Mai Ngữ | Báo Quân đội Nhân dân số 145, ra ngày 14/10/1954
Chín năm bị chiếm đóng, nhân dân ngoại thành Hà Nội thèm khát được tự do làm ăn. Những cô gái làm giấy ở làng Bưởi có câu hát rằng:
Chúng mình là dân can, seo
Chỉ ước một điều: “Dó” tốt về cho
Dó về Hà Nội tự do
Nhân dân làm giấy ấm no vui mừng…
“Dó” đây nghĩa là cây dó làm giấy mọc ở Phú Thọ mà chín năm nay nhân dân làng Bưởi vẫn ao ước và đồng thời cũng là những cơn gió mát từ vùng tự do thổi về xua hết cảnh áp bức đọa đày. Những cơn gió của hòa bình, hạnh phúc. Đã lâu rồi, nhân dân ngoại thành vẫn chờ đợi.
Bây giờ thì hòa bình đã trở lại. Gió mát bay về khắp các thôn xóm của ngoại thành giải phóng. Suốt dọc đường từ Hà Đông về Ngã Tư Sở, dọc theo Đê La Thành qua Bạch Mai, lên Vĩnh Tuy, ô Cầu Giấy về Nhật Tân, Kim Mã, ngày 8 tháng 10, bộ đội ta chảy về như nước lũ. Cờ bay phấp phới trước những khuôn mặt hiền hậu và vui tươi của chiến sĩ ta. Quân đội Pháp vừa rút, nhân dân xô ra hai bên đường, cờ mọc lên khắp phố xá, ngõ xóm. Những người lính Pháp ngoẹo đầu trên thành xe nhìn lại phía sau họ, không khí tưng bừng trỗi dậy. Quân đội ta tiến qua ngàn vạn tiếng reo hò.
“Sung sướng quá! Các anh đã về!”. Đó là câu nói đầu tiên của nhân dân khi trông thấy bộ đội ta tiến vào. Từ các em nhỏ đến những cụ già, từ đồng bào ngách phố đến nhân dân trong xóm không ai không nói lên câu đó đầu tiên.
Đêm hôm ấy, nhà bà cụ Tư Mọc Thượng Đình ran ran lên tiếng nói cười. Bà cụ Tư bị lòa từ 3 năm nay. Ngày còn bị tạm chiếm, ngoài bữa cơm, bà cụ lại lủi thủi vào giường nằm. Hôm nay bà cụ ngồi nói chuyện với bộ đội cả ngày. Hai bàn tay gầy guộc nắm lấy vai, lấy tay anh bộ đội, bà cụ sung sướng nói: “Béo quá, khỏe quá! Thật là sung sướng, hả hê!”.
Có ai có được sự vui mừng của bà cụ Tư. Ngày hôm đó, không nhớ được là bà cụ đã nói mấy chục lần câu: “Sung sướng quá!”. Nhà bà cụ có hai mẹ con. Chị Tư làm nghề máy cổ yếm bán buôn; có gian nhà bị địch đốt cháy phải ở nhờ hàng xóm. Đêm mùng 7, quân đội Pháp rút khỏi làng, bà cụ sợ hãi suốt đêm. Hai mẹ con ôm nhau sợ hãi, lo lắng bọn Pháp vào vơ vét lần cuối cùng. Đêm hôm nay, cả hai mẹ con cùng không ngủ, thắp ngọn đèn con ngồi nói chuyện với bộ đội đến khuya. Bên ngoài trời vẫn mưa tầm tã. Bà cụ Tư mò mẫm ra cửa thì thầm: “Thôi ông có mưa thì mưa nốt đêm nay cho thằng Tây nó rút đi. Mai ông tạnh ráo lên cho các anh ấy về Hà Nội…”.
Thi hành lệnh giới nghiêm của Ủy ban Quân chính thành phố, nhân dân không ai đi đâu, nhưng trước cửa nhà, góc phố, trong xóm, tiếng cười, tiếng trống ồn ào, nhộn nhịp. Dọc đường cái, đồng bào ra dọn dẹp cửa nhà, rẫy cỏ, treo lại cờ…
Ở đầu làng Bưởi, nhân dân xúm quanh mấy đồng chí bộ đội nghe chuyện Điện Biên Phủ. Các chị phụ nữ mặc áo trắng, đeo băng đỏ chạy tung tăng. Tiếng trống ếch của thiếu nhi vang lên trong trường học. Mới có một ngày mà các em đã hò hát khản cả tiếng. Các cụ, các bà rủ nhau đi thăm bộ đội. Bà cụ Hai có một người con hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nắm tay một anh bộ đội cảm động nói: “Trông thấy các anh về, tôi cũng như là trông thấy em…”.
Trời tạnh mưa. Phía Tây mây đã quang, ánh nắng hửng lên. Tiếng khung cửi dệt lụa, dệt vải ở làng Láng chạy tí tách. Mấy chị phụ nữ ở Ngọc Hà lúi húi bên luống hoa, hái vội vàng để ngày mai Hà Nội có hoa tặng bộ đội. Bà cụ Thảo dừng tay phơi giấy, chạy công văn cho con gái báo cho các xóm chuẩn bị đi thăm bộ đội.
Ngoại thành sống trong những ngày ồn ào, tưng bừng nhất. Mấy chị phụ nữ vừa đi vừa hát. Tiếng chị Kiền hò lanh lảnh:
Thủ đô đã giải phóng rồi
Hồ Gươm lại sáng, tiếng cười lại vang…■