Trận Điện Biên Phủ kết thúc vào ngày 7 tháng 5 năm 1954. Chỉ 5 tháng sau đó, vào tháng 10 năm 1954, Việt Nam cho phát hành bộ tem kỷ niệm chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Bộ tem đầu tiên về sự kiện trọng đại “Chiến thắng Điện Biên Phủ” thể hiện hình ảnh người chiến sỹ Điện Biên hiên ngang trên nóc hầm De Castries với lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh đồi. Bộ tem chỉ có một hình vẽ nhưng được thay màu và đổi giá để thành 4 mẫu khác nhau với giá mặt lần lượt là 10đ, 50đ, 100đ và 0,6 kg thóc. Mẫu tem thứ 4 ấy là một trong những con tem đặc biệt vì giá mặt tem bằng thóc và được dùng trong việc chuyển phát thư từ công vụ. Điểm đặc biệt nữa là người sáng tác con tem đó, họa sỹ Bùi Trang Chước cũng là người Việt Nam đầu tiên vẽ tem Đông Dương, đồng thời là người vẽ mẫu quốc huy Việt Nam.
Và sau đó, cứ 10 năm lại có một bộ tem ra đời để dựng lại ký ức chiến thắng oai hùng của một đất nước nhỏ bé kiên cường. Vào năm 1964, một bộ tem khác được thiết kế bởi họa sỹ Trần Lương ra mắt với 4 mẫu khác nhau và một blốc. Bên cạnh hình ảnh các chiến sỹ kéo pháo vào trận địa, bao vây Mường Thanh, phá bom nổ chậm là hình ảnh chiếc máy cày cùng cánh đồng lúa của Điện Biên sau chiến tranh. Con tem Kéo pháo có giá 3 xu, Bao vây Mường Thanh có giá 6 xu, Phá bom nổ chậm và Điện Biên ngày nay có giá 12 xu. Đó là hơi thở của cuộc sống sau chiến tranh.
Năm 1974, đất nước đang dồn sức để thống nhất non sông nhưng cũng có 2 mẫu tem của họa sỹ Trần Huy Khánh kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mẫu tem thứ nhất có hình ảnh người chiến sỹ với lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng”, mẫu thứ hai là hình ảnh chiếc huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên”. Cả hai mẫu tem đều có giá 12 xu.
Bộ tem thứ ba vào năm 1984 gồm 7 mẫu tem và 1 blốc có tổng giá mặt tem là 30 đồng. Bộ tem này được thiết kế bởi họa sỹ Huy Toàn nhưng lại in ở nước bạn Cuba.
Tiếp đó chúng ta đã có các bộ tem khác nhân kỷ niệm 40 năm, 50 năm và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hình ảnh trên các bộ tem rất phong phú nhưng có một điều không thay đổi, đó là tinh thần chiến đấu của quân đội, sự đóng góp của dân công, sự đoàn kết dân tộc, niềm vui mừng chiến thắng và sự thay da đổi thịt của vùng đất Điện Biên lịch sử.
Nhìn sang phía bên kia, thất bại tại Điện Biên về phía Pháp là một đòn đau dai dẳng. Những người cựu binh Pháp đều muốn giữ im lặng. Họ giữ những kỷ niệm đau đớn trong lòng. Những cựu binh Pháp sau này có dịp quay lại chiến trường năm xưa đều có những cảm xúc giằng xé. Vừa là nỗi đau vừa là sự tiếc nuối. Đa số những người cựu binh ấy đều nảy sinh tình yêu đối với con người và đất nước Việt Nam. Tôi đã có dịp đưa gia đình người cháu của tướng De Castries thăm lại Điện Biên. Phải đến khi thăm thú hết các di tích tại đó trong vòng 3 ngày họ mới có thể mở lòng ra để nói rằng: “Tôi là người cháu trai của tướng De Castries. Cảm ơn anh đã giúp chúng tôi hiểu hơn về vùng đất mà chúng tôi đã rất cân nhắc có nên đi thăm hay không! Chúng tôi thấy quyết định này là đúng đắn. Chúng tôi không thấy sự thù hằn nơi các bạn”.
Thú thật là đến khi đó tôi cũng giật mình và thấy bất ngờ với những vị khách đặc biệt ấy. Tôi nghĩ là mình đã giúp họ trút bỏ đi những mặc cảm mà ít nhiều họ vẫn mang theo. Họ còn nói rằng De Castries hầu như không nhắc đến những gì đã xảy ra tại Việt Nam. Điều đó cũng dễ hiểu bởi ông ta là người chỉ huy cao nhất trong những ngày cuối cùng tại Điện Biên. Gia đình đó đã trở nên thân thiện và mời tôi ăn tối cùng. Khi về nước họ còn gửi tặng tôi cuốn sách “Tôi là bác sỹ tại Điện Biên” (J’étais médecin à Dien Bien Phu) để có thể hiểu thêm góc nhìn từ phía bên kia.
Đó là một vài khía cạnh của cựu binh và những người có liên quan đến cuộc chiến. Còn về phía chính phủ, nước Pháp đã phải đợi nửa thế kỷ để vết thương lên da non và thành sẹo. Gần một năm sau thất bại Điện Biên, đã có một Ủy ban điều tra được thành lập nhằm tìm ra nguyên nhân cũng như lỗi lầm của nhũng người chỉ huy. Các tướng lĩnh cao cấp Pháp đổ trách nhiệm cho nhau về thất bại này. Tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh tại Đông Dương đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra về thất bại của chiến dịch. Ngày 31/03/1955, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Marie-Pierre Kœnig, ban hành nghị định về việc thành lập Ủy ban điều tra quân sự về thất bại Điện Biên Phủ. Đại tướng Catroux làm chủ tịch ủy ban. Thành viên gồm có: Đại tướng Không quân Valin, Đô đốc Lemonnier, Đại tướng Magnan. Thành viên cố vấn: Toàn quyền Le Beau. Thư ký: tướng Mazaudh. Tuy nhiên, các kết luận của ủy ban điều tra sau nhiều cuộc điều trần đã không được công khai mà phải giữ kín trong vòng 50 năm. Mọi tranh luận lúc đó phải dừng lại để tránh chia rẽ trong nội bộ nước Pháp cũng như giảm đi cảm giác đắng cay của các cựu binh đã nghĩ mình bị bỏ rơi tại Đông Dương. Thông tin ngắn gọn về kết luận của Ủy ban điều tra đã được đưa ra ánh sáng trên blốc giới thiệu một con tem đúng 50 năm sau đó.
Vào năm 2004, nước Pháp cho phát hành con tem đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm trận Điện Biên Phủ. Ngày phát hành đầu tiên là thứ Sáu ngày 7 tháng 5 tại thủ đô Paris và tỉnh lỵ Pau (thuộc tỉnh Pyrénéé-Atlantiques) của Pháp. Bán rộng rãi từ ngày 10 tháng 5 và ngừng bán vào thứ Sáu ngày 12 tháng 11 năm 2004, con tem có mặt giá là 0,50 euro, tương đương cước phí cho thư ưu tiên tới mức 20g tại lục địa Pháp. Tem màu, hình dọc, mép răng cưa. Định dạng hình ảnh: 27×48 mm. Tổng kích thước: 31×52 mm. Được in từng blốc gồm 60 tem. Đã phát hành 4.253.796 bản. Người vẽ và thiết kế: Jean-Paul Véret-Lemarinier. Con tem dựng lại hình ảnh thung lũng Điện Biên có vài người lính dưới mặt đất và những chiếc máy bay đang thả dù tiếp vận.
Trên tờ giới thiệu, ngoài hình ảnh con tem còn có hình huy hiệu “Hội quốc gia binh sỹ Điện Biên Phủ” kèm lời dẫn mà chúng tôi cho dịch nguyên văn dưới đây nhằm cung cấp thêm cho độc giả góc nhìn từ phía bên thua trận.
Trận chiến Điện Biên Phủ (13-5-1954 đến 7-5-1954) là giai đoạn cam go và hằn sâu nhất trong chiến tranh Đông Dương (1945-1954). Ủy ban điều tra được giao nhiệm vụ vào năm 1955 đã đưa ra ý kiến về việc tác chiến và rồi kết thúc bằng kết luận dưới đây:
“Sau khi làm việc, Ủy ban điều tra hẳn sẽ không làm tròn nhiệm vụ của mình nếu như không bày tỏ được sự tôn trọng một cách công minh và hết mực đối với các tướng lĩnh và quân lính (bộ binh, hải quân, không quân) – những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Điện Biên Phủ trong vòng 57 ngày và đêm mà con tim không hề nao núng.
Nếu như sự kiên cường, tinh thần hy sinh, sự trung thành với danh dự và trách nhiệm không giúp họ tránh được việc thua một cuộc chiến mà ở đó các nguyên nhân vượt quá tầm thì ít ra là các phẩm chất nhà binh của họ đã khắc sâu tại cuộc chiến bảo vệ Điện Biên Phủ qua hàng loạt các cuộc chiến đấu oanh liệt và đáng nhớ. Họ có quyền tự hào về điều đó. Quốc gia phải biết ơn họ.
Nhắc đến họ, lịch sử sẽ nói rằng mặc dù rơi vào tình cảnh tuyệt vọng nhưng họ đã chống cự đến tận giờ cuối cùng, rằng họ đã không hạ cờ đầu hàng và rằng cứ điểm được giao cho họ canh giữ đã bị nhấn chìm chứ nó không bị đem nộp.
Cần phải tôn vinh toàn bộ Binh sỹ khối Đông Dương này. Trước hết là vinh danh những người lính đồn trú đã phải giành giật từng bước không chút nghỉ ngơi và rằng những người sống sót đã phải nếm mùi đắng cay của tù binh, đặc biệt là đối với bộ binh thuộc lực lượng lính dù Pháp hoặc Việt, với đội lính Lê dương Pháp, với lính đánh thuê (người Algerie, người Maroc hoặc người Thái), với lực lượng pháo binh (họ đã hy sinh một phần ba quân số, phải bắn trần, cầm cự trước hỏa lực của kẻ thù), với lực lượng công binh lao động không biết mệt mỏi tại giao thông hào, với những chiếc xe tăng hiện diện trong tất cả các cuộc phản công, với những lính phi công đã chiến đấu như bộ binh khi mà đường băng hạ cánh đã bị cấm, với lực lượng quân y đã làm tốt hơn cả nhiệm vụ được giao bất chấp những khó khăn kỹ thuật không thể đo lường được.
Cũng cần tôn vinh lực lượng không quân đã triển khai một hoạt động vượt quá mọi khả năng cho phép và bất chấp các kiểu trở ngại đã hỗ trợ, tiếp vận cho căn cứ. Cần tôn vinh lực lượng Hải không quân đã nỗ lực tột cùng để tác chiến cùng Không quân”.
Những thông tin trên cho chúng ta thấy chính phủ Pháp tuyên dương những người lính của họ đã ngoan cố chiến đấu đến giờ phút cuối cùng. Họ không dễ dàng giao nộp trận địa mà đã gắng hết sức để cố thủ. Các lực lượng tham chiến hùng hậu đã tác chiến nhịp nhàng với nhau. Điều này càng làm cho chúng ta thấy được những khó khăn mà quân đội Việt Nam vấp phải và tăng thêm vinh quang cho chiến thắng lịch sử mà thôi. Thất bại đối với Pháp là điều không thể tránh khỏi bởi xu thế lịch sử, bởi chính nghĩa của Việt Nam khát khao độc lập, bởi tài dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi những chiến thuật sáng suốt của tướng Giáp cùng Bộ chỉ huy, bởi sức chiến đấu dũng mãnh kiên cường và đầy quả cảm của những người lính Điện Biên, bởi biết bao xương máu của đồng bào đã đổ xuống cho lá cờ tổ quốc được thắm tươi. Tuy nhiên, ôn lại lịch sử và nhìn về phía bên kia trận tuyến không phải để khoét sâu thêm hận thù hay rêu rao chiến thắng, bởi cuộc chiến nào cũng có quá nhiều đau thương và mất mát. Phải làm sao cho hai dân tộc xích lại gần nhau hơn nữa, hợp tác về mọi mặt để vết thương thực sự được chữa lành. Hy vọng những mầm xanh về hợp tác giữa hai nước Việt-Pháp sẽ đơm hoa kết trái nhiều hơn.
Nguyễn Bình Phương (Thư viện Nguyễn Văn Hưởng)