Thanh Tịnh
Bài gốc đăng trên báo QĐND số 5888, 21/8/1977, được in lại trong cuốn hồi ký “Bình Trị Thiên tháng Tám năm Bốn lăm” (nhiều tác giả, NXB Thuận Hóa xuất bản năm 1985).
Đó là một buổi chiều mùa thu trời mát dịu, trong kinh thành Huế trước cửa Ngọ Môn. Đại biểu gái trai, già trẻ của sáu huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền từ núi xuống, từ biển lên, từ đồng quê đến cùng với các tầng lớp nhân dân thành phố Huế đã tập hợp đông đủ, hàng ngũ chỉnh tề trên quãng sân cỏ trải rộng từ trước cửa Ngọ Môn đến chân cột cờ. Đứng phía trước là 18 hàng nữ sinh mặc quần trắng, áo dài trắng. Tiếp theo sau là các đoàn phụ nữ mặc áo dài tím, quần trắng. Đoàn quân nhạc gồm 130 người do ông Minh chỉ huy đứng bên phải. Các đoàn bộ đội với súng trường cắm lưỡi lê sáng loáng đứng bên trái. Các đoàn thanh niên, học sinh mặc áo sơ mi trắng, quần xanh đứng phía sau cùng. Phía chính giữa là đại biểu nhân dân tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế gồm gần một vạn người mặc áo đủ màu, đủ kiểu, xếp thành một ô vuông rất lớn. Không một ai đứng ra ngoài ô vuông này. Mấy o bán chè, mấy em bán kẹo, mấy bác kéo xe đến đây để tìm khách hàng cũng được mấy anh thanh niên trật tự thu xếp chỗ đứng mời vào trong ô vuông trên. Đúng là hình ảnh một khối đoàn kết chặt chẽ và vững bền. Nổi bật lên trong ô vuông này, giữa rừng người này là cờ đủ cỡ to nhỏ bay phần phật, là khẩu hiệu cách mạng, súng, gươm, giáo, gậy, mác, đòn xóc dựng lên tua tủa, san sát.
Tất cả đều đứng yên lặng. Không khí uy nghi và trang nghiêm lạ thường.
Đúng 3 giờ chiều. Bảo Đại bịt khăn vàng, mặc áo vàng, lên đứng trên lầu cửa Ngọ Môn phía bên trái. Đoàn đại diện của Chính phủ lâm thời ta đứng bên phải.
Tiếng loa bỗng vọng lên:
“Yêu cầu toàn thể đồng bào lắng nghe bản tuyên bố xin thoái vị”.
Nhân dân đã yên lặng càng yên lặng.
Bảo Đại cầm sẵn cuộn giấy trắng trong tay liền mở ra đọc. Hai tay cầm giấy hơi run. Giọng ngập ngừng, chậm chạm, như vừa đánh vần vừa đọc. Vốn Bảo Đại hằng ngày chỉ quen nói tiếng Pháp. Bảo Đại đọc nhỏ, hai loa nhỏ phát ra tiếng không lớn lắm, nhưng vì nhân dân hết sức yên lặng nên cũng nghe được khá rõ.
“… Trẫm xin đặt hạnh phúc của trăm họ lên trên ngai vàng của trẫm…”
Câu này có ý nói Vua xin thoái vị để làm thường dân và xin đặt hạnh phúc của nhân dân lên trên hết, ở địa vị cao đẹp nhất. Phải nhận câu này ý hay, nhưng Bảo Đại lại đọc không trôi chảy lắm, khi đọc xong lại dừng một chút như muốn nuốt một tiếng thở dài.
Bảo Đại đã đọc xong bản tuyên bố xin thoái vị. Không một tiếng vỗ tay. Nhân dân yên lặng. Bảo Đại đưa tay mở cúc áo ở cổ như vừa bị ngạt thở. Như được ai nhắc, Bảo Đại liền quay về bên phải, hai tay nâng chiếc khay trên đã đặt sẵn ấn và kiếm (tượng trưng cho quyền lực của nhà Vua) rồi hơi nghiêng mình trao cho đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ lâm thời ta thu nhận. Khi đồng chí Trần Huy Liệu tiến ra phía trước đưa khay lên cao như giới thiệu ấn, kiếm đã về tay nhân dân thì tiếng vỗ tay mới nổ vang và kéo dài như sấm.
Từ trên Ngọ Môn, tiếng loa lại vang lên: “Hạ cờ cũ xuống!”
Cờ quẻ ly, cờ của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim (giống như cờ ba que, chỉ khác que giữa bị cắt đôi thành hai que ngắn) đang từ trên đỉnh cao rớt xuống nhanh như giọt nước mắt lớn sa xuống đất. Trên Ngọ Môn, Bảo Đại cùng với đoàn người trong chính phủ bù nhìn nhìn cờ xuống cũng ủ rũ cúi đầu xuống theo.
Tiếng loa lại vang lên: “Mời tất cả hướng ra kỳ đài!”
Hàng ngàn người cùng một lúc quay lưng phía Ngọ Môn, phía Hoàng cung để nhìn ra phía kỳ đài, tức là phía sông Hương, phía núi Ngự, phía Nam của Tổ quốc. Lần này các đoàn thể thanh niên đứng hàng đầu.
Tiếng loa tiếp vang lên dõng dạc, dồn dập: “Phát năm tiếng lệnh! Quốc ca! Thượng quốc kỳ!”
Ba yêu cầu đề ra cùng một lúc. Tất cả đều làm rất ăn khớp. Giữa tiếng lệnh từ trên thành cao nổ vang trời, bản Quốc ca cất lên uy nghiêm hùng tráng thì là cờ đỏ sao vàng cũng từ từ vươn lên, vươn lên oai hùng giữa trời mây bát ngát.
Hàng chục ngàn người cùng một lúc nhìn theo cờ ngẩng đầu lên cao, nhìn thẳng, tự hào, hiên ngang, hùng dũng.