Nguyễn Duyên
Thuở Chợ Mới còn lợp lá, đèn đường còn đốt bằng dầu dừa, những đại lộ lớn còn là những con kinh và hào hố chung quanh thành chưa được lấp hết… Vài đoạn trích trong sách báo xưa đem ta trở về với một Sài Gòn trong buổi đầu kiến thiết hồi cuối thế kỷ 19. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
***
Sài Gòn một thế kỷ trước mang bộ mặt ra sao?
Dưới đây là bút ký của một vài người Pháp có mặt tại Sài Gòn trong những năm đầu kiến thiết thành phố này. Hồi xưa các ông Nghị Đô Thành còn “rùa” nặng hơn bây giờ: họ xây chợ, xây Tòa Đô Chính, bàn cãi trong 30 năm mới thành! Sở thú Sài Gòn lúc đó chỉ là một nơi thí nghiệm dùm cho Sở Thú Ba Lê.
Đại úy Lucien de Grammont, một công chức cai trị tỉnh Thủ Dầu Một là tác giả cuốn “Mười một tháng tại Nam Kỳ” xuất bản năm 1863. Về Sài Gòn, có vài đoạn ông viết như sau:
Thành phố Sài Gòn nằm bên con sông ngánh lớn nhất của sông Đồng Nai, cách Cap Saint-Jacques 100 cây số, cách Biên Hòa 30, Mỹ Tho 90, Tây Ninh 80. Nếu đem so với bản đồ do kỹ sư Brun vẽ năm 1795 theo lệnh của Đức Vua Gia Long, và được ông Dayot vẽ lại, thì Sài Gòn ngày nay (1862) không thể so được với những ngày huy hoàng trước kia có người Bồ Đào Nha, Ả Rập, Mã Lai tới giao thương.
Nếu có thể tin được tài liệu sử địa xứ này, thì thành Sài Gòn dưới triều An Nam đếm được 100.000 dân cư, một con số thật vĩ đại! Năm 1859, khi chiến cuộc khởi sự, dân số vỏn vẹn có 2.000 người. Bây giờ, con số đó có thể tăng 7 hay 8.000. Đó là không kể tỉnh Chợ Lớn của người Tàu. Rồi đây dân số sẽ mỗi ngày một tăng trong khi chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, từ nông thôn, người ta chạy về đô thị. Có thể một số phần tử tình nghi trà trộn trong đám ấy, nhưng thà rằng mình giữ họ để kiểm soát còn hơn.
Dân Tây ở lầu cao vì nghèo?
Cả một kiến trúc vĩ đại do Đại tá Olivier de Puymanel đã khổ công xây cất giúp Đức Vua chống bọn Tây Sơn nay chả còn gì. Năm 1835, Vua Minh Mạng, một vị vua đa nghi, sai phá hủy pháo đài kiên cố ấy sau khi dẹp được vụ nổi loạn do Lê Văn Khôi cầm đầu. Pháo đài mà đô đốc Rigault de Genouilly vừa triệt hạ xây cách xa đồn cũ về phía đông bắc nhưng theo một khuôn khổ nhỏ hơn nhiều.
Hiện nay, mọi công việc sửa sang đang tiếp tục. Bao nhiêu hào chung quanh thành chưa lấp được hết. Công việc lớn lao hơn cả là việc lấp cái hào chính để làm con đường Mirador (sau đổi là Chasseloup Laubat hiện nay là Hồng Thập Tự). Người ta bắt đầu dựng tạm dinh ông Thống Đốc, bệnh viện, nhà thờ nhỏ. Dinh Thống Đốc chỉ là một nhà bằng gỗ cất tạm thời tại khu đất ở góc đường Impériale (sau là Paul Blanchy – Hai Bà Trưng, gần bệnh viện, nơi này sau xây trường Taberd). Phó Đô Đốc Bonnard đã ra lệnh mua từ Tân Gia Ba những cây gỗ tốt để làm rui nhà.
Mỗi buổi trưa, tàu Duperre bắn một phát súng báo hiệu 12 giờ. Chánh sở Bưu Điện lo điều chỉnh giờ mỗi ngày. Điều lạ lùng là dân chúng đã sử dụng được điện tín rồi như ở Pháp. Sở Bưu Điện nằm trước Tháp Đồng Hồ, tại vị trí gần các công sở.
Người Âu định cư ở Sài Gòn chưa đông lắm. Tuy nhiên, họ cũng đã có hai khách sạn đẹp, nhiều nhà hàng, một câu lạc bộ sĩ quan. Anh em nhà Roques thực hành nhiều công tác, xây nhà cao nhiều lầu làm dân bản xứ ngạc nhiên, họ có những ý nghĩ ngộ nghĩnh không hiểu tại sao đất rộng mà phải ở chen chúc chồng chất lầu nọ lên lầu kia như vậy! Người ta nhớ lại câu chuyện của Phó Giám Mục dòng Gia Tô Jean Denis Attiret kể lại khi ông còn ở bên Trung Hoa. Hoàng Đế Khang Hi nhà Thanh khi xem sơ đồ nhà bốn, năm tầng của người Âu, nói rằng: “Âu Châu tất nhiên rất nhỏ, đất hẹp, người nghèo, họ không đủ đất để ở nên phải ở cheo leo trên cao”.
Điều đáng buồn cho Sài Gòn là phần bờ bên trái sông chứa toàn hồ ao lầy lội. Trước kia, chỗ này là nơi dân trồng rau, bây giờ chỉ còn vài căn nhà tranh của dân chài và của một số tín đồ Gia Tô. Xa xa về phía hạ lưu sông, trước một pháo đài, người ta thấy một ngôi nhà thờ.
Ai cũng ngạc nhiên khi nghe nói đến dự định đặt đường xe lửa nối Sài Gòn với Biên Hòa, Tây Ninh. Còn về Mỹ Tho, sông rất nhiều, không biết đường xe lửa có bắc qua được không? Tuy nhiên, nếu có được đường sắt chạy xuống vùng này thì nền thương mại sẽ phồn thịnh.
Tại sao Chợ Lớn bị tách rời Sài Gòn?
Dưới đây là những đoạn trích trong những bài tường thuật của các ký giả viết trong tập “Courrier de Sài Gòn”.
Theo bản đồ của Sở Trắc Địa, thành phố Sài Gòn hồi trước gồm cả Chợ Lớn và cả Khu Mả Ngụy (Plaine de Tombeaxu). Nhưng năm 1864, Chợ Lớn bị tách rời khỏi Sài Gòn, chỉ vì lý do sau đây: nhà cầm quyền Pháp muốn bán những lô đất chung quanh thành phố Sài Gòn một cách dễ dàng. Tới nay, nhiều khu đất trống đặt giá quá cao, không ai mua nổi. Nếu tách rời Chợ Lớn ra, đất sẽ giảm giá rất mau. Những khu đất nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn hồi trước gồm toàn vườn trái, vườn rau, nay bỏ hoang vì chiến cuộc. Như vậy, chánh phủ thuộc địa phải tìm cách khuyến khích dân mua đất trồng rau và trái cây trở lại để tiếp tế cho đô thị thêm về thực phẩm.
Ví dụ như làng Bình Lập, trên bờ sông Vaico Tây. Làng này có một diện tích là 620 mẫu tây. Từ năm 1836, hai phần ba khu vực này đổi tên chủ, vừa nhượng bán, vừa thừa kế. Mỗi mẫu giá hiện nay (1865) là 140 quan nhưng chỉ bán được 100 quan. Nhờ sự cổ động, chánh quyền thâu được vào năm 1865 một món tiền là 680.000 quan về việc bán đất chung quanh Sài Gòn.
Làng xóm biến dần, nhường chỗ cho ánh sáng đô thị. Làng nổi danh nhất là Nhơn Giang, còn có tên là Chợ Quán, ở giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, gần Rạch Bến Nghé. Tên “Chợ Quán” bắt nguồn ở chỗ nhiều quán ăn tụ tập tại nơi đây. Dân Nhơn Giang rất siêng năng, cần cù, kỹ nghệ của họ là đúc đồng đen. Họ sống sung túc. Nhà thờ Chợ Quán rất lớn.
Mười một làng khác cũng được người Pháp bảo vệ, cũng ở bờ Rạch Bến Nghé, từ đường Impératrice (sau đổi là Mac Mahon) đến Chợ Quán. Còn 4 làng nữa nằm bên Rạch Avalanche (Thị Nghè) trong số có hai làng Hiệp Hòa, An Hòa có nhiều thợ khéo tay làm việc tại các xưởng. 15 làng kể trên gồm 8.000 dân cư, trong số này có toán dân theo người Pháp từ Đà Nẵng vào định cư ở đây, họ là những đồng minh đầu tiên của Pháp tại xứ này.
Vài năm trước đây, phần đất thành phố Sài Gòn gần sông và Rạch Bến Nghé chỉ là một khu nhiều đầm lầy khi nước cạn và ngập nước khi thủy triều lên. Quan quân và người giàu ở trên đồi cao, từ thành tới Mả Ngụy, còn dân lao động chen chúc nhau trong các chòi lá, và các nhà sàn ven sông. Những con đường mang tên Pelieria, đại lộ Charner, Bonnard, de la Somme còn là những kênh đào thông ra sông vào năm 1863. Sở Công Binh kiêm luôn công tác cầu cống đề nghị san bằng một phần đỉnh đồi lấy đất lấp kênh và hồ ao. Thượng cấp chấp thuận ngay sáng kiến này. Không những chính phủ mà cả tư nhân cũng tha hồ đào đất từ đồi cao đem xuống lấp mương, vượt kênh làm nhà ở.
Năm 1865, diện tích Sài Gòn đo được 7 cây số chiều dài và trên 3 cây số chiều ngang, với 2.500 mẫu tây, với dân số khoảng 40.000 người. Khu phía đông, từ Rạch Avalanche (Thị Nghè) đến đường Impériale (Paul Blanchy) là những cơ sở chính phủ, bệnh viện, trại lính, xưởng đóng tàu. Khu này rất hẹp, chỉ độ 200 mẫu tây. Khu phía tây thuộc trung tâm thương mại, chợ, trường học, nhà hát, nhà thờ, nhà ở, v.v… rộng hơn 2.000 mẫu. Đường phố sẻ theo hình vuông vắn, đường lớn rộng 40 th., hè 4 th. có hai hàng cây, còn đường nhỏ rộng 20 th., hè 2 th., chỉ có một hàng cây. Hai bến sông Sài Gòn và Rạch Bến Nghé rộng 40 th. với hè 6 th. Các số nhà khởi đầu từ bờ sông hoặc Rạch, bên trái số lẻ, bên phải số chẵn.
Cống rãnh là mối âu lo của nhà cầm quyền. Vì mặt đất Sài Gòn có nơi không cao hơn sông bao nhiêu nên đào cống rất khó. Người ta phải sử dụng cống có cửa tự động.
Từ đèn dầu dừa đến đèn dầu hôi
Vấn đề nước uống lại càng gay go hơn. Đất Sài Gòn là đất phù sa do sông bồi lên, rất nhiều cát, đào giếng thì nước không giữ lại được. Dưới sâu, chất nước mặn. Có người đề nghị xây hồ lớn chứa nước mưa, nhưng không được lưu ý. Thế rồi sau nhiều cuộc thăm dò, thí nghiệm của bác sĩ d’Ormay không thành công, người ta mời kỹ sư Thévenet từ Pháp sang để lo đào giếng. (Tuy nhiên mãi đến năm 1881 Sài Gòn mới có nước máy.)
Tòa nhà dùng làm văn phòng cho chánh phủ (gọi là Hôtel du Gouvernement) được khởi công xây ngày 23 tháng 2, 1868, do Thống Đốc La Grandière đặt viên đá đầu tiên, trong một buổi lễ long trọng. Công việc xây cất kéo dài hai năm, tốn hết 2 triệu viên gạch. Nhà thờ Đức Bà được xây vào năm 1871 trên công trường Đồng Hồ, tháp Đồng Hồ bị hủy năm 1868. Nhà hát Tây xây năm 1895 và được khánh thành ngày 15 tháng 2, 1902.
Việc xây cất Tòa Đô Chính và Chợ Sài Gòn gặp nhiều khó khăn do những sự bàn cãi, tranh luận và vì lý do thiếu kinh phí. Cuối năm 1868, Hội đồng Thành phố dự tính xây Tòa Đô Chính. Đồ án Codry được chấp thuận. Ngân sách dự trù là 300.000 quan. Địa điểm: cuối đường Charner. Nhưng các ông nghị thảo luận… ba chục năm mới xong rồi giao cho nhà thầu Ruffer khởi công năm 1898. Tuy 10 năm sau công trình hoàn tất, những khó khăn về kỹ thuật và trả tiền gây nên những vụ khiếu nại, tố tụng giữa nhà thầu và tòa đô chính kéo dài mãi tới năm 1914 mới chấm dứt.
Cuối tháng 7 năm 1870, Chợ Cũ Sài Gòn bằng lá (sau Nha Ngân Khố) bị cháy. Tòa Đô Chính cấp ngay một ngân khoản 70.000 quan để dựng lại chợ bằng sắt, nhưng thiếu vật liệu, nên chỉ cất lại tạm thời. Còn Chợ Mới (ở tại địa điểm bây giờ) cũng chật chội, lụp xụp, lợp lá nếu lỡ bị cháy có thể gây một trận hỏa hoạn lớn lao cho các khu phố chung quanh. Từ năm 1868, Hội đồng Thành phố chấp thuận nguyên tắc mở rộng Chợ Mới và xây chắc chắn, lợp tôn. Việc trước hết là trưng dụng đất chung quanh chợ, của ba người: Najib (có nhà xây rồi), Garroa và Sabourain (đất chưa xây). Chợ Mới định cất là khu đất dài 100 th., rộng 8 th., chia 4 khu, đo 2 lộ chính, kể cả phần lợp mái thì chợ dài 116 th., rộng 96 th., chợ chạy dài theo đường Nemesis (sau đổi là Roland Garros) và nằm giữa những con đường Espagne, Amiral Courbet. Sau ba mươi năm tranh luận, tìm ngân khoản, các ông Nghị đô thành mới giao công tác cho nhà Brossard Maupin. Chợ xây xong vào đầu năm 1914, khánh thành vào tháng 3 năm ấy.
Từ năm 1867, Tòa Đô Chính buộc dân chúng phải đốt đèn dầu ở cửa nhà. Đồng thời, chính quyền cũng dựng cột đèn ngoài lộ, đốt bằng dầu dừa. Việc săn sóc các đèn này do một người Ấn Độ bao thầu với giá 33 xu một cột đèn một ngày. Nhưng ông này không lo tròn phận sự, khiến đèn “khi tỏ khi mờ”, hoặc vì thiếu dầu, hoặc vì thiếu tiêm. Một cuộc đấu thầu khác được tổ chức. Mặc dù người Việt, người Tàu bỏ giá rất hạ, công việc cũng được giao cho một người Pháp bỏ cao giá, không phải vì lý do “nể nang” mà vì tin ở chủ thầu người Pháp hơn là dân bản xứ! Giá một cột đèn là 66 xu. Tòa Đô Chính buộc chủ thầu mới phải để đèn cháy tới 5 giờ sáng (6 giờ bây giờ), vì từ 4 giờ tới 5 giờ là giờ hoạt động của các chú đạo chích.
Vào năm 1869, dầu hôi bắt đầu được sử dụng để thay dầu dừa. Từ năm 1983, vấn đề điện được nêu lên trong các buổi họp của các ông nghị đô thành: dầu hôi lợi hay điện lợi? Cuối cùng, người ta quyết định dùng cả hai thứ đèn. Sài Gòn có 93 cây số đường phố, thì 58 cây số có đèn đốt dầu hôi (293 cột), còn 35 cây số có đèn điện. Tuy nhiên, trên đây chỉ là con số ghi trên giấy, thực tế cho biết chỉ có 38 cây số đường là sáng sủa, còn những khu vực khác bị chìm trong bóng đêm. (Phải chờ đến năm 1909, khi Công Ty Thủy Điện CEE xây nhà máy điện Chợ Quán thì “Hòn Ngọc Viễn Đông” mới có bộ mặt khá đẹp ban đêm.)
Cũng nên ghi nhận ở đây một điểm về thủ tục tranh luận tràng giang đại hải của các Nghị viên. Từ năm 1869, họ có nêu cả vấn đề sử dụng đèn ga ngoài lộ thay đèn dầu dừa, dầu hôi. Cuộc bàn cãi kéo dài… 22 năm, mãi tới năm 1891, hồ sơ mới được xếp lại, có lẽ cũng vì mỏi miệng! Không ai nhắc tới vụ đèn ga nữa, vì thế đèn ga chưa bao giờ xuất hiện tại xứ này.
Một di tích không còn: Bến tàu nổi
Thành lập Sở thú năm 1864 là công trình của bác sĩ thú y Germain và của ông Pierre, một nhà thực vật học. Những năm đầu, người ta chỉ mở rộng được 12 mẫu để trồng cây cối, dần dần về sau mở rộng thêm, cuối cùng được 120 mẫu. Cuộc thí nghiệm trước tiên là trồng mấy cây mía, bông goòng, đay, chàm, hùng tinh. Những con thú đầu tới ở đây là chim, rồi cọp. Mấy quân nhân Pháp đi săn gửi tặng ba con chồn hương và gà rừng. Ông Thống đốc La Grandière tặng chim trĩ, công. Nhiều chim lạ khác tiếp tục được gửi từ xa đến. Rồi tới cò, vịt trời, hươu nai, khỉ, rùa, cá sấu. Chánh phủ Nhật gửi sang nhiều loại cây như thông, sên, cam, trà, hoa hồng, hoa trà. Sở thú Sài Gòn chỉ là nơi thí nghiệm trước khi gởi thú vật hay cây cỏ về Ba Lê.
Tháng 6 năm 1861, Tổng trưởng Hải quân Pháp chỉ thị cho nhà cầm quyền Sài Gòn cất một bến tàu bằng xi măng dài 120 th., rộng 11 th., sâu 6,8 th. để đón các tàu lớn. Việc đào sông Sài Gòn và xây bến đòi hỏi chuyên viên, nhân công, vật liệu mà hồi ấy người ta chưa thực hành được. Về sau, sáng kiến dựng bến tàu nổi được chấp thuận. Công tác này được giao cho một nhà thầu Anh ở Glasgow tên Randolph và Elder công ty, cũng giống như bến họ đặt tại Sourabaya (Nam Dương) cho người Hòa Lan. Mặc dù công ty vừa bị một trận hỏa tai thiêu hủy xưởng của họ, Randolph và Elder cũng cố gắng làm việc.
Ngót hai năm sau, tháng 5, 1863, ba chiếc tàu rời Glasgow chở sang Sài Gòn đủ các bộ phận cho một bến nổi. Nhưng những khó khăn tại chỗ rất nhiều: đào một hố sâu trên một khúc sông đầy bùn, xây ngay nơi ấy một cái sườn rất chắc để giữ cái kiến trúc vĩ đại kia, rồi phải bơm nước luôn, sau cùng còn phải huấn luyện đám thợ người Tàu. Tháng Giêng năm 1864, công việc dựng bến khởi sự. Một tai nạn xảy ra: một phần của cái sườn bị sụp gẫy, phải sửa chữa ngót một tháng. Song song với công việc lớn lao này, người ta còn thực hành nhiều công tác khác như xây đập dài 80 th. chắn ngang sông phía trước bến tàu nổi để cản sóng, cột bến với 12 sợi dây xích đồ sộ để nó khỏi trôi đi.
Đây là kích thước của bến nổi: dài 91 th. 44, rộng 28 th. 65, cao 12 th. 80, bề mặt sàn bến là 2.620 thước vuông. 19 năm sau, người ta thay bến này bằng một kiến trúc khác, nhưng nó bị chìm xuống sâu 20 th. sau 1 giờ khánh thành.
Ngày 15 tháng 8, 1865, Sài Gòn tổ chức một cuộc lễ rất trọng thể. Sáng sớm, 21 phát súng đại bác từ tàu Duperré nổ vang trời đánh thức những kẻ ngủ muộn. 6g30, quân nhân đã tụ tập tại Công trường Đồng Hồ (về sau là Nhà thờ Đức Bà). Ông Thống đốc tới duyệt binh. 7 giờ, mọi công chức Pháp – Việt đều có mặt tại nhà thờ để xem lễ. Buổi trưa, 21 phát súng lại nổ nữa. 14 giờ các trò giải trí bắt đầu tại bờ sông, hai trò hấp dẫn hơn cả là leo cột mỡ và đua thuyền. Leo cột mỡ là lấy các giải thưởng treo trên nóc cột, thân cột rất trơn, mỗi lần leo lên chỉ có thể lấy một món đồ mà thôi, không được lấy hai. Đua thuyền đều do người An Nam dự, họ ngồi trong thuyền nhỏ, cứ 40 đến 50 người một thuyền. Khó mà hiểu tại sao có thể đủ chỗ cho từng ấy người trong một chiếc thuyền nhỏ bé như vậy! Họ mặc quần và áo dài, đầu bịt khăn. Cuộc đua rất sôi nổi. Có thuyền bị lật úp, người rơi xuống sông ướt như chuột. Nhưng các tay đua đều bơi giỏi, họ trở vào bờ rất dễ dàng. Một người đứng đầu thuyền đánh trống chỉ huy chiếc thuyền của mình như thúc giục đồng bọn bơi mau. Trông xa xa rất đẹp mắt, mạn thuyền nào cũng vẽ hình thù một con vật kỳ dị.
Buổi tối có đốt pháo bông, dân chúng tụ tập xem rất đông. Mỗi bông hoa nở trên không trung được đón nhận bằng một tràng vỗ tay. Cây pháo cuối cùng trổ hình Bắc Đẩu bội tinh và huy hiệu của hoàng đế Nã Phá Luân đệ tam cùng hoàng hậu Eugénie thật là một công trình tuyệt tác, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Nhiều du khách tới Viễn Đông đều chê Sài Gòn khi so sánh thành phố này với Hương Cảng và Tân Gia Ba của người Anh. Họ có biết đâu rằng người Anh chỉ có một hai hải cảng ấy, trái lại chúng ta còn có cả vùng Đông Dương này để lo bình định và kiến thiết và chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn người Anh…
Nguồn: báo Thời Nay số 285 ngày 01/9/1971