Nguyễn Thế Anh
Tập san sử địa số 11 7-8-9/1968
Sự buôn bán giữa Âu châu và Việt Nam từ thế kỷ XVII tới đầu thế kỷ XIX đã được biết rõ, sau những sự nghiên cứu của nhiều sử gia, mà những người mở đầu là Maybon và Buch,[1] đã chú trọng tới hoạt động của các thương gia Âu châu ở Việt Nam. Trong bài này, tôi không muốn tóm lược lại những kết quả của các sự nghiên cứu của các sử gia nói trên, nhưng xác định vai trò của các công ty buôn bán gọi là Đông Ấn công ty ở Việt Nam, và những nguyên nhân đã khiến các công ty này thất bại trong sự mậu dịch của họ.
*
Thế nào là một Đông Ấn công ty? Trong Âu châu của thế kỷ XVII đặt dưới dấu hiệu của chủ nghĩa trọng thương, các sự giao thiệp thương mại với những miền trên bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (được bao gồm trong danh từ Đông Ấn) được giao phó cho những công ty buôn bán, thiết lập với sự hùn vốn của tư nhân, và được các chính phủ hiến cho độc quyền hoạt động trong miền Đông Ấn đó. Bồ Đào Nha đã không bao giờ để cho một công ty tư nhân kiểm tra các sự mậu dịch trong miền này; những Đông Ấn công ty đã hoạt động ở Việt Nam là những công ty Hà Lan, Anh, Pháp.
Đông Ấn công ty Hà Lan (Vereenigde Oostindische Compagnie) được thiết lập ở Amsterdam vào năm 1602. Vào năm 1605, các thương gia Hà Lan đã đặt chân trên các thương khẩu quan trọng của miền Đông Nam Á, và đã lập thương quán trong quần đảo Nam Dương; trung tâm hoạt động của họ là Batavia, tức là Djakarta ngày nay vậy. Ngay từ đầu thế kỷ XVII đã có những sự tiếp xúc giữa Công ty Hà Lan và chúa Nguyễn; vào năm 1617, chúa Nguyễn có gửi thư mời các đại diện của công ty ở Patani và Ligor (Mã Lai) tới buôn bán trong các thị trường thuộc lãnh thổ của Nam triều. Song các sự tiếp xúc đầu tiên đã không được hòa hảo cho lắm, các phương pháp buôn bán gần như cướp bóc của các con buôn Hà Lan đã gây nên nhiều sự bất bình. Vì những sự xung đột đó mà phải đợi tới sau 1633, chúa Nguyễn mới cho phép công ty đặt thương quán tại Quy Nhơn (Quinam)[2] và tự do buôn bán ở Hội An nữa. Tuy nhiên, bị nghi ngờ bởi quan lại, và bị cạnh tranh dữ dội bởi các nhà buôn Bồ Đào Nha và Nhật Bản, công ty đã muốn tìm một lĩnh vực hoạt động dễ dãi hơn. Vào năm 1637, công ty được chúa Trịnh cho phép mở thương quán ở Phố Hiến, rồi không bao lâu sau đấy ở Kẻ Chợ. Các điều kiện buôn bán thuận lợi hơn ở Bắc triều khến Công ty Hà Lan tuyệt giao với chúa Nguyễn vào năm 1638. Công ty còn giúp thuyền chiến cho chúa Trịnh nữa trong cuộc chiến bùng nổ giữa Bắc triều và Nam triều vào năm 1642. Sau đó, và cho tới năm 1700, công ty Hà Lan chỉ còn buôn bán với Bắc triều mà thôi.
Đông Ấn Công ty Anh (East India Company) được thiết lập ở Luân Đôn vào năm 1600, và có độc quyền buôn bán ở Ấn Độ và Trung Quốc và tất cả Viễn Đông.[3] Trong quần đảo Nam Dương, vì cạnh tranh dữ dội với thương gia Hà Lan để kiểm tra những vùng sản xuất gia vị. Công ty cũng đặt căn cứ ở Bantam, ngay bên cạnh Batavia. Các bước đầu của Công ty Anh ở Việt Nam gặp thất bại; nhân vật được công ty phái tới Hội An, Richard Carwarden, để xin chúa Nguyễn cho phép thông thương vào năm 1613, bị dân chúng giết chết. Vài năm sau các sự cố gắng buôn bán với Bắc triều cũng bị cản trở bởi người Hà Lan và Bồ Đào Nha. Phải đợi tới năm 1672, công ty Anh mới mở được một thương quán ở Phố Hiến; 5 năm sau, công ty còn được phép buôn bán ở Kẻ Chợ nữa song thương quán của công ty không được thịnh vượng lắm, và các sự khó khăn buộc công ty phải đóng cửa thương quán này vào năm 1697. Trước đó, công ty cũng tìm sự thông thương với Nam triều, nhưng bị chúa Nguyễn từ chối.
Đông Ấn công ty Pháp (Compagnie française des Indes orientales) tới Việt Nam chậm nhất. Cho tới giữa thế kỷ XVII, Viễn Đông đối với Pháp là lãnh vực truyền bá Thiên chúa mà thôi. Nhưng để đưa các nhà truyền đạo tới đây, Pháp không thể nhờ ở thuyền Anh hay Bồ còn đường bộ thì quá dài và đầy nguy hiểm. Vì thế, sau khi Hội Ngoại quốc Truyền giáo được thiết lập vào năm 1660, mới nảy ra ý kiến lập một công ty buôn bán Pháp, có mục đích trước tiên là để chuyên chở các cố đạo tới nơi truyền đạo, sau là để buôn bán với Trung Quốc và các vương quốc lân cận. Nhưng công ty này chết yểu, và độc quyền của nó được giao phó cho Đông Ấn công ty Pháp. Năm 1671, Đông Ấn công ty Pháp phái một chiếc thuyền buôn tới Bắc Việt, nhưng vì thiếu phương tiện, đã không muốn lập thương quán, tuy được chúa Trịnh cho phép cất nhà ở Phố Hiến và hiến cho những đặc quyền giống như đặc quyền của các nhà thương gia Hà Lan. Phải đợi tới năm 1681, dưới áp lực của các nhà truyền đạo, nói là chúa Trịnh chỉ dung túng hoạt động của họ nếu có hi vọng mậu dịch với người Pháp, Đông Ấn công ty Pháp mới lại phái một chiếc thuyền buôn khác tới Bắc Việt; đại diện của công ty là Chappelain lập thương quán ở Phố Hiến. Nhưng, thiếu tài chính, sau vài năm sống vất vơ, thương quán này đã phải đóng cửa vào năm 1686.
Trong thế kỷ XVII, các nhà cầm quyền Việt Nam, chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn, đã không cấm đoán sự buôn bán của các Công ty thương mại Tây phương, vì không những chúng cho phép các chúa tiếp nhận các hàng hóa cần dùng, mà còn hiến cho ngân khố những lợi tức khá lớn: để được phép buôn bán, các thuyền buôn ngoại quốc khi cập bến đều phải trả những món thuế cao thấp tùy nơi xuất xứ, nhưng phần nhiều đều là những món thuế lớn cả. Các sản phẩm thương gia Âu châu tới tìm ở Việt Nam là hạt tiêu, gỗ quý, trầm xạ hương được coi là tốt nhất hoàn cầu, quế, tơ sống, đường, trà, đồ sứ Tàu. Còn thị trường Việt Nam tiêu thụ những hàng hóa như vải lụa Âu châu, thuốc súng, vài chế phẩm bạc, chì và nhất là đại bác. Xem như thế thì các hàng hóa nhập cảng vào Việt Nam bởi các công ty Đông Ấn không phải là để cho giới bình dân tiêu thụ.
Nếu nhìn vào sự hoạt động của Công ty Đông Ấn ở Việt Nam trong thế kỷ XVII, thì thấy chỉ có Công ty Hà Lan là tương đối thành công. Tới sớm hơn, Công ty Hà Lan đã lợi dụng được tình trạng phân tranh giữa Bắc và Nam triều; cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn, ngoài sự thông thương với người Âu châu, còn chờ đợi ở người Âu châu sự cung cấp khí giới và sự giúp đỡ quân sự nữa. Nhưng, sau năm 1672, chiến tranh Bắc Nam chấm dứt, và thương phẩm chính mà Việt Nam trước đó nhập cảng nhiều là khí giới không còn cần thiết nữa; hoạt động của các thương quán ấy tổn ải cho các Công ty hơn là đưa lại lợi tức. Thêm vào đó, từ khi ít bị bận tâm vì chiến tranh hơn, các chúa trở nên nghi kỵ hơn đối với Tây phương, sợ Tây phương viện cớ thương mại để xâm lấn về mặt chính trị. Cho nên, thái độ của Việt Nam đối với các công ty Đông Ấn sẽ thay đổi hẳn trong thế kỷ XVIII.
*
Vào thế kỷ XVIII, các chúa đã không còn muốn hiến cho các công ty thương mại Âu châu những đặc quyền như khi họ mới tới Việt Nam nữa. Các sự mậu dịch vì thế mà giảm đi rất nhiều, đến nỗi mà về phương diện ngoại thương, Việt Nam chỉ còn buôn bán với các Hoa kiều ở Hội An mà thôi. Chúng ta có cảm tưởng như các chúa đã muốn đóng chặt các thương cảng Việt Nam trước các thương gia Tây phương.
Trong khi ấy, sự diễn biến lịch sử ở Âu châu khiến chỉ còn hai cường quốc tranh giành ảnh hưởng ở Á Đông: Anh và Pháp đều cố gắng kiểm tra sự mậu dịch với Trung Quốc. Muốn thế, cần phải chiếm một căn cứ điểm trên con đường biển đi từ Ấn Độ tới Trung Quốc và căn cứ ấy không đâu ngoài một vị trí trên bờ biển Việt Nam. Ngay từ cuối thế kỷ XVII, một nhân viên của Đông Ấn Công ty Pháp tên là Véret đã đề nghị chiếm đảo Côn Lôn làm căn cứ cho thương mại của công ty ở Viễn Đông. Song nhanh chân hơn, Đông Ấn Công ty Anh đã lập thương quán ở Côn Đảo vào năm 1702, và cố gắng biến đổi đảo này thành một căn cứ thương mại và thủy quân. Chúa Nguyễn đã không làm khó dễ, vì muốn dùng người Anh giúp chúa dẹp giặc biển hoành hành trên nhiều miền ven biển. Song, vào năm 1705, Đông Ấn Công ty Anh phải bỏ Côn Đảo, và từ đấy không ai nghĩ tới Côn Đảo làm căn cứ nữa.
Đông Ấn Công ty Pháp, để bù đắp cho các sự thất bại gặp phải ở Ấn Độ, đã để ý tới Việt Nam nhiều hơn, và muốn đặt một thương điếm trên bờ biển thuộc lãnh thổ của chúa Nguyễn: các bản báo cáo của các thương gia Pháp quen buôn bán trong các biển Nam Hải đều đề nghị với Công ty nên đặt thương quán ấy ở Đà Nẵng, được coi như là có một vị trí rất tốt, vì nằm giữa Trung Quốc, Phi Luật Tân và bán đảo Mã Lai.[4] Nhưng các sự thăm dò của công ty cho thấy dự định thiết lập thương quán ấy đầy khó khăn và tổn ải. Như trong năm 1749-1750, Đông Ấn Công ty Pháp phái Pierre Poivre tới xin chúa Võ Vương được quyền buôn bán; nếu chúa Nguyễn đẹp lòng vì các món quà mà công ty biếu chúa, thì Poivre lại vấp phải một tình trạng kinh tế và tài chính của Nam triều không được đẹp đẽ cho lắm, và nhất là vấp phải sự cản trở của các quan lại, làm Poivre lập một bản báo cáo rất bi quan về tương lai của các sự mậu dịch ở xứ “Cochinchine”.
Song le, giữa năm 1753 và 1778, Đông Ấn Công ty Pháp còn nhận được nhiều dự án, trình bày với Công ty là cần phải tiếp nối sự mậu dịch với Việt Nam. Có vài dự án còn nghĩ tới sự chiếm lãnh thổ của chúa Nguyễn làm thuộc địa nữa, nhất là cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn hiện ra như là một cơ hội tốt để can thiệp vào nội bộ của Việt Nam. Các dự tính này làm cho Đông Ấn Công ty Anh lo ngại, vì nếu Việt Nam rơi vào tay người Pháp, sự buôn bán của Công ty Anh giữa Ấn Độ và Trung Hoa sẽ bị đe dọa. Vì thế, vào năm 1778, thương gia Anh Charles Chapman được phái tới Đà Nẵng để nghiên cứu tình hình. Trong bản báo cáo, Chapman đề nghị nên ủng hộ chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn; như thế, Công ty Anh sẽ được lợi sau khi chúa Nguyễn thắng thế. Một trong những điều lợi ấy là người Anh sẽ kiểm tra Đà Nẵng, một căn cứ rất tốt về mặt chiến thuật cũng như về thương mại. Nếu các thương gia Anh phải rời Quảng Châu, thì vẫn có thể mua hàng Trung Hoa ở Đà Nẵng, mà lại rẻ hơn nữa, vì ở Quảng Châu, các thương gia Tây Phương phải trả thuế nặng.[5]
Nhưng từ cuối thế kỷ XVIII, với các biến cố xảy ra ở Âu châu, các mối chuyên tâm thương mại không còn quan trọng bằng những vấn đề chính trị nữa. Nếu vào đầu thế kỷ XIX, Đông Ấn Công ty Anh tỏ ra chú ý tới Việt Nam, là vì chính phủ Anh muốn giảm ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam, được cho là mạnh từ khi chúa Nguyễn Ánh thắng nhà Tây Sơn với sự giúp đỡ của giám mục Bá Đa Lộc và một số sĩ quan Pháp. Năm 1803 – 1804, công ty Đông Ấn Anh phái J. W. Roberts tới xin vua Gia Long đặc quyền buôn bán, nhưng nhà vua nghi ngờ thiện chí của người Anh và sợ bị rơi vào cùng một tình cảnh như các ông hoàng Ấn Độ, đã không tiếp Roberts. Thái độ nghi kỵ đó dần dần cũng là thái độ của nhà vua đối với các thương gia Pháp nói riêng và đối với tất cả các thương gia Tây phương nói chung.[6]
Với đầu thế kỷ XIX, giai đoạn hoạt động của các Đông Ấn Công ty ở Việt Nam đã chấm dứt. Thật ra, các hoạt động thương mại của các công ty buôn bán này không mạnh mẽ lắm ở Việt Nam. Vì thế, cần đặt câu hỏi tại sao các công ty này đã không thành công ở Việt Nam như đã thành công ở Trung Hoa hay ở Ấn Độ. Chắc chắn đã có những nguyên nhân sâu xa cho sự thất bại này.
Nguyên nhân sâu xa nhất là do tình trạng kinh tế của Việt Nam: thị trường Việt Nam rất hạn chế trước các hàng hóa của các Đông Ấn Công ty; dân chúng vì nghèo, vì không đủ lợi tức, nhưng cũng vì không cần hàng Tây, thành không mua những hàng hóa ấy. Các thương gia ngoại quốc đều đồng ý là Việt Nam nhập cảng rất ít chế phẩm Tây phương; ngoài khí giới ra, hàng hóa nhập cảng chỉ là vải quý và vài đồ xa xỉ cho sự tiêu thụ của triều đình và của các quan đại thần. Trong sự buôn bán với Việt Nam, các công ty có lời được là nhờ vài thổ sản có thể bán giá cao ở ngoài, như là tơ sống của Bắc Việt chẳng hạn. Nhưng trong sự mua bán tơ này, thương gia Âu châu bị cạnh tranh bởi con buôn người Tàu, tiếp xúc với người bản xứ dễ dãi hơn.
Các thương gia Tây phương cũng gặp nhiều khó khăn vì tính cách giả tạo và cứng rắn của sự mậu dịch ở Việt Nam; đây là một sự mậu dịch hoàn toàn bị kiểm tra bởi chính phủ, không cho phép có một sự tiếp xúc trực tiếp với giới sản xuất. Các quan viên tự dành cho mình đặc quyền buôn bán với người ngoại quốc, vì được lợi nhiều nhờ những sự giao dịch này: không những các nhà buôn ngoại quốc phải cho họ nhiều tặng phẩm, mà còn phải dành các hàng hóa quý giá nhất cho họ nữa. Ở Kẻ Chợ, các quan chiếm độc quyền buôn bán bằng cách bắt các nhà nuôi tằm phải giao cho họ tất cả số tơ sản xuất, để có thể bán tơ ấy theo giá cả họ tự định đoạt. Vị quản lý thương quán của Đông Ấn Công ty Hà Lan ở Kẻ Chợ, Van Riebeck, phải lén lút tới tận nhà các người nuôi tằm vào ban đêm để có thể mua tơ với giá cả phải chăng. Sự mậu dịch của thương gia Tây phương còn bị cản trở bởi những sự kiểm soát tỉ mỉ nữa: mỗi khi có một thương thuyền cập bến, chủ thuyền bắt buộc phải mở tất cả hàng hóa để cân và để đếm; chỉ khi nào kiểm soát xong và các quan đã giữ lại một phần đáng giữ, thì thương gia mới được đưa hàng về thương điếm. Còn thuyền muốn rời Việt Nam thì phải xin giấy phép trước nhất là một tháng, bằng không thì nhỡ chuyến.
Nhưng nguyên nhân thất bại của các Đông Ấn Công ty cũng là do chính thương gia của họ. Đối với các thương gia này, mục đích chính yếu là làm thế nào nắm được nhiều hàng hóa mà phải trả ít tiền. Để đạt được mục đích ấy, họ áp dụng những thủ đoạn bất chính, gần như cướp bóc, đến nỗi mà vào năm 1662, chúa Trịnh phải cấm các người ngoại quốc ở chung với dân chúng, vì họ không còn tôn trọng luật pháp nữa. Các thủ đoạn cướp bóc che đậy dưới danh nghĩa thương mại này không phải là hiếm; các thương gia nhất là Anh và Hà Lan đã quen dùng chúng ở Nam Dương. Còn Pierre Poivre, vì gặp khó khăn ở Đà Nẵng vào năm 1750, đã bắt cóc luôn người thông ngôn để trả thù.[7] Cách xử sự của các thương gia Âu châu đã hung bạo đến nỗi mà vào năm khi Đông Ấn Công ty Anh muốn tái tục sự buôn bán với Việt Nam, đã phải nhìn nhận rằng các hành động của các lái buôn Âu châu đã là nguyên nhân chính khiến sự buôn bán ấy phải chấm dứt trong quá khứ và căn dặn phái viên John Crawfurd phải tránh những lỗi lầm ấy.[8]
Các hành động vô trật tự của các nhà buôn Tây phương làm cho giai cấp lãnh đạo Việt Nam đã khinh bỉ sẵn giai cấp thương gia, thêm nghi kỵ Đông Ấn Công ty. Các chúa Trịnh cũng như các chúa Nguyễn ngại rằng nếu hiến những đặc quyền thương mại cho các nhà buôn Tây phương, những người này sẽ lợi dụng để tấn công lãnh thổ của mình; vì thế các chúa càng ngày càng ngần ngại để cho các Đông Ấn Công ty đặt thương quán ở Việt Nam. Thêm nữa, nghi ngờ rằng các nhà buôn là đồng lõa với nhà truyền đạo, các nhà cầm quyền Việt Nam tin rằng cần hạn chế các hoạt động của họ, để ngăn cản sự bành trướng một tôn giáo đe dọa cả cơ cấu của xã hội Việt Nam nữa. Điều này giải thích cho chúng ta thái độ càng ngày càng dè dặt của vua Gia Long trước những sự giao thiệp với Tây phương trong những năm 1815 -1819, và có lẽ cũng giải thích tại sao vua Gia Long đã chọn Minh Mạng để nối ngôi, một vua Minh Mạng cho rằng những sự tiếp xúc giữa nước Việt Nam và Tây phương không đưa gì tốt đẹp tới cho dân Việt cả.
Như thế, các sự giao thiệp của các Đông Ấn Công ty Hà Lan, Anh và Pháp với Việt Nam đã rất là ngắn ngủi, và đã không để lại một dấu vết cụ thể, mà cũng đã không đưa tới một hoạt động kinh tế mới mẻ nào ở Việt Nam.■
[1] MAYBON Ch. B., Histoire moderne du Pays d’Anam (1592-1820). Paris, 1919, XIV-418 tr.
BUCH W.J.M., La Compagnie des Indes néerlandaises et l’Indochine. B.E.F.E.O., 1936, tr. 97-196, tr. 121-237.
[2] BUCH W.J.M., De Oost Indische Compagnie en Quinam. Amsterdam, 1929, 123 tr.
[3] Xem thêm: ROSE S., Britain and Southeast Asia London, 1962, 208 tr.
[4] GAUDART M., Les archives de Pondichéry et les entreprises de la Compagnie française des Indes en Indochine. B. A. V. H. 1934, tr.353, 380
[5] BERLAND H., Relation d’un voyage en Cochinchine par M Chapman. B. S. E. I. 1948, tr 9-75.
[6] NGUYỄN THẾ ANH, L’Angleterre et le Viet Nam en 1803: la mision de J. W. Roberts. B. S. E. I. 1965, tr 339-347.
[7] CORDIER H., Voyages de Pierre Poivre de 1748 jusqu’a 1757 Rev. Hist. Col. 1918. tr. 588.
[8] CRAWFURD, John, Journal of an Embassy from the Governor of India to the courts of Siam and Cochinchina. London, 1828.