Tạp chí LIFE số ra ngày 12/2/1971
Thanh Trà dịch
Vấn đề POW/MIA[1] trong Chiến tranh Việt Nam liên quan đến số phận của quân nhân Hoa Kỳ được báo cáo là mất tích trong Chiến tranh Việt Nam và các khu vực chiến sự có liên quan ở Đông Nam Á. Do thiếu các nguồn thông tin tình báo chính xác bên trong Bắc Việt Nam, Hoa Kỳ đã không biết chắc chắn liệu có bao nhiêu tù binh đang bị giam giữ, mà thường dựa vào thông tin báo chí hoặc lời kể của một số tù binh được trả tự do sớm để phỏng đoán số lượng, tình trạng và danh tính những người bị giam ở Bắc Việt. POW/MIA không chỉ là một vấn đề trung tâm trong các cuộc đối thoại Mỹ – Việt trong và sau chiến tranh, mà còn tác động sâu sắc đến nước Mỹ trên nhiều khía cạnh như tâm lý, văn hóa và chính trị. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số bài báo về tù binh Mỹ xuất bản trong thời kỳ 1971-1972, trước khi Hiệp định Paris được ký kết.
——————
Trong năm qua, Bắc Việt đã cho phép 339 tù binh Mỹ mà họ thừa nhận đang giam giữ được gửi thư về nhà thường xuyên hơn. Nhưng một lá thư bị kiểm duyệt không thể trả lời câu hỏi day dứt của tất cả các gia đình tù binh: “Anh ấy có giấu chúng ta điều gì không? Anh ấy có thực sự ổn không?” Một bức ảnh có thể nói lên nhiều điều, nhưng mãi đến gần đây, mới chỉ có chưa đầy 50 tù binh Mỹ được xác định danh tính qua các bức ảnh được công bố với thế giới bên ngoài. Thế rồi một phóng viên ảnh người Nhật tên là Kozo Sakurai được phép “tham quan” một trại giam tù binh chiến tranh ở Hà Nội. Trong cuộn phim của Sakurai, các chuyên gia ở Washington đã xác định được 6 gương mặt mới chưa từng xuất hiện trong các bức ảnh tù binh trước đó. Với các gia đình đang lo lắng, những tấm ảnh này là niềm an ủi: các tù binh – hầu hết là phi công – trông có vẻ khá ổn. Lầu Năm Góc cũng đồng ý rằng: “Họ đã được cung cấp đủ dinh dưỡng trong vòng ít nhất mấy tháng qua, chứ không phải là vừa được cho ăn no trong hai ngày”. Một nhà chức trách cảnh báo “có thể chúng ta đang thấy một nhóm người được đối xử đặc biệt để khoe với phóng viên ảnh”. Dù tình trạng thực tế của họ như thế nào, rõ ràng là các tù binh này đang rất đau khổ khi phải sống xa cách với gia đình. Một phóng viên đi cùng Sakurai và có mặt khi các tù binh mở quà Giáng sinh kể lại rằng “Mắt họ đẫm nước… tay họ run run khi ký nhận các gói quà. Khi nhận thư, họ bóc phong bì ngay lập tức và ngắm nhìn chăm chú những tấm ảnh của cha mẹ, vợ con họ…”
Nhìn họ đỡ giống người máy – đúng như ý muốn của Hà Nội
Có lẽ ý đồ của Hà Nội là muốn các bức ảnh của Sakurai phản bác lời phê bình những hình ảnh tù binh trước đó: trong đoạn phim về một cuộc đấu bóng bàn năm ngoái, các tù binh Mỹ trông như người máy. Còn ở đây, họ dường như đang ở trong một trận đấu bóng rổ sôi động. Grank Sieverts, Trợ lý Đặc biệt của Thứ trưởng Ngoại giao, đồng thời là một chuyên gia về tù binh chiến tranh, chỉ ra rằng nhóm tù binh mà Sakurai chụp ảnh (tổng cộng 40 người) bao gồm những người đã đưa ra các phát biểu phản chiến tại Hà Nội. Tuy nhiên, lúc này, thay vì thừa nhận tội ác chiến tranh, các tù binh lại chủ yếu nói về việc họ được đối xử “tốt” như thế nào. Điều này không hẳn đã thể hiện đúng cảm nhận của họ, Sieverts nói, và không phải là một sự thỏa hiệp. “Họ sẽ không chỉ đưa ra những tuyên bố này”, ông nói, “mà họ có thể còn bị buộc phải tạo dáng tử tế để chụp ảnh”. Đối với ít nhất một cựu tù, Đại tá Norris Overly, những bức ảnh mới này trông khá kỳ lạ. Là một trong chín tù binh đã được Bắc Việt phóng thích, Overly quen với cách đối xử tồi tệ hơn nhiều. “Trông quá hay ho… quá khác với những gì tôi biết”, Overly nhận xét về các tấm ảnh của Sakurai. “Tôi chưa từng thấy điều gì tương tự như thế này”.
[1] POW, viết tắt của cụm từ “prisoner of war”, nghĩa là tù binh chiến tranh. MIA, viết tắt của cụm từ “missing in action”, chỉ quân nhân mất tích trong chiến tranh.