Lê Văn Ngôn
Cần Thơ là thành phố sầm uất và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, chính vì vậy, nơi đây còn được gọi là “Tây Đô”, nghĩa là thủ phủ của miền Tây. Nhưng ngược dòng lịch sử xa hơn nữa, Cần Thơ từng có tên gọi là gì, thuộc về Việt Nam từ khi nào, hai chữ “Cần Thơ” có từ bao giờ, và các nhà cai trị từng sắp xếp vùng đất này về mặt hành chính ra sao dưới thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc? Bài viết “Tây Đô lịch sử” đăng trên tập kỷ yếu “Xuân Tây Đô” năm 1942 của Hội khuyến học Cần Thơ sẽ trả lời các câu hỏi này.
Tây Đô! Vùng đất phì nhiêu này đã từng được người xưa lắm phen nhắc đến vì đã bao lần nó có hân hạnh thừa tiếp nhiều khách quý có tên ghi trong lịch sử ngàn thu.
Đây là nơi mà vào lúc tháng 10 năm Tân Mão (1771), sau khi bị quân Xiêm cướp thành đoạt lũy, Mạc Thiên Tứ và ba con trai lớn thất điên bát đảo chạy tới trú ngụ đặng chờ ngày khôi phục lại giang san.
Cũng tại chỗ này, tháng 2 năm Đinh Dậu (1777), vua Duệ Tôn và cháu là Nguyễn Phúc Ánh từ Mỹ Tho đến hiệp binh cùng cha con họ Mạc đặng hai tháng sau cùng qua Rạch Giá, rồi từ đó chia tay: Vua thì xuống Cà Mau còn Mạc lại thẳng qua Vọng Các (Bangkok).
Từ năm Đinh Dậu này cho tới năm Đinh Vị (1787), Chúa Nguyễn Phúc Ánh còn phải bảy phen qua lại địa hạt Cần Thành, khi thì bị rượt chạy đi, khi trở về chinh phục.
Ngoài ba người khách quý: Vua Duệ Tôn, Chúa Nguyễn Phúc Ánh và Mạc Thiên Tứ, Cần Thơ còn tiếp một người đáng nhắc nữa là Mạc Tử Sanh. Sanh là con của Mạc Thiên Tứ, theo cha qua Vọng Các năm Đinh Dậu (1777) rồi theo chúa Nguyễn Phúc Ánh về nước trong tháng 6 năm Giáp Thìn (1784). Sanh được phong chức Tham tướng, tước Lý Chánh hầu và được lệnh án thủ Trấn Giang (tức Cần Thơ). Với Mạc Tử Sanh, Tây Đô ta còn mang nặng nợ duyên khi mà Tây Đô ta còn có một vùng Tham tướng và một rạch mang tên Tham tướng.
Khi Chúa Nguyễn Phúc Ánh để chân đến Cần Thơ, vùng này đã thuộc Nam Triều nhưng không phải hồi nào cũng thế. Trước kia, cả miền Hậu Giang đều ở dưới quyền cai trị của vua Chân Lạp.
Vùng Tây Đô thuộc Nam Triều từ năm nào?
Năm Đinh Sửu (1757) vào thời Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng đế tức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát năm thứ 19, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Ang – Tong) thăng hà. Chú họ của Nặc Nguyên là Nặc Nhuận bèn dâng sớ xin triều đình Huế lập mình lên ngôi báu. Võ Vương ưng thuận nhưng dạy phải hiến hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc trước khi thọ lãnh chức tước.
Bỗng Nặc Nhuận bị rể là Nặc Hinh giết để cướp quyền. Con trai của Nặc Nhuận là Nặc Tôn trốn đến Hà Tiên.
Kế Nặc Hinh bị thua Thống suất Trương Phước Du rồi bị thuộc hạ là Ốc Nha Uông thừa thế giết mất.
Mạc Thiên Tứ xin lập Nặc Tôn (Outei) làm Chân Lạp Quốc vương. Vì thế, Tứ được lệnh cùng ngũ dinh[1] tướng sĩ hộ tống Nặc Tôn về nước.
Đáp lại việc này, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (chắc là trọn vùng Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Châu Đốc, Cần Thơ, Bạc Liêu ngày nay). Trương Phước Du và Nguyễn Cư Trinh bèn xin dời lỵ sở của Long Hồ dinh về xứ Tầm Bào, tức là tại tỉnh lỵ Vĩnh Long hiện thời (thuộc Long An ấp, Long Hồ thôn).
Trương Phước Du và Nguyễn Cư Trinh lại lập Đông Khẩu đạo, về Tiền Giang thì lập Tân Châu đạo (tại cù lao Gieng), về Hậu Giang thì lập Châu Đốc đạo (sau đổi ra đồn) và đem binh của Long Hồ dinh đến trấn giữ.
Lúc này, Nặc Tôn lại cắt đất năm phủ Hương Úc (Vũng Thơm, Kompong Som), Cần Vọt (Kampot), Chan Sum (Prabat Chean Chum), Sài Mạt (Banteai meas) và Linh Quỳnh (vùng Thất Sơn – Hòn sóc?) mà đền ơn Mạc Thiên Tử. Tôn Đức hầu Mạc Thiên Tứ dâng cả cho triều đình. Lệnh trên trọn năm phủ này thuộc Hà Tiên trấn. Mạc Thiên Tứ lại xin trí Rạch Giá làm Kiên Giang đạo và Cà Mau làm Long Xuyên đạo.
Thế thì ta thấy vùng Tây Đô – cũng như những vùng gần nó – thuộc Nam triều từ năm 1757.
Hai chữ “Trấn Giang” có từ bao lâu?
Đến như hai chữ “Trấn Giang” thì không biết đặt ra từ lúc nào, chỉ thấy “Nhất thống dư địa chí” – bộ địa dư gồm 10 quyển do Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định soạn xong trong năm Gia Long thứ 5 (1806) – về mục “Vĩnh Trấn dinh thực lục” có nói: “Trấn này chia làm một châu: Định Viễn và ba tổng: Bình Dương, Tân An, Bình An. Toàn hạt có 15 đạo và thủ: Đông Khẩu, Tân Châu, Chiến Sai[2] Châu Đốc, Trấn di, Trấn Giang…”
Vậy hai chữ “Trấn Giang” đã có trước hồi này.
Có lẽ dân nhóm một ngày một đông, đất mở một ngày một rộng nên sau năm 1757 là năm chỉ đặt ra 5 đạo trên kia, chẳng bao lâu người ta đặt thêm những đạo và thủ mới.
Hai chữ “Cần Thơ” có tự hồi nào?
Còn hai tiếng “Cần Thơ” chắc chắn là tiếng Cao Miên như Cần Vọt, Cần Giờ… thì có đã rất lâu ngày, rồi lâu ngày âm trật đọc sai, nay không sao tìm được rõ nghĩa của nó. Tuy vậy, Chợ Cần Thơ có từ bao giờ, ta có thể ước đoán được, do “Nhất thống dư địa chí” của Lê Thượng thư.
Sách này chép từ con sông rất kỹ. Trước hết nói tóm chung như: “Hậu Giang, từ thủ sở của Châu Đốc đạo theo sông Cái từ hướng Tây qua hướng Đông[3] xuống 72.458 tầm thì tới cửa biển Ba Thắc”.
Rồi lại phân ra từ chặng mà nói riêng từ rạch rừ xẻo như: “… Tới rạch Bình Thủy… rồi rạch Trà Mơn… rồi rạch Cái Khế… rồi xẻo Cái Dầu. Từ xẻo Cái Dầu đi xuống – có đi ngang cù lao Lăng, bần mọc tươi tốt và không người ở – được 70 tầm thì tới rạch Cần Thơ, phần thủ của Trấn Giang đạo”.
Mỗi xẻo mỗi rạch lại chua rõ như: “Rạch [Cần Thơ] ở về hữu ngạn [sông Cái] trong xa có ngả ba, ngọn bên hữu chảy lên Ô Môn, Bình Thủy, ngọn bên tả qua Láng Hầm (nay là Ba Láng) đến Cửa Bé và thủ sở của Kiến Giang đạo”.
Lại chua thêm: “Bên hữu rạch (Cần Thơ) này có đồn trại của phần thủ; ở bên tả có chợ mới lập, người Tàu đến nhiều, đường lối chằng chịt, ghe buôn đậu liền”.
Thế là Chợ Cần Thơ mới lập vào thế kỷ 19 và sau đó độ 20 năm, trong quyển “Gia Định thông chí” – do An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức soạn xong năm Minh Mạng thứ 5 (1824) – có chép “Sông CanTho… thủ sở của Trấn Giang đạo, phố xá đông đúc, thương lữ nhóm gom”.
Cách xếp đặt việc cai trị vùng Cần Thơ từ khi thuộc Nam Triều cho tới ngày thuộc Pháp
Đã biết tên, biết chỗ của Tây Đô ta rồi, rồi ta tìm xem cách xếp đặt việc cai trị thế nào và tìm biết đôi việc có quan hệ đến nó.
Thuở ban đầu, dinh thì đặt Lưu thú là một viên đại tướng lo việc trị dân dẹp loạn, còn đạo thì có một viên Cai cơ trấn thủ.
Tháng 11 năm Kỷ Hợi (1779), chúa Nguyễn Phúc Ánh dạy đổi Long Hồ dinh ra Hoằng Trấn dinh; mà vì dân thưa việc ít, Hoằng Trấn dinh chỉ lãnh 1 châu (Định Viễn), 3 tổng (Bình An, Bình Dương, Tân An). Và, vào lúc bấy giờ, Cần Thơ thuộc Bình An tổng.
Đến tháng Giêng năm Gia Long thứ bảy (1808), Vua dạy đổi Vĩnh Trấn dinh (tức Hoằng Trấn dinh) ra Vĩnh Thanh trấn, Định Viễn châu ra Định Viễn phủ, Bình An tổng ra Vĩnh An huyện, Tân An tổng ra Tân An huyện, Bình Dương tổng ra Vĩnh Bình huyện.
Về miền Hậu Giang thì phân bổ từ rạch Tham Rôn tới rạch Cao Miên thuộc tổng Vĩnh Trinh, từ rạch Tham Rôn tới Cần Thơ thuộc tổng An Trung của huyện Vĩnh An. Còn từ Cần Thơ đến biển thì thuộc tổng Bình Chánh, huyện Vĩnh Bình.
Vậy, lúc này, Cần Thơ thuộc An Trung tổng.
Qua mồng 1 tháng 2 năm Gia Long 12 (1813), Vua lấy đất ở về hữu ngạn Hậu Giang từ cửa Bá Thắc tới Châu Đốc mà đặt riêng một huyện mới tên là Vĩnh Định. Các cù lao ở giữa Hậu Giang cũng thuộc huyện mới này. Đất tuy rộng mà dân không đông nên trong huyện không phân tổng mà chỉ gồm 37 thôn ấp.
Và, Trấn Giang đạo, tức là Tây Đô ngày nay, trở thành lỵ sở của huyện Vĩnh Định.
Sau khi Gia Định thành Tổng trấn là Lê Văn Duyệt qua đời, xứ Đồng Nai, đương là năm trấn: Phan An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên, thì vào tháng 10 năm Minh Mạng 13 (1822) phải chia làm 6 tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Tỉnh An Giang có hai phủ: Tân Thành, Tuy Biên, và 4 huyện: Vĩnh An, Đông Xuyên, Tây Xuyên, Vĩnh Định. Viên Tuần phủ trước nhất của tỉnh này là Thự binh bộ Tham tri Ngô Bá Nhân đã gồm coi Hà Tiên lại còn lãnh bảo hộ Cao Miên quốc ấn.
Bấy giờ, Tây Đô của ta bèn lìa Vĩnh Trấn mà về với An Giang, dẫu vẫn trung thành cùng huyện Vĩnh Định nhưng phải thuộc về phủ Tuy Biên.
Theo “Dư đồ thuyết lược” của Sĩ tải Trương Vĩnh Ký thì về thời Triệu Trị, tỉnh An Giang chia làm 3 phủ và 8 huyện:
1. Phủ Tuy Biên (Châu Đốc) có 2 huyện: Tây Xuyên, Phong Phú
2. Phủ Tân Thành (Sa Đéc) có 3 huyện: Vĩnh An, Đông Xuyên, An Xuyên
3. Phủ Ba Xuyên (Sóc Trăng) có 3 huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh, Vĩnh Định.
Vậy, về lúc này, Cần Thơ thuộc huyện Phong Phú.
Cách xếp đặt việc cai trị vùng Cần Thơ từ ngày thuộc Pháp
Qua thời Tự Đức không có gì thay đổi.
Đến năm Đinh Mão (1867), do nghị định của Thủy sư Đề đốc De La Grandiere ngày 15/6 – trước ngày 3 tỉnh phía Tây của Nam Kỳ thuộc Pháp: 20-22 – 24/6 – huyện Phong Phú (Cần Thơ) gia nhập vào phủ Bãi Xàu. Kế đó, Cần Thơ lại thuộc về sở Tham biện Sa Đéc (Inspection de Sađéc).
Đến cuối năm này, do nghị định ngày 4/12/1867 và kể từ ngày 1/12/1868, Phong Phú được tách ra khỏi Sa Đéc mà lập riêng một sở Tham biện số 26, lỵ sở đóng tại Chợ Cần Thơ ngày nay, chợ mà năm 1806, Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định gọi là “Chợ mới lập”.
Xảy có bọn Đinh Sâm[4] nổi lên ở Láng Hầm và giết Cai tổng Định Bảo là Nguyễn Văn Vĩnh. Kế Đội Lộc (sau là Tổng đốc Lộc, Cái Bè) và Bếp Tấn (sau là Lãnh binh Tấn, Gò Công) đem quân đánh dẹp yên cả.
Từ đầu năm 1869, địa diện Cần Thơ còn nới rộng thêm ra vì theo nghị định ngày 19/10/1868 của Đề đốc Ohier, Tổng Bình lễ sở Tham biện Vĩnh Long, tổng An Trường của sở Tham biện Sa Đéc và 6 làng ở dựa rạch Trà Ôn của sở Tham biện Lạc Hóa (Bắc Trang, Trà Vinh) đều nhập với sở Tham biện Cần Thơ.
Rồi nghị định ngày 7/6/1871 rút xứ Nam Kỳ còn có 18 sở Tham biện – trước từ 26 lên 28 rồi bớt còn 25 – và 7 sở Tham biện bị bớt là Bắc Trang, Bến Tre, Cần Thơ, Cai Lậy, Cần Giuộc, Long Thành, Trảng Bàng.
Cần Thơ lại thuộc sở Tham biện Sa Đéc và cố nhiên quan Tham biện không ở lại Chợ Cần Thơ mà chỉ để một quan huyện với 60 quân lính.
Và kể từ 30/4/1872, hai sở Tham biện bị bãi là Cần Thơ và Bắc Trang hiệp thành sở Tham biện Trà Ôn, lỵ sở đóng tại Trà Ôn bây giờ.
Trước khi về Pháp nghỉ, ngày 5/1/1876, Đề đốc Duperré ký nghị định chia Nam Kỳ làm bốn địa hạt (khu vực) là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Ba Thắc; mà địa hạt thứ tư tức là địa hạt Ba Thắc thì gồm có: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Ôn và Sóc Trăng.
Kế đó dinh Tham biện Trà Ôn bị dời về Cái Răng.
Ngày 23/2/1876 lại có nghị định dời dinh Tham biện ở Cái Răng về đóng tại chỗ mà xưa gọi Trấn Giang đạo, chỗ mà năm 1813 vua Gia Long chọn làm lỵ sở cho huyện Vĩnh Định tức là huyện lỵ Phong Phú và gọi là sở Tham biện Cần Thơ lãnh cả thảy 11 tổng[5].
Rồi từ đó, Cần Thơ ngày một mở mang thịnh vượng, Cần Thơ thành một tỉnh lớn, Cần Thơ xứng đáng đứng thẳng trên đất Nam Kỳ yêu dấu của chúng ta mà lãnh tiếng “Tây Đô”.■
[1] 5 dinh là: Bình Khương (Nha Trang), Bình Thuận, Trấn Biên (Biên Hòa), Phan Trấn (Sài Gòn) và Long Hồ
[2] Ta quen gọi Thủ Chiến Sai, ở Chợ Mới (chợ Ông Chưởng), Long Xuyên
[3] Sách xưa thường chỉ hướng không được đúng như nay
[4] Có lẽ là cựu Lãnh binh ở Châu Đốc tên Ngô Sâm, ngày 3/9/1867 phá đồn Sa Đéc rồi lui về Cần Thơ, chạy lên Châu Đốc kế bị bắt tại kinh Rạch Giá vào cuối tháng 1/1868.
Còn “Monographie de Cantho” chép: “Đinh Sâm là Võ Đinh Sâm, mà người giết Cai tổng Vĩnh là Thống chế Bút. Không rõ Bút là thuộc hạ của Ngô Sâm hay Võ Đinh Sâm”.
[5] Đến năm 1891, thêm tổng Định Hóa mà bớt 3 tổng Định Phong, Định Thành, Tuân Lễ, thành còn 9.