Trần Trọng Kim
Hải Ninh là một tỉnh cũ thuộc vùng Đông Bắc Bộ nước ta, tương ứng với một phần tỉnh Quảng Ninh và một phần tỉnh Lạng Sơn hiện nay. Mời quý độc giả cùng ngược dòng thời gian, quay lại du lịch đất Hải Ninh cùng tác giả Trần Trọng Kim vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ trước. Qua lời kể chi tiết và sinh động của tác giả, độc giả có thể hình dung rất rõ nét về cảnh vật, con người và cả những phong tục kỳ lạ của những địa danh quen thuộc như Hòn Gai, Móng Cái, hay vùng biên giới Đông Hưng của Trung Quốc. Bài viết[1] được đăng trên Nam Phong Tạp chí số 71, tháng 5/1923.
Nhân vừa rồi tôi đi khám trường ở ngoài Hải Ninh, thấy có lắm cái phong tục rất lấy làm lạ và lại thấy cái công cuộc của người mình làm ăn ở ngoài ấy thì thật là chán ngán lắm. Vậy tôi xin đem những sự tôi đã trông thấy, những điều tôi đã nghe thấy để nói chuyện hầu các ngài. Tưởng cũng là câu chuyện có thể khiến cho ta biết được cái tình hình những nơi biên địa của nước mình.
Hải Ninh nay đặt là tỉnh, thuộc về đạo quan binh thứ nhất cai trị. Nguyên trước đấy là phủ Hải Đông, thuộc về tỉnh Quảng Yên. Đến năm thứ 17 đời Vua Minh Mệnh (1836) mới đổi Hải Đông ra làm Hải Ninh, kiêm lý châu Vạn Ninh và châu Tiên Yên. Về thời triều ta, ở vùng ấy giặc Khách và giặc Tàu Ô quấy nhiễu, dân gian bị nhiều sự khổ sở. Quan sở tại thường phải khoanh tay mà chịu, chứ không làm gì được chúng nó. Chỉ có lúc nào có đám giặc to nổi lên, xưng đế xưng vương, thì quan quân mới đem đại binh đi đánh dẹp, hễ giặc yên rồi lại để mặc như cũ. Nhất là khi nước Pháp mới sang lập cuộc bảo hộ ở bên ta, thì vùng ấy giặc cướp lại quấy nhiễu lắm nữa, vì thế cho nên Chính phủ Bảo hộ mới lấy phủ Hải Ninh mà phân ra làm một tỉnh, chia châu Vạn Ninh ra làm châu Móng Cái và châu Hà Cối, còn châu Tiên Yên thì khi có bọn lính tập Khách làm loạn ở đất Bình Liêu, chính phủ lại đặt thêm ra châu Bình Liêu nữa. Hiện bây giờ, tỉnh Hải Ninh cai quản tất cả bốn châu.
Tỉnh Hải Ninh phía Bắc và phía Tây thì giáp tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây bên Tàu và tỉnh Lạng Sơn bên ta; phía Nam và phía Đông thì giáp tỉnh Quảng Yên và giáp bể. Nhưng bờ bể không trực tiếp ra bể, vì có dẫy núi chạy dọc từ chỗ gần giáp giới nước Tàu và nước ta về cho đến vụng Hạ Long, thành ra ở trong dẫy núi ấy có một dòng nước, tàu bè đi lại rất tiện.
Giá ai ở Hà Nội đi ra Hải Ninh thì phải chọn ngày có tàu chạy, như là ngày Thứ hai, Thứ tư và Thứ sáu. Đi chuyến tàu thứ nhất đến độ gần 10 giờ thì xuống đến Hải Phòng, bảo xe kéo ra bến tàu của công ty Roques, nhưng phải bảo rõ người kéo xe, kéo ra bến tàu “Tây điếc” thì nó hiểu ngay. Xuống tàu xếp đồ đạc xong rồi, đi chơi đâu hay là đi ăn cơm, đến độ 11 giờ rưỡi thì trở lại là vừa. Bởi vì đến đúng 12 giờ là tàu chạy. Chạy qua con sông cửa Cấm một đoạn, rồi vào con sông con đi ngoắt ngoéo độ hơn một giờ, rồi thì vào sông Bạch Đằng.
Nói đến Bạch Đằng giang thì ta lại tưởng nhớ đến sự nghiệp của ông cha đời trước đã từng bởi con sông đó mà lập nên những công trạng lớn hoặc để gây nên cái nền tự chủ cho nước nhà, hoặc để bảo tồn được giang sơn để khỏi bị quân cường bạo xâm chiếm. Đấy là chỗ quân ông Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán để giải phóng cho người mình ra khỏi vòng tôi tớ người Tàu. Đấy là chỗ quân ông Trần Hưng Đạo xô đẩy quân Mông Cổ để giữ lấy nước nhà bền vững. Ấy cũng là một ngọn sông, hai bên bờ cỏ, giữa một dòng nước bạc, chẳng khác gì ngọn sông khác, thế sao mà linh thiêng thế? Sao mà lại quan hệ đến vận mệnh nước nhà ta như thế, khiến cho ngày nay ta đi qua đến đấy, ai là người trong lòng không lai láng những cảm tình kính phục mà lại hình như ngùi ngùi tủi thẹn? Vì rằng ông cha ta đời trước sao mà oanh liệt mạnh mẽ như thế ấy, con cháu ngày nay sao mà nhu nhược hèn hạ như thế này. Rõ thật: “Càng trông thấy cảnh thấy người càng đau!”.
Tàu chạy qua sông Bạch Đằng thì vào con sông Chanh là đến ngay bến Quảng Yên. Ở Quảng Yên thì hãy còn thành cũ, nhưng chỉ còn có cái xác thành mà thôi. Ở trong thành bây giờ làm nhà thương để những quân lính quí quốc ở các nơi nhọc mệt về đấy dưỡng bệnh. Trừ cái thành ra thì đất Quảng Yên cũng chẳng có cái gì lạ, phố xá thì ít, người đi lại thì vắng. Có lẽ một vài năm nữa, khi nào cái xưởng lọc kẽm làm xong, thì chắc là Quảng Yên sẽ có vẻ hoạt động hơn. Tàu đậu một chốc rồi theo sông Chanh chạy thẳng ra mé bể. Ra đến gần Cát Hải thì quay trở lên về phía tay trái. Từ đấy là ngoài thì dãy núi Cát Bà, trong thì đất, tàu cứ chạy ở những dòng nước có nhan nhản những núi đá con, trông lắm cái có hình rất lạ. Đấy là khởi đầu vịnh Hạ Long. Đến độ gần 6 giờ chiều thì tàu đến Hòn Gai.
Hòn Gai là đất tư của công ty lấy than. Trước đây là đất bỏ hoang, mà bây giờ thành ra một nơi rất phồn thịnh, phố xá cũng nhiều, người làm ăn, phu phen đi lại thật là đông. Xe lửa chở than chạy đi chạy lại cả ngày cả đêm. Ở dưới bến thì tàu các nước đến lấy than, tàu nước Anh, tàu nước Mỹ, nước Nhật ngày nào cũng có vài ba chiếc chực sẵn ở đấy. Chỗ mỏ lấy than thì gọi là Hà Xú hay là Hà Tu gì đấy, cách Hòn Gai độ 15km. Ở chỗ ấy than nổi ở trên mặt đất, lấy thật dễ. Ấy thế mà ngày trước ta chẳng biết gì cả. Người ta còn nói chuyện rằng vào quãng đời Vua Tự Đức, những người thuyền chài lên đấy lấy những hòn than đá kê để nấu cơm, tự nhiên thấy đá cháy, lấy làm lạ, đem về nộp quan, quan cũng không biết thứ đá gì mà lại lạ thế. Rõ thật của ở trước mắt mà không biết dùng. Hiện bây giờ công ty lấy than ở Hòn Gai và công ty làm ciment ở Hải Phòng thịnh vượng nhất cả xứ Đông Pháp ta, mà có lẽ cả Viễn Đông này cũng chưa có đâu hơn được.
Tàu đậu ở Hòn Gai một lát, rồi đến chập choạng tối thì nhổ neo chạy. Từ Hòn Gai ra Móng Cái còn phải ghé ba bốn nơi nữa, nhưng cũng không có chỗ nào quan hệ lắm. Giá không có sương mù thì sáng ngày hôm sau độ 8, 9 giờ tàu đã đến Mũi Ngọc. Được khi nước lên thì tàu vào gần, nếu không thì phải bỏ neo ở ngoài xa rồi có những chiếc thuyền gọi là lái thán đưa khách ra và đón khách vào bờ. Chỗ ấy trong địa đồ gọi là Mũi Ngọc, vì đấy là một mõm đất thò lòi ra ngoài bể, chứ ta thì thường gọi là Núi Ngọc là bởi ở trên mõm có quả núi gọi là núi Ngọc. Các quý quan thì gọi là Mũi Nhốc. Mà người ta, nhất là các ông tân học, nói chuyện với nhau, thường có lắm ông cũng gọi là Mũi Nhốc, cũng như là Bạch hạc thì gọi là Ba–cha (sa), tri châu thì gọi là Tri–chô (sô). Giả lúc đầu ai vô ý nghe những tiếng ấy không hiểu là gì. Nhưng có nói như thế thì mới giống tây, và mới lịch sự! Thế mới rõ là người An Nam ta có cái tính dễ hóa, hay bắt chước những kẻ hơn mình, đến cả cái thanh âm mà người ta bắt chước mình chưa được đúng, mà mình đã bắt chước nói đúng được như những tiếng người ta nói sai. Giỏi lắm thật!
Từ Mũi Ngọc vào Móng Cái có hai lối đi, một là đi thuyền thì phải tùy nước lên nước xuống: được buổi nước lên thì độ 3 giờ đã đến nơi, mà phải buổi nước xuống thì có khi đến 7, 8 giờ mới tới được; hai là đi đường bộ, nếu gặp xe thì chỉ non 2 giờ đã vào đến Móng Cái.
Móng Cái là tỉnh lị tỉnh Hải Ninh, có dinh quan Sứ, dinh quan Đạo, cũng như các tỉnh mạn ngược. Có chợ, có phố, tất cả nhà khách và nhà ta tính cả lại cũng được độ 60, 70 nóc gì đấy. Cứ như một Móng Cái không thì buồn lắm, nhưng ở liền ngay đấy, chỉ cách một con sông Na Lương, có một làng Tàu gọi là Đông Hưng. Đấy mới thật là một nơi thị trường lớn nhất cả vùng ấy. Tuy rằng Đông Hưng là đất bên Tàu, nhưng người ta ở Móng Cái mua bán gì là sang mua ở bên ấy, gọi là sang phố.
Ở bên Đông Hưng người nhiều, nhà cửa ở chen chít đông lắm, sự buôn bán rất thịnh. Đường thì hẹp mà không có xe cộ gì cả. Ai mới sang Đông Hưng trước hết có một cái lấy làm lạ, là cái bẩn. Đến cái bẩn thì tôi tưởng không sao bẩn hơn được nữa. Ấy là người ta nói rằng năm nay thế đã là sạch lắm, vì năm ngoái có dịch, cho nên năm nay người ta đã chịu quét dọn một đôi tí, chứ như mọi năm thì còn bẩn nữa. Tôi đi sang chơi có mấy lần mà lần nào cái mùi bẩn nó xông lên cũng buồn nôn. Ở bên ấy nhà nào cũng có một vài con lợn và một đàn gà, nuôi ngay ở trong nhà, quây quần ngay ở chỗ người ngồi. Trông xuống chỗ nền nhà thì thấy đen đen như chuồng phân của ta, mà lại ướt ướt, thật là ghê. Thế mà người ngồi ăn ở đấy, giường nằm ngủ ở đấy, không biết sao mà họ chịu được.
Thế mới biết rằng người ta sinh ra ai cũng mắt mũi như nhau, nhưng ăn ở thế nào thì rồi quen thế. Mũi tuy vẫn thích của thơm, nhưng đã ngửi mùi thối quen đi rồi, thì dẫu thối đến đâu cũng không biết thối nữa. Mắt tuy vẫn thích trông cái sạch cái đẹp, nhưng đã trông cái bẩn cái xấu quen đi rồi, thì dẫu bẩn và xấu đến đâu cũng không biết là bẩn, là xấu nữa. Cũng vì thế cho nên những người mà cả đời chỉ trông thấy những điều đê hạ và chỉ làm những điều đê hạ, thì dẫu làm việc gì cũng chỉ giở những ngón đê hạ ra, mà vẫn không biết là mình làm điều đê hạ. Suy đó thì biết cái thói quen quan hệ cho sự giáo dục của người ta là thế nào.
Những người Khách ở vùng tôi đã đi qua, có cái thói quen ở bẩn rất lạ. Cứ theo như phép vệ sinh ngày nay thì tưởng họ chỉ những yếu đau cả đời là phải. Thế mà không, người nào cũng to lớn lực lưỡng, mà trông thấy họ làm ăn thì thật là khỏe mạnh. Một người họ có thể làm gấp hai người ta, mà xem họ làm cái gì cũng chăm chỉ lắm, chứ không lười biếng chút nào cả. Có một điều, họ làm việc gì xem ý không muốn người ta cai quản. Bất kỳ việc gì, định làm thế nào, bao giờ xong, thì bảo họ, rồi cứ để họ nghỉ lúc nào, làm lúc nào mặc họ, thế là tự họ cố sức làm xong, chứ họ không muốn có người hạn chế sự làm sự nghỉ của họ. Ấy là cái tính tự nhiên của người Khách như thế. Họ thường có lắm cái tính rất tốt mà xưa nay không nói đến, không có tiếng mà gọi, như tiếng tự do, bình đẳng, đoàn thể đều là tiếng mới đặt ra, chứ trước là không có sách vở nào nói đến cả. Thế mà dễ chừng chưa có người nước nào tự do và bình đẳng bằng người Tàu. Không biết ở những chỗ trung châu bên Tàu phân biệt trên dưới thế nào thì tôi không rõ, chứ cứ như những cách làm ăn cư xử của những người Khách ở bên ta và ở vùng Đông Hưng, Móng Cái, thì thật là tự do và thật là bình đẳng. Đi ngoài đường thì bất kỳ người làm quan, người đi buôn, xem ai cũng như ai cả, gặp người quen biết cũng chào hỏi như thường mà thôi. Ngay ông quan coi đồn Đông Hưng, gọi là doanh trưởng, ngang hàng với quan đại úy tức là quan ba bên Tây, mà đứng giữa rạp làm chay cầm tấm mía ăn, như mọi người, chứ không trông thấy cái gì là uy vệ ông quan cả. Chỉ trừ lúc nào có việc công, có lính tráng theo hầu mới ra dáng ông quan mà thôi. Đến những nhà buôn bán thì người làm công với chủ nhà không còn phải lễ phép gì cả. Trên dưới một loạt, ngồi ăn với nhau một bàn, ai ăn đứng dậy xới lấy cơm mà ăn, chứ không ai hầu ai. Công việc thì ai phải làm việc gì cứ tự nhiên làm, có khi ông chủ phải làm mà người làm công ngồi chơi, ung dung tự nhiên, mà việc gì cũng không đến nỗi trễ nải.
Có lắm nơi cả đời chỉ nói sự tự do, bình đẳng, mà kỳ thực thì rất hay phân biệt. Thậm chí có nơi những người giàu có sang trọng không đi chơi ngày chủ nhật sợ lẫn với những người thuyền thợ. Như thế thì cái tính tự nhiên của người Tàu có phần hay hơn.
Đi đến những xứ người Tàu ở thì xem ra cả cái tâm lý của họ chỉ ở chữ tài, là của. Người quen kẻ thuộc gặp nhau ngoài đường ngoài phố hỏi thăm nhau, mở miệng ra là hỏi có phát tài không. Vào nhà nào, bất kỳ sang hèn cũng thấy chữ phát tài, tiến tài, hoặc để thờ hai bên cửa, hoặc để thờ trong nhà. Cũng có nhà mua cái tranh ông thần Tài để thờ ngay chính giữa nhà. Đến đám chay, đám tế lễ, làm những hình nhân bày trước sân cũng làm tay cầm lá cờ đề bốn chữ: nhất kiến phát tài.
Chữ tài xem như là cái cực điểm của người Khách, hình như họ cho nhất sinh của người đời chỉ đem tâm trí vào sự làm giàu là hết, chứ không cần phải tư tưởng cao xa thâm viễn làm gì.
Vì họ chủ vào sự tài lợi như thế, và lại có cái tính rất kiên nhẫn, cần kiệm, cho nên họ đã ở đâu là không những là không ai cướp được quyền lợi của họ, mà họ lại lấn dần dần mất cả cái quyền lợi của người ta được. Nhất là khi nào có việc gì dính dáng đến cái quyền lợi của họ thì họ có cái tính liên lạc rất lạ: chỉ một vài người đứng lên bảo nhau một tiếng là cả đoàn thể ai cũng theo. Ở Móng Cái có một việc cỏn con như thế này mà họ làm đến quan cai trị ở đấy cũng phải chịu. Độ vừa rồi cái cầu sắt ở Móng Cái sang Đông Hưng lâu ngày hỏng nát, phải chữa lại. Quan binh ở Móng Cái cho một người bắc cái cầu tre để đi tạm trong khi phải chữa cầu sắt. Nhân làm cái cầu tre ấy cũng phí tổn mất ít nhiều, quan mới cho người đứng lên làm cầu được phép thu ai đi qua lại mỗi người một xu. Thế mà Khách ở Móng Cái và ở Đông Hưng nhất định không chịu, họ bảo nhau bỏ tiền ra tìm chỗ đất của họ đã thuê bên ta rồi, làm cái cầu khác mà đi, chứ không chịu đi cái cầu của ta đã làm. Sau quan thấy thế cũng hạ lệnh bắt không được thu tiền nữa, thì họ mới đi cái cầu ấy. Thế mới biết rằng hễ việc gì mà làm thiệt cho họ một đồng xu là họ cũng không chịu. Cũng như sự buôn bán ở bên Móng Cái ta cũng thế, thường là chỉ người ta đi mua hàng ở hiệu Khách, chứ Khách không chịu mua gì ở hàng ta bao giờ. Hễ mà lúc nào An Nam ta có ai định mở cửa hàng buôn bán ganh nhau với người Khách thì họ bảo nhau mua đắt bán rẻ làm thế nào cho mình đến vỡ cửa hiệu, thì họ mới thôi. Người mình phần thì đã không sành nghề buôn bán, lưng vốn lại ít, phần thì bảo nhau không được, cho nên không thể nào buôn bán ganh được với người Khách.
Trừ cái tài buôn bán và cái tính chịu khó làm lụng của họ ra, thì cái phong tục của họ thật là đồi tệ. Ta xưa nay vẫn theo văn minh của Tàu, cương thường luân lý đều bắt chước Tàu cả, chắc ai cũng yên trí rằng dẫu ở chỗ nào phong tục của họ cũng tốt. Thế mà người Tàu ở mạn Đông Hưng và mạn Hải Ninh có lắm tục thật là dã man, như là tục giết con gái và tục bán vợ. Người ta nói rằng ở bên Tàu có con gái gả chồng, cha mẹ phải sắm sửa đủ mọi vật, từ đồ trang sức, áo quần, đồ ăn, thức đựng, cho đến cái chổi quét nhà, cái đế đựng nồi, là phải sắm hết cả. Bởi vậy cho nên họ sợ đẻ con gái. Thường có người đẻ ra là họ bóp chết đi. Cái điều đó thì mắt tôi không trông thấy, nhưng mà người ở mạn Hải Ninh ai cũng nói như thế cả. Tôi tưởng cái tình thân của người ta thì thật không gì bằng cha con mẹ con, thế mà họ vì một chút lợi mà nhẫn tâm đem con giết đi: vậy thì không biết ông thần Tài có phép thần thông gì mà làm cho người ta thành ra tàn nhẫn được như thế! Không biết có phải là tại cái tục dã man hay giết con gái đi, hay là tại thế nào thì không rõ, nhưng đi ở những phố bên Đông Hưng thật thấy cái số đàn bà ít lắm. Giá gặp 10 người thì chỉ thấy độ 3, 4 người đàn bà con gái mà thôi. Có người nói rằng cũng vì hiếm đàn bà thế cho nên họ cứ hay đi mua những con gái của ta bọn mẹ mìn bắt được đem sang bán ở bên ấy.
Những người Tàu ở vùng ấy lấy vợ không gọi như bên ta là cưới vợ, nhưng gọi là mua vợ. Người Khách mua người vợ về ăn ở với nhau năm bảy năm, hễ làm ăn phát đạt thì thôi, nếu có xẩy ra sự gì khó khăn hay là làm ăn không được tiện lợi thì người chồng lại đem bán đi, dẫu có con cái rồi cũng mặc. Ngay những vùng ở bên Hải Ninh cũng có cái thói ấy. Khi tôi đi qua Tiên Yên có người nói chuyện rằng: vừa mới được mấy tháng nay có một chuyện người Nùng đem bán vợ. Người vợ cũng là người Nùng, trạc chừng gần 30 tuổi, lấy nhau đã được non 10 năm rồi, mà con cái chưa có. Một hôm bỗng có người khách lạ đến nhà, và lại thấy ý người chồng hơi khác, người vợ mới bảo chồng rằng: “Nếu anh không thương yêu tôi nữa, thì cho tôi về với mẹ tôi, và bao nhiêu tiền anh mua tôi ngày trước tôi sẽ trả lại anh, chứ đừng đem tôi bán cho ai, vì rằng mẹ tôi chỉ có một mình tôi là con mà thôi”. Người chồng nói lảng đi, rồi được ít lâu bảo người vợ rằng: “Ở bên Tàu có người sẵn lòng thuê cả hai vợ chồng ta, vậy ta sang đấy làm ăn có lẽ tiện lợi hơn”. Người vợ vô tình nghe lời theo chồng sang Tàu, vào ở nhà người khách đã thấy đến nhà mình độ trước. Ở được hôm trước, hôm sau người chồng bỏ trốn đi mất, rồi người khách kia đến nói rằng: “Chồng chị đã bán chị cho tôi lấy 60$00, thì từ bây giờ chị là vợ tôi”. Người vợ lúc ấy thân cô thế cô chẳng làm sao được, cũng đành phải chịu. Nhưng được mấy ngày lại trốn về bên ta được. Người Khách mất vợ mới đi thưa quan bên Tàu. Quan bên ấy tư sang cho quan bên Hải Ninh, quan binh giao việc ấy cho châu sở tại xét xử. Quan châu mới đòi cả hai vợ chồng tên Nùng đến nha, hỏi người chồng thì nó nói rằng: vì vợ chồng ăn ở không hợp cho nên nó phải bán đi. Người vợ nói rằng: “Trước tôi đã xin trả tiền lại cho anh ấy để tôi về với mẹ tôi mà anh ấy không cho”. Quan hỏi ra là tên ấy đem vợ bán đi thì được 60$00, chứ để vợ nó trả tiền lại thì chỉ có 40$00 mà thôi. Rút cục lại là chỉ vì có hơn kém 20 đồng bạc mà nó làm điều bất nhân bạc nghĩa như thế. Anh Nùng ấy đã khéo tính, nhưng chẳng may người vợ lại trốn về được, thành ra không xong, quan phải bắt tên Nùng trả 60$00 cho anh Khách đi mua vợ hụt. Còn người vợ muốn cho anh bạc tình kia khỏi lôi thôi, xin với quan cho đem 40$ nộp ngay trước mặt quan để trả lại cho nó. Anh Nùng kia điềm nhiên nhận lấy 40$ mà phàn nàn rằng: “Thế này ra tôi mất mất 20 đồng”. Lạ thay không biết cái hơi đồng tiền có cái mãnh lực đến thế nào mà làm cho con người ta không còn biết gì là liêm xỉ, không biết gì là tình nghĩa nữa. Cái ma lực đồng tiền mạnh thật! Không trách mà thiên hạ phải khổ sở điêu đứng vì tiền!
Chuyện tôi vừa nói đó tuy đã là lạ, nhưng chưa bằng chuyện này chính quan châu ở Hà Cối nói với tôi rằng: Năm ngoái ở châu ấy có xử một việc rất kỳ quặc, nhất là về đường luân lý, đường phong tục thì thật là mọi rợ vô cùng. Có hai vợ chồng một nhà Nùng lấy nhau đã có con có cháu, thế mà người chồng còn đem bán vợ đi. Mà người vợ cũng đã gần 50 tuổi, thế mà hãy còn có người mua! Nhân vì em người vợ đến kêu với quan Châu. Quan bảo về làm đơn để quan xét cho. Sau đòi cả hai bên cùng con cái lên nha để hỏi đầu đuôi. Người chồng mua vợ nói rằng: “Tôi một mình làm ăn khó nhọc, muốn mua một người về trông nom giúp đỡ”. – Người chồng bán vợ nói rằng: “Tôi mua nó đã lâu, nhưng bây giờ cái số không ở được với nhau, cho nên tôi phải bán nó đi”. – Hỏi người vợ rằng bây giờ muốn ở với người chồng cũ hay là đi với người chồng mới, thì trả lời rằng: “Nó đã bán tôi đi thì tôi đành chịu vậy, chứ về ở với nó cũng không ở được nữa”. – Sau quan hỏi mấy đứa con rằng: “Cha chúng bay tệ bạc như thế, nhưng chúng bay là con mà lại không thương xót mẹ hay sao? Sao mà chúng bay không tìm cách mà can ngăn đi, lại để làm như thế sao cho đành lòng?” – Mấy đứa con dửng dưng mà trả lời rằng: “Vợ cha chúng tôi thì cha chúng tôi bán, việc gì đến chúng tôi”. Quan thấy cũng chán đuổi cả chúng nó về, bởi vì cái phong tục đã đồi tệ như thế, luật phép cũng chẳng làm gì được. Vả quan ở ngoài ấy cũng vụ lấy yên việc thì thôi, cho nên để mặc chúng nó. Nhưng tôi thiết tưởng rằng vợ chồng ân ái mà có người đơn bạc, đã là quá lắm rồi, chứ mẹ con là tình nghĩa dưỡng dục sâu xa nặng nề biết là bao nhiêu, thì còn cái gì là cái ngăn trở làm cho con không yêu kính mẹ được. Thế mà nghe mấy lời những đứa con ấy nói như vậy, thì có khác gì những giống cầm thú không?
Cái tục bán vợ là có lẽ gần khắp cả tỉnh Quảng Đông như thế. Tôi không đi đến những nơi khác, không biết được rõ, nhưng nghe người ta nói thì cái tục ấy nhiều lắm. Hiện nay ở Móng Cái có một bà lão, bây giờ đã già mà đói khổ lắm. Bà ấy nói là người Nam Định, thuở nhỏ bị mẹ mìn bắt đem sang bán bên Quảng Đông, rồi bị bán đi bán lại đến sáu lần. Sau già yếu không ai mua nữa, mới lần về Móng Cái đi ở với người ta mà ăn. Tuy rằng biết là người Nam Định, chứ cũng không rõ ở làng nào, mà bà con có những ai cũng không biết, vì thế cho nên đành chịu ở Móng Cái vậy.
Trông thấy tình cảnh bà lão ấy mà nghĩ đến những đứa con gái ta bị bắt đem bán cho những giống cầm thú mặt người kia, thì lại thương xót là dường nào! Đau đớn là dường nào!
Cái luân lý người Khách ở trong nhà về đường vợ chồng con cái thì bậy bạ là như thế, nhưng ở trong họ với nhau thì họ có cái đoàn thể rất lạ. Những nhà của người Khách và người Nùng thì không có bàn thờ ông vải như những nhà ta, nhưng mà các họ lớn thì có nhà Từ đường để thờ tổ tiên. Những Từ đường ấy thường làm ở giữa, những nhà họ hàng ở chung quanh. Trong một họ có lệ luật riêng. Ai phạm điều gì thì hàng họ có thể bắt phạt, có thể trừng trị được.
Nhà Từ đường lại có tiền để cứu giúp những người trong họ. Tiền ấy thì mỗi năm hàng họ cắt hai người làm thủ quỹ, để kiếm cách mà sinh lợi ra. Trong họ ai đi buôn bán lỡ có thua lỗ thì hàng họ cấp vốn cho để gây dựng lại cơ nghiệp. Cấp cho một lần không được, lại cấp cho lần thứ hai, đến lần thứ ba là thôi, hàng họ không giúp nữa. Nếu ai được cái tiền của hàng họ giúp cho mà làm ăn lại phát đạt lên, thì phải đem cái tiền vốn về trả họ, rồi muốn cúng vào nhà Từ đường bao nhiêu nữa thì cúng.
Trong họ có ai đi buôn bán xa xôi, chẳng may mất đi, vợ con đem nhau về ở nhà Từ đường thì họ cấp nhà cho mà ở, và tiền cho mà ăn tiêu. Còn hài cốt thì họ sẽ trù tính để đem về quê quán. Vị cái tình liên lạc như thế, cho nên cái gia tộc của người Khách thật là bền chặt lắm.
Cái tục làm nhà Từ đường như thế thì thật là hay, nhưng xem ra thì người Khách chỉ chuyên trọng về đường thực tế, làm ăn mà thôi, chứ về đường thờ phụng thì họ cẩu thả lắm, không thành kính như bên ta. Đến những sự tin tưởng thần thánh họ cũng cẩu thả một cách khác thường. Mấy hôm tôi ở Móng Cái, bên Đông Hưng có mở một cuộc làm chay to lắm. Là vì năm ngoái ở bên ấy có bệnh dịch, người chết nhiều lắm, lẽ ra thì độ trong năm nọ đã làm chay rồi, nhưng vì bên Tàu còn loạn lạc, quân gia còn đánh lẫn nhau, cho nên không dám mở hội. Đến đầu năm nay người ta sợ để lâu không tiện, mới phải thuê lính để phòng giữ và mở hội làm chay. Lúc đầu tôi mới nghe nói có hội, trong bụng đã lấy làm mừng, chắc được xem một hội to ở đất Tàu. Nhưng khi sang đến chỗ mở hội, thì chỉ thấy la liệt những bàn đánh bạc, mà bàn nào cũng xúm xít những con bạc. Vào đến chỗ làm chay thì thấy ở bên hữu có cái rạp đề chữ “Chiêu đãi xứ”, là chỗ tiếp khách, bên tả thì có một dẫy rạp, bày những cỗ bàn, thịt cá rất nhiều. Cái rạp thờ ở giữa thì có mấy cái tranh vẽ tượng Phật treo lên cái lá cót chăng thẳng, và trước những cái tranh ấy có cái bàn dài bày ba cái lư hương bằng chậu sành. Ở giữa lư hương thì cắm mấy nén hương, chung quanh những nén hương ấy thì vô số là những bài vị làm bằng mảnh giấy đỏ dán vào cái que đề là Thái thượng Lão quân thần vị, Ngọc hoàng thượng đế thần vị, Cửu thiên huyền nữ thần vị… Cả cái bàn thờ chỉ có thế mà thôi. Lúc cúng thường thì có một người thầy cúng cầm quyển kinh ngồi đọc danh hiệu các vị thần, đọc đến vị nào thì phục xuống lạy một lạy. Được một chốc người nấu bếp đem đồ cúng ra thì bày mỗi nơi ba bốn đĩa con: đĩa thì có mấy cái măng khô, đĩa thì có mấy cái miến sống và một đĩa nữa có mấy cái kẹo đường. Còn những người thập phương đi lễ, người thì đứng ngoài xa, người thì đứng sau lưng người ta, khấn vái một lúc rồi trở ra. Đến lúc đại lễ thì có bọn thầy phù thủy mấy người: người thì ngồi để ngực để bụng ra, người thì ngồi vén đùi vén vế, đánh thanh la, đánh nạo bạt và thổi tù và. Một người mặc áo cà sa làm phù phép và đọc những kinh kệ gì đấy. Những người ngoài thì ra vào nói cười xôn xao, không có cái gì là thành kính cả.
Thiết tưởng rằng sự cúng tế là do sự tin tưởng của người ta, cho là sự họa phúc ở trên trần gian này đều bởi những vị thần linh chủ trương, cho nên mới lấy sự kêu cầu mà xin điều lành tránh điều dữ. Tin tưởng như thế, phải hay là trái thì tôi không được rõ, những dẫu thế nào mặc lòng, đã tin là có thần linh thì tất là phải lấy lòng thành kính mà thờ phụng chớ sao lại cẩu thả như cách của người Tàu được. Nó cũng bởi sự học hành kém cỏi. Không biết ở những nơi trung châu bên Tàu thế nào, nhưng ở miền biên thùy như ở vùng Đông Hưng thì sự học hành không có gì. Người ở đấy đi học thì chỉ vụ lấy biết viết biết đọc rồi là xoay ra làm ăn chứ không thấy nói có ai có học thức gì. Còn những sự thờ cúng thì đều do bọn đạo sĩ tức là bọn thầy pháp, thầy phù thủy, họ bảo thế nào thì người ta theo thế. Mà bọn ấy thường là bọn ngu dốt, chỉ khôn khéo về đường lấy sự yêu ma thần thánh để đánh lừa người ta mà kiếm ăn. Lại nhân người Khách cũng như người mình hay tin nhảm, cho nên bọn ấy lại càng dễ mê hoặc người ta lắm.
Ở Đông Hưng có đền thờ Quan Công, có đền thờ bà Thiên Hậu, có nhà thờ đạo Thiên Chúa, nhưng không có chùa thờ Phật. Ở gần đấy có cái đền thờ Mã Viện làm trên cái đồi đối với Hổ Sơn bên ta. Đền ấy làm như hình con sư tử hay là con hổ gì đấy, nghĩa là ở trên cao thì có hai cái cửa sổ tròn, tức là hai con mắt nhìn sang nước ta, dưới một tí thì có một cái cửa tròn thật to, tức là miệng con hổ. Ở đằng sau có cái tháp cao độ 5, 6 thước tây, đấy là cái đuôi. Đứng bên ta trông sang, hay là ở đàng xa trông lại, thì cũng có phần to lớn, nhưng đến gần đền xem thật là tồi tàn lắm. Ở trước cửa đền có cái sân lát gạch, vào trong đền ở ngay bên cạnh bàn thờ thấy một đống khố tải[2] đã hẩm nát và một cái chăn bông mục, trông gớm ghê lắm, đấy là chỗ người thủ từ nằm. Ở trên bàn thờ thì thấy có một ngôi tượng bằng trạc đứa bé lên 10 tuổi, nhưng trông cũng thô chuyết lắm. Tượng ấy ngồi chân phải đạp lên cái tượng bé bằng đứa trẻ độ hai tháng, nằm sấp, ngửng đầu lên và thè lưỡi ra. Cái tượng ấy một tay cầm thanh quất giơ lên, một tay hình như nắm lấy tóc cái tượng nhỏ. Người ta nói rằng đấy là người Khách có ý làm Mã Viện đạp chân lên người An Nam. Ở dưới bộ tượng ấy lại có một tượng nữa cũng làm y như bộ trên, nhưng mười phần chỉ nhỏ bằng ba bốn phần mà thôi.
Trên bàn thờ thì trước vẫn treo bức hoành đề bốn chữ: “Uy trấn Nam bang” nhưng không biết tại làm sao mới đây Khách họ làm bức hoành khác, mà đổi đi một chữ: “Uy trấn Nam biên”, còn bức hoành cũ thì treo ra một bên.
Cứ kể khi mới trông thấy thế, thì mình là người An Nam, ai cũng phải lộn tiết muốn đạp đổ nát cả đền. Nhưng nghĩ lại thì chẳng qua người Tàu làm cái đền đó cũng là một trò trẻ con mà thôi. Nhân lúc nước người ta hèn yếu, sang hà hiếp, rồi lại lấy điều đó mà khoe khoang thì cũng chẳng có vẻ vang gì. Vả chăng khi Mã Viện sang đánh ta, lúc bấy giờ nước mình chưa có cái gì là cái hồn nước, dẫu các châu quận có nổi lên theo hai bà họ Trưng mà chống cự với quân Tàu, chẳng qua là sự hoảng hốt trong một lúc, chứ đã có cái gì là bền chặt. Đến khi hồn nước đã tỉnh dậy, người trong nước ai cũng biết lẽ phải lẽ trái, điều hay điều dở, ai cũng đồng tâm hiệp lực, như đời nhà Lý nhà Trần, như đời vua Lê Thái Tổ hay đời Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, thì tuy nước ta nhỏ mọn thật nhưng người Tàu chẳng phải lắm lúc khổ nhục với ta hay sao? Vậy thì người Tàu đã lấy gì làm vẻ vang mà đã vội làm những điều thô bỉ, không hợp với cách lịch sự của hai nước lân bang, để giữ lấy cái tình hòa hảo có hơn không? Người Tàu ở những nơi biên địa như những vùng gần Hải Ninh thường sang ăn nhờ bên ta, mà lại tỏ ra lòng khinh bạc như thế, chẳng qua là vì người mình khờ dại ngu hèn chỉ biết ganh đua nhau cái danh giá hão ở chỗ xó làng, chỉ ỷ quyền ỷ thế bắt nạt lẫn nhau, chứ ra ngoài thì ai khinh bỉ thế nào cũng phải chịu.
Nhất là về mạn Hải Ninh, người mình kém hèn lắm, chỉ trừ làng Trà Cổ có người đi buôn bán làm giàu làm có, trong làng có nhà ngói nhà gạch trông còn ra dáng một tí, còn thì khổ sở hèn hạ quá chừng. Thường những cái quyền lợi ở trong tay mình cũng đem trao cho người ta cả. Ruộng đất thì chỗ nào tốt là người Nùng chiếm giữ mất cả, trừ những chỗ làm gì không được mới là của mình. Nghề nghiệp thì chỉ có chài lưới để kiếm ăn lần hồi. Mà đánh được cá cũng không biết làm gì để sinh lợi, lại đem bán buôn cho người Khách, người ta đem muối đi, đến lúc mình dùng đến lại đi mua, đắt gấp mấy cái giá mình đã bán. Thậm chí cái rau, củ khoai của mình trồng ra được cũng đem bán cho Khách, rồi sau lại sang mua lại mà ăn. Thành ra mình chỉ làm khó nhọc mà bao nhiêu cái lợi là người ta hưởng hết cả. Hỏi làm sao ta cứ đem bán cho Khách như thế, mà lại không bán cho người mình? Là vì cả cái vùng Ninh Hải có ai là người buôn bán ra trò đâu. Bởi thế cho nên người nhà quê có cái gì đem lên chợ bán cũng vụ bán cho mau để lấy đồng tiền mà về. Bán cho người mình thì không có ai mua được nhiều, tất là phải đem bán cho Khách, hễ được giá là bao nhiêu họ cũng mua. Nghe đâu một đôi khi cũng đã có người mở cửa hàng buôn bán để ganh với Khách, nhưng vì thường người mình vốn liếng đã ít mà nghề buôn bán lại không sành bằng họ, cho nên không ai đứng được lâu. Người mình lại có cái tật bán cái gì giá cũng đắt hơn của người ta, và đã có cái cửa hàng lớn một tí là lên ngay mặt ông chủ, chỉ hòng lo làm ông Hàn nọ ông Nghị kia, thành ra công việc thường chẳng bao lâu mà hư hỏng. Chứ người Khách thì không thế, đã đến sự buôn bán thì họ rất tinh khôn, kiên nhẫn và cần kiệm. Đã thế, họ lại có cái tính rất quả cảm: thấy việc gì có lợi thì bao nhiêu họ cũng làm. Bởi thế cho nên nhiều người đang không có gì, mà chỉ trong mấy năm đã giàu to rồi. Cũng lắm khi lỡ ra mất cả vốn liếng: có người đang có năm bảy vạn, chẳng may vấp một cái mất sạch cả, lại mang cái khăn gói đi làm thuê, dửng dưng như không vậy. Cái tính kiên nhẫn như thế thì làm gì chẳng được. Mà dẫu giàu có họ cũng không phải vì có tiền bạc mà kiêu ngạo gì, chỉ vụ lấy việc làm giàu mà thôi, chứ không cần gì cái danh giá hão. Bởi thế cho nên cách ăn ở của họ với nhau thật là bình đẳng, mà công việc của họ làm thường được bền chặt lắm.
Về đường công nghệ thì cả tỉnh Hải Ninh chỉ có nghề làm bát ở Móng Cái là thịnh nhất. Nhưng đấy là của Khách, chứ ta không có phần gì. Đâu trước có một hiệu mấy người ta cũng có phần, nhưng sau phải nhượng lại cho người Khách cả. Hiện bây giờ cả thảy có chín cái lò thật to. Đất làm bát và thuyền thợ đều đem ở bên Tàu sang, chứ ta không được một tí lợi nào vào đấy cả. Nguyên tại làm sao mà Khách lại sang thuê đất ở bên ta? Là vì những bát đĩa làm ở Móng Cái cốt để bán cho An Nam ta, vậy sang thuê đất bên ta thì họ khỏi phải chịu cái thuế nhập cảng, như thế thành ra họ đã được một mối lợi to rồi. Những đồ họ làm tuy không đẹp nhưng trông cũng sạch sẽ hơn những đồ đàn đồ phố của ta vẫn thường dùng, mà giá bán lại rẻ. Những bát đĩa họ bán đại khái theo giá sau này:
Bát ăn cơm, hạng bé, mỗi chục giá: 0$28; hạng nhỡ: 0,40
Đĩa cũng một giá như bát.
Bát đựng canh, hạng bé, mỗi cái: 0,15; hạng nhỡ: 0,20
Bình tích, hạng bé, mỗi cái: 0,10; hạng nhỡ: 0,15
Nậm rượu, lọ đựng nước mắm, mỗi cái: 0,10
Chén và thìa thì mỗi chục: 0,10
Đĩa con đựng nước mắm, mỗi chục: 0,10
Lọ con đựng hoa, một đôi: 0,15
Lọ đựng hoa lớn thì một đôi độ 0$15, 0$70 hay là 1$00.
Những đồ ấy bán rẻ như thế, mà lại tiện cho người ta dùng, cho nên mỗi năm nước ta tiêu thụ đến 5,6 triệu cái, tính ra cũng đã mất khá tiền.
Tôi xem nước nào cũng lo làm những đồ cần dùng cho người trong nước để giữ lấy mối lợi, không cho người ta tranh chiếm mất. Mà nước mình từ xưa đến nay cứ nghiễm nhiên đem tiền đi mua của người mà dùng, mà không biết nóng ruột. Những đồ bát đĩa để ăn uống cũng đi mua, những vải lụa mặc vào người cũng đi mua, đôi bít tất, đôi giầy, nhất nhất là phải đi mua của người ta cả, chứ người mình không làm được cái gì ra trò cả. Có làm thì xấu xí mà bán lại đắt, thì còn cạnh tranh với người ta sao được. Ai đi mua mất tiền lại không muốn mua đồ tốt mà rẻ. Vậy thì ta phải làm thế nào, dẫu không được tốt đẹp hơn, thì cũng bằng của người ta, mà giá lại bán rẻ hơn thì mới nói ganh với người ta được. Hãy tính rằng những đồ ở ngoài đem vào bán thường phải thuê công đắt, lại phải tiền thuyền tiền tàu chở đi, rồi lại thuế nọ thuế kia, sao mà người ta bán được rẻ. Mà mình ở ngay nước mình, người nhiều, sản vật cũng sẵn, sao mình không làm được? Ta phải lưu tâm về cái vấn đề ấy mà tìm cách làm ăn thế nào, chứ cứ chịu ép một bề mãi, thì không biết đời nào cho khá được.
Ấy là về đường công nghệ, thì ta thua kém người Tàu rồi, nhưng đến cách làm ruộng làm đất, ta cũng thua kém họ. Tôi đi từ Móng Cái về đến Tiên Yên vừa ba ngày ròng rã, mà chỉ thấy toàn là người Nùng làm ruộng hết cả, chứ không đâu thấy có người ta. Đi bên nước ta mà chẳng khác gì đi ở bên đất Tàu vậy. Ở ngoài ấy tuy gọi là đường ngược, chứ ruộng đất có khác gì trung châu là mấy. Những nơi như vùng Hà Cối, vùng Đầm Hà và Hà Thanh thì đất thật tốt, thế mà người Nùng chiếm giữ mất cả.
Hỏi ra thì nguyên trước ở ngoài ấy người mình ở cũng nhiều, nhưng vì phải những năm loạn lạc như lúc quí quốc mới sang, bọn Nùng và Khách họ hà hiếp người mình, có khi chúng nó kéo đến cướp phá các làng, rồi bắt được ai là người có ruộng có đất là chúng nó làm cực khổ đủ mọi điều, đến bao giờ chịu làm văn tự nhượng không ruộng đất cho chúng nó thì chúng nó mới tha. Vì thế cho nên người mình cứ xiêu bạt mãi ra mạn bờ bể đi làm nghề chài lưới kiếm ăn. Lại còn một lẽ nữa, là người mình lười biếng, và lại không biết phòng xa, dẫu có ruộng đất rồi dần dà cũng bán cho Nùng cho Khách hết cả. Cái cách làm lụng của họ đối với cái tính cẩu thả của người mình thì làm gì mà họ chẳng chiếm đoạt được cả mọi lợi quyền. Hãy nói một người Khách ở bên Tàu sang, nghèo đói không có gì cả, đến làng kia vào nói với một người có ruộng, xin thuê độ dăm bảy sào để làm ăn. Hễ nó đã thuê được thì nó hết sức làm lụng để dành để giụm được bao nhiêu, lừa lúc nào nhà chủ ruộng túng tiền, thì nó đem đến gửi mà không lấy lãi. Khi năm đồng, khi một vài chục, cứ dần dần tích tiểu thành đại. Bao giờ tính cộng lại được độ một vài trăm và nó đã tìm được cách nhập tịch An Nam rồi, thì nó đợi lúc nào nhà chủ không sẵn tiền, nó đến đòi cái tiền nó đã cho vay trước, nói có người bán ruộng, để lấy cái tiền ấy mà mua. Nhà chủ đang phải lúc túng, mà nó xưa nay cho mình vay không có lời lãi gì và nó lại nói mua ruộng, thì bảo ngay rằng: “Có phải anh mua ruộng thì tôi bán cho anh cái ruộng đang làm đấy”. Nó đã dụng tâm như thế thì làm gì mà nó không mua được, mà nó đã mua được một đám, tất là rồi thế nào nó cũng mua được đám khác, lâu ngày thành ra bao nhiêu ruộng của ông chủ cũ về tay nó cả. Mà cách nó làm ruộng thì chăm chỉ vô cùng, không lúc nào là để đất bỏ không. Có người đi đâu xa thì chớ, chứ đi gần thì bao giờ cũng phải về nhà mà đi tiểu, để lấy làm phân cho tốt ruộng. Cũng có người nhà giàu có, mà đến chiều lại tay xách cái sọt đi nhặt phân. Cần kiệm như thế, thì làm gì mà không giàu. Ngay ở Đàm Hà có một nhà Nùng, gọi là Phúc Hưng, chỉ có nghề làm ruộng mà thôi, mà bây giờ giàu đến 30, 40 vạn bạc. Người ta nói rằng đời ông ở bên Tàu sang thì thật là đói khổ, chỉ thiếu một nỗi đi ăn mày mà ăn, thế mà bây giờ giàu thế.
Hiện như bây giờ cả một tỉnh Hải Ninh, bao nhiêu quyền lợi, mười phần thì chín phần rưỡi vào tay người Khách và người Nùng hết cả. Ai đi đến đấy trông thấy tình cảnh như thế, cũng phải lấy làm nóng ruột.
Nùng là người ở bên Tàu sang làm ruộng ở bên ta, lâu ngày họ nhập tịch làm dân An Nam. Tuy rằng nói nhập tịch dân ta, để lấy cái quyền lợi làm ăn, nhưng họ vẫn tự xưng là người Tàu, vẫn giữ ngôn ngữ, y phục, phong tục bên Tàu. Họ hàng bà con ở bên Tàu vẫn đi lại. Ở bên ta là chỗ trú chân làm giàu đó mà thôi. Hễ ở đâu mà làm ăn phát đạt thì họ sinh cơ lập nghiệp ở đấy, nếu làm ăn mà không tiện lợi hay là có điều gì ngăn trở thì lại bỏ về Tàu. Hãy xem như khi còn triều nhà Thanh thì họ để bím, sau bên Tàu cắt tóc thì chúng nó cũng cắt tóc cả. Bây giờ bên Tàu làm lễ kỷ niệm Quốc dân Cộng hòa thì ở bên này họ cũng mở hội, kéo cờ theo như bên Tàu. Thế nhưng mà đối với nhà nước, họ vẫn là dân nước Nam, chỉ phải chịu sưu chịu thuế như người An Nam, nhưng họ được quyền mua ruộng mua đất, mà lại không phải chịu cái tiền thuế thân như những người Khách sang ngụ cư bên ta. Như thế ra họ được nhiều điều tiện lợi lắm.
Cái lệ cho người Tàu nhập tịch bên ta, là phải có lý dịch nhận thực là người sinh đẻ ở bên này đã lâu đời thì mới được. Nhưng phải biết rằng ở vùng Hải Ninh, các lý dịch phần nhiều là người Nùng cả. Giả có một người ở bên Tàu sang làm ăn bên ta, nó ở được ít lâu rồi nó kiếm cái gì đút lót cho bọn lý dịch thì người ta nhận thực cho là người sinh ở bản xứ. Ấy thế là dân nước Nam. Vả lại ở ngoài Hải Ninh, toàn tỉnh chia năm thì bốn phần người Nùng, cho nên quan trên cũng muốn êm việc thì thôi, và những điều giả dối ấy cũng chẳng ai bới móc ra làm gì.
Tôi thiết tưởng cứ theo lẽ công bằng thì những người Tàu đã nhập tịch làm dân nước Nam là được cái quyền lợi làm ăn, lại được Nhà nước bênh vực, thì trước hết phải nói tiếng An Nam, ăn mặc theo An Nam và phải theo phong tục An Nam là phải. Có thế thì mới giữ được những người bên Tàu không sang xâm chiếm mất cái địa vị của người mình.
Nhưng có người lại nói rằng Nhà nước bây giờ còn đương trù tính cải cách giáo dục để người mạn ngược nói tiếng mạn ngược, chứ không cần dạy cho họ biết tiếng An Nam, làm thành ra như là những dân ở mạn ngược xưa nay không phải là dân nước Nam vậy. Ở trong nước có năm bảy chủng loại, không am hiểu ngôn ngữ lẫn nhau, mỗi một nơi một chính trị khác, tựa hồ như phân một nước ra làm mấy nước để cho tiện sự cai trị. Việc ấy thì tôi không được rõ, nhưng cứ như thiển kiến thì không biết có hợp với cái chủ đích bảo hộ của Nhà nước đối với nước ta không, và chưa chắc đã thật có lợi gì cho các chủng loại ở mạn ngược. Vì là dẫu thế nào mặc lòng, ở nước Nam này, thì 10 phần là 9 phần rưỡi người An Nam, mà tự xưa đến nay vẫn giữ cái địa vị chủ gia ông, nếu mà không có người An Nam thì những chủng loại khác có chắc đã làm gì được chưa? Mà ở miền khác thì tôi không được rõ cho lắm, chứ ở miền Hải Ninh mà theo cái chính sách ấy thì chỉ hại cho người mình, mà rất lợi cho người Tàu. Nhưng việc đó là việc chính trị, ta không được bàn đến.
Thưa các ngài,
Câu chuyện tôi nói hầu các ngài đây, nghe hơi rông dài, nhưng thiết tưởng nó cũng có phần lợi ích, là để các ngài biết những cái phong tục và sự làm ăn của những người ở chốn biên địa, biết sự xâm đoạt của người Tàu, nhân lúc nước mình phải buổi nhiễu nhương mà tràn sang lấn mất cả quyền lợi, biết người mình kém hèn, không cạnh tranh được với những người có tính kiên nhẫn và cần kiệm như người Tàu. Biết rõ được cái tình hình như thế, thì có thể mong rằng người mình có ngày hồi tỉnh lại, đem cái tình liên lạc mà bênh vực nhau, cố gắng làm lụng, không ham mê những cái hư danh huyền hão mà bỏ mất cái thực lợi, không có nông nổi mà làm điều thiệt hại cho quốc dân. Hễ chỗ nào ta có một chút quyền, một tí lợi, là ta phải bảo nhau để cố giữ lấy, đừng để cho người ta chiếm đoạt mất. Nếu ta giữ được như thế, và lại biết so sánh cái hay cái dở, điều hơn điều kém của người với của mình, để liệu mà thay đổi dần dần, thì họa may mai sau này nước ta mới có phần tiến hóa được.■ (Hết)
Nguồn: Nam Phong Tạp chí số 71, tháng 5/1923
[1] Diễn thuyết ở Hội Khai trí ngày 29/4/1923
[2] Khố tải: bao tải, bao gai. (BTV)