Trong thập niên 1930, Vũ Trọng Phụng xuất bản tổng cộng 8 tiểu thuyết, cùng hàng trăm tác phẩm phi hư cấu, truyện ngắn, kịch, tiểu luận và bài báo. Vũ Trọng Phụng mất năm 1939, khi mới 28 tuổi. Ngày nay, ông được xem là một tượng đài văn học Việt Nam, mà theo GS. Peter Zinoman, tác giả cuốn sách Vietnamese colonial republican: The political vision of Vu Trong Phung (Một người cộng hòa Việt Nam thời thuộc địa: Tầm nhìn chính trị của Vũ Trọng Phụng), thì ông tương đương với Orwell trong nền văn học bằng tiếng Anh. Giống như Orwell, Vũ Trọng Phụng là một nhân vật phức tạp và ương ngạnh với những tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, được sáng tác dựa trên trải nghiệm cuộc sống phong phú cùng việc đọc rộng hiểu nhiều về các lĩnh vực văn học, chính trị và tâm lý. Khi sinh thời, quan điểm của ông về một loạt các chủ đề đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, và bản thân ông cũng tham gia tích cực vào những tranh luận đó. Vũ Trọng Phụng có mối quan tâm dai dẳng đối với đề tài tính dục và lối sống buông tuồng; vì thế, một số nhà phê bình gắn mác tác phẩm của ông là “tục tĩu”. Trong suốt một phần tư thế kỷ sau khi qua đời, ông bị lên án và cấm đoán và phải đến thập niên 1990 thì ông mới được phục hồi.
Trong cuốn sách Vietnamese colonial republican: The political vision of Vu Trong Phung, Peter Zinoman thảo luận về cuộc đời và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, phân tích lý do tại sao ông lại được đặc tả là một “người Việt Nam cộng hòa thuộc địa”, và việc đánh giá lại những mối quan tâm cùng cam kết chính trị của nhà văn này sẽ mở ra cơ hội thuật lại lịch sử chính trị Việt Nam một cách tinh vi, phức tạp hơn, vượt ra ngoài cách phân chia thông thường thành những mặt đối lập thân Pháp – chống Pháp hay tư bản – cộng sản.
Một số bình luận về cuốn sách:
Vietnamese Colonial Republican là công trình nghiên cứu hay nhất mà tôi từng biết về một nhà văn lớn ở Đông Nam Á thế kỷ XX và mối liên hệ quan trọng của nhân vật này đối với cả thời kỳ thuộc địa lẫn hậu thuộc địa. Cuốn sách đã đưa ra một cuộc thảo luận tuyệt vời về sự phức tạp của giai đoạn thuộc địa hiện đại cùng hậu quả đầy rắc rối của nó là cuộc Chiến tranh Lạnh.” – Alexander Woodside, tác giả cuốn Community and Revolution in Modern Vietnam (Cộng đồng và Cách mạng ở Việt Nam hiện đại).
Trong cuốn Vietnamese Colonial Republican, Peter Zinoman có ba đóng góp quan trọng trong nghiên cứu Việt Nam hiện đại. Thứ nhất, ông đề xuất một cách giải thích mới về cuộc tranh luận giữa các trí thức trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thông qua việc làm rõ “chủ nghĩa cộng hòa thuộc địa” – một giải pháp thay thế mới mẻ và hấp dẫn cho phiên bản chính trị hiện đại tập trung chủ yếu vào những người cộng sản Việt Nam. Thứ hai, những phân tích của ông về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng giúp mở rộng tầm nhìn của chúng ta về văn học, tư tưởng và văn hóa thập niên 1930. Thứ ba, thảo luận của ông về “chủ nghĩa cộng sản cải cách” đã đưa ra một cách nhìn mới về chính trị Hà Nội cuối những năm 1950. Công trình được khảo chứng một cách chuyên nghiệp này rất rõ ràng, dễ đọc, nhưng đồng thời cũng vô cùng hàm súc, cô đọng. – Keith Weller Taylor, tác giả của The Birth of Vietnam (Việt Nam khai quốc)
* Peter Zinoman là giáo sư lịch sử tại Đại học California, Berkeley, đồng sáng lập và nguyên là tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (The Journal of Vietnamese Studies), tác giả cuốn sách Nhà tù thực dân (The Colonial Bastille: A History of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940, Berkeley: University of California Press, 2001), người dịch tiểu thuyết Số đỏ (Dumb Luck) của Vũ Trọng Phụng sang Anh ngữ.