Lương Khải Minh, Cao Vị Hoàng
Làm thế nào để giết một tổng thống là cuốn sách của hai tác giả Lương Khải Minh[1] và Cao Vị Hoàng[2], xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn. Đáng chú ý trong cuốn sách này là câu chuyện về âm mưu của anh em Diệm – Nhu chỉ đạo tổ chức đảo chính, ám sát ông Sihanouk, lúc này là Thái tử – Quốc trưởng Campuchia, vì cho rằng Sihanouk “xa rời” với miền Nam, có biểu hiện thân miền Bắc – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trung Quốc. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng hai đoạn trong cuốn sách này để cung cấp tư liệu cho bạn đọc.
***
Ngô Đình Nhu và vụ đảo chính hụt của Dap Choun
Khi Tòa Đại diện Việt Nam được thiết lập, chính thức mở đầu cho giai đoạn bang giao tốt đẹp giữa Việt Miên thì Pháp cũng như chính quyền Hà Nội bắt đầu lo ngại. Tòa Đại diện Việt Nam đã thành công qua giai đoạn “thân thiện và mua chuộc” theo đúng chỉ thị của Ngô Đình Diệm “tổn phí thế nào cũng được miễn sao mua chuộc được Miên, rồi lần về Sài Gòn, Ngô Trọng Hiếu lại mua sắm đủ thứ của ngon vật lạ để đưa lên Nam Vang[3] “hối lộ” Hoàng hậu Kossamack. Bà ta cũng như Hoàng thân Monireth đều có cảm tình tốt đẹp với người Việt.
Từng giỏ xoài, cam, ổi xá lị của ông Hiếu dâng tặng Hoàng hậu Kossamack đã có tác dụng ngay. Sihanouk qua ảnh hưởng của người mẹ đã có một thái độ tốt đẹp và cởi mở đối với chính quyền Sài Gòn. Tòa Đại diện Việt Nam sử dụng phương thuật “phóng tài hóa thu nhân tâm” nên không những hối lộ quà cáp với Hoàng hậu Kossamack mà còn mua chuộc các giới chức cao cấp Miên cũng như Hoàng thân Monireth bằng cách biếu quà, tổ chức tiệc tùng, săn bắn… Nhờ vậy, Ngô Trọng Hiếu móc nối được tướng Dap Choun, mệnh danh là phó vương Cao Miên, một mình ông ta thống lãnh cả vùng Siemreap miền Tây Campuchia.
Giữa năm 1958, Sihanouk thay đổi chính sách ngoại giao. Việc đầu tiên là Sihanouk chấp thuận cho Trung Cộng đặt tại Nam Vang một đại diện Thương mại. Đồng thời Sihanouk cũng tìm cách mở rộng bang giao với khối Cộng và bắt tay với chính quyền Hà Nội. Cuối năm 1958, Sihanouk thiên hẳn về khối Cộng.
Sự thực Sihanouk chủ tâm gây hấn về vấn đề biên giới Việt Miên, về việc Việt tịch hóa người Miên cũng như đòi lại mấy tỉnh miền Tây chẳng qua chỉ là một chiến thuật gây rối và tạo áp lực trước hết để chính quyền Ngô Đình Diệm không tạo được cơ hội gây rối nội bộ Miên, sau nữa là nhắm đến việc sửa soạn đón tiếp “ông bạn” Bắc Việt. Sihanouk đã từng tuyên bố Cộng sản Bắc Việt và Việt Nam Cộng hòa đều nguy hiểm như nhau, nhưng Bắc Việt là mối nguy hiểm còn ở đằng xa, Việt Nam Cộng hòa mới là mối nguy hiểm trực tiếp đối với Campuchia. Rõ rệt nhất là sự tài trợ và dung túng tổ chức Khmer tự do của Sơn Ngọc Thành, họ Sơn là một ám ảnh lớn đối với Sihanouk, đó cũng là mối thù của Sihanouk đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng không có mối thù nào lớn cho bằng vụ Dap Choun đã gây nên mối cừu hận giữa Sihanouk và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đó cũng là lý do cho ta thấy tại sao liên tiếp trong 3 ngày sau cuộc đảo chính 1/11/1963, Sihanouk đã tổ chức liên hoan như đại hội hoa đăng để ăn mừng Diệm Nhu bị thảm sát.
Vụ Dap Choun diễn tiến như thế nào? Ông Đặc sứ Ngô Trọng Hiếu trở về Sài Gòn trong chiều hướng mới của Sihanouk đối với Cộng sản Bắc Việt, và Campuchia với chiều hướng này sẽ là mối đe dọa lớn cho Việt Nam Cộng hòa. Ông Ngô Đình Nhu chỉ thị nếu không kéo được Sihanouk về phe mình và nếu Sihanouk trung lập thân Cộng thì chỉ còn cách mưu đồ hạ bệ ông ta. Ông Ngô Trọng Hiếu đề nghị nên làm một cú đảo chính Sihanouk. Về đề nghị này, Ngô Đình Diệm hỏi: “Ai có thể làm được?”, Ngô Trọng Hiếu đáp: “Trình cụ, tướng Dap Choun có thể làm được”. Ngô Đình Diệm lại hỏi ông Hiếu: “Vai trò của Dap Choun hiện nay ra sao?” Ông Hiếu trình bày: “Tướng Dap Choun nắm hết quyền bính tại miền Tây Campuchia, lực lượng phòng vệ Hoàng cung tại Nam Vang đều là tay chân của Dap Choun”. Ngô Đình Diệm đồng ý: “Ông cứ làm đi, liên lạc với Dap Choun xem sao”.
Trở lại Campuchia, ông Ngô Trọng Hiếu bắt liên lạc ngay với Tướng Dap Choun. Trong một chuyến săn tại khu rừng phía Bắc Siemreap, ông Hiếu cùng đi với Dap Choun và tìm lời ngỏ ý… Tướng Dap Choun đang có chuyện bất mãn với Sihanouk và cho rằng Sihanouk chưa đủ trưởng thành để lãnh đạo. Dap Choun thuộc phe quân phiệt cực hữu Campuchia và ông ta chống lại chủ trương trung lập thân Cộng của Sihanouk. Dap Choun lại có cô vợ bé người Việt mà ông ta đang sủng ái, chính người vợ bé này đã giúp Tòa Đại diện Việt Nam trong nhiệm vụ giao liên để thuyết phục Dap Choun.
Sau nhiều lần gặp gỡ và thảo luận, Tướng Dap Choun đã đồng ý với Đặc sứ Ngô Trọng Hiếu về kế hoạch đánh chiếm Nam Vang và lật đổ Sihanouk. Tướng Dap Choun ngỏ ý, ông cần một số dollar hoặc vàng để làm phương tiện dưỡng quân trong vòng hai tháng. Điều kiện này không có gì quá khó khăn và ông Ngô Trọng Hiếu lại trở về Sài Gòn trình lại với Ngô Đình Diệm và ông Nhu. Ngô Đình Diệm nói đơn giản: “Nếu thấy làm được thì cứ làm, tổn phí cũng phải ráng chịu cho nó xong việc”.
Ông Nhu cho mời Bác sĩ Tuyến vào phòng để thảo luận cho kỹ lưỡng, cân nhắc lợi hại trước khi bắt tay hành động. Kế hoạch này tuyệt đối bí mật, không một nhân vật cao cấp nào được biết rõ ngoại trừ Phó Tổng thống Thơ, ông Nhu, Bác sĩ Tuyến và ông Hiếu. Vấn đề khó khăn nhất là tìm đâu cho ra 100 kilô vàng để tài trợ cho Dap Choun? Điều này Ngô Đình Diệm trao cho Phó Tổng thống Thơ giải quyết, vì còn là Bộ trưởng Kinh tế nên nếu rút 100 kilô vàng trong số trữ kim của ngân khố sẽ không ai để ý, nghi ngờ và sau đó sẽ tìm cách giải quyết. Phó Tổng thống Thơ đã góp công đắc lực trong phần vụ này.
Một trăm kilô vàng được đóng vào thùng, niêm phong cẩn mật và tự tay ông Hiếu lái xe đưa lên Nam Vang, rồi từ Nam Vang ông Hiếu dùng xe hơi chở lên tận Siemreap trao tận tay cho tướng Dap Choun. Trong khi đó thì Phủ Tổng thống cũng gởi lên Siemreap hai chuyên viên. Hai chuyên viên này đáp máy bay Air Vietnam lên thẳng Siemreap qua lộ trình Sài Gòn – Nam Vang. Họ không biết mặt ông Hiếu và cũng không rõ chính phủ Việt Nam Cộng hòa toan tính gì.
Hai chuyên viên vô tuyến ăn ở ngay trong Dinh Thống đốc tỉnh Siemreap. Tại đây đặt một điện đài liên lạc thẳng với Sài Gòn và Tòa Đại diện Việt Nam. Đặc sứ Ngô Trọng Hiếu vẫn tiếp tục liên lạc bí mật với tướng Dap Choun và người em của Dap Choun cũng là Dân biểu Quốc hội Miên. Tướng Dap Choun khi nhận được 100 kilô vàng đã đánh một điện văn cảm ơn Ngô Đình Diệm và cho biết ông đã nhận được quà biếu. Từ đầu tháng 1 năm 1959, hàng ngày cứ lúc 7 giờ sáng, 12 giờ sáng, 12 giờ trưa và 9 giờ đêm, điện đài vô tuyến từ Dinh Dap Choun vẫn gởi tin tức đều đặn về cơ quan tình báo Phủ Tổng thống của Diệm. Phía Dap Choun cũng đã sửa soạn kế hoạch tiến đánh Nam Vang. Lần gặp gỡ cuối cùng giữa Dap Choun và Ngô Trọng Hiếu nhằm ngày 10/1/1959. Dap Choun cho ông rõ là công việc mưu đồ đang tiến hành tốt đẹp và hai bên ấn định là ngày H sẽ ra tay.
Tại Sài Gòn, ông Nhu cũng như Bác sĩ Tuyến chỉ còn thảo luận về việc đem Sơn Ngọc Thành trở lại Nam Vang. Một khi cuộc đảo chính bùng nổ thì lực lượng của Quân khu V (tức Quân khu IV bây giờ) và Quân khu II sẽ động binh tiến về phía biên giới giúp Dap Choun nắm khu vực miền Đông và Đông Bắc Campuchia. Sơn Ngọc Thành lại qua Vọng Các[4] và liên lạc với chính quyền Thái Lan để hỗ trợ ông ta về phía Tây. Cũng vì Sơn Ngọc Thành qua Thái Lan nên ngày H phải hoãn lại và đó cũng là nguyên nhân làm cho âm mưu bị bại lộ.
Nếu ngày H theo đúng kế hoạch và thời hạn ấn định thì Sihanouk không kịp trở tay. Như trên đã viết, sở dĩ phải dời lại thêm 10 ngày nữa vì còn chờ đợi cho Sơn Ngọc Thành đi tiếp xúc với nhà cầm quyền Thái Lan. Trong thời gian này, có lẽ tướng Dap Choun sơ hở và quá chủ quan cho nên âm mưu đảo chính lọt đến tai tòa Đại sứ Pháp. Dĩ nhiên là Pháp phải cấp báo cho Sihanouk.
12 giờ đêm ngày 21, Đại sứ Pháp cùng Đại sứ Nga vào Hoàng cung gặp Sihanouk và tiết lộ âm mưu đảo chính của Dap Choun. Hai giờ sau, Sihanouk cho lệnh động binh trao cho tướng Lon Nol thống lĩnh lực lượng Dù mở cuộc tấn công chớp nhoáng thành phố Siemreap. 6 giờ sáng, tướng Dap Choun còn đang ngủ, quân của tướng Lon Nol đã tràn ngập thành phố Siem Reap. Dap Choun không kịp trở tay, ông cải trang trốn thoát.
Quân của Lon Nol chiếm Dinh Thống đốc Siem Reap và bắt được đầy đủ tang vật gồm 100 kilô vàng, hai chuyên viên Việt Nam và đài vô tuyến cùng một số vũ khí. Khi quân của tướng Lon Nol tiến về Siem Reap, tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa biết rõ nhưng đành bó tay vì không còn một phương cách nào cấp báo cho Dap Choun. Tại Sài Gòn theo thông lệ 7 giờ mỗi sáng đều nhận được tín hiệu từ Dinh Dap Choun nhưng suốt buổi sáng hôm đó bặt tin. Cơ quan tình báo Phủ Tổng thống linh cảm thấy nguy cơ… Âm mưu lật đổ Sihanouk chắc là bất thành.
Ngày hôm sau, Thái tử Sihanouk mời tất cả ngoại giao đoàn lên Siem Reap xem chiến lợi phẩm, trong đó có Ngô Trọng Hiếu. Ông Hiếu ở thế tiến thoái lưỡng nan, nhưng cuối cùng vẫn quyết định đi theo phái đoàn Ngoại giao cùng với toàn thể nội các Campuchia. Ngôi sao Lon Nol bắt đầu rực sáng. Đó là thành tích huy hoàng của ông đối với Thái tử Sihanouk. Từ thành tích này, tướng Lon Nol trở nên một cận thần có thế lực nhất sau Sihanouk.
Tại Dinh Thống đốc Siemreap, Sihanouk vênh vang đắc thắng nhưng không ngớt lời thóa mạ “kẻ thù dân tộc Khmer” mà Sihanouk tuy không nêu đích danh Việt Nam Cộng hòa nhưng ám chỉ bằng những danh từ “tay sai đế quốc”… Sihanouk trình bày tất cả bằng chứng 100 kilô vàng và hai điệp viên Việt Nam cùng điện đài. Sihanouk quay về phía Ngô Trọng Hiếu và hỏi: “Thưa ngài Đại diện, ngài nghĩ thế nào về những bằng chứng rõ rệt này?” Ông Hiếu cố làm vẻ thản nhiên, đáp: “Thưa Thái tử Quốc trưởng, chúng tôi đến đây để được nghe ngài trình bày nên không có gì để trả lời cả”. Ngoại giao đoàn im phắc… Thái tử Sihanouk không biết nói sao nhưng bằng chứng thật là rõ rệt, 100 kilô vàng còn giữ nguyên dấu hiệu của ngân khố Việt Nam. Hai chuyên viên vô tuyến là người Việt, lại mang theo cả giấy thông hành Việt Nam.
Tuy vậy, Sihanouk vẫn không lên án đích danh Việt Nam Cộng hòa, mặc dù ông ta đã biết rõ tường tận từ bằng chứng cụ thể đến âm mưu kế hoạch. Khi Ngô Trọng Hiếu và Ngoại giao đoàn được mời đến quan sát hai chuyên viên vô tuyến người Việt (bị trói chặt tay), ông Hiếu đưa tay tát yêu trên má họ và mỉm cười không nói một lời nào. Hai chuyên viên này cũng không biết ông là đặc sứ của Việt Nam. Ít lâu sau họ bị kết án tử hình và hành quyết ngay. Trước phút lìa trần, hai chuyên viên này đồng thanh hô lớn “Việt Nam muôn năm”. Thái độ bình tĩnh, gan dạ và đầy khí phách của họ đã làm cho nhà cầm quyền Campuchia phải kính nể.
Riêng tướng Dap Choun trốn thoát vào rừng nhưng ông ta vốn nghiện thuốc phiện và ôm cả thuốc nằm gục dưới một gốc cây. Lực lượng Dù của tướng Lon Nol bắt gặp và hạ sát Dap Choun tại chỗ.
Tại Sài Gòn, Ngô Đình Diệm cũng như ông Nhu đều phập phồng lo âu cho số mạng của Đặc sứ Hiếu vì biết đâu Sihanouk có thể làm hoảng. Nhưng trái lại, Sihanouk chỉ yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng hòa triệu hồi Ngô Trọng Hiếu.
Vụ ám sát hụt Sihanouk
Trong khi Hoa Kỳ cố tìm cách loại bỏ ảnh hưởng Pháp tại miền Nam thì ngược lại họ vẫn củng cố Sihanouk mặc dầu ai cũng biết Sihanouk chỉ là con cờ của Pháp phải duy trì bằng bất cứ giá nào tại Đông Dương.
Năm 1956, ông Ngô Đình Nhu qua Nam Vang cùng với chủ trương ve vãn Sihanouk. Lúc ấy Hoa Kỳ chưa phải là thế lực đáng kể tại bán đảo Đông Dương, và Hoa kỳ tán trợ đường lối ve vãn Sihanouk của ông Nhu. Theo Bác sĩ Trần Kim Tuyến thì ông Nhu được Sihanouk tiếp đón một cách trọng thể. Tuy không có nghi lễ chính thức nhưng Sihanouk đã dành cho ông Nhu một ngoại lệ nghĩa là tiếp ông như một quốc trưởng. Sau đó Sihanouk chính thức được mời qua thăm Việt Nam và dịp này Sihanouk được tiếp đón hết sức trọng thể. Cuộc hội đàm Sihanouk – Ngô Đình Nhu được coi là rất tốt đẹp. Nhưng Ngô Đình Diệm vốn là người không khéo léo trong sự giao tế qua hình thức nghi lễ. Vẫn theo Bác sĩ Tuyến, trong cuộc gặp gỡ Sihanouk, Ngô Đình Diệm vẫn giữ vẻ nghiêm trang đạo mạo, do đó mà thiếu sự thân mật cởi mở cần phải có đối với một người xảo quyệt và có tài diễn xuất như Sihanouk.
Kết quả là khi trở về nước, Sihanouk lại tiếp tục chính sách ve vãn Cộng sản và bất thân thiện với miền Nam. Cũng từ đó Việt Nam Cộng hòa và Campuchia giữ miếng nhau. Theo Bác sỹ Tuyến, ông Nhu chủ trương “phải triệt hạ cho bằng được Sihanouk”. Khi ông Nhu chủ trương như vậy thì Hoa Kỳ tiếp tục ve vãn Sihanouk. Một xa lộ thênh thang nối liền Nam Vang với Sihanoukville được Mỹ thực hiện để làm quà dâng cho ông vua xứ chùa tháp. Rồi một bệnh viện lớn cũng được Hoa Kỳ xây cất tại Nam Vang. Nhưng Sihanouk vẫn tiếp tục chính sách riêng của ông ta và tiếp tục công kích Mỹ. Xa lộ Nam Vang – Sihanoukville do Mỹ viện trợ khánh thành chưa được bao lâu thì Trung Cộng cũng lại nhảy vào viện trợ cho Campuchia và dựng lên cả một hệ thống cột điện chạy dài trên xa lộ của Mỹ. Bệnh viện tại Nam Vang do Mỹ xây cất thì lại do Nga Xô viện trợ máy móc cùng các đồ trang bị thuốc men với một số bác sĩ Nga. Dù ve vãn, Mỹ vẫn bị Sihanouk đá bay khỏi Campuchia.
Tuy vậy, Mỹ vẫn cố gắng tìm mọi cơ hội ve vãn Campuchia và đồng thời ngăn chặn không cho miền Nam phá Sihanouk. Hậu quả là Mỹ vẫn “tay trắng” tại Campuchia. Nhưng Mỹ muốn tách biệt miền Nam với Campuchia. Chúng tôi kể lại đây một câu chuyện mưu sát Sihanouk do miền Nam chủ động nhưng Mỹ lại chịu tai bay vạ gió và nồng độ chống Mỹ của Sihanouk lại càng tăng. Đây cũng là một thí dụ cho biết rằng đối với Mỹ thì đừng có do dự, khúm núm và phải đặt Mỹ vào trước những việc đã rồi và phải trói chặt chân họ vào biến cố. Và ta phải làm chủ biến cố. Chính sách chủ nhân ông độc quyền. Dân nhược tiểu phải biết điều đó. Tháng 8 năm 1963, bà Ngô Đình Nhu nói trong phiên họp Phụ nữ liên đới rằng: “Phải trói chân trói tay mấy thằng phiêu lưu đó (ám chỉ Mỹ) mà hành hạ”. Câu nói đó tuy có đại ngôn nhưng nghĩ lại cũng đáng cho ta suy nghĩ.
Trở lại câu chuyện ám sát Sihanouk năm 1961 thì đó cũng là “trước ám sát Sihanouk”, “sau hành hạ Mỹ cho vui”. Số là, sau khi ông Ngô Trọng Hiếu rời khỏi chức vụ đại diện Việt Nam tại Campuchia thì Tòa Đại diện Việt Nam vẫn duy trì cơ sở như cũ. Việt Nam – Campuchia tuy rất căng thẳng nhưng chưa đến nỗi đoạn giao. Dù vậy cơ quan tình báo Phủ Tổng thống vẫn nhận được chỉ thị phải “hạ” Sihanouk bằng bất cứ cách nào. Âm mưu này muốn đạt được kết quả thì trước hết phải canh chừng Mỹ. Xử lý chức vụ đại diện lúc ấy là ông Phạm Trọng Nhơn – một điệp viên của Việt Nam hoạt động tại Nam Vang, có biết được một kỹ sư Mỹ (có trách nhiệm thiết lập xa lộ Nam Vang – Sihanoukville) là chỗ quen thân của họ Sihanouk. Bà mẹ Sihanouk lại nổi tiếng là người thích nhận hối lộ và quà biếu. Điệp viên này được mật lệnh của Phủ Tổng thống là phải bám sát viên kỹ sư Mỹ và tìm cách “khai thác” ông ta nếu có thể được. Điệp viên kể trên báo cáo cho cơ quan tình báo Phủ Tổng thống biết là viên kỹ sư Mỹ sắp lên đường về Mỹ qua ngả Hồng Kông. Ngày lên đường về nước, viên kỹ sư Mỹ có đến chào cáo biệt Quốc trưởng Sihanouk và Hoàng thái hậu. Đó cũng là ngày Sài Gòn bật đèn xanh cho phép các điệp viên hành nghề. Réseau tại Nam Vang có chuyển về Sài Gòn một tấm danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ này cùng bút tích của ông ta. Lập tức cơ quan tình báo Phủ Tổng thống in lại một số danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ (rập đúng y khuôn) và trao phó cho một chuyên viên nghiên cứu tuồng chữ của ông ta và sẽ giả mạo tuồng chữ này cho công tác điệp vụ.
Kế hoạch được trình bày lên ông Nhu và ông hoàn toàn tán thành. Sau đó, hai chiếc vali tuyệt đẹp được dùng vào việc giết Quốc trưởng Sihanouk. Chiếc vali thứ nhất thì bình thường trong đựng một số kỷ vật quý giá xuất xứ tại Hồng Kông. Chiếc vali thứ hai chính nó sẽ quyết định số mạng của Sihanouk, ngoài một số kỷ vật còn có một cái hộp ngà hảo hạng xuất xứ từ Đài Loan, một loại chất nổ ghê gớm cực mạnh (dành cho các điệp viên) được cho vào hộp cùng với một bộ phận cơ bẩm tinh vi khác và bộ phận này được nối với nắp vali, khi mở vali thì tự động chất nổ sẽ bộc phát ngay. Sau khi hóa trang và làm dấu cẩn thận, hai chiếc vali này được giải lên xe mang số ngoại giao của ông xử lý đại diện Phạm Trọng Nhơn. Chính ông Phạm Trọng Nhơn có nhiệm vụ chuyên chở hai chiếc vali này lên Nam Vang nhưng ông cũng không được biết “nội dung” ra sao và ông Nhơn cũng chỉ “cảm thấy” có chuyện gì khác lạ sắp xảy ra.
Nhờ xe mang số ngoại giao đoàn của ông Phạm Trọng Nhơn nên hai chiếc vali nguy hiểm đã vượt qua biên giới và đến Tòa Đại diện hoàn toàn tốt đẹp. Tại Sài Gòn, cơ quan tình báo Phủ Tổng thống theo dõi từng giây phút với bao nhiêu âu lo hồi hộp. Nếu như bị tình báo Campuchia khám phá thì bang giao Miên Việt lần này sẽ đứt đoạn luôn không còn gì hàn gắn được nữa. Ông Ngô Đình Nhu cùng mấy cộng sự viên thân cận đã tính toán thế này, nếu giết được Sihanouk thì việc đầu tiên phải đưa Sơn Ngọc Thành về Nam Vang để làm chủ tình hình. Ngoài mấy điệp viên chủ chốt thì Tòa Đại diện Việt Nam không một ai hay biết gì về âm mưu này, kể cả ông Đại lý Phạm Trọng Nhơn cũng chỉ được “rỉ tai” sơ qua là sẽ có một vụ nổ lớn tại Nam Vang.
Theo kế hoạch đã dự định, điệp viên Nguyên Nhơn cải trang thành một nhân viên của nhà thầu Mỹ nơi mà viên kỹ sư Mỹ phục vụ. Khoảng 9 giờ sáng, điệp viên Nhơn dùng xe hơi vào Hoàng cung và xin yết kiến viên Giám đốc Nghi lễ hoàng cung để trao tặng phẩm của viên kỹ sư Mỹ. Nhơn nói là viên kỹ sư Mỹ khi ghé qua Hồng Kông đi mua hai vali tặng phẩm này để gửi tặng Quốc trưởng Sihanouk và ông Giám đốc Nghi lễ. Giám đốc Nghi lễ hoàng cung Campuchia cũng là chỗ bạn thân của Viên kỹ sư Mỹ nên không do dự gì cả và ông vui vẻ nhận hai vali quí giá. Chiếc vali thứ nhất tặng viên Giám đốc Nghi lễ cùng với danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ và trên danh thiếp không quên viết mấy hàng thăm hỏi viên Giám đốc Nghi lễ.
Sau vụ ám sát hụt này, báo chí Campuchia đã có dịp tường thuật khá đầy đủ. Riêng về phía tình báo Phủ Tổng thống lúc bấy giờ được báo cáo nội vụ như sau: Khi viên Giám đốc Nghi lễ mở chiếc vali phần tặng của ông ta thì chiếc vali này chứa đựng toàn tặng phẩm đắt tiền. Sau đó, ông ta đem chiếc vali vào phòng khách riêng của Sihanouk. Chiếc vali này niêm phong kỹ càng, đề chữ “Kính tặng Hoàng thái hậu và Quốc trưởng Khmer” cùng với phong thư đựng tấm danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ với những lời lẽ rất đẹp kính thăm và chào cáo biệt Hoàng thái hậu và Quốc trưởng Sihanouk. Phòng khách lúc ấy lại có mặt cả hai mẹ con Sihanouk. Nhưng lại nhằm đúng vào giờ Thái tử Sihanouk và Hoàng thái hậu phải ra đại sảnh để tiếp đón phái đoàn sinh viên Trung Quốc cùng đi với một số sinh viên Campuchia. Thái tử Sihanouk vừa cất lời khuyên nhủ sinh viên thì một tiếng nổ kinh hoàng làm rung động cả hoàng cung. Số là, khi Sihanouk và Hoàng thái hậu ra đại sảnh tiếp sinh viên thì có nhẽ, viên giám đốc mở vali lấy tặng phẩm để dâng Thái tử nên chiếc vali phát nổ. Viên Giám đốc Nghi lễ chết tan thây. Cả thủ đô Nam Vang náo động. Buổi phát thanh vào lúc 12 giờ trưa đài VOA cũng như Matxcơva đều loan tin và cho biết vắn tắt Thái tử Sihanouk thoát hiểm, nhưng dân Nam Vang lại không tin và cho rằng Sihanouk đã chết tan thây.
12 giờ trưa nghe tin đài VOA, cơ quan tình báo Phủ Tổng thống đã lấy làm mừng và sửa soạn thực hiện giai đoạn II, nghĩa là cấp thời đưa Sơn Ngọc Thành về Nam Vang, nhưng chỉ ít phút sau, một tài liệu từ Nam Vang gửi về Sài Gòn cho biết, âm mưu bất thành. Cho đến lúc ấy, tòa Đại sứ Mỹ vẫn chưa được biết tình báo Việt Nam chủ động vụ này. Nhưng chỉ một ngày sau thì báo chí Campuchia đều chĩa mũi dùi vào Mỹ và cả quyết Mỹ âm mưu sát hại Thái tử Sihanouk. Bang giao Mỹ – Campuchia lại một lần nữa thêm căng thẳng. Có một điều lạ là Campuchia không nghi ngờ là Sài Gòn. Hoa Kỳ lãnh đủ cơn tai bay vạ gió này. Dư luận báo chí Campuchia lại có dịp được ồn ào và mạt sát Mỹ thậm tệ, nhất là mấy nhật báo như La Dépêche Cambodge, Bang Khoeum Monous.
Sau đó ít lâu, một người Việt Nam bị bắt vì Campuchia tình nghi ông ta là nhân viên tình báo CIA có liên quan đến vụ mưu sát Sihanouk. Thực ra, Phạm Thanh Tòng (tên đương sự) hết sức oan uổng, ông ta chỉ làm nghề viết báo. Đương sự bị kết án tử hình. Mãi gần đến sau cuộc đảo chánh của Lon Nol, ông mới được trả tự do.■
[1] Lương Khải Minh là bút hiệu của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội Phủ Tổng thống, thực chất là người chỉ huy hệ thống an ninh mật vụ của chế độ Ngô Đình Diệm. (BTV)
[2] Cao Vị Hoàng (Cao Thế Dung) là một nhà nghiên cứu, nhà giáo nổi tiếng tại Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. (BTV)
[3] Tên phiên âm cũ của Thủ đô Phnom Penh của Campuchia. (BTV)
[4] Tên phiên âm cũ của Thủ đô Bangkok của Thái Lan. (BTV)