Roger Pic (1920-2001), tên thật là Roger Pinard, là nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim người Pháp, nổi tiếng với những bức ảnh và phim tài liệu về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của các nước bị đô hộ.
Khởi đầu sự nghiệp trong lĩnh vực sân khấu, nhưng đến các thập niên 1950 và 1960, ông thường xuyên làm việc tại Việt Nam, Campuchia, Cuba và Trung Quốc. Ông xây dựng quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo chính trị như Hồ Chí Minh, Guevara và Castro, chụp được những bức ảnh tự nhiên và đời thường về các nhân vật đó.
Pic lần đầu tới Việt Nam vào đầu thập niên 1960, và cho đến năm 1967 ông chỉ làm việc ở miền Bắc, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau đó, ông tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chụp được rất nhiều ảnh tư liệu về Mặt trận. Ông sản xuất 6 bộ phim truyền hình lớn và một cuốn sách về Việt Nam. Tờ Guardian cho rằng không gì sống động hơn ký ức của Roger Pic về hành trình của ông với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông từng viết: “Lần nào cũng vậy, tôi mang theo 30kg đồ dùng, chẳng khác nào chuyển nhà! Trên hiện trường, tôi đeo máy quay phim trên vai, máy ghi âm trên hông, một chiếc túi treo vào thắt lưng để đựng micro, một ba lô với tất cả những cuộn phim, pin dự phòng và máy ảnh… Tôi bị lụt trong những thứ đó đến nỗi không thể nào ngồi xuống được”.
Trong sự nghiệp của mình, Roger Pic đã để lại một lượng tư liệu lớn, với 280.000 tấm phim âm bản lưu tại Thư viện Quốc gia và Thư viện-Bảo tàng Opera Pháp, 72 phim tài liệu truyền hình lưu tại Pathe TV.
Dưới đây là chùm ảnh Roger Pic chụp Việt Nam những ngày tháng ngay sau khi thống nhất đất nước. Lời bình và chú thích ảnh được Thư viện NVH lược dịch và tổng hợp từ cuốn sách Le Vietnam d’Ho Chi Minh của Roger Pic xuất bản năm 1976 ở Paris. Cuốn sách nằm trong Bộ sưu tập của Họa sĩ Võ Đình, hiện được lưu giữ tại Thư viện NVH.
***
Giờ đây, các nhà lãnh đạo của nước Việt Nam mới phải hình dung về nền hòa bình và gây dựng được sự thống nhất mà không phải hy sinh tính đa dạng của quốc gia. Nhưng làm thế nào để hòa giải hai xã hội đối đầu nhau mà một sự chia cắt trên cả lý thuyết lẫn thực tế vẫn còn để lại dấu ấn sâu sắc đến vậy? Thống nhất hai nửa đất nước thương đau chẳng phải sẽ có nguy cơ gây xung đột về lối sống, hành vi kinh tế-xã hội và quan niệm giáo lý hay sao?
Trên hết, những người làm cách mạng nỗ lực phá bỏ huyền thoại về hai nước Việt Nam bằng cách tuyên bố rằng ngày nay không còn kẻ thắng hay người thua, mà chỉ có “một đất nước Việt Nam, một dân tộc Việt Nam!” Đúng là trong suốt thời gian ở đây, tôi chưa bao giờ cảm thấy một chút biểu hiện đắc thắng nào… Có vẻ như những nhà lãnh đạo cách mạng không muốn vội vàng thúc ép điều gì. Họ phát biểu: “Chúng ta có thời gian, ta đã chiến đấu trong suốt 30 năm. Sau kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cuộc kháng chiến thứ ba của ta là chống lại những khó khăn trong quá trình thay đổi xã hội. Hãy biết tìm lại nhau, gắn kết các gia đình, học cách hiểu nhau hơn, hãy bao dung và cùng nhau xây dựng lại một đất nước giàu đẹp”. Tuy nhiên, bên lề bất kỳ nền đạo đức chính trị và cách mạng nào, thì việc đối mặt với sức nặng của cuộc sống hàng ngày vẫn là vấn đề trước mắt phải giải quyết…
Sau một giai đoạn ngỡ ngàng ban đầu, cuộc đối thoại đầu tiên đã diễn ra trong sự yên bình và phấn khởi của hòa bình. Từ tháng 5/1975, một cuộc di cư các gia đình bắt đầu diễn ra trên diện rộng. Hàng ngàn người dân miền Bắc đã đi xe đạp, xe khách, xe tải xuống phía Nam để tìm lại cha mẹ mình, những người họ đã mất liên lạc suốt 20 năm. Ngày 13/5/1975, vào hồi 19 giờ 15 phút, 15.600 lá thư đã được chuyển đến Hà Nội từ miền Nam. Chúng ta chỉ đang ở giai đoạn đầu của một cuộc đoàn tụ lớn của nhân dân hai miền sau khoảng thời gian chia cắt. Kể từ đó, lưu lượng giao thông không ngừng gia tăng, và nước Việt Nam mới đang tìm kiếm sự cân bằng. Tất cả các cựu chiến binh cách mạng miền Nam từng phải rời xa quê hương, gia đình để tập kết tạm thời ở miền Bắc trong vòng tối đa là hai năm theo Hiệp định Genève, thì nay – hơn 20 năm sau – mới hoàn thành được ước nguyện mà họ tưởng chừng không bao giờ có thể thực hiện được nữa. Phần lớn các cán bộ cách mạng mà tôi được gặp trong khoảng thời gian tôi ở Sài Gòn đều vừa tìm lại được cha mẹ của mình, những người họ không có thông tin gì kể từ khi rời đi.
… Tất nhiên là có sự xung đột giữa ý tưởng và hành vi. Một năm sau sự đầu hàng của chế độ cũ, xã hội tiêu dùng kiểu Mỹ vẫn khiến những người anh em đến từ miền Bắc phải ngỡ ngàng. Kỳ lạ là ở Sài Gòn, Đà Nẵng và Huế, các khu “chợ đen” luôn cung cấp một lượng hàng hóa đáng kinh ngạc. Chắc chắn doanh thu của các thương nhân người Hoa ở Chợ Lớn bị giảm đáng kể, nhưng các mặt hàng thì vẫn được cung cấp từ một nguồn dự trữ bí ẩn nào đó. Chiến sĩ Cách mạng thường là miếng mồi ngon cho các chuyên gia lừa đảo, và một số người trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán trên đường phố. Ta đã bàn về một mức độ hứng thú nhất định đối với các thiết bị tiêu dùng và về nguy cơ làm đảo lộn sự cân bằng cuộc sống ở trong nước. Ở Hà Nội, với sự trở lại của một số chiến sĩ, chúng ta thấy đài phát thanh bán dẫn của Nhật, quạt thông gió của Hồng Kông, xe đạp đua, những chiếc ti-vi không sử dụng được cho các chương trình phát sóng của miền Bắc, phiếu giảm giá bằng nilon và quần ống loe. Tất cả những mặt hàng này thường được mua với giá cao ngất ngưởng, nhưng điều này không có nghĩa là xã hội xã hội chủ nghĩa đã bị xáo trộn. Nhà cầm quyền khi đó đã tuyên bố rằng tinh thần cách mạng không thể đo được bằng độ rộng của ống quần, và rằng thà mặc quần ống loe còn hơn có những tư tưởng hẹp hòi, hơn nữa các cô gái trẻ cũng chẳng có lý do gì để mà không ăn mặc cầu kỳ với các loại vải có màu sắc rực rỡ. Tại sao lại muốn tiếp tục duy trì huyền thoại về sự khổ hạnh và chủ nghĩa thuần khiết?
Vì vậy, một sự cân bằng nhất định sẽ phải được thiết lập từng chút một. Một mặt cần phải giải quyết các vấn đề kinh tế, mặt khác cũng phải thống nhất về tinh thần trước khi đồng bộ hóa việc phân phối hàng tiêu dùng trên cả nước. Ở đây, thời gian và sự tín nhiệm là hai yếu tố quan trọng. Một điều khá chắc chắn là hiện nay, đối với một tầng lớp nhất định đã quen với cuộc sống dễ dàng ở miền Nam Việt Nam dựa vào lợi nhuận và tiền bạc, việc chuyển đổi xã hội sẽ làm phương hại đến các đặc quyền của họ. Những ai mất đi cơ hội làm ăn mà nền kinh tế chiến tranh từng đem đến cho họ tất nhiên sẽ do dự và phản đối việc xây dựng lại một nước Việt Nam mới. Họ có thể chỉ đại diện cho một lực lượng bất tòng tâm mà thôi, nhưng những nhà lãnh đạo Việt Nam mới muốn thuyết phục những người này và dần dần khiến họ tham gia vào xây dựng đất nước.
Ngoài ra, trong khi một số người vẫn tiếp tục tìm cách sang nước ngoài (đặc biệt là những ai có hai quốc tịch Pháp-Việt), thì một số lượng rất lớn những người lưu vong nay quay về Việt Nam. Với niềm tự tôn dân tộc nhất định, nghệ thuật sống đặc trưng của Việt Nam cùng sự đảm bảo quyền tự do tôn giáo, một ý chí tập thể lớn lao, vượt lên trên những khác biệt về ý thức hệ, đã được thể hiện.
Nếu sự leo thang các cuộc oanh tạc vào miền Bắc Việt Nam đã phá hủy tất cả các cây cầu nhưng không làm gián đoạn giao thông vận tải, thì dòng chảy khổng lồ của dân di cư và hàng hóa kể từ khi chiến tranh kết thúc đã làm lưu lượng giao thông tăng hơn trước rất nhiều. Những trang thiết bị tạm bợ cùng tàu, phà khiến việc di chuyển khó khăn và tốn nhiều thời gian… Công trình xây dựng cầu Kỳ Lam tại ki-lô-mét 866 là một ví dụ về hoạt động hiện tại của nền kinh tế miền Nam. Cây cầu dài 500 mét bắc qua sông Thu Bồn này là do người Pháp xây dựng, nhưng vì đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh nên giờ phải làm lại từ đầu.
Sau khi Việt Nam giành được hòa bình, thống nhất, những cố gắng lớn nhất sẽ được thực hiện vì thế hệ trẻ.
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng tổng hợp và lược dịch (Bài đã đăng trên Tạp chí Phương Đông số tháng 7/2021)