Viet-Nam Witness, 1953-1966 / Bernard B. Fall / NXB Frederick A. Praeger 1966
Năm 1958, khi Sài Gòn và Washington ca tụng “câu chuyện thành công” của Nam Việt Nam, Bernard Fall đã dự báo về một cuộc chiến tranh du kích khốc liệt. Quả thực, 5 năm sau, quân đội Mỹ đã sát cánh cùng quân đội Nam Việt Nam trong một cuộc chiến dai dẳng chống lại những người cộng sản.
Năm 1962, Fall phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trả lời bằng thứ tiếng Pháp hoàn hảo, vị cha già của miền Bắc Việt Nam bình thản nói: “Chúng tôi đã chiến đấu ròng rã 8 năm để đánh đuổi Pháp ra khỏi Đông Dương… Mỹ còn mạnh hơn Pháp nhiều, nhưng hiểu biết của họ về chúng tôi thì thua xa Pháp. Chúng tôi có thể phải mất 10 năm để đánh bại Mỹ, nhưng chắc chắn những đồng bào anh dũng của chúng tôi ở miền Nam cuối cùng sẽ làm được điều đó”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với Fall: “Người Mỹ không thích những cuộc chiến dai dẳng – mà đây là một cuộc chiến như vậy. Do đó chắc chắn chúng tôi sẽ chiến thắng”. 4 năm sau, khi Mỹ đổ thêm hơn 250.000 quân vào Việt Nam, cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn.
Năm 1965, Fall trở lại Việt Nam trong chuyến thăm thứ sáu kể từ năm 1953. Là người tận mắt chứng kiến quá trình leo thang của quân đội Mỹ, ông gọi năm 1965 là “Năm của diều hâu” và “Năm của những cơ hội bị bỏ lỡ”.
Giành Giải thưởng George Polk 1966 cho những phóng sự xuất sắc về Chiến tranh Việt Nam, Bernard Fall tập hợp trong cuốn sách Viet-Nam Witness, 1953-1966 (Nhân chứng Việt Nam, 1953-1966) những bài viết tuyển chọn của ông từ năm 1953 đến 1966. Cùng với chương Giới thiệu, bình luận và lời bạt mới viết để đánh giá và dự báo diễn biến cuộc chiến, những bài viết này đem lại một cái nhìn rõ ràng không khoan nhượng về cuộc xung đột đang leo thang ở Việt Nam.
Bác bỏ luận điểm Chiến tranh Việt Nam là không thể tránh khỏi, Fall cho rằng Paris, Sài Gòn và Washington, trong những quyết định hàng ngày của mình, đã liên tục lựa chọn con đường dễ dàng nhất nhưng lại khó có thể đem lại kết quả có lợi lâu dài. Ông chỉ ra rằng sự sụp đổ của Pháp là có thể dự đoán được từ hàng tháng trước thảm bại của họ tại Điện Biên Phủ; làm rõ những điểm mấu chốt của Hiệp định Geneva, ai vi phạm nó và vi phạm như thế nào; và chứng minh rằng thất bại của chế độ Diệm – một chế độ gia đình trị ít được người dân ủng hộ – có thể được tiên liệu ngay từ đầu.
Khi các sự kiên lần lượt diễn ra trong 13 năm cho đến khi Việt Nam trở thành đầm lầy vào năm 1966, nhiều người liên tục đưa ra những nhận định sai lầm, chỉ có số ít người có nhận định đúng đắn. Bernard Fall là một trong số ít đó. Các bài viết của ông – từng đăng trên các tờ The New York Times Magazine, The Nation, The New Republic, The Saturday Evening Post, cũng như các tập san đặc biệt như Foreign Affairs – nay được tập hợp lại trong cuốn sách này, không chỉ là một tuyển tập những dự báo chính xác đến bất ngờ, những phỏng đoán, hay những nhìn nhận, đánh giá về những sự kiện đã diễn ra. Đó còn là một biên niên sử về diễn biến của một cuộc xung đột lớn, với những tình tiết đáng sợ về cuộc khủng hoảng Việt Nam, được viết ra vào khoảng thời gian chiến tranh leo thang và lẽ ra có thể đảo ngược tại một số thời điểm. Cuốn sách ghi chép những sai lầm lặp đi lặp lại, những cơ hội bị bỏ lỡ, những hiểu lầm chồng chéo, những thứ mà Mỹ đã bỏ qua để rồi phải gánh chịu hậu quả như ngày nay.
VỀ TÁC GIẢ: Bernard B. Fall có một vị thế đặc biệt khi ông tường thuật và diễn giải tình hình phức tạp ở Việt Nam. Trong cuộc nghiên cứu toàn diện về Đông Dương, ông đã thiết lập quan hệ cá nhân với tất cả những nhân vật chủ chốt trong xung đột Việt Nam, bao gồm người Pháp, người Mỹ, và người Việt ở cả hai miền. Ông là một trong số ít người phương Tây đã tới thăm các nhà máy do Liên Xô và Trung Quốc giúp xây dựng ở miền Bắc Việt Nam, và ông cũng từng kề vai với những người lính VNCH khi họ bị mai phục. Như tờ Economist từng nhận định, “ông không chỉ đem những kinh nghiệm cá nhân và năng lực học thuật vào công việc, mà còn cả sự tò mò khách quan của một người có thể nhìn thấy sai lầm của Pháp qua con mắt người Mỹ, và sai lầm của Mỹ qua con mắt người Pháp, những người còn ám ảnh về một quá khứ chưa xa”. Ông đã viết nhiều công trình về Việt Nam và Đông Nam Á, tiêu biểu là các cuốn sách Street without Joy, The Two Viet-Nams, và nghiên cứu về Điện Biên Phủ mang tên Hell in a Very Small Place.
Độc giả có thể mượn đọc cuốn sách Vietnam Witness, 1953-1966 tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.
***
MỤC LỤC
Giới thiệu
Pháp để mất Đông Dương
- Giải pháp ở Đông Dương (3/1953)
- Những người cộng sản Pháp và Đông Dương (4/1955)
- Thất bại của Kế hoạch Navarre (12/1956)
- Chính quyền đại diện ở Quốc gia Việt Nam, 1949-1954 (8/1954)
- Đánh giá cuộc đình chiến (9/1954)
- Sắp đặt ở Geneva – Lúc đó và bây giờ (5/1965)
Miền Bắc: Hai thập kỷ cách mạng
- Cuộc nổi dậy của nhân dân (3/1954)
- Cuộc khủng hoảng ở miền Bắc (1/1957)
- Bên trong Hà Nội (11/1962)
- Tình hình miền Bắc Việt Nam (7/1965)
Miền Nam: Một cuộc thử nghiệm bị sinh non?
- Tôn giáo trong chính trị (7/1955)
- Những dấu hiệu nguy hiểm (5/1958)
- Sự ra đời của quân nổi dậy (7/1958)
- Người Thượng (10/1964)
- Nỗi đau của miền Nam Việt Nam (2/1965)
- Vết sẹo chia cắt (7/1964)
Kẻ thù vô hình
- Chiến thuật quân sự của cộng sản (10/1956)
- Việt Cộng (4/1965)
- Quân đội cộng sản mới (9/1965)
Kìm chân phương Tây
- Ván bài ở Đông Nam Á (11/1962)
- Vòng tròn luẩn quẩn, 1954-1964 (5/1964)
- Nguồn gốc xung đột (1/1965)
Chiến tranh Đông Dương lần 2
- Cuộc chiến lạnh lùng (10/1965)
- Số liệu về chiến tranh (7/1965)
- Năm của Diều hâu (12/1965)
- Cuộc chiến cũ, cuộc chiến mới (3/1966)
Lời bạt
Danh mục tài liệu tham khảo
Chỉ mục