Peter White & Winfield Parks
Ngô Bắc dịch
Năm 1967, hai nhà báo Peter White và Winfield Parks của tạp chí National Geographic đã thăm Huế để tìm hiểu về niềm tin, lịch sử và lối sống của người Việt – những gì ẩn sau hàng loạt tin tức về chiến tranh tràn ngập trên các trang báo Mỹ. Không chỉ chứa đựng những miêu tả, nhận xét tinh tế về văn hóa Việt Nam, phóng sự của hai nhà báo này, xuất bản tháng 2/1967, còn bao gồm nhiều bức ảnh màu sống động gợi nhớ về Huế của một thời đã xa. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc trích đoạn của phóng sự này.
Khi bạn tôi, ông Thiện, một biên tập viên người Việt, hỏi rằng liệu ông ấy có thể nói hoàn toàn thẳng thắn được không, tôi đã nói được chứ, xin hãy cứ nói.
“Vâng”, ông ấy nói, “người Mỹ các anh gửi nhiều binh sĩ đến đất nước chúng tôi để chiến đấu, và các anh đã tiêu nhiều tiền ở đây, nhưng các anh thực sự không biết nhiều về người dân chúng tôi”.
Thành thật mà nói, tôi phải thừa nhận rằng ông ấy không hoàn toàn sai. Chính những khía cạnh nổi bật trong tình hình Việt Nam – chiến tranh không ngừng, thống kê tổn thất hàng ngày – đã khiến người Mỹ ở quê nhà bận tâm khi họ đọc báo và xem tivi. Khói lửa chiến tranh đã che giấu chính con người Việt Nam – niềm tin của họ, lịch sử của họ, lối sống của họ. Đó là lý do tại sao tôi đến Huế.
Tại sao tôi chọn Huế? Với dân số 105.000 người ở góc đông bắc của Nam Việt Nam, thành phố này hiện chỉ là một trong số 43 tỉnh lỵ của đất nước. Nhưng đối với nhiều người Việt Nam, Huế – từng là nơi ngự trị của các vị hoàng đế – vẫn là trung tâm tri thức và tâm linh của toàn thể Việt Nam, cả phía bắc và nam vĩ tuyến 17.
Ở đây còn tồn tại nhiều đền chùa, cung điện và lăng tẩm đẹp nhất của Việt Nam. Huế cũng là một trung tâm học tập, với hơn 1.000 sinh viên đại học. Và không giống như Sài Gòn – nơi có hàng chục nghìn người nước ngoài tụ tập – Huế vẫn gần như 100% là người Việt. Trong sự nhộn nhịp của thành phố cảng Đà Nẵng gần đó và trong sự yên tĩnh ở các khu bệnh viện của nó, tôi đã thấy rõ nhất người nước ngoài đang ảnh hưởng đến cuộc sống và thái độ của người Việt Nam như thế nào. Nhưng điều mà tôi hân hạnh được chứng kiến bây giờ, ở Huế, là một biểu hiện của truyền thống gia đình và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không hề thay đổi.
Tôi đứng bên trong Hoàng thành, tại ngôi đền được gọi là Thế Miếu, nơi có mười án thờ lấp lánh màu vàng và màu đỏ – mỗi án thờ được dựng lên để thờ một vị hoàng đế đã khuất của triều đại nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng cai trị Việt Nam. Hôm nay là buổi kỷ niệm 83 năm ngày mất của Hoàng đế Tự Đức.
“Chúng tôi thắp nến để mời linh hồn của hoàng đế trở lại đây”, một nam thanh niên trong chiếc khăn xếp màu đen và chiếc áo rộng bằng lụa đen thì thầm. Anh tên là Bảo Toại, một thành viên hoàng tộc. Hậu duệ kế vị cuối cùng của Tự Đức chỉ mới từ bỏ ngai vàng cách đây 22 năm.
Một chục người đàn ông – tất cả đều mặc áo dài như Bảo Toại – lặng lẽ đi lại với những ngọn nến được thắp sáng, cho đến khi toàn bộ ngôi miếu sáng lên êm dịu. Phía sau chúng tôi, bên ngoài những cánh cửa đang mở, mưa rơi du dương.
Án thờ Hoàng đế Tự Đức và một bàn bên cạnh có bát hương, hoa phượng, những đĩa chuối, quế, quả trứng gà, kẹo; những tách trà và các ly rượu trắng; và 32 bát với cá, thịt, rau và cơm. “32 món ăn yêu thích của hoàng đế”, Bảo Toại cho hay.
Một cụ già bước vào – Quan Dương Yêm. Ông có phẩm cấp như một nam tước, mang đôi hia mềm màu đen và một chiếc mũ mềm mại thêu màu xanh lam. Ông phủ phục, trán chạm sát chiếc chiếu trải bên dưới án thờ. Bên cạnh ông là một thanh niên quỳ gối, và từ một bài vị có khung màu vàng và đỏ, anh ta đọc về cuộc đời Tự Đức. Người thanh niên rời đi. Quan Dương Yêm cúi lạy ba lạy nữa rồi lặng lẽ lùi đi.
Âm thanh chiến tranh phá vỡ không khí yên bình của ngôi đền
Tôi cũng rút đi, tiến vào một cái sân nơi những con kỳ lân bằng đồng lóng lánh trong mưa. Hai chiếc trực thăng của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ bay lượn rầm rầm trên đầu. Trên khắp các hào lũy của Huế văng vẳng những những tiếng nổ buồn tẻ – súng cối và lựu pháo đang hoạt động trong cuộc giao tranh ở một ngôi làng gần đó.
Tôi đã trở lại thực tế bùng nổ của cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, buổi lễ bình lặng mà tôi vừa quan sát được không kém phần điển hình cho cuộc sống miền Nam Việt Nam hiện nay so với những âm thanh bạo lực bên kia những bức tường thành. Trên thực tế, những gì tôi đã thấy ở Thế Miếu cũng diễn ra trên khắp đất nước hàng trăm lần mỗi ngày – trong những khung cảnh ít hoành tráng hơn, ít lễ vật hơn nhưng lại mang ý nghĩa gia đình sâu sắc như nhau. Ông Thiện bạn tôi đã cảnh báo tôi không được phạm sai lầm về điều đó.
“Trong ngôi nhà truyền thống Việt Nam, vị trí quan trọng nhất là bàn thờ gia tiên của gia đình – cứ mười nhà thì có bảy nhà như vậy”, ông nói. “Ở nhiều nhà, bàn thờ được đặt ở giữa phòng khách. Anh thấy đấy, chúng tôi tin rằng tổ tiên của chúng tôi vẫn tiếp tục hiện diện ở bên gia đình. Đây không chỉ đơn giản là một cách nói tu từ hay một sự tưởng tượng mơ mộng. Đối với chúng tôi đó là một thực tế. Tương lai, hạnh phúc của một người phụ thuộc vào việc giữ cho linh hồn tổ tiên được an vui”.
Ông Thiện đã lấy bằng tiến sĩ chính trị học tại Đại học Geneva và đã từng du học ở Anh và Mỹ.
“Tôi được đào tạo ở châu Âu và châu Mỹ”, ông nói. “Nhưng tôi được giáo dục bên trong những lũy tre của nhà tôi ở Huế, bởi cha mẹ, anh chị em và anh chị em họ, bởi những người giúp việc, những người chăm nuôi và những đầu bếp của chúng tôi. Họ đã truyền lại những giá trị còn khắc sâu trong tư tưởng và tâm hồn người Việt chúng tôi. Không có sự học hỏi nào có thể xóa bỏ những niềm tin này, bất kể chúng tôi có thể đã ở nước ngoài bao lâu hay cho dù nền văn hóa và văn minh của họ có vẻ sáng chói đến đâu. Hãy nhớ rằng, trên nhiều khía cạnh, chúng tôi có cảm nhận khác các anh”.
Đối với tôi, một người Mỹ, hầu như không cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm nhận của người Việt. Rốt cuộc, những điều này chẳng phải là chìa khóa cho hòa bình ở Việt Nam hay sao? Và chúng ta cũng như người Việt Nam, chẳng phải đều mong muốn một nền hòa bình trong danh dự hay sao?
Số binh lính tử trận của chúng tôi ở đây đã vượt quá con số 4.050 người trong Cách mạng Hoa Kỳ. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy rằng chẳng bao lâu nữa cuộc chiến ở Việt Nam có thể có sự tham gia trực tiếp của nửa triệu người Mỹ có vũ trang, và ngốn gần một phần năm ngân sách quốc gia của Mỹ – với tốc độ hai tỷ đô la một tháng.
Nhịp điệu lặng lẽ thấm nhập cuộc sống ở Huế
Ông Thiện bảo tôi rằng Huế là nơi một người nước ngoài có thể hiểu rõ nhất về truyền thống Việt Nam, những điều khiến người ta xúc động sâu sắc nhất.
“Tôi hy vọng anh sẽ thích nơi này”, ông nói. “Không có tòa báo, không có ngân hàng, không có nhà máy ngoại trừ một nhà máy xi măng. Nhưng Huế có cảnh quan đẹp nhất của chúng tôi và những cô gái đẹp nhất của chúng tôi. Khi trăng tròn, anh phải dành buổi tối đi thuyền tam bản trên sông Hương”.
Tôi đến vào thời điểm hoa phượng và hoa sen nở rộ, khi ngày qua ngày dòng sông lấp lánh màu xanh thẳm dưới bầu trời chói chang và nhiệt kế ở khoảng 37°C cho đến chập choạng tối. Sau đó, độ ẩm giảm xuống như một chiếc khăn ướt sũng nước, và những con muỗi lơ lửng như những làn khói nhỏ màu xám. Điều làm tôi ngạc nhiên là một thành phố lại toát ra vẻ yên bình như vậy.
Tất cả dường như bất động từ giữa trưa và ba giờ chiều. Nhưng vào những giờ ban ngày khác, mọi thứ diễn ra trong một nhịp điệu yên tĩnh: những chiếc xe đạp, với những người đàn ông mặc áo sơ mi phanh ngực và những cô gái với quần dài mượt mà mặc dưới chiếc đầm dài xẻ tà gọi là áo dài, mái tóc đen nhánh dài chấm vai hoặc thậm chí dài đến thắt lưng; đàn ông và phụ nữ đẩy người về phía trước trên những mái chèo dài của thuyền tam bản; những người phụ nữ trong bộ đồ bà ba với đòn gánh bằng tre trên vai, vận chuyển những chiếc thúng đựng đầy trái cây và cải xoong, vịt và gà, chổi và gạch cùng hàng trăm thứ khác có thể bán được.
Tất cả Huế dường như được dẫn dắt một cách dịu dàng bởi một động mạch chính duy nhất – chậm rãi, bền bỉ, như thể cuộc sống ở đây chắc chắn sẽ tiếp diễn mãi mãi như thế, không bao giờ tăng tốc, không bao giờ chậm lại.
“Cuộc sống ở đây vẫn thế vào mùa đông, khi mưa nhiều cả ngày lẫn đêm trong ba tuần liền”, bạn tôi Tráng [?], một luật sư trẻ cùng đi với tôi với tư cách thông dịch viên, cho biết. “Không gì có thể lay chuyển được những người này. Ở Việt Nam, chúng tôi nói rằng nhìn chung người miền Bắc, từ Hà Nội, rất linh hoạt. Người miền Nam, từ Sài Gòn, dễ nổi nóng nhưng không giận lâu. Nhưng những người này ở miền Trung, từ Huế, thì sao? Bướng bỉnh! Cứng đầu!”
Chắc chắn rằng ba miền không nói cùng một ngôn ngữ, và sự khác biệt không đơn giản chỉ là vấn đề giọng nói. Tráng, sinh ra ở Hà Nội và hiện đang sống ở Sài Gòn, đôi khi phải tra từ điển.
“Hãy lấy ví dụ một từ đơn giản là ‘tại sao’”, anh nói. “Ở Sài Gòn, là cớ sao. Ở Hà Nội, tại sao. Ở Huế, răng rứa. Nhiều người miền Bắc đã vào Sài Gòn, vì vậy ở đó người ta hiểu khá rõ từ ngữ của cả miền Bắc và miền Nam. Nhưng không phải ở đây!”
Cũng như vậy, Huế là biểu tượng của sự thống nhất Việt Nam. Ông cố của Tự Đức, Hoàng đế Gia Long – người đã củng cố đất nước sau hai thế kỷ nội chiến và phân hóa chính trị – đã đặt kinh đô tại Huế vào năm 1802 và bắt đầu xây dựng Kinh thành vẫn còn sừng sững cho đến ngày nay. Một nửa diện tích sáu dặm vuông của thành phố được bao bọc bởi những bức tường thành được bảo tồn nguyên vẹn của tòa thành khổng lồ này, có các hào nước và các pháo đài tạo thành một hình vuông vắn. Bên trong hình vuông đó là một vuông đất nhỏ hơn được vây kín, với các hào nước và tường thành dài gần 700 thước mỗi cạnh, được gọi là Đại Nội hay đơn giản là Hoàng thành.
Bài thơ truyền đạt ít nhất 64 ý nghĩa
Giống như cả thành phố Huế, Hoàng thành là một biển cây cối. Không chỉ có những cây hoa phượng mà còn có cây ổi, sa kê, nhãn, đu đủ, măng cụt, lựu, dừa, hoa đại, cây đa và cây thông lá mềm. Đi qua những khẩu súng thần công bằng đồng và tượng quan lại bằng đá, tôi đến một ngôi đình nay là viện bảo tàng, đi lang thang giữa những đồ vật quý giá bằng đồng, sơn mài, đồ sứ và những trang phục hoàng gia bằng lụa vàng. Trên tường treo bài thơ của Hoàng đế Thiệu Trị, thân phụ của vua Tự Đức. Bài thơ viết bằng Hán tự được khảm xà cừ trên mặt gỗ sẫm màu, xếp thành một vòng tròn tỏa ra tám dòng.
“Một trong những biểu hiện tuyệt vời nhất của triết học phương Đông”, người quản thủ bảo tàng, ông Ưng Tương [?], cho hay. Bài thơ viết gì? Ông Tương cười: “Làm sao tôi nói cho ông biết được? Nó có thể đọc theo ít nhất 64 cách”.
Tôi băng qua cầu Kim Thủy vào một sân lớn, và sau đó vào Điện Thái Hòa. Trên một bục cao có ngai vua màu vàng đỏ lấp lánh, khảm gương. “Ông thấy đấy, các mảnh gương xua đuổi ma quỷ”, Tráng nói.
Khu vực trong cùng của Hoàng thành, Tử Cấm Thành, từng được dành riêng cho gia đình trực tiếp của hoàng đế. Trước đây, những người vào khu vực này mà không được phép của vị quan cai quản đều bị xử tử. Tôi và Tráng có giấy thông hành do ông Nguyễn Văn Diệp, Chánh văn phòng Sở Du lịch Huế, ký.
Hầu hết các tòa nhà đã bị phá hủy cách đây hai mươi năm, trong chiến tranh chống Pháp, và tại vị trí các căn buồng riêng của hoàng đế bây giờ là một khu đất trải rộng đang được xới lên. Một người làm vườn đang bón phân cho đất để trồng hoa loa kèn trắng.
Trở lại sân lớn, Đoàn ca vũ Cung đình đã sẵn sàng. Để được xem buổi biểu diễn đặc biệt này, tôi đã được sự chấp thuận của Hội đồng Hoàng tộc và của Trung tá Phan Văn Khoa, thị trưởng thành phố Huế. Trung tá Khoa cũng là tỉnh trưởng, đại diện cho chính quyền Sài Gòn, đã ủng hộ đoàn ca vũ này vì văn hóa Việt Nam.
“Chúng tôi tuyển chọn họ vì giọng hát, ngoại hình và trí thông minh”, cô giáo Hồ Thị Huệ cho biết. “Họ bắt đầu từ năm 15 tuổi và trình diễn trong vài năm. Các nam thanh niên bị trưng binh cho nghĩa vụ quân sự ở tuổi 20, còn các cô gái kết hôn ở cuối tuổi vị thành niên”.
Năm nhạc công mặc áo lam sáng bóng, ở đây gọi là “màu lam Huế”, chơi trống và một loại kèn gọi là kèn bầu, nhạc trưởng đánh vào một chiếc chiêng bằng đồng nhỏ xíu, 20 cô gái và 6 chàng trai vừa hát vừa múa. Họ mặc áo mũ nhiều lớp đến mức tôi không thể phân biệt các cô gái với các chàng trai. Họ xếp thành một hình chóp ba tầng, một số đứng trên vai những người khác.
Thật mê hoặc, nhưng tôi khó có thể thưởng thức, vì trời nóng. Sao họ lại có thể tràn đầy năng lượng trong những bộ quần áo nóng bức đó?
Cô giáo huấn luyện nói: “Cứ tập nhiều rồi sẽ quen”.
Tôi dừng lại ở văn phòng của Hội đồng Hoàng tộc để bày tỏ lời cảm ơn. Có bao nhiêu thành viên hoàng tộc còn sống hiện nay? “Khoảng một trăm ngàn người”, Công chúa Lương Linh cho hay. Không thể tin được, nhưng đó là sự thật – hội đồng có một cuốn sổ ghi tất cả các tên họ. Tất nhiên, nhiều người là họ hàng xa. Dù sao thì cách đây một thế kỷ, một hoàng tử đã sinh ra 72 người con.
Hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết – và tiền
Các ao và hào nước trong Kinh thành ngập tràn cây sen, và tôi thấy hoa sen trong các bình hoa, lá sen trong trà, hạt sen trong cơm. “Một biểu tượng của Huế, một biểu tượng của sự thuần khiết”, Tráng nói. “Nó mọc lên từ bùn, nhưng lại có mùi rất thơm; điều đó có nghĩa là một người tốt sẽ không bị khuất phục trước ảnh hưởng xấu”.
“Cây sen mang lại một phần hai mươi tổng thu nhập của thành phố”, ông Nguyễn Rô, Phó tỉnh trưởng phụ trách hành chính và tài chính, cho biết. “Từng phần mặt nước được thành phố đem cho thuê. Những người được nhượng quyền khai thác có thể bán hạt sen, hoa sen và cá sống trong đó”.
Các thư ký trao cho ông Rô những tập hồ sơ với nhiều số liệu hơn. Huế được chia thành ba quận, 21 thôn (ấp) và 11 làng thuyền tam bản (vạn đò). Thành phố có 200 con bò và khoảng 600 ô tô, cộng với 70.000 xe đạp. Các nghệ nhân làm việc tại nhà với tre đã tạo ra 120.000 chiếc túi đan mỗi năm và 200.000 chiếc nón lá.
“Sản lượng nón lớn nhất ở Việt Nam”, ông Rô cho biết. “Nón có chất lượng tốt nhất. Cầm một chiếc nón giơ lên dưới nắng, bạn có thể đọc thấy một bài thơ viết trên giấy được kẹp giữa hai lớp lá tre của chiếc nón”.
Tràn ngập như hoa sen là những tấm bình phong được đặt trước hầu hết các cánh cửa vài feet[1]. Chúng được làm bằng tre đan hoặc bê tông, một số được trang trí bằng hình sư tử ghép từ các mảnh sứ vụn nhiều màu sắc. Một số là hàng rào được cắt tỉa gọn gàng, hoặc chỉ đơn giản là mảnh vải treo trong làn gió nhẹ. Tất cả đều có cùng một mục đích – ngăn chặn ma quỷ tiến thẳng vào cửa.
Tráng bảo: “Anh có thấy dãy núi tự nhiên vuông vức, cách đây hai dặm? Tên nó là Ngự Bình, bức bình phong của Hoàng đế. Nó chặn không cho ma quỷ vào Hoàng thành”.
Trên sườn núi Ngự Bình và xung quanh Huế mọc lên hàng ngàn ngôi mộ nằm rải rác giữa những ruộng lúa và những mảnh sân sau nhà, hay nằm ven đường, suối và kênh rạch: Một số chỉ là những gò đất, một số là những công trình trang trí công phu. Tìm chỗ thích hợp để đặt mộ cũng là một bổn phận quan trọng như thờ phụng tổ tiên. Vì nếu mộ của một người không được đặt ở vị trí thuận lợi, hôn nhân của con gái ông ta không thể ích vượng và con trai ông ta chắc chắn sẽ bị hủy hoại.
Giúp mọi người chọn những ngôi đất tốt là nhiệm vụ của những người như ông Nguyễn Hạnh [?]. Ông 73 tuổi, mặc áo màu lam Huế, và khi chúng tôi rảo bước đến gần Ngự Bình, ông dừng lại trước một ngôi mộ trong một ruộng sắn. Nó được bao bọc bởi một bức tường cao đến thắt lưng với những bông sen bằng đá ở trên.
“Họ Nguyễn Khoa”, ông Hạnh nói. “Một thế đất tuyệt vời. Các con trai của vợ chồng ông này đều vươn lên các chức vụ cao cấp”.
Chúng tôi đi ngang qua một ngôi mộ được tô điểm cầu kỳ hơn rất nhiều với hai con phượng hoàng bằng đá cao mười feet đứng chầu hai bên.
“Đây là nơi an nghỉ của một vị quan lớn”, ông Hạnh nói. “Tất cả con cái của ông ấy đều gặp bất hạnh. Chính ngọn đồi phía sau ngôi mộ đó, rất tệ”.
Rất ít ngôi mộ được chăm sóc cẩn thận. Nhiều ngôi mộ trông rất bừa bộn.
“Điều đó không quan trọng”, ông Hạnh nói “Vị trí mới quan trọng, hài hòa với các thế lực thiên nhiên”.
Và ông chỉ ra những dấu hiệu của những thế lực đó xung quanh chúng tôi, những đặc điểm tự nhiên mà ông ấy gọi là con rết, con rắn quấn mình quanh quả trứng, con rắn đang lắng nghe, cô gái đang cầm hoa. Tôi không thể nhìn thấy chúng.
“Việc này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm”, Tráng nói, “nhiều trí tuệ”.
Ông Hạnh giải thích rằng mỗi người phù hợp với những địa thế khác nhau. Ông hỏi tuổi tôi và nói: “À, sinh năm Sửu. Con khỉ tốt cho ông. Hoặc con gà. Con trâu hợp với con khỉ và con gà”.
Ông Hạnh bảo rằng quanh chúng tôi là biểu hiện của những quyền lực sâu xa nhất: con hổ trắng – nguyên lý âm, tiêu cực, đe dọa; và con rồng xanh – nguyên lý dương, tích cực, nhân từ. Những lực này gặp nhau trong sự cân bằng hài hòa tại Hoàng thành, nơi đặt ngai vàng, cách đây hai dặm rưỡi. Đó là lý do tại sao ngai vàng được đặt ở đó.
Tôi mời ông Hạnh xem phòng của tôi, và ông nhìn qua cửa sổ, thấy con sông, đường sá và cây cầu.
“Không phải là một chỗ tốt”, ông nói. “Nhưng không đến nỗi tệ để ông phải chuyển đi. Tôi nghĩ ông nên thay đổi vị trí giường”.
Từ trong túi, ông lấy ra một chiếc la bàn. Sau đó, ông bảo tôi lấy cho ông một đoạn dây. Bằng những thứ này, ông điều chỉnh chiếc giường theo trục bắc nam, sao cho nó hướng theo đường chéo của căn phòng.
“Bàn chân của ông nên hướng về phía nam, vì vậy ông phải chuyển chiếc gối xuống chân giường”.
Tôi cảm ơn ông Hạnh bằng những món quà thích hợp – một gói trà và một ít tiền đựng trong phong bì đỏ dành cho các cháu ông, vì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Đêm đó tôi ngủ ngon hơn nhiều, rõ ràng là hòa hợp hơn với các thế lực tự nhiên. Việc di chuyển giường ra khỏi góc phòng – và đầu tôi vào điểm giữa căn phòng – đã mang lại cho tôi toàn bộ lợi ích của hệ thống cửa sổ thông gió.
Ở khắp mọi nơi tại Huế, tôi thấy quanh mình là những nơi thờ cúng, những đền, chùa và nhà thờ lác đác, những bàn thờ trước nhà và bên trong hầu hết các ngôi nhà và nơi kinh doanh.
Tôn giáo của người dân là gì? Một người Việt đáng kính nói với tôi: “Chúng tôi có 30.000 người Công giáo La Mã ở Huế. Phần còn lại, chiếm số đông, họ có phải là Phật tử không? Hãy hỏi họ, và hầu hết sẽ trả lời là có. Nhưng không đơn giản đâu, đó là một vấn đề vi tế”.
Điều này không giải thích được sao?
“Thực tế là hầu hết người Việt Nam, những người được giáo dục tốt nhất cũng như những người thất học, đều tin chính xác những gì mà các vị hoàng đế đã tin tưởng. Họ tin vào đạo lý được Khổng Tử truyền bá. Họ kính phục một thứ Phật giáo mơ hồ. Trên hết, họ cúi đầu trước các thần linh – trước linh hồn của tổ tiên họ và của nhiều người khác, trước linh hồn của những vĩ nhân trong lịch sử; trước những vị thần của bầu trời và của các cánh đồng, của cây cối và động vật; trước các vị thần thiện và ác và các vị thần biến đổi ở giữa hai cực này”.
“Trong những vấn đề quan trọng nhất của đất nước và trong cuộc sống cá nhân, họ tham khảo ý kiến của những người lên đồng, các thầy pháp và thầy bói – để tìm hiểu những gì nên làm, khi nào nên làm và khi nào không. Tất cả những điều này, bạn thấy đấy, là cách của người Việt. Nếu bạn muốn, bạn cứ gọi đó là đạo Việt Nam”.
Hãy cẩn thận những ngày xấu
Tráng có nói rằng ngày 5, 14 và 23 âm lịch là những ngày xấu, rằng trong những ngày này, tốt nhất ta nên ngồi yên và đừng làm gì khác thường. Thật vậy, vào ngày 14, những người bạn đã hứa đưa tôi đi biển Thuận An đề nghị hoãn lại. Dù thế tôi vẫn đi, lái xe qua những cánh đồng lúa, đi bộ một dặm qua một con đường đắp cao nóng bỏng để đến một chiếc phà, và lê bước trên một con đường khác băng qua một bãi cát nóng bỏng để cuối cùng trôi nổi ở Biển Đông ấm áp.
Tại một quầy giải khát, tôi cắn một miếng mực khô và nhai trệu trạo rất lâu. Nó cứ nở ra trong miệng tôi và cưỡng lại khi tôi cố nuốt. Tôi bơi thêm một lần nữa và bị sóng ụp vào người. Tôi ngoi được lên bờ và phát hiện ra rằng ai đó đã lấy mất đồng hồ và con dao bỏ túi của tôi. Xui thật! Về lại Huế, đau rát vì cháy nắng, tôi bảo Tráng hủy chuyến du thuyền đã đặt cho tối hôm đó.
Tráng phản đối: “Hãy mừng vì những chuyện vớ vẩn này đã xảy ra. Điều này có nghĩa ông không cần lo sợ sự việc nghiêm trọng nào nữa. Cứ đi thôi”.
Ba nhạc sĩ và ba cô ca sĩ cùng đi du thuyền với chúng tôi trên sông Hương. Một thuyền bán đồ ăn xuất hiện, và tất cả chúng tôi đã mua súp. Sau đó, trời tối. Người nhạc sĩ bắt đầu đàn và các cô gái cất tiếng hát, khiến tôi nhớ đến bản nhạc được Nguyễn Du, nhà thơ vĩ đại nhất từng đến Huế, miêu tả. “Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân”.
Đây là những bài hát sầu cảm. Về những nỗi đau của tình yêu; về vẻ đẹp của dòng sông và những đêm trăng rằm; về thần tượng quen thuộc của miền Trung Việt Nam: người anh hùng chiến đấu cho chính nghĩa nhưng bại trận. “Đẹp làm sao”, Tráng thở dài, “như tiếng hót của con chim lạc lối”.
Tôi mỗi lúc một thêm sầu cho đến khi mặt trăng – vầng trăng tròn nổi tiếng của Huế – len qua những đám mây, mờ nhạt và xa xăm. Nỗi sầu muộn của tôi tan biến. Vết cháy nắng của tôi đã dịu bớt. Đó là một kết thúc dịu dàng của một ngày không lành.
Chao ôi, sự yên bình của Huế, êm dịu như làn gió thoảng qua những rặng thông của Hoàng thành, nhưng đó có thể chỉ là bề ngoài thôi! Trong đống đổ nát của một tòa nhà lớn bằng gạch và bê tông, tôi giữ thăng bằng trên gạch vụn cháy đen và những mảnh kính lởm chởm. Đây từng là Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ. Tôi sững sờ, như thể một trong những mảnh thủy tinh đó đã đâm vào bụng tôi.
“Chúng tôi có 10.000 cuốn sách”, Albert Ball của Sở Thông tin Hoa Kỳ cho biết. “Hàng nghìn người đã mượn chúng và đến xem các bài giảng và chiếu phim của chúng tôi. Chúng tôi có những tạp chí y khoa tốt nhất…”
Ball nhặt lên một bức ảnh nhòe nhoẹt của Tổng thống Kennedy.
“Chúng tôi nỗ lực rất nhiều ở Huế vì đây là thánh địa của nền văn minh Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng nếu có thể giúp đỡ các sinh viên đại học, chúng tôi sẽ củng cố được đội ngũ lãnh đạo đất nước – giúp họ xác định được đường hướng và cùng nhau hợp sức. Nhưng Huế còn là vùng đất của những mánh khóe, những âm mưu và những phản âm mưu, và sự bất tin tưởng lẫn nhau”.
Kinh đô này đã trở thành nạn nhân sau cuộc nổi dậy gần đây ở miền trung Việt Nam. Các nhà sư Phật giáo, tuyên xưng một chủ nghĩa dân tộc Việt Nam của riêng họ, tuần hành thách thức chính quyền Sài Gòn. Những người lính Việt Nam đứng im trong khi sinh viên cầm súng lục và lựu đạn yêu cầu Hoa Kỳ ngừng hỗ trợ chính phủ đó. Khi Tổng thống Johnson từ chối can thiệp vào chuyện nội bộ Việt Nam này, sinh viên đã tìm cách gây áp lực với Tổng thống bằng cách phá hoại Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ.
“Tôi không đổ lỗi cho người dân Huế”, Ball nói. “Đó là hành động của một vài người. Một số người trong số họ đã từng đến nhà tôi, nhưng người Việt là thế đấy. Các mối quan hệ cá nhân chẳng có nghĩa lý gì đối với họ khi họ đấu tranh cho một nguyên lý”.
Đối với một số người, cuộc sống của chính họ cũng không có ý nghĩa gì. Trong một ngôi chùa Phật giáo bên trong Kinh thành, trên một bàn thờ nhỏ chất đầy hương hoa, tôi thấy bức ảnh của một nữ sinh trung học. Cô ấy tên là Nguyễn Thị Vân, và trước cổng chùa này, vào lúc cao điểm của cuộc nổi loạn, cô đã đổ hai lít xăng lên người rồi tự thiêu.
“Nhiều người muốn làm điều này nhưng chúng tôi đã ngăn họ lại”, một nhà sư nói với tôi. “Chúng tôi cũng cố gắng ngăn cô ấy lại nhưng không được”.
Bên ngoài, trong sân chùa, mảnh áo trắng cháy xém của cô vẫn còn đó.
Xoáy lông vàng mang lại sức khỏe tốt
Giọng nói của những cô gái con nhà lành, the thé và gần như không nghe được – chẳng phải đó là tinh hoa của sự nhu mì hay sao?
“Nguy hiểm!”, Tráng nói. “Mấy người phụ nữ miền Trung Việt Nam này – lấy một cô và cô ta sẽ biến thành con hổ”. Những người bạn đến từ Huế không phủ nhận rằng phụ nữ của họ có vị thế mạnh hơn nhiều so với những gì thể hiện ra trước những người nước ngoài. Người vợ là thủ quỹ của gia đình, người giữ vàng bạc. Tất nhiên, vàng là tài sản của gia đình. Nếu cần tiền mặt, anh có thể bán đi một ít vàng – nhưng chỉ người vợ mới biết nơi giấu vàng.
Đối với những người dân xung quanh Huế – những người nông dân trên những mảnh ruộng trù phú, bằng phẳng – một con trâu quý như vàng và thậm chí còn đáng quý hơn vì nó có tình cảm. Chỉ rất ít người có thể mua được một con. Ở Việt Nam, người ta sẽ rất mừng nếu kiếm được tiền để thuê một con trâu kéo cày.
Đó là lý do tại sao bé Cho Em may mắn đến thế. Bé không chăn trâu cho một người lạ giàu có nào đó. Con trâu này, tên là Pháo, thuộc về cha của em.
Pháo là một con trâu rất tốt: chín tuổi, từ sừng đến đuôi dài gần 8 feet. Nhất là ở mỗi bên lưng đen của nó có một xoáy lông màu vàng. “Sự đối xứng này có nghĩa là sức khỏe tốt”, Tráng nói
Khi còn là một cậu bé, Tráng đã cưỡi nhiều trâu. “Sao anh không cưỡi con trâu này nhỉ”, Tráng nói. “Nó hiền đấy. Mười con thì có hai con hung dữ, nhưng chúng tôi ăn thịt những con đó. Một con trâu xấu tính sẽ không to lớn như vậy”.
Con Pháo liếm chiếc lưỡi to màu trắng xanh lên lỗ mũi bên trái, rồi sang bên phải. Nó nhìn tôi. Trông nó có vẻ không ưa tôi.
Tôi không muốn nghĩ đến việc leo lên nó như thế nào. Nhưng một khi lên được lưng nó, tôi cảm thấy thoải mái một cách đáng ngạc nhiên. Khi trượt xuống, tôi đáp xuống một đống cỏ ba lá. “Ở Mỹ”, tôi nói, “cỏ bốn lá nghĩa là may mắn”.
Tráng nói: “Nó không có ý nghĩa gì đối với chúng tôi”.
Đại học Huế, đóng cửa vì những rắc rối gần đây, đã mở cửa trở lại. Giáo sư Bác sĩ Hans-Guenther Krainick, một bác sĩ nhi khoa Tây Đức và là cố vấn cấp cao của Khoa Y, cho biết: “Trước đây, tổng cộng có hơn 2.000 sinh viên”.
Một số sinh viên tham gia lãnh đạo cuộc nổi dậy đã bị bắt, và một số đang lẩn trốn. Một số ít đã tham gia Việt Cộng.
Tuy nhiên, mọi thứ gần như đã trở lại bình thường. Các kỳ thi sắp diễn ra, và sinh viên học bài ở khắp nơi – trong chùa, trên thân các khẩu thần công thiêng liêng ở Hoàng thành. Trên hòn đảo ở hồ Tịnh Tâm, một thanh niên cầm quyển sách sinh học nói với tôi: “Liệu anh có thể học ở nhà với tám đứa em phiền nhiễu không?”.
Các kỳ thi đang diễn ra tại Trường Trung học Đồng Khánh, ngôi trường nổi tiếng nhất dành cho nữ sinh ở Việt Nam. Cảnh sát chống bạo động với súng trường và súng tiểu liên canh gác những tòa nhà trát vữa màu hồng. Tuy nhiên, thuốc nổ dẻo (plastic) của Việt Cộng đã phá sập một lớp học trong đêm. Một thỏi thuốc nổ khác đã được tháo ngòi vào sáng hôm đó. Tuy nhiên, các cô gái tỏ ra bình tĩnh khi suy nghĩ về các câu hỏi triết học: Liệu tâm lý học có cần thử nghiệm hay không? Lý trí có thể hoạt động mà không liên quan đến trực giác? Cảm giác của một người là trở ngại hay trợ giúp cho đời sống tinh thần?
Giáo sư Bửu Kế – nhà thơ, tiểu thuyết gia và quản thủ thư viện của trường đại học – đón tiếp tôi giữa những cuốn sách của ông dưới chiếc quạt trần vĩ đại.
“Ông thường nghe nói rằng chúng tôi là một đất nước non trẻ, rằng chúng tôi phải xây dựng đất nước của mình”, ông nói. “Theo một nghĩa nào đó thì đúng, nhưng theo một nghĩa khác thì có thể gây hiểu lầm. Dân tộc Việt Nam đã tồn tại dọc Biển Đông cách đây 2.000 năm vào thời của Julius Caesar; và thậm chí trước đó, trong khoảng trên dưới 2.000 năm của thời kỳ huyền thoại. Hãy xem lướt cuốn sách này”.
Ông đưa cho tôi một cuốn sách dày, bằng tiếng Pháp, và tôi đếm được tám triều đại Việt Nam, trong đó có triều đại có tới 27 đời vua. Ngay cả trong suốt 1.000 năm đô hộ của Trung Quốc, người Việt vẫn không ngừng nổi dậy cho đến khi họ đánh đuổi được những kẻ đô hộ, cách đây 1.028 năm.
Giáo sư Bửu Kế nói tiếp: “Không phải lúc nào Việt Nam cũng kiểm soát toàn bộ lãnh thổ mà hiện nay đang bị phân chia thành Bắc và Nam Việt Nam. Chúng tôi đã mở rộng dần dần, từ Bắc vào Nam. Vào khoảng thời gian những người châu Âu đầu tiên đổ bộ vào Bắc Mỹ và bắt đầu chiếm đất của người Mỹ da đỏ, một số tổ tiên người Việt chúng tôi đã tiến xuống phía nam và giành khu vực xung quanh Huế khỏi tay người Chăm, một dân tộc có nguồn gốc Indo-Polynesia”.
Nền văn hóa cũ nuôi dưỡng một quốc gia non trẻ
Đến thế kỷ 18, người Việt vẫn tiếp tục Nam tiến đến nơi có biên giới Nam Việt Nam ngày nay. “Sau đó”, Giáo sư Bửu Kế nói, “chúng tôi đã trở thành nạn nhân của người Pháp”.
Ông ngồi im lặng một lúc. Rồi ông nói: “Nam Việt Nam chắc chắn là một đất nước non trẻ, được tạo ra sau khi người Pháp rời đi cách đây 13 năm. Nhưng nền văn minh Việt Nam không hề trẻ. Ngược lại, có lẽ chúng tôi đã dừng lại ở quá khứ quá lâu”.
Tôi nhìn thấy những lời nhắc nhở về khát vọng độc lập của người Việt trong chính những cái tên đường phố: từ Trần Hưng Đạo, để tưởng nhớ vị tướng quân đã đánh đuổi quân xâm lược Nguyên-Mông vào thế kỷ XIII, đến Phan Bội Châu, để vinh danh một học giả đã qua đời ở Huế vào năm 1940 sau khi đấu tranh chống Pháp trong năm mươi năm.
Điều gì sẽ xảy ra với Việt Nam bây giờ? Vết thương có bao giờ lành lại không?
Tôi hỏi cha của cô gái đã tự thiêu. Ông rót cho tôi một tách trà khác và lặng lẽ nhìn quanh cửa hàng của ông – một hiệu sửa chữa xe máy. Ông nói: “Lúc đầu, vợ chồng tôi rất buồn. Nhưng con gái chúng tôi chết vì một chính nghĩa, vì vậy chúng tôi cũng rất tự hào. Bây giờ chúng tôi đang quên, không phải quên con, mà là quên đi nỗi buồn”.
Trong cuộc họp hàng tuần của Hội Khổng học ở Kinh thành, các thành viên đã mưu định một cuộc phục hưng đạo đức. Trước tiên, cần khôi phục mạnh mẽ việc dạy và học chữ Hán, để năm tác phẩm kinh điển của Trung Quốc – những cuốn sách do Khổng Tử và những môn đệ của ông biên soạn hoặc hiệu đính – có thể bù đắp ảnh hưởng của những cuốn sách mới không có đạo đức trong đó. Đối với những người không thể học chữ Hán, sẽ có các bản dịch.
Khổng Tử đã nêu ra giải pháp gì cho những rắc rối hiện nay?
Chủ tịch Hội, ông quan Phan Ngọc Hoàn, trả lời rằng nhiệm vụ hàng đầu của con người vẫn là hoàn thiện bản thân về mặt đạo đức. “Khổng Tử nói phải tu thân tốt rồi mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
…
Thời gian của tôi ở Huế đã hết, và tôi vẫn chưa đến thăm những lăng tẩm quan trọng nhất của hoàng gia. Sau đó, tôi nhận được tin từ tỉnh trưởng. Ông vẫn không thể dành đủ quân để cho phép một chuyến tham quan lăng mộ của Hoàng đế Gia Long, cách sáu dặm rưỡi, hoặc năm dặm đến lăng vua Minh Mạng, con của Gia Long. Nhưng 12 lính với một súng máy và hai súng phóng lựu sẽ đủ để tôi đi thăm lăng vua Tự Đức.
Lăng Tự Đức nằm trong một thị trấn riêng có tường bao quanh, với nhiều loại cây và rộng gấp 5 lần Tử Cấm Thành, nơi vị hoàng đế đã sống phần lớn cuộc đời của mình. Phía sau bức tường lớn mọc lên một ngôi điện, các tòa nhà dành cho những người hầu cận, các bức tượng và bia đá khắc chữ. Một ngôi mộ đơn sơ với những cây thông bao quanh được một bức tường khác bao bọc. Hoàng đế đã tự tay thiết kế tất cả. Ông thường ngồi đây, trong một ngôi đình thoáng mát bên hồ sen, viết những bài thơ về tính vô thường của vạn vật.
Tự Đức là một người mơ mộng. Trong triều đại của ông, người Pháp đã đến và đánh chiếm đất nước. Lúc nước sôi lửa bỏng, Tự Đức đã cử quan Bùi Viện đến Washington để nhờ Tổng thống Ulysses S. Grant giúp đỡ. Không ích gì. Người Pháp buộc những hoàng đế kế vị Tự Đức phải nổi dậy và bị lưu đày, hoặc trị vì như một bù nhìn ở miền Trung Việt Nam.
Một con chim màu xám bay lên từ cây hoa đại. Những con chuồn chuồn bay lượn trên ao sen như những chiếc trực thăng tí hon – có con màu xanh, có con màu đỏ, màu vàng – và tôi nghĩ đến bạn Thiện của tôi.
“Việt Nam”, ông nói, “giống như nhiều quốc gia khác, là một giấc mơ, và để biến giấc mơ thành hiện thực, người ta cần có những người tin vào những giấc mơ. Người Mỹ, những người có nền khoa học và trí tuệ mà tôi kính trọng, nói với tôi rằng Mỹ cũng là một giấc mơ, một giấc mơ đẹp như một đóa hoa xuân…”
Và tôi đã cầu nguyện rằng cả hai giấc mơ có thể trường tồn.■
[1] Đơn vị đo chiều dài, bằng 0,3048 mét.