Geogres Coulet
Lê Hằng Nga dịch
Thờ cúng ông bà tổ tiên là tín ngưỡng thiêng liêng và là một phần không thể không nhắc tới trong văn hóa tâm linh của người Việt. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những ghi chép về tín ngưỡng này trong Chương 3 cuốn Cultes et religions de l’Indochine annamite (Những tín ngưỡng và tôn giáo của người An Nam ở Đông Dương) của tác giả Geogres Coulet xuất bản năm 1929.
Tín ngưỡng thờ cúng ông bà đã xuất hiện trước cả Nho giáo, bởi Khổng Tử đã vay mượn rất nhiều từ tín ngưỡng này. Thậm chí một số người tin rằng chính Khổng Tử là người lập ra việc thờ cúng tổ tiên ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dù không thể xác định chính xác thời điểm ra đời của tín ngưỡng thờ cúng, nó đã xuất hiện từ rất lâu trước khi Nho giáo tồn tại và dường như trong thời đại rất xa xưa, nó là dấu ấn riêng biệt của chủng người gốc Ấn – Âu, Aryan. Liệu có phải người Trung Quốc truyền tín ngưỡng này sang An Nam trong thời kỳ Bắc thuộc dài đằng đẵng? Hay người Giao Chỉ cổ đại – tổ tiên của người An Nam – vốn đã có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của riêng họ, mà người Trung Quốc khi phát hiện ra, thấy tương đồng với tín ngưỡng của mình, chỉ giữ lại, hay nếu muốn, họ điều chỉnh cho phù hợp? Quan điểm về vấn đề này rất đa dạng, và chúng vẫn chỉ là những ý kiến cho tới khi nào khoa học nghiên cứu về thời tiền sử đạt được những tiến bộ lớn hơn.
Dù nguồn gốc của tín ngưỡng này là thế nào đi chăng nữa, việc thờ cúng tổ tiên của người An Nam dường như tồn tại trước cả Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo là điều không thể phủ nhận. Có thể nói, Khổng Tử đã hệ thống hóa tín ngưỡng này trong cuốn Lễ Kinh, một trong Ngũ Kinh – những cuốn sách thiêng liêng của Trung Quốc. Tuy vậy, người An Nam thích dùng một cuốn tổng hợp nghi lễ đơn giản hơn, gọi là Thọ Mai Gia Lễ. Hơn nữa, phần lớn thời gian, họ không sử dụng bất kỳ nghi thức nào: họ chỉ làm theo cách mà họ thấy những người khác làm, và không có bất kỳ linh mục hay người bảo hộ truyền thống nào giám sát hay kiểm soát họ.
Nếu ở Bắc Kỳ tồn tại những đền thờ tổ tiên cộng đồng, nơi các gia đình trong cùng một làng đến đặt các bài vị tổ tiên trên bàn thờ riêng thì việc thờ cúng ở Trung Kỳ và Nam Kỳ chủ yếu mang tính chất tại gia.

Việc thờ cúng này bắt nguồn từ niềm tin phổ biến khắp khu vực người Châu Á da vàng rằng khi qua đời, con người không hoàn toàn biến mất cùng cơ thể của mình. Ở những nơi họ từng sinh sống, một dạng linh hồn vẫn còn tồn tại, quanh quẩn bên những thứ quen thuộc, cần được trợ giúp để vượt qua những thử thách mà linh hồn đang trải qua. Thật vậy, nếu đó không phải là linh hồn thật sự đang trình diện ở âm phủ, nơi tất cả linh hồn phải đi qua trước khi trải qua kiếp luân hồi – thì linh hồn phụ trợ này vẫn gắn kết với linh hồn chính bằng những sợi dây vô hình, và nhiệm vụ của nó là hỗ trợ linh hồn chính, với điều kiện là chính linh hồn phụ trợ ấy cũng nhận được sự giúp đỡ. Chỉ sau một thời gian dài (ba hoặc bốn thế hệ), dạng “bản sao” này mới biến mất, khi linh hồn chính đang chuẩn bị được tái sinh không cần tới nó nữa.
Do đó, ta có thể thấy rằng việc thờ cúng tổ tiên không phải một nghi lễ cố định và vĩnh viễn dành cho một tổ tiên duy nhất. Theo thời gian, người ta sẽ thay thế các bài vị trên bàn thờ, và việc thờ cúng mang bản chất tiếp nối từ thế hệ này truyền lại cho thế hệ tiếp theo.
Mặt khác, cần thừa nhận rằng những tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo có thể hòa trộn cùng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Chúng có thể bổ sung hay duy trì tín ngưỡng này mà không gây ra bất kỳ trở ngại nào. Điều này lý giải cho sự bao dung đặc biệt của người An Nam đối với các tôn giáo, miễn là những tôn giáo ấy cũng có tính khoan dung.
Từ cổ chí kim, từ những người nghèo nhất tới những người giàu nhất, người An Nam đều thờ cúng tổ tiên. Nếu giàu có, họ dành một phòng riêng trong nhà – phòng đẹp nhất, trang trí xa hoa nhất – để đặt bàn thờ tổ tiên. Nếu họ thuộc tầng lớp khá giả nhưng không giàu, bàn thờ tổ tiên sẽ được đặt ở phòng khách, đối diện cửa ra vào. Nếu họ nghèo, rất nghèo, và chỉ có căn nhà tranh nhỏ với một gian duy nhất thì bàn thờ tổ tiên được đặt ở cuối phòng, đối diện với cửa chính. Không bao giờ thấy một ngôi nhà của người An Nam mà không có bàn thờ tổ tiên. Kể cả ở nhà những người trẻ tuổi đạt bằng cấp cao trong hệ thống giáo dục nước Pháp, tôi vẫn luôn thấy bàn thờ tổ tiên, bày biện với sự chăm chút nhất định hay thậm chí là với một niềm tự hào nào đó.

Bàn thờ gồm một mặt bàn vuông, kích thước khoảng 1m x 1m, cao từ 1,5m đến 2m, với bốn chân đỡ. Phía trước bàn thờ có một lư đựng tro thắp nhang, nhang được cắm ngay ngắn. Ở giữa bàn thờ, có một lư hương, hai cây đèn và các đĩa để đồ cúng. Phía sau bàn thờ là một chiếc hộp, phía trước có rèm che (rèm được kéo lên khi làm lễ), bên trong đặt các bài vị tổ tiên.
Bài vị thường có dạng hình chữ nhật với kích thước 0,2m x 0,1m x 0,02m; làm từ gỗ cứng, không bị mục rữa hay côn trùng phá hoại. Bài vị sơn màu đỏ và khắc ba cột chữ Hán ghi ngày sinh, tên của tổ tiên và ngày mất. Trên bàn thờ, các bài vị của ba hoặc bốn thế hệ được sắp xếp theo bậc thang: bài vị của người mới mất đặt ở phía trước trong khi bài vị cũ nhất đặt ở phía sau sẽ được mang đi để thiêu.

Tín ngưỡng này mang tính gia tộc, tức là không ai ngoài thành viên trong gia đình được phép tham gia. Tuy vậy, tất cả những thành viên trong cùng một gia đình đều có nghĩa vụ tham dự, ngay cả khi tồn tại các bất đồng từ nhỏ đến nghiêm trọng khiến họ tránh mặt nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Người thực hiện nghi lễ thờ cúng nhất định phải là gia trưởng, hiểu là người đứng đầu gia đình, trừ khi có khuyết tật thể chất hoặc từng bị kết án đáng xấu hổ. Người đứng đầu thường là con trai trưởng trong gia đình, hoặc nếu người này qua đời hay không còn đủ năng lực pháp lý, con trai trưởng của người đó sẽ đảm nhận vị trí này. Nếu nhánh trưởng không còn ai, trách nhiệm đứng đầu gia đình sẽ chuyển giao cho người con trai thứ hai và dòng nam kế tiếp của nhánh này. Trường hợp người đứng đầu gia đình còn trong độ tuổi vị thành niên, vai trò này tạm thời trao cho trưởng tộc – người lớn tuổi nhất nhánh bên. Nghĩa vụ duy trì việc thờ cúng, vốn có thể trở nên lâu dài và tốn kém, được bù đắp bằng phần tài sản thừa kế gọi là phần hương hỏa, dành riêng cho người đứng đầu gia đình. Phần này thường chiếm khoảng một phần mười tài sản thừa kế, không thể tước đoạt hay chuyển nhượng. Người đứng đầu gia đình chịu trách nhiệm quản lý phần tài sản này nhằm đảm bảo duy trì tốt việc thờ cúng, nhưng thực tế, nó thuộc quyền sở hữu của cả gia đình. Chỉ khi tất cả các thành viên trong gia đình đồng ý, phần này mới được tăng giảm hoặc thay đổi mục đích sử dụng.
Nhờ sự bảo đảm vững chắc này, việc thờ cúng tổ tiên tổ chức vào các ngày cố định: ngày đầu năm mới, ngày rằm tháng Bảy và ngày rằm tháng Mười. Ngoài ra, việc thờ cúng được thực hiện hằng ngày trong suốt 100 ngày để tang sau khi người thân qua đời. Các nghi lễ đặc biệt long trọng hơn cả là ngày thứ 50 và ngày 100 của kỳ tang. Những nghi lễ này có phần đơn giản hơn vào các ngày thứ 7, 14 và 21. Tuy nhiên, nghi lễ trang trọng lại được thực hiện lần nữa vào ngày giỗ đầu và ngày giỗ năm thứ hai kể từ ngày mất. Những nghi lễ nhỏ thực hiện vào ngày giỗ của tổ tiên – những người có bài vị đặt trên bàn thờ. Cuối cùng, mỗi tối, người ta dâng lên một vài lễ vật và thắp hương.

Tuy vậy, việc thờ cúng đôi khi cũng diễn ra ngoài ngôi nhà. Vào thời điểm an táng, người đứng đầu gia đình bắt buộc phải có mặt; ba ngày sau, ông thực hiện lễ dâng cúng đầu tiên cho người đã khuất ngay tại ngôi mộ. Vài ngày trước dịp Tết Nguyên đán, trưởng tộc tập hợp tất cả các gia đình trong dòng họ để dọn dẹp những mộ phần.
Thực chất nghi thức dâng lễ rất đơn giản. Trong ngôi nhà trang trí tựa không khí lễ hội, người đứng đầu gia đình mặc lễ phục tiến về phía bàn thờ. Tất cả thành viên trong gia đình đứng phía sau ông theo trật tự tuổi tác hoặc đứng hai bên. Người chủ gia đình thắp nến và nhang. Một mâm cơm đặt trên bàn thờ, phía trước lư hương cùng với các tách trà và chén rượu, ngay sau khi hoàn thành nghi thức, người ta sẽ ăn mâm cơm này. Người thực hiện nghi thức dâng cỗ quỳ lạy bốn lần, các thành viên trong gia đình quỳ lạy sau ông, hoặc cùng nhau hoặc lần lượt.

Nghi thức rót rượu còn đơn giản hơn: người ta thắp nến và hương. Người ta dâng một chén rượu lên tổ tiên mà họ tưởng nhớ vào ngày hôm đó. Sau đó, người đứng đầu gia đình quỳ lạy vài lần và cả gia đình lặp lại. Một khoảnh khắc mặc niệm để tưởng nhớ bắt đầu. Người đứng đầu gia đình rót từng giọt rượu xuống đất ở vài nơi, sau đó quỳ lạy bốn lần nữa, những người còn lại đều quỳ lạy theo ông. Và thế là nghi thức kết thúc.
Nghi thức đơn giản nhất là thắp hương và đặc biệt phù hợp với việc chào hỏi tổ tiên hàng ngày. Khi kết thúc các công việc trong ngày, người An Nam cởi bộ quần áo lao động, tắm rửa và sửa soạn trang phục chỉnh tề hơn. Khoảng thời gian yên tĩnh trước bữa tối, khi từng nhà thắp lên những ngọn đèn xua đi bóng tối đầy hiểm nguy, người chủ lễ cầm vài nén nhang, châm vào ngọn đèn, quỳ lạy bốn lần khi cầm nhang. Sau đó, ông cắm các nén nhang thơm vào bát hương và ngồi vào bàn ăn. Những người có mặt giữ thái độ nghiêm trang trong suốt quá trình nghi thức diễn ra, đứng yên, nhưng họ không trực tiếp quỳ lạy. Điều đáng chú ý là trong nghi thức hàng ngày này, người mẹ hoặc người vợ thường thay thế người gia trưởng. Đây là nghi thức duy nhất trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà người phụ nữ được thực hiện.


Để kết thúc phần này, cần nhắc lại rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phổ biến rộng rãi tới mức nó trở thành đặc trưng của người An Nam, tín ngưỡng này hiếm khi được thấy ở dạng nguyên bản tinh túy nhất. Người An Nam theo đạo Phật trang trí bàn thờ tổ tiên bằng hình ảnh Đức Phật hoặc một vị thần Phật mà họ đặc biệt yêu thích; một người theo Đạo giáo thêm vào đó những hình ảnh của thần thánh trong hệ thống thần điện Đạo giáo; một người theo Nho giáo không bao giờ quên thể hiện những dấu hiệu của Khổng giáo để bày tỏ sự tôn kính đối với các học giả và tầng lớp quan lại. Tương tự, người theo Công giáo, Tin Lành, những người theo chủ nghĩa tự nhiên hoặc thuyết vật linh ở An Nam cũng thêm vào bàn thờ tổ tiên các biểu hiện riêng của tôn giáo họ. Thậm chí, bàn thờ tổ tiên thường trở thành một nơi trung gian mà tại đó các biểu tượng của các tôn giáo khác nhau, vốn khó có thể hòa hợp ở những địa điểm khác, lại cùng tồn tại một cách hài hòa.
Từ tất cả những điều ấy, ta có thể kết luận rằng, dù là Phật tử hay người theo Đạo giáo, người An Nam trong sâu thẳm vẫn không thể tách rời sự gắn bó bền chặt với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Và chính vì muốn chinh phục người An Nam, hai tôn giáo này buộc phải hòa nhập, đến mức coi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như một phần trong giáo lý của mình.■