Nhiều người hẳn đã biết Jean-Paul Sartre (1905-1980) qua một số tác phẩm của ông như Nausea (Buồn nôn) hay Being and Nothingness (Hữu thể và Hư vô), hay Sartre một trong những nhà tư tưởng hàng đầu nước Pháp thế kỷ hai mươi, người đoạt giải Nobel năm 1954 nhưng từ chối vì ông chống đối tất cả các thể chế, Sartre triết gia hiện sinh cùng với Simone de Beauvoir và Albert Camus. Nhưng có lẽ nhiều người cũng sẽ bất ngờ khi biết rằng Sartre còn vô cùng quan tâm tới Việt Nam và cuộc đấu tranh chống thực dân của các dân tộc thuộc địa.
Với giới trí thức Pháp, cuộc đấu tranh đòi độc lập của các dân tộc thuộc địa đã thay đổi toàn bộ đời sống chính trị và tư tưởng ở nước Pháp thập niên 1940, 1950. Chiến tranh và xung đột ở Đông Dương, có thể không ngoa mà nói rằng, bị ủy khuất tương đối so với các thuộc địa Bắc Phi, xét đến mức độ quan tâm ở nước Pháp. Trong bối cảnh ấy, Sartre, với tư cách là chủ biên tờ tạp chí Les Temps Modernes có sức ảnh hưởng sâu rộng ở Pháp thời bấy giờ, đã viết và ủng hộ nhiều cây viết khác về vấn đề Đông Dương. Tờ tạp chí này đã là diễn đàn sôi động và mạnh mẽ kêu gọi Pháp rút khỏi Đông Dương, chỉ ra những sai lầm về chính sách của Pháp ở xứ này, đồng cảm với nỗi lầm than của nhân dân thuộc địa và lên tiếng đòi độc lập cho Đông Dương. Đặc biệt, Sartre cũng là nhân vật hàng đầu kêu gọi thả tự do cho Henri Martin, một lính hải quân Pháp đã trở lại cố quốc để tuyên truyền chống chính quyền thực dân sau vụ Pháp đánh bom Hải Phòng.
Trong bối cảnh người dân và chính giới trí thức Pháp không mấy để tâm tới các vấn đề Đông Dương, tờ Les Temps Modernes thực sự đã đóng vai trò hàng đầu trong việc cung cấp thông tin chính xác, đa chiều về Đông Dương, đồng thời góp tiếng nói phản biện tích cực trong phong trào đấu tranh đòi độc lập của các thuộc địa Pháp. Không chỉ thế, sau khi Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ và buộc phải rút lui, Mỹ nhảy vào Việt Nam, Sartre cũng là một trong những nhân vật trí thức hàng đầu đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Sartre tham gia Phiên tòa Russell do triết gia người Anh Bertrand Russell chủ trì. Phiên tòa này có sự tham dự của những nhà tư tưởng hàng đầu châu Âu thời bấy giờ. Mặc dù phiên tòa không hề có tính ràng buộc về pháp lý, nó đã vạch trần tội ác chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Việt Nam, góp phần giúp cộng đồng thế giới hiểu hơn về tình hình Việt Nam và châm ngòi cho làn sóng phản đối chiến tranh ở khắp nơi trên thế giới.
Sau khi hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết, trong hoàn cảnh hỗn loạn, Jean-Paul Sartre cùng với Raymond Aron kêu gọi chính phủ Pháp nhận thêm hàng nghìn người tị nạn Việt Nam. Cần phải biết thêm rằng cái bắt tay giữa Sartre và Aron còn mang tính lịch sử ở chỗ Aron từng là đồng môn và người mà Sartre ghét cay đắng khi hai người còn là sinh viên trường Sư phạm ENS Paris.
Qua đây chúng ta có thể thấy hoạt động đấu tranh vị nhân sinh của triết gia Sartre là minh chứng sáng rõ cho triết học và văn học dấn thân của ông. Cuộc đời ông chính là một cuộc đời dấn thân, vì lẽ phải, vì con người.
Nguyễn Khải (Thư viện Nguyễn Văn Hưởng)