Catherine Leroy
Thanh Trà dịch
Catherine Leroy (1945-2006) là nhiếp ảnh gia người Pháp nổi tiếng với những bức ảnh dữ dội, trần trụi về Chiến tranh Việt Nam. Với vóc người nhỏ bé và những thiết bị nhiếp ảnh cồng kềnh, Catherine Leroy đã ghi lại những cảnh tượng đau buồn trong chiến tranh một cách đặc biệt. Trong khi ấn tượng chiến tranh đối với nhiều nhiếp ảnh gia là những thân người đẫm máu, Leroy lại tập trung vào các chủ đề đặc biệt và đa dạng, ví dụ như gương mặt trẻ thơ chịu ảnh hưởng của chiến tranh hay những người lính vừa mất đi đồng đội. Sau Việt Nam, bà còn chụp ảnh các cuộc chiến tranh và xung đột ở Li-băng, Somali, Afghanistan, Iraq, Iran và Libya. Các bức ảnh của bà đã được in và xuất bản khắp thế giới. Bà đã nhận nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh như Giải George Polk, Robert Capa, National Press Photographers Association Pictures of the Year.
Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một phóng sự ảnh của Catherine Leroy đăng trên Tạp chí Life, số ra ngày 16/2/1968, kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của bà, lúc đó mới 23 tuổi, với các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Khi chuyển ngữ, dịch giả giữ nguyên một số cách dùng từ của báo chí phương Tây thời đó để bạn đọc tham khảo. Các chú thích ảnh trong bài cũng được dịch nguyên văn từ bài báo gốc.
***
Cathy Leroy – Cô gái bé nhỏ đeo huy hiệu lính dù George P. Hunt – Thư ký tòa soạn Tạp chí Life Mùa xuân năm ngoái, khi Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Khe Sanh tấn công vùng đồi 881 với hậu quả là 160 người chết và 746 người bị thương, chúng tôi đã công bố sáu trang ảnh của nhiếp ảnh gia Cathy Leroy. Trong số báo này, cô kể lại bằng lời và hình ảnh chuyện cô và phóng viên người Pháp François Mazure đã cùng nhau đạp xe tới Huế và rơi vào tay quân đội Bắc Việt như thế nào.Catherine Leroy (tên thân mật là Cathy). Ảnh: AP Cathy tóc vàng, cao 1m52, nặng 39kg, thường mặc quần bò, đi bốt dã chiến, tóc tết bím. Cô sinh ra ở gần Paris, nơi cô vẫn sẽ theo học tại Nhạc viện nếu chiều theo ý cha mẹ. Nhưng cô lại bỏ học, kiếm việc làm và dành dụm đủ tiền để sang Việt Nam làm nhiếp ảnh gia. Tuần trước, chúng tôi đã đề nghị cô ấy kể về thời gian cô ấy ở đó. “Tôi đến Việt Nam vào tháng 2 năm 1966 với 200 đô la, một chiếc Leica, và không có vé chiều về”, cô nói. “Đầu tiên tôi làm việc cho một hãng ảnh của Pháp, sau đó làm tự do cho U.P.I. và A.P. trong hơn một năm. Vào thời điểm này, tôi kiếm được 15 đô la một bức ảnh. Ngày 23 tháng 2 năm 1967, tôi đã nhảy dù cùng Lữ đoàn Dù 173 trong Chiến dịch Junction City, và đây sẽ luôn là kỷ niệm đẹp nhất của tôi. Đó là lần nhảy dù thứ 85 của tôi. Ở Pháp, tôi đã từng nhảy dù thể thao. Tháng 5 năm ngoái, tôi đã ở bên Thủy quân lục chiến trên Đồi 881. Những bức ảnh tôi chụp một người lính Hải quân nghiêng mình bên người bạn đã chết của anh ấy trên đồi 881 đã tổng kết 15 tháng chiến tranh của tôi – lúc đó tôi hiểu mình ở Việt Nam để làm gì. Hai tuần sau, tôi bị thương trong một trận pháo kích gần Khu phi quân sự. Đó là vào ngày 19 tháng 5, và thân hình 39kg của tôi đã bị cả cân mảnh đạn găm vào. Đó là một cách tăng cân kinh dị, nhưng tôi đã được điều trị suốt một tháng trên tàu sân bay Sanctuary và đó gần giống như một kỳ nghỉ – tôi luôn làm việc năm ngày một tuần. Đơn vị yêu thích của tôi là Sư đoàn Kỵ binh số 1. Ở đó tôi có cảm giác thân thuộc. Họ khiến tôi liên tưởng đến câu thành ngữ “Không gì là không thể”. Tôi đã đồng hành cùng các đơn vị Hoa Kỳ ở đây trong một thời gian dài, và họ là một phần thế giới của tôi. Tôi dự định ở lại vài tháng nữa và sau đó quay về châu Âu để viết sách”.Cathy chẳng bao giờ vòng vo và được biết đến là người sử dụng ngôn ngữ khiến ngay cả binh lính cũng phải đỏ mặt – cô từng bị cấm tham gia Quân đoàn I trong sáu tháng vì đã chửi một sĩ quan Thủy quân lục chiến cấp cao. Nhưng sự gan dạ của cô đã khiến nhiều người ngưỡng mộ, đặc biệt là trong các đơn vị lính dù. Buổi sáng sau khi cô nhảy dù cùng Lữ đoàn 173, Chuẩn tướng John R. Dean đã gặp và cài lên áo cô một chiếc huy hiệu lính dù với ngôi sao vàng biểu thị một cuộc nhảy dù tác chiến. Những người lính định phản đối việc có một phụ nữ cùng tham chiến sẽ phải giật mình khi nhìn thấy ngôi sao vàng.■ |
Một ngày đáng nhớ ở Huế: Quân địch đồng ý cho tôi chụp ảnh
Catherine Leroy
Chúng tôi đang đạp chiếc xe cà tàng thẳng tới ngoại ô Huế thì bắt đầu nghe thấy tiếng đạn nổ khắp nơi, và chúng tôi nhận ra mình đang gặp rắc rối lớn như thế nào. Tôi cùng François Mazure, phóng viên hãng tin Agence France Presse (AFP), đã xuất phát từ căn cứ Thủy quân lục chiến tại Phú Bài sáng hôm đó để tìm hiểu về cuộc giao tranh. Chúng tôi đi nhờ một đoàn xe Mỹ đến một điểm cách thành phố khoảng bốn dặm về phía nam. Không thấy bất kỳ một người lính Thủy quân lục chiến nào phòng vệ trên đường như lời một vị tướng đã nói, nên chúng tôi đã thay bộ quần áo dân sự mang theo – đề phòng những tình huống kiểu này phát sinh. Chúng tôi thuê chiếc xe đạp cũ của một người Việt nói tiếng Pháp sống dọc đường, và tiếp tục đạp về hướng bắc.
Lúc này đường phố vắng tanh, mọi người trốn hết trong nhà. Chúng tôi vô cùng lo lắng. Bất cứ khi nào thấy ai hé mắt nhìn qua cửa sổ, François lại chào to “Bonjour, bonjour” rất thân thiện, để họ thấy rằng chúng tôi là người Pháp chứ không phải người Mỹ. Chúng tôi đến rìa thành phố và đi qua một khu chợ lớn, đúng lúc ấy tiếng súng bắt đầu rộ lên. Chúng tôi tiến đến gần những người đang đứng loanh quanh ở đó và hét lên “Pháp báo chí Ba Lê!” – “Báo chí Pháp từ Paris” – nhưng họ chẳng nhìn chúng tôi.
Chúng tôi ở trong chợ khoảng hai giờ đồng hồ, trong khi cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và các máy bay chiến đấu-ném bom của Nam Việt Nam đang tiến hành không kích vào kinh thành Huế cách đó khoảng một dặm về phía bắc. Lúc này chúng tôi nhận ra mình đang ở trong khu vực do Cộng sản kiểm soát. Cuối cùng một người đàn ông dẫn chúng tôi đến một nhà thờ gần đó, nơi anh ta nghĩ rằng chúng tôi sẽ được an toàn.
Nhà thờ và những khoảnh sân quanh đó tràn ngập những người sơ tán khỏi cuộc giao tranh đã kéo dài hai ngày trong thành phố. François liên tục nói “Pháp báo chí, Pháp báo chí” nhưng mọi người không mấy vui vẻ khi nhìn thấy chúng tôi. Hàng trăm trẻ em vây quanh chúng tôi, im lặng, trừng mắt nhìn, rồi ép sát chúng tôi, xô đẩy từ mọi phía. Tôi rất mừng khi một linh mục xuất hiện – một người Việt khoảng 40 tuổi đẹp trai, nói tiếng Pháp rất lịch thiệp và chính xác. Ông kể rằng vợ vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng, từng trú ẩn tại nhà thờ này trong một cuộc nổi dậy của Việt Minh hơn 20 năm trước, và chúng tôi cứ việc thoải mái ở lại qua đêm. Vị linh mục dẫn chúng tôi thăm quan nhà thờ và khuôn viên. Có khoảng 4000 người tị nạn, hầu hết là phụ nữ, trẻ em và các cụ già. Có khoảng 10 người bị thương và một phụ nữ vừa mới sinh con. Cô nằm trên sàn trước phòng xưng tội. Bên trong, tiếng nói chuyện và tiếng trẻ con khóc ầm ĩ, miên man. Đêm đó chúng tôi ngủ trong phòng của linh mục – mặc dù rất khó ngủ. Ở phòng bên cạnh, tất cả các linh mục đang cầu nguyện bằng tiếng Việt, và lời cầu nguyện của họ được điểm xuyết bằng những tiếng súng nổ.
Sáng hôm sau, vị linh mục điềm tĩnh nói với chúng tôi rằng mọi người không muốn chúng tôi ở lại. Họ sợ rằng sự hiện diện của chúng tôi, những người da trắng, có thể khiến quân Bắc Việt hiểu lầm. Một cậu bé, từng là tội phạm vị thành niên mà vị linh mục đang dạy dỗ, xung phong dẫn chúng tôi qua các phòng tuyến của Bắc Việt để đến khu quân sự nơi lực lượng Mỹ đang cố thủ.
Chúng tôi bỏ lại tất cả quần áo quân sự, kể cả giày. Tôi mượn một đôi xăng đan của linh mục, còn François xỏ một đôi dép phòng tắm. Tôi nhét thẻ căn cước quân đội Mỹ và Việt Nam vào trong áo ngực cùng với vài cuộn phim đã phơi sáng. Tôi chỉ cao 5 feet (tương đương 1m52 – ND) và nặng 85 pound (khoảng 39kg – ND), và tôi liên tục hỏi François, một người bạn cũ, “Nhìn ngực tôi này. Trông lạ không?” Chúng tôi lấy một chiếc áo của linh mục để làm cờ trắng, rồi làm hai tấm bảng lớn ghi “Pháp báo chí Ba Lê” và cài lên áo. Vị linh mục đã đích thân viết một lá thư giới thiệu bằng tiếng Việt, giải thích chúng tôi là ai. Và rồi chúng tôi bắt đầu đi theo con đường mòn từ nhà thờ, cậu bé đi trước vẫy cờ trắng.
Không lâu sau, chúng tôi gặp một biệt thự lớn trang nhã với vườn cây bao quanh, và chợt thấy những người mặc quân phục đang đứng đó nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Họ có vẻ kinh ngạc. Chú bé dẫn đường ra sức vẫy cờ trắng, và chúng tôi bắt đầu hét lên câu “thần chú”: “Pháp báo chí! Pháp báo chí!”
Ba người đàn ông tiến lại gần. Họ là lính Bắc Việt, mặc quân phục kaki và mang súng trường tự động AK-47. Họ tỏ thái độ thù nghịch nhưng vẫn có vẻ bình tĩnh. Lúc này tôi đã đỡ sợ. Ít nhất ba người này là thật – ta có thể nhìn thấy họ, ngửi thấy họ. Họ phần nào ít đáng sợ hơn kẻ thù không có khuôn mặt, kẻ thù duy nhất mà tôi từng biết trước đây.
François đưa cho họ lá thư của linh mục. Họ chỉ nhìn chằm chằm vào tờ giấy chứ không có vẻ gì là đang đọc. Tôi thấy François lấy máy ảnh ra – đúng theo bản năng của một nhiếp ảnh gia. Nhưng những người lính đã tịch thu máy ảnh và ra hiệu cho chúng tôi đi đằng trước họ về phía vườn. Tại cổng, họ trói tay chúng tôi sau lưng bằng dây dù. Họ cẩn trọng chứ không tàn bạo.
Trong vườn, chúng tôi thấy khoảng 15 người lính đang ngồi trong những cái hố đào dưới gốc cây. Một vài người trong số họ tiến lại và điềm nhiên nhìn chúng tôi. François đã lấy lại bức thư. Anh cầm nó trên tay bị trói và mỗi lần có người đến gần, anh lại xoay người để trình lá thư. “Chúa ơi”, François nói, “Họ không đọc! Họ chỉ nhìn vào tờ giấy”.
Chúng tôi đứng trong vườn khoảng 45 phút. François giận dữ nói với họ bằng tiếng Pháp. Để tránh tỏ vẻ sợ hãi, lo lắng hoặc tội lỗi, anh đã hành động như thể anh bị xúc phạm và tức giận khi phải chịu đựng chuyện này. Một máy bay do thám của Mỹ và một máy bay ném bom của Nam Việt Nam lượn vòng trên đầu chúng tôi. Những người lính Bắc Việt chẳng mảy may quan tâm – họ hầu như không di chuyển.
Cuối cùng, chúng tôi được đưa đến một ngôi nhà nhỏ phía sau căn biệt thự, đây có vẻ là nơi ở của những người giúp việc. Khi bước vào, chúng tôi thấy ngay một người đàn ông da trắng to béo, khoảng 50 tuổi, vẻ mặt lo lắng. “Có phải anh là người Pháp?” François buột miệng hỏi. “Đúng, đúng rồi”, anh ta nói. Anh ta có vẻ vô cùng mừng rỡ khi gặp chúng tôi, và chúng tôi cũng vui không kém. Chúng tôi thậm chí còn quay người lại để có thể bắt tay dù đang bị trói. Hầu như không gì có thể ngăn cản người Pháp bắt tay.
Người đàn ông kể cho chúng tôi một câu chuyện lạ thường. Anh là người quản lý nhà máy điện trong khu vực. Một năm trước, khi đang lái xe vào ban đêm, anh đã bị Việt Cộng phục kích, và bị đạn bắn đứt lìa hai ngón tay. Khi Việt Cộng lao lên xe để kết liễu, anh hét lên: “Tôi là người Pháp”. Người chỉ huy Việt Cộng băng bó bàn tay bị thương cho anh, giúp khởi động lại xe và thả anh ra. Thế rồi, hai đêm trước, quân Bắc Việt ập đến rầm rập trên đồng lúa và chiếm nhà của anh. Một số mật vụ chính trị của Việt Cộng đã tới gặp các đồng chí của họ, và thật đáng kinh ngạc, chỉ huy của họ cũng chính là người đã phục kích anh một năm trước. Viên chỉ huy Việt Cộng chào hỏi anh một cách thân tình, và kể từ đó, mặc dù anh và gia đình – một người vợ Việt và hai cô con gái tuổi thiếu niên – là tù nhân trong chính căn nhà của họ, nhưng đã được quân Bắc Việt đối xử khá tốt.
Khi chúng tôi đang ngồi nói chuyện, một người lính khác bước vào. Anh ta tự giới thiệu là một sĩ quan Bắc Việt. Anh ta khoảng 25 tuổi, mang một khẩu súng lục .38 và thực sự khá bảnh bao, giống như một số sinh viên người Việt mà ta thấy ở Paris. Khi vợ của người đàn ông Pháp nói chúng tôi là ai, anh ta ra lệnh cho cấp dưới cởi trói cho chúng tôi và hỏi liệu chúng tôi có máy ảnh không. Một người lính đặt những chiếc máy ảnh bên cạnh chúng tôi, và chúng tôi trả lời, vâng, giờ thì chúng tôi có rồi. Nhưng viên sĩ quan vẫn chưa hài lòng – anh ta bảo chúng tôi kiểm tra lại thiết bị để đảm bảo không có gì bị đánh cắp.
Nhờ có vợ của người Pháp phiên dịch, viên sĩ quan trẻ cho chúng tôi biết rằng họ đang nắm giữ thành phố Huế – và rõ ràng là anh ta đang nói sự thật. Họ đang chiến thắng ở khắp mọi nơi, anh ấy nói thêm; họ đang giải phóng toàn bộ Việt Nam.
Khi chúng tôi xin phép chụp vài bức ảnh, anh ta đồng ý ngay và dẫn chúng tôi ra ngoài. Anh ta có vẻ rất hãnh diện, và thực tế là anh ta đã hành động giống như một số sĩ quan thông tin mà tôi đã gặp trong các đơn vị Mỹ. Những người lính có vẻ thích thú với việc được chụp ảnh. Điều phiền toái duy nhất là họ luôn muốn tạo dáng anh hùng giả tạo giống như trong các bức tranh tuyên truyền của Bắc Việt. Một người nắm lấy quả lựu đạn và làm điệu bộ chuẩn bị ném nó đi. Một người khác giương súng phóng lựu M79 của Mỹ. Tất cả những người lính này đều được trang bị tốt và có rất nhiều đạn dược. Trong khu vườn của ngôi nhà bên cạnh, tôi chụp ảnh một số người đang vây lấy một chiếc xe tăng Mỹ bị bắt, tất cả đều cười rạng rỡ như những người lính của một đội quân chiến thắng.
Chỉ có một người phản đối việc chụp ảnh. Người lính này đang cầm một chiếc bộ đàm của quân đội Mỹ, và khi thấy tôi muốn chụp anh ta bằng ống kính tele, anh ta tiến lại và yêu cầu tôi giao nộp phim. Tôi đã lừa đưa cho anh ta một cuộn phim trắng chưa phơi sáng.
Chúng tôi vờ tỏ thái độ bình thường nhất, như thể việc tác nghiệp bên quân chính quy Bắc Việt là chuyện thường ngày đối với chúng tôi. Nhưng giao tranh đang diễn ra ác liệt quanh chúng tôi, đôi khi ở cự ly rất gần. Quân đội Mỹ hoặc VNCH có thể ập đến bất cứ lúc nào, và chúng tôi hẳn sẽ bị kẹt giữa một cuộc đọ súng. Khi chúng tôi quay lại căn nhà, François nói thẳng toẹt: “Thôi, chúng tôi phải quay về Paris với phóng sự của mình, thế nên bây giờ chúng tôi đi đây”.
Viên sĩ quan không phản đối gì cả. Người đàn ông Pháp đưa xì gà cho François và viên sĩ quan và tất cả họ đều châm lửa. Sau đó, chúng tôi vui vẻ bắt tay chào tạm biệt và chúc gia đình người Pháp được may mắn, rồi cùng với cậu bé dẫn đường, chúng tôi đi ra cổng. Khi ngoảnh lại, chúng tôi thấy người đàn ông Pháp đang đứng đó cùng vợ và các con gái. Anh ấy chầm chậm vẫy tay chào chúng tôi, và mắt anh ấy ướt nhòe.
Khi chúng tôi về đến nhà thờ, tất cả các linh mục và người dân vây quanh chúng tôi để hỏi han, và cậu bé dẫn đường tự hào kể cho họ nghe những gì đã xảy ra. Họ không thể tin được. François và tôi cười phấn khởi. Tất cả mọi người cũng cười. Sự thù hằn của họ đã biến mất và họ nói tiếng Anh: “Number one, number one”. Rồi họ đưa chúng tôi đến một căn phòng và chẳng mấy chốc ở đó đã đầy ắp thức ăn. Chúng tôi có súp, bánh, trái cây, rất nhiều thứ. Sau bữa ăn, chúng tôi đưa cho cậu bé dẫn đường 2000 piasters (17 đô la) và hỏi cậu muốn nhận quà gì từ Paris. Cậu cười và nói cậu muốn có một chiếc quần jean xanh. Tôi nắm tay cậu và siết chặt.
Chúng tôi đã sẵn sàng lên đường và được vị linh mục dẫn qua đám đông. Chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe mọi người nói “Pháp, Pháp” và “Bonjour monsieur, bonjour mademoiselle, bonjour”…
[Chuyện xảy ra sau đó: Chúng tôi tới trú ẩn trong một căn cứ của Quân lực VNCH, ở đó có hai người Mỹ bị thương. Tôi cố đi tìm chút morphine, còn François dùng bộ đàm gọi trực thăng y tế tới đón họ. Chúng tôi tránh được một cuộc giao tranh ác liệt, rồi quay trở lại căn cứ quân sự của Mỹ. Sáng hôm sau, tôi thấy một pháo chống tăng của Mỹ đang bắn cả sáu nòng vào chính những người mà chúng tôi gặp ở nhà thờ hôm trước, bởi Việt Cộng đang ở khắp mọi nơi và không ai có thể phân biệt được họ với dân thường. Tôi vừa hét vừa chạy tới người chỉ huy trung đội, lay anh ta và nói: “Có 4000 người đang ẩn náu ở đó, họ không phải Việt Cộng, họ là dân thường”. Những người lính cười với tôi và ngừng bắn.]