Phantasmatic Indochina: French colonial ideology in architecture, film, and literature / Panivong Norindr / Duke University Press 1996
Những phân tích về văn hóa thuộc địa trong cuốn sách này xem xét “Đông Dương” như một sản phẩm hư cấu và hoang đường được kiến tạo, một di sản ảo tưởng của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Nam Á. Panivong Norindr sử dụng lý thuyết hậu thuộc địa để cho thấy chủ nghĩa đế quốc Pháp được thể hiện không chỉ qua sự thống trị về mặt vật chất đối với các thực thể địa lý, mà còn thông qua việc thực dân hóa trí tưởng tượng. Trong công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về kiến trúc, điện ảnh và văn học này, Norindr làm rõ quá trình tưởng tượng, khao khát và hoài niệm cấu thành nên cuộc xâm lược lãnh thổ của Pháp đối với Đông Dương.
Qua phân tích về cuộc Đấu xảo Thuộc địa Quốc tế (Exposition Coloniale Internationale) lần đầu tiên được tổ chức tại Paris vào năm 1931, Norindr cho thấy cách trưng bày kiến trúc của triển lãm này đã đem lại ảo tưởng về các vùng thuộc địa, để từ đó biện minh cho những định kiến văn hóa và thúc đẩy chủ nghĩa bành trướng của Pháp. Theo Norindr, tất cả các nỗ lực nghiêm túc nhằm chất vấn sự can thiệp của thực dân Pháp vào Đông Nam Á đều bị đe dọa bởi những diễn ngôn, hình ảnh, mô tả và huyền thoại duy trì ánh hào quang chói lọi của Đông Dương như một nơi tràn đầy những tưởng tượng nhục cảm và các chuyến phiêu lưu kỳ lạ. Để khám phá nỗi niềm hoài niệm dai dẳng của Pháp đối với Đông Dương trong văn học và điện ảnh, tác giả phân tích các tác phẩm của Malraux, Duras và Claudel, cũng như các bộ phim Indochine, The Lover và Điện Biên Phủ.
Trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, Phantasmatic Indochina sẽ thu hút sự quan tâm của những nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực chủ nghĩa hiện đại Pháp, nghiên cứu hậu thuộc địa, nghiên cứu văn hóa và văn học so sánh.
Một số lời khen dành cho sách
“Phantasmatic Indochina là một mô hình nghiên cứu văn hóa kết hợp giữa kiến trúc, bản đồ học, địa lý, điện ảnh và văn học, từ đó làm nổi bật lên hệ tư tưởng thuộc địa…” – Dina Sherzer, Sign
“Phantasmatic Indochina là một trong những nghiên cứu hậu thuộc địa đầu tiên có độ dài một cuốn sách viết về những hình dung về Đông Dương trong trí tưởng tượng của người Pháp từ thập niên 1930 đến thập niên 1990. Thông qua phân tích, phê bình các diễn ngôn thuộc các lĩnh vực lịch sử, chính trị, văn học, kiến trúc và điện ảnh, tác giả cho thấy cách mà người Pháp tạo ra một không gian gọi là ‘Đông Dương’ để duy trì huyền thoại về việc gây dựng thuộc địa của họ… Hướng tiếp cận của Norindr đã đưa ra một khía cạnh mà trước giờ bị ẩn đi trong các nghiên cứu hậu thuộc địa lấy nam giới làm trung tâm, dù là trong văn học hay lịch sử, cụ thể là yếu tố nữ giới… Bằng cách làm nổi bật lên những yếu tố nữ tính trong các văn bản khác nhau được đem ra thảo luận, Phantasmatic Indochina có công lớn trong việc mở ra những cách tiếp cận mới để phân tích tự sự thuộc địa.” – SubStance
“Một loạt bài tiểu luận thông minh và sâu sắc một cách đáng ngưỡng mộ về sự hiện diện của thực dân Pháp ở ‘Đông Dương’ từ những năm 1880 cho đến nay.” – Matt K. Matsuda, American Historical Review
“Cuốn sách này đóng góp một phần đáng hoan nghênh vào những nghiên cứu sử dụng lý thuyết hậu thuộc địa và lý thuyết văn học để phân tích diễn ngôn và tâm lý-xã hội của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á. Đây là công trình đầu tiên bằng tiếng Anh áp dụng lý thuyết này vào Đông Dương thuộc Pháp… Norindr vốn là một học giả nghiên cứu Pháp và Ý, nhưng công trình của ông thu hút được sự quan tâm lớn từ các nhà sử học thuộc địa và các học giả về lịch sử xã hội của Việt Nam (cũng như của Khmer và Lào). Sách của Norindr sử dụng cách tiếp cận liên ngành, đặt dự án thuộc địa Đông Dương vào trung tâm lịch sử Pháp – nơi nó vốn thuộc về. Phantasmatic Indochina là một đóng góp có giá trị cho sự hiểu biết của chúng ta về tâm lý thực dân Pháp và di sản lâu dài của nó trong trí tưởng tượng tập thể.” – Judith Henchy, Crossroads
“Cuốn sách này đáng chú ý cả về phạm vi lẫn sự tinh vi về mặt lý thuyết. Tác giả áp dụng lý thuyết tâm lý học, nghiên cứu điện ảnh, nghiên cứu văn học và lý thuyết hậu thuộc địa để nắm bắt được một đối tượng nghiên cứu thách thức phần lớn các nhà sử học: tưởng tượng của Pháp về Đông Dương trong nhiều hiện thân của nó.” – Eric T. Jennings, Journal of Modern History
“Việc Norindr đánh giá lại Đông Dương một cách triệt để như là một cấu trúc hư cấu và mang tính huyền thoại đã mở rộng phạm vi từ các mối quan tâm về địa lý và chính trị sang vấn đề về bản sắc văn hóa. Đối với ông, Đông Dương trở thành một kho chứa hình ảnh, một không gian mang tính chất tưởng niệm và biểu tượng, tập hợp các loại hình văn hóa khác nhau như văn học, điện ảnh và kiến trúc. Nổi bật với sự sáng suốt và tinh tế, Phantasmatic Indochina là một trong những đóng góp xuất sắc nhất cho lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và hậu thuộc địa.” – Dalia Judovitz, Đại học Emory
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng (lược dịch từ phần giới thiệu của Duke University Press)