Bài và ảnh: Akihiko Okamura
Phạm Khánh Linh dịch
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào hay Chiến dịch Lam Sơn 719 (theo cách gọi của Việt Nam Cộng hòa) là một chiến dịch trong Chiến tranh Việt Nam, do Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) thực hiện từ ngày 8 tháng 2 đến ngày 25 tháng 3 năm 1971 với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ. Mục tiêu của chiến dịch là cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh, phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (QGP) tại Lào.
Bằng cách phát động một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào hệ thống hậu cần đã được thiết lập từ lâu của QĐNDVN, các bộ chỉ huy cấp cao của Mỹ và Nam Việt Nam hy vọng một chiến thắng nhanh chóng ở Lào sẽ củng cố tinh thần và sự tự tin của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH). Hơn nữa, chiến dịch này còn là một thử nghiệm về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và năng lực hoạt động độc lập một cách hiệu quả của QLVNCH, trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, Chiến dịch Lam Sơn 719 đã sụp đổ khi đối mặt với sự phản kháng kiên cường và khéo léo của QĐNDVN và QGP. Chiến dịch này đã là một thảm họa đối với QLVNCH, làm tiêu tan những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội này, và phá tan sự tự tin đã được xây dựng trong ba năm trước đó.
Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc phóng sự của nhiếp ảnh gia Akihiko Okamura đăng trên Tạp chí LIFE số ra ngày 12/3/1971 khi ông trực tiếp tham gia cùng QLVNCH để chụp ảnh và đưa tin về chiến dịch Đường 9 – Nam Lào.
***
Một tháng trước (tháng 2/1971), 16.000 quân miền Nam Việt Nam đã len lỏi vào màn sương mù của Lào, và một bức màn buông xuống sau lưng họ. Báo chí bị cấm đưa tin về cuộc xâm lược này. Các báo cáo chính thức của chính phủ miền Nam Việt Nam thì rời rạc, khó hiểu và thường mâu thuẫn với nhau. Nhưng khi kết hợp với những nguồn thông tin của Hoa Kỳ, cả chính thống lẫn không chính thống, tất cả đều cho thấy một điều: mũi tiến công ở Đường mòn Hồ Chí Minh gặp sự cố và bị đình trệ suốt 3 tuần.
Sau đây là lời tường thuật trực tiếp của Akihiko Okamura, một nhiếp ảnh gia tự do người Nhật đang làm nhiệm vụ cho LIFE, về những gì đã xảy ra với mũi nhọn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) trong khoảng thời gian đó. Okamura đã tìm cách leo lên một trong những chiếc xe tải của QLVNCH. Phóng sự của ông cho thấy cuộc tiến công đã bị dừng lại sau 3 ngày và 16 dặm (khoảng 26km – ND) như thế nào.
Thời tiết xấu ngay từ đầu đã hạn chế sự hỗ trợ quan trọng của không quân Hoa Kỳ, và sau đó lực lượng miền Bắc Việt Nam đánh trả bằng bộ binh, pháo binh và xe tăng do Nga chế tạo (trước đó hiếm thấy trong Chiến tranh Đông Dương). QLVNCH buộc phải chuyển qua thế phòng thủ, từ bỏ ý định tấn công chớp nhoáng, đồng thời rời bỏ một số vị trí vì “lý do chiến thuật”. Lực lượng tiếp viện của cả hai bên bắt đầu tiến vào.
Các quan chức Hoa Kỳ khẳng định rằng cuộc tấn công không gặp khó khăn gì; và cuối cùng, sau hơn một tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, một đội trực thăng của Hoa Kỳ đã bốc các binh sĩ VNCH vượt qua mũi tiến quân vẫn còn đang bị khựng lại để đổ họ xuống gần Tchepone, một cứ điểm quan trọng của miền Bắc Việt Nam trên Đường mòn Hồ Chí Minh. Máy bay trực thăng, vốn đang phải hứng chịu đòn tấn công khủng khiếp từ hỏa lực mặt đất của lực lượng Bắc Việt, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của mình. Dọc theo Đường 9, quân đội miền Nam Việt Nam phụ thuộc vào những chiếc máy bay đó để có thể tồn tại.
“Nếu anh sang Lào và cắt đường mòn, chiến tranh sẽ kết thúc”
Tác giả: Akihiko Okamura
Tôi đang nói chuyện với một đại tá Mỹ thì một chiếc xe tải của QLVNCH chạy dọc theo Đường 9, và tôi nhìn thấy ngay cơ hội cho mình sang Lào. Tôi bước xuống đường để vẫy xe, bắt tay ông đại tá và nói: “Cảm ơn ông, tôi sẽ không bao giờ quên ông” đủ to cho quân cảnh Việt Nam nghe thấy, rồi trèo lên xe. Viên đại tá có vẻ hơi bối rối, nhưng chiếc xe tải đã lao đi. Đó là một chiếc xe tải chở thực phẩm từ Houston, Texas, và khá an toàn vì nó là xe tiếp tế đang trên đường đến với những người lính ngoài mặt trận. Đó cũng chính là nơi tôi muốn đến.
Đây là ngày thứ hai của cuộc xâm lược. Tất cả các nhiếp ảnh gia và nhà báo khác đã bị chặn lại ở biên giới, vì vậy tôi trốn trong một chiếc hộp trống trên xe tải. Nhòm ra ngoài, tôi thấy một thương binh nằm bên vệ đường. Nhưng tôi không chụp ảnh kẻo bị nhìn thấy và đuổi xuống xe. Khi chúng tôi đi về phía tây, những người lính QLVNCH trên đường nhận ra chiếc xe tải thực phẩm và vẫy xin đồ ăn. Người lái xe đã ném cho họ nhiều lon khẩu phần loại C.[1] Mỹ là một quốc gia giàu có. Một cậu lính tay lăm lăm khẩu M16 ngồi phía sau nói: “Tao thèm chơi gái Lào quá”. Cậu ta ra sức tưởng tượng. Tất cả binh lính QLVNCH đều giống nhau: trẻ con, hào hứng, chẳng khác gì một lớp trung học đi dã ngoại. Mặt trời chói chang, không có tiếng súng nổ, cũng không ai giương súng. Một số còn cất tiếng hát, và khi những chiếc xe tải chạy qua nhau, họ vẫy tay và hò hét. Những người lính này đã được thông báo rằng nếu họ sang Lào và cắt Đường mòn Hồ Chí Minh, chiến tranh sẽ kết thúc.
Chiếc xe tải đưa tôi đến đầu mũi tiến công và tôi nhảy vào một xe bọc thép chở quân. Mọi người trên xe rất thân thiện. Tôi không hút thuốc nhưng có mang theo nhiều thuốc lá để phân phát cho họ, và tôi nói được một chút tiếng Việt. Theo kinh nghiệm, tôi đã chọn chiếc thiết vận xa thứ ba trong đội hình, vì sau đó, nếu có điều gì xảy ra với chiếc đầu tiên, tôi có thể chụp ảnh. Ngoài ra, chỉ huy trưởng thường ngồi ở xe thứ ba hoặc thứ tư, nên tôi có thể nghe ngóng được xem chuyện gì đang xảy ra.
Hôm đó, chúng tôi tiến sâu 10km vào lãnh thổ Lào. Con đường bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm chẳng khác nào một đường hầm làm bằng tre. Mỗi thiết vận xa có khoảng 8 đến 10 lính dù QLVNCH. Tôi thấy điều này vô cùng ấn tượng. Khi tôi ở Việt Nam trước đây, vào năm 1965, họ còn không biết mình đang làm gì, nhưng những người lính này rất nhanh nhẹn và kỷ luật. Đôi khi chúng tôi phải đi vào một con đường rất hẹp. Họ sẽ nhảy xuống đường và hét lớn: “Hồ Chí Minh!” Họ háo hức như những đứa trẻ. Không có dấu hiệu nào của quân cộng sản, nhưng khi mặt trời lặn, bầu không khí dần trở nên căng thẳng và mọi người ngừng nói chuyện. Sau đó, tôi thấy trăng tròn xuất hiện trên đỉnh đầu và chợt nghĩ: “Trong vòng 15 ngày tới, sẽ có một đêm trời tối, rồi chúng tôi sẽ bị phục kích và tấn công”.
Mọi người bưng cơm ra mời tôi ăn. Họ hỏi: “Anh ăn được nước mắm không?” và tôi trả lời: “Vâng, cảm ơn”. Đó là tình bạn giữa những người Châu Á với nhau, và từ đó trở đi, mỗi bữa tôi lại ăn cùng một nhóm khác nhau để làm quen. Tôi nghĩ họ rất vui khi có một người lạ thú vị tham gia vào hành trình dài này. Họ liên tục sờ vào máy ảnh của tôi, hỏi chúng có giá bao nhiêu và tôi kiếm được bao nhiêu tiền. Họ cũng rất thích đôi ủng đi săn làm bằng da mềm có xuất xứ từ Rome của tôi. Tôi nói đùa: “Nếu tôi bị giết thì các anh có thể lấy đôi ủng này. Nhưng bây giờ thì tôi vẫn cần nó”. Tất cả chúng tôi đều bật cười.
Một đêm trời trong và lạnh, tôi giật mình thức giấc khi nghe thấy tiếng pháo nổ. Tôi tưởng chúng tôi sắp bị tấn công, nhưng viên chỉ huy đã trấn an tôi. Ông giải thích rằng QLVNCH đang tiến vào Lào trên bốn tuyến đường song song. Chúng tôi là tuyến thứ hai từ trên xuống, và đó là tiếng hỏa lực hỗ trợ đến từ những người hàng xóm thân thiện.
Ngày hôm sau, trong khi các trực thăng vũ trang Cobra bắn rốc-két khắp xung quanh, chúng tôi tiến sâu 25 km vào địa phận Lào. Không có hỏa lực đáp trả, và tôi cho rằng đó là một chiến thuật của quân đội miền Bắc Việt Nam nhằm kéo chúng tôi vào sâu hơn. Tôi biết họ có những đội tuần tra theo dõi chúng tôi. Tôi cũng biết sau này chúng tôi sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.
Các sĩ quan đánh dấu số ki-lô-mét trên bản đồ, hướng tới mục tiêu quan trọng ở ki-lô-mét thứ 25 – nơi một trong hai nhánh chính của Đường mòn Hồ Chí Minh giao với Đường 9. Khi chúng tôi đến nơi, giao lộ này đang bốc khói vì các cuộc tấn công của trực thăng Cobra. Đường mòn Hồ Chí Minh chắc chắn ở đó – một con đường được sử dụng thường xuyên với bề mặt phủ đá dăm và đầy vết bánh xe, nhưng không có dấu hiệu nào của quân cộng sản hay các đồ tiếp liệu. Những người lính VNCH rất thất vọng. Họ tưởng Lào sẽ giống Campuchia với những thị trấn nhỏ cùng nhiều thứ để cướp bóc rồi sau đó bán lại ở Sài Gòn. Nhưng những giấc mơ này giờ đã tan thành mây khói. Họ dành hai ngày ở đây để tuần tra phía bắc đường mòn nhưng không tìm thấy gì, và thế là họ lại bắt đầu đi về phía tây.
Ngày hôm sau, tôi có mặt khi cuộc tiến công gặp phải sự kháng cự đầu tiên của địch và ngay lập tức bị đình trệ. Xe ủi đất mở rộng đường ở ki-lô-mét số 28 trúng mìn. Sau đó, khi tôi đang chụp ảnh một chiếc xe tải của quân đội miền Bắc Việt Nam bị trúng bom, chiếc xe ủi đất thứ hai lao tới với một tiếng nổ lớn và khói bụi mù mịt. Vụ nổ đã giết chết hai người lính đứng bên vệ đường. Tôi biết chúng tôi đang ở trong một bãi mìn, nhưng đại tá lại nói: “Có gì đâu! Chúng ta sẽ dùng máy dò mìn và tiếp tục tiến về phía tây”. Chúng tôi quay trở lại trại ở mốc 25 km thì có một diễn biến đáng ngại khác: súng cối nã vào chúng tôi giữa ban ngày; và ba người lính dù chết cùng tám người bị thương trong một trận phục kích.
Trong năm ngày tiếp theo, chúng tôi cố gắng vượt qua mốc 28 km. Mỗi ngày lại có một chiếc thiết vận xa bị nổ tung, và nỗ lực vượt mốc 28 km không thành công. Ngày nào cũng như ngày nào. Người lính với máy dò sẽ đi rà mìn, không tìm thấy gì và nói: “Ok, sạch trơn rồi”, nhưng rồi chiếc thiết vận xa đầu tiên băng qua suối sẽ nổ tung. Có lần tôi đang đi phía sau một chiếc thiết vận xa thì chính xe đó trúng mìn (có lẽ quân Bắc Việt đặt mìn mới hàng đêm). Ba người lính chạy ra từ trong làn khói và ngã xuống vì sốc. Người lái xe cố gắng nhảy ra ngoài rồi bị chính chiếc thiết vận xa cán qua và đè bẹp. Người này chết khi mọi người cố gắng giải cứu anh ta.
Sau năm ngày, đại tá nói với tôi: “Chúng tôi sẽ tuần tra quanh đây”. Đối với tôi, dường như họ đã từ bỏ ý định tiến xa hơn. Mỗi đêm các cuộc tấn công lại càng trở nên tồi tệ hơn. Súng cối, súng B40 và tiếng AK47 nổ liên hồi cho đến khi chúng tôi bị tấn công ba lần một đêm. Tôi ngủ dưới gầm xe bọc thép – không đủ chỗ để trở mình nhưng khá an toàn. Tuy nhiên, thật khó ngủ ngon vì thiếu đồng hồ nên lính gác cứ liên tục đánh thức tôi dậy để hỏi giờ. Họ dường như đang ngày càng trở nên chán nản, và tôi thấy rằng ngay cả khi chỉ có một vài phát súng bắn tỉa, mọi thứ vẫn trở nên hỗn loạn.
Tuy nhiên, một đêm, QLVNCH đã bắt được quân cộng sản trong một trận phục kích bằng mìn Claymore và giết chết 16 người. Tất cả bọn họ đều mặc quân phục mới, và một tù binh đang hấp hối cho biết họ đã ở miền Bắc Việt Nam vào năm ngày trước đó. Lúc đầu, QLVNCH rất ồn ào trong khi lục soát các thi thể để tìm “đồ lưu niệm”, nhưng sau đó họ bỗng trở nên trầm tư. Nhiều người lính cộng sản xăm trên mình dòng chữ “sinh Bắc – tử Nam”; và một người lính QLVNCH đã cho tôi xem một chiếc mũ lưỡi trai có viết “sinh Bắc – tử Lào”. Lính VNCH có vẻ bị ấn tượng vì bộ đội Bắc Việt không có mũ thép, mặc quân phục sơ sài và không mang theo lương thực. Một sĩ quan nói với tôi: “Nhìn chúng tôi này. Giày, áo khoác, súng trường, lương thực – mọi thứ đều do Mỹ cung cấp”. Tôi nghĩ anh ta cảm thấy tự ti và thua kém.
Lúc đầu, những người lính QLVNCH nói: “Chúng ta sẽ đến Savannakhet”, nhưng bây giờ họ bắt đầu hỏi tôi: “Chúng ta phải ở lại đây bao lâu nữa?” Hỏa tiễn nhắm bắn mục tiêu vô cùng chính xác của lực lượng Bắc Việt mỗi ngày khiến trực thăng cứu thương khó tiếp cận được khu vực này. Một người lính bị thương do đạn pháo phải đợi 24 giờ mới được đưa ra ngoài. Trước khi máy bay trực thăng đến, QLVNCH sẽ quét sạch các bụi rậm bằng súng máy. Nhưng ngay khi trực thăng đến, quân Bắc Việt lại bắt đầu khai hỏa.
Vị đại tá bực bội khi phải giậm chân tại chỗ như thế này. Ông ta nói với tôi: “Không ai hiểu cách đánh của quân đội miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến này. Vị trí phòng thủ của ta rất vững chắc, nhưng họ vẫn đến đánh chúng ta. Nếu ta ở lại đây lâu, chắc chắn họ sẽ tiến hành một cuộc tấn công lớn”.
Tình trạng nổ súng vào ban ngày dồn dập đến nỗi sau một tuần, xe tăng tuần tra chỉ còn đi được không quá 200 mét, trong khi trước đó những chiếc xe này từng di chuyển được 1,5 km. Bị kìm kẹp như vậy, những người lính VNCH dù vẫn tự tin vào hỏa lực của mình nhưng đã bắt đầu cảm thấy chán nản và nhớ nhà. Họ được hứa hẹn rằng chỉ phải chiến đấu trên hai đường mòn chính, nhưng hóa ra lại còn vô vàn những đường mòn khác. Giờ đây không còn ai viết chữ “Lào” lên mũ và quần nữa, mà chỉ viết thư về nhà. Họ cảm thấy tình hình ngày càng nguy hiểm hơn. Một sĩ quan bảo tôi rằng nếu quân Bắc Việt di chuyển tự do như vậy thì chắc chắn họ đã gài mìn phía sau chúng tôi. Anh ta nói: “Ta chỉ mất hai ngày để đến đây, nhưng sẽ mất ít nhất một tuần để thoát ra”.
Tôi dự định ở lại cho đến khi kết thúc chiến dịch, nhưng cuộc chiến ngày một dữ dội hơn trong khi tôi không có mũ bảo hiểm hay áo khoác chống đạn. Bên cạnh đó, trực giác đến từ kinh nghiệm trước đây của tôi với Chiến tranh Đông Dương nhắc bảo tôi rằng đã đến lúc phải rời đi. Khi tôi đang đợi trên bãi đáp trực thăng để được bốc ra ngoài, thì những quả rocket hạng nặng 122 ly bắt đầu tấn công vào căn cứ. Tôi thấy chúng đang lao về phía tôi – 100 mét, 75 mét, và sau đó một quả đâm vào bãi xăng gần tôi. Nó bốc cháy dữ dội nhưng may mắn không phát nổ. Ba viên đại tá cũng đang chờ rời đi. Có lẽ họ có công chuyện ở hậu cứ, nhưng chuyện này có vẻ lạ. Một chiếc trực thăng bị trúng B40 và vừa kịp hạ cánh.
Mọi người vội vàng lao lên chuyến bay tiếp theo, và hai lính dù bị thương nhẹ ngã đè lên người tôi. Trực thăng quá tải, và một trong những đại tá phải chật vật mới rút được súng lục ra để bắt một vài người xuống bớt. Dù sao chúng tôi cuối cùng cũng cất cánh và tôi rất mừng khi được rời khỏi đây. Tôi nghe nói rằng ngay sau đó, căn cứ đã bị oanh tạc suốt 24 giờ không ngừng nghỉ.
Khi rời đi, tôi thấy nhuệ khí của QLVNCH đã yếu lắm rồi. Vì quá ỷ lại vào vũ trang và sức mạnh không quân của Hoa Kỳ, họ không có tinh thần độc lập, cũng không có quyết tâm chiến đấu quyết liệt như quân đội miền Bắc Việt Nam. Tôi không rõ QLVNCH ở miền Nam Việt Nam thì như thế nào, nhưng tôi bi quan về tương lai của chiến dịch này ở Lào.■
5 cỗ máy tối tân của Mỹ trên chiến trường Lào
Những tuần đầu tiên của cuộc “xâm lược” Lào đã gây ra một sự mất mát đáng sợ về số lượng máy bay trực thăng, mà số phận của cả chiến dịch giờ đây lại chủ yếu phụ thuộc vào đó. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thừa nhận đã mất 31 trực thăng trong 23 ngày đầu tiên – một con số mà hầu hết các nhà quan sát đều cho là thấp đến khó tin. (Một đại tá Hoa Kỳ có mặt tại hiện trường nói rằng tuần trước, chỉ riêng một ngày đã có 31 chiếc bị bắn hạ.) Vô số trực thăng trở về trong tình trạng bị bắn phá dữ dội bởi các khẩu đội phòng không. Thời tiết sương mù đã buộc những cỗ máy thường bay thấp phải di chuyển lên độ cao cao hơn, nơi chúng trở thành mục tiêu dễ bị tấn công. Hơn 500 máy bay Mỹ đã thực hiện khoảng 21.000 phi vụ vào địa phận Lào trong bốn tuần đầu tiên. Máy bay trực thăng đã giữ vai trò thiết yếu trong chiến dịch này. Một chuyên gia không quân cho biết: “Nếu cứ tiến lên phía trước, đi từ cây nọ sang cây kia, xuyên qua những bãi mìn, thì rất khó để đến được vị trí hiện nay của chúng tôi trên Đường 9. Vì vậy, chúng tôi đã thả phần lớn lực lượng QLVNCH bằng trực thăng, tuy tốn kém nhưng đạt được lợi thế chiến thuật”. Chiến thuật đã thay đổi kể từ Chiến tranh Triều Tiên khi trực thăng lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh. Ngày nay, “cuộc chiến trực thăng” – theo cách gọi của các phi công – đã trở thành một hoạt động chuyên môn hóa cao. Không lực có những cỗ máy được cá nhân hóa như “Jolly Green Giant” – một chiếc trực thăng khổng lồ giúp giải cứu các phi công bị bắn rơi, và “Husky” – một bình chữa cháy biết bay cứu người khỏi máy bay đang bốc cháy và đồng thời dập tắt đám cháy. Nhưng các chức năng cơ bản của máy bay quân sự là trinh sát, tấn công và vận chuyển, với những chiếc trực thăng chuyên dụng được thiết kế cho từng chức năng riêng biệt và phụ thuộc lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Dưới đây là năm trong số các máy bay được sử dụng thường xuyên nhất.
[1] Khẩu phần loại C (tiếng Anh: C-Ration): thực phẩm ướt được chế biến sẵn và đóng hộp nhằm cung cấp cho các lực lượng trên bộ của quân đội Hoa Kỳ khi thực phẩm tươi (khẩu phần A) hoặc thực phẩm chưa đóng gói (khẩu phần B) không có sẵn, và khi khẩu phần sinh tồn (khẩu phần K hoặc khẩu phần D) không đủ (ND).