Skip to content
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Dịch vụ thư viện
  • Nghiên cứu
  • Danh mục sách
  • Thư viện số
  • DANH MỤC SÁCH
  • THƯ VIỆN SỐ
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

CỔNG THÔNG TIN – NVH LIBRARY'S PORTAL

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Giới thiệu thư viện
    • Đội ngũ nhân sự
    • Tuyển dụng
    • Liên hệ
  • Dịch vụ thư viện
    • Câu hỏi thường gặp
    • Bảng giá dịch vụ
  • Nghiên cứu
    • Blog tư liệu
    • Xuất bản
    • Tài nguyên
    • Tin tức
  • Danh mục sách
  • Thư viện số
  • Toggle search form
  • Đối thoại với các phái đoàn Hoa Kỳ Xuất bản
  • Pol Pot: Mổ xẻ một cơn ác mộng Xuất bản
  • Giải phóng Xuất bản
  • Chợ Lớn 1955: Ký và họa Xuất bản
  • Miền đất vàng Đông Dương Xuất bản
  • Biển Đông – Nhìn từ góc độ lịch sử và pháp lý Xuất bản
  • Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19 Xuất bản
  • Một góc nhìn thời cuộc Xuất bản

Dọc theo Con đường Cái Quan của Đông Dương năm 1931 (Kỳ 4)

Posted on 28/08/202018/02/2021 By editor No Comments on Dọc theo Con đường Cái Quan của Đông Dương năm 1931 (Kỳ 4)

Robert Moore

Ngô Bắc dịch

Đây là bài viết đầu tiên về Việt Nam và Đông Dương trên tạp chí lừng danh thế giới, National Geographic Magazine, tháng Tám năm 1931, chứa đựng nhiều ảnh chụp rất quý hiếm, trong đó có 33 hình đen trắng và 28 ảnh chụp màu tự nhiên. Đó là những tấm ảnh màu tự nhiên đầu tiên về Việt Nam xuất hiện trên một tạp chí bằng Anh ngữ ở phương Tây. Tác giả bài viết, W. Robert Moore, cũng là người chụp ảnh.

————

Một buổi sớm mai, chúng tôi rời Huế đi Hà Nội, thủ đô xứ Bắc Kỳ và trung tâm hành chính của toàn thể Đông Dương.

Chúng tôi đi dọc những cánh đồng lúa chín đang chờ người gặt hái, các ngọn đồi không canh tác, các đụn cát dài đôi khi nhìn ra biển, và những khối đá kỳ lạ. Chúng tôi đi phà qua nhiều con sông rồi đến với những cánh đồng mênh mông ở đồng bằng sông Hồng.

Dọc đường, một luồng hơi nóng thiêu đốt từ xứ Lào quét ngang qua. Người dân bản xứ khoác áo tơi bằng rạ (tranh) để chống lại cái nóng cháy da ấy. Đôi khi, vào tháng Tư, gió Lào thổi liên tục suốt cả tuần, nhưng những cơn mưa bất chợt cũng làm không khí dịu đi đôi chút.

NƠI ÁO TƠI LÀ THỜI TRANG
Những tấm áo này không chỉ dùng để che mưa, mà còn bảo vệ người mang nó khỏi những cơn gió mùa hè nóng bức đôi khi quét ngang khắp các đồng bằng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Một cảnh chợ ở Hà Nội.

Tại Quảng Trị có một con đường xuyên sang Lào đến Savannakhet và Thakhek bên sông Mekong rồi vòng về Vinh. Từ Vinh, một con đường khác xuyên qua cao nguyên người Mèo đến Luang Prabang, thủ phủ của miền bắc Lào.

Tại xã Đồng Hới, chúng tôi thăm một xưởng chạm gỗ bản xứ, nơi các sản phẩm gỗ chạm khắc tỉ mỉ, đẹp đẽ được làm ra.

NHỮNG NGƯỜI CHẠM KHẮC GỖ Ở ĐỒNG HỚI LÀ CÁC NGHỆ NHÂN LÃO LUYỆN
Mặc dù xưởng của họ chỉ là một cái chái không cửa và phần lớn dụng cụ do họ tự làm lấy, những nghệ nhân này sản xuất ra các sản phẩm chạm trổ tuyệt hảo với thiết kế tinh xảo và cầu kỳ.
CÁC SẢN PHẨM CỦA MỘT XƯỞNG CHẠM KHẮC GỖ Ở TRUNG KỲ
Bình phong, hộp, khay và các đồ vật tuyệt diệu khác được sản xuất bằng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân tại một cơ xưởng ở Đồng Hới do người phụ nữ trẻ này và chồng cô ấy điều hành.

Quá Đồng Hới khoảng 45 dặm Anh, con đường leo lên đến một cao điểm nhìn ra biển, trên đó là Ải An Nam (Port d’Annam) cũ. Biên cương An Nam không còn ở cửa ải này nữa, nhưng đi quá nơi này, có một sự thay đổi về y phục từ quần đen của phụ nữ Trung Kỳ thành chiếc váy nâu không gọn ghẽ của dân Bắc Kỳ. Khuôn mặt quyến rũ và vóc dáng mảnh mai của dân Trung Kỳ nhường chỗ cho những đường nét nặng nề, cục mịch và đen đúa hơn. Những chiếc nón hình nấm rộng của Trung Kỳ cũng biến thể trở thành những chiếc nón lá dừa phẳng rộng hơn nữa, trông giống như khay uống trà hình tròn úp ngược với vành nón rộng ba phân Anh (inch).

CHIẾC NÓN BẮC KỲ CŨNG LÀ MỘT CHIẾC Ô TỐT
Chiếc nón tỏa rộng này thường làm bằng lá dừa và tre, và phải được buộc chắc chắn ở cả hai bên để nó có thể thoải mái tựa lên trên đầu quấn khăn.
NHỮNG CHIẾC NÓN RỘNG VÀNH BẢO VỆ CÁC CÔNG NHÂN KHỎI ÁNH NẮNG NHIỆT ĐỚI
Lịch làm việc của người dân Trung Kỳ và Bắc Kỳ bắt đầu từ buổi bình minh và kéo dài mãi đến tối. Những người nông dân cần cù này đã khai khẩn gần hết đất đai khả canh tại xứ sở bị bao quanh bởi núi và biển của họ.
CHÚNG ĐƯỢC DÙNG ĐỂ PHỤC VỤ TRONG THẾ GIỚI THẦN LINH
Theo một phong tục Trung Hoa, người dân Bắc Kỳ và Trung Kỳ làm đồ hàng mã bằng giấy hình con ngựa, nhà ở và các đồ vật khác rồi đốt trong các lễ mai táng để các linh hồn vừa từ trần có thể sử dụng.

Người Bắc Kỳ siêng năng hơn người Trung Kỳ. Hàng trăm người với quang gánh trĩu nặng rung rinh trên vai luôn luôn rảo bước trên đường và khắp các cánh đồng.

Trên đường đi nơi đồng hồ chỉ tốc độ của chúng tôi đôi khi lên tới 60 dặm Anh một giờ, người ta vẫn còn đẩy những chiếc xe cút kít kêu ầm ĩ như tổ tiên của họ đã làm trên lối đi bộ của Con đường Cái Quan. Giờ đây không còn võng hay kiệu, mà thay vào đó, xe kéo tay được dùng cho các chuyến đi dài xuyên suốt xứ sở.

Vinh và hải cảng gần kề, Bến Thủy, là nơi tiến hành một khối lượng mậu dịch lớn. Lùi về phía núi là các đồn điền trà và cà phê rộng lớn. Các ruộng dâu cũng nằm rải rác khắp Bắc Kỳ để nuôi tằm cho ngành dệt lụa bản xứ khá quy mô.

Phía bắc của Vinh là một vùng đất rộng với các khối đá lớn hình thù kỳ dị gần như đâm thẳng lên từ biển lúa xanh tươi. Những khối núi đá này trải dài khắp miền bắc Bắc Kỳ tới tận Trung Hoa, nhưng đẹp nhất là phía bắc Hải Phòng, nơi chúng tạo thành Vịnh Hạ Long tuyệt mĩ.

Sau cùng, chúng tôi đến Hà Nội nằm bên bờ sông Cái (nguyên văn: Song Koi), hay sông Hồng, trung tâm của một đồng bằng lúa gạo bao la màu mỡ.

Năm 1872, Dupuis, trương một lá cờ Trung Hoa, cho các thuyền của ông ta xuôi ngược dòng sông này, trong khi người dân An Nam ném pháo lên các sàn tàu để đốt cháy chúng, nhờ đó đã ngăn được ông ta mở đường buôn bán với Vân Nam. Trước đó, cũng ở nơi này, Đại Úy Senez đã thất bại. Tương tự, Garnier cũng đã đến đây để tận hưởng chiến thắng tạm thời trước khi bị hạ sát. Cùng nơi đây, Rivière và binh sĩ đã bị người An Nam và quân Cờ Đen của Trung Hoa đánh bại, trước khi Bắc Kỳ rơi vào tay Pháp.

KHI TRỜI ĐỔ MƯA TẠI ĐÔNG DƯƠNG

Một khi trời mưa ở Đông Dương, thì nó mưa như trút. Nước sông dâng cao hết mức và toàn thể đất đai bị ngập lụt. Các trận bão từ Biển Đông ập đến xé nát bờ biển. Nhiều ngôi làng dọc Con đường Cái Quan bị thổi bay hay cuốn trôi đi mất, bản thân con đường thường xuyên bị hư hỏng.

Lụt lội là mối kinh hãi chính yếu của Hà Nội. Sông Hồng luôn luôn là một mối đe dọa bởi khối nước vĩ đại đổ xuống nó trong suốt mùa mưa. Bờ sông được đắp đê cao ngang tầng thứ nhất của các cửa hiệu, và trong suốt các trận lụt, lính tuần cảnh canh chừng nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra.

Một cây cầu dành cho đường xe hỏa và xe hơi dài nửa dặm Anh bắc ngang con sông phục vụ giao thông phía bắc thành phố.

Với dân số hơn 140.000 người, Hà Nội có nhiều tòa nhà đẹp đẽ và quyến rũ hơn Sài Gòn. Ở trung tâm thành phố có một hồ nhỏ với một ngôi đền nhỏ mọc lên giữa hồ. Các cô gái bán hoa xếp hàng dọc theo lối đi bộ gần cuối hồ, bán hoa cẩm chướng, hoa hồng, hoa huệ cùng nhiều loại hoa nhiệt đới khác nữa. Tại khu dân bản xứ của thành phố có những con đường hấp dẫn dành cho các nhà buôn lụa, đồ đồng, đồ gỗ chạm khắc và các món đồ khảm xà cừ.

Cách Hà Nội sáu mươi dặm bằng đường xe hỏa hay xe hơi chạy ngang đồng bằng là Hải Phòng, cửa ngõ xuất cảng cho xứ Bắc Kỳ và cho Vân Nam Phủ, Trung Hoa. Với 76.000 cư dân, thị trấn hải cảng phồn thịnh này tọa lạc trên con sông cách biển 13 dặm và được xây dựng trên các đầm lầy trồng lúa trước đây.

Từ Hải Phòng, chúng tôi đi xe hơi dọc bờ biển đến Hòn Gay, điểm vận tải cho các khu mỏ than rộng lớn. Một số mỏ có các vảy than dày lộ thiên, và hàng trăm phu thợ được tuyển dụng cho hoạt động khai khoáng tại các quảng trường lộ thiên bao la đầy than đen.

CÁC MỎ THAN CUNG CẤP VIỆC LÀM CHO 30.000 CÔNG NHÂN
Đông Dương sản xuất gần 2.000.000 tấn than đá mỗi năm, phần lớn trong đó đến từ việc khai thác lộ thiên rộng lớn tại vùng lân cận Vịnh Hạ Long. Các bậc thang than đá lộ thiên tại Hà Tu, cách Hòn Gay một vài dặm.

MỘT CUỘC DU NGOẠN TUYỆT DIỆU TRÊN BIỂN

Tại Hòn Gay, chúng tôi đã thuê khoán một chiếc thuyền buồm nhỏ tên là Paulette, được trang bị một động cơ phụ lực, để thăm Vịnh Hạ Long với các động đá rải rác khắp nơi. Chúng tôi bỏ lại sau lưng những lo toan và du ngoạn vào một thế giới tuyệt diệu. Phóng nhanh trong làn gió mùa thật mát mẻ, chúng tôi luồn lách ra vào giữa hàng trăm chiếc thuyền buồm đánh cá đang kéo lưới trên vịnh.

Sau đó chúng tôi đi qua khối núi đá vĩ đại lởm chởm như ngón tay chỉ lên trời. Hàng nghìn đảo đá vôi nhỏ mọc thẳng lên từ làn nước xanh trên khắp Vịnh Hạ Long và Vịnh Fai Tsi Long (Bái Tử Long?) ở phía bắc. Chúng tạo thành chuỗi hạt trang sức treo lủng lẳng sau cái mũ chóp nhọn của người đàn bà trong tấm bản đồ của chúng ta.

Thiên nhiên đã đùa giỡn nơi đây. Có những chiếc cầu với vòm mái ngay trên mặt nước, vô số lạch nước hẹp ẩn giấu và nhiều hang động giữa các núi đá. Chẳng phải đây là một nơi trú náu thật thuận lợi cho hải tặc Trung Hoa ngày xưa hay sao!

Suốt nhiều giờ đồng hồ, chúng tôi du ngoạn bằng thuyền vào vùng đất thần tiên huyền diệu, chơi trò trốn tìm giữa vô số các tháp đá màu xám với hàng nghìn hình thù kỳ lạ cho đến khi bóng đêm phủ trùm lên chúng tôi. Không nơi nào trên thế giới mà tôi lại trải qua một cuộc du ngoạn bằng thuyền huyền ảo say mê đến thế.

Chúng tôi nghỉ qua đêm trên chiếc tàu Princess Turandot, một thuyền buồm Trung Hoa được tân trang thả neo gần Đảo Sửng Sốt (Isle of Surprise), nơi chúng tôi được phục vụ cá tươi từ biển và tận hưởng những cú lao mình xuống làn nước mát lạnh sảng khoái.

Đã đến lúc chúng tôi quay về, nhưng gió chẳng thổi căng buồm. Động cơ thuyền không khởi động được. Do đó, trong khi thợ máy sửa chữa, tôi nằm trên boong gối đầu trên một cuộn dây thừng, và giống như một cậu bé học trò, tôi vắt chân lên trên thành tàu và để bàn chân trần đong đưa trong làn nước. Trong những giây phút mơ màng, tôi tưởng mình đang cư ngụ giữa các tòa lâu đài bằng đá. Các bạn đồng hành của tôi câu cá hay đọc sách.

THIÊN NHIÊN ĐÃ CHƠI TRÒ NGHỊCH NGỢM KỲ LẠ TẠI VỊNH HẠ LONG Vô số các hòn đá mọc lên một cách kỳ quái và các đảo tí hon chấm phá mặt nước của vịnh, khiến nó trở thành một trong những địa danh huyền hoặc nhất thế giới. Hòn Gay, một phần của nó có thể được nhìn thấy trong hậu cảnh, là một làng chài phát đạt và một hải cảng quan trọng vận chuyển than đá Bắc Kỳ.

 

NHỮNG CHIẾC THUYỀN BUỒM ĐÁNH CÁ CHẠY ĐUA TRONG CƠN GIÓ MÙA HIU HIU
Hàng trăm chiếc thuyền bản xứ ngoạn mục, trang bị bằng cả dây và lưới câu, hàng ngày lướt sóng tại Vịnh Hạ Long để đi tìm những đàn cá chen chúc ở đó.

Từ lối đi trên biển này, nơi các dương thuyền Trung Hoa từ lâu đã qua lại mua bán, nơi hải tặc Trung Hoa từng ẩn náu và ngay thời điểm này vẫn còn làm một ít chuyện buôn lậu bất chính, chúng tôi rời đi trong chặng cuối cùng đến Cửa ải Trung Hoa (Ải Nam Quan – BBT) trên con đường bộ xưa cũ.

Tại Bắc Ninh, chúng tôi trở lại Đường Thuộc Địa Số 1, sau lối rẽ vào Hải Phòng và Vịnh Hạ Long, rồi đi xe hơi về hướng bắc, xuyên qua các khu vườn và các quãng rừng, vào vùng đồi núi đất sét đỏ, ngang qua đồn quân sự ở Lạng Sơn và tiếp tục tiến đến biên giới Đông Dương.

Người dân Bắc Kỳ bám lấy các vùng châu thổ bằng phẳng, rộng lớn, để lại vùng đồi núi được canh tác bởi bộ lạc người Thổ mặc quần áo màu xanh. Người Thổ là một nhánh của đại chủng tộc Thái, trong đó có các sắc dân Shans, Lào, Xiêm, và nhiều nhóm tại miền nam Vân Nam.

Trên con đường dài uốn khúc, cách Lạng Sơn khoảng 13 dặm Anh, chúng tôi đánh xe quay tròn một đường vòng và Cửa ải Trung Hoa (Porter de Chine) hiện ra với những bức tường bằng đá giống như những con rồng Trung Hoa uốn lượn, bò lên sườn đồi.

Chưa đầy nửa thế kỷ trôi qua kể từ lần cuối cùng vị chúa tể An Nam phái quan lại mang tặng phẩm triều cống đến triều đình Mãn Châu và yêu cầu sự trợ giúp quân sự mà “Quân Cờ Đen”, qua cửa ngõ này, về sau đã cố gắng đem đến. Nhưng, với sự thay đổi toàn diện, nhanh chóng của các chính phủ, ánh hào quang hoàng triều ở Bắc Kinh còn lụi tàn hơn cả Huế.

Các binh sĩ phe dân tộc chủ nghĩa hiện đứng gác tại tiền đồn biên cương này. Trong khi các bạn đồng hành của tôi, với tài năng ngôn ngữ, chuyện trò với nhóm lính canh trẻ tuổi đang làm nhiệm vụ, tôi đã chụp ảnh các bức tường và cổng ải cho đến khi bầu trời trĩu nặng tuôn xuống một trận mưa thật to.

Chúng tôi đã tới Cửa Ngõ của Trung Hoa trên Con đường Cái Quan dài, con đường đất cổ xưa nối kết giữa An Nam, Vùng Đất Phương Nam Siêu Việt, và Trung Hoa Đế Quốc.

NGÔI LÀNG CỦA HỌ NẰM TRÊN CÁC NGỌN ĐỒI BẮC KỲ GẦN LẠNG SƠN
NHỮNG TÚP LỀU VÁCH BÙN MÁI TRANH CỦA NGƯỜI THỔ ĐẬU TRÊN CÁC SƯỜN ĐỒI RẬM RẠP
Trong khi người dân Bắc Kỳ canh tác vùng đồng bằng, người Thổ khai phá các vùng đồi đất đỏ trên cao. Người Thổ là thành viên của chủng tộc Tai (Thái), trong đó cũng bao gồm các sắc dân Lào, Xiêm, và Shans).
ẢI TRUNG HOA TẠI BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC CỦA ĐÔNG DƯƠNG
Nơi Con đường Cái Quan cũ tiến vào Trung Hoa, nó xuyên qua vòm cung của Cổng Trung Hoa. Những bức tường đá nối dài từ cổng ở mỗi bên vươn tới các ngọn đồi bao quanh thung lũng hẹp này
Blog tư liệu Tags:Đông Dương, Pháp, thuộc địa

Post navigation

Previous Post: Dọc theo Con đường Cái Quan của Đông Dương năm 1931 (Kỳ 3)
Next Post: Giới thiệu sách: Phantasmatic Indochina

More Related Articles

Ghi chú mật và báo cáo giám sát của Pháp về Nguyễn Ái Quốc năm 1920 Blog tư liệu
Chiến tranh Đông Dương và những người phụ nữ bị nước Pháp lãng quên Blog tư liệu
Viện Viễn Đông Bác Cổ và kho sách quý hiếm về Việt Nam Tài nguyên
Hồi ký Trần Oanh – Người đầu tiên kéo cờ Cách mạng Tháng Tám tại Nha Trang Blog tư liệu
Hội Lim năm 1942 qua góc nhìn của người Pháp Blog tư liệu
Mỹ – Pháp ủng hộ Ngô Đình Diệm sau Hiệp định Genève Blog tư liệu

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tra cứu

  • DANH MỤC SÁCH
  • THƯ VIỆN SỐ

Kết nối với chúng tôi

Chuyên đề

  • Việt Nam trên báo Mỹ

Bài mới

  • Phóng sự ảnh của nhà báo Pháp: Bộ đội Bắc Việt tạo dáng trước ống kính
  • Thắng địa Thăng Long – Địa linh đất Việt
  • Pol Pot: Mổ xẻ một cơn ác mộng
  • Chợ Lớn 1955: Ký và họa
  • Thăm quan Bảo tàng Maurice Long – Một công trình lộng lẫy của Hà Nội xưa

Lưu trữ

Meta

  • Log in
  • Entries feed
  • Comments feed
  • WordPress.org

Tags

1945 1954 1975 Biển Đông Báo chí Campuchia Chiến tranh Việt Nam Chiến tranh Đông Dương Châu Á chế độ thực dân Chợ Lớn chủ nghĩa thực dân chủ quyền Chủ tịch Hồ Chí Minh CIA dân tộc giới thiệu sách Hoa Kỳ Huế Hà Nội hậu thực dân Hồ Chí Minh Kennedy Lyndon B. Johnson nghệ thuật ngoại giao Ngô Đình Diệm Nhật phong trào phản chiến Pháp phản chiến phụ nữ Sài Gòn The sixties thuộc địa thư viện Thập niên 1960 tuyển dụng Vietnam War Việt Minh Việt Nam trên báo Mỹ Yokoyama Đông Dương Đông Nam Á Đảo chính
  • Kho tài liệu Việt Nam trong Hội Thừa Sai Paris – MEP Tài nguyên
  • Những tác phẩm quan trọng về Chiến tranh Việt Nam (Phần 2) Tài nguyên
  • Những tác phẩm quan trọng về Chiến tranh Việt Nam (Phần 1) Tài nguyên
  • Kho sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Pháp – BNF Tài nguyên
  • Viện Viễn Đông Bác Cổ và kho sách quý hiếm về Việt Nam Tài nguyên
  • Lịch sử Viễn Đông trong kho tài liệu của Viện IRFA, Hội Thừa Sai Paris Tài nguyên

Copyright © 2023 Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.