Nguyễn Kinh Chi
Động Phong Nha, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, là một danh thắng nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, từng hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 2003 và 2015). Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng là một thành phố đẹp với bãi biển Nhật Lệ thơ mộng, thu hút rất nhiều khách tham quan mỗi năm. Hai địa điểm này đã trở thành niềm tự hào của tỉnh Quảng Bình, nơi lưu giữ những trầm tích tự nhiên và cả những chứng tích văn hoá, lịch sử lâu đời mà cha ông ta để lại cho thế hệ sau. Cuốn Du lịch Quảng Bình của bác sĩ Nguyễn Kinh Chi do NXB Tiếng Dân ấn hành từ năm 1931 đã có phần mô tả phong phú, chi tiết về lịch sử và cảnh quan của hai địa điểm trên. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng lại để quý độc giả cùng trở lại du lịch Quảng Bình vào những thập niên đầu của thế kỷ XX (tiêu đề bài do BBT đặt).
Hang Phong Nha (cách Đồng Hới 48 cây số)
Hang Phong Nha, cũng có tên là động Cù Lạc, hay là động Tiên Sư, là một cảnh thiên tạo đẹp nhất ở Quảng Bình này. Có nhà du lịch đã đem hang Phong Nha sánh với các hang đẹp nhất thế giới, cho nên người Pháp đến đây không ai không đi xem hang ấy. Duy người mình còn kém cái óc tọc mạch, chỉ nằm nhà nghe người ta thuật lại, chứ không mấy kẻ chịu đi tới nơi.
Cách phía nam sông Lý Hoà 7 cây số là huyện lỵ huyện Bố Trạch. Đến đó, khách du lịch bỏ đường thiên lý, trẽ qua con đường tư ích số 65 bên tay phải, tức là đường đi lên Phong Nha vậy. Còn một đường khác nữa là đi xe hoả đến ga Ngàn Sơn, xuống làng Phú Kinh thuê một chiếc thuyền chèo đi chừng năm giờ thì tới hang.
Có hai cách đi xem hang Phong Nha: Một là đi xem cho biết, thì khách thuê một chiếc thuyền con và vài người chèo (có một ngọn khe chảy từ trong hang ra ngoài thông với sông lớn nên phải có thuyền mới vào xem được), lại mua chừng 7 – 8 bó đuốc, vào xem vài ba giờ là đủ. Hai là đi xem tường tận, hoặc để nghiên cứu điều gì, thì phải ở lại hang ít nữa ba, bốn ngày (có nhà du lịch ở lại đến 15 ngày), cho nên dự bị cho đủ thức ăn uống, mền, chiếu, diêm, đèn (đèn đá và đèn điện) và đuốc…
Từ chỗ thuê thuyền đi vào hang ước chừng một cây số (đây là nói những khách du lịch đến gần hang mới thuê thuyền). Thuyền chèo qua khỏi mấy khúc sông thời thấy cửa hang. Ngó lên, lên cao chót vót, ngó xuống, nước chảy trong veo, cửa hang sâu thăm thẳm, trông thấy cái cảnh tượng kinh dị ấy, khách không phải không sinh rởn óc ghê mình, có kẻ muốn cho quay thuyền trở lại.
Hang Phong Nha có thể chia ra làm ba đoạn:
Đoạn thứ nhất ở ngoài có ba phòng:
Phòng ngoài: thuyền qua khỏi cửa hang thì tới phòng này. Phòng nhỏ, ở bên hữu có miếu thờ thần hang, ở trong phòng trít lại, chỉ chừa một lỗ hẹp vừa lọt một chiếc thuyền con.
Phòng chính: qua khỏi lỗ hẹp là vào phòng chính. Phòng này dài hơn 700 thước tây. Vào đây thời bắt đầu tối tăm, mù mịt, phải thắp đèn đuốc mới thấy rõ. Ở dưới nước khe chảy trong xanh, ở trên đá vòng cong như nhà cuốn, có chỗ cao đến 15, 20 thước tây, hai bên tường đá có thạch nhũ đủ thiên hình vạn trạng.
Đoạn thứ nhì ở bên tay phải. Từ ngoài cửa hang đi vào chừng 600 thước thì tới một bãi cát, khách phải bỏ thuyền lên bộ. Bắt đầu từ đó là đoạn thứ nhì. Đoạn này có một phòng gọi là phòng khắc chữ (galerie des inscriptions), vì ở trên tường đá có khắc chữ Chàm và vô số tên của các nhà du lịch đã kí vào đó làm kỉ niệm. Phòng đi một khúc xa thời vòng về phía tây bắc. Ở đó có một lỗ sâu chừng 4 thước (phải đem thang vào mà trèo xuống), xuống lỗ ấy đi thẳng vào 300 thước nữa, thời tới hai cái phòng nhỏ, trong phòng bên đông nam có chữ Chàm khắc trên vách đá.
Đoạn thứ ba ở bên tay trái. Thuyền tới chỗ cuối cùng phòng chính, khách cũng phải lên bộ. Bắt đầu từ đó là đoạn thứ ba. Đoạn này dài hơn 800 thước tây và gồm bốn phòng (các nhà thám hiểm mới kiếm được bốn phòng) gọi là phòng số I, II, III, IV. Thạch nhũ lồi lõm, đường lối khuất khúc, ra vào rất vất vả. Khách du lịch muốn biết rõ đoạn này nên xem mấy bản du kí của ba nhà thám hiểm: Barton (người Hồng Mao, đi năm 1924), Antoine (giáo viên trường Quốc học, đi năm 1928), và Bouffier (Phó Công sứ Quảng Bình, đi năm 1929). Mấy bản ấy đều để tại phòng Du lịch ở Huế, ở Toà sứ và tại hiệu Khuynh Diệp (Đồng Hới). Nhưng dẫu khó khăn đến thế nào, khách cũng nên vào xem cho được đoạn thứ ba này, thì mới gọi là đi xem hang Phong Nha, vì ở đó mới có cái đẹp kì hiểm chưa bao giờ ta từng thấy.
Ông Barton đi xem về có thuật lại rằng: “Trong động có vẻ đẹp thiên nhiên lộng lẫy, không bút nào tả ra được cho đúng. Tôi ở đó hơn 15 ngày mà đi xem chưa chán. Khách du lịch bước chân vào đấy hình như bước vào một cảnh thần tiên: này là những phòng chứa đầy thạch nhũ: cái trắng cái đỏ, cái vàng, cái xám đen, cái lại trong vắt như thuỷ tinh, cái lóng lánh như có hoàng chiếu đính trên mình, cái thời nổi vảy như có vô vạn mảnh nước đá con con bao bọc chung quanh; bên chân lại vũng sâu thăm thẳm, thỉnh thoảng lại có hòn thạch nhũ lờ mờ dưới 10 thước nước, trên đầu thì đá cuốn vành bán nguyệt cao chất ngất trăm thước trên khoảng không. Về phần mĩ thuật thì nào các bức chạm khắc tỉ mỉ vào tường đá, cùng là những hàng chữ kỉ niệm của giống Chiêm Thành để lại. Về phần khoa học thì thiếu gì điều nên nghiên cứu, như các giống tôm cua lạ, các loài cá không mắt ăn mò trong xó tối, bao giống thực vật suốt đời sinh hoạt trong chốn u ám tối tăm…”.
Ngoài cửa động có bài ca trù của Thúc Giạ Thị khắc vào bản gỗ rằng:
Kỳ kỳ quái quái, động tiên này ngắm mãi lại càng xinh
Đá vô tri ai khéo tạc nên hình, thêm vẻ lạ xanh xanh, vàng, trắng, đỏ
Hiệp từ thời xuân lai yến vũ
Kỷ trùng môn ngoại thính ngư ca
Có thanh sơn, có lục thuỷ, có cổ thụ, kì ba, cờ tiên tử, rượu tiên gia chừng cũng có.
Chén ngọc dịch, khuyên mời cho sẵn đó, khách đăng cao còn lắm độ trùng du.
Dặn lòng hai chữ “nam mô”.
Đồng Hới
Khách du lịch đến Đồng Hới tức là đến tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình, tiếng Đồng Hới là tiếng người Pháp nói hai tiếng Động Hải ra, vì thành phố này ở trên một phần đất làng Động Hải. Đồng Hới ở trên bờ sông Kiến Giang, là một chỗ đô hội nhỏ, nhân số, tính cả dân các làng phụ cận, thời ước chừng 3.000 người. Thành phố Đồng Hới có thể chia ra hai khu vực: ở về phía Tây Bắc là thành trì, đó là khu vực chính trị. Ở trong thành, có toà sứ, dinh thự các quan nam, trường nam nữ Pháp – Việt, trại lính khố xanh… Về đời các Chúa Nguyễn, thành này có tên là luỹ Trấn Ninh. Năm 1774, họ Trịnh đổi làm đồn Động Hải. Năm Gia Long thứ 10 (1812), đắp thành đất. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824) mới xây thành gạch bây giờ. Thành xây hình vuông, bốn góc có rìa cạnh khế; chu vi hơn 465 trượng (hơn 1860 thước tây), cao một trượng. Mặt tiền ngoảnh về hướng tây, có nền cột cờ, ba mặt tả, hữu, hậu có ba cái cửa là nam môn, bắc môn và đông môn, ba cửa đều có cầu gạch thông ra ngoài, bốn mặt thành có hào sâu bao bọc.
Khu vực thương mại ở về phía đông nam. Khách du lịch theo lối cửa nam (cửa tả) ra khỏi cái cầu thời đến trước một toà nhà lớn, trên cửa có đề chữ “Bungalow”, đó là nhà quan cư để bộ hành sang trọng tới Đồng Hới, hoặc dùng cơm, hoặc ngủ. Từ đó theo con đường trên bờ hào mà đi ra phố, mươi lăm phố khách vài chục phố ta, ở rải rác trên mấy con đường chật hẹp, đó là phố phường Đồng Hới. Sự thương mại lớn thời chợ Ba Đồn chiếm cả, ở đây chỉ buôn bán các món tạp hoá vụn vặt không có gì đáng chú ý. Nói đến kĩ nghệ thời nên kể nước mắm và các đồ gỗ như hộp chạm Quảng Bình. Cách vài năm nay lại mới xuất hiện tại Đồng Hới một thứ dầu gọi là dầu khuynh diệp do hiệu Viễn Đệ chế tạo và phát hành.
Cách Đồng Hới chừng một cây số rưỡi là cửa biển Nhật Lệ. Người Tây, Nam đến mùa nóng nực thường xuống đó hứng gió và tắm mát. Cửa này nhỏ và cạn, tàu lớn không vào được, nhưng ghe thuyền trong Nam, ngoài Bắc ra vào buôn bán cũng đông. Về đời nhà Lý, cửa Nhật Lệ có tên là Trú Nha. Năm 1376, Vua Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, dừng lại ở cửa này một tháng để tập rèn quân lính. Năm 1468, Vua Lê Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành cũng ghé lại vịnh thơ kỉ niệm. Vào giữa hai thế kỉ XVII, XVIII, đương thời Trịnh – Nguyễn đánh nhau, thời cửa Nhật Lệ là một nơi quan yếu, bên Nguyễn chằng dây sắt và đóng cột lim ở giữa cửa để ngăn ngừa thuyền Trịnh. Năm 1802, Vua Gia Long phá được thuyền Tây Sơn ở cửa này. Xem đó thời biết ngày xưa cửa Nhật Lệ có một cái cảnh tượng rất náo nhiệt vậy.
Đứng ở dưới cửa biển ngó lên phía nam thời khách du lịch thấy ở trên các động cát có dấu vết một cái thành cũ, đó là di tích lũy Nhật Lệ, là một cái lũy mà ngày xưa đã nổi tiếng vững vàng như núi, ở giữa hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Lũy này xây ra từ năm 1631 là năm 18 đời Chúa Nguyễn Sãi Vương. Nguyên đời bấy giờ chúa Đàng Ngoài là Trịnh Tráng đem quân vào đánh riết, Sãi Vương sợ, bèn sai quan Nội tán Đào Duy Từ đi xem hình thế núi sông, rồi đắp một cái lũy, dưới từ cửa biển Nhật Lệ, trên đến chân núi Đâu Mâu, bề dài hơn 3.000 trượng (hơn 12 cây số), bề cao 1 trượng 5 thước (6 thước tây), trong đổ đất, ngoài đóng cọc lim. Lũy chia năm cấp, voi ngựa qua lại thong thả. Mỗi một trượng (4 thước tây) có đặt súng thần công, cách 5 trượng hoặc 3 trượng (20 hoặc 12 thước tây) có lập một pháo đài chứa nhiều súng đại bác và đạn dược.
Lũy Nhật Lệ cũng có tên là lũy Động Hải hay là lũy Trấn Ninh, dân Quảng Bình thường gọi là “lũy Thầy”, là chỉ ông Đào Duy Từ, người đắp ra lũy này vậy. Từ năm 1631 về sau, gặp bao lần binh hoả, lũy Nhật Lệ vẫn đứng vững vàng. Đến năm 1774 mới bị quân Trịnh triệt xuống, rồi được quân Tây Sơn dựng lên. Năm 1801, ông Nguyễn Ánh (sau là Vua Gia Long) sửa sang lại. Năm 1824, Vua Minh Mạng cho xây đá một đoạn từ sông Lệ Kỳ ra đến cửa biển và làm thêm hai cái cửa: một cái ở giữa Đồng Hới, gọi là Quảng Bình quan, một cái ở địa phận làng Tráng Thiệp (gần ga Lệ Kỳ), gọi là Võ Thắng quan (cổng thượng). Năm 1842, Vua Thiệu Trị nhân lúc kinh qua hạt Quảng Bình, xem thành quách, bèn sức cho bộ Công tu bổ lại và đổi tên là Định Bắc Trường thành. Vua lại đề thơ, khắc bia, hiện bia dựng ở bên Cầu Dài.
Từ ngày nước ta có cuộc bảo hộ, thời bao nhiêu thành trì đều hoá vật vô dụng cả. Định Bắc Trường thành cũng phải chịu cái lệ chung ấy. Cho nên ngày nay rêu phong, cỏ mọc, đá sập, đất mòn, luỹ chỉ còn làm một món tài liệu khảo sát cho các nhà cổ học và một cái đầu đề ngâm vịnh cho các bậc thi nhân.
Năm xưa, ông Minh Viên đi qua Đồng Hới có vịnh thơ rằng:
Bể dâu thay đổi mấy triều vương
Lũy cũ xanh xanh một dải trường,
Rêu đá lờ mờ kinh Hổ Trướng[1],
Gió lau veo vót phú Long Cương[2].
Non sông trơ đó, Thầy đâu vắng?
Con cháu còn đây, giống vẫn cường.
Công đức, miệng người, bia tạc mới,
Nghìn thu mấy kẻ biết trông gương.■
[1], [2] Ông Đào Duy Từ có làm cuốn bình thơ gọi là Hổ tướng xu cờ và bài phú Ngọa Long tự ví với Khổng Minh.