Skip to content
  • ĐĂNG KÝ LÀM THẺ
  • ĐĂNG KÝ TẢI TÀI LIỆU SỐ
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

CỔNG THÔNG TIN – NVH LIBRARY'S PORTAL

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Giới thiệu thư viện
    • Đội ngũ nhân sự
    • Liên hệ
    • Báo chí
    • Tuyển dụng
  • Dịch vụ thư viện
    • Câu hỏi thường gặp
    • Bảng giá dịch vụ
    • Đăng ký làm thẻ
    • Đăng ký tài khoản Thư viện số
  • Tài nguyên
    • Blog tư liệu
    • Xuất bản
    • Tin tức
  • Danh mục sách
  • Thư viện số
  • Trưng bày trực tuyến
  • Toggle search form
  • Thái Nguyên trong ngày Tổng khởi nghĩa Blog tư liệu
  • Những “Chủ nhân Đỏ” tiếp quản Hà Nội Blog tư liệu
  • Đứng về phía Pol Pot: Hoa Kỳ hỗ trợ Khmer Đỏ Blog tư liệu
  • Mỹ – Pháp ủng hộ Ngô Đình Diệm sau Hiệp định Genève Blog tư liệu
  • Tây Đô lịch sử Blog tư liệu
  • Thêm nhiều tù binh Mỹ lần đầu xuất hiện trên ảnh Blog tư liệu
  • “Cuộc chiến đã kết thúc!” Blog tư liệu
  • Những cuộc thăm dò hòa bình: Vũ điệu mong manh dưới bảy lớp màn che Blog tư liệu
  • GIỚI THIỆU SÁCH: The great Hanoi rat hunt Blog tư liệu
  • Tường thuật đầy đủ về vụ đàn áp Phật giáo tại Huế Blog tư liệu
  • Tìm hiểu mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Kỳ ngoại hầu Cường Để Blog tư liệu
  • Giới thiệu sách: Steinbeck in Vietnam Blog tư liệu
  • Giới thiệu sách: The great hill stations of Asia Blog tư liệu
  • Mật vụ dưới thời Ngô triều Blog tư liệu
  • Hồi kết của cuộc chiến ở Đông Dương (1954) Blog tư liệu

Sài Gòn, Việt Nam, tháng Tư – tháng Năm 1975

Posted on 22/04/202112/07/2023 By editor No Comments on Sài Gòn, Việt Nam, tháng Tư – tháng Năm 1975

James Laurie

LTS: Bài viết dưới đây do Jim Laurie cải biên từ cuốn THE LAST HELICOPTER: Two lives in Indochina (Chiếc trực thăng cuối cùng: Hai cuộc đời ở Đông Dương) của chính ông xuất bản năm 2020. Jim Laurie và đồng nghiệp của ông, nhà báo, nhà quay phim Neil Davis của hãng truyền hình NBC, là hai phóng viên truyền hình Mỹ duy nhất ở lại Sài Gòn sau cuộc di tản do Đại sứ quán Mỹ tổ chức vào ngày 29 và 30 tháng tư năm 1975. Jim Laurie đã nhiều lần trở lại Việt Nam, chuyến đi gần đây nhất là vào tháng 11 năm 2019.

Bìa sách The Last Helicopter

***

Lời tựa [của tác giả]: Các nhà báo Mỹ ngần ngại không muốn ở lại Việt Nam sau khi chế độ được Mỹ ủng hộ sụp đổ. Hầu hết các nhà báo không biết nhiều về ý định của Hà Nội. Tin tức về quân Khmer Đỏ tàn bạo và cực đoan đánh chiếm Phnôm Pênh ngày 17 tháng Tư lan truyền rộng rãi, gây ra nỗi lo sợ “cộng sản” ở Đông Dương. Nỗi lo sợ về điều gì sẽ xảy ra nữa được cảm nhận rõ rệt trong các giám đốc điều hành của các cơ quan báo chí ở New York. Hầu hết các tổ hợp báo chí kể cả Thời báo New York, Tin điện Washington, ABC, NBC, và CBS (ba hãng truyền hình lớn nhất của Mỹ – ND) đều lệnh cho nhà báo của mình phải rút. Chỉ một số người tự nguyện ở lại. Tôi và Neil Davis được thông báo là chúng tôi sẽ tiếp tục được nhận lương nhưng sẽ không có “chế độ bảo hiểm” như các phóng viên chiến trường ở nước ngoài.

Chương 18. Giải Phóng

Sáng thứ Tư, ngày 30 tháng Tư năm 1975. Tôi dậy muộn. Mặt trời đã mọc sau sáu giờ một chút. Người Sài Gòn luôn dậy vào lúc bình minh để hít thở không khí trong lành trước khi cái nóng trở nên khó chịu. Sáng hôm đó, tôi muốn trở lại nơi tôi đã đến hôm trước, trước cửa Đại sứ quán Mỹ.

Tôi chạy xuống cầu thang khách sạn Caravelle để gặp Neil Davis. Tôi thấy Neil thoải mái, uống cà phê đen. Neil phết mứt dứa lên bánh croissant để ăn sáng.

“Việc gì phải lo, anh bạn… Cứ bình tĩnh. Đại sứ quán có xa đâu”.

Chúng tôi đi bộ khoảng gần một ki-lô-mét đến đại sứ quán, dọc đường tôi cảm nhận thấy Sài Gòn đã khác đêm hôm trước. Luật lệ và trật tự dù rất hạn chế đã mất hẳn. Chúng tôi nghe thấy tiếng súng trường bắn lẻ tẻ. Có ai đó đang tìm cách giữ trật tự. Âm thanh này không giống là có chiến sự.

Cửa đại sứ quán đêm trước còn có lính thuỷ đánh bộ gác nay mở toang. Theo tôi hiểu thì đại sứ quán đã bị bỏ lại. Hàng ngàn người Việt Nam ra vào khu đại sứ quán, hôi tất cả mọi thứ họ thấy, mọi thứ không được buộc chặt. Họ dùng xe đẩy để lấy đi điều hoà nhiệt độ, đèn treo, bàn ghế, hồ sơ và tủ hồ sơ. Một nữ thanh niên ngồi sau xe Honda một tay ôm chặt gối sofa mầu vàng, tay kia ôm chiếc quạt điện.

Có những vẻ mặt tức giận nhưng hầu hết mọi người đều có vẻ cố nắm lấy cơ hội. Tôi nghĩ rằng có lẽ họ chỉ đang tìm cách trả thù người Mỹ đã ở Việt Nam rất lâu mà giờ lại thôi không ở nữa, chạy trốn và bỏ họ lại.

Tôi nhìn lên bãi đáp máy bay trên nóc nhà. Không phải tất cả mọi người đã rời đại sứ quán. Tôi có thể nhận thấy hình bóng của những người có vẻ như là lính thuỷ đánh bộ Mỹ, tay cầm M16 sẵn sàng trong ánh nắng sớm.

Từ phía đông, một máy bay trực thăng lớn bay thấp đến và đáp trên mái nhà. Neil đưa máy ảnh hướng về phía nóc nhà.

Neil chớp được hình ảnh chiếc trực thăng cuối cùng di tản nhóm lính thuỷ đánh bộ cuối cùng khỏi mái nhà đại sứ quán. Chiếc trực thăng lên cao, bay về hướng đông đến tàu sân bay đậu ngoài biển Đông.

Tôi nhìn đồng hồ: 08h00. Chúng tôi vừa chứng kiến hồi kết của cuộc di tản đại sứ quán Mỹ.

Khi người Mỹ cuối cùng đã rời đi, Neil chạy nhanh lên cầu thang, xuyên qua luồng khí cay mà lính thuỷ đánh bộ xả ra khi rút chạy. Trên mái đại sứ quán, Neil thấy hàng trăm người Việt Nam ngồi ở bãi đỗ máy bay chờ được cứu. Họ hy vọng chiếc trực thăng còn quay lại nữa. Chúng tôi biết chắc rằng trực thăng sẽ không đến nữa.

Phía dưới, trước toà đại sứ, tôi bị những người Việt Nam tuyệt vọng bao vây. Có những người cho tôi thấy thẻ định danh, chứng minh rằng họ làm việc cho cơ quan chính phủ Mỹ. Người phụ nữ đội mũ mềm trắng nét mặt đầy lo âu khẩn khoản nói với tôi. “Tôi làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tếHoa Kỳ (USAID). Tôi và gia đình cần phải đi. Ông có thể giúp chúng tôi không?”

Tôi giải thích rằng tôi không thể làm gì được vì chiếc trực thăng cuối cùng đã bay rồi và tôi thì sẽ ở lại Sài Gòn. Cô ta nhìn tôi với ánh mắt bàng hoàng tuyệt vọng.

Xe tăng của bộ đội giải phóng trên đường Tự Do, ngày 30/4/1975 (Ảnh: Jim Laurie)

***

Khoảng sau 9 giờ 30, tôi bắt đầu chuyển tường thuật về chuyến trực thăng cuối cùng cho đài phát thanh NBC, hành động hôi của đại sứ quán, thành phố đang chờ đợi cộng sản Việt Nam tới. Truyền hình NBC ở New York đã đặt trước chương trình tin tức đặc biệt phát vào giờ vàng. Tôi vẫn giữ đường truyền tới New York trong khi theo dõi đài phát thanh Sài Gòn. Đồng nghiệp của tôi là Nguyễn Văn Anh dịch lời của vị tướng về hưu và vị tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, Dương Văn Minh.

Sau 10 giờ một chút, tôi quay lại đường truyền với New York. Ít lâu sau, John Chancellor (chủ nhiệm chương trình tin tức) của NBC bắt đầu lên sóng.

“Phóng viên tin tức của NBC Jim Laurie là một trong số ít người Mỹ còn lại ở Sài Gòn. Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và nói với Việt Cộng rằng Nam Việt Nam đã đầu hàng vô điều kiện và ông đã lệnh cho quân đội Nam Việt Nam hạ vũ khí. Từ Sài Gòn, chúng ta có tin tức của Jim về hành động đầu hàng này”.

“Theo lời của Tướng Minh, chúng ta trao quyền chính phủ cho các ông để tránh đổ máu. Đây là ngừng bắn đơn phương và đầu hàng vô điều kiện… Cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm ở Nam Việt Nam cuối cùng đã kết thúc”.

Đường truyền đài phát thanh vẫn được duy trì một tiếng nữa.

Tôi chạy ra ngoài và chụp ảnh xe tăng Bắc Việt Nam đang rẽ ở một góc gần khách sạn Caravelle. Tôi nhìn hai chiếc xe tăng đi theo hướng đông nam tới sông (Sài Gòn). Môt tổ lái xe tăng khác kiểm tra bản đồ và di chuyển đến Dinh Tổng thống, đại bản doanh của “chế độ nguỵ Sài Gòn”.

Thật là điều kỳ diệu. Chiến tranh đã kết thúc. Tôi chợt nghĩ đến năm 1970, tôi đi cùng xe tăng và trực thăng Mỹ ở Campuchia, và đến năm 1972, khi loạt đạn B-40 gần như trúng đích ở Quảng Trị. Những trận đánh, chết chóc, nỗi đau trong suốt bao nhiêu năm. Mục đích của tất cả những điều đó là gì? Cho điều này? Chẳng nhẽ đến đây là kết thúc?

***

Đường truyền thanh đến New York kết thúc vào 11 giờ 20 phút. Tôi tiếp tục gửi bài tin tức để cập nhật, gõ điên cuồng lên chiếc máy telex trong văn phòng của NBC.

“GỌI BỘ PHẬN TIN TỨC CỦA NBC, NEW YORK, 232346A HẾT”.

Khoảng giữa trưa, một tin nhắn viết toàn chữ hoa của một điện tín viên ở Bưu điện Sài Gòn chạy dọc theo máy telex. Chữ của tin nhắn dần hiện lên.

SGN TLX 18

XIN LỖI

THEO LỆNH CỦA TRUNG TÂM VIỄN THÔNG SAI GON

CHÚNG TÔI PHẢI DỪNG ĐƯỜNG TRUYỀN NGAY BÂY GIỜ VÀ CHÚNG TÔI CHỜ LỆNH MỚI + CÁM ƠN CHÀO+.

Tôi chỉ đánh dòng trả lời, “HIỂU, CÁM ƠN VÀ CHÚC MAY MẮN”

Điện tín viên phía đầu máy bên kia ở bưu điện trả lời, “CHÚNG TÔI SẼ THÔNG BÁO THÊM VỚI BẠN KHI CÓ THỂ. CÁM ƠN CHÀO”.

Đường dây bị cắt ngay lập tức. Liên lạc không được khôi phục lại sau đó một tuần. Một trật tự mới đã bắt đầu.

***

Trong khi đó, Neil Davis rời đại sứ quán đến Dinh Tổng thống. Với máy ảnh trong tay, Neil đã chuẩn bị sẵn sàng. Đến trưa, ống kính của Neil hướng về cửa sắt của Dinh. Neil sau này đưa tin:

“Xe tăng số 843 đâm mạnh vào cửa, nhưng không được. Cửa rơi khỏi bản lề. Xe tăng lùi lại và đâm mạnh lần thứ hai. Một người bộ đội trên đầu chiếc xe tăng nhảy xuống, tay cầm lá cờ Việt Cộng lớn rồi chạy vào Dinh. Tôi chạy theo anh ta, máy quay vẫn quay”.

Một người bộ đội chạy lên phía trước, súng AK lăm lăm trong tay. Anh ta dừng lại đủ lâu để Neil có thể nói vài từ tiếng Việt đã được luyện lâu nay.

“Chào đồng chí đến Sài Gòn”.

“Anh là người Mỹ à?” người bộ đội hỏi.

“Không, Úc Đại Lợi”, Neil thét lên át cả tiếng gầm của xe tăng. “ Úc”.

Người bộ đội hạ súng xuống và chạy đến nơi hàng trăm lính Nam Việt Nam đang tập hợp lại, họ đã trút bỏ hết quần áo lính, chỉ còn mặc quần trong. Họ ngồi ở bãi cỏ, đầu hàng.

Neil tiếp tục quay phim.

Vào thời điểm đó, ở trong một hầm ngầm cách Sài Gòn khoảng 35 ki-lô-mét về phía bắc, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhận được điện báo Dinh Tổng thống đã bị chiếm giữ. Đại tướng đã thông báo với Hà Nội. Nhiều năm sau, Đại tướng Văn Tiến Dũng nói với tôi, “Mọi người đều vui mừng. Chúng tôi khóc vì vui và ôm chầm lấy nhau. Cuối cùng thì đại thắng mùa xuân đã thuộc về chúng tôi”.

***

Chiều hôm đó, tôi cùng đi với Neil để chứng kiến chiến sự cuối cùng, chắc chắn là một trong những cuộc đụng độ bất bình thường với hai chúng tôi trong nhiều năm đưa tin về cuộc chiến. Lần này, chúng tôi đi cùng lực lượng cộng sản, những người lính trẻ mà chúng tôi gọi là “bộ đội giải phóng”. “Bộ đội giải phóng” bắt đầu cuộc càn quét. Họ chậm rãi tiến lên, biết rằng họ có nhiều thời gian. Họ không để ý gì đến chúng tôi khi chúng tôi đi cùng. “Đừng nhô đầu nhé”, Neil nhắc tôi.

Khoảng 40 lính Việt Nam Cộng Hoà trốn gần Hồ Con Rùa, cách Dinh Tổng thống không xa bất chấp lệnh của ông Minh.

Tôi và Neil đi sau cách họ khoảng một đến hai mét. Chúng tôi nghe thấy tiếng súng trường từ hàng cây rậm rạp. Tôi tránh đi. Neil vẫn tiếp tục quay phim. Bộ đội giải phóng tiếp tục bắn. Họ tiến lên, bao vây quân Nam Việt Nam. Họ hô to nghe như mệnh lệnh ở vùng phia Tây hoang dã: “Đầu hàng ngay! Giơ tay lên và đi ra!”

Khoảng một tiếng sau, khi bóng tối đã rủ xuống, chuyến đi của chúng tôi với bộ đội giải phóng đã kết thúc. Lính “nguỵ Sài Gòn” đầu hàng.

***

Nhà báo Jim Laurie, tháng 5/1975

Những ngày đầu tháng Năm, Sài Gòn có vẻ như nằm ngủ. Những nhóm nhỏ bộ đội tập trung ở trung tâm thành phố. Từng nhóm người Việt đứng đầu là sinh viên trẻ đến nói chuyện với bộ đội đến từ Hà Nội. Những người lính trẻ miền Bắc dạn dày chiến trận này có vẻ là những thanh niên vùng quê ngây thơ và e dè, choáng ngợp vì cảnh ở Sài Gòn và không hiểu phải cư xử như thế nào ở thành phố.

Tôi đi lại trên đường Tự Do (sau này đổi tên là Đồng Khởi – ND) nói chuyện với mọi người. Người dân đón chào “bộ đội giải phóng” có phần lo ngại nhưng hầu hết mọi người đều đều thở phào nhẹ nhõm và cười. Họ cảm thấy nhẹ nhõm vì đã không còn chiến sự ác liệt ở thành phố.

Ngày 2 tháng Năm, chúng tôi đi xe ô tô đến Chợ Lớn, khu người Hoa của thành phố và luôn là trung tâm kinh doanh. Chúng tôi phát hiện một nhà máy nhỏ sản xuất cờ. Doanh nhân địa phương đang sơn biển hiệu cho chương trình tuyên truyền của người chủ mới. Biển hiệu có chữ “Vì dân, cho dân, bởi dân”. Những chữ này được coi là của Hồ Chí Minh tuy được mượn từ diễn văn của Abraham Lincoln tại Gettysburg.

Sài Gòn ngày 2//5/1975 (Ảnh: Jim Laurie)

***

Neil và tôi chỉ ra khỏi Sài Gòn một lần. Tình trạng thiếu xăng khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn. Hôm đó, chúng tôi dùng xe màu xanh của hãng NBC đi Mỹ Tho, cửa vào vùng sông Mê Kông. Tôi ngạc nhiên vì cuộc sống vùng nông thôn có vẻ đang quay trở lại bình thường. Tàn dư duy nhất của cuộc chiến mà chúng tôi thấy chưa đầy một tuần sau “giải phóng” là đồng phục của quân đội Nam Việt Nam do lính Sài Gòn vứt bỏ sau khi đầu hàng nằm rải rác trên đường.

Không giống các đồng nghiệp của chúng tôi ở Phnôm Pênh, ở Sài Gòn, chúng tôi sống một cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Chúng tôi có đầy đủ đồ ăn. Quán cà phê Givral ở góc Passage Eden đối diện với khách sạn Continental đã mở lại. Quán lại phục vụ kem kiểu Mỹ: vị dâu tây, sô-cô-la và va-ni. Tôi vẫn có thể đặt bát phở to vào buổi sáng cùng kem vì kem vẫn được bán.

Liên lạc với thế giới bên ngoài vẫn bị cắt. Neil và tôi ngồi ở quán cà phê Givral vui vẻ nghe đài BBC bằng đài radio sóng ngắn của tôi. “Do toàn bộ liên lạc bị cắt, số phận của khoảng 80 nhà báo ở lại Sài Gòn vẫn chưa được biết”, phát thanh viên đài BBC bình tĩnh đưa tin.

***

Đến ngày 8 tháng Năm, bộ mặt đầu tiên của chính quyền mới xuất hiện. Chúng tôi được mời đến Dinh Tổng thống, bây giờ là Dinh Độc lập, dự cuộc họp báo do Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Sài Gòn chủ trì. Tướng Trần Văn Trà là phó của Đại tướng Văn Tiến Dũng, kiến trúc sư của thắng lợi của Hà Nội. Tướng Trà có tiếng là người chân thành và nói thẳng. Không như nhiều người trong giới lãnh đạo, ông là người miền Nam.

Ông Trà đã bảo đảm với chúng tôi là tình hình ở Việt Nam “thống nhất” đang trở lại “bình thường”. “Con đường tái thiết sẽ lâu dài và khó khăn”, ông thú nhận. Ông còn khẩn thiết kêu gọi tất cả phải hợp tác. Ông nhấn mạnh vấn đề mà nhiều người sợ cộng sản đánh chiếm vẫn suy tư, đó là “tắm máu”.

Nhiều năm qua, người Mỹ đã loan truyền nỗi lo sợ về những cuộc hành hình trên diện rộng ở Nam Việt Nam nếu cộng sản lên nắm quyền. Tình hình bất ổn đã thổi lên lời đồn đoán đáng sợ đó. Tôi đã gặp những cô gái trẻ lo sợ rằng móng tay giả sơn bóng của mình sẽ bị công an kéo ra. Họ còn sợ rằng mình sẽ bị buộc phải lấy chồng là những người lính Bắc Việt Nam tàn tật và bị thương vì chiến tranh. Tin tức lan truyền về những điều đã xảy ra với giới tinh hoa đô thị ở nước láng giềng Campuchia chẳng giúp ích gì.

Tướng Trà lên án tin tức về “tắm máu” là “những lời vu khống đáng khinh bỉ”. Ông kêu gọi những người Việt Nam đã bỏ nước ra đi trở lại và giúp xây dựng lại một nước Việt Nam thống nhất. Ông nói với nhà báo chúng tôi: “Trừ một số nhỏ đầu sỏ và phản động, hầu hết mọi người đều không phải sợ Chính phủ Cách mạng Lâm thời”.

Sau cuộc gặp đầu tiên với giới truyền thông, liên lạc bị gián đoạn cả tuần đột nhiên được phục hồi. Tôi chạy vội về văn phòng NBC từ Dinh Độc lập nhưng thất vọng. Tuy điện báo được phục hồi, kênh tiếng vẫn bị đóng, không thể chuyển bản tin tiếng được. Chúng tôi vẫn không thể chuyển phim truyền hình ra (khỏi Việt Nam) được. Tôi điện báo cho New York nói rằng thành phố đang quay trở lại tình hình có phần nào giống như trước khi (Sài Gòn) thất thủ. John Chancellor đã trích đọc thông tin của tôi trong bản tin đêm. Như nhà cầm quyền mong muốn, Tướng Trà cũng đã được đề cập đến.

Tin của tôi cũng bắt đầu xuất hiện ở Hồng Kông trên tờ Tạp chí Kinh tế Viễn Đông. Ngày 16 tháng Năm, bài viết của tôi nhan đề “Những giờ cuối cùng làm Tổng thống của Minh Cồ” xuất hiện. Ngày 23 tháng Năm, tít của bài báo của tôi về Tướng Trà là “Cảm giác nhẹ nhõm sau trận mạc”. Bài báo này đã tóm tắt gần hết bầu không khí (ở Sài Gòn) đầu tháng Năm.

***

Đến giữa tháng Năm, tất cả phóng viên người Việt và nước ngoài nhận được yêu cầu phải đăng ký với nhà chức trách mới. Tôi trình hộ chiếu cho một người tên là Phương Nam thuộc Ban Ngoại vụ, Uỷ ban Quân quản.

…

Tháng Năm đánh dấu một loạt kỷ niệm quan trọng đối với những người cầm quyền ở Việt Nam thống nhất. Ngày 7 tháng Năm, Hà Nội làm lễ kỷ niệm thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ. Ngày 19 tháng Năm, người Việt Nam mừng ngày sinh của Hồ Chí Minh và quyết định đổi tên Sài Gòn thành thành phố mang tên ông. Thành phố chính thức đổi tên vào đầu năm 1976.

Ngày 15 tháng Năm, những người cầm quyền mới tổ chức diễu hành mừng thắng lợi. Nhà báo Pháp, Nga và Trung Quốc đến từ Hà Nội. Nhiều lãnh đạo Đảng, từ cả miền Bắc và miền Nam, vào (Sài Gòn) bằng máy bay.

Một khẩu hiệu lớn bằng tiếng Việt mang dòng chữ của Hồ Chi Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

***

Một vài ngày sau ngày lễ lớn, Phương Nam triệu tập tôi và cho tôi một lựa chọn. Rời Sài Gòn đi Viêng Chăn, Lào với những thước phim thời sự quay được hơn 20 ngày qua để xử lý và phát trên NBC, hoặc ở lại chút nữa và không được mang phim ra. Thực ra không có lựa chọn nào.

Neil Davis sẽ tiếp tục ở lại. Tôi sẽ đi máy bay qua Viêng Chăn và đi tiếp sang Hồng Kông mang theo ba túi phim. Uỷ ban Quân quản thu xếp tất cả. Thứ Bảy ngày 24 tháng Năm, tôi chuẩn bị vali và tạm biệt bạn bè Việt Nam và bạn bè Campuchia sống ở Sài Gòn.

Thứ hai ngày 26 tháng Năm, một chương trình truyền hình đặc biệt được phát trên kênh NBC từ Hồng Kông. Thông báo có nội dung: “Chúng tôi hoãn phát chương trình “Tối nay” cùng ngôi sao Johnny Carson để đưa đến cho các bạn bản tin đặc biệt của đài NBC. Đó là Sài Gòn cộng sản”.

Nhìn lại tháng Tư và tháng Năm năm 1975 khi tôi ở Đông Dương, tôi thấy có sự tương phản rõ rệt giữa Việt Nam và Campuchia.

Tôi đã vật lộn với tin tức về việc đuổi người dân khỏi các thành phố ở Campuchia và hành động tàn ác của cộng sản Khmer. Nhưng ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến cuộc tiếp quản có trật tự với số người chết ít hơn nhiều so với hình dung của nhiều người.

Với cuộc chiến lâu dài là vậy, liệu cuộc tiếp quản của cộng sản ở Nam Việt Nam có thể đẫm máu hơn không? Tôi tự hỏi tại sao quân Khmer vẫn tiếp tục chiến đấu bên ngoài Phnôm Pênh năm ngày sau khi người Mỹ bỏ mặc họ tự xoay xở. Tuy nhiên ở Việt Nam, chỉ một vài đơn vị Nam Việt Nam gắng sức bảo vệ tổ quốc. Trong vòng vài tiếng sau khi Mỹ rời (Việt Nam), cuộc đã chiến kết thúc.

Blog tư liệu Tags:1975, Báo chí, Chiến tranh Việt Nam, Sài Gòn, Việt Nam trên báo Mỹ, Vietnam War

Post navigation

Previous Post: “Cuộc chiến đã kết thúc!”
Next Post: Nước Mỹ và ám ảnh Việt Nam

More Related Articles

Phóng sự ảnh của nhà báo Pháp: Bộ đội Bắc Việt tạo dáng trước ống kính Blog tư liệu
Giới thiệu sách: Steinbeck in Vietnam Blog tư liệu
“Trại May Mắn” thẳng tiến Blog tư liệu
Tù binh Mỹ trở về nhà như thế nào? Blog tư liệu
Báo Thể thao và Văn hoá công bố Đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2024 Báo chí
Hà Nội giáp Tết 1967 qua hồi ký của nhà báo Mỹ Blog tư liệu

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Tạp chí Phương Đông Official Channel
  • Thư viện Nguyễn Văn Hưởng Fanpage
Tạp chí Phương Đông số tháng 10-2024

Chuyên đề

  • Việt Nam trên báo Mỹ
  • Tạp chí Phương Đông

Kết nối với chúng tôi

Nguồn tài liệu

  • The Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive
  • MSU Vietnam Group Archive
  • The Wilson Center Digital Archive
  • The National Security Archive
  • CIA Historical Collections
  • Office of the Historian – U.S. Department of State
  • National Archives
  • Internet Archive
  • United Nations Archives
  • Journal of Vietnamese Studies
  • Harvard-Yenching Library
  • Yale University Digital Collections: Maurice Durand Han Nom
  • Digital Libraries – Gallica – BnF
  • Les Archives nationales d’outre-mer
  • Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient
  • Sách Đông Dương – Thư viện QGVN
  • Thư tịch Hán Nôm – Thư viện QGVN
  • Báo chí số hóa – Thư viện QGVN

Bài mới

  • Tầm nhìn từ Lịch sử
  • NHỮNG KHOẢNH KHẮC QUYẾT ĐỊNH TRONG NGÀY 30/4/1975 (Kỳ 2)
  • Hồi kết của cuộc chiến ở Đông Dương (1954)
  • Lịch sử Trường Quốc Học Huế
  • Trang phục người dân An Nam

Lưu trữ

TRƯNG BÀY KỶ VẬT CHIẾN SĨ

Tags

1945 1954 1975 Bảo Đại Báo chí Chiến tranh Việt Nam Chiến tranh Đông Dương chế độ thực dân chủ nghĩa thực dân Chủ tịch Hồ Chí Minh CIA Cách mạng Tháng Tám giới thiệu sách Hoa Kỳ Huế Hồ Chí Minh Hà Nội Mỹ nghệ thuật ngoại giao Ngô Đình Diệm Ngô Đình Nhu Nhật phong trào phản chiến phong tục phản chiến Pháp POW/MIA Quan hệ Việt - Mỹ Sài Gòn thuộc địa Thập niên 1960 Thực dân Pháp triều Nguyễn Tết tình báo Vietnam War Việt Minh Việt Nam Cộng hòa Việt Nam thời hậu chiến Việt Nam trên báo Mỹ văn hóa Đảo chính Đông Dương Đông Nam Á

Đăng ký

  • ĐĂNG KÝ LÀM THẺ
  • ĐĂNG KÝ TẢI TÀI LIỆU SỐ
  • Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa Xuất bản
  • Giải phóng Xuất bản
  • Tầm nhìn từ Lịch sử Xuất bản
  • Chuyến thăm Hà Nội Xuất bản
  • Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19 Xuất bản
  • Đối thoại với các phái đoàn Hoa Kỳ Xuất bản
  • Pol Pot: Mổ xẻ một cơn ác mộng Xuất bản
  • Thế giới đang thay đổi – Trật tự đa cực xuất hiện Xuất bản
  • Nước mắt mùa thu Xuất bản
  • Biển Đông – Nhìn từ góc độ lịch sử và pháp lý Xuất bản
  • Nước Nga trong thế giới đa cực Xuất bản
  • Thắng địa Thăng Long – Địa linh đất Việt Xuất bản
  • Cuộc chiến của tôi với CIA: Hồi ký của Hoàng thân Norodom Sihanouk Xuất bản
  • Một góc nhìn thời cuộc Xuất bản
  • Miền đất vàng Đông Dương Xuất bản

Copyright © 2025 Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.