Kỳ Ngoại hầu Cường Để (1882-1951) nguyên tên là Nguyễn Phúc Dân là một nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Về gia thế, ông là cháu trực hệ của hoàng tử Cảnh, tức là cháu đích tôn 6 đời của vua Gia Long (do hoàng tử Cảnh mất sớm, ngôi vua truyền về ngành thứ 2 của hoàng từ Đảm, tức vua Minh Mạng). Vì là dòng dõi chính thống trong hoàng tộc nên nhiều nhà ái quốc như Phan Bội Châu đã có kế hoạch liên lạc với gia đình ông để lập lại ngôi vua, thay cho vua Khải Định vì vị vua này hợp tác với thực dân Pháp. Năm 1906, ông trốn sang Nhật và cùng với Phan Bội Châu cổ động phong trào Đông Du. Là một hoàng thân nhà Nguyễn, ông có tư tưởng quân chủ lập hiến và nhận làm người lãnh đạo Việt Nam Phục quốc Đồng minh hội.
Từ lúc Cường Để gặp Phan Bội Châu lần đầu tiên cho đến khi nhà trí thức yêu nước bị bắt giam bởi thực dân Pháp, ông vẫn luôn bị che khuất bởi cái bóng quá lớn của Phan Bội Châu. Chính vì lẽ đó nên khi Phan Bội Châu bị giam cầm tại Việt Nam, Cường Để, lúc này đang sống lưu vong tại Nhật Bản đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát đối với tổ chức do ông và Phan Bội Châu lập ra.
Ngoài việc dựa dẫm quá nhiều vào Phan Bội Châu, Cường Để cũng đã quá ngây thơ khi hoàn toàn tin tưởng vào ý nghĩ chính phủ Nhật Bản thời bấy giờ sẽ ra sức giúp Việt Nam dành lại độc lập. Ông đi từ tây sang đông, từ nam ra bắc, vượt nửa vòng trái đất, thăm vô số quốc gia để tìm kiếm một mạnh thường quân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Không một ai chịu chìa tay ra để giúp một đất nước ở một nơi xa xôi, hoặc nếu có giúp thì cũng chỉ là một phần nhỏ cho kế hoạch của Cường Để. Vị Hoàng thân cuối cùng cũng phải quay lại Nhật Bản, nơi ông sẽ sống cho đến cuối đời mình.
Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Cường Để đã có những liên hệ với Nguyễn Ái Quốc. Trong số những tài liệu đã được giải mật của mật thám Pháp có một bức thư của Cường Để gửi cho Nguyễn Ái Quốc và những báo cáo, nhận xét của toàn quyền Đông Dương về mối quan hệ này. Ngoài ra còn có thêm hồi ký của Hoàng Nam Hùng (thành viên Phục quốc Đồng minh hội của Cường Để) nói về sự liên lạc giữa Nguyễn Ái Quốc và Cường Để. Chúng tôi cung cấp các tài liệu để bạn đọc có thể hiểu thêm về con người của Hoàng thân Cường Để.
Tài liệu 1: Thư của Cường Để gửi cho Nguyễn Ái Quốc do Lâm Đức Thụ (đặc vụ Pinot) sao lại cho mật thám Pháp. Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp: Báo cáo số 645, ngày 11/1/1932 – Phái bộ Noel, Đặc vụ Pinot.
Bản dịch tiếng Pháp một lá thư viết bằng tiếng Trung (hay tiếng Nhật?) của Nguyễn Phúc Dân, tức Cường Để, gửi đến Nguyễn Ái Quốc vào ngày 17/12/1931.
“17/12/1931
Kính gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc,
Tôi vừa mới được nghe tin rằng ông đang ốm nặng ở Hồng Kông, và thông tin này khiến tôi vô cùng lo lắng.
Tôi xin phép gửi kèm theo lá thư này 300 yen để ông dùng làm chi phí chữa bệnh. Hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt: Ông cần có sức khỏe để còn phục vụ Tổ quốc.
Chúc ông mau chóng khỏe lại.
Phúc Dân”
Chúng ta biết rằng thời điểm năm 1931 thì Nguyễn Ái Quốc đang bị lao tù, bị bệnh cần tiền để chữa trị. Cường Để đã không ngần ngại gửi cho Nguyễn Ái Quốc 300 Yên (trong khi ông được trợ cấp 250 Yên / tháng). Số tiền này có lẽ không đến được tay Nguyễn Ái Quốc nhưng qua đó ta cũng thấy được tấm lòng của ông. Trong thư ta thấy Cường Để rất quý trọng Nguyễn Ái Quốc, xem sức khỏe của Nguyễn Ái Quốc là cần cho sự nghiệp của Tổ quốc. Đó là một tấm chân tình không gì có thể hơn được.
Tài liệu 2: Thư của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier ngày 19/1/1932 gửi cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp về lá thư Hoàng thân Cường Để gửi cho Nguyễn Ái Quốc và mối quan hệ giữa hai người. Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp.
“Cơ quan An ninh đã sở hữu tài liệu, bản dịch có đính kèm theo, đó là một bức thư gửi từ Nhật Bản cho Nguyễn Ái Quốc của Hoàng thân Cường Để.
Người sau này luôn duy trì quan hệ thân tình ít nhiều với những người An Nam ở hải ngoại, với bất kỳ đảng phái nào, và do đó không có gì ngạc nhiên khi ông gửi bức thư này và trợ cấp cho lãnh đạo của Đảng Cộng sản An Nam, càng sớm càng tốt, sau khi biết anh ta là một tù nhân và bị bệnh ở Hồng Kông. Tóm lại, quá trình này chỉ là một thủ đoạn của kẻ giả danh và nó hoàn toàn phù hợp với tinh thần đoàn kết của tất cả những người theo chủ nghĩa dân tộc An Nam ở hải ngoại.
Điều cần đặc biệt lưu ý về tư liệu này là địa chỉ của Cường Để trong lá thư chính là địa chỉ nhà riêng của ông Inukai (88 Yotsuya Minami-machi, Tokyo) – Chủ tịch hiện tại của Hội đồng Bộ trưởng Nhật Bản.
Chính phủ Toàn quyền từ lâu đã biết về những mối quan hệ bí mật của vị hoàng thân bị trục xuất, chẳng hạn như với một số chính trị gia người Nhật hay với vị chính khách này – cá nhân ông đã luôn cảm nhận được ở Nguyễn Ái Quốc một sự ân cần, mến khách, từ rất lâu trước khi người này nổi lên trong chính trường. Hoàng thân Cường Để không chỉ tìm sự giúp đỡ ở Nhật, mà còn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau đem lại cho ông một khoản tiền lương khoảng 250 yen/tháng.
Với tình hình như hiện tại, tôi cho rằng nên nhắc ông chú ý đến những điều này, đặc biệt là việc Hoàng thân Cường Để viết địa chỉ cá nhân của mình là nhà riêng của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – anh rể của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mới.
Cũng phải nhớ rằng chính phủ Nhật Bản hiện đang nắm giữ trong tay kẻ muốn giành ngai vàng Trung Hoa, Hoàng đế Phổ Nghi và đại diện của nhánh lập pháp mà vốn chưa bao giờ chịu từ bỏ các yêu sách đối với ngai vàng An Nam. Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước tất cả các rủi ro có thể xảy ra, nhưng chẳng phải những chính sách hòa giải như vậy sẽ khiến ta tự hỏi rằng quan điểm dài hạn của chính phủ Nhật Bản trên bàn cờ Viễn Đông là gì? Liệu ông có suy đoán giống tôi rằng với các phỏng đoán về Viễn Đông hiện tại, những thông tin này có thể sẽ thu hút một sự quan tâm nhất định của Bộ Ngoại giao Pháp?”
Tài liệu này cho thấy chính quyền thuộc địa Pháp đã tổng hợp những thông tin tình báo trên các địa bàn như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam về động tĩnh của hai nhà cách mạng này rất chặt chẽ. Người cung cấp thông tin cho giới chức Pháp chắc hẳn phải là người biết rõ, hay tiếp xúc gần gũi với họ (chẳng hạn như Lâm Đức Thụ). Đồng thời nhà cầm quyền Pháp bày tỏ mối lo ngại trước việc nhà cầm quyền Nhật dung túng cho các nhà cách mạng Việt Nam.
Tài liệu 3: Trích trong hồi ký “Năm mươi năm cách mạng hải ngoại” của Hoàng Nam Hùng, xuất bản tại Sài Gòn năm 1959
“Chúng tôi ở Quảng Châu nghe tin người Anh lên án ông Nguyễn Ái Quốc một cách bất công, lập tức anh em vận động phương tiện báo chí Trung Hoa để cực lực phản đối trước dư luận quốc tế. Liền đó ban chấp hành Trung ương gửi giác thư cho chính phủ Anh Cát Lợi để phản kháng về hành động của họ.
Những tin đó làm sôi nổi dư luận quốc tế, nên chính phủ Anh Cát Lợi đã đòi bản án cũ bị bị hủy bỏ, và ra lệnh cho nhà cầm quyền Hương Cảng bãi bỏ dự định trao ông Nguyễn Ái Quốc cho người Pháp, nhưng chỉ áp dụng biện pháp trục xuất mà thôi. Nhờ có như thế ông Nguyễn Ái Quốc được nằm điều trị ở bênh viện Hương Cảng thêm một thời gian ba tháng nữa, thêm vào nhà cầm quyền Anh lại cấp cho ông một số tiền là 30 đô la Hồng Kong một tháng.
Ông có biên thư cho tôi để gửi lời cảm ơn sự tranh đấu của Việt Nam quốc dân cách mệnh đảng và yêu cầu tôi nhân tiện chuyến đi sang Nhật sắp tới nói với cụ Cường Để xin cụ đề nghị chính phủ Thiên Hoàng cho phép ông được cư trú trên đất Nhật”. (Tr 159)
Sau đó ông Hoàng Nam Hùng sang Nhật gặp Cường Để, ông viết tiếp:
“Tôi yên lòng ở lại ít lâu nữa trên đất Nhật để cố tìm hiểu lấy sự cải tiến của một dân tộc hồi thịnh vượng. Nhân đó nhớ đến lời ông Nguyễn Ái Quốc trước đây có nhờ tôi chuyển đệ lên cụ Cường Để, để xin Chính phủ Nhật cho ông được tạm thời cư trú ở đây.
Cụ Cường Để có đem nguyện vọng này trình bày lên Chính phủ Nhật. Nhưng ít lâu sau phúc thư của họ trả lời là nhà đương cục Nhật, không thể nào chấp thuận cho một nhân vật Cộng sản vào trên đất của họ được”. (Tr 172)
Nhằm tránh mạng lưới truy nã gắt gao của Pháp và Tưởng Giới Thạch, Nguyễn Ái Quốc đã có ý định lánh sang Nhật một thời gian. Nguyễn Ái Quốc đã nhờ Cường Để tác động với Chính phủ Nhật để xin cư trú. Nhưng dưới áp lực của Pháp và lại có thỏa thuận với Nhật từ trước nên chính phủ Nhật đã từ chối. Trong một bức thư của tòa đại sứ Pháp ở Tokyo ngày 19/7/1933 gửi ông Tani (Cục trưởng Cục châu Á, Bộ ngoại giao Nhật) đã yêu cầu Nhật theo dõi chặt chẽ Hoàng thân Cường Để và làm tê liệt những toan tính chống Pháp của ông, đồng thời nhắc nhở nhà đương cục Nhật là ông thường xuyên che chở cho những người cộng sản nguy hiểm (Việt Nam – Nhật Bản giao lưu văn hóa / Vĩnh Sính xuất bản năm 2001, trang 264).
Gần nửa thế kỷ, bước chân không mỏi trên hành trình qua bao nhiêu nước, huy động mọi khả năng có thể để phục quốc, đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, mà mộng lớn không thành, nhưng Kỳ ngoại hầu Cường Để vẫn xứng đáng là một nhà yêu nước nhiệt thành. Khi lập nên tổ chức Việt Nam Quang phục hội, ý định của Kỳ ngoại hầu như lời ông tâm sự, là nhằm mục đích lật đổ chính quyền bảo hộ của Pháp, khôi phục độc lập cho Tổ quốc. Tên gọi ấy, nhằm liên hiệp nhiều phần tử, đoàn thể ái quốc, chỉ lấy mục đích chung là phục quốc, không phân biệt chủ nghĩa. Tuy lập trường chính trị có một số hạn chế, nhưng Hoàng thân Cường Để đã không ngần ngại che chở những người cách mạng đã xả thân vì nước. Vì vậy việc đánh giá, nhìn nhận lại cuộc đời ông cần có một cái nhìn khách quan hơn ■
Trịnh Phong tổng hợp (bài đăng trên Tạp chí Phương Đông số tháng 12-2020)