Loudon Wainwright
Phan Xích Linh dịch
Cuối năm 1972, trong khi Hoa Kì khấp khởi hướng về một thỏa thuận cho cuộc chiến Việt Nam, nhiều phụ nữ Mỹ cảm thấy nỗi lo sợ len lỏi trong chính niềm hi vọng rất đặc biệt của họ. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc một phóng sự đăng trên Tạp chí LIFE số ra ngày 10/11/1972, viết về tình cảnh và tâm trạng của thân nhân những lính Mỹ bị giam giữ hoặc mất tích ở Việt Nam, và sự tham gia của những người vợ, người mẹ này trong Chiến dịch Egress Recap, một kế hoạch phức tạp để đón lính Mỹ trở về.
Con trai của người phụ nữ này, một phi công trực thăng, đã mất tích trong khi tham chiến ở Nam Việt từ mùa xuân năm 1969. Như lời bà đang phát biểu với vị tướng, bà đã được xem một bản báo cáo về trận đánh trong đó chiếc trực thăng của con bà bị bắn hạ. Nó bị nổ tung khi tiếp đất, và các nhân chứng bay trên hiện trường khi đó không quan sát được bất kì dấu hiệu sự sống nào nữa. Trong suốt những năm sau đó không còn tin tức gì của bất kì thành viên nào trong tổ bay cả. Người phụ nữ nói với vị tướng rằng dần dần bà đã buộc phải tin rằng con mình sẽ không bao giờ trở về. Bà gần như đã quyết định thôi hi vọng con trai còn sống.
Khi bà nói điều này, vị tướng đứng nghiêm trang, rõ ràng đang khó chịu. Chính ông cũng từng là tù binh chiến tranh, trong Thế chiến II, và như thế tự coi mình là một người đã hưởng lợi ích mà hi vọng mang lại. Tất nhiên mọi sự trông có vẻ tồi tệ, ông bảo với người đàn bà. Nhưng sự sống sót diệu kì thường xảy ra ở những chốn hiểm nghèo nhất. Điều vô cùng quan trọng, ông nói, là bà phải thuyết phục bản thân mình tin tưởng rằng con bà có thể vẫn còn sống, chừng nào bà còn chưa biết chắc là không phải thế. Niềm hi vọng ấy, theo ông, phải luôn được gìn giữ. Nó sẽ tiếp thêm nghị lực cho bà, và – ai mà biết được? – thậm chí nó còn có thể giúp gì đó cho con trai bà. Người phụ nữ bình thản nhìn vị tướng và chờ đợi trong khi ông ta trình bày xác tín của mình. “Nhảm nhí”, bà nói một cách cương quyết khi ông thốt xong lời kết.
Kế hoạch phức tạp để chào đón những người trở về được gọi là Chiến dịch Egress Recap
Những triển vọng mới mẻ và chắc chắn về ngừng bắn ở Đông Dương đã khuấy động mạnh mẽ những cảm xúc riêng tư sâu kín nhất của một nhóm rất nhỏ người Mĩ. Tất nhiên, không thể so sánh với cái giá mà những binh sĩ tử trận hoặc bị thương và gia đình của họ phải trả. Thế nhưng gia đình của các tù binh và binh sĩ mất tích trong chiến tranh cũng đã và đang phải làm quen với một nỗi đau đặc biệt, và những người may mắn nhất trong số họ giờ đây đang đứng trước viễn cảnh đột ngột và khó tin: những người đàn ông của họ có thể trở về nhà – ơn Chúa! – vào lễ Giáng sinh này. Như thế, đối với thân nhân của hơn 500 quân nhân, trong đó có những người đã xa nhà tới tám năm, đây là niềm khuây khỏa sâu sắc, cùng nỗi đợi chờ và niềm vui – song hành với nhận thức rõ ràng rằng kéo theo chúng sẽ còn có cả những cú sốc đau lòng.
Tin tức ấy có ảnh hưởng khá khác biệt đối với gia đình của hơn 1.200 quân nhân mất tích trên chiến trường. Mặc dù chắc chắn một vài người trong số họ cũng sẽ trở về, đa số có thể đã chết. Đối với nhiều người thân của họ, việc tình hình thay đổi chỉ đem lại thêm những cơn bột phát bất an và hi vọng mới. Một vài người thấy trong tình huống mới này một sự xâm phạm đau xót: một phụ nữ đã li hôn được ít lâu với người chồng cũ mất tích nhiều năm, giờ đây băn khoăn không biết nên chờ đợi hay cứ tiếp tục thực hiện đám cưới mà chị đã dự định sẽ tổ chức vào tháng tới với vị hôn phu mới.
Với gia đình của những người mất tích, viễn cảnh có những người sắp trở về nhưng không phải là người thân của mình đột nhiên khiến họ cảm thấy đau lòng. Vài người, đã thuyết phục được bản thân tiến gần đến chỗ chấp nhận khả năng xấu nhất, nhận ra rằng nỗi thương tiếc của họ không thể khép lại nếu không có thêm xác nhận cuối cùng về thân nhân. Trong nhiều trường hợp người ta không bao giờ có thể đưa ra xác nhận cuối cùng đó – sẽ không bao giờ có thể tìm thấy dấu vết gì của nhiều người lính đã nổ tung bên những sườn núi ẩm ướt vùng Hạ Lào hay ngoài Biển Đông, và một số người bị thương đã mất tích mãi mãi trong rừng già bao quanh họ, hay những người bị bắt giữ rồi bị giết trong cơn giận hoàn toàn chính đáng của những dân làng phẫn nộ vì bom đạn từ trên trời trút tai ương xuống đầu họ.
Nhưng có nhiều người sẽ trở về, và một lực lượng đặc nhiệm do Bộ Quốc phòng thành lập vào mùa xuân năm 1971 đã có sẵn trong tay một kế hoạch chi tiết. Kế hoạch này được gọi là Chiến dịch Egress Recap (nghĩa đen: Chiến dịch Tổng kết Lối thoát), một cái tên sặc mùi Lầu Năm Góc mà nay chính Lầu Năm Góc cũng tuyên bố họ không thể giải nghĩa được. Kế hoạch này nhấn mạnh một cách đúng đắn vào quá trình bình phục dài hạn của các tù binh, và đã thực hiện nhiều nghiên cứu về các vấn đề mà thời kì vắng mặt kéo dài đã gây ra cho các gia đình cũng như cho chính các tù binh. Cả các gia đình của những quân nhân mất tích cũng được tính đến trong quá trình chuẩn bị, cũng như gia đình của 53 thường dân đã bị bắt giữ hoặc mất tích ở Đông Dương.
Người điều hành Egress Recap là Roger Shields, một tiến sĩ kinh tế trẻ tuổi có thân hình vạm vỡ và mái tóc húi cua; đội ngũ của anh bao gồm các chuyên gia về nhiều lĩnh vực đến từ khắp các đơn vị khác nhau trong quân đội. Chỉ riêng danh sách những vấn đề y tế có thể phải xử lí đã rất đồ sộ. “Chúng tôi không thể dự báo tất cả các khả năng”, TS. Shields nói. “Mỗi khi có thêm một người mới trở về nhà [cho tới nay đã có 64 tù binh trốn thoát hoặc được trả tự do] chúng tôi lại điều chỉnh kế hoạch”. Ví dụ, các tù binh mới trở về từ Hà Nội nói rằng rất nhiều đồng đội của họ bị giam giữ tại các trại tù ở Bắc Việt hiện đang trong tình trạng tương đối tốt. Nhưng sức khỏe của tù binh có thể rất khác nhau tùy thuộc vào tình huống bị bắt giữ cũng như các điều kiện trong thời gian bị giam cầm.
Một số khó khăn đặc biệt được dự báo từ trước. Một người vợ tù binh ở Arizona, Ruth Bomar, cảm thấy chắc chắn rằng người chồng phục vụ trong không quân của chị đang ốm nặng vì một căn bệnh về thận đã được chẩn đoán từ trước khi anh bị bắt. Linh cảm này dựa trên một mật mã hiện rõ trong các lá thư mà chồng chị gửi về. Trong một lá thư, anh nói rằng anh trai của anh, người chuyên làm những con thuyền bằng sợi thủy tinh, nên làm cho anh một chiếc ghế bập bênh bằng sợi thủy tinh. Trong một thư sau đó, anh viết rằng thay vì ghế bập bênh, anh muốn một chiếc xe lăn cũng bằng chất liệu đó. Trong lá thư thứ ba thì anh nói rằng anh trai mình nên bắt tay vào làm “một cái hòm mới bằng sợi thủy tinh”, yêu cầu này đương nhiên khiến cho vợ anh đi đến kết luận khủng khiếp rằng Trung tá Jack Bomar cho rằng mình sắp chết. Nhưng giờ đây trong lòng chị lại dấy lên hi vọng vì dường như có khả năng anh sẽ trở về.
Kế hoạch bắt đầu với kì vọng rằng các tù binh sẽ được trao trả theo từng nhóm cho cơ quan chức năng Hoa Kì ở ngoài lãnh thổ Bắc Việt, có thể là ở Lào. Những người không cần chăm sóc y tế khẩn cấp sẽ được vận chuyển bằng máy bay tới làm thủ tục tại các trung tâm lớn gần đó, như Căn cứ Không quân Clark ở Philippines. Sau khi được kiểm tra sức khỏe kĩ hơn và thẩm vấn sơ bộ để tìm hiểu thông tin về những người còn mất tích hoặc chưa được trả về, những người được đánh giá là sẵn sàng sẽ bay về Hoa Kì trên các máy bay có trang bị giường, ghế và tiếp viên hộ tống riêng cho từng người. Có lẽ mỗi người sẽ được đưa về bệnh viện quân y gần nhà mình nhất. Sau đó việc sum họp gia đình sẽ được thực hiện. Theo kế hoạch tỉ mỉ của TS. Shields, “cách thức và thời gian chính xác của cuộc sum họp và thành phần tham gia sẽ được quyết định dựa trên khuyến nghị y tế và mong muốn của người trở về cũng như gia đình họ”.
Tuy nhiên, ngay từ trước khi về tới nhà, người cựu tù binh, đã được chữa răng và cấp cho kính mắt mới nều cần thiết, mặc đồng phục mới toanh điểm tô hoàn thiện bằng các huân chương và phù hiệu cấp bậc cập nhật nhất, sẽ được hỗ trợ tìm hiểu về đất nước và gia đình mà anh từng bỏ lại sau lưng. Tại căn cứ ở nước ngoài, mỗi người sẽ bắt gặp một tập tài liệu nhỏ được chuẩn bị sẵn cho họ, trong đó chứa báo cáo chi tiết tình trạng đề bạt, lương thưởng và các khoản tiết kiệm của họ. Một hồ sơ riêng bao gồm các thông điệp của gia đình, hình chụp, có thể có cả một đôi dép mang trong nhà mà họ yêu thích. Họ sẽ nhận được thông tin về những vấn đề cá nhân quan trọng như các thành viên mới ra đời trong gia đình, việc hiếu hỉ hay những cuộc li dị mà họ có thể chưa được biết qua thư nhà. Nếu bày tỏ hứng thú với việc cập nhật tình hình thế giới, họ có thể tham khảo các băng ghi hình (ví dụ như của các kì Super Bowl[2] gần đây), bản thu âm và bảng tóm lược đã được thu thập sẵn cho họ. Ví dụ, về năm 1968, họ có thể được biết rằng vào ngày 2 tháng 1 “nha sĩ đã nghỉ hưu Philip Blaiberg, người có bệnh tim hiểm nghèo, đã được ghép tim mới trong ca phẫu thuật ghép tim thứ hai trên thế giới”, vào ngày 3 tháng 4 “Hà Nội đề nghị đàm phán với Hoa Kì để tiến đến chấm dứt chiến tranh”, vào ngày 4 tháng 4 “lãnh tụ phong trào dân quyền Martin Luther King bị một người đàn ông da trắng bắn chết tại Memphis, Tennessee”, vào ngày 8 tháng 6 “hàng triệu người chứng kiến Thượng nghị sĩ Robert Kennedy được chôn cất bên cạnh anh trai ông là Tổng thống John Kennedy tại Nghĩa trang Arlington”, vào ngày 21 tháng 12 “tàu Apollo 8 thực hiện chuyến tiếp cận ở cự li gần với mặt trăng lần đầu tiên trong lịch sử loài người. Tàu Apollo 8 đã bay quanh mặt trăng vào đêm Giáng sinh và gửi về các bức ảnh truyền hình”. Bất kể những quân nhân này đã biết những gì về một vài trong số các sự kiện nói trên, họ vẫn sẽ gặp các cú sốc lớn khi cố gắng bắt nhịp. “Anh biết không”, một viên chức báo chí của Lầu Năm Góc nói một cách hoàn toàn nghiêm túc, “một vài người trong số họ còn chẳng biết Lee Trevino là ai.”
Trở lại Hoa Kì, họ sẽ lại được kiểm tra thể chất, lần này kĩ càng đến mức phải cần đến một bảng hỏi dài 48 trang. Bên cạnh các bệnh da liễu, kí sinh, các vấn đề liên quan đến suy dinh dưỡng hay các vết thương cũ, bệnh về phổi và hệ tuần hoàn, bệnh về mắt và sâu răng, các bác sĩ cũng sẽ thăm khám cho họ về các vấn đề tâm lí.
Đây là lĩnh vực nhạy cảm nhất. Một vài người vợ tù binh vốn đã vô cùng giận dữ trước các thông báo bóng gió rằng chồng họ có thể sẽ trở về nhà trong tình trạng có phần thiếu háo hức sắm lại vai trò người chồng người cha. “Chồng tôi không phải một đứa con nít”, một người vợ tù binh ở California nói. “Anh ấy là một đấng nam nhi lúc ra đi và sẽ là thế khi quay về”. Người phụ nữ này có thể nói đúng về chồng mình, nhưng rất nhiều quân nhân đơn giản là sẽ không sẵn sàng cho chuyện đột ngột đắm mình vào mớ hỗn độn cả đằm thắm lẫn không-mấy-đằm-thắm của đời sống gia đình kiểu Mĩ. Các bác sĩ ở Trung tâm Nghiên cứu về Tù binh Chiến tranh (Center for Prisoner of War Studies), một cơ quan của hải quân tại San Diego, đã thu thập được một khối lượng lớn thông tin chi tiết về tất cả các tù binh được biết đến của cuộc chiến tranh này và các cuộc chiến khác, và đã thực hiện phỏng vấn với nhiều thành viên gia đình tù binh. Nghiên cứu của trung tâm chỉ ra rằng dù một tù binh trở về có vẻ mạnh khỏe đến đâu, họ cũng thường gặp ít nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với đời sống ở quê nhà.
Rất nhiều thứ phụ thuộc vào nhìn nhận của người cựu tù binh về bản thân mình. Một cựu tù binh cho rằng mình “có phần anh hùng, có phần hèn nhát, có phần lập dị, và có phần là phiên bản hiện đại của Rip Van Winkle”. Sự vắng mặt chẳng tác động gì mấy lên một trái tim hờ hững. Rip Van Winkle, sau giấc ngủ kéo dài 20 năm, đã nhẹ nhõm khi thấy người vợ hay càm ràm của mình đã qua đời. Ít nhất một trong số những người vợ tù binh đang dự định đề nghị li hôn với chồng mình ngay khi nào chị cảm thấy anh đã sẵn sàng đối mặt với vấn đề này.
Hầu hết tù binh sẽ trải qua một vòng tuần hoàn cảm xúc, khởi đầu bằng một cú sốc và sự trầm uất khi bị bắt. Tiếp đến là một giai đoạn kích động nhận thức trong đó người bị bắt trở nên cực kì nhạy cảm với mọi thứ xung quanh, và rồi một quá trình kiểu như sự tập hợp kí ức bắt đầu. Trong quá trình này, người tù binh bị cô lập có thể tái dựng toàn bộ các sự kiện trong đời mình từng khoảnh khắc một như một đoạn băng tua lại thật trìu mến và chi tiết. Nhưng dần dà thì các ảo tưởng sẽ xâm chiếm, khiến cho những thực tại diễn ra sau khi họ về nhà trở nên càng khó đối mặt hơn. “Khi người tù binh được thả trở về nhà”, một nghiên cứu quan trọng chỉ ra, “anh ta [đôi khi] ít tìm được sự thấu hiểu; những khó khăn của gia đình được đặt lên bàn cân cùng với địa ngục riêng của anh; vợ đã thành người lạ, con không biết gì về cha, hay thậm chí còn không ưa anh ta; cả nền kinh tế, phong cách thời trang, tình hình việc làm hay công việc trong quân ngũ đều đã thay đổi… những cảm giác tội lỗi day dứt, chứng trầm uất mãn tính… cảm giác vô tích sự, thái độ thù địch và rút lui vào vỏ ốc của chính mình. Việc lạm dụng đồ uống có cồn thường xuyên xảy ra… Tỉ lệ các trường hợp rối loạn cảm xúc và tử vong ghi nhận được đặc biệt cao”. Chắc chắn một trong những yếu tố góp phần gây ra những khổ não như thế khi trở về chính là việc người cựu tù binh có thể nhìn quanh mình, như biết bao cựu binh trở về khác đã từng, và nhận ra rằng hầu hết mọi người xung quanh có vẻ thờ ơ với những mất mát và hi sinh của họ.
Trong số các vấn đề về gia đình, những đứa con trai và con gái đang lớn hay đã lớn có thể chuẩn bị tinh thần rằng sẽ vấp phải mâu thuẫn với những người cha không hiểu được lối cư xử của giới trẻ bình dân Hoa Kì. Tinh thần tự lập mới mẻ và cần thiết của rất nhiều người vợ tù binh có thể trở thành nguồn cơn gây khó khăn. Sự vắng mặt của chồng họ thường đã dẫn đến việc họ phải lãnh nhận toàn bộ các nhiệm vụ và chủ động trong mọi chuyện. Trong khi hành động cùng với hội nhóm hoặc đơn lẻ để tìm cách vận động cho chồng mình được trả tự do, nhiều phụ nữ đã nổi lên là những cá nhân quyết liệt, nói năng lưu loát mà những người như Henry Kissinger phải đối thoại với sự cẩn trọng và nhã nhặn. Họ đã học được nhiều điều về việc sử dụng quyền lực và có lẽ sẽ không cam chịu trở lại thành người vợ lính ngọt ngào dễ bảo trong nhà và sẵn sàng vì sự nghiệp của chồng mình mà chuyện trò vui vẻ với vị tướng chán ngắt và bà vợ tối dạ của ông ta.
Các gia đình tù binh đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kế hoạch thực hiện Chiến dịch Egress Recap. Tại tổ chức lớn nhất của họ, Liên đoàn Quốc gia Gia đình các Chiến sĩ bị giam giữ hoặc mất tích ở Đông Nam Á, một ủy ban đã nghiên cứu các vấn đề mà người trở về gặp phải. Đứng đầu nhóm này là Iris R. Powers, một phụ nữ có đôi mắt sáng ngời và vẻ thoải mái dễ đánh lừa người đối diện, chỉ thi thoảng để lộ vài khoảnh khắc sắc sảo thẳng thừng chớp nhoáng. Một trong hai con trai bà bị bắn hạ từ trực thăng Chinook ở miền Nam Việt Nam ba năm trước và được liệt vào danh sách mất tích trên chiến trận. Iris Power không kì vọng sẽ gặp lại con mình. “Cứ đọc các báo cáo của nhân chứng”, bà nói, “thì biết con tôi sẽ không về nữa. Không thể nào.”
Hoàn cảnh riêng của bà không ngăn cản Iris Powers nuôi mối quan tâm đặc biệt tới những người sẽ trở về. Bà cùng các cộng sự tại Liên đoàn đã và đang đưa ra nhiều kiến nghị mạnh mẽ cho Lầu Năm Góc và nhiều cơ quan lập pháp về các vấn đề bảo vệ tài chính, hướng nghiệp, hỗ trợ pháp lí, chăm sóc y tế, giáo dục. Họ tin rằng những tù binh trở về và gia đình họ, cũng như gia đình các quân nhân mất tích, là một di sản đặc biệt về trách nhiệm của chính quyền và xứng đáng nhận được sự quan tâm lâu dài. Tất cả các loại yếu tố, bao gồm tuổi tác, hoàn cảnh riêng và các mục tiêu mà người trở về và gia đình họ có thể hướng tới, đều được cân nhắc. Các tù binh của những cuộc chiến khác mà Hoa Kì từng tham gia đã không nhận được những sự bù đắp như thế.
Quân đội nhìn chung đã thực hiện công cuộc hỗ trợ các gia đình và chuẩn bị cho ngày trở về của các quân nhân một cách tỉ mỉ và chu toàn. Nhưng Iris Powers, một chuyên gia tư vấn cho cả quân đội và hải quân về các vấn đề này, không ngần ngại dán cho Bộ Quốc phòng cái nhãn “nhân từ gia trưởng”. Từ lâu đã là nạn nhân của một chính phủ luôn khá sẵn sàng sử dụng họ cho các mục đích chính trị và tuyên truyền, những phụ nữ thành viên Liên đoàn này và các tổ chức về tù binh chiến tranh khác đã trở thành những người thành thạo trong việc lên án bộ máy quan liêu.
Gia đình những người mất tích gặp nhiều khó khăn nhất. Người rơi vào tình cảnh bất hạnh này thường xuyên bị bất ngờ mỗi khi phát hiện ra rằng ý nghĩ muốn tự sát của họ rất phổ biến trong số những người cùng cảnh ngộ. Với nhiều người trong số họ, “chu kì đau khổ” chỉ có thể kết thúc chừng nào họ biết được điều gì đã xảy ra, mà điều buồn thảm là thông tin đó luôn khó tìm chẳng khác nào bóng chim tăm cá. Một tia hi vọng dù mơ hồ nhất cũng khởi động lại vòng tuần hoàn khổ não và chờ đợi. Quân đội đòi hỏi bằng chứng rõ ràng trước khi chính thức tuyên bố rằng một người lính đã tử trận. Đôi khi đòi hỏi đó có vẻ quá nhiều. Một phụ nữ kể về chồng của bạn mình: “Báo cáo viết rằng sau khi anh ấy trúng đạn, các đồng đội đã lật ngửa anh ấy ra để tháo cái điện đài, và họ thấy một lỗ thủng toang hoác nơi ngực anh. Ngay khi đó thì anh còn sống. Rồi họ buộc phải bỏ anh lại trong rừng già. Tất cả chỉ có thế. Nhưng anh vẫn được liệt vào nhóm mất tích trên chiến trận”.
“Đôi khi điều tàn nhẫn nhất người ta có thể làm là bảo bạn phải hi vọng”, vợ một quân nhân mất tích nói. “Nhiều cha tuyên úy thật tệ hại khi bảo rằng cầu nguyện sẽ giúp được. Thế một người vợ hay cha mẹ binh sĩ nên nghĩ thế nào nếu đã cầu nguyện mãi rồi mà chồng, con họ vẫn không trở về? Rằng họ cầu nguyện không đủ khẩn thiết à? Rằng họ không đi nhà thờ đủ nhiều à? Sự im lặng còn tử tế hơn những lời khuyên kiểu đó.”
Norma Mitchell là một phụ nữ xinh xắn có giọng nói dịu dàng, đã kết hôn với một phi công không quân được hai năm khi chồng chị được thông báo đã mất tích trong chiến trận vào năm 1968. Họ chưa có con. “Hầu hết mọi người khó lòng hiểu nổi”, chị nói về nỗi éo le của cảnh không biết rõ điều gì đã xảy ra, “nhưng nó thực sự là thứ không ngừng làm người ta kiệt quệ nhất mà anh có thể tưởng tượng ra”. Chị đang thực hiện một nghiên cứu của Liên đoàn về các gia đình quân nhân mất tích. Một trong các câu hỏi của nghiên cứu này là liệu các gia đình có quân nhân mất tích có sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi tình trạng thân nhân của họ từ mất tích sang tử trận hay không, nếu như sự thay đổi đó xảy ra. Hầu hết những người trả lời câu hỏi này đều nói rằng giờ đây họ đã sẵn sàng cho thay đổi đó.
Dù sao, khép lại việc đợi chờ này không phải chuyện dễ dàng. Trong cốp xe của Iris Powers, chiếc xe đã từng thuộc về con trai bà trước khi anh lên đường sang Việt Nam, Iris còn để lại đôi ba chiếc hộp chưa mở, trong đó có áo quần và vật dụng cá nhân mà Lowell Powers từng sử dụng ở Việt Nam. Các món đồ này được gửi về nhà cho bà khi anh được coi là mất tích. Đương nhiên bà ước gì những chiếc hộp này không nằm ở đó, và bà cứ lần lữa mãi không muốn đến một ngày sẽ mở chúng ra và đối diện với những đồ vật bên trong.■
[1] Những người lính bị giam giữ hoặc mất tích trong chiến tranh.
[2] Tên gọi giải vô địch quốc gia thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Hoa Kì