cơ bản – từ thực thi pháp luật và quốc phòng cho đến giáo dục và y tế cộng đồng. Mặc dù số lượng công chức nhà nước tăng lên (đặc biệt là những người trong “Chính quyền của Tổng thống”), chính phủ vẫn liên tục giảm phân bổ ngân sách cho các dịch vụ thiết yếu. Chẳng hạn, ngân sách cho việc thực thi pháp luật giảm 17%. Hậu quả tất yếu là tình trạng chảy máu nhân sự, gây cản trở hoạt động của không chỉ Bộ Nội vụ mà cả Ủy ban An ninh Nhà nước (KGB) đầy quyền lực (nay là FSB – Cơ quan An ninh Liên bang). Sự tan rã này đã dẫn đến việc tư hữu hóa bạo lực, khi các công ty an ninh tư nhân – vốn không tồn tại vào năm 1992 – đã phát triển lên đến con số 10.804 công ty với 156.000 nhân viên vào năm 1998 (trong đó 23% nhân viên đến từ Bộ Nội vụ và 8% đến từ FSB).
Điều đáng chú ý hơn nữa là sự sụt giảm ngân sách dành cho quốc phòng: ngân sách giảm xuống còn 1/7 so với thời Xô-viết, gây ra những hậu quả tàn khốc cho bộ máy liên hợp công nghiệp-quân sự và cho chính bản thân lực lượng vũ trang. Chính phủ tập trung nguồn lực hạn chế của mình vào việc duy trì sức mạnh hạt nhân chiến lược trong tình trạng sẵn sàng, nhưng lại phải cắt giảm mạnh mẽ việc nghiên cứu và phát triển, hoãn mua các vũ khí mới, trì hoãn việc trả những đồng lương ít ỏi và giảm quỹ vận hành (đến mức các tàu chiến phải nằm im ở bến cảng và máy bay chiến đấu thì nằm lì trên mặt đất). Đến cuối những năm 1990, không quân và hải quân Nga rơi vào tình trạng bảo trì kém và tụt hậu; ví dụ, hạm đội tàu ngầm hạt nhân đã giảm từ 247 chiếc xuống còn 67 chiếc (một số chiếc không còn hoạt động được). Bần cùng sinh ra tham nhũng và trộm cắp, sự kiện giật gân nhất là việc các vật liệu phân hạch biến mất – như giám đốc Hội đồng An ninh đã thừa nhận vào năm 1996, chúng bao gồm hơn một nửa số “thiết bị hạt nhân di động” của đất nước. Tinh thần sa sút, sự thiếu thốn và nạn “ngược đãi” (sự ngược đãi tàn bạo của cấp trên đối với những người lính nghĩa vụ) dẫn đến việc đào ngũ, tự sát và nhiều vụ giết người. Không có gì ngạc nhiên khi chế độ nghĩa vụ quân sự không còn hoạt động đúng chức năng vì phần lớn tân binh đã hối lộ để được miễn nghĩa vụ hoặc đơn giản là phớt lờ các giấy gọi nhập ngũ.
Sự khủng hoảng tài khóa kết hợp với tư tưởng tân tự do đã buộc chính phủ phải cắt giảm mạnh các dịch vụ xã hội và nhu cầu văn hóa. Thí dụ, trong lĩnh vực giáo dục, tình trạng thiếu ngân sách của nhà nước – trong bối cảnh lạm phát – đã khiến cho đồng lương của giáo viên giảm xuống mức rất thấp (nếu họ còn được trả lương) và biến giáo viên thành một phần nổi bật của các phong trào đình công. Học sinh, sinh viên cũng chịu thiệt thòi: mặc dù hiến pháp đã đảm bảo cho họ được hưởng nền giáo dục miễn phí, các trường phổ thông và đại học – đặc biệt là các trường nổi tiếng – ngày càng yêu cầu học sinh, sinh viên đóng học phí và hối lộ. Hệ thống y tế công cũng gặp những vấn đề tương tự: chế độ chăm sóc sức khỏe toàn dân đã nhường chỗ cho các dịch vụ tính phí mà 95% dân số không đủ khả năng chi trả. Chính sách “thắt lưng buộc bụng” về ngân sách cũng ảnh hưởng đến văn hóa: các tổ chức mỹ thuật – bảo tàng, điện ảnh, nhà hát và phòng hòa nhạc – đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu, không chỉ từ tiền trợ cấp của nhà nước mà còn từ túi tiền của những người dân nghèo khổ (thí dụ, doanh số bán vé xem phim đã giảm 50% trong giai đoạn 1990-1997). Điện ảnh cũng không khả quan hơn: hãng phim Mosfilm – trước đây sản xuất được 60 bộ phim truyện mỗi năm – thì nay chỉ sản xuất được một hoặc hai bộ phim. Các nhà làm phim Nga vẫn có thể làm ra những tác phẩm nghệ thuật đoạt giải thưởng (chẳng hạn như “Burnt by the Sun” – tạm dịch: “Bị mặt trời thiêu đốt” – của Nikita Mikhalkov và “Prisoner of the Mountains” – tạm dịch: “Tù nhân của những ngọn núi” của Sergei Bodrov), nhưng nền điện ảnh Nga đã gần như sụp đổ.
Để bù đắp cho các khoản thu ngân sách ngày một giảm, chính phủ trung ương đã phải dùng đến các biện pháp tài chính tuyệt vọng. Tai tiếng nhất là chương trình “đổi cổ phiếu lấy khoản vay” trong giai đoạn 1996-1998, sử dụng tài sản của nhà nước (bao gồm các công ty dầu mỏ và khoáng sản) làm tài sản thế chấp cho các khoản vay từ các ngân hàng hàng đầu. Mặc dù về lý thuyết, chính phủ có thể chuộc lại tài sản, nhưng tình trạng gần như phá sản của chính phủ có nghĩa là các khoản vay của họ tương đương với việc bán đi tài sản. Và với mức giá rẻ mạt: với việc các “cuộc đấu giá” được dàn xếp để loại trừ các đối thủ cạnh tranh, các ngân hàng cho chính phủ vay đã tổ chức các cuộc đấu giá – và có thể đoán trước được là họ sẽ xuất hiện với tư cách “người thắng cuộc”, chỉ phải bỏ ra số tiền bằng một phần nhỏ so với giá thị trường thực tế. Ví dụ, ngân hàng Menatep của Mikhail Khodorkovskii đã mua lại dầu Yukos (trị giá từ 7 đến 10 tỷ đô-la) chỉ với 159 triệu đô-la, mở đường cho Khodorkovskii tích lũy khối tài sản khổng lồ và trở thành người giàu nhất nước Nga. Cả 16 “cuộc đấu giá” đều diễn ra theo cùng một mô hình nội bộ. Chính phủ của Yeltsin mô tả các giao dịch này là “tư hữu hóa” (privatizatsiia) hợp pháp, nhưng các nhà quan sát đã tinh tế gọi đó là “sự chiếm đoạt” (prikhvatizatsiia). Với những món hời giúp làm giàu cho người trong cuộc nhưng lại không làm giàu cho đất nước, “vụ mua bán thế kỷ” này đã không tạo ra được nguồn thu ngân sách khổng lồ như mong đợi.
Chính phủ tiếp tục tìm kiếm các khoản vay ở trong và ngoài nước, nhưng lại gặp khó khăn cực độ trong việc thu hút vốn nước ngoài, chủ yếu là do chính quyền Yeltsin đã mất uy tín và không tuân thủ các cam kết trước đó. Tuy nhiên, việc tuân thủ này cũng không hề dễ dàng: Phương Tây đã ràng buộc Nga bằng các khoản cho vay và tín dụng với các “điều kiện” đòi hỏi nước này phải có chính sách thắt chặt tiền tệ và thắt lưng buộc bụng về tài chính. Chính sách tiền tệ đã phản ánh được thực tế tài chính của Nga, cụ thể là, nhu cầu cấp thiết phải trả nợ nước ngoài đã buộc chính phủ phải chuyển hướng nguồn ngân sách lẽ ra được dùng cho các lĩnh vực quản trị, quốc phòng, thực thi pháp luật và các chương trình xã hội thiết yếu. Chính phủ cũng phải cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp thua lỗ (khiến họ đứng trước nguy cơ phá sản và người lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp) và cắt giảm các dịch vụ xã hội trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục và y tế cộng đồng. Để bù đắp sự thiếu hụt của dòng tiền hiện tại, Điện Kremlin tuyệt vọng đã phải sử dụng đến các trái phiếu chính phủ có kỳ hạn ba tháng. Mặc dù chiến lược đó giúp ích trong ngắn hạn, nhưng nó cũng giống như một kim tự tháp tài chính mà trong đó nhà nước – với lãi vay tăng và nguồn thu từ thuế giảm – đã phải đi vay ngày càng nhiều hơn chỉ để trang trải khoản nợ ngày càng lớn.
Vào tháng 8 năm 1998, kim tự tháp này đã sụp đổ. Phải thừa nhận rằng chính phủ Yeltsin không phải là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm; họ cũng là nạn nhân của cú lao dốc bất ngờ đến 39% của giá dầu (từ 18 đô-la một thùng vào năm 1997 xuống 11 đô-la vào năm 1998) và cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Á (đã khiến cho các nhà đầu tư sợ hãi rời bỏ các thị trường đang phát triển này). Nhưng vấn đề cơ bản là thâm hụt ngân sách ngày càng tăng lại được bù đắp bằng trái phiếu chính phủ ngắn hạn có lãi suất cao. Khi thu ngân sách giảm và lãi suất tăng, ngay cả khoản cho vay vào phút chót của Ngân hàng Thế giới cũng không thể ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ: vào “ngày thứ Hai Đen Tối”, ngày 17 tháng 8 năm 1998, chính phủ đã không thể trả được cả gốc và lãi cho số trái phiếu có tổng trị giá 40 tỷ đô-la và không đưa ra được một giải pháp rõ ràng nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Yeltsin đã tuyên bố hùng hồn rằng giá trị của đồng rúp sẽ không giảm, nó vững chắc như một tảng đá, và sau đó nó lại lao dốc không phanh. Việc vỡ nợ đã đẩy xếp hạng tín dụng của Nga xuống mức thấp nhất, khiến thị trường chứng khoán Nga mất đi 88% giá trị, làm phá sản năm trong số mười ngân hàng lớn nhất, xóa sổ 1/3 các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm tiền lương thực tế đến 2/3. Không có gì ngạc nhiên, tỷ lệ ủng hộ Yeltsin giảm xuống chỉ còn 2%.
“Cuộc cải tổ thảm họa”
Cuộc khủng hoảng tài chính tháng 8 năm 1998 chỉ là đỉnh điểm của sự suy thoái kinh tế chưa từng có, được khởi động bởi “liệu pháp sốc” tai hại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Yeltsin. Mặc dù chính phủ đã rút lui khỏi chiến lược ban đầu này, nhưng họ vẫn đi theo chiến lược tân tự do nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tự do hóa thị trường và tư hữu hóa tài sản nhà nước. Dưới áp lực từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, cuối cùng chính phủ đã kiểm soát được lạm phát (từ 2.609% vào năm 1992 xuống còn 11% vào năm 1997), tự do hóa hầu hết các lĩnh vực, cắt giảm trợ cấp và chi tiêu xã hội, và đến năm 1996 đã tư hữu hóa khoảng 70% toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ có thể tự hào rằng họ không chỉ ngăn chặn được sự sụt giảm mạnh của GDP, lần đầu tiên kể từ năm 1991, mà còn đạt được mức tăng trưởng kinh tế nhẹ trong thời gian ngắn (vào quý 3 năm 1997), cùng với sự bùng nổ 600% trên thị trường chứng khoán Nga.
Tuy nhiên, đến năm 1998, kết quả chung cuộc vẫn là 8 năm suy thoái thê thảm với quy mô chưa từng có. GDP giảm mạnh 43% từ năm 1991 đến năm 1997. Để so sánh, cuộc Đại Suy Thoái ở Hoa Kỳ chỉ có mức giảm 32%, thậm chí cả sự tàn phá khổng lồ của Thế chiến II cũng chỉ làm giảm 24% GDP của Liên Xô. Khi Nga lao dốc, các nước phát triển lại đang tận hưởng sự thịnh vượng kinh tế chưa từng có, làm tăng thêm khoảng cách giữa họ với Nga, thậm chí còn đe dọa đẩy Nga xuống vị trí của một quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Sự suy thoái này khiến người ta phải kinh ngạc; vào năm 1980, GDP trên đầu người của Nga bằng 38% của Hoa Kỳ, nhưng đã giảm xuống chỉ còn 4% vào năm 1999. Ngay cả khi điều chỉnh ngang giá sức mua, GDP trên đầu người của Nga vào năm 1999 chỉ đạt 4.200 đô-la – cao hơn một chút so với Botswana (3.900 đô-la), nhưng lại thấp hơn cả Namibia (4.300 đô-la) và Peru (4.400 đô-la). Cuộc suy thoái thời kỳ hậu Xô-viết không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nông nghiệp, nơi tổng sản lượng giảm một phần ba, và sản lượng ngành chăn nuôi thậm chí còn giảm mạnh hơn nữa (khoảng một nửa).
Quan trọng không kém so với sự suy giảm về số lượng là sự giảm sút về chất lượng: khi đầu tư giảm mạnh và các nhà máy phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường thế giới, Nga đã trở thành nhà cung cấp nguyên liệu thô và tài nguyên năng lượng. Hệ quả là nền kinh tế Nga bị thô sơ hóa: các ngành sản xuất (bao gồm cả các ngành công nghệ cao và quốc phòng) phải chuyển sang sản xuất hàng tiêu dùng chất lượng thấp hoặc đóng cửa hoàn toàn. Chẳng hạn, sản lượng chip máy tính giảm từ 1,6 tỷ đô-la vào năm 1989 xuống còn 385 triệu đô-la vào năm 1995; một nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu vào năm 1992 đã chuyển sang sản xuất dầu gội bốn năm sau đó. Ngành hàng không vũ trụ trước đây sản xuất được 2.500 máy bay mỗi năm và chiếm 60% tổng số lượng máy bay trên thế giới thì giờ đây gần như bị đình trệ; vào năm 2000, ngành này chỉ sản xuất được 4 máy bay (so với 489 chiếc của Boeing). Khi xuất khẩu của Nga tập trung vào năng lượng và nguyên liệu thô, nền kinh tế trở nên quá phụ thuộc vào các thị trường đầy biến động với giá cả dao động mạnh. Nông nghiệp cũng trải qua sự sụt giảm tương tự. Do thiếu trợ cấp của nhà nước, vốn tư nhân và nhu cầu thực tế, các nhà sản xuất nông nghiệp đã giảm sử dụng phân bón (giảm 89%) và thậm chí cả máy móc (giảm tiêu thụ xăng dầu 74%).
Nga cũng phải chịu đựng sự suy thoái trầm trọng về nguồn vốn cố định và nguồn nhân lực. Do thiếu đầu tư (đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ít, dòng vốn chảy ra nước ngoài nhiều, lãi suất cao và chính sách thắt chặt tiền tệ), máy móc của Nga đã trở nên lỗi thời và do đó ngày càng kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và thậm chí cả trong nước. Tổn thất về nguồn nhân lực cũng rất lớn, nhất là do tình trạng “chảy máu chất xám” ồ ạt đã tước đi của đất nước này nhiều nhân tài, những trí thức ưu tú. Tình trạng này thậm chí còn xảy ra với những người ở lại, vì nhiều người – đặc biệt là giới trẻ – đã từ bỏ ngành giáo dục và công nghệ để chuyển sang các công việc được trả lương cao hơn trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh.
Bất chấp những kỳ vọng màu hồng, thời kỳ chuyển đổi đã mang đến sự suy thoái kinh tế thảm khốc. Chính sách tự do hóa đã cho phép các nhà sản xuất Nga tiếp cận được với thị trường toàn cầu, nhưng cũng buộc họ phải đối mặt với sự biến động, giá cả, và tiêu chuẩn của thị trường này – những yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất và lợi nhuận. Thí dụ, giá năng lượng của Liên Xô chỉ bằng một phần ba giá năng lượng thịnh hành trên thị trường thế giới; do đó, việc giảm điều tiết giá năng lượng trong nước đã khiến các doanh nghiệp kém hiệu quả khó có cơ hội tồn tại. Hơn nữa, sự tan rã của một “không gian kinh tế” thống nhất ở Liên Xô đã đột nhiên tước đi nguồn cung và đầu ra truyền thống của các nhà sản xuất. Thật vậy, các nước cộng hòa từng trực thuộc Liên Xô đã tìm kiếm đối tác ở những nơi khác, và thương mại giữa các nước cộng hòa trong cộng đồng các quốc gia độc lập SNG đã giảm 70% trong những năm 1990.
Mặc dù việc sụt giảm là điều không thể tránh khỏi, nhưng mức độ nghiêm trọng của những gì xảy ra trong những năm 1990 thậm chí còn vượt xa cả những dự đoán xấu nhất. Một yếu tố trong đó là sự thiếu hụt vốn đầu tư trầm trọng, đã giảm mạnh 92% trong giai đoạn 1989-1997. Do đó, cùng với sự khấu hao của các nhà máy và máy móc hiện có (ngày càng lỗi thời và cạn kiệt), nước Nga thực sự đã trải qua một đợt thoái vốn, trong đó vốn cố định giảm 12% vào năm 1998. Nhà nước – với những khó khăn về tài chính – đã bất lực trong việc ngăn chặn sự sụt giảm vốn đầu tư này. Ngay cả các “doanh nhân mới” của Nga cũng không cung cấp đủ nguồn vốn cần thiết. Hầu hết trong số họ đều thiếu nguồn lực, việc tư hữu hóa chỉ đơn giản là mang lại quyền sở hữu tài sản, thường là cho những thành viên trong nhóm nội bộ không có đủ vốn hoặc năng lực kinh doanh để hiện đại hóa hoặc thậm chí là duy trì các doanh nghiệp này. Một quan sát viên đã có mô tả rất xác đáng về việc tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn: “Chúng ta đã bán tháo một đàn voi với giá của một bầy thỏ, và giờ đây một tầng lớp chủ sở hữu mới đang cố gắng nuôi chúng bằng một củ cà rốt mỗi ngày”. Việc tư hữu hóa trong nội bộ đã không tạo ra được một tầng lớp doanh nhân đổi mới sáng tạo mà chỉ sinh ra một tầng lớp doanh nhân công khai tuyên bố rằng chính trị là con đường giúp cho các cá nhân giàu lên nhanh chóng, chứ không hề tạo ra sự đổi mới và đầu tư. Do đó, các “doanh nhân” không chỉ hối lộ các chính trị gia, mà các chính trị gia cũng phải hối lộ lại các “doanh nhân”. Và một khi thành công, các doanh nhân này sẽ nhanh chóng chuyển những khoản lợi nhuận bất chính của họ ra nước ngoài; dòng vốn chảy ra nước ngoài trong những năm 1990 vượt 200 tỷ đô-la.
Sự chảy máu nguồn vốn quý giá này lớn hơn rất nhiều so với dòng vốn đầu tư ít ỏi đến từ nước ngoài – tổng cộng là 29,4 tỷ đô-la, trong đó chỉ có 12,8 tỷ là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Con số này thấp hơn nhiều so với những khoản tiền khổng lồ mà các nhà cố vấn kinh tế phương Tây dự đoán và các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây hứa hẹn. Ngoài các khoản vay (dự định dùng để thúc đẩy ổn định tiền tệ, nhưng lại ngày càng được sử dụng để trả các khoản nợ nước ngoài của Nga và bị chiếm đoạt một cách không minh bạch), các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư tư nhân nhận thấy thị trường Nga có quá nhiều tham nhũng và rủi ro, nhất là đối với FDI. Những câu chuyện về những người bị lừa gạt, thậm chí là bị sát hại, đã làm nản lòng tất cả, trừ những người ưa thích mạo hiểm nhất. Kết quả là, Nga chỉ thu hút được một phần nhỏ vốn đầu tư toàn cầu (dưới 1% tổng vốn FDI toàn cầu vào năm 1995 – thấp hơn cả tỷ lệ của Peru, và bằng một phần mười của Trung Quốc). Điều đáng chú ý hơn nữa là sự tương phản của Nga với các quốc gia Đông Âu, nơi FDI bình quân đầu người cao gấp 12 lần. Nạn đói vốn (do khấu hao tài sản đã gây ra sự ngưng vốn đầu tư ròng) dẫn đến “phi công nghiệp hóa” và khiến đất nước này phải tập trung xuất khẩu vào thị trường nguyên liệu thô, kim loại và tài nguyên năng lượng đầy biến động.
Chính sách tồi tệ – bị chi phối bởi chủ nghĩa tân tự do của các chủ nợ nước ngoài và cố vấn phương Tây – càng làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của Nga. Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới sau này đã nhận xét rằng những nhà cải cách đã “bị ảnh hưởng quá mức bởi các mô hình quá đơn giản trong sách giáo khoa về nền kinh tế thị trường”, điều này đã tạo ra niềm tin thần bí vào “thị trường”, phủ nhận vai trò của nhà nước và bỏ qua nhu cầu xây dựng thể chế nền tảng của một nền kinh tế thị trường. Khi nhà nước thất bại (các thể chế sụp đổ, tài chính suy yếu, quyền lực giảm sút), nó không thể thiết kế và thực hiện được một chiến lược kinh tế ưu tiên như chiến lược đã được sử dụng thành công bởi “những con hổ châu Á”. Thật vậy, khi Yeltsin dùng các tài sản và đặc quyền của nhà nước để đổi lấy sự ủng hộ về mặt chính trị, nước Nga đã suy thoái từ một “nền kinh tế chỉ huy” thành điều mà nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Douglas North đã lên án là “tình trạng hỗn loạn… mà chúng ta đã quan sát thấy ở Nga”.
Không phải lời khuyên nào cũng vô tư: các nước phương Tây – đặc biệt là Hoa kỳ – đã hưởng lợi từ sự sụp đổ kinh tế đã khiến cho một quốc gia từng là siêu cường bị gạt ra ngoài lề và trở nên nghèo đói. Do mối liên hệ chặt chẽ giữa phương Tây và công cuộc cải cách kinh tế (được củng cố bởi các chiến dịch tuyên truyền, chẳng hạn như chiến dịch do Hoa Kỳ tài trợ để ca ngợi việc tư hữu hóa), phần lớn người dân Nga nghi ngờ rằng phương Tây đã cố tình gây ra thảm họa kinh tế này nhằm đạt được mục tiêu thuộc địa hóa nền kinh tế của Nga và đảm bảo vị trí bá quyền trên toàn cầu của Mỹ. Một số cố vấn phương Tây đã lợi dụng tình trạng khó khăn của Nga để mưu lợi riêng. Trường hợp tai tiếng nhất là Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc Viện Phát triển Quốc tế Harvard (nhận được 40 triệu đô-la tiền trợ cấp của chính phủ và kiểm soát danh mục đầu tư trị giá 350 triệu đô-la tiền viện trợ) đã xử lý sai số tiền viện trợ, và các vị lãnh đạo của viện đã tham gia vào giao dịch ngầm này. Những tiết lộ như vậy tràn ngập trên báo chí Nga, củng cố thêm sự bất mãn và mất lòng tin của người dân vào chính phủ, vào công cuộc cải cách thị trường và những nhà tài trợ phương Tây của họ.
“Đa cực” và “Thân nước ngoài”
Thời kỳ trăng mật hậu Liên Xô trong mối quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ, không kéo dài được qua giữa thập niên 1990. Ngoài những vấn đề nhỏ (chẳng hạn như những cáo buộc liên tục về các hoạt động tình báo), thì ba vấn đề chính là: quyết định của NATO về việc kết nạp các quốc gia từng thuộc khối Đông Âu cũ và thậm chí cả các nước cộng hòa trực thuộc Liên Xô cũ, sự can thiệp quân sự phương Tây vào Nam Tư, và kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ.
Bóng ma của việc mở rộng NATO – từng được thảo luận trong nhiệm kỳ đầu tiên của Yeltsin – giờ đã trở thành hiện thực. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Yeltsin là Andrei Kozyrev, một người dễ tính theo chủ nghĩa “thân phương Tây”, đã đồng ý với những kế hoạch như vậy (với hy vọng duy trì được các mối quan hệ tốt đẹp), thì việc ông rời nhiệm sở vào tháng 1 năm 1996 đã báo hiệu một kỷ nguyên mới của sự phản kháng và xung đột ngày càng gay gắt từ phía Điện Kremlin. Điện Kremlin lập luận rằng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã khiến cho các liên minh quân sự như NATO trở nên thừa thãi, đồng thời an ninh và ổn định ở châu Âu đòi hỏi phải có một cấu trúc toàn diện mới bao gồm cả nước Nga. Theo quan điểm của Moscow, các đề xuất của NATO về việc kết nạp các nước thuộc khối Đông Âu cũ – đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva – đồng nghĩa với việc triển khai lực lượng của NATO trên biên giới của Nga. Phương Tây – dưới sự lãnh đạo của Mỹ – đã phớt lờ những phản đối của Nga: vào tháng 7 năm 1997, NATO chính thức quyết định kết nạp ba nước thuộc khối Đông Âu cũ (Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary) và xem xét việc kết nạp các nước khác vào năm 2002. Không thể ngăn chặn được quá trình này, phát ngôn của Nga – chính thức và công khai – ngày càng trở nên gay gắt.
Các sự kiện ở Nam Tư đã củng cố thêm tinh thần chống NATO. Khi Nam Tư tan rã và chính phủ Serbia dưới thời Slobodan Milošević chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước, Kosovo – một tỉnh của Nam Tư với đa số người Albania ly khai – đã trở thành tâm điểm chú ý. Với lập luận rằng chính phủ Serbia đang chuẩn bị thực hiện những hành động tàn bạo (với một làn sóng “thanh trừng sắc tộc” mới), vào tháng 3 năm 1999, NATO – dưới sự lãnh đạo của Mỹ – đã phát động một cuộc không kích trên quy mô lớn. Đáng chú ý, việc can thiệp này diễn ra mà không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc (nơi mà bất kỳ yêu cầu nào như vậy được gửi đến Hội đồng Bảo an chắc chắn sẽ vấp phải sự phủ quyết của Nga) hoặc, trong trường hợp của Mỹ thì thậm chí còn không có sự cho phép của Quốc hội Mỹ (cơ quan theo Hiến pháp có quyền tuyên chiến). Sự can thiệp quân sự này đã khiến chính phủ và người dân Nga phẫn nộ, một phần là vì mối quan hệ thân thiết với người Serbia (với tư cách là cùng là người Slav và có cùng tôn giáo là Chính thống giáo), một phần là vì sự coi thường trắng trợn các lợi ích của Nga và quyết định can thiệp quân sự đơn phương. Trên phương diện chính thức và không chính thức, Nga đều lên án hành động của NATO là phản tác dụng, khiến cho cuộc xung đột sắc tộc mà nước này muốn ngăn chặn diễn ra sớm hơn. Theo quan điểm của Moscow, ít nhất thì Kosovo đã trở thành một bài học kinh nghiệm về niềm tin kiêu ngạo của Washington vào quyền đơn phương can thiệp vào bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào mà họ muốn.
Lý do cuối cùng dẫn đến căng thẳng gia tăng là quyết định khôi phục dự án “Star Wars” của Mỹ từ những năm 1980 về việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Cảnh báo rằng các “quốc gia bất hảo” như Bắc Triều Tiên và Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân và hệ thống phóng tên lửa đạn đạo, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) để đẩy lùi các cuộc tấn công hạn chế như vậy. Bất chấp những lời tuyên truyền về Iran và Bắc Triều Tiên, NMD không chỉ vi phạm Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 1972 (cho phép mỗi bên chỉ được xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh một địa điểm duy nhất – Mỹ chỉ được phép xây dựng một tổ hợp tên lửa, và Nga cũng chỉ được phép xây dựng một tổ hợp tương tự ở Moscow) mà còn tạo ra ấn tượng rằng sự phát triển tiếp theo có thể vô hiệu hóa khả năng răn đe của Trung Quốc, và cuối cùng là Nga. Bất chấp những thất bại trong thử nghiệm và các nghi vấn về năng lực kỹ thuật, bất chấp mối quan hệ cá nhân được đánh giá cao giữa Yeltsin và Tổng thống Bill Clinton, Washington vẫn tiếp tục thực hiện dự án này, khiến cho Nga và thậm chí cả một số đồng minh châu Âu của Mỹ lo ngại về việc đơn phương dỡ bỏ cấu trúc của dự án vũ khí hạt nhân đã được xây dựng trong ba thập kỷ trước đó. Mặc dù chính quyền Clinton đã trì hoãn quyết định cuối cùng về việc phát triển và triển khai (do vấp phải những chỉ trích từ quốc tế và các thất bại trong thử nghiệm ban đầu), dự án này vẫn được tiếp tục và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phe bảo thủ, đặc biệt là ứng cử viên tổng thống khi đó – George W. Bush.
Bị gạt ra ngoài lề ở phương Tây, Nga ngày càng hướng sự chú ý sang các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ – “những nước láng giềng gần” (thuật ngữ này ám chỉ một mối quan hệ đặc biệt). Mặc dù Nga đóng vai trò lãnh đạo trong việc thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) vào năm 1991 và thông qua hiệp ước an ninh tập thể năm 1992, chính quyền Yeltsin lại không mấy quan tâm đến các “nước cộng hòa anh em” trước đây trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Điều này đã được thay đổi đáng kể vào giữa những năm 1990. Ngoài sự bất mãn với phương Tây, giờ đây Nga đã nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế với SNG: các quốc gia này từng là những thành phần không thể thiếu của một hệ thống duy nhất và là những thị trường mà hàng hóa của Nga vẫn có sức cạnh tranh. Moscow cũng tuyên bố họ rất quan tâm đến số phận của những người gốc Nga, 25 triệu người trong số đó sinh sống bên ngoài Liên bang Nga và kêu gọi được bảo vệ. Vấn đề sắc tộc cũng làm nảy sinh các vấn đề nhạy cảm về biên giới – như ở Krym, nơi đã được Khrushchev “trao” cho Ukraine vào năm 1954 nhưng lại có phần lớn dân cư là người Nga, và họ nghiêng về Moscow chứ không phải Kiev. Cuối cùng, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cũng đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng không chỉ đối với các quốc gia mới độc lập ở Trung Á mà còn đối với khu vực Kavkaz (mà trên hết là Chechnya) và có thể là đối với cả các nước cộng hòa Hồi giáo khác trực thuộc Liên bang Nga. Moscow có một số động cơ để phóng đại mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhằm củng cố vai trò lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của mình tại các quốc gia mới giành độc lập ở Kavkaz và Trung Á.
Nga cũng chọn chơi “lá bài Trung Quốc”. Đây là thời điểm thích hợp: Bắc Kinh có chung mối quan ngại về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan (đặc biệt là cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương) và phản đối sự “đơn cực” (một từ ám chỉ sự bá quyền của Mỹ). Sự cải thiện trong quan hệ Trung-Nga được bắt đầu dưới thời Gorbachev và tăng tốc mạnh mẽ vào nửa sau thập kỷ này. Bước ngoặt xảy đến vào tháng 4 năm 1996, khi Nga, Trung Quốc và ba quốc gia Trung Á (Tajikistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan) gặp nhau tại Thượng Hải và nhất trí thành lập “nhóm năm nước Thượng Hải”, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách đối ngoại, thực hiện các biện pháp cắt giảm quân sự tương hỗ và những vấn đề tương tự. Quan trọng nhất là, Bắc Kinh và Moscow đã quyết tâm chống lại tham vọng thống trị toàn cầu của Mỹ, đẩy lùi sự can thiệp của phương Tây vào các vấn đề nội bộ của họ (cho dù là về nhân quyền hay các khu vực dễ ly khai như Tân Cương và Chechnya), và chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Sự hợp tác này càng trở nên hấp dẫn khi sự can thiệp của Mỹ (đặc biệt là sự sẵn sàng tham chiến ở khu vực Trung Á xa xôi) suy yếu, tạo ra khoảng trống và nhu cầu hành động chung của hai cường quốc ở khu vực – Trung Quốc và Nga.
Từ vực thẳm đến đổi mới
Vào thời điểm trước khi bước sang thiên niên kỷ mới, nước Nga nhận thấy mình đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng sâu sắc. Vấn đề rõ ràng nhất là sự sụp đổ kinh tế xảy ra sau khi nước này vỡ nợ vào tháng 8 năm 1998, gây ra sự sụt giảm mạnh khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, xóa bỏ đà phục hồi khiêm tốn bắt đầu từ năm 1997. Bất ổn kinh tế đã gây ảnh hưởng tàn khốc đến xã hội, từ giới tinh hoa cho đến những người có hoàn cảnh khó khăn, và dường như báo trước một giai đoạn suy thoái kinh tế hoàn toàn mới. Dù là đối nội hay đổi ngoại, các chính sách của Yeltsin có vẻ đã hoàn toàn thất bại; mặc dù có nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của ông ta (chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng trên toàn cầu, gây tác động tàn phá đến Nga), thì Yeltsin vẫn phải chịu trách nhiệm. Ông ta không còn được hưởng sự bảo trợ từ phương Tây, hoặc dường như không còn được phương Tây ưu ái nữa – điều mà theo quan điểm của nhiều người Nga thì phương Tây đã lợi dụng và thậm chí còn góp phần dẫn đến sự suy tàn của Nga khỏi vị thế cường quốc. Giữa những tất cả những tai ương này, “chế độ tổng thống đầy quyền uy” đã sa sút thành một thể chế điều hành yếu kém; bản thân Tổng thống không chỉ suy yếu về mặt chính trị mà còn cả về mặt thể chất (ông ta gần như không thể xuất hiện trước công chúng mà không có các phụ tá dìu đi). Yeltsin cũng đang thua trong cuộc chiến dai dẳng với Duma, cơ quan này đã bầu ra thủ tướng của riêng mình vào tháng 9 năm 1998, ngày càng trở nên hung hăng và thậm chí còn lên kế hoạch luận tội vị tổng thống không được lòng dân này. Bị tước quyền tái tranh cử theo Hiến pháp, tỷ lệ ủng hộ giảm chỉ còn một chữ số, “Sa hoàng Boris” đã trở thành “chính trị gia mất quyền”. Đến tháng 8 năm 1999, ông ta và chế độ của mình dường như sắp kết thúc; đúng vào thời điểm đó, ông ta đã bổ nhiệm Vladimir Putin làm thủ tướng – người sẽ sớm trở thành người kế nhiệm được ông ta chỉ định.
[1] Gregory L. Freeze là giáo sư lịch sử tại Đại học Brandeis. Nghiên cứu của ông tập trung vào lịch sử Nga hiện đại, đặc biệt là lịch sử tôn giáo và xã hội.