Tác giả: Reginal Le May
Allen & Unwin xuất bản năm 1954, London
Reginald Le May (1885 – 1972) là một trong những học giả châu Âu sống và làm việc ở Thái Lan tới một phần tư thế kỷ. Trong suốt 25 năm này, ông quan tâm tới tìm hiểu văn hóa Đông Nam Á và đặc biệt là nghệ thuật Thái. Từ năm 1920 đến 1954, ông xuất bản nhiều công trình, từ các nghiên cứu chuyên khảo tới ấn phẩm phổ thông, tiêu biểu là các cuốn The Coinage of Siam (Tiền Thái Lan) (1932), Buddhist Art in Siam (Nghệ thuật Phật giáo Thái Lan) (1938) và The Culture of South-East Asia (Văn hóa Đông Nam Á) (1954).
Nếu như Buddhist Art in Siam là kết quả của luận án tiến sĩ tại Đại học Cambrige vào năm 1937 và trở thành nghiên cứu chuẩn mực về nghệ thuật Phật giáo Thái Lan và Đông Nam Á, thì công trình The Culture of South-East Asia là kết tinh của nhiều thập kỷ nghiên cứu của ông. Cuốn sách bao quát một giai đoạn quan trọng trong khoảng thời gian từ năm 500 (Công nguyên) tới năm 1500 (Công nguyên) mà ông gọi là giai đoạn cấu thành (The Formative Period) của lịch sử nghệ thuật và văn hóa Đông Nam Á, bao gồm cả phần lục địa và quần đảo của khu vực này. Với hơn 300 trang sách, trong đó có 96 trang là hình ảnh, ông đã cho thấy một phạm vi bao gồm Burma (Myanmar), Siam (Thái Lan), Malaya, Sumatra, Java (Indonesia) và Đông Dương có nghệ thuật khởi nguồn từ Ấn Độ, mang tới cho người đọc kiến thức đầy đủ về nền tảng nghệ thuật của khu vực này.
Nhận định về khu vực Đông Dương với các nhà nước Ấn Độ hóa như Lào và Cambodia, ông cho rằng nếu nó có thay đổi nào về chính trị thì nó vẫn là khu vực có con người và các thực hành tôn giáo giống nhau là Phật giáo.
Nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á, Le May cho rằng nghệ thuật tôn giáo và văn hóa Ấn Độ dường như một cách tự nhiên đã tạo nên những thực hành cuốn hút khác thường đối với cư dân bản địa của toàn bộ khu vực này và chắc chắn đó là do sự hấp dẫn của Hindu giáo và Phật giáo. Trong khi đó, nghệ thuật Trung Quốc không sản sinh bất cứ thông điệp tôn giáo riêng biệt nào, và ít để lại dấu ấn ở khu vực Đông Nam Á, mặc dù thực tế là nước này đã có quan hệ buôn bán ở vùng biển phía nam từ rất sớm.
Lấy bối cảnh không gian – thời gian từ 500 (CN) tới 1500 (CN) của khu vực Đông Nam Á nhưng nghiên cứu của Reginal Le May lại không xem xét hai nền nghệ thuật Champa và Đại Việt thế kỷ 11 – 14. Xét trong bối cảnh nghiên cứu và ra đời của công trình này thì những nghiên cứu về Champa mới ở những bước đầu còn nghệ thuật Đại Việt thì hoàn toàn vắng bóng.
Mặc dù vậy, trong hành trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật khu vực Đông Nam Á, Le May và cuốn sách The Culture of South-East Asia vẫn là một dấu mốc quan trọng, một công trình cần thiết mà các nhà nghiên cứu khó có thể bỏ qua.
Nguyễn Anh Tuấn (Thư viện Nguyễn Văn Hưởng)