Jack Colhoun[1]
Bài viết “On the side of Pol Pot: U.S. Supports Khmer Rouge” của Jack Colhoun, đăng trên Tạp chí Covert Action số 34 (1990), phân tích vai trò của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Khmer Đỏ sau khi chế độ Pol Pot bị lật đổ vào năm 1979. Dựa trên các tài liệu và phỏng vấn, tác giả làm rõ cách thức mà Washington, vì lợi ích địa chính trị, đã gián tiếp hậu thuẫn Khmer Đỏ thông qua viện trợ và chính sách ngoại giao, bất chấp những tội ác diệt chủng của lực lượng này. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch toàn văn bài viết.
Trong 11 năm qua, chính phủ Hoa Kỳ, trong một hoạt động bí mật xuất phát từ sự hoài nghi và đạo đức giả, đã hợp tác với Khmer Đỏ ở Campuchia. Cụ thể hơn, Washington đã bí mật hỗ trợ và tiếp tay cho cuộc chiến tranh du kích của Pol Pot nhằm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen do Việt Nam hậu thuẫn, thay thế chế độ Khmer Đỏ.
Quan hệ đối tác bí mật của chính phủ Hoa Kỳ với Khmer Đỏ nảy sinh từ thất bại của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam. Sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, Hoa Kỳ – lo lắng về sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở Đông Nam Á – một lần nữa chuyển sang đối đầu địa chính trị. Hoa Kỳ nhanh chóng chính thức hóa một liên minh chiến lược với Trung Quốc để chống Việt Nam và Liên Xô – tác động tai hại của liên minh này được thể hiện rõ nhất ở Campuchia. Đối với Hoa Kỳ, việc chơi “lá bài Trung Quốc” có nghĩa là duy trì Khmer Đỏ như một đối trọng địa chính trị có khả năng gây mất ổn định chính quyền Hun Sen ở Campuchia và đồng minh Việt Nam của họ.
Khi Việt Nam can thiệp vào Campuchia và lật đổ chế độ Pol Pot vào tháng 1 năm 1979, Washington đã lập tức có những bước đi để duy trì Khmer Đỏ như một phong trào du kích. Các cơ quan cứu trợ quốc tế đã bị Hoa Kỳ gây sức ép phải cung cấp viện trợ nhân đạo cho quân du kích Khmer Đỏ chạy trốn sang Thái Lan. Trong hơn một thập kỷ, Khmer Đỏ đã sử dụng các trại tị nạn mà họ chiếm đóng làm căn cứ quân sự để tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống chính quyền ở Campuchia.

Theo Linda Mason và Roger Brown, những người nghiên cứu các hoạt động cứu trợ ở Thái Lan dành cho người tị nạn Campuchia[2]:
…các tổ chức cứu trợ đã cung cấp thực phẩm và thuốc men cho phong trào kháng chiến Khmer Đỏ… Vào mùa thu năm 1979, Khmer Đỏ là những người tuyệt vọng nhất trong số những người tị nạn đến biên giới Thái Lan – Campuchia. Tuy nhiên, qua năm 1980, sức khỏe của họ nhanh chóng cải thiện và các tổ chức cứu trợ bắt đầu đặt câu hỏi về tính chính đáng của việc cho họ ăn. Khmer Đỏ… sau khi lấy lại sức mạnh… đã bắt đầu tích cực chiến đấu với người Việt Nam. Các tổ chức cứu trợ coi việc hỗ trợ Khmer Đỏ là không phù hợp với mục tiêu nhân đạo của họ… Tuy nhiên, Thái Lan, nơi diễn ra hoạt động cứu trợ, và chính phủ Hoa Kỳ, nơi tài trợ phần lớn các hoạt động cứu trợ, đã khăng khăng rằng Khmer Đỏ phải được nuôi dưỡng.
Trong thời gian giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia, Zbigniew Brzezinski đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cách thức Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ du kích Pol Pot. Elizabeth Becker, một chuyên gia về Campuchia, đã viết: “Chính Brzezinski tuyên bố rằng ông đã nảy ra ý tưởng thuyết phục Thái Lan hợp tác toàn diện với Trung Quốc trong nỗ lực tái thiết Khmer Đỏ… Brzezinski nói: ‘Tôi khuyến khích người Trung Quốc hỗ trợ Pol Pot. Tôi khuyến khích người Thái giúp DK [Campuchia Dân chủ]. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giúp người dân Campuchia. Pol Pot là một thứ kinh tởm. Chúng ta không bao giờ có thể hỗ trợ ông ta nhưng Trung Quốc thì có’.”[3]
Một liên minh xấu xa
Hoa Kỳ không chỉ cho phép Khmer Đỏ sử dụng các trại tị nạn ở Thái Lan làm căn cứ cho cuộc chiến chống lại chính quyền mới ở Phnom Penh mà còn giúp Hoàng thân Norodom Sihanouk và cựu Thủ tướng Son Sann tổ chức các đội quân du kích của riêng họ từ dân tị nạn trong các trại. Các trại này là một yếu tố không thể thiếu đối với năng lực của Khmer Đỏ, Quân đội Quốc gia Sihanouk (ANS) và Mặt trận Giải phóng Dân tộc Nhân dân Khmer (KPNLF) của Son Sann trong việc tiến hành chiến tranh chống lại chính quyền Hun Sen.
Năm 1979, Washington bắt đầu “một chương trình nhỏ” hỗ trợ cho quân du kích của Sihanouk và Son Sann bằng cách cung cấp “chi phí đi lại” cho “các nhà lãnh đạo quân nổi dậy” và quỹ “để duy trì các trại kháng chiến gần biên giới Thái Lan – Campuchia”[4]. Ngoài ra, kể từ năm 1982, Hoa Kỳ đã cung cấp cho ANS và KPNLF viện trợ quân sự “nhân đạo” và “phi sát thương” công khai và bí mật. Đến năm 1989, viện trợ phi sát thương bí mật đã lên đến mức 20 – 24 triệu đô la hằng năm và viện trợ nhân đạo công khai đã lên tới 5 triệu đô la. Chính quyền Bush đã yêu cầu thêm 7 triệu đô la viện trợ nhân đạo cho năm 1990[5].
Khi Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt gói viện trợ 5 triệu đô la cho ANS và KPNLF vào năm 1985, họ đã cấm sử dụng khoản viện trợ này “…vì mục đích hoặc có tác dụng thúc đẩy, duy trì hoặc tăng cường năng lực của Khmer Đỏ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp… để tiến hành các hoạt động quân sự hoặc bán quân sự ở Campuchia hoặc nơi khác…”
Ngay từ đầu, viện trợ của Hoa Kỳ cho ANS và KPNLF đã là nguồn viện trợ gián tiếp cho Khmer Đỏ. Theo một nhà ngoại giao phương Tây đóng tại Đông Nam Á, “…hai phần ba viện trợ vũ khí cho các lực lượng phi cộng sản dường như đến từ Bắc Kinh, cùng với viện trợ rộng rãi hơn dành cho các chiến binh cộng sản [Khmer Đỏ]… Trung Quốc ước tính chi từ 60 triệu đến 100 triệu đô la mỗi năm để viện trợ cho tất cả các phe phái của lực lượng kháng chiến chống Việt Nam”[6].

Năm 1982, dưới áp lực của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Sihanouk và Son Sann đã hợp tác với Khmer Đỏ để thành lập Chính phủ Liên minh Dân chủ Campuchia (CGDK). ANS và KPNLF, vốn được tôn trọng hơn về mặt chính trị so với Khmer Đỏ, đã giành được uy tín quân sự từ liên minh du kích. Tuy nhiên, Khmer Đỏ đã giành được tính chính danh chính trị đáng kể nhờ có liên minh và các nhà ngoại giao Khmer Đỏ hiện đại diện cho CGDK tại Liên hợp quốc.
CGDK nhận được một lượng lớn viện trợ quân sự từ Singapore. Khi được hỏi về mối quan hệ giữa tiền từ Hoa Kỳ và vũ khí từ Singapore, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ khác ở Đông Nam Á trả lời: “Chúng ta nên hiểu thế này. Nếu Hoa Kỳ cung cấp [cho liên minh du kích] thực phẩm, thì họ có thể chi tiền thực phẩm của mình cho việc khác”[7].
Viện trợ trực tiếp của Hoa Kỳ
Nhưng có dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ có liên hệ trực tiếp với Khmer Đỏ. Cựu Phó giám đốc CIA, Ray Cline, đã đến thăm một trại Khmer Đỏ ở Campuchia vào tháng 11 năm 1980. Khi được hỏi về chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Thái Lan phủ nhận việc Cline đã vượt biên trái phép vào lãnh thổ Campuchia. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã thừa nhận một cách riêng tư rằng chuyến đi đã diễn ra[8]. Chuyến đi của Cline đến trại Pol Pot lần đầu được tiết lộ trong một thông cáo báo chí do các nhà ngoại giao Khmer Đỏ tại Liên hợp quốc công bố.
Cline cũng đã đến Thái Lan với tư cách là đại diện của nhóm chuyển giao Reagan – Bush và trình bày cho chính phủ Thái Lan về chính sách của chính quyền mới đối với Đông Nam Á. Cline nói với người Thái rằng chính quyền Reagan có kế hoạch “tăng cường hợp tác” với Thái Lan và các thành viên ASEAN khác có quan điểm phản đối chính quyền Phnom Penh.
Đã có nhiều báo cáo khác về mối liên hệ trực tiếp giữa CIA và Khmer Đỏ. Theo Jack Anderson, “thông qua Trung Quốc, CIA thậm chí còn hỗ trợ lực lượng trong rừng của Pol Pot tàn bạo ở Campuchia”[9]. Bản thân Sihanouk thừa nhận rằng các cố vấn CIA đã có mặt ở các trại Khmer Đỏ vào cuối năm 1989: “Chỉ một tháng trước, tôi nhận được thông tin tình báo cho biết có các cố vấn Hoa Kỳ tại các trại Khmer Đỏ ở Thái Lan, đặc biệt là trại Site B… Người của CIA đang dạy cho Khmer Đỏ về nhân quyền! CIA muốn biến hổ thành mèo con!”[10]
Đến cuối năm 1989, sự khác biệt giữa hỗ trợ “trực tiếp hay gián tiếp” của Hoa Kỳ dành cho Khmer Đỏ không còn rõ ràng nữa. Khi lực lượng CGDK phát động một cuộc tấn công vào tháng 9 năm 1989, quân đội của Sihanouk và Son Sann đã công khai hợp tác với Khmer Đỏ. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Khmer Đỏ đã xâm nhập vào các cánh quân sự và chính trị của ANS và KPNLF.
Sihanouk đã xác nhận quan hệ hợp tác quân sự của ANS và KPNLF với Khmer Đỏ trong một thông điệp truyền qua sóng radio bí mật ở Campuchia. “Tôi đặc biệt hoan nghênh việc ba đội quân của chúng ta biết cách hợp tác thân thiện với nhau… Chúng ta hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh và hợp tác với nhau trên chiến trường của quê hương Campuchia…”[11] Sihanouk đặc biệt đề cập đến hợp tác quân sự trong các trận chiến ở Battambang, Siem Reap và Oddar Meanchey.

Bằng chứng về sự tham gia ngày càng tăng của các cố vấn quân sự Hoa Kỳ ở Campuchia cũng đã bắt đầu xuất hiện. Một phóng sự trên tờ London Sunday Correspondent lưu ý rằng “Các cố vấn Hoa Kỳ được cho là đã giúp huấn luyện du kích của lực lượng kháng chiến Khmer phi cộng sản và gần đây có thể đã vào Campuchia cùng họ…. Các báo cáo về sự tham gia ngày càng tăng của Hoa Kỳ cũng xuất hiện từ thị trấn Sisophon ở phía Bắc, nơi các quan chức địa phương cho biết tháng trước có bốn người phương Tây đã đi cùng du kích trong một cuộc tấn công vào thị trấn”[12].
Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ phủ nhận việc cung cấp thiết bị quân sự cho ANS và KPNLF, một báo cáo gần đây cho biết lực lượng KPNLF đã nhận được một lô vũ khí từ Hoa Kỳ bao gồm M-16, súng phóng lựu và súng không giật[13]. Cũng có thông tin rằng Hoa Kỳ đang cung cấp cho KPNLF những bức ảnh vệ tinh có độ phân giải cao và “một số chỉ huy KPNLF… tuyên bố rằng người Mỹ đã được cử đến để huấn luyện khoảng 40 du kích tinh nhuệ về cách sử dụng tên lửa chống tăng Dragon hiện đại do Hoa Kỳ chế tạo trong một khóa học kéo dài bốn tháng đã kết thúc vào tháng trước”. Khi KPNLF phát động một cuộc tấn công lớn vào ngày 30 tháng 9, một số lượng lớn các quan chức Hoa Kỳ đã được phát hiện ở khu vực biên giới, gần nơi giao tranh[14].
Mối liên hệ của Washington với các nhóm du kích chống Phnom Penh đã được chính thức hóa vào năm 1989 khi nhà ngoại giao KPNLF Sichan Siv được bổ nhiệm làm phó trợ lý cho Tổng thống George Bush. Nhiệm vụ chính thức của Siv tại Nhà Trắng là Văn phòng Liên lạc Công chúng (Public Liaison Office), nơi ông làm việc với các nhóm cử tri khác nhau, chẳng hạn như cư dân Khmer tại Hoa Kỳ và các nhóm thiểu số khác, các nhóm hoạt động về chính sách đối ngoại, thanh niên và giáo dục. Siv đã trốn khỏi Campuchia vào năm 1976 và nhập cư vào Hoa Kỳ, nơi ông gia nhập KPNLF. Từ năm 1983 đến năm 1987, Siv làm đại diện KPNLF tại Liên hợp quốc với tư cách là thành viên của phái đoàn CGDK do các nhà ngoại giao Khmer Đỏ dẫn đầu[15].
Là một phần của chính quyền Bush, Sichan Siv tham gia sâu vào việc xây dựng và thực hiện chính sách của Hoa Kỳ tại Campuchia. Ông là “cố vấn cấp cao” cho phái đoàn Hoa Kỳ tham dự một hội nghị quốc tế về Campuchia được tổ chức vào mùa hè năm 1989 tại Paris, nơi Hoa Kỳ yêu cầu giải tán chính quyền Hun Sen và đưa Khmer Đỏ vào một chính quyền lâm thời gồm bốn đảng. Ông cũng là người điều phối cuộc họp về Campuchia tại Nhà Trắng vào tháng 10 năm 1989 dành cho cư dân Khmer tại Hoa Kỳ.

Một trong những nhiệm vụ khác của Siv là làm việc với tư cách người liên lạc với các nhóm cực hữu cung cấp hỗ trợ chính trị và vật chất cho KPNLF. Ông đã tham dự một hội nghị của Liên đoàn Chống Cộng Thế giới (WACL) tại Dallas, Texas vào tháng 9 năm 1985 cùng với những “chiến binh tự do” chống cộng khác trên khắp thế giới[16]. Tại hội nghị WACL, KPNLF đã công khai tìm kiếm “sự đào tạo và hỗ trợ từ bên ngoài về tình báo và phá hủy”[17].
Siv cũng đã làm việc với Chuẩn tướng Lục quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Theodore Mataxis, người đứng đầu Ủy ban vì một Campuchia Tự do (CFC) có trụ sở tại Bắc Carolina. Mataxis đã được các tướng lĩnh KPNLF tiếp cận vào năm 1986 để thành lập CFC nhằm tổ chức công tác hỗ trợ tại Hoa Kỳ cho KPNLF.
Hỗ trợ cánh hữu
Theo học thuyết Reagan, mục tiêu của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là “kiềm chế sự bành trướng của Liên Xô” bằng cách hỗ trợ các nhóm phản cách mạng ở Angola, Nicaragua, Campuchia, v.v. và về bản chất là để “đẩy lùi” “đế chế Liên Xô”. Nhiều nhóm cánh hữu nổi lên sau khi Reagan đắc cử đã lập tức khởi động các chương trình hỗ trợ những lực lượng chống phá chính quyền trên toàn cầu. Liên đoàn Chống Cộng Thế giới, Quỹ Di sản, Quỹ Nghiên cứu Tự do, cũng như nhiều tổ chức khác, tất cả đều nỗ lực hết mình để hỗ trợ “những chiến binh tự do”.
Trong báo cáo chính sách năm 1984 với tựa đề Mandate for Leadership II: Continuing the Conservative Revolution (Nhiệm vụ Lãnh đạo II: Tiếp tục Cách mạng Bảo thủ), Quỹ Di sản kêu gọi chính quyền Reagan tập trung hơn nữa vào các cuộc đấu tranh phản cách mạng này và[18]:
… sử dụng các nguồn lực bán quân sự để làm suy yếu các chế độ cộng sản và phi cộng sản đe dọa đến lợi ích của Hoa Kỳ và hiện đang phải đối mặt với giai đoạn đầu của cuộc nổi dậy bên trong biên giới của họ … Campuchia, Lào, Việt Nam là những nơi như vậy, cũng như Angola, Ethiopia, Afghanistan, Nicaragua, Iran và Lybia.
Năm 1984, nhà hoạt động cánh hữu Jack Wheeler tuyên bố rằng “lúc này có tám cuộc chiến tranh du kích chống Liên Xô đang diễn ra ở thế giới thứ ba… Sớm hay muộn, một trong những phong trào này sẽ giành chiến thắng… Cuộc lật đổ thành công đầu tiên một chế độ bù nhìn Liên Xô có thể gây ra “hiệu ứng domino ngược”, sự sụp đổ của các domino Liên Xô, lần lượt từng cái một”[19].
Không có gì ngạc nhiên khi Wheeler là người ủng hộ nhiệt tình cho phong trào chống chính phủ ở Campuchia và đã công khai kêu gọi hỗ trợ vật chất và chính trị cho KPNLF. Tháng 8 năm 1984, ông đã viết một bài báo cho Washington Times, một tờ báo bảo thủ thuộc sở hữu của tổ chức tôn giáo gây tranh cãi của Sun Myung Moon, trong đó ông nói rằng: “Sau khi dành một tuần với KPNLF ở Campuchia… ta chắc chắn phải đi đến kết luận rằng KPNLF thực sự là một giải pháp thay thế phi cộng sản thứ ba cho Campuchia… [Nhưng] KPNLF đang… cạn kiệt nghiêm trọng vũ khí và đạn dược. Tình trạng thiếu đạn dược cho súng trường, súng phóng rocket, súng máy và súng cối, đặc biệt nghiêm trọng”[20].

Mức độ “riêng tư” của việc hỗ trợ cho KPNLF mà Wheeler kêu gọi vẫn còn là một dấu hỏi. Cùng với Wheeler, trong Hội đồng quản trị của Quỹ Nghiên cứu Tự do còn có Alex Alexiev và Mike Kelly. Alexiev “làm việc tại Bộ phận An ninh Quốc gia của Tập đoàn Rand… [và là] một chuyên gia về các hoạt động của Liên Xô ở thế giới thứ ba”. Kelly là Phó Thư ký Không quân phụ trách Nguồn nhân lực và Nhân sự quân đội vào đầu những năm 1980. Kelly trước đây từng là trợ lý lập pháp cho các Thượng nghị sĩ cánh hữu Bill Armstrong (Đảng Cộng hòa, bang Colorado) và John Tower (Đảng Cộng hòa, bang Texas)[21].
Tạp chí Soldier of Fortune (SOF) cũng đã đến Campuchia để ủng hộ KPNLF. Trong một bài báo được viết sau chuyến thăm mặt trận, các tác giả của SOF là David Mills và Dale Andrade đã kêu gọi độc giả đóng góp cho KPNLF và gửi tiền quyên góp của họ đến một địa chỉ ở Bangkok. “Bất kỳ công dân nào muốn đóng góp nhiều hơn là chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần để giúp đỡ quân nổi dậy KPNLF đều có thể gửi tiền. Không cần nhiều. Bốn mươi đô la sẽ mua được hai bộ quân phục, một đôi giày, hai đôi tất, ba lô, tấm nhựa và một chiếc khăn cho một người lính. Đó không phải là ý tồi”[22].
Ted Mataxis lại ra tay
Chuẩn tướng về hưu Ted Mataxis là hiện thân của mối quan hệ lịch sử giữa Hoa Kỳ và KPNLF. Vào năm 1971-72, Mataxis đã làm việc với Tướng Sak Sutsakhan khi ông là chỉ huy Đội cung cấp thiết bị quân sự Hoa Kỳ (MEDT) tại Phnom Penh. Vai trò chính thức của Mataxis là giám sát việc cung cấp viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Thủ tướng Campuchia khi đó là Lon Nol. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Mataxis cũng bao gồm một vai trò bí mật – giám sát sự leo thang của lực lượng Hoa Kỳ tại Campuchia sau cuộc xâm lược của Hoa Kỳ vào tháng 4/1970. Mataxis rất phù hợp với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động bí mật ở Campuchia, bởi ông đã được đào tạo tại Trường Tình báo Chiến lược của Quân đội vào cuối những năm 1940[23].
Mặc dù Quốc hội Hoa Kỳ đã cấm viện trợ cho quân đội Lon Nol vào năm 1970, vẫn có báo cáo về việc nhân viên MEDT làm cố vấn cho quân đội Campuchia. Cũng có báo cáo về trực thăng Hoa Kỳ giúp vận chuyển cho quân đội Campuchia cũng như cung cấp đạn dược cho họ trong các trận chiến. Hoa Kỳ cũng mở một trạm vô tuyến tại Sân bay Pochentong, gần Phnom Penh, để “giúp điều phối công tác hỗ trợ bằng không quân cho quân đội Campuchia”[24].
Khi Mataxis nghỉ hưu khỏi Quân đội Hoa Kỳ vào năm 1972, ông bắt đầu làm “cố vấn quân sự” cho Bộ Quốc phòng Singapore. “Khi ở Singapore, tôi đã cộng tác rất chặt chẽ với họ [Sak và các tướng khác của Lon Nol]. Chúng tôi thường sửa chữa trên tàu của họ và làm những việc khác”, Mataxis giải thích. “Khi Quốc hội cắt viện trợ cho họ vào năm 1973, họ đã đến để xem Singapore có thể làm gì giúp họ. Tôi đã tập hợp một nhóm từ Singapore và chúng tôi đã lên Phnom Penh. Chúng tôi đã sắp xếp để mua đồng thau cũ, vũ khí cũ và các thứ khác [để bán kiếm lời] để họ có tiền mua vật tư và những thứ khác”[25]. Theo luật pháp Hoa Kỳ, vũ khí cũ và thiết bị quân sự phế liệu của Hoa Kỳ cung cấp cho các đồng minh là tài sản của Hoa Kỳ, nhưng không có sự phản đối chính thức nào được biết đến đối với hành động luồn lách của Mataxis xung quanh lệnh cấm của Quốc hội đối với viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho các tướng lĩnh Lon Nol.

Mataxis nhớ lại khi Thiếu tướng Pak Son Anh (lúc đó làm việc chặt chẽ với Tướng Sak, chỉ huy quân sự của KPNLF) đến thăm ông tại Washington vào năm 1986. “Họ [Pak và các sĩ quan KPNLF khác] đến gặp tôi và hỏi tôi có thể làm gì. Họ đến văn phòng của tôi tại Ủy ban vì một Afghanistan tự do… Họ đề nghị chúng tôi thành lập một tổ chức tương tự [cho KPNLF]. Vì vậy, tôi đã đến gặp Đô đốc [Thomas] Moorer. Tôi đưa Tướng Pak đi cùng và hỏi Đô đốc Moorer liệu ông có thể làm người bảo trợ cho chúng tôi không. Ông nói: ‘Được, anh có thể sử dụng tên của tôi’.”[26] Moorer là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân khi Mataxis là người đứng đầu MEDT, và công việc của Mataxis tại Campuchia do Moorer và Đô đốc John McCain, Tổng tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương, 1968-72, giám sát.
Mataxis đã dành phần lớn năm 1987 để thành lập Ủy ban vì một Campuchia tự do (CFC). Ông đã đến thăm Tướng Sak ở Thái Lan để xác định nhu cầu của KPNLF và thúc đẩy KPNLF tại Hoa Kỳ. “Tôi đã sắp xếp để Pak tham dự một trong những cuộc họp của Hội đồng An ninh Hoa Kỳ [tại Washington] vào năm 1986. Sau đó, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp khác vào năm 1987, với sự có mặt của các du kích từ khắp nơi trên thế giới… Họ tụ họp lại và mỗi nhóm du kích sẽ có cơ hội đứng lên và đóng góp ý kiến. Điều đó giúp họ có cơ hội trao đổi ý tưởng và chia sẻ những gì họ đang làm”, Mataxis kể[27]. Sự ủng hộ của cánh hữu là một yếu tố quan trọng giúp phe chống chính phủ Campuchia được tiếp tế. Mặc dù Ted Mataxis đã thua ở Việt Nam, nhưng cuộc chiến của ông vẫn chưa kết thúc.
Kết luận
Mặc dù hầu hết mọi người đều tin rằng Hoa Kỳ đã chấm dứt sự can thiệp của mình ở Đông Nam Á vào năm 1975, nhưng thông tin được cung cấp ở đây cho thấy rõ ràng rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hỗ trợ các lực lượng đàn áp và phi dân chủ trong các khu rừng của Campuchia. Khi được hỏi về chính sách của Hoa Kỳ tại Campuchia trong chương trình Tin tức đặc biệt của kênh ABC ngày 26 tháng 4 năm 1990, Dân biểu Chester Atkins (Đảng Dân chủ, bang Massachusetts) đã mô tả đó là “một chính sách thù hận”.
Hoa Kỳ chịu trách nhiệm trực tiếp cho hàng triệu cái chết ở Đông Nam Á trong 30 năm. Bây giờ (1990), chính phủ Hoa Kỳ lại hỗ trợ cho một phong trào bị cộng đồng quốc tế lên án là diệt chủng. Chính sách thù hận này sẽ tiếp tục trong bao lâu?
[1] Jack Colhoun là phóng viên thường trú tại Washington của tờ Guardian. Ông có bằng Tiến sĩ về Lịch sử Hoa Kỳ và đã viết nhiều về chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.
[2] Linda Mason và Roger Brown, Rice, Rivalry and Politics: Managing Cambodian Relief (South Bend, Ind: University of Notre Dame Press, 1983), tr. 135-136.
[3] Elizabeth Becker, When the War was Over: The Voices of Cambodia’s Revolution and its People (New York: Simon and Schuster, 1986), tr. 440.
[4] Charles Babcock và Bob Woodward, “CIA covertly Aiding Pro-West Cambodians,” Washington Post, 8/7/1985.
[5] Steven Erlanger, “Aid to Cambodian Non-Communists is Detailed,” New York Times, 16/11/1989; Jeremy Stone, “Secret U.S. War in Cambodia,” New York Times, 16/11/1989.
[6] Don Oberdorfer, “Shultz Opposes Military Aid for Guerrillas in Cambodia,” Washington Post, 11/7/1985.
[7] Dinah Lee, “Singapore Breaks into Arms Trade with Inexpensive Assault Rifles,” Washington Post, 15/12/1982.
[8] “Thais Furious at Cambodians for Disclosing Visit by Reagan Aide,” Los Angeles Times, 5/12/1980.
[9] Jack Anderson, “CIA Gearing Up for Operations with Foreigners,” 27/8/1981; “America’s Secret Warriors: In Business With A New Set Of Missions,” Newsweek, 10/10/1983.
[10] Phỏng vấn Sihanouk, Le Figaro (Paris), 30/12/1989.
[11] Thông điệp vô tuyến bí mật ở Campuchia, 11/10/1989. Nội dung được công bố trong East Asia Daily Report (Báo cáo hàng ngày về Đông Á) của Cơ quan Thông tin Phát thanh Nước ngoài Hoa Kỳ (U.S. Foreign Broadcast Information Service), 11/10/1989, tr. 31.
[12] London Sunday Correspondent, 15/10/1989.
[13] Như trên.
[14] “KPNLF Leaders: U.S. Role Grows in Khmer Fighting,” Bangkok Post, 13/10/1989.
[15] Phỏng vấn qua điện thoại với tác giả, 21/3/1990. Xem thêm Scott Anderson và Jon Lee Anderson, Inside fhe League (New York: Dodd, Mead & Company, 1986) tr. 281.
[16] Fred Clarkson, “Behind the Supply Lines,” Covert Action Information Bulletin, Số 25 (Mùa đông 1986)
[17] Phỏng vấn qua điện thoại với tác giả, 21/3/1990. Về vai trò của Siv với tư cách là một nhà ngoại giao của KPNLF, xem Paul Pinkham, “UN Rep Works to Free Cambodia,” Pampa News (Texas), 29/12/1985; Isabel Valde, “Khmer Official Says Cambodia Needs U.S. To Oust Vietnamese,” San Antonio Express News, 14/5/1986; và “Rebel Group Diplomat Seeks Cambodian Aid,” (Rochester) Times-Union, 22/1/1986.
[18] Stuart M. Butler, Michael Sanera, và W. Bruce Weinrod, Mandate for Leadership II: Continuing the Conservative Revolution (Washington D.C.: Heritage Foundation, 1984), tr. 268.
[19] Jack Wheeler, “Robin Hood Commandos Battle Odds In Cambodia,” Washington Times, 10/8/1984.
[20] Như trên.
[21] Xem Fred Clarkson, “Privatizing the War,” Covert Action Information Bulletin. Số 22 (Mùa thu 1984), tr. 30-31.
[22] David Mills và Dale Andrade, “Hanoi Hits Hard And Holds: A New Wrinkle Along The Thai-Cambodian Border,” Soldier of Fortune, 7/1985, tr. 51.
[23] Anderson và Anderson, đã dẫn, chú thích số 14, tr. 260.
[24] “The War in Indochina: Instant Replay,” Newsweek, 18/10/1971. Xem thêm Craig Whitney, “Military Gains Ground in U.S. Embassy in Cambodia,” New York Times, 20/9/1971 và William Shawcross, Sideshow: Kissinger, Nixon and the Destruction of Cambodia (New York: Simon and Schuster, 1979), tr. 198-199.
[25] Phỏng vấn qua điện thoại với tác giả, 21/3/1990.
[26] Như trên.
[27] Như trên. Về Mataxis và hoạt động của ông ta đại diện cho KPNLF, xem Claudia Madeley, “Retired General Helps Cambodians,” Moore County Citizen News-Record (North Carolina), 6/11/1986; “Speaker Tells of Impact of Afghan, Cambodian Wars,” Moore County Citizen News-Record, 6/1987.