Trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi xã hội lại bộc lộ sự kiểm soát của nam giới đối với nữ giới ở những mức độ khác nhau. Nước Trung Hoa thời phong kiến – từ thời nhà Hán cho tới khi chế độ phong kiến kết thúc vào năm 1911 – đã củng cố địa vị thống trị của nam giới và hạ thấp vị thế của nữ giới không chỉ về mặt tinh thần mà còn về mặt pháp lý. Nằm trong phạm vi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, xã hội Việt nam xưa cũng thể hiện sự bất bình đẳng này. Tuân theo những giá trị Khổng giáo, bộ luật Hồng Đức của nhà Lê đã gán cho phụ nữ một địa vị thấp hơn trong gia đình và xã hội so với người chồng của họ. Tuy nhiên, bộ luật này lại thể hiện một bản sắc Việt thực thụ với những điều luật nhằm bảo vệ quyền phụ nữ, vốn không hề tồn tại trong bất cứ bộ luật nào của Trung Hoa.
Việc bảo đảm quyền dân sự của phụ nữ dưới thời Lê là một chính sách xuất phát từ văn hóa bản địa của người Việt, và là một đặc trưng cơ bản nhất của luật thời Lê so với luật thời Nguyễn hay luật nhà Minh, Thanh. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số điều luật bảo vệ quyền phụ nữ trong Bộ luật Hồng Đức.
Điều 42: Chịu tang ông bà với cụ kỵ giống nhau; chịu tang cháu chắt chút giống nhau, cháu đích tôn thay cha mẹ mà để tang ông bà cũng như chịu tang cha mẹ, con chịu tang đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu nuôi mình, cũng như chịu tang người thân sinh ra mình. Gọi là con thì trai gái giống nhau.
Điều 308: Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con, thì cho hạn một năm. Vì việc quan phải đi xa thì không theo luật này.
Điều 309: Ai lấy nàng hầu lên làm vợ chính thì phải tội phạt; vì yêu nàng hầu mà thờ ơ với vợ thì phải tội biếm[1] (phải có vợ thưa thì mới bắt tội.)
Điều 333: Đã gả con gái cho người rồi, sau vì thấy người chồng nghèo khó, lại bắt con gái về, thì phải phạt 60 trượng, biếm hai tư[2]; con gái bắt phải về nhà chồng. Nếu con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, việc đem thưa quan sẽ cho ly dị.
Điều 338: Những nhà quyền thế mà ăn hiếp lấy con gái kẻ lương dân, thì phải tội phạt, biếm hay đồ[3].
Điều 375 (trích): Phàm vợ chồng không có con… điền sản của vợ chồng làm ra, [nếu chồng chết trước] thì chia làm hai, vợ chồng mỗi người được một phần; phần của vợ được nhận làm của riêng, phần của chồng lại chia làm 3, cho vợ 2 phần, để về việc tế tự và mộ một phần. Hai phần cho vợ cũng chỉ để cấp dưỡng một đời mình, không được nhận làm của riêng. Vợ chết hay cải giá, thì hai phần ấy lại để về việc tế tự và mồ của chồng.
Điều 391: Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng, ruộng đất hương hỏa thì cho lấy một phần hai mươi.[4]
Điều 397: Tổ là Trần Giáp sinh được trai gái hai con, trai trưởng là Trần Ất, gái là Trần Thị Bính. Trần Ất sinh được một gái Trần Thị Đinh, hãy còn thơ ấu thì Trần Ất chết. Tổ là Trần Giáp làm chúc thư giao phần ruộng đất hương hỏa cho Trần Thị Bính giữ. Khi Trần Thị Bính chết thì lại phải giao phần hương hỏa lại cho con gái Trần Ất là Trần Thị Đinh giữ.
Điều 402: Quyến rũ con gái chưa có chồng, thì phải tội “phàm gian” (tội gian thường), và phải nộp tiền tạ, nhiều ít tính theo bậc sang hèn, cho cha mẹ người con gái. Người con gái không phải tội; người dắt mối thì phải tội đồ hay lưu[5].
Điều 403: Cưỡng gian thì phải tội lưu hay tội chết và phải nộp tiền tạ hơn tiền tạ về tội phàm gian một bậc; nếu làm người đàn bà bị thương thì phải tội hơn tội đánh nhau bị thương một bậc; đến chết thì điền sản kẻ phạm tội phải đền cho nhà người bị chết.
Điều 404: Thông gian người con gái nhỏ từ 12 tuổi trở xuống, dù người con gái nghe theo, cũng vẫn phải tội cưỡng gian.
Vị thế của phụ nữ Việt Nam thời Lê đã được các học giả nước ngoài ghi nhận. Học giả người Pháp Camille Briffaut bình luận về chế độ hôn nhân thời Lê: “Đó là một chế độ bình đẳng sâu sắc, dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa hai dòng họ và quyền bình đẳng của vợ chồng. Về tài sản, họ đóng góp bằng nhau, cùng hưởng thành quả chung, chịu chi phí chung, nợ chung, di chúc bình đẳng, chia sẻ bình đẳng. Họ cũng được giữ phần tài sản riêng.”[6] Về vai trò kinh tế của phụ nữ Việt, Charles Chapman, người được Toàn Quyền Anh ở Ấn Độ cử sang Việt Nam năm 1778, đã miêu tả: “Các quý bà là giới năng động hơn cả; họ thường lo liệu mọi việc làm ăn.”[7] John Barrow một nhà quan sát người phương Tây khác, du hành đến Trung Hoa và Việt Nam những năm cuối thế kỷ XVIII, đã chỉ ra sự khác biệt về vai trò của phụ nữ trong hai xã hội: “Người Trung Hoa sẽ cảm thấy mất mặt nếu giao tế bất kỳ chuyện đại sự gì với phụ nữ. Còn theo đánh giá của người Đàng Trong, phụ nữ là người phù hợp nhất để được giao phó những chuyện chính yếu trong gia đình.”[8] Trong cuốn sách “The Vietnamese Tradition of Human Rights” (Truyền thống nhân quyền Việt Nam) do Đại học California – Berkeley xuất bản năm 1988, GS. Tạ Văn Tài đã nhận định rằng vì những tập quán của triều Lê về quyền bình đẳng nam nữ khá hợp với hình mẫu văn hóa của xã hội Việt Nam, người Việt Nam trong thế kỷ XIX và thế kỷ XX vẫn gìn giữ truyền thống đã được chế định trong Bộ luật Hồng Đức.
Như vậy, có thể nói việc bảo đảm quyền lợi của phụ nữ là một truyền thống lâu đời đã được khắc ghi trong luật pháp cũng như thực tiễn đời sống ở Việt Nam. Thế hệ ngày nay cần gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp này.
Nam Chi
[1] Biếm nghĩa là giáng tư cách, giáng chức.
[2] Biếm hai tư nghĩa là giáng hai cấp trong hệ thống cấp bậc của quan lại.
[3] Chịu tội đồ nghĩa là phải đi lao động khổ sai.
[4] Điều này trái ngược với quy định trong Bộ luật nhà Nguyễn và luật Trung Hoa, theo đó chỉ có nam giới mới được giữ hương hỏa. Nếu không có con trai thì phải giao cho con trai nuôi hoặc người thân là nam trong gia tộc. Chỉ khi không có con trai nuôi hoặc không còn người thân nào là nam thì mới cho phép con gái giữ hương hỏa.
[5] Chịu tội lưu nghĩa là bị đày đi xa.
[6] Briffaut, Droit civil sino-annamite / Quyền dân sự Trung – Việt (Hà Nội, 1921), tr. 231-32.
[7] Alastair Lamb, The Mandarin Road to Old Hue / Con đường cái quan tới Huế xưa (Hamden, 1970), tr. 130, 131.
[8] John Barrow, A Voyage to Cochinchina in the Years of 1792 and 1793 / Một chuyến du hành tới Nam Kỳ năm 1792 và 1793 (London, 1806), tr. 302.